Tại buồng điện thoại số 2 đường dây quốc tế, Dũng đang nói chuyện với Hoàng: -... tôi từ nhà Ngàn Phương ra liền báo cho anh hay đây. - Chẳng biết nói gì: cô ấy rất tiều tụy, Hoàng ạ. Từ nơi xa xôi vẫn nghe giọng Dũng đầy chua xót, Hoàng nén đau khổ: - Vì sao biết không? - Sau giải phóng có quá nhiều khó khăn về kinh tế. Phúc sau khi mổ, thường đau yếu, quầy sách bị đóng cửa, cả nhà năm người đều sống nhờ vào Ngàn Phương. - Chúng ta phải làm gì bây giờ? Dũng lắc đầu như là có Hoàng đứng trước mặt: - Tôi sợ không giúp gì được... Tính khí Ngàn Phương anh biết rồi. - Nghĩ cách gì đi, hay cứ qua thăm bác Thuận? - Tôi sẽ qua. Hoàng nè! Anh gởi tiền không hoàn trả xem sao? - Tôi làm ngay. Có gì điện cho tôi biết gấp nhé Dũng. Xin chào. Đêm ấy Dũng ngồi lại khách sạn hút thuốc, đếm thời gian chờ sáng. Anh đau lòng khi gặp lại Ngàn Phương. Cô tàn tạ anh chẳng thể nào ngờ! Có phải vì kinh tế đè nặng đôi vai hay vì lẽ gì mà cô ngày một héo tàn? Dũng ray rứt trong lòng. Anh không tìm được câu trả lời. Chỉ biết trút hết nỗi lòng lên cung đàn, khúc hát, tiếng lòng anh biến thành lời ca: Hai ngàn đêm, tôi xa em nghìn trùng Hai ngàn đêm, tôi ôm sầu đơn côi Paris chiều nao, một mình trên lối về Hoang liêu đời trai, ôi tháng năm sao buồn tênh Tôi về đây, quê hương nay thanh bình Riêng lòng em ôm nỗi buồn thiên thu Bao năm dần trôi, lạnh lùng tim giá băng Em ơi! Mồ hoang bia đá trơ ngàn năm Thôi đành thôi, ta vui với cung đàn Đem lời ca hát cùng khắp nhân gian Mong em tìm quên chuyện tình xưa lỡ làng Vui câu đoàn viên, còn tôi kiếp phong trần o O o Rồi Dũng đến thăm bà Thuận chiều hôm sau. Căn nhà trong ngõ hẻm vẫn như xưa. Con người thay đổi, già cỗi theo thời gian. Bà Thuận ngờ ngợ không nhận ra Dũng. Anh nhắc lại, bà nhớ ra, mừng rỡ: - Tôi nhớ rồi, thật tệ rứa, đến cậu tôi cũng quên! Nói đến đây bà Thuận ứa nước mắt. Bà buông câu oán hận: - Thằng Hoàng hiền đức sao có bà mẹ vô lương bạc ác, hại con bác đến nỗi này! Dũng hiểu nỗi lòng người mẹ. Tâm tư anh cũng nghĩ ngợi bâng khuâng: - Cô ấy vì ai? Vì Ngàn? Vì Phúc? Hay vì Hoàng? Dũng thở ra, anh nói với người mẹ. - Hoàng nhớ quê nhà lắm. Nhưng anh ấy không về. - Gia đình cậu ấy đi hồi 75. Nghe đâu thằng em cậu ấy chết thê thảm lắm ở cảng. Giờ còn ai ở đây mà về. Dũng khẽ lắc đầu: - Gia đình ah ấy định cự tại California. Anh Hoàng vẫn ở Pháp, không chịu về sum họp với gia đình. Hoàng không tha thứ mẹ mình dù bà đã mấy lần qua Pháp tìm anh. Anh ấy không quên được Ngàn Phương nên không về đấy bác ạ. Bà Thuận thở ra: - Sao trên đời có người chung thủy quá như vậy? Cậu với nó định ở vậy suốt đời không lấy vợ sao? Ngàn Phương đâu có chỗ nào hơn người? Phải nói tính nó ngang ngược cố chấp, nên tự làm khổ mình. Có ai làm khổ nó đâu! Thà nó yêu thương gì cho cam. Giận lời sỉ nhục của mẹ thằng Hoàng, nó lấy chồng như để trả thù, rồi giờ chịu khổ đau