Chương 2

Điều Tài nói về Dương Hành với Dũng hiệu trưởng trường Tương Lai hoàn toàn đúng sự thật. Quê anh ở Quảng Châu, Quảng Đông, một tỉnh giáp biên giới Bắc Việt Nam, nhưng anh lớn lên ở viện mồ côi Bắc Kinh.
Dương Hành học hết phổ thông đúng tuổi dù phải học chậm so với bạn bè hai năm. Đó là năm 1983 khi đất nước anh tạm thời ổn định về chính trị và cuộc cách mạng văn hóa của bè lũ Giang Thanh chỉ còn là bóng ma quá khứ ám ảnh người dân Trung Quốc. Anh chọn đại học báo chí, được học bổng và được đánh giá là một sinh viên xuất sắc.
Năm 22 tuổi, Dương Hành tốt nghiệp ra trường, xin về thành phố quê hương làm cho một tờ báo lớn chuyên về tin tư liệu nước ngoài. Anh phụ trách trương mục về Việt Nam, và có may mắn làm quen với một nhà cách mạng lão thành đã từng sống với những nhà cộng sản Việt Nam. Nhà cách mạng ấy với Dương Hành là kho tư liệu sống trung thực, ông đã kể cho anh nghe nhiều chuyện về những con người trên đất nước chỉ cách quê hương anh có một lằn ranh giới cương thổ. Và cũng chính ông chứng kiến lễ nhận cha nuôi cho Dương Hành, người cha ấy chính là bạn tri kỷ của ông.
Từ đó Dương Hành học tiếng việt, tìm hiểu lịch sử đất Việt qua mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước. Suốt 4 năm anh là biên tập viên về tư liệu Việt Nam xuất sắc, rất được cha nuôi anh thương mến. Ông được cử làm bí thư thứ I, kiêm cố vấn cho ông đại sứ Trung Quốc tại Vệt Nam vào năm 1991 mang theo tâm nguyện của Dương Hành, có được một lần đến Việt Nam tham quan, học hỏi.
Dương Hành là người thích sống cô độc, anh không làm bạn với ai ngay cả ở giảng đường đại học. Nơi bạn Việt ngữ có rất nhiều sinh viên các nước theo học, nhưng anh lại kết bạn với Thế, sinh viên năm thứ 3, qua một buổi chiều Thế chơi bóng rổ xong, ngồi kể cho các bạn nghe chuyện hôm qua đến trường Tương Lai thăm đám trẻ bụi đời.
Một tình bạn đến với hai người hoàn toàn tốt đẹp. Ở viện đại học không ai ngạc nhiên chút nào khi thấy hai anh chàng, một như sếu vườn lêu khêu vung tay múa chân thao thao bất tuyệt, bên một anh chàng dáng dấp nho nhỏ, có gương mặt triết nhân. Một kẻ nói suốt ngày, một kẻ suốt ngày chỉ cười trong yên lặng.
Và buổi đi thăm này là kết quả của tình bạn ấy sau suốt tháng thế đưa Hành về nhà làm quen với gia đình và các anh mình. Tài sâu sắc, tế nhị. Thỉnh thoảng vài câu hỏi, một cuộc đi phố đêm ngắn ngủi, một buổi rủ Hành ở lại đêm uống trà và xem hoa quỳnh nở trên sân thượng hay yêu cầu anh cùng tham khảo, bình luận về một tư liệu, hoặc tin tức chính trị thế giới. Tài hiểu người thanh niên Trung Hoa này rất trung thực và có quá khứ bi thương.
Họ thật sự thành bạn nhau khi Dương Hành được cùng đi đến trường Tương lai.
Dương Hành không ngủ dù đêm đã khuya, căn phòng Thế dành cho anh nằm sát sân thượng. Đêm Sài Gòn không mưa qua khung cửa sổ Hành nghe hương hoa quỳnh quyện gió thoảng vào phòng. Nhặt đóa hoa sứ để trên đầu tủ nhỏ, bỏ vào túi áo ngủ, anh trở dậy, mở nhẹ cửa bước ra sân thượng. Trời đêm trong xanh và hàng triệu ngôi sao tỏa sáng vẫn không lẫn được ánh sáng đèn màu. Đêm Sài Gòn còn tĩnh lặng, bình yên bù cho một ngày sôi động.
