Chương 5

Trong chiếc áo blouse trắng, Ngàn Phương qua thực tập buổi đầu tiên ở bệnh viện. Đón các cô là những lời trêu chọc, cười cợt của nam y tá và thương binh mạnh, chuẩn bị ra viện.
Ngàn Phương bình tĩnh làm việc theo sự hướng dẫn của cô y tá ở phòng bệnh. Cô đi lấy huyết áp, bắt mạch, đo nhiệt độ, cô làm tốt. Tuần đầu thực tập khu nội thương, công việc nhàn, không sợ gì. Tuần sau về ngoạI thương, cô run bắn người khi thấy bao thương binh nằm la liệt. Ngày tập thay băng cô bị ngất khi thấy cô y tá mở vết thương, vừa hướng dẫn cô vừa rửa vết thương, chiếc kéo kẹp dống gạt ngoái lia lịa làm bệnh nhân hét lên, mồ hôi đầm đìa. Hôm sau cô không xỉu, nhưng khi rửa nước mắt cô cứ chảy ròng, dù cố kiềm lại. Thương binh nhìn cô ngạc nhiên và cảm động.
Từ đó, cô như ngọn lửa nhỏ sưởi ấm cõi lòng băng giá của những con người về từ cõi chết. Mới thực tập mà đôi tay nhẹ nhàng, hoạt bát. Cả phòng ai cũng như mong được cô rửa vết thương cho mình. Những đêm trực, thấy họ bị vết thương hành hạ đau nhức, rên la không ngủ, thuốc ngủ vô tác dụng, cô thấy mình như đau nhức theo. Chị y tá trực cùng cô, cứ thấy cô xốn xang, nhìn hết người này rồi đến người kia, thở ra. Hết đi vào rồi lại đi ra. Chị nói:
- Em làm riết rồi cũng chai đá dần. Đây là khu nhẹ, hôm nào em về khu hồi sức hay hậu phẫu, em chịu không nổi đâu. Nè! Muốn họ quên bớt sự nhức nhối, em hát đi, họ nghe rồi quên đau.
Ngàn Phương nghi ngờ, nhìn chị y tá, chị ta nói tiếp:
- Chị nói nghiêm túc nghe. Hồi khóa I đến thực tập, đêm nào cũng tổ chức hát cho thương binh nghe. Họ thích lắm.
Ngàn Phương quyết định ngay, cô bước ra phòng bệnh, nói:
- Mấy chú có thích nghe hát không?
- Thích! Thích lắm cô bé ơi.
Cả phòng bệnh xôn xao.
- Vậy các chú ráng chịu đau, đừng rên la, tôi mới hát được.
Cô cất tiếng hát không nhạc đệm, giọng cô ngàn xa. Cô hát những bản tình ca, những bài hát ở học đường, hát nhạc của Trịnh Công Sơn. Cô hát tất cả những gì cô nhớ được. Cả căn phòng lặng yên khi cô dừng lại. Bên ngoài các khung cửa sổ, thấp thoáng nhiều bóng người đứng nghe. Trong đó có Dũng. Anh đang trực ở khu ngoại thương bên cạnh.
Cô không ngờ tiếng hát của cô có tác dụng đến vậy, các thương binh đi vào giấc ngủ yên, không la hét, rên la hay chửi bới.
Từ đó, khóa thực tập của Ngàn Phương hằng đêm tổ chức hát cho thương binh nghe. Chia nhau đi khắp bệnh viện.
Ngàn Phương dần dần va chạm với đời. Những đêm trực, cô nghe các thương binh kể chuyện, thế nào là đứng trước cái chết. Cả lòng cầu sống ở họ biểu hiện ở ánh mắt lo âu, họ sợ ngày ra viện, có những thương binh thấy vết thương của mình sắp lành, nhận thuốc đem dấu không uống, có lần Phương bắt gặp hỏi. Anh nói thật "Muốn ở lại ngày nào hay ngày ấy, ra viện, chiến trường chờ và hết ". Những câu chuyện các sĩ quan kể cho nhau nghe giúp cô hiểu được một điều. Hầu hết đều là sự bắt buộc, chẳng ai tham chi chém giết nhau. Thật lạ lùng cho một quốc gia, mà trai tráng chẳng ai muốn "bảo vệ" lãnh thổ. Ai trốn mặc ai, ai có tiền lo lót chạy chọt cứ chạy, để được miễn dịch hoặc hoãn dịch. Còn các ông to, ông lớn giành giựt nhau, tranh quyền đoạt vị. Điều đó làm Ngàn Phương nhớ đến lời mẹ và người đàn ông ở sân bay ngày nào. Cô lờ mờ hiểu đó là điều mà họ muốn nói và buộc cô phải biết. Thật tội nghiệp cho Ngàn Phương, muốn hiểu ra, đâu phải chỉ vài ngày. Có khi hiểu ra được một điều, phải trả giá cả một đời người. Trong bức thư viết gởi Hoàng, Ngàn Phương kể chuyện một anh chàng học B1 quân y, có tài đàn hay, phổ nhạc giỏi, cứ thích đệm đàn cho cô hát. Cứ một tháng một lá. Còn anh thì viết cho cô rất nhiều. Thư nào cũng trách cô lười. Đọc xong, cô cẩn thận xếp bỏ vào va-ly. Chồng thư đã cao nghệu gồm cả thư Lạc và thư nhà. Ba mẹ ít viết cho cô, nhưng tháng nào cô cũng báo tin về cho gia đình rõ mọi thứ, chỉ dấu biến chuyện nằm bệnh hai tuần. Thư chưa gởi thì cô nhận được cả hai lá, một của Lạc, một của Hoàng.