suốt kiếp. Dũng nghĩ thầm: "Cũng vì Phúc giống Ngàn, cô ấy mới lấy, bác hiểu rõ mà." Nhưng anh không nói ra, anh cười buồn: - Tình yêu không có lý do, không thể định nghĩa, càng không có điều so hơn tính thiệt. Yêu là yêu, khổ thì phải chịu! Anh Hoàng ở bên ấy có rất nhiều cô thương, họ hơn Ngàn Phương về mọi mặt, nhưng anh ấy vẫn hững hờ. Năm nay ảnh đã hơn ba mươi bảy tuổi rồi bác ạ. - Còn cậu? Cũng định sống như nó vậy sao? Dũng lại cười, anh nói như né tránh: - Cháu đời nghệ sĩ, yêu âm nhạc, nên coi là lẽ sống đời mình, đành chịu thôi. À, còn dì Thêm đâu bác? - Giải phóng xong, có người cháu gọi dì Thêm bằng cô đến, đem dì về để phụng dưỡng rồi. - Cháu đến thăm bác theo lời dặn của anh Hoàng. - Hoàng nói gì với cậu? - Anh ấy nói nếu Ngàn Phương gặp khó khăn về vật chất, nhờ bác tạo điều kiện để chúng cháu giúp đỡ cô ấy mà không làm gia đình Phúc và cô ấy thấy mặc cảm. - Khó lắm! Tôi đâu dư dả gì. Thêm cậu về gặp nó, làm sao nó tin đây? Nó mà biết được, nó không bao giờ nhận đâu. - Cô ấy không biết đâu, miễn bác chịu giúp. - Cái gì Ngàn Phương cũng biết, Dũng ạ. Ngàn Phương từ cửa bước vào khiến Dũng ngỡ ngàng. Bà Thuận thấy con hỏi: - Hôm nay con không đi? - Con đi gần đây, mới về - Cô trả lời mẹ rồi ngồi xuống ngạc nhiên hỏi Dũng: - Dũng nói về Huế, sao chưa về? - Mai Dũng về. - Mấy năm xa cách mẹ ngày đợi đêm mong sao không về nhanh. Dũng tệ thật! Dũng cúi xuống và trả lời: - Vì... - Đừng vì Ngàn Phương mà trở thành người con bất hiếu. Đừng làm Phương khó xử với chồng. Dũng là bạn, chắc hiểu Phương rồi. Nhận số tiền của Dũng và anh ấy năm đó với Phương đã là món nợ không đền trả được. Dũng bỏ ý nghĩ đó đi, nếu không Phương sẽ cắt đứt quan hệ bạn bè, dù chúng ta rất đau lòng. Hai người nhìn nhau qua một phút yên lặng. Người đàn ông chịu thua ánh mắt cô bạn gái năm xưa, không dữ dội nhưng vô cùng lạnh lẽo: - Được, Ngàn Phương! Dũng chẳng khi nào muốn mất tình bạn duy nhất. Mai Dũng đi Huế, trước lúc về lại Sài Gòn, Dũng sẽ ghé lại thăm để giã từ. Đôi mắt bao năm chưa hề ánh lên để ai thấy buồn vui giờ lại lấp lánh: - Nhớ nhé, Ngàn Phương mời Dũng bữa cơm xoàng. - Cần chi thế Phương? Nhưng Dũng có một yêu cầu: Đưa Dũng đi thăm mộ Ngàn. Anh Hoàng nhờ Dũng thay anh ấy thắp hương cho người bạn xưa. Mắt Ngàn Phương tối lại. Cô se sẻ gật đầu. Lúc tữ giã, Dũng đặt mấy gói giấy trên bàn thưa với bà Thuận: - Cháu xa quê hương đã lâu, về đây không có gì, gởi bác chút quà nhỏ. Nếu coi cháu như người nhà, mong bác nhận cho. Còn áo này nhờ bác gởi cho dì Thêm. Bà Thuận lưỡng lự nhìn con, thấy Ngàn Phương không nói gì, bà nhận. Dũng hớn hở nét mặt, bà Thuận cười nói với anh: - Chẳng ai như cháu: Tặng quà, người ta nhận mà mừng đến như vậy. Thôi! Nếu mai cháu về Huế, cho bác gởi lời thăm bà mẹ, chúc chị mạnh khỏe. Dũng cảm ơn, anh chào bà Thuận, rồi quay sang Ngàn Phương, ánh mắt cả hai