Hành châm điếu thuốc, rít nhẹ một hơi, rồi nhả khói bay lơ lửng, anh đứng hòa mình giữa không gian, đất trời, mặc kệ thời gian trôi.
Những đoá hoa quỳnh vẫn khoe sắc ngọt ngào hương trong đêm, những giò phong lan thầm kín ngủ say và bên dưới, cây hoa sứ thở dài theo gió. Tất cả hoà nhập vào tâm hồn Dương Hành đưa anh về quá khứ có tuổi thơ cay cực đau buồn, giúp anh nhớ đến thực tại một ngày đã qua ở trường Tương Lai, nơi ấy có những đứa trẻ như anh hoặc tệ hơn anh, vì còn cha mẹ nhưng đã bị bỏ rơi.
Hành nghe đắng chát trong miệng, anh nhớ những người bạn ở viện cô nhi ngày ấy, gái có, trai có, bao nhiêu người được có đời sống ổn định như anh? Trung Quốc hay Việt Nam đều mới trăn trở vươn mình và không ít gái trai rời trường đào tạo trở thành kẻ ăn bám gia đình vì không có công ăn việc làm.
Hành đưa tay xoa vầng trán đã có nếp nhăn vì suy tư cho cuộc sống. Gương mặt Tấn, đứa con trai 20 tuổi trên vóc dáng đứa trẻ 12 tuổi, hiện trong mắt anh lẫn tiếng lục lạc reo và tiếng nói như hát ở cô gái bận quần sọc đỏ. Hành cho tay vào túi áo, lấy ra đóa sứ màu đỏ, anh bóp nát nó trong tay mình rồi tung ra giữa không gian im lặng. Mắt anh cay xé.
oOo
Cô sinh viên đại hoc kinh tế thương mại đã 2 năm đến giảng đường với chiếc cặp học sinh thời trung học, điều ấy khiến cả trường đại học chế nhạo, riêng cô cứ tỉnh bơ.
Và rồi đám con gái chợt khám phá ra, trong chiếc cặp có nhiều thứ mê ly không tưởng nổi, nhất là ngồi ở dãy cuối giảng đường. Lúc ấy cô nào cũng khoái ngồi bên Châu Hà, để có thể cho tay vào cặp thời trung học lấy ra nào cóc, ổi, me cam thảo, thịt bò khô...
Các thứ trong đời sinh viên có nhiều như những nỗi gian nan khi học tập, riêng cái thú miệng nhóc nhách nhai quà vặt, tai lắng nghe thầy dạy, không thể trộn lẫn vào, nên cô sinh viên nào cũng khoái làm bạn với Châu Hà, còn cô lại không khoái.
Châu Hà chẳng giống bất cứ cô gái nào trên cõi đời này. Nếu tiếng reo lục lạc ở chân đã làm toàn viện đại học sửng sốt hơn cả cái cặp của cô, thì lời tuyên bố hùng hồn trong trận thi đấu bóng rổ hôm qua làm tất cả sinh viên té ngửa:
- Hôm nay kỷ niệm ngày tôi nhận lá thư tình thứ 100 và chưa có thư nào tôi xé ra xem cả, nay bỏ làm quà cho đội đoạt giải nhất cuộc thi, kèm theo lời nhắn gởi, chốn này để học, chớ không phải chỗ mình chọn vợ hay tình nhân, chấm và hết.
Dĩ nhiên những lá thơ không nhận dùng làm giải thưởng và chúng trở thành bươm bướm bay khắp sân trường Đại học. Trong khi Châu Hà với vẻ mặt nghiêm trang chưa từng có lên chiếc Chaly biến mất.
Trò chơi tinh quái cô bị trả giá ngay chiều nay. Hai gã con trai có vẻ mặt cô hồn chèn xe, chận cô lại ngay khoảng đường vắng:
- Mày là Lý Châu Hà?
Môi cô gái cong cớn lên không chút sợ hãi nào:
- Không được mày tao với tôi!
Thằng áo hoa hối thúc:
- Lẹ lên mày, cho nó bài học rồi dọt.
Châu Hà hiểu ra, cô la to, lùi lại:
- Trí hay Thanh thuê các người đánh tôi? Các người đừng có hèn, ăn hiếp con gái.