Trong thư Hoàng báo tin anh bị xe tông chấn thương tay, phải bó bột. Anh viết thư cho Ngàn Phương bằng tay trái, nét chữ xiêu xiêu, khó đọc. Khi đọc đến dòng cuối cùng: "Đau nhức làm anh không ngủ được, anh ngồi dậy viết thư cho Phương, nhung nhớ ùa về, anh gọi mãi tên em. Ngàn Phương! Ngàn Phương ơi!" Cô suýt khóc. Vừa lo vừa cảm động, tình yêu anh dành cho cô, cô chẳng thể dấu ai nỗi buồn. Châu ở cùng giường, lại lớn tuổi, nhìn thấy và hỏi:
- Răng mi buồn như cha chết rứa Ngàn Phương?
- Một người bạn em bị xe tông gãy tay. Anh ấy viết cho em bằng tay trái.
Châu tò mò:
- Người yêu mi à?
- Dạ không, chỉ như một người anh đáng kính.
- Kính, rồi đến yêu mấy hồi mi, mà hắn làm chi mô rứa?
- Ảnh là kỹ sư điện, làm ở nhà máy đèn Đà Nẵng.
- Răng mi giấu kỹ rứa? Mà hắn yêu mi lắm, phải không?
- Nhưng em không thể đáp lại được.
- Răng rứa mi?
- Mai này, nếu em có chồng, chắc lấy người không hề biết gì về em, còn ảnh đối với em cao thượng quá, vị tha quá. Nhưng em không đáp lại được, còn yêu đương, với em, không có gì nói cả.
- Mâu thuẫn dữ hè? Nhận biết được người ta tốt, răng lại từ chối? Trên cuộc đời mi, dễ tìm chắc.
- Thôi, em không nói nữa.
Cô quay mặt vô tường, nằm im như ngủ, làm Châu ngơ ngác. Con nhỏ thật kỳ hết chỗ nói.
Châu kể cho Lệ nghe câu chuyện của Ngàn Phương lúc nãy. Lệ biết. Dũng biết. Cả khóa đều biết. Khi nghe, Dũng bần thần, như khi gặp Ngàn Phương anh không dám hỏi, dù anh vẫn trực trùng ca với cô và vẫn hay đàn cho cô hát. Một câu không dám hỏi, anh chôn sâu vào lòng cho đến ngày mãn khóa.
o 0 o
Mười tháng sống trong môi trường có lính, có nhà thương, có trăm ngàn những điều tốt xấu xảy ra hàng ngày, dạy cô được nhiều thứ. Nhưng cái điều làm trong quân đội, vẫn bị người đời chê bai khinh rẻ, dù trước mặt chẳng dám nói gì nhưng phía sau họ bĩu môi coi thường, đôi lúc bỡn cợt làm cô chua xót.
Nhiều đêm cô khóc ầm thầm lặng lẹ mỗi khi nhớ đến thái độ và lời giận run của mẹ khi nghe cô chọn hướng đi cho mình, lời khuyên của mẹ, của người đàn ông trong phi trường còn đó, cứ văng vẳng bên tai cô. Cô đã hiểu ra. Lại thêm lối sống của một số bạn đồng khóa, càng làm cô chán nản. Không phải ai cũng như vậy, có những người rất đàng hoàng đúng đắn, chẳng qua vì mưu kế sinh nhai, vì nghiệp dĩ. Tốt xấu là do lòng người.
Một lần Ngàn Phương đi qua phòng thí nghiệm, có gã khóa sinh đưa tay cản đường rồi buông lời chọc ghẹo một cách thô bỉ. Nhân phẩm bị xúc phạm, cô không giữ được bản chất hiền lành như mọi ngày. Đôi mắt long lên, cô tát vào mặt hắn, in đậm dấu tay trên má trước sự ngạc nhiên kinh hoàng của bao cặp mắt. Gã thanh niên bất ngờ đứng chết lặng, còn cô gái vừa khóc vừa đưa tay chỉ vào mặt gã đàn ông, nói:
- Làm con người phải có nhân cách và giữ được nhân cách mới khó. Tôi chẳng làm gì xấu xa, tôi không phải là kẻ... sao ông lại xúc phạm đến tôi những lời thô bỉ vậy? Ông, ông không xứng đáng là một thằng đàn ông!