nói lên rất nhiều. Phương để tay mình trong tay anh. Cô cảm nhận được bàn tay ấy đang run rẩy. Cô xót xa trong lòng. Dũng vẫn không quên, thật khổ tâm cho mình, nhưng rồi cô vẫn trìu mến với anh: - Dũng ơi, lúc xưa Phương buồn không nguôi vì Dũng ra đi. Nay niềm ân hận không còn vì ngày Dũng về được muôn phần tốt đẹp, niềm mơ ước xưa nay đã đạt thành, Dũng hãy mãi mãi là Dũng, đứa con của nhà, Dũng nhé! Lần đầu tiên sau mười năm chung sống, Phúc nhắc đến Dũng, lúc đêm về khuya, Phúc ôm đầu vợ, để nàng gối đầu lên cánh tay mình: - Dũng đi rồi hả em? Anh ấy bây giờ khác xưa nhiều quá. Ngàn Phương đặt tay lên lồng ngực gầy ốm của chồng: - Dũng về Huế thăm mẹ, có nói khi nào đi Sài Gòn sẽ ghé lại thăm mình và thắp hương cho Ngàn. Dũng bây giờ là giảng viên nhạc viện, là nhạc sĩ nổi tiếng nhưng tấm lòng đối với bạn bè vẫn như ngày nào... Phúc tư lự nhìn lên trần mùng ; - Phương! Anh hỏi cái này, Phương đừng giận nghe. Tại sao người tài đức như Dũng em không chọn mà chọn anh, một người tàn phế? Ngàn Phương trở mình trên cánh tay chồng, thoáng nghĩ: "Nếu Phúc biết có một Hoàng nữa, chẳng biết sự việc sẽ ra sao?" Cô hôn nhẹ má chồng, trả lời: - Vì tình yêu không lý giải được, em không yêu Dũng dù Dũng có tất cả tài hoa, phẩm chất tốt đẹp. Nhưng với em, Dũng chỉ là người bạn đúng nghĩa. Còn chuyện thương tật thì Dũng cũng như anh. - Anh nghĩ Dũng còn yêu em rất nhiều. - Điều đó chẳng có nghĩa là tất cả. Riêng Dũng anh sẽ thấy Dũng rất cao thượng. Bao năm rồi, Dũng chứng minh cho ta thấy điều đó sao? Phúc vuốt ve mái tóc vợ, giọng bùi ngùi: - Chính chuyện đó làm anh lại vui lại buồn: Vui vì chúng ta có người bạn quí, buồn vì sự cô đơn của Dũng có phần lỗi ở anh. Em yêu anh, chung thủy với anh, vì anh, vì con mà phải tàn tạ cuộc đời. Dũng yêu em, thừa sức bảo bọc cuộc đời em... Thật oái oăm thay... Ngàn Phương cảm động trước tấm lòng chồng. Anh đơn giản trước mọi vấn đề, tấm lòng rộng lượng, chí hiếu với mẹ, thương yêu vợ con. Anh luôn làm tròn trách nhiệm người con, người chồng, người cha trong gia đình. Nếu anh không là...!? Nếu anh không sắp...!?? "Đừng... đừng! Ngàn Phương! Đừng bao giờ nghĩ đến điều đó! Hãy tin đi, nó sẽ không đến, anh ấy sẽ là bóng tùng vững chắc để mi và con nương nhờ... " Cô lại miên man suy nghĩ. Bên anh, không có tình yêu nóng bỏng, sôi động nhưng cô được thanh thản tâm hồn. Ngàn là anh, anh là Ngàn - quá đủ rồi với một Ngàn Phương! Cô chợt ôm chặt lấy chồng như sợ anh biến mất, cô nói: - Đừng nghĩ nhiều nữa anh, đời người ai cũng có nỗi khổ. Dũng không có tình yêu, anh ấy được đền bù bằng danh vọng. Sau câu nói của Ngàn Phương, cả hai cùng im lặng. o O o Trên chiếc xe lam ì ạch, Dũng và Phương đi viếng mộ Ngàn. Dọc đường chẳng ai nói với ai câu nào. Khi đến trước mộ, Dũng nhận thấy ở đây được bàn tay ai đó thường xuyên chăm sóc nên sạch sẽ, gọn gàng chung quanh mồ hoa mười giờ đang nở. Trên bia mộ tấm hình Ngàn đã hoen ố theo thời gian. Ngàn Phương soạn bánh trái đặt trước mộ, Dũng thắp hương đứng khấn. Anh khấn gì Ngàn Phương chẳng rõ, nhưng nét mặt anh trầm lặng u buồn. Thời gian chờ đợi, Dũng nói: - Mai dũng đi, mình nói chuyện chút nhé Phương? - Anh kể cho Phương nghe chuyện mẹ ở ngoài đã. Anh kể bao nhiêu chuyện về mẹ: mẹ khóc khi thấy anh, anh quỳ, ôm cứng chân mẹ mà không đứng dậy được cho đến khi vợ chồng Mạnh về dắt theo chú bé ngộ nghĩnh. Chuyện mẹ gội đầu cho anh bằng bồ kết nấu với lá chanh, chuyện đêm khuya mẹ đắp lại mền cho anh rồi rờ rẫm mặt mày, lại khóc. Khi anh ngỏ ý đưa mẹ theo anh, bà lắc đầu. Hai vợ chồng Mạnh phản đối, chúng nó nói rạch ròi: "Hồi xưa anh hết lòng cho em ăn học nhưng em u mê không ham học phải chịu, nhưng hai vợ chồng giờ cũng sung túc, xin lãnh phần lớn, mẹ ở lại xứ sở xóm làng. Tuổi già rồi theo anh nay đây mai đó, mẹ không chịu được đâu. Nếu anh khá giả gởi thêm về chút đỉnh cho mẹ vui cũng được rồi. Anh cứ yên tâm lo việc của anh, làm rạng rỡ tổ tông, lưu danh dòng họ. Cứ để mẹ đó em lo..." - Thằng cháu lúc đầu lạ, không cho anh bồng, chừ đi hắn lại đòi, ôm cứng. Cứ gọi bác Dũng ơi, bác Dũng hỡi! Thương quá chừng, đi không đành. Dũng không kể cho Phương nghe điều cuối - Đó là trước lúc Dũng đi, mẹ có hỏi chuyện người con gái ngày xưa đã khiến anh đập nát cây đàn, giờ thế nào? Anh nói với mẹ: "ván đã đóng thuyền ". Bà thở dài. - Giờ thì Dũng nói đi, điều muốn nói với Ngàn Phương. - Điều trước tiên Dũng mong Phương tự chăm sóc mình. Nhìn Phương mà Dũng ái ngại quá. Cô cười héo úa: - Thật trùng hợp. Bên mộ anh Ngàn, Dũng nói một câu y hệt câu ngày xưa anh ấy khuyên Phương. Dũng yên tâm, Phương vẫn khỏe. Không gì khiến Phương gục ngã. Tàn tạ là chuyện dĩ nhiên. Hoa nở phải tàn, đó là qui luật tạo hóa. - Phương không hề gượng nhẹ bản thân. Mẹ nói Phương vất vả nhọc nhằn. - Bây giờ ai cũng vậy, kể cả mẹ. Huống chi Phương còn tương lai hai đứa con phải lo. Nhắc đến con, Ngàn Phương khẽ mỉm cười, nhớ lại ban sáng Dũng đến nhà, có Lộc cùng cô bạn gái từ Phú Ninh về thăm. Cả nhà đầy đủ, bà Hiền hối thằng út có vợ, Lộc nhe răng cười liếc cô bạn gái: - Con nuôi thân con không nổi, lấy vợ về làm sao? Tam thập nhị lập, con mới 27 còn trẻ chán, mẹ đừng nôn, đã có cháu đích tôn rồi còn gì. Cả nhà cùng cười khi thấy Lộc vừa nói vừa nháy nháy mắt chỉ chỏ cô bạn phía sau lưng, làm cô ta đỏ bừng cả mặt. Dũng cũng vui lây không khí gia đình. Anh cười vui. Điều mà anh vui nhất vẫn là cô bé Sương. Cô bé khôn lanh, thường rất khó gần người lạ, vậy mà từ sáng đến giờ cứ đeo lấy anh bắt bồng bắt kể chuyện, rồi bắt anh hát. Khi anh hát xong mấy bản nhạc trẻ con vừa mới sáng tác trong đầu, cô bé thích mê đến độ hôn đánh chụt vào má anh mấy cái liền, làm anh cảm động ứa nước mắt. Cô bé nịnh: - Bác Dũng ơi! Ở nhà