Chương 21

Năm nay, sau ngày Phúc qua đời, Ngàn Phương đã là thiếu phụ ba lăm. Nhờ có số tiền của Hoàng mà cô xem như mượn tạm để làm vốn kinh doanh, sau sẽ trả lại. Nhờ khéo léo, lại biết chuyên môn nên chị buôn bán thuốc tây rất đắt. Giờ chị có sự nghiệp, tiền của vững vàng xây nhà cửa, phụng dưỡng mẹ già, chị không còn cực khổ như xưa, nên trở thành thiếu phụ xinh đẹp, nhiều quyến rũ. Chẳng thiếu chi người quen biết trong công việc làm ăn, ao ước được cùng chị chung sống. Nhưng sự lạnh lùng của chị làm họ e dè không dám.
Ngàn Sương đã mười lăm, ra dáng thiếu nữ, học lớp chín. Nghĩa mười ba, cao ráo như cha. Chúng sống sung sướng vô tư trong tình thương của mẹ, của bao người. Mỗi lần Dũng về thăm, căn phòng hai đứa lúc nào cũng rộn rã tiếng cười. Chúng yêu quý, kính trọng cha nuôi, coi như thần tượng. Với Hoàng cũng vậy, dù anh mỗi năm chỉ về một, hai lần. Bốn cái tết rồi anh ăn tết tại quê hương. Riêng Ngàn Phương, chị vẫn khép chặt cửa lòng. Từ lâu bà Hiền đã biết, bà hoàn toàn thông cảm. Lộc được về bệnh viện quận. Một buổi tối từ nhà Lộc chở vợ và con về thăm chơi với mẹ, thấy nhà vắng, Lộc hỏi mẹ:
- Chị Hai và mấy cháu đâu mẹ?
- Qua bên nhà ngoại nó, lo đám cưới cho thằng gì đi nghĩa vụ về đó.
- Cha! Thằng nhỏ cũng có phước. Qua tận Campuchia, rồi biên giới phía Bắc suốt mấy năm ròng, vậy mà chẳng việc gì.
Cu Thọ như thường lệ, nhảy qua lòng bà nội ngồi. Hai vợ chồng chuyện trò với mẹ một lát. Trang hỏi vu vơ:
- Lâu quá chẳng thấy anh Dũng về, tết này ngó bộ cũng không?
Lộc nói với vợ:
- Ảnh có về, nhưng ra Huế mồng bốn mới vào, chỉ có anh Hoàng là ăn tết với tụi mình.
Bà Hiền tư lự:
- Gần tết rồi! Mới đó đã bốn năm, từ ngày anh con qua đời. Ngàn Phương công chuyện làm ăn cũng khá vững vàng, tiền bạc rộng rãi, nhưng sao lúc nào mẹ cũng thấy nó buồn. Người chết yên phần, người sống cứ ủ rũ hoài hoài, mẹ không mong như vậy.
Trang nghe mẹ chồng than thở, đột nhiên mỉm cười:
- Mẹ ơi! Vì anh Phúc qua đời là một lẽ, còn vì anh Dũng và anh Hoàng...
- Kìa em! - Lộc muốn chặn lời vợ, nhưng Trang nói tiếp với anh:
- Giấu làm gì, cứ nói rõ với mẹ. Anh Phúc qua đời đã lâu, chị Phương là dâu thảo, mẹ hiền, nhưng còn quá trẻ, chúng ta lo hạnh phúc tương lai cho chị Phương cũng đúng thôi.
Bà Hiền tỏ ra ngạc nhiên:
- Hai đứa bây giờ gả chồng cho chị Hai bây à? Sao lại có chuyện thằng Dũng, thằng Hoàng vô đây?
Lộc từ tốn nói chuyện cùng mẹ:
- Mẹ ơi! Từ lâu mẹ cũng biết anh Dũng, anh Hoàng đều yêu chị Hai con mà.