Cô khóc và vùng bỏ chạy.
Chuyện xảy ra cả khóa xôn xao, tới tai ông chỉ huy trưởng của trường. Ông cho họp tất cả các khoa và ông nói suốt hai tiếng đồng hồ. Ông khuyên các nam khóa sinh phải tỏ ra xứng đáng hơn, đàn ông hơn, nghề lương y đòi hỏi nhân cách tuyệt đối của con người, lòng nhân ái, vị tha, lịch sự và phải biết bảo vệ phụ nữ, họ là những bông hoa. Thật cần thiết biết bao, cho những con người thương binh, được bàn tay phụ nữ chăm sóc, đó là những bàn tay người mẹ, người vợ, người yêu, chỉ có những bàn tay ấy mới xoa dịu được nỗi đau.
Hôm nay cô Minh Tâm gặp ông bác sĩ trưởng phòng thử nghiệm, ông nhận xét:
- Cô khóa sinh chị cừ thật. Con nhỏ như thép dẻo ấy. Ở môi trường này mà đầy đủ bản lĩnh như thế, tôi phục đó. Dù sao cô ta cũng còn quá trẻ, nhưng chị coi chừng, có khi xảy ra tư thù.
- Không đâu! Con nhỏ sống tốt lắm, vả lại nó chẳng bao giờ ra khỏi cổng trường.
Từ đó, cô Minh Tâm để ý chăm sóc Phương, cô biết Ngàn Phương có bạn trai ở quê nhà. Phương hơn hẳn các bạn cùng khóa về lòng nhân đạo, thương người, dám hy sinh tất cả để đem đến niềm vui cho mọi người. Về chuyên môn Phương cũng xuất sắc, tiếp thu nhanh. Cô rất yên tâm về Phương.
o 0 o
Mùa đông đến, nhưng Sài Gòn lại nắng. Nhận thư Hoàng gởi, Phương mở ra đọc:
Ngàn Phương em! Gần đến ngày giáp năm của Ngàn. Ở đây mùa đông lạnh, mưa dầm buồn bã, đi về lúc nào cũng ướt nhưng anh vẫn ghé lại chùa để thắp hương cho Ngàn. Khung hình mờ tỏa khói hương, bất giác anh thấy Ngàn nhìn anh như trách móc, vì đã không tròn lời hứa xưa, để em ra đi. Nơi xa đó, em có được an lành? Có ai chăm sóc cho em lúc ốm đau? Ai vỗ về cho em lúc em khóc.
Ngàn Phương ơi! Nỗi nhớ thương và ân hận cứ lăn lộn trong anh. Anh có ghé thăm mẹ luôn, những đứa em tội nghiệp, chúng cứ hỏi anh những điều về em mà anh nào biết trả lời.
Mẹ buồn lắm đó em. Sao em làm mẹ lo âu? Sao em không gởi thư cho mẹ? Hãy thương mẹ nghe em, có tình thương nào bằng tình thương của người mẹ đối với con, phải không em? Phải không Ngàn Phương?
Ngàn Phương! Đến ngày giỗ giáp năm của Ngàn, anh sẽ thay em đi thăm mộ, chẳng biết thân nhân Ngàn có còn ai không?
Ngàn Phương ơi! Nếu có thế giới bên kia thì anh cũng thành tâm cầu nguyện cho Ngàn phù hộ em. Đường đời còn lắm chông gai, cái tốt đẹp quá ít, khổ đau lại nhiều. Anh thương em vì lòng chung tình với người đã mất. Em đã cương quyết, can đảm bước vào đời không muốn nhờ cậy ai, anh mong thời gian là liều thuốc mầu nhiệm giúp em hàn gắn được vết thương lòng. Anh vẫn đợi chờ người con gái nhỏ anh yêu, Ngàn Phương! Nếu có linh thiêng, chắc Ngàn mong gì hơn điều đó phải không em?
Anh dừng bút, mong em khỏe,
Hoàng
Khóe mắt Ngàn Phương cay hạt lệ buồn. Cô thương Hoàng, tại sao cô không đáp lại được tình cảm đó. Nhưng biết làm sao, khi người ta không thể ép lòng giả dối yêu thương. Huống chi với Hoàng, anh đã biết về Ngàn Phương quá rõ, dù độ lượng đến bao nhiêu, khi làm chủ được trái tim cô, anh sao không cảm thấy đau lòng vì người vợ chăn gối bên anh mà lòng hướng về kẻ khác, cho dù kẻ đó đã không còn. Mà Ngàn Phương nào đã quên Ngàn! Không! Không thể được. Đã đến lúc phải nói rõ với anh, để anh đừng đặt hy vọng. Vả lại, với tuổi của cô còn quá trẻ, dễ bị ràng buộc gia đình, cô cần tạo lập cho bản thân trước đã. Cô viết thư cho Hoàng ngay:
Anh Hoàng! Chắc nhận được thư này cũng đã đến ngày giáp năm của Ngàn, cảm ơn những điều anh đã làm vì em. Anh nhớ thay em mua dùm một ít hoa hồng trắng đặt lên mộ ảnh. Ngày xưa anh ấy rất thích loại hoa này, chỉ hay than phiền "Hoa là một thứ xa xả so với túi tiền mình ". À, mùa hè này anh có gặp Thương Thương không? Em ở đây, nhưng chưa hề đặt chân ra khỏi trường, nên chẳng gặp chị ấy được. Nghe đâu học dược đã sắp ra trường. Không biết chị ấy có còn nhớ ngày anh Ngàn mất? Mà thôi, nhắc đến làm gì, vì Thương với ta chỉ là người xa lạ. Từ nay chúng ta nên hướng về tương lai thôi Hoàng ạ.
Anh trách em nhiều vậy! Thật ra, viết thư cho mẹ, em chẳng biết nói gì, mẹ nào có thích em bước chân vào nghiệp dĩ này.
Hoàng ơi! Nhận thư anh, em buồn nhiều hơn vui, vì tấm lòng của anh, em khó mà báo đáp. Tương lai anh rực rỡ phía trước, còn em, em nào sá gì mà anh phải bận lòng. Hãy thông cảm cho em, tha thứ cho em nghe anh. Hãy quên em đi! Mai này trên đường đời của anh, chắc không có em đâu. Em sẽ về một nơi xa lạ làm kiếp chim xa xứ sống một mình đem đôi bàn tay xoa dịu nỗi đau của bao người. Em muốn quên nhưng nào có quên được. Trái tim này đã chết từ lâu. Hoàng ơi! Tha thứ cho em!
Phòng trực vắng lặng. Các bạn cô ngủ từ lâu. Ngàn Phương gục đầu xuống trang thư mới viết, mệt mỏi thiếp đi. Cô Tâm bước vào, cau mày định gọi Ngàn Phương dậy, nhưng cô đã thấy nước mắt chưa khô trên đôi gò má của cô gái nhỏ.
o 0 o
Ngày giáp năm của Ngàn, cô đeo băng tang, xin phép cô Tâm được ra ngoài. Cô Tâm ký ngay giấy phép, rồi nói:
- Cô định đi Bến Thành, Phương có đi không?
Nét mặt tươi hẳn, Phương gật đầu ngay.
Chờ Ngàn Phương ra chợ, cô Tâm đưa Phương đi cùng khắp.
Lần đầu tiên thấy rõ Sài Gòn, Ngàn Phương không dấu nỗi ngại ngùng. Phương e dè nhờ cô Tâm chỉ nơi bán hoa. Hoa hồng hiếm và đắt. Phương chọn hai mươi mốt bông và chiếc bình tránh men xanh hồ thúy. Phương mua hương, trái cây và cả thức ăn nữa, rồi quay về. Đêm nay cô Tâm ở lại, Ngàn Phương mượn bếp dầu nấu thức ăn, thản nhiên trước bao nhiêu ánh mắt tò mò của các bạn. Kê chiếc bàn nhỏ ra ngoài ban công, cô bày thức ăn lên, cạnh là lọ hoa hồng trắng và điã trái cây. Ngàn Phương thắp nhang đèn lên đứng cúng. Đợi hương tàn, cô đốt băng tanh. Thấy các bạn vây quanh, cô nói, nhưng không nhìn ai:
- Hôm nay là ngày giáp năm anh của Ngàn Phương. Phương không về được, phải mượn nơi này cúng anh, mong các bạn thông cảm, giờ các bạn muốn Phương tạ lỗi như thế nào, Phương cũng chịu.
Lệ nói ngay, không cần suy nghĩ:
- Chỉ thích nghe Phương hát thôi.
- Hát được thôi. Nhưng sợ cô Tâm la.
Tiếng cô Tâm vang lên từ phía sau:
- Cô không la đâu, hôm nay được nghe em hát, cô rất vui lòng.
Ngàn Phương đưa mắt qua cửa sổ. Trời đêm đầy sao. Dường như hồn người xưa về phảng phất đâu đây. Cô thầm nghĩ: "Em sẽ hát cho anh nghe Ngàn ơi! Chưa bao giờ em hát cho riêng anh phải không?"
Cô gái cất tiếng hát trong đêm, không tiếng đàn, không kẻ tri âm. Tiếng hát vọng vào không gian yên ắng, bay xa dần. Cô hát say mê không nghỉ, tất cả yên lặng lắng nghe.
