Đường phố vào đêm, xe công ty vệ sinh dừng lại bãi đổ rác của trung tâm thương nghiệp. Hàng chục bóng người, đủ mọi lứa tuổi, cả đàn ông lẫn đàn bà, trong những bộ đồ công nhân thùng thình tay áo xắn cao, chân mang bốt, vung xẻng xúc rác thảy lia lịa lên xe. Khi xe rác đấy ắp, họ mới dừng tay, một người gầy gò, bổ nhẹ loạng choạng. Anh tài xế nhảy xuống chạy lại đỡ lấy cô gái. - Hoài! Có sao không em? Cô gái né tránh đôi bàn tay anh tài xế, lùi lại, gượng cười: - Không có gì, hơi mệt một chút, khỏe ngay thôi. Một cái hứ dài theo câu cô gái nói từ miệng cô gái đối diện ngoài hai mươi tuổi có gương mặt đẹp lẳng lơ với hàng lông mày nhỏ như hai sợi chỉ. - Ai cũng mệt cả, sao anh chỉ quan tâm một mình cô Hoài vậy anh Đức? Đức đốp chát: - Tôi quan tâm đến ai, việc gì tới cô? Cô Liên à! Hãy để tôi dành cho cô một cảm tình tối thiểu. Liên tái mặt, cô hiểu Đức giận cá chém thớt. Chỉ vì Hoài đã tránh né bàn tay chăm sóc của anh. Một người đàn bà lớn tuổi, cao, phốp pháp lên tiếng: - Tụi bây làm chi lúc mô như chó với mèo. Con Liên, mi nín đi, không thấy hắn đau đó răng. Thằng Đức! Mi ăn nói chi như dùi đục chấm mắm nêm rứa. Nhẹ nhàng với phụ nữ chút coi. Bà lại bên Hoài, cầm tay cô, cau mày: - Hoài! Con sốt hung rồi, về nhà đi, mai dì đem sổ khám bệnh xuống cho con. Cô gái kháng cự yếu ớt: - Con uống thuốc rồi, dì Lành nợ. - Cũng phải về, để đây mấy anh chị, chú, dì làm thay cho con. Đức! Mi lấy oai tổ trưởng ra lệnh cho hắn coi. Đức xót xa, anh chưa bao giờ nắm được bàn tay cô như bà Lành nắm, cô không chỉ tránh né mình, mà tránh né mọi đàn ông để ý tới cô. Anh gọi: - Toàn ơi! Gọi xe chở chị Hoài về nhà. Toàn còn rất trẻ, khoảng mười tám tuổi, cao lòng khòng như cây tre, ra dìu Hoài đi, chú ta thủ thỉ: - Em đưa chị về nhà, ra sân vận động mua cháo gà bỏ tiêu hành thật nhiều vô ăn là khỏe liền. Chị bị cảm đó thôi. Lúc ra xe xích lô, Hoài cương quyết nói Toàn trở vô làm, nó tiu nghỉu nhìn theo xe chạy đi. Chiếc xích lô chạy lên Hoàng Diệu, rẽ vào những ngõ hẻm lầy lội, gập ghềnh rồi dừng ở căn nhà nhỏ sát đường xe lửa. Trả tiền bằng đôi tay run rẩy, nói lời cảm ơn người xích lô già trung hậu, Hoài gượng đi những bước bình thản vào nhà. Trên chiếc giường tre ọp ẹp, cha cô đang ho húc hắc, thấy cô, rồi ngồi dậy hỏi: - Hoài về đó hả con? Sao sớm vậy? Cô gái không đến ngồi bên cha như mọi lần, cô sợ cha sẽ nắm bàn tay nóng sốt của mình, sẽ biết, sẽ buồn lo vô ích, hơn nữa cha cô chẳng khỏe mạnh gì. Bỏ bộ áo quần lao động vào cái thau móp méo, sờn sứt để ở góc nhà, cô trả lời cha: - Hôm nay hết việc sớm ba à. Con lại buồn ngủ. - Vậy con đi ngủ đi. Hôm nay