Lần đầu tiên bà Hiền bị đặt trước sự thật mà bà chưa hề muốn đối diện. Bà Hiền lúng túng rồi cau mày ;
- Sao con nói vậy? Không sợ tủi vong linh anh con sao?
Lộc thong thả trả lời mẹ:
- Anh con đã yên phần, nay phải lo cho người còn sống. Mẹ còn nhớ lời anh Hai con trăn trối với chị Hai lúc sắp mất không?
- Mẹ quên rồi!
- Mẹ không quên đâu. Vì lúc ấy mẹ có hỏi con tại sao thằng Phúc nói: "Tiếc quá! Dũng không về, và gọi người ấy về ". Con trả lời điều ấy phải hỏi chị Hai con.
- Nhưng có liên quan gì đến chuyện này?
- Bây giờ con mới hiểu người ấy là ai. Anh Hoàng chứ không phải anh Dũng đó mẹ.
- Vậy thằng Phúc nó biết cái gì nó mới nói vậy khi sắp mất?
- Có lẽ anh con hiểu nhưng không nói. Lúc trước chị Hai con chọn anh Hai, mà không lấy anh Hoàng thì có gì mà nói. Người sắp chết thường sáng suốt, anh con muốn chị con có chỗ dựa nương, nên mới nhắc đến trong giây phút cuối cùng.
Bà Hiền suy nghĩ. Quả vậy, nó nhắc đến vì ý này! Hồi đưa Phúc vào viện, nghe Ngàn Phương nói chuyện với bác sĩ bà mới hiểu dâu bà ngay lúc chưa lấy Phúc làm chồng đã biết Phúc có bệnh, không thể sống lâu, nhưng vẫn chấp nhận. Và trong mười năm qua đã trọn đạo vợ hiền. Cái gì đã khiến người con gái ấy yêu mến con bà? Còn Phúc, nó đã hiểu, nhưng phải đến sau cuộc đại phẫu ấy nó đã từng nói nửa đùa nửa thật: "Nếu một vài năm nữa con chết, mẹ hãy coi Phương như con gái, đừng bắt ở vậy thờ chồng suốt đời mẹ nhé ". Lúc ấy bà nạt đùa, mắng nói bậy, có ngờ đâu... Bây giờ thằng Lộc trở lại chuyện này, lòng bà có chút tủi thân. Sao nó nghĩ đến chị dâu nó nhiều hơn mẹ?
Người già nào cũng có chút ích kỷ. Bà nghĩ nó không thương bà, dâu bà, dâu nhờ, dâu cậy! Có được như hôm nay cũng nhờ một tay nó. Nếu để nó bước thêm bước nữa, rồi bà sẽ ra sao? Vong hồn thằng Phúc có tủi buồn? Còn bà, chẳng lẽ nó có chồng khác, bà lại ở với nó? Không. Nếu vậy, đến lúc đó, bà sẽ đưa bàn thờ Phúc qua Lộc ở.
Lộc hiểu bao suy nghĩ trong lòng mẹ. Anh ra dấu cho vợ, Trang hiểu ý, cô ôm mẹ vào lòng thủ thỉ:
- Mẹ ơi! Chúng con không hiểu biết, nhưng qua chuyện trò với anh Dũng, chúng con hiểu ra là anh Hoàng thương chị Hai hồi chút xíu, rồi ảnh đi du học, khi trở về chị Hai đã có chồng.. Từ đó ảnh bỏ quê hương đi mãi không về, đến khi anh Hai sắp mất, sợ chị Hai lên cơn tâm thần như năm nào, ảnh lật đật trở về...
Bà Hiền sửng sốt:
- Con nói sao? Chị con có bệnh điên à?
- Dạ. Anh Dũng nói chị Phương thần kinh suy nhược. Hồi nhỏ có lần vì thương tâm nên ngớ ngẩn, nhờ anh Hoàng mà tỉnh lại. Lúc gặp anh Phúc, chị ấy cũng đang điều trị tại bệnh viện. Anh Dũng nói, những khi đau khổ hay xúc động quá mạnh, thần kinh chị Hai lại trở chứng, có thể đau lại. Vì vậy lúc anh Phúc trở bệnh, bác Thuận đánh điện qua, gọi anh Hoàng về, vì chỉ có ảnh mới giúp chị trấn tĩnh được.
Lộc trả lời mẹ. Bà Hiền lẩm bẩm:
- Mẹ thấy mười mấy năm nay, nó vẫn bình thường, có vẻ gì bị bệnh đâu à. Tính nó lạnh lùng, cứng rắn, có vẻ gì...
- Anh Dũng nói chị Phương nội tâm phức tạp, nhưng nhờ ý thức bản thân mạnh, nên tự chủ được. Hôm anh Hoàng về, chỉ một câu nói, đánh trúng tâm lý chị, chị đã bừng tỉnh, và lại cương quyết vì mẹ, vì hai cháu đứng vững trước cuộc đời. Mẹ! Chị con đã mãn tang rồi. Mới ba lăm tuổi, anh Hoàng đã bốn mươi, trọn đời anh ấy vì chỉ mà thân đơn gối chiếc, gởi thân đất khách quê người. Anh ấy góp phần không nhỏ để gia đình mình có được ngày hôm nay. Anh ấy chưa bao giờ ngỏ ý được đền trả. Mẹ! Chị con còn trẻ, mẹ nỡ lòng nhìn cả hai đơn lạnh cho đến già? - Lộc nói như van.
Bà Hiền tủi thân:
- Con nói vậy là tỏ ý mẹ đây ích kỷ chỉ biết đến mình phải không? Sao con không nghĩ nó làm dâu họ Nguyễn, phải trọn đạo thờ chồng? Nếu nó đi bước nữa, ngày sau làm gì con cái kính trọng được? Như mẹ đây, cha con mất, tụi con còn nhỏ dại, mẹ vẫn sống đời góa bụi có sao?
Lộc thở dài, anh cố kiên nhẫn thuyết phục mẹ:
- Mẹ thừa biết hai cháu coi anh Hoàng và anh Dũng như cha. Mẹ! Mẹ cứ tránh né mãi làm gì. Tấm lòng hiền từ độ lượng của mẹ, con chẳng biết sao? Chẳng qua mẹ sợ chị Phương lấy chồng, không còn ở bên mẹ nữa chớ gì? Mẹ yên chí đi, anh Hoàng không để mẹ buồn đâu. Mẹ có thể coi anh ấy như con kia mà. Còn con đây nữa, mẹ không cô độc đâu.
Bà Hiền sụt sịt:
- Nhưng nó có phải là thằng Phúc đâu. Mẹ thương con dâu lắm, không đành chia lìa nó đâu. Còn hai đứa cháu nội nữa chi.
Lộc thuyết phục mẹ bằng sự điềm tĩnh hiếm có của mình:
- Anh Hoàng rất kính trọng mẹ. Chị Phương rất yêu thương mẹ. Mẹ phải nghĩ đến mai sau của chị mới chứng tỏ mình là người quảng đại, đức độ. Vả lại, mẹ chẳng nhớ lời trăn trối của anh con sao?
Nhớ chớ sao không? Lời trăng trối cuối cùng của con làm sao bà quên được. Vợ chồng thằng Lộc nói cũng phải, nhưng...
- Vậy ý con Phương thế nào?
- Con chưa nói chuyện với chị Hai.
- Ủa, chẳng phải nó nhờ con nói với mẹ?
Trang chen lời:
- Không đâu mẹ. Chị ấy lúc nào cũng vậy. Là do chúng con nhìn thấy mà không nỡ để anh Hoàng suốt đời cô đơn lẻ loi.
- Vậy còn thằng Dũng, nó cũng thương con Phương, sao tụi bây không nói?
Lộc cười. Trang cũng cười. Chú bé Thọ ngủ khì trong lòng bà nội.
- Thấy chưa! Chuyện gì mẹ cũng biết, chỉ giỏi giả vờ thôi. Anh Dũng lại khác, ảnh từng tâm sự với tụi con. Ảnh đã có niềm vui trong sự nghiệp. Đời nghệ sĩ có thể có nhiều cái để quên. Ảnh có Ngàn Sương và Nghĩa là hạnh phúc rồi. Giờ chỉ cần thấy anh Hoàng và chị Phương sum họp.
Bà Hiền bùi ngùi:
- Sao có người tốt quá vậy chớ. Suy cho cùng con Phương bạc phước, chồng chết tuổi còn xanh.
- Ai cũng có số phận mẹ à. Sao, giờ mẹ chịu chưa?
- Mẹ sao cũng được, tùy ý nó thôi. Mẹ thấy nó cứ như tượng đá.
Lộc vui mừng:
- Chuyện đó để tụi con lo, miễn mẹ vui lòng.
- Chuyện gì mà chú phải thuyết phục để mẹ giao cho chú lo vậy?
Ngàn Phương đã về từ lúc nào, chị hỏi em chồng.
Lộc lúng túng. Nhưng anh quyết định nói. Vậy là tối ấy, anh nói hết với chị về những điều anh đã nói với mẹ, về việc mẹ đã bằng lòng. Bằng gương mặt không lộ cảm nghĩ, Ngàn Phương lẳng lặng ngồi nghe không ngắt lời. Lộc nói dứt, Ngàn Phương hỏi:
- Dũng hay Hoàng ngỏ ý để chú thuyết phục mẹ vậy?
- Không đâu chị. Tự tụi em nhìn thấy và hiểu.
Bây giờ thì cả hai làm thinh. Đúng quá còn gì!
Ngàn Phương nhìn mẹ, nhìn em rồi thong thả nói, ánh mắt buồn xa xôi:
- Dũng lúc nào cũng vậy, cao thượng, luôn nghĩ đến người khác, đem niềm vui cho người khác. Còn Hoàng, anh ấy rất tự trọng, chỉ chờ đợi chứ không bao giờ nói ra. Nhưng thưa mẹ, con không thể vâng lời.
Bà Hiền trở lại vị trí người mẹ:
- Sao vậy con? Em con nói phải. Tội nghiệp thằng Hoàng, nó đã bốn mươi, vì con mà nó không lập gia đình. Mẹ thật lòng coi nó như thằng Phúc. Con đừng ngại chi.
- Không đâu mẹ, con hiểu lòng mẹ thương con. Tự con không thể nhận lời. Lộc! Chú hiểu không? Tôi không thể, vì tôi không có gì để trao cho anh ấy.
- Anh Hoàng không nghĩ vậy đâu. Nếu không ảnh đã lấy vợ rồi.
- Đừng để người khác nghĩ. Mình tự nghĩ tự xét lấy mình. Tôi đã quyết định, từ nay chú đừng đề cập đến nữa.
Cô nói với mẹ chồng:
- Mẹ nên nghỉ. Tối nay hai nhỏ ngủ nhà ngoại, lâu không gặp ngoại, chúng nó muốn tâm sự, mẹ đừng chờ.
Trang đưa bà Hiền lên lầu. Lộc cắn môi làm thinh. Anh là bác sĩ uy quyền ở đâu chớ về nhà chị dâu là im thin thít. Ngàn Phương ẵm cu Thọ ngủ khì. Thấy Trang xuống, đưa qua:
- Cho cháu về ngủ kẻo khuya...
Câu chuyện xảy ra đã hai năm rồi. Ngàn Phương không đề cập đến nữa. Chị biết tết đó Lộc có nói lại với Dũng, Hoàng. Chẳng vậy mà Hoàng trở nên ít nói, nếp nhăn trên trán hằn sâu hơn. Anh theo Dũng về Huế ăn tết rồi đi thẳng Paris, không giã từ. Báo hại con Sương và thằng Nghĩa khóc lóc, dỗi hờn cả tuần lễ...
Thả hồn theo dòng hồi tưởng, chị không để ý Ngàn Sương rón rén vào phòng. Cô bé bịt mắt mẹ, giả giọng:
- Đố ai đây?
Chị quàng tay ra sau ôm lấy con:
- Chó con của mẹ chớ ai!
- Í, mẹ nói xấu con. Cô bé nũng nịu sà vào lòng mẹ.
- Lớn tướng rồi, cứ nhỏng nhẻo. Sao không học bài? Nghĩa đâu?
- Thi rồi rảnh lắm me, con học tẹo là xong. Nghĩa nó còn học, nó chậm như rùa.
Chị khuyên con:
- Nghĩa nó chậm mà chắc, còn con phải nêu gương dạy dỗ em cho xứng là chị cả trong nhà. Đừng mắng em, đừng lổ mảng, hiểu chưa?
- Dạ. - Cô bé vâng lời mẹ một cách ngoan ngoãn, rồi hỏi:
- Mẹ ơi! Năm nay cha nuôi và bác Hoàng có về không mẹ?
- Có chớ! Nếu con học giỏi, còn không thì mẹ nhắn với bác là không về đó.
- Không đâu. Con nhất định sẽ học giỏi đề cha nuôi và bác Hoàng vui.
- Kể cả vong linh của ba con cũng vui khi biết con ngoan.
Đôi mắt Sương tối lại, cô vụt hỏi:
- Có phải khi ba con mất đã trăn trối lại là nhờ bác Hoàng chăm sóc mẹ không?
Ngàn Phương sững sờ, buông rơi chiếc lược:
- Ai nói con vậy?
Con bé dẩu môi khi thấy nét khác lạ trên gương mặt mẹ:
- Mẹ hứa là không rầy con, con mới nói.
- Được, con đã lớn. Hơn nữa, chúng ta không chỉ là mẹ con mà còn là bạn bè nhau, phải không nào? Việc này nên hiểu cho đứng đắn.
- Chú Lộc với nội nói đó mẹ. Hôm đám giỗ ba, bác Hoàng về, bà nội với chú nói chuyện với bác trên lầu. Nói gì mà bác buồn lắm, con thấy vậy hỏi, chú kể con nghe. Còn nội nói là mẹ thật sắt đá, để bác Hoàng khổ một đời.
Ngàn Phương thở ra:
- Vậy chứ ý con thì sao khi nghe vậy?
Cô bé ngẩm nghĩ một lát rồi trả lời:
- Ba chết lâu rồi, con thương ba ghê gớm, nhưng con cũng thương bác Hoàng và cha nuôi. Bác ấy tốt lắm mẹ. Nếu mẹ mà cũng thương bác Hoàng, con không gọi bằng dượng mô. Thằng Nghĩa cũng nói với con như rứa, gọi bằng ba luôn. Mà ba con trước khi chết cũng mong như vậy.
- Nhưng mẹ lấy chồng, ai nuôi các con?
Cô bé dụi đầu vào lòng mẹ, trả lời khôn ngoan:
-Sao lại không ai nuôi, bác Hoàng thành ba, con càng được bác thương hơn. Cô bé vừa nói vừa vuốt tóc mẹ. Ngàn Phương thẩn thờ, chị chẳng biết nói gì với con, thì ra cả đến con chị cũng muốn vậy, chỉ có chị....
Đẩy con gái đứng dậy, Ngàn Phương nói:
- Thôi con lên giúp em làm bài, chuyện này không được nói cho bác Hoàng biết.
Cô bé ứ hự nhưng thấy mẹ buồn, cô không dám nói nữa. Hôn khẽ lên má mẹ, cô bé chạy đi. Người thiếu phụ ngồi lại, nhìn bóng mình trong gương, sẽ lắc đầu bất ngờ chị cúi đầu xuống khóc tấm tức.