Đêm về khuya, cô Tâm đến bên cửa sổ nhìn xuống dưới, bên ngoài hàng rào khu vực nữ có những đốm thuốc lập lòe. Có một bóng người đứng lẻ loi làm cô chú ý. Anh ta ôm chiếc đàn dựa lưng vào gốc cây phượng, mặt ngẩng lên, hướng về phía cô đứng. Cô nhận ra anh chàng đã đàn cho Ngàn Phương hát hôm trước, cô nhẹ thở dài: "Tiếng hát ấm, buồn của Ngàn Phương làm mình cũng mềm lòng, huống chi anh chàng..." Chờ Phương hát hết bài, cô Tâm nói:
- Khuya lắm rồi, ta nghỉ thôi các em. Dọn ra ăn đi, rồi ngủ, mai còn phải qua thực tập bên viện.
o 0 o
Thời gian đi nhanh, mười hai tháng đã hết, ngày thi ra trường đã tới. Ngàn Phương đậu thứ ba, là một trong mười người ưu tiên chọn nơi làm việc. Cầm viết trên tay, cô gái thẫn thờ: Về đâu? Cô chẳng biết mình phải về đâu.
Xa nhà, nhớ mẹ, thương em... Ôi xót xa! Nhưng trở về nơi quá nhiều kỷ niệm đau buồn của tuổi thơ, của tình yêu đã chết... Nơi đó còn có người con trai đăm đăm đợi chờ. Một tiếng nào trong đáy thẳm trái tim bị thương của cô bé chớm mười tám tuổi vang lên: "Ngàn Phương! Mày đâu phải không có trái tim." Cô đặt bút xuống, viết nhanh. Quân Y viện Nguyễn Tri Phương, Huế. Một trăm lẻ bảy cây số vừa đủ xa để quên, cũng đủ gần để kịp quay về. Cô nộp giấy tờ ngay, chỉ sợ mình đổi ý.
Đêm trước ngày ra trường, Ngàn Phương thẫn thờ đi quanh khuôn viên nhà ở. Chỉ còn một đêm nay, ngày mai sẽ rời bỏ đây, để về nơi xa lạ khác... Tương lai ai biết được vui hay buồn? Nhưng nơi đây, mười hai tháng qua biết bao nhiêu điều đáng nhớ. Trường học đầu đời cho người lớn đã dạy Ngàn Phương biết một điều: Không hề có lý tưởng ở chế độ này, cho dù họ có tô vẽ muôn màu...
o 0 o
Con tàu đưa các khóa sinh ra trường đã kéo còi lần thì nhì, thúc giục mọi người nhanh chân. Nơi cầu tàu, Ngàn Phương tay xách valy, tay vẫy chào cô Tâm lần cuối. Cô nói với lên khi chân Ngàn Phương chạm sàn tàu:
- Nhớ viết thư cho cô.
- Dạ.
- Phải thận trọng, vui buồn đừng giấu cô.
- Dạ.
- Chúc em may mắn, chào em.
- Chào cô, tạm biệt.
Nhưng Ngàn Phương biết là vĩnh biệt!
Sàn tàu đông nghẹt người. Tám khóa bãi trường một lần, phần đông là người miền Trung, nên đông kinh khủng. Ngàn Phương không thể nào chen chân. Về Huế, chỉ có cô và Châu. Châu lớn tuổi, lại góa chồng, đàng hoàng đứng đắn, là người Quảng Trị. Đặc biệt, Châu rất giỏi về nhu đạo. Chị thường nói, đàn bà con gái phải biết chút nghề để tự vệ, nhất là trong cuộc sống vàng thau lẫn lộn này. Hôm nay hai người về làm một chỗ, Châu như người chị cả, lúc nào cũng lo lắng và che chở cho đứa em thơ dại. Đứng ở một góc sân tàu, Ngàn Phương lo ngại, chiếc valy mỗi lúc nặng trĩu trên tay. Châu nổi cáu.
- Mẹ cha hắn, biết ri, tao đi xe, hoặc chờ phi vụ.
- Trường không cho đâu chị, còn mình thì chẳng có ai quen.
- Tình hình ni chắc phải đứng miết ở boong tàu tới Đà Nẵng quá.
Dũng sau lưng hai người tự lúc nào, nghe Châu than, anh lại gần:
- Chào chị Châu, chào Ngàn Phương.
Châu thấy Dũng, vui vẻ nói:
- A! Chào nhạc sĩ với cây đàn, về mô?
- Dạ, em về tiểu đoàn một Quân y của sư đoàn I.
- Đóng Phú Bài hở mi?
- Dạ. Chị và Ngàn Phương về mô?
- Về Nguyễn Tri Phương.
Ánh mắt Dũng lấp lánh niềm vui. Anh nhìn Ngàn Phương buồn trĩu, hỏi từ tốn:
- Sao Ngàn Phương buồn rứa? không có chỗ phải không? Dũng có được một giường ở hầm tàu, chị Châu và Phương xuống đó nghĩ đi.