nội nhất, ba mẹ nhất, chú Lộc nhất, giờ bác Dũng cũng nhất luôn. Dũng nâng niu hạt Sương của người con gái anh yêu, hôn lên đôi má phính rồi nói với đông đủ cả nhà: - Đời nhạc sĩ này đây mai đó không nghĩ đến chuyện lập gia đình. Nếu Ngàn Sương là con nuôi của tôi, thật là một hạnh phúc lớn lao. Ngàn Phương hồi hộp vì câu nói bất giờ của Dũng. Cô yên tâm khi cả nhà đều vui vẻ tán đồng. Lộc nói với Dũng: - Anh chị tôi có được người bạn như anh thật đáng quý! Khi nào anh cần nguồn cảm hứng trong sáng tạo, mời anh thăm Phú Ninh của chúng tôi. Còn cháu Sương, nó có anh là cha nuôi thật đáng tự hào! Vậy là bữa cơm mừng ngày Dũng trở về thành buổi lễ ra mắt của Ngàn Sương với cha nuôi. Phúc cầm bàn tay con đặt vào bàn tay Dũng, giản dị nói: - Bây giờ bác Dũng là cha đỡ đầu của con. Ngàn Sương! Con thưa cha đi. Cô bé ngoan ngoãn vòng tay cúi đầu: - Thưa cha nuôi! Lúc ấy thằng Nghĩa thật bất ngờ cũng đứng lên vòng tay: - Thưa cha nuôi! Giọt nước mắt hiếm hoi của người nghệ sĩ tài hoa ứa ra lăn trên má. Anh ôm cả hai đứa trẻ trong vòng tay mình. Cả nhà bất ngờ và cảm động vô cùng trước cảnh tượng đó. Lộc nghĩ thầm: "Anh ấy yêu chị dâu mình ghê gớm làm sao! Nhưng cũng cao thượng làm sao! Hạnh phúc thay cho ai có được tình yêu như thế trong cuộc đời!" Lộc khẽ nhìn cô bạn gái mình. Trang cũng rất dịu hiền, dù không phong phú nội tâm như chị dâu... - Phương nghĩ chi mà ngồi thừ ra rứa? - Dũng hỏi khi thấy khá lâu, Ngàn Phương như đắm chìm vào hồi tưởng. Cô sực tỉnh, vội nói: - Không có gì. Phương nhớ lại chuyện lúc cúng, thật bất ngờ. Dũng cười khẽ: - Không bất ngờ đâu. Điều đó, Dũng từng ao ước hồi sáu năm trước, khi chia tay với Ngàn Phương đi Pháp. Chừ nguyện vọng đạt thành, Dũng mừng lắm. Bắt đầu bữa ni trách nhiệm chăm lo vật chất tinh thần của hai đứa con là của Dũng. Phúc cho phép rồi, đừng lôi thôi nữa nhé Ngàn Phương? Anh nói tiếng Huế với mỗi mình cô. Giọng Huế nhẹ anh không che giấu điều đắc chí của mình trên môi mắt. Ngàn Phương quay nhanh tránh cái nhìn của Dũng. Dũng chu đáo trong mọi việc. Bây giờ không cách gì từ chối nếu Dũng mượn cớ giúp đỡ. Khẽ thở ra, cô nhẹ giọng hỏi bạn: - Dũng giờ sự nghiệp vững vàng, còn Hoàng ra sao? Mãi đến hôm nay cô mới nhắc đến Hoàng. Dũng bồi hồi nhìn về phía xa, dãy Trường Sơn chạy dọc dài mờ ảo trong bóng chiều. Đà Nẵng và Huế cách nhau bởi đèo Hải Vân, cũng như ngày ấy, mẹ Hoàng làm vật cản chia cách hai người đến nay vĩnh viễn là ly biệt! Có định mệnh sao? Dũng nói nhẹ với cô: - Dũng có niềm vui trong cuộc sáng tác, nhất là khi đi chu du khắp đó đây. Được gặp bao nhiêu điều hay, bao người tài nên cũng nguôi ngoai trong lòng. Công việc Hoàng lại khác, nó thuộc về lĩnh vực khoa học, nên rất khô khan buồn tẻ. Dù anh ấy mới lấy thêm bằng tiến sĩ, anh ấy giết thời gian bằng cách học thêm kinh tế, tham khảo luật học. Hoàng bây giờ tóc bạc cả đầu, sống cô đơn trầm mặc hơn Dũng nhiều. Anh ấy không về thăm gia đình lần nào ở California. Anh ấy không tha thứ được, Phương nợ. Cô để giọt nước mắt khóc cho Hoàng tràn lên đôi má. Bây giờ anh làm sao lau được nước mắt cho cô như thuở nào! Anh ở rất xa, không muốn trở về. Tại ai? Đất nước mất đi con người như vậy, có phải tại cô? Còn gia đình anh ấy, chuyện rất xa, rất xa xôi, sao còn mang nặng trong lòng? - Dũng ơi! Chuyện ấy lâu rồi, sao anh ấy sắt đá như vậy? Em anh ấy đã chết, giờ còn ai? Mỹ Lệ chắc theo chồng. Chỉ còn đôi vợ chồng già thui thủi. Dũng giúp Ngàn Phương chuyển dùm anh ấy lá thư nhé! Bỏ quê hươnng ra đi, Hoàng cũng vì Phương. Không nhìn cha mẹ, cũng chỉ vì Phương. Phương có tội. - Phương nói chi lạ rứa? Hoàng là người đàn ông có cá tính mạnh mẽ. Hoàng tự chủ, cứng rắn, không ai áp đặt anh ấy được mô, mắc chi tại Phương? - Dũng ơi! Phương muốn van xin anh ấy trở về, nhưng sợ rằng Hoàng sẽ khổ thêm. Dũng lắc đầu: - Không được mô, Hoàng nghe Phương nói không hối hận việc mình làm nên phải ra đi để bảo vệ hạnh phúc của Phương, làm răng về được, Phương hiểu không? - Phương hiểu! - Cô gạt nước mắt: - Mình về thôi Dũng. Dũng gật đầu. Anh đứng lên phủi cát dính quần. Ngàn Phương gọi trẻ chăn trâu gần đó cho hết bánh trái. Dũng nói với Phương để kết thúc cuộc nói chuyện: - Suy đến cùng, chừ Dũng may mắn hơn Hoàng nhiều, về công việc, và có cả Sương, Nghĩa. Thời gian sẽ giúp Dũng có được thanh thản trong tâm hồn. Ngàn Phương hoàn toàn đồng ý với Dũng về điều đó. Cô lâm râm khấn vái với mộ Ngàn trước khi về: "Ngàn ơi! Hoàng vì em sống kiếp tha hương, có linh thiêng anh phù hộ cho Hoàng người bạn thân anh từng gởi gắm em. Anh giúp Hoàng bình thản ở tâm hồn." Dáng dũng nghiêng nghiêng bên Ngàn Phương rời nghĩa trang. Nắng chiều còn vương trên cây cỏ. Với Phương, kỷ niệm trùng điệp kéo về, khiến cô trầm mặc. Với Dũng, anh đang nghĩ phải tặng kỷ vật gì cho hai con, và phải làm tròn điều mong ước của anh Hoàng trong cuộc nói chuyện bằng điện thoại hôm rồi. o O o Dũng đi Paris một tháng sau đó. Anh được Nhạc viện thành phố và Hội âm nhạc Việt Nam cử qua dự buổi hội thảo về âm nhạc dân tộc của thế giới do giáo sư Trần Văn Khê làm chủ tịch. Dũng điện thoại cho Hoàng ngay khi xuống phi trường. Chiều ấy, họ gặp nhau ở một quán ăn Việt Nam trên con đường nhỏ ngoại ô Paris. Hoàng uống rượu, ngồi nghe Dũng kể chuyện. Anh nhận lá thư từ tay Dũng. Ly rượu chao đảo đổ hết vào quần anh chẳng buồn lau. Ánh mắt anh tối sầm đi vì nén nỗi đau xưa trở về. Mười bốn năm cho một tình yêu! Sáu năm xa quê hương! Anh Hoàng! Mười năm ly biệt, gặp nhau một lần rồi thôi, Cầm bút lên chẳng biết viết gì. Nói cho hết, cho cùng thì chẳng bút mực nào viết hết được. Chiều nay, đưa Dũng về Nam Ô thăm mộ anh Ngàn, nghe kể về "người xưa", nhớ lời dặn dò của anh Ngàn hồi đó. Ngàn Phương thấy mình có tội dù