Cả hai thằng côn đồ vung tay chụp lấy Châu Hà. Tính tinh nghịch bẩm sinh cứu cô trong đường tơ kẽ tóc, chân cô búng ngược, lộn một vòng đã thoát xa hai gã mấy bước. Bỏ mặc chiếc xe, cô vùng chạy la to:
- Ăn cướp! Ăn cướp!
Hai gã có chút ngần ngừ rồi rượt theo. Châu Hà đâm sầm vào chiếc xe chạy ngược chiều, dù chủ xe đã thắng kịp, cô ngã xuống, miệng vẫn la:
- Côn đồ hành hung.
Người chủ xe vất chiếc xe, tung mình chận hai gã côn đồ đang định tháo lui, trong chớp mắt, Châu Hà qua màn sương mắt lung linh chẳng rõ người đàn ông ấy làm cái gì mà hai tên nằm dài.
Người ấy cúi xuống đỡ cô lên, ân cần hỏi:
- Có sao không cô bé?
Châu Hà ráng nhịn đau, lắc đầu nói ngon lành:
- Không đau! Anh gọi công an dùm.
Chàng trai có tấm thân cao to, sừng sững mỉm cười:
- Được rồi! Chúng còn ngủ khá lâu đó, cô bé có thể cho anh biết, tại sao chúng hành hung không?
Cơn đau đi qua, Châu Hà trả lời ngon lành:
- Có 2 gã "mác" sinh viên, trong hai niên học đã gởi cho Châu Hà 100 bức thư tình, được viết ngay ở giảng đường. Châu Hà cho 100 bức thư thành 100 con bướm bay giữa sân trường đại học và kết quả là đây.
Người thanh niên không nhịn được cười với vẻ ngạc nhiên:
- Cô bé là sinh viên à?
Cô gái mở to đôi mắt một mí tròn như hột nhãn:
- Năm thứ 2 rồi, anh đừng tưởng nhỏ nghe. Đi gọi công an còng hai thằng này.
Người thanh niên gật đầu:
- Cô bé đi gọi tốt hơn, hai thằng có thể tỉnh dậy bất ngờ.
Châu Hà chạy đi, tiếng lục lạc reo khiến người thanh niên sửng sốt và bật cười thích thú. Anh đến dựng xe lên, bụng nghĩ thầm "Cô bé vô tư làm sao, bỏ cả chiếc xe đây".
Chiếc cặp cô nằm trên bờ cỏ, bị mở tung ra, những sơri, xí muội, thịt bò khô lăn lông lốc, càng khiến người thanh niên cười. Anh có vẻ thích thú khi lượm từng thứ và sách vở bỏ vào chiếc cặp. "Sinh viên kinh tế thương mại năm thứ 2", thật không tưởng nổi.
Châu Hà trở lại với 2 người công an. Cô không chút do dự đi đến đồn công an làm lời khai khẳng định một trong hai tác giả của 100 bức thư tình đã thuê côn đồ hành hung cô.
Người công an lấy lời khai tỏ ra thích thú cô sinh viên bé tẹo, với tiếng lục lạc reo, cái đầu cột tóc chổng ngược như đuôi ngựa lại có sự tự tin quả quyết như vậy.
Cô ra về sau khi người công an hứa với cô sẽ điều tra vụ này tường tận, bởi vì luật pháp cần được bảo vệ nghiêm minh, bằng cách đứng về những công dân lương thiện, trừng phạt bọn cặn bã thích đáng, nhất là bọn giả mạo "mác" sinh viên làm ô danh trường đại học.
Cô gái lên xe với sự tự tin, yêu đời một cách hồn nhiên, cô vẫy tay chào người thanh niên có thân hình to lớn và lời hẹn gặp lại.
Chiếc xe cô tung tăng biến mất giữa dòng xe cộ như mắc cửi để lại bên tai chàng trai đứng đồn công an tiếng lục lạc reo và giọng nói như hát, trong veo, ngọt ngào. Cô bé chưa biết tên mình, chàng trai sực nhớ điều ấy.
oOo
Cô gái trợn mắt, dẩu môi, dậm chân thình thịch giữa phòng học:
- Em về trễ là vì bị bọn côn đồ hành hung.