ba thấy khỏe. Cô gái lẳng lặng đến chiếc giường của cha cô, mỗi lần ngồi xuống hay trở mình, giường kêu cót két như than thở cảnh nghèo. Thả cái mùng cũ kỹ, lủng nhiều chỗ, nhưng được vá cẩn thận, giặt sạch sẽ, Hoài nằm dài xuống giường, cô sốt không ngủ được, nhưng cố gắng không rên, không trở mình, sợ tiếng động làm mất giấc ngủ của cha. Căn nhà trở nên im vắng, có tiếng thạch sùng chắt lưỡi đâu đó, tiếng gió thổi bụi tre bên ngoài kêu kẽo kẹt khiến Hoài cảm thấy ảo nảo thê lương trong lòng. Cô khóc! Không một tiếng nức nở, nước mắt cứ lặng lẽ thi nhau rơi. Cô thương cha, tủi phận và nhớ ray rứt một người.. Một người mà ngày xa nhau hai đứa mới mười hai mười ba tuổi. "Người ta" bỏ về xứ không lời từ biệt, "người ta" quên mất đứa con gái mỗi ngày chờ anh Nam Hoa đi học về, ghé lại thăm, dạy học chữ, tập viết tên Nam Hoa - Dế Mèn trên trang sách. Người ta quên rồi ngày ấy, sợ đến chết khiếp khi bị tên cướp để dao vào cổ, và con bé gầy nhom có tên Dế Mèn đã lao vào tên cướp bằng cả quyết tâm, cả sức mạnh bất ngờ trong hình hài bé nhỏ, nó muốn cứu anh Nam Hoa của nó, nó muốn giết chết tên cướp bẩn thỉu kia, chỉ vì đã làm anh Nam Hoa sợ hãi... Nó không giết được tên cướp, nó bị một vết đâm thí mạng, nhưng anh Nam Hoa của nó không việc gì, cha nó về kịp, một cú đá thôi vào quai hàm, tên cướp nằm gục. Anh Nam Hoa khóc, gào ôm nó, van xin nó đừng chết. Nó hứa! Vì nó rất ƯNG anh Nam Hoa. Nó đã giữ lời, nhưng anh Nam Hoa không giữ lời. Anh bỏ nó ra đi vĩnh viễn, quên cả lời thề sẽ ƯNG nó suốt đời. Bên nhau suốt đời, Nam Hoa! Nam Hoa! Anh quên rồi phải không? Mười sáu năm rồi, anh không trở lại, Dế Mèn của anh chờ trong câm nín mỏi mòn, chờ anh đến chết. Chỉ tội cho cha, bệnh vì thương tật, lại yếu già, giờ trông cậy duy nhất vào em. Dòng nước mắt cô gái khô cạn, dòng suy nghĩ cũng đứt đoạn, cô chìm vào cơn mê do sốt cao. Cô thấy mình là Dế Mèn, nằm trong căn phòng sang trọng, sáng choang. Có giường nệm, drap gối trắng tinh... Có bao người chunh quanh nhìn cô âu yếm, có anh Nam Hoa khóc đến sưng húp mắt, cầm tay nó vuốt ve. Nó cười yếu ớt: - Anh Nam Hoa! - Dế Mèn! - Anh Nam Hoa lại khóc. - Sao anh khóc? - Anh thương em nên khóc. Lần đầu tiên Nam Hoa gọi nó là em, xưng anh. Đó là mùa đông năm 1974, trước tết một tháng là những ngày đầu của tháng một năm 1975 dương lịch. Dế Mèn nghe mà mát rượi cả lòng, nó nhoẻn miệng cười, nó sung sướng đến cứ ngó hoài anh Nam Hoa. Nó mới mười tuổi, chưa biết gì về chuyện gái trai. Nó chỉ biết ƯNG anh Nam Hoa lắm, vì anh Nam Hoa không để ông chủ đưa nó về cô nhi viện, vì anh Nam Hoa dạy nó biết chữ, dỗ dành khi nó khóc, chơi với nó để nó ăn gian mà lại cười. Vì... Ôi, vì nhiều thứ lắm. Kể hoài không hết được, nhưng cái chính yếu là vì nhờ anh Nam Hoa, nó đã có một người cha, sẽ không còn ai gọi nó là con bé mồ côi, con bé ăn mày nữa. - Anh Nam Hoa! Anh đừng khóc. Con trai, khóc xấu lắm. Anh thường nói vậy mà. - Dế Mèn! - Lạ thật anh ấy lại khóc. Dế Mèn không thấy bất cứ ai ngoài anh Nam Hoa của nó nữa, nó ngóc đầu dậy. Nam Hoa la: - Đừng em! Con bé thấy đau nhói ở ngực, đành nằm xuống, lại ráng nói: - Anh cúi xuống đây, Dế Mèn lau nước mắt cho. Thằng bé không chịu, Dế Mèn năn nỉ mãi, bà Chấn Hưng và toàn gia đình, cả ông Tài đều lặng thinh nhìn cảnh tượng đó. Sau cùng người mẹ nói: - Nam Hoa! Dế Mèn thích vậy, con chìu nó chút đi. Thằng bé kề sát mặt xuống. Dế Mèn sung sướng lau nước mắt cho anh Nam Hoa bằng đôi bàn tay xanh gầy, yếu ớt của nó. Nhưng nó lau hoài mà nước mắt anh Nam Hoa vẫn không khô, cứ thay nhau chảy mãi, chảy đẫm ướt cả mặt nó. Hai gương mặt còn thơ ngây kề sát nhau, thằng Nam Hoa qua màn nước mắt thấy gương mặt "Dế Mèn của nó" lung linh huyền ảo, đẹp lạ kỳ, nó chợt sợ hãi, nó sợ Dế Mèn biến mất ra khỏi cuộc đời nó. Nó ôm gương mặt cô bé, mặt tái đi, nó hôn bất kể vào má vào trán Dế Mèn, nói rối rít: - Dế Mèn! Dế Mèn! Em đừng có bỏ anh nhé! Đừng đi đâu hết. Dế Mèn! Em hứa đi. Con bé ngộp thở trước những cái hôn bất ngờ, người lớn nhìn nhau, con bé sung sướng đến run người. Nó từng thèm khát biết bao, được có ai ôm trong tay, hôn nó âu yếm. Nó từng nhìn lên qua song cửa ngôi nhà phía trước, nó thấy có người đàn bà thật đẹp cứ ôm hai đứa trạc tuổi nó hôn hoài, hai đứa nhỏ kia khi được hôn, nhỏen miệng cười rồi hôn trả lại mẹ của chúng. Bây giờ nó được anh Nam Hoa hôn, lại hôn nhiều gấp mấy lần bà đẹp nọ hôn hai đứa con. Ôi, nó sung sướng đến muốn ngất đi. Nó run rẩy đưa tay ôm má anh Nam Hoa nói bệu bạo: - Em không có ba má hôn, giờ có anh rồi, có ba rồi, em không phải là đứa mồ côi, là đứa ăn mày, anh Nam Hoa! Em hôn anh nữa. Nó hôn anh Nam Hoa của nó đến khi cả mũi miệng mặn chát nước mắt, bởi cả hai đứa cùng khóc, nó nghe hồn lâng lâng niềm hạnh phúc từ lâu đã mất. Ông Tài tỉnh giấc, người già, lại có bệnh, thường ít ngủ, ông nghe tiếng giường tre kêu cót két, Hoài đang lăn lộn, miệng lảm nhảm gọi Nam Hoa. Ông không nghĩ con đau, bởi mười sáu năm nay, từ thuở Hoài con nhỏ, nó thường hay mớ gọi tên con ông chủ, lúc đầu ông nghĩ rồi đôi tháng sẽ qua đi, bởi trẻ con mau quyến luyến cũng mau quên, nhưng thời gian trôi đi, qua bao cực khổ, những đêm mớ gọi ngày một nhiều cho đến một ngày, có người muốn hỏi cưới nó, ông mới biết, từ tình thương trẻ thơ, con ông đã nuôi dưỡng thành tình yêu và quyết tâm ở vậy đợi chờ. Thật là một điều không tưởng nổi, ông giận dữ, la hét, nó nhìn ông tia mắt van lơn, cầu khẩn, miệng không nói một lời. Ông chịu thua, và từ sáu năm nay là niềm ân hận ngày một lớn dần khi ông nhìn Hoài ngày một héo gầy xơ xác. Nó âm thầm như chiếc bóng, từ chối mọi tình cảm, ngày đan may, gánh nước mướn, đêm là công nhân đổ rác, nó làm tất cả để kiếm tiền lo thuốc men, nuôi ông để đêm đêm lại sống với một bóng hình xưa cũ. Ôi! Giá ngày ấy ông cứ ra đi theo chủ, thì con ông đâu phải chịu cảnh này. Nó là đứa con gái xinh đẹp, nhất định Nam Hoa sẽ yêu nó và dù cách biệt về giai cấp, hẳn ông bà chủ không phản đối hôn nhân, bởi Nam Hoa có còn là con của ông bà, cũng do Dế Mèn cứu sống. Nhưng lúc ấy, ông có ngờ đâu, ông chỉ nghĩ đơn giản ở đâu không sống được, vả lại ông là người Tàu đâu mà về Tàu. Bà Chấn Hưng đã đến khóc với ông, nói thằng Nam Hoa đòi hai cha con ông đi cùng. Ông viện lẽ Dế Mèn mới bình phục, cũng không được. Cuối cùng, ông bày bà cho nó uống thuốc ngủ. Nó giờ ra sao? Là một người đàn ông cao lớn khỏe mạnh, điển trai, hay một gã công tử nhà giàu ăn chơi vung vãi? Nó đã hai mươi chín tuổi, chắc có vợ con rồi. Người Tàu thường cưới vợ cho con sớm để cầm chân lo sự nghiệp, nó có nhớ gì đến Dế Mèn của ông không? Hai chữ Dế Mèn lại khiến tim ông đau nhói. Ngày ấy, ông nhận nó là con, ông Bạch Chấn Hưng nói: - Anh li làm khai sanh cho ló li học (anh làm khai sanh cho nó đi học). Ông dạ, nhưng cứ lần lữa, bởi con nhỏ không chịu đi học, nó lừ mắt vùng vằng: - Con to vầy học với tụi nhỏ chút, không. Để anh Nam Hoa dạy con ở nhà. Ảnh hứa rồi. Ông là người võ biền, sống đời trôi nổi nên quan niệm việc học với con gái không quan trọng. Ông thấy Nam Hoa đến dạy ra dáng "ông thầy" lắm, con bé học rất lẹ, mấy tháng đã biết đọc, biết viết thì yên tâm, rồi quên béng luôn chuyện làm khai sinh cho nó. Cho đến ngày đưa con bé vào bệnh viện, người y tá hỏi tên, ông ngớ ra, chợt hiểu nhiều điều, tại sao con người phải có họ tên. Ông đã ngập ngừng, giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt gân guốc, ấp úng hai tiếng Dế Mèn. Người y tá trố mắt, ông lại ấp úng: - Tại nó mồ côi, tôi chưa đi làm khai sinh. Bệnh án ghi họ tên vỏn vẹn hai chữ Dế Mèn. Ông Bạch Chấn Hưng rầy ông. Ông hứa ngày nó lành lại sẽ đi làm khai sanh. Nhưng đến Tết, con bé vẫn nằm ở Téresa dưỡng đường. Rồi giải phóng.... ..... Hoài lăn lộn, cô mê sảng ú ớ. Ông Tài bước ra khỏi mùng, ngọn đèn dầu leo lét đủ soi rõ mặt Hoài bơ phờ. Ông Tài đặt tay lên trán con và giật nẩy mình, nó nóng như lửa, ông cuống quýt. - Hoài! Hoài! Con sảng rồi? Ông luýnh quýnh thả mùng chạy qua giường mình, ông dùng thuốc hoài nên cũng biết sơ, lấy thuốc giảm sốt và một viên typho, ông lay Hoài nói: - Con! Ráng uống thuốc đi. Cô gái nửa mê nửa tỉnh, uống thuốc rồi nằm rũ. ÔNg Tài thức trắng đêm canh chừng con. Tim ông càng nhức nhối khi thấy Hoài tiều tụy, nhan sắc tàn tạ theo thời gian. Nó hai mươi tám tuổi, gần một nửa đời người. Mà con gái như hoa nở có thì. Hoài ơi! Ba có lỗi với con, giá ngày ấy... Buổi sáng, Hoài mở mắt, thấy cha ngồi trên ghế đẩu kê sát giường. Cô hiểu cha biết mình đau. Thấy Hoài ngồi dậy, ông Tài đứng lên: - Ba nấu cháo rồi, con đi rửa mặt, ăn cho nóng. Hoài e dè nắm tay cha, cô vẫn còn hâm hấp nóng: - Con bớt rồi, ba đừng lo, cảm thường thôi. Ông Tài quay lưng, dáng ốm gầy, còm cõi: - Con đau, chớ nên dấu ba ráng sức, nhà chỉ có hai cha con. Ông nghẹn ngào, Hoài bứt rứt, ôm cha lại: - Con không sao đâu, ba đừng giận. - Ba không giận, chỉ buồn, ba giờ... Ông bỏ lửng câu nói, đi lại ngồi trên chiếc giường tre ọp ẹp, nó kêu lên như than thở cảnh nghèo. Hoài ngồi xuống theo cha: - Cha con mình nương nhau sống, dù cực mà hạnh phúc, êm đềm. Ông Tài nhìn sâu vào mắt con, đôi mắt thâm quầng: - Có thật hạnh phúc êm đềm? - Sao ba hỏi vậy? - Hoài! Đã mười sáu năm rồi..... Ông lại nghẹn lời, không nói được, bởi đôi mắt con ông rực lên ngọn lửa tình, mười sáu năm, hai cha con chưa từng nói với nhau một lời về Nam Hoa. Chỉ nhìn thôi đã hiểu. Hoài ơi! Ba xin con. Ông kêu thầm. Cô gái cúi đầu, âm thầm: - Ba ơi! Con xin ba! Trời ơi! Cả hai cha con xin nhau điều biết rằng không ai muốn, ông giữ trong lòng, nó thốt ra lời. - Hoài! Nó không trở lại đâu con. - Ông nói bằng âm thanh run rẩy. Cô gái quay mặt, dấu mắt rưng rưng: - Con biết! Nhưng ba ơi... - Rồi ba cũng phải chết để khỏi là gánh nặng cho con, ba muốn con có chỗ dựa nương, thằng Đức rất tốt. - Ông Tài như hụt hơi, ông mừng vì còn có can đảm nói ra điều muốn nói. Hoài ráo hoảnh nước mắt, hốt hoảng quay lại: - Ba nói bậy! Làm sao ba chết khi còn khỏe thế này. Ba mới là chỗ để con nương tựa, để con... - Cô nói nhỏ hẳn lại - có một gia đình. Ngày ấy con là đứa ăn mày, bị đưa vào cô nhi viện... Hoài đứng lên, cô sợ phải nói chuyện với cha: - Con rửa mặt, ăn cháo ba nấu là giải cảm ngay. Sáng nay con đi giao hàng cho Hợp tác xã mây tre. - Để ba đi, con ở nhà nghỉ cho khỏe. - Không. Con bớt rồi, đi cho khuây khỏa, nằm là bệnh luôn đó ba. Quả thật, ăn cháo xong. Hoài tháo mồ hôi, mặt tươi tỉnh hẳn, nghỉ chút, cô gọi chiếc xích lô quen, bỏ lên mấy tấm mây đan chở đến đường Phan Châu Trinh.