Chương 8

Bác sĩ chỉ huy phó của bệnh viện là bác sĩ dân sự, từ bệnh viện Huế tăng phái qua quân đội, theo yêu cầu của Cục quân y. Ông là người hào hoa phong nhã, dáng dấp như thư sinh, nhưng rất giỏi trong chuyên môn. Hôm nay bác sĩ chỉ huy trưởng về Đà Nẵng, mọi việc trong quân y viện do ông xử lý. Và bây giờ, trước mặt ông là tờ điện tín với toàn văn như sau: "Em Điệp bị thương nặng - Đại bác nổ, cả nhà bị thương, Phương về gấp - Hoàng ".
Bác sĩ chỉ huy phó thở dài. Cả mấy hôm nay Đà Nẵng biến loạn. Quân đội do hai tướng cầm đầu đánh nhau trong thành phố. Nhân dân và binh sĩ chết rất nhiều. Lính do tướng Thi cầm đầu được dân thành phố ủng hộ vì ông ta mượn chiêu bài phật giáo. Ngoài chiến trường lính chết hàng hàng lớp lớp. Nhưng ở hậu phương cái chết đó chẳng nghĩa lý gì - Vì những kẻ cầm quyền cần họ làm nấc thang bước lên danh vọng! Một chế độ độc tài vừa giẫy chết, đã tốn biết bao nhiêu xương máu, nay đến quân đội nắm quyền cũng đâu kém phần đau khổ. Và cô y tá còn rất trẻ của ông cũng dính vào bi kịch. Bây giờ, trước tin buồn nay, cô ta có chịu nổi không? Theo ông biết, thành phố đang còn đánh nhau dữ dội, liệu cô về có giúp được gì? Bao suy nghĩ cứ miên man chạy khắp đầu ông, nhưng rồi ông quyết định nhấc máy:
- A lô! Ngoại thương bốn phải không?
- Ngoại thương bốn đây. Tôi nghe.
- Tôi, bác sĩ Trọng đây, có Ngàn Phương đó phải không?
- Dạ có, thưa thiếu tá bác sĩ.
- Tôi cho xe đón cô có việc cần, hãy chờ.
Ông cắt điện thoại, đặt ống nghe lên giá, xếp tờ điện tín lại, ngồi chờ. Ở ngoại thương bốn, Ngàn Phương thấy hồi hộp trong òng. Cô đi nhanh ra cửa, vừa kịp xe đến đón cô về văn phòng bác sĩ chỉ huy phó. Bác sĩ Trọng đón cô rồi nhã nhặn mời ngồi:
- Cô Ngàn Phương chắc đông chị em? - Ông mở đầu bằng một câu hỏi.
- Thưa bác sĩ, tôi là chị đầu, em rất đông.
- Sức khỏe cô bữa ni ra răng? Có thấy mệt mỏi không?
- Thưa bác sĩ, tôi không sao cả.
Bác sĩ Trọng quyết định đi vào việc chính:
- Cô Ngàn Phương. Tôi vừa ký giấy phép cho cô nghỉ dưỡng bệnh vài ngày, cô nên về thăm gia đình.
Cô ngạc nhiên vì sự quan tâm bất ngờ này:
- Thưa bác sĩ, không cần đâu.
- Dường như cô ít về nhà.
Cô cúi đầu.
"Sao ông biết kìa?". Từ ngày ra Huế, cô chỉ về Đà Nẵng một hai lần gì đó để chăm sóc gia đình và thăm Hoàng.
- Vâng. Thưa bác sĩ, tôi ít khi về nhà vì tôi và cha tôi không hợp nhau. Tôi không muốn mẹ tôi buồn, khi mỗi lần về tôi và ông ấy lại cãi nhau.
Bác sĩ Trọng đẩy ghế bước ra khỏi bàn làm việc. Ông nói khi đối diện sát cô:
- Nhưng bây giờ thì cô phải về, Ngàn Phương ạ. Vì em cô đang đau, mẹ cô đã gởi điện ra. Tôi đã cho tài xế lên Phú Bài xin phi vụ cho cô, chắc sắp về.
Vừa lúc ấy, người tài xế bước vào đưa tay chào cô nói luôn:
- Thưa thiếu tá bác sĩ, hôm nay không có phi vụ, nhưng tại bệnh viện ta có máy bay chuyển thương binh về Tổng y viện Duy Tâm, trong vòng ba mươi phút nữa cất cánh.
Cô gái lính quýnh nhưng bác sĩ Trọng vẫn bình tĩnh. Ông nói với tài xế:
- Anh đưa cô Phương về lấy hành lý rồi qua ngay. Tôi sẽ yêu cầu máy bay chờ. Còn đây, giấy phép, cô lo xong việc nhà hãy trở ra làm việc, chúc cô may mắn!