Khánh Hòa đứng phắt lên hết hồn:
- Có sao không? Sao lại dối mẹ hả? Tại sao?
- Nói cho mẹ sợ đến bỏ ăn ngủ à? Mẹ mắng cứ như hát ru thôi mà, hay lắm.
- Mà tại sao bị vậy? - Khánh Hòa đưa tay lên trời.
Lại một lần nữa Châu Hà kể chuyện 100 bức thư tình. Khánh Hòa chỉ còn biết thở ra ngao ngán, lắc đầu nhìn em gái.
- Sao em có thể nghĩ ra chuyện nghịch ngợm vậy chứ? Giờ làm sao đây?
Cô gái nhướng mày nhoẻn miệng cười:
- Làm sao đâu, công an sẽ làm công việc đó mà.
Khánh Hòa bực dọc:
- Liệu công an có bảo vệ em suốt đời được không? Và chẳng lẽ ngày nào em cũng gặp được một thanh niên hào hiệp như hôm nay?
Cô gái chống tay xuống bàn, chớp mắt suy nghĩ:
- Ờ hén! Chưa kể bọn lưu manh, ăn cướp có mặt trên mọi nẻo đường.
- Còn gì nữa! - Khánh Hòa nhăn nhó.
Cô gái chợt cười khanh khách nói tỉnh bơ:
- Vậy thì, từ nay chở em đi học rồi chở về.
Dĩ nhiên có cách nào khác đâu chớ. Ai biểu Khánh Hòa làm anh Châu Hà làm chi. Sau đó là phần điều tra của ông anh rất thương em gái:
- Bé lục lạc! Anh chàng đó ra sao?
Bé lục lạc nhăn nhó y như khỉ:
- Thôi đi! Em phải gạo bài.
- Nè! Coi chừng là một màn kịch làm hiệp sĩ để lọt vào nhà mình đó nghe!
Cô gái có một giây giựt mình rồi cười khì:
- Không có đâu, lúc đó em đang chạy Maratong, đâm sầm vào xe anh ta, miệng la búa xua, bắt buộc anh ta phải trở thành hiệp sĩ. Tướng bự con, cao lớn, bảnh trai lắm, đi chiếc xe 250 phân khối, không ra dáng họ Sở chút nào.
- Có hỏi tên tuổi, nhà ở mình không?
- Không hỏi, nhưng ở đồn công an ảnh đã biết rồi.
- Hắn tên gì? Nhà ở đâu? Có nói em nghe không?
- Em không có hỏi, hắn cũng không nói. - Hơi ngẩn người sực nhớ, bé lục lạc chịu không nổi ông anh vụt la lớn:
- Thôi nghe anh Hai, làm gì như hỏi cung vậy?
Tiếng la của Châu Hà khiến ông Lý Hưng vừa đi tới bước vào:
- Bé lục lạc! Chuyện gì?
Ông hỏi mà nhìn Khánh Hòa. Không muốn cha lo âu, anh lấp liếm:
- Không có gì, con ghẹo nó thôi.
Ông Lý Hưng rầy con:
- Để em nó học bài, hồi con còn đi học ai ghẹo con chớ?
Châu Hà nháy mắt nhìn anh rồi giở trò ngay:
- Ảnh chưa có vợ mới vậy đó ba, ba đi hỏi Alin cho ảnh đi.
Ông Hưng định nói, Khánh Hòa đã nhăn nhó:
- Ba! Con không ưng có vợ đâu!
Ông vỗ vai con:
- Chuyện con lập gia đình sớm muộn ba không quan tâm. Ba chỉ mong con gặp người xứng đáng.
Ông vuốt tóc con gái thay lời âu yếm theo lệ thường rồi đi ra. Khánh Hòa đưa tay dọa em, Châu hà lè lưỡi trêu lại, rồi chợt ôm anh hôn mạnh một cái rồi đẩy anh ta ngoài chốt cửa lại, cười lên khanh khách.
Ông Hưng về phòng, bà Hương đang làm sổ sách ở bàn. Tuổi 52 bà vẫn đầy đủ sức khỏe, mắt tinh tường làm tăng vẻ đài các đoan trang. Ông Hưng đến bên vợ ngồi xuống:
- Em à!
Bà Hương đặt bút nhìn chồng:
- Bé lục lạc vòi anh cái gì chăng?
Ông Hưng đặt tay lên vai vợ:
- Không! Anh sực nghĩ, Châu Hà đã 20 rồi mà vẫn vô tư đeo lục lạc đi khắp nơi.
Bà Hương mỉm cười:
- Con vô tư anh phải vui mừng chứ? Nó có thể học đến nơi đến chốn.
- Anh biết! Giáng Hương...
Bà Hương dấu vẻ lo lắng. Bà đã 32 năm chung sống bên chồng, chỉ có 3 lần ông gọi tên bà kiểu đó và lần nào cũng là chuyện lớn lao, đau lòng.
- Bé lục lạc có chuyện à?
- Không, ý anh muốn nói đã hơn 50 năm anh chưa về lại quê hương, chiếc vòng lục lạc không thể chỉ có một cái.
Bà Hương thở ra rất nhẹ:
- Bây giờ hai nước bang giao không còn cách trở, nếu anh muốn đi thì chẳng khó khăn gì. Biết đâu có thể tìm được người thân thích.
Ông Hưng trầm ngâm khá lâu:
- Hồi đó anh mới 13 tuổi, nhưng vẫn nhớ như in lời bà giám đốc viện cô nhi. Bà nói trên chiếc vòng có sơi dây tơ vừa bứt đứt, nghĩa là người bỏ anh lại đó đã lấy đi một cái làm tin. Hồi đó anh qua đây vì nạn đói, ngay cô nhi viện, hàng ngày bạn bè anh vẫn chết đói. Bao năm qua anh dựng cơ nghiệp nơi đây, nhận làm quê hương mình vẫn không quên cội nguồn được. Giáng Hương! Anh đi Quảng Đông vài tuần, liệu em và con đủ sức lo cho cơ xưởng mới không?
- Anh yên tâm đi, còn người quản đốc, còn KCS kia mà.
Nhưng bà Hương không dấu được nỗi buồn, ông Hưng hiểu tại sao.
- Anh chỉ về tìm cội nguồn, anh không hề quên lời hứa với em.
Bà Hương đứng lên lại gần cửa sổ:
- Chúng ta đã đi đến cuối cuộc đời, anh hứa không về lại Quảng Đông, em biết anh sẽ khó giữ lời. Nhưng em có thêm điều yêu cầu.
- Em nói đi!
- Nếu mai này bé lục lạc gặp người ý hợp tâm đầu, anh đừng phân biệt người Việt người Hoa mà làm lỡ duyên của con.
Ông Hưng nín lặng. Đó là điều ông luôn tránh né nói tới, bởi ông dù xuất thân trẻ mồ côi, vẫn là người Trung Hoa. Người Hoa không gả con gái cho kẻ khác dân tộc mình.
Bà Hương lần đầu tiên trong đời tỏ ra cứng rắn với chồng:
- Em đã thấy anh cố ý chọn người có chức vụ trong xí nghiệp, cơ xưởng, đều là nam giới người Hoa trẻ tuổi. Anh cho phép họ đến nhà chơi và làm quen với con gái mình. Hơn 55 năm nước này đã nuôi anh lớn khôn, cho anh mọi thứ anh cần, mà quan niệm cổ hủ độc đoán kia anh không xóa bỏ được. Em muốn nói cho anh rõ một điều, không một tập tục, không một biên giới gì có thể làm con gái em khổ được, nếu nó chọn được người bạn đời xứng đáng.
Ông Hưng chưa bao giờ thấy vợ như vậy và tại sao? Chẳng lẽ vì quyết định đi Quảng Đông của ông hay sao? Ông phân trần, đi lần bên vợ:
- Họ đều trẻ tuổi, tài năng, nhưng nếu con mình không thích, anh không ép. Anh sẽ chẳng vui gì nếu gây đau khổ cho con. Được rồi! Giáng Hương, anh hứa với em.
Bà Hương bấy giờ mới nói:
- Chiều nay em đã đuổi quản lý xưởng kéo thép và trợ lý kinh doanh.
Ông Hưng kinh ngạc:
- Vì sao?
- Giữa chốn đông người cả hai đều tô vẻ quan hệ với Châu Hà, nói năng bậy bạ, chưa kể chuyện luôn quấy rối nó làm phân tâm học hành.
Ông Hưng thở ra, hiểu vợ rất nghiêm khắc chuyện này, bà mang dòng máu tiểu thư nhà quan không phai nhạt. Thời buổi bây giờ trai gái nhiều khi hôn nhau ngay đường phố, còn bà nghĩ đến chuyện con gái phải che mặt khi lấy chồng. Mấy cô gái ở xí nghiệp rất sợ bà.
- Cả hai đều có tài.
- Không có đức cũng bỏ. Anh yên tâm, chỉ sợ mình trả lương không cao, chứ tuổi trẻ tài năng, đất nước này không thiếu.
Ông Hưng buột miệng:
- Như thằng Quảng...
Ông nín bặt, gương mặt người vợ ông yêu dấu thoáng vẻ đau đớn, ông vụt ôm lấy bà:
- Hương! Chuyện đã qua rồi em! Hãy nghĩ đến những đứa con còn sống.
Bà thì thào trên vai ông:
- Phải, còn có Khánh Hòa và Châu Hà.
oOo
Cô thư ký có chút do dự bước vào phòng, Khánh Hòa đang chăm chú xem hồ sơ, dường như anh quên đã hết giờ làm việc? Cô vờ ho nhẹ, Khánh Hòa ngước lên:
- Thưa ông Lý! Bà chủ có chờ cơm ông không ạ?
Khánh Hòa hiểu ý, anh giải thích:
- Tôi chờ đến giờ đón em gái tôi, cô cứ về đi.
- Dạ! Chào ông!
Cô thư ký đi khuất, Khánh Hòa ký nốt đống giấy tờ rồi vươn vai đứng lên. Anh nhìn đồng hồ, xách cặp ra khỏi phòng. Anh có một phút dừng ở lan can lầu nhìn xí nghiệp mình. Lúc xưa nó chỉ là một nhà máy kéo thép nhỏ, người chủ bán lại cho cha anh để đi nước ngoài đoàn tụ với con. Với gần 2 năm vừa xây dựng vừa sản xuất, nó trở thành xí nghiệp đúc, kéo sắt thép và đồ dùng công, nông nghiệp. Hết năm nay cha anh xây dựng thêm xưởng lắp ráp động cơ ghe thuyền và nông nghiệp. Đồ án đã xong khi mẹ anh duyệt ngân sách, chỉ còn chờ bộ ký giấy phép để anh có thể ký hợp đồng hợp tác với nhà máy động cơ Nhật Bản. Khánh Hòa tặc lưỡi, mong là không lâu lắm.
Khánh Hòa ra cổng, vài công nhân trực cơ xưởng đi qua chào anh, người bảo vệ đứng bên một cô gái, thấy anh lật đật chào:
- Cậu Lý về muộn?
Có một thoáng Khánh Hòa thấy cô gái với mái tóc dài, dáng dấp mảnh mai. Ông bảo vệ đã già, chắc con ông ta. Khánh Hòa tươi cười:
- Bác Thường, tôi có thêm nhiệm vụ đưa đón Châu Hà, con bé hôm qua bị côn đồ hành hung.
Ông Thường giật mình:
- Cô Hà rất dễ thương sao lại vậy?
Khánh Hòa lắc đầu:
- Nó quá tinh nghịch, chọc giận mấy ông trời con ở trường. Thôi tôi đi.
Anh và chiếc xe xa rồi, cô gái còn nhìn theo. Ông Thường nói:
- Con ông chủ đó, làm phó giám đốc, đàng hoàng lắm, phải tội khô khan lạnh nhạt với đàn bà. Có lẽ tại bà chủ quá nghiêm khắc.
oOo
Trong lúc ấy, xe Khánh Hòa đang bon nhanh trên con đường. Anh đến trường vừa hết giờ học. Sinh viên trai gái ùa ra đông đặc. Giữa lớp người trẻ tuổi, Châu Hà không lẫn lộn được bởi mái tóc cột cao bằng sợi ruy băng màu đỏ thắm, dáng cao như vận động viên thẩm mỹ, có gương mặt trẻ con.
Cô gái đưa mắt nhìn quanh, không chỉ mình Khánh Hòa gọi em:
- Châu Hà!
Một chàng trai đứng bên chiếc xe to bự 250 phân khối cũng gọi. Châu Hà băng qua đường tinh nghịch:
- Anh Hòa giỏi!
Chàng trai lại gần:
- Chào cô sinh viên bé tí!
Châu Hà nhảy nhổm, tiếng lục lạc khua rộn rã:
- Là anh à!
Cô thấy cái nhìn của anh nghiêm khắc vô cùng, vội nói luôn:
- Anh Hòa! Anh chàng hiệp sĩ hôm qua đó.
Gớm thật! Hôm qua làm hiệp sĩ, hôm nay đã đón ở cổng trường. Vì Châu Hà có nét đặc biệt cuốn hút con trai hay vì biết nó con ông Lý Hưng nhỉ? Nhưng Khánh Hòa vẫn hòa nhã, lễ độ:
- Cảm ơn anh đã giúp em gái tôi!
Chàng trai tươi cười đưa tay:
- Tôi là Quyền, dạy võ ở nhà văn hóa Quận II.
Châu Hà reo:
- A! thì ra võ sư, rất gồ ghề. Này! Anh có rảnh không?
Khánh Hòa buông tay Quyền rầy em:
- Em muốn làm phiền anh Quyền gì nữa?
Cô gái tỉnh bơ:
- Em muốn học võ.
Khánh Hòa lắc đầu:
- Con gái học võ làm gì? Em lại làm phiền người khác vô lối.
Quyền đỡ lời:
- Có chút võ nghệ cũng hay, nếu Châu Hà thích, tôi rất vui lòng.
Khánh Hòa cương quyết:
- Không được, từ nhà tôi đến Quận II rất xa, mẹ tôi không bằng lòng cho em gái tôi về tối.
Châu hà xị mặt, Quyền tươi cười:
- Không sao! Tôi sẽ đến tận nhà dạy khi rảnh.
Thật là hết biết. Anh chàng này không bỏ sót cơ hội nào dù bé nhỏ, nhưng Khánh Hòa không tiện cảm ơn nữa.
Anh quay sang em:
- Về nhanh kẻo mẹ chờ cơm.
Rất lịch thiệp. Khánh Hòa chào từ giã Quyền:
- Mong có dịp cảm ơn anh, hôm nay vì không nói trước nên sợ mẹ tôi chờ.
Châu hà lên xe, còn nghịch ngợm dẩu môi với Quyền:
- Anh nhớ lời hứa nghe.
- Anh nhớ, Châu Hà...
Chiếc xe đã phóng đi, Quyền ngẩn ngơ, con bé chưa kịp nói địa chỉ, nghĩa là ngày mai mình đến đón nữa rồi. Quyền cười khẩy. Ông anh giữ cô em như gìn giữ báu vật vô giá. Điều này khiến Quyền thú vị.
Quyền chạy xe về nhà, Tài đang đi ra với một thanh niên lạ có gương mặt trầm lặng. Quyền gật đầu chào rồi nói:
- Anh Hai! Có thằng Thế ở nhà không?
- Đợi anh chút!
Tài tiếp tục nói chuyện với người con trai kia:
- Khi trường có số tiền đó, anh Dũng sẽ không cho thuê mặt bằng, lấy làm khu chơi thể thao cho các em và xây dựng thêm nhà ở, xưởng học nghề. Nhưng điều đó đòi hỏi thời gian lâu dài, tôi đã nói anh nghe rồi.
Người thanh niên nhặt đóa hoa sứ đỏ rụng trên thềm:
- Giá tôi có thể giúp được nhiều hơn.
Tài vỗ vai bạn:
- Tôi hiểu, anh Hành! Nhưng anh hay tôi chỉ có một mình, những đứa trẻ ấy cần cả đất nước quan tâm, tình thương và tiền bạc mỗi chúng ta không đủ đâu. Tôi mong một ngày không xa lời kêu gọi cho tương lai các em sẽ được mọi người quan tâm tới cùng góp sức, góp công. Anh thấy đó, quỹ xã hội nước tôi còn quá nghèo.
Hành trầm ngâm:
- Chủ nhật này anh lên đó không?
- Có! Để hớt tóc mấy đứa trẻ cho xong, chúng ta cùng đi chớ?
Hành gật đầu, anh đến bên chiếc Cup 90 của Thế, nói lời tạm biệt cả hai anh em Tài rồi cho xe chạy đi. Quyền hỏi anh:
- Anh ta là người trung Quốc?
Tài gật đầu nói luôn:
- Trước anh ta là trẻ bụi đời, giờ là phóng viên của tờ báo tư liệu Quảng Châu. Qua Việt Nam học thêm tiếng Việt và sưu tầm sử liệu...
Hai anh em vào nhà:
- Sao anh quen anh ta?
- Hành làm bạn với Thế và rất thích hoạt động công tác xã hội.
Quyền ngồi vào ghế ngước nhìn anh:
- Anh thận trọng nghe, không nên tin lắm những gì anh ta nói.
Tài nhìn em ngạc nhiên. Nó chẳng phải là đứa sâu sắc, nó luôn nông nổi, chỉ thích phô trương sức mạnh:
- Em cũng biết nghĩ đến chuyện đó sao?
- Mình sẽ liên can nếu có chuyện gì.
Tài phẩy tay:
- Anh ta không phải người như vậy. Chuyện anh nhờ em đã suy nghĩ kỹ chưa?
- Em thấy không thành vấn đề, có điều anh suy nghĩ kỹ chưa? Muốn phát triển cơ thể không chỉ tập võ thuật, phải tập thể dục thẩm mỹ, phải bơi lội, nhảy cao, nhảy xà. Mà để luyện những thứ ấy phải trang bị dụng cụ và điều thiết yếu nhất là chất liệu dinh dưỡng cho người tập. Đó là em chưa nói tới chuyện chúng nó phần đông là dân bụi đời, bất hảo, học năm ba miếng võ sẽ choảng nhau tối ngày.
Tài trầm ngâm. Anh là một thanh niên đúng đắn, nhân hậu. Thương đám trẻ, anh có giờ rảnh là lên chăm sóc, sang xẻ những gì mình có để chúng được an ủi đôi phần. Hầu hết bạn nhỏ thất học, lại gầy gò vì suy dinh dưỡng (chế độ ăn uống trường Tương Lai quá thảm hại), Tài xót thương. Thấy Quyền tính vô tâm, lại đi lung tung gây phiền phức, anh gọi về nhờ dạy võ cho đám trẻ. Nhưng giờ nghe Quyền nói, Tài thấy sự việc không dễ dàng như anh nghĩ. Cứ nghĩ đến chế độ bồi dưỡng và dụng cụ tập Tài đã thấy quá khó khăn. Bọn trẻ đến giường nằm cũng chưa có đầy đủ thì làm cách nào.
Tài thở dài, Quyền nói điều thực tế:
- Anh sao hay lo chuyện bao đồng. Chuyện đó là của mấy ông nhà nước và ty thương binh xã hội lo. Còn ban giám hiệu nhà trường, đâu tới anh. Có lòng tốt lâu lâu ghé thăm, cho chúng cái gì đó, mắc gì phải thở ngắn than dài.
Tài ngán ngẩm nhìn em:
- Quyền! Em không hiểu sao? Chúng ta lớn lên được như ngày hôm nay chẳng phải nhờ lòng thương của bao người? Ba chết sớm, má ốm đau, nhờ ai em thừa biết mà. Giờ chúng ta đã thành nhân, phải đền trả cho lớp trẻ. Sau ta mới khỏi thấy cuộc sống hoài chớ!
Quyền nén khó chịu, hễ cứ gặp anh là có một bài thuyết giảng đạo đức dài đăng đẳng. Quyền trực tính, nóng nảy, tính thích chơi ngông theo mốt, chớ không phải là người xấu, anh chỉ muốn tự mình làm những gì mình thích, không muốn ai "xỏ mũi". Anh đứng lên:
- Má đâu?
- Thằng Lực chở má đi bác sĩ rồi.
Quyền móc túi đưa anh xấp tiền:
- Anh cất lo thêm cho má, em ra đó rước má về rồi đi mua thuốc luôn.
Không đợi Tài gật đầu, Quyền đã ra xe phóng đi.
Tài nhìn theo, lòng buồn, nó vẫn vậy, không chịu hòa nhập với anh em để cho má được yên lòng.