Ngàn Phương có thể tự hào trong bao đau thương mất mát chưa từng hối hận, dù phải trả giá rất đắt. Anh Hoàng! Ngàn Phương sống với chồng con, vật chất có khó khăn nhưng êm đềm không sóng gió, Ngàn Phương không còn biết oán hận buồn đau... Hoàng đặt lá thư đọc dở xuống bàn. Rót rượu mời bạn, anh uống cạn. Dũng nhìn bạn lòng miên man nỗi buồn. Đau khổ của Hoàng cũng là đau khổ của anh. Hoàng cầm lá thư lên đọc tiếp... Nghe Dũng nói từ ngày ấy anh không qua California gặp gia đình, Ngàn Phương mạo muội viết thư gửi anh, mong anh vẫn coi Phương như cô bạn nhỏ ngày nào mà tha thứ, nếu có gì mạo phạm. Anh Hoàng! Đã qua rồi chuyện ngày ấy của mười năm trước, em đâu chỉ vì lời thề với mẹ anh mà lỗi hẹn, còn vì nguyên nhân khác anh đã hiểu rồi. Thuở ấy, em thù ghét hai chữ số mạng áp đặt đời em. Em chống đối và tự chọn cho mình con đường đi khác, nào phải lỗi tất cả mẹ anh đâu. Em chưa từng hối hận về ngày hôm nay của mình. Chỉ buồn khi nghĩ đến anh thôi. Chúng ta nay đã lớn rồi, quá nửa đời người, ngoại trừ bao lo âu toan tính cho bản thân chưa từng đóng góp gì cho non sông, đất nước. Ngàn Phương chẳng nói làm gì, vì vốn ngu dốt ít học. Hoàng mới cần thiết. Vì Việt Nam đang cần sự đóng góp của những người trí thức để xây dựng lại quê hương sau bao tàn phá của chiến tranh. Anh Hoàng! Đừng nói đến mọi bất đồng về quan điểm chính trị, đừng nhìn vào những tệ nạn của xã hội hôm nay, đừng nhìn quê hương bằng đôi mắt tỉnh táo đến lạnh lùng của một ông trí thức khoa học, hãy nghĩ đến những người như em, như mẹ - nghĩ đến, bao người dân ở thôn quê đêm về hiu hắt ánh đèn dầu, mà trở về. Hoàng ơi! Ngàn Phương suốt đời này có lẽ chỉ có ba điều ân hận - một là anh ra đi không trở lại, hai là anh không về sum họp với gia đình, ba là tấm chân tình cao đẹp của Dũng em không gì đền trả được ở kiếp này. Anh Hoàng! Lỗi của mẹ anh rất nhỏ so với công sinh thành dưỡng dục, xin đừng vì em mà anh trở thành đứa con bất hiếu. Từ lâu em không còn nhớ đến chuyện đau lòng ngày cũ. Vả lại em bệnh hoạn vì nhiều nguyên nhân khác, đâu chỉ vì một sự quá đáng của mẹ anh. Ngày xưa anh từng dạy em nước chảy xuôi về biển, chẳng có cha mẹ nào mà không thương con. Anh khuyên em vui sống, đừng để lòng oán hận. Ngày nay, cô gái bé dại khờ của tuổi mười bốn xưa kia xin anh nghĩ lại để cha mẹ anh vui hưởng tuổi già ở những năm tháng cuối đời mà không còn phiền trách chi em. Anh Hoàng! Ý đã cạn rồi, còn bao nhiêu điều khác em xin giữ lại cho riêng mình. Mong anh nơi chốn quê người đạt thành mọi ước mơ trên đường sự nghiệp. Ngàn Phương Lâu và thật lâu lắm... Hoàng mới cất tiếng hỏi Dũng: - Ngàn Phương nói có nhiều nguyên nhân khi cô ấy điên loạn, anh có biết không? Dũng gật đầu: - Ngay hồi đó cô ấy đã đóng góp cho cách mạng qua bàn tay mẹ và dì. Cả họ ngoại của Phương đều làm cách mạng. Cô ấy tính nặng về huyết thống gia đình, rất thương cậu và dì. Có tiếp tế thuốc và tiền bạc cho quân giải phóng cũng vì họ mà thôi. Sau khi anh đi khoảng vài tháng, chẳng có thư về cô ấy ngày một u sầu buồn bã, lao vào công việc để tìm quên. Rồi nhận tin mẹ cô ta tự tử vì người cha lấy hết bạn tiền bán xe bỏ nhà đi biệt để lại gia đình một số nợ lớn. Kế đó đến tin dì cô bị bắt. Đến tôi bị vấp mìn chết không tìm được xác, cái chết như Ngàn ngày xưa vậy. Lúc ấy, Toàn được đưa vào viện, hốt hoảng thế nào cũng ngơ ngẩn. Bác sĩ Trình thấy vậy đề nghị nằm viện điều trị, nhưng cô ấy không bằng lòng, thì vừa lúc mẹ anh ra Huế tìm... Hoàng nhìn vào đáy ly rượu, dường như muốn qua màng nước nhỏ lung linh tìm gặp bóng ai ngày xưa cũ. - Chẳng ai hiểu cô cả nên mới xảy ra điều đó. Từ thuở nhỏ cô ấy tính vô tư nhưng rất nhạy cảm. Thèm khát được yêu thương mà bề ngoài thường tỏ ra bất cần. Cô ấy suýt phát điên khi Ngàn chết. Và bỏ nhà sống đời tự lập cũng vì không chịu nổi chuyện mất Ngàn vĩnh viễn. Nếu Ngàn không chết, có lẽ đời cô ấy không như bây giờ. Có lẽ cô ấy sẽ hiểu ra và trao trọn tình yêu cho tôi. Ngàn chết! Dường như là hết. Thật ra Ngàn đã đem theo cả linh hồn của người con gái ngây thơ trót yêu anh từ quãng đời thơ ấu. Tôi bất lực, dù có lời hứa của nàng. Đã bao năm trôi qua, nhưng từng đêm nghĩ đến hình dáng nàng điên loạn, ngớ ngẩn giữa lũ người tay tanh mùi máu trong bệnh viện suốt mấy tháng liền là tôi không hề chịu nổi. Dũng! Anh có hiểu không? Cho đến bây giờ, nàng vẫn tự dối lòng mình. Nàng yêu tôi mà không biết yêu tôi. Cứ nghĩ đến Ngàn. Chỉ vì Ngàn là nỗi ước mơ nàng không thể nào đạt tới. Nàng tự biến mình thành người tim lạnh, tự lừa dối mình, cho rằng mình chỉ có thể yêu được người đã chết mà thôi. Ngàn, nhưng linh hồn kia, bản chất ngày xưa của Ngàn làm sao thay thế được? Giờ, đằng sau cái hạnh phúc bình dị nàng đang có, và cố tạo dựng ra để đánh lừa tôi, lừa anh, lừa cả bản thân nàng, là một trời nước mắt của những đau khổ âm thầm chồng chất trong tim, theo bao tháng năm dài... Dũng kinh ngạc trước lời Hoàng nói. Hoàng hiểu hết Ngàn Phương như hiểu bản thân mình, thảo nào cả anh và Ngàn Phương đều sợ gặp lại nhau. Dũng lảng sang chuyện khác, kéo Hoàng khỏi suy tư: - Giờ anh định sao về chuyện Ngàn Phương nói trong thư? - Tôi đi California, đó là điều duy nhất tôi làm vui lòng nàng. Còn điều kia không thể được! Tôi vừa nhận chức giám đốc công ty điện tử. Tôi sẽ giúp đất nước bằng cách riêng của tôi. Hoàng nói giọng cả quyết. Dũng vui mừng trước quyết định nhanh chóng của bạn. Anh rót rượu ra ly: - Mình cạnh ly để chúc mừng vì tất cả! Đêm nay tôi về nhà anh, kể anh nghe chuyện hai đứa con nàng. Còn anh kể tôi nghe chuyện thời niên thiếu của anh và Ngàn Phương. Đồng ý chứ? - Đồng ý, nhưng anh uống ít thôi, đừng quên giữ sức khỏe. Hai người bạn cụng ly rồi uống cạn. Họ ra về lúc vùng ngoại ô Paris lên đèn.