- Còn Dũng thì răng?
- Em con trai nằm mô mà chẳng được, chi lo chị và Phương! Đi đi, em nhờ thằng bạn giữ dùm một chỗ, dưới đó tiện lắm, có cả câu lạc bộ nữa.
- Mô mà may mắn ri không biết! Chị với Phương đang rầu không có chỗ, lại toàn là lính. Con gái đi mô cũng cực.
Dũng xách valy của hai người xuống hầm tàu, Ngàn Phương tần ngần, rồi cũng theo chị Châu xuống. Đúng như Dũng nói, hai chiếc giường đôi chồng lên nhau trong căn phòng hẹp, sạch sẽ. Một người lính đang ngồi, thấy họ xuống, vội đứng lên. Châu ngó chung quanh rồi nghiêm nét mặt:
- Dũng nì! Nói thiệt đi, ở mô mi có phòng ni?
Dũng bối rối, người bạn anh cười phá lên:
- Tao biết mà, răng dấu được, khai thiệt đi.
Dũng liếc Ngàn Phương:
- Bạn em làm thủy thủ trên tàu ni, hắn nhường phòng cho em.
Châu hiểu ngay:
- Mi sợ Ngàn Phương không có chỗ, nên nghĩ ra cách ni phải không? Bạn thiệt, hay phải tốn tiền?
- Dạ không! Bạn thiệt mà, không tin chị hỏi Toàn xem. Tụi em lúc trước cùng học chung.
Toàn xác nhận, giọng có chút bỡn cợt:
- Đúng rứa thôi, chút nữa tàu chạy, hắn sẽ vô chào chị và diện kiến cô Phương đây.
Cô gái cắn môi quay mặt đi. Dũng lúng túng thúc tay vào hông Toàn. Châu thấy, nhưng chị vờ nhưng không để ý.
- Rứa cũng may mắn rồi. Thôi, Phương ngồi xuống nghĩ một tí rồi kiếm chi ăn. Toàn, Dũng cùng đi ăn với tụi chị nghe.
Dũng hớn hở thấy rõ:
- Khoan, chị chờ một chút em đi lấy nước rửa mặt, tí tàu chạy, thằng Thủy đưa đi ăn. Ăn tiêu chuẩn đoàn, ngán lắm.
- Làm phiền người ta không?
- Không đâu! - Dũng lấy bi đông chạy đi. Toàn đi theo, Châu ngó Ngàn Phương.
Cô gái lặng lẽ ngồi xuống giường.
- Răng em buồn? Có người giúp đỡ là quí chớ.
- Em không biết mình sinh ra giờ gì, mà lúc nào cũng nhận ơn của người khác, chẳng lẽ suốt đời phải mang ơn nghĩa mãi hay sao? Làm thế nào trả được?
- Đời con gái như hoa vậy, chỉ có một thôi, Dũng hắn mến em mới có ân tình. Hắn khá lắm, hồi ở trường nghe tụi C2 kháo nhau về hắn, đàn giỏi, hát hay, lại sáng tác nhạc cũng tuyệt. Không kẹt trong lính tương lai hắn chắc nổi tiếng, em buồn làm gì. Đời ai chẳng nhận và cho? Đến một lúc mô đó, mi chỉ cho mà không nhận.
- Em mong đến lúc đó cho lẹ.
- Mong chi kỳ cục rứa?
Dũng quay về, xách theo một bi đông nước, một cái ca nhỏ. Anh đưa cho chị Châu. Hai người rửa mặt. Chợt tàu rung lên làm cả ba chao người. Ngàn Phương suýt nữa va đầu vào thành tàu. Dũng kịp níu tay hai người.
- Tàu chạy đó, chị với Phương nghỉ đi, em ra ngoài.
Cả hai chẳng thể nằm được lâu. Hai người mặt mày xanh xám. Con tàu chạy với tốc độ bình thường mà Châu với Ngàn Phương say sóng ngất ngư. Vừa lúc Dũng vào, theo sau anh và Toàn là một thủy thủ dáng cao to. Thủy đã quen rồi, nhìn hai người biết ngay, trong khi Dũng toáng lên lo lắng. Thủy nói cho bạn yên tâm:
- Đi tàu không quen, bị say sóng đó, để tao đi lấy thuốc.
Nhưng thuốc cũng mất tác dụng, một lát sau hai người mềm như con bún. Thủy lắc đầu nói với Dũng:
- Họ không chịu nổi đâu, đưa lên boong đi.
Dũng dìu Ngàn Phương, Toàn dìu chị Châu lên boong. Quả nhiên lúc sau hai người đã đỡ, Châu mở mắt gượng cười:
- Dũng ơi! Uổng công hỉ! Chẳng là phải ở trên ni đến về nhà.
Anh chàng thủy thủ nói ngay:
- Chị đừng lo, em lấy tăng làm điều hòa cho chị với Ngàn Phương. Còn giường thì chịu khó nằm trên phao bơi.
Một lát sau chiếc lều đã được căng lên. Hai phao bơi dài xếp vào phía trong, có cả mền đắp. Dũng siết tay bạn, cám ơn.
Thủy cười, nói theo giọng con nhà lính:
- Có gì đâu! Với "giai nhân" của mày, tụi tao phải ga lăng tối đa chớ, chừng nào có tin mừng điện cho tao, nếu mà chưa chết, tao sẽ về dự.
Dũng liếc Ngàn Phương đang nằm trong lều rồi suỵt nhẹ:
- Đừng nói to mi ơi! Cô ấy khó tính lắm!
- Chịu đến chưa?
Dũng lắc đầu:
- Kỳ vậy? Tại mày hiền quá, không biết tán tỉnh chớ gì. Mẹ nó! Đời lính sống rày chết mai, mày phải đánh nhanh rút lẹ, để chậm chân thằng khác cuỗm mất. À! Nè! Em xinh ghê, dịu dàng lại hiền, không ra vẻ lính bà đâu, làm tới đi.
Trong kia, mấy thủy thủ vây quanh hai người, miệng tía lia không ngớt. Khắp bên ngoài, chẳng thiếu những ánh mắt nhìn về căn lều. Cô gái mệt mỏi nhắm mắt. Dũng bước vào:
- Chị Châu với Ngàn Phương khỏe chưa? Thủy nói đi ăn.
- Cho vàng chị cũng không xuống đó nữa mô!
- Vậy để em đem lên.
Dũng bước ra. Mấy thủy thủ cũng chào rồi ra theo.
Châu dặn với theo:
- Dũng ơi! Cháo nghe, Ngàn Phương ăn cơm không nổi mô.
Khoảng mười lăm phút Dũng đi bưng cháo lên. Anh múc ra nắp cà mèn, đưa cho hai người, anh nói nhỏ:
- Ngàn Phương! Ăn chút cho khỏe.
Cô gái nhìn anh. Tại sao người ta có thể cực lòng vì mình một cách như vậy? Và lần đầu tiên cô tỏ thái độ dịu dàng:
- Thấy phiền Dũng quá, biết lấy gì đền ơn.
Dũng cười thấy lòng mát rượi. Không phải nhờ gió biển, mà vì tiếng "Dũng", Ngàn Phương gọi anh lần đầu tiên. Ráng ăn hết chén cháo, hai cô gái lên giường phao đắp mền nằm. Dũng khép cửa lều, cuốn cửa nhỏ phía trên cho gió và ánh sáng lọt vào, rồi đi xuống hầm tàu ăn cơm với Thủy và Toàn.
Tàu chở quá trọng tải, máy lại hư, nên chạy rất chậm. Mấy ngày đêm trên tàu, Dũng, Toàn, Thủy, Châu và Ngàn Phương đã thành bạn bè. Họ lo cho hai cô thật chu đáo. Đám thủy thủ cứ rảnh là đến vây quanh lều. Tự họp lại đánh bài, nói chuyện tiếu lâm, đêm thì hát hò đến khuya mới giải tán. Dũng, Toàn ở ngoài lều canh cho hai người.
Qua mấy đêm, Ngàn Phương được biết thêm về Dũng. Ngoài tài đàn, Dũng rất được bạn bè quí mến. Tính anh ít nói, điềm đạm, mặt đầy nét nam tính, nhưng không thô. Anh thi vào trường âm nhạc, trùng tuổi lính nên bị động viên. Anh mang áo lính mà tâm hồn không lính chút nào. Các bạn vẫn thường trêu anh một cách trìu mến "Nhạc sĩ với cây đàn ".
Đêm cuối cùng sống chung trên tàu, ngày mai cập bến Đà Nẵng rồi. Dũng ôm đàn hát cho mọi người nghe. Cảnh vật thật thơ mộng, trời nước mênh mông, ánh trăng sao lung linh muôn màu giữa biển khơi. Tất cả làm cho lòng cô gái nhỏ xôn xao. Đời người ngắn ngủi, mấy ai sống và thấy được cảnh êm đềm này nó có vẻ thanh bình quá. Cô biết Dũng hát chỉ vì cô và cho cô. Ở bệnh viện anh không hát, chỉ đàn, đêm nay anh hát làm cô thật bất ngờ. Ôi! Giọng hát ấm lòng, hay đến nỗi làm cô ngẩn ngơ. Tiếng hát anh bay xa theo làn sóng vỗ, ánh mắt nhìn cô tha thiết, anh hát những bài hát tự anh sáng tác và bài cuối cùng có lời:
... Trên boong tàu đêm nay
Trăng soi người tôi yêu
Tình ca tôi muốn viết
Tặng ai đó yêu kiều
Mai đây về phương ấy
Biết có chăng tao phùng
Đêm nay lời tôi hát
Đưa tiễn em lên đường
Em! Vì sao cô đơn
Đi tìm yêu thương chăng?
Em ơi! Tìm chi nữa
Có tôi với cung đàn...
Tiếng ca cuối cùng vừa dứt, tiếng vỗ tay vang rền. Có ba cặp mắt nhìn vào Ngàn Phương làm cô lúng túng. Châu nói ngày với cô:
- Cái thằng hắn làm bài hát mô mà lẹ?
Toàn nói với vẻ tự hào:
- Đôi khi hắn thích là hát ngay thành bài hát, không cần phải sáng tác.
Thủy đế vào:
- Huống chi vì Ngàn Phương, Dũng đặc biệt quan tâm lo lắng đó Phương ơi!
Ngàn Phương khổ sở:
- Toàn, Thủy, xin các anh đừng đùa rứa!
Toàn trợn mắt:
- Hoàn toàn nghiêm chỉnh! Làm gì có chuyện đùa?
- Ngàn Phương nè, Dũng chưa có bạn gái đó. - Thủy khoe giùm bạn.
- Chuyện ấy không liên quan đến Phương.
Thấy cô buồn và giận, Châu dàn hòa:
- Thôi, đừng phá hắn, hắn khóc chừ.
- Không! Tụi em chỉ muốn Phương hiểu.
- Hiểu là một việc, yêu là một việc, không phải hiểu rồi là yêu. - Bây giờ cô đã mạnh dạn phản kháng.
- Phương sắt đá hay răng mà chẳng động lòng với một người như Dũng?
- Dũng với Phương chỉ là bạn.
Cô nhìn đi nơi khác, tỏ vẻ không muốn tiếp tục câu chuyện. Trời đã vào khuya, Dũng không hát nữa. Mọi người tản ra. Toàn, Thủy nháy Châu, cả ba chui vào lều.
Trên boong tàu mọi người đều an giấc. Chỉ còn Ngàn Phương đứng lặng, mắt hướng vào đêm thâu. Trời hè nhưng giữa ngàn trùng sóng gió, cô gái vẫn thấy lạnh buốt. Có ai choàng cho nàng chiếc áo. Ngàn Phương quay lại nhìn. Dũng đứng phía sau:
- Lạnh lắm Ngàn Phương, khoác đỡ, áo Dũng giặt sạch rồi.
- Cám ơn Dũng.
Cô xỏ tay vào chiếc áo lạnh. Dũng nhìn cô mỉm cười. Trong Ngàn Phương thật nhỏ bé trong chiếc áo thùng thình.
- Sao Dũng không ngủ?
- Còn Ngàn Phương?
- Phương đang nghĩ...
- Nghĩ gì, có thể nói Dũng nghe không?
Cô gái xoay người nhìn ra biển như tránh ánh mắt Dũng nhìn, cô nói khẽ:
- Có một người chờ Ngàn Phương ở đó, nhưng Phương không muốn về, vì sợ mình không đem hạnh phúc cho người đó.
Dũng nghẹn thở. Lần đầu tiên cô tâm sự. Lời tâm sự làm Dũng bối rối lo âu:
- Ngàn Phương không yêu người đó? - Anh hỏi, không giấu được hồi hộp trong tiếng nói.
- Vâng! Phương không yêu người đó.
- Tại sao không nói, để người ta chờ đợi?
- Có nói, mà anh ấy vẫn cứ chờ.
Anh cúi xuống nhìn biển đêm rồi ngẩng lên hỏi đột ngột, mắt nhìn thẳng vào nàng:
- Ngàn Phương có người yêu rồi à?
Cô gái gật đầu thay câu trả lời. Dũng cố giấu niềm đau bằng một câu hỏi khác ;
- Sao người ấy để Ngàn Phương đi vào nơi này?
- Nơi này hay nơi khác, cũng vậy thôi. Với Ngàn Phương, xấu tốt tự lòng mình.
- Nhưng Ngàn Phương biết không, chiếc áo làm con người mang nhiều điều tiếng.
Cô gái cố giấu tiếng thở dài:
- Đã chọn rồn, thì hối hận cũng chẳng ích gì. Phương sẽ cố gắng để lòng mình trong sáng.
- Ngàn Phương!
- Mãi mãi chúng ta là bạn, Dũng nhé! Ngàn Phương mong tình bạn giữa chúng ta trong sáng mãi như vầng trăng đêm nay.
Anh chua xót nhưng chỉ còn cách gật đầu:
- Vâng. Dũng sẽ cố gắng. Ngàn Phương có vui lòng cho Dũng thỉnh thoảng về thăm?
- Rất vui lòng, nhưng không nên đi lậu phép.
- Đồng ý.
Ngàn Phương đưa tay cho Dũng bắt. Họ xiết tay nhau thay cho lời thề.