Cô gái không kịp nói lời cảm ơn, chỉ chào bác sĩ Trọng rồi đi ngay. Nửa giờ sau cô lên máy bay tải lương về Đà Nẵng. Xuống bãi đáp dã chiến ở bệnh viện Duy Tân, cô chạy nhanh ra cổng, lòng tràn ngập lo âu. Khi ngồi trên máy bay có nghe các phi công bàn tán chuyện Đà Nẵng đang đánh nhau dữ dội. Hai phe của tướng Thi và tướng Kỳ tranh quyền trên không phận Đà Nẵng, cô mường tượng cảnh bom đạn tơi bời. Còn ngay tại Tổng y viện, bây giờ không còn là một bệnh viện quân đội, vì cô thấy tràn ngập dân chúng. Trời ơi! Chuyện gì kia chớ?
Mãi suy nghĩ, cô đâm sầm vào một người đang chạy vào. Cả hai cùng kêu lên:
- Anh Hoàng!
- Ngàn Phương!
Anh níu tay cô chạy ngược vào bên trong, vừa chạy vừa nói:
- Em Điệp trong này.
Tiếng súng, tiếng đại bác từ đâu vọng lại làm Ngàn Phương không nghe rõ, cô hỏi:
- Ai ở trong này?
- Em Điệp với mẹ.
Cô hốt hoảng sững lại:
- Sao em Điệp ở đây?
Hoàng kéo cô chạy tiếp:
- Em Điệp bị thương, em không nghe điện sao?
Ngàn Phương rụng rời, cả hai chạy nhanh về phòng hậu phẫu, khắp bệnh viện nơi nào cũng có tiếng kêu khóc rên la. Dân chúng ở khắp nơi. Thường dân bị thương nhiều hơn cả lính. Những cái băng ca nằm rải rác từ hậu giả đến các phòng mổ. Khi Hoàng thấy các bác sĩ vây quanh một chiếc giường, anh đưa tay chỉ:
- Ngàn Phương! Em Điệp nằm kìa! Sao bác sĩ đông quá?
Một linh cảm không lành ập đến. Cô đẩy chiếc cửa gương, chạy nhanh vào. Trên giường em Điệp nhỏ bé của cô đang được dựng những phương pháp tối đa để hồi sinh.
Nhưng tất cả không còn ý nghĩa. Ngàn Phương chết điếng. Nhìn người bác sĩ khẽ lắc đầu khi chiếc ống nghe rời khỏi lòng ngực bé nhỏ, cô bé em cô không còn nữa!
Mẹ cô không biết con gái đứng phía sau lưng, ôm xác bé Điệp trên tay gào khóc. Những bác sĩ lặng lẽ đi ra. Cô run rẩy bước đến, đau đớn làm cô muốn điên. Cô hét lớn:
- Tại sao? Tại sao như vậy? Mẹ ơi!
Tiếng la của Ngàn Phương làm mọi người trong khu hậu phẫu chú ý. Bà Thuận ngẩng lên, thấy con gái, bà quỵ xuống, vừa khóc vừa la:
- Nó chết rồi, con ơi là con!
Hoàng đã thấy sự đau đớn vô bờ trong mắt Ngàn Phương. Đôi cánh tay mạnh mẽ của anh cương quyết kéo cô đứng lên.
- Ngàn Phương, em là trụ cột trong nhà, phải nên bình tĩnh lại, đưa mẹ ra ngoài.
Cô ngơ ngác, phờ phạc:
- Em không hiểu gì hết! Tại sao lại là gia đình em, tại sao chúng nó lại giết người?
Cô khóc òa trong tay Hoàng. Tiếng người mẹ rời rạc trong nước mắt:
- Móoc chê nổ sau nhà... Bị thương hết... Chở đi hết... Chỉ còn... Em với mẹ... Ở đây... Nó bỏ mẹ rồi!
- Bác ơi! Người chết đã yên, hãy lo cho mấy em còn lại. Bác cố nén bi thương, để lo việc an táng cho em. Con sẽ đón chúng về sau.
Hoàng để hai mẹ con ở lại. Anh tất bật lo đi tìm xe đưa xác Điệp về. Nhưng khi có xe, lại có lệnh đưa xác về chùa Tỉnh Hội để an táng tập thể. Giáo hội kiên quyết kiện ra quốc tế vì binh lính bắn giết người vô tội. Ngàn Phương không biết làm gì, cô rối bời, mọi việc đều giao cả cho Hoàng. Khi liệm xác Điệp bỏ vào quan tài, cô mới nhớ đến một việc, cô hỏi mẹ:
- Ba con đâu?
Bà khóc, nói như oán hận:
- Đi đâu mẹ không biết, đừng hỏi nữa!
Và rồi ông cũng về ôm quan tài bé Điệp khóc nức nở. Đêm ấy Tỉnh Giáo hội xảy ra biến loạn. Vào lúc nửa đêm lính ở đâu đeo mặt nạ tràn ngập vào chùa, tung lựu đạn cay, dùng ma trắc dọn đường những ai cản trở, họ cướp hết những chiếc quan tài để trong chùa, dùng xe chở đi mất. Bà Thuận chết giấc mấy lần! Toàn thành phố ngập trong tiếng bom rơi đạn nổ, trong tiếng than khóc nguyền rủa dậy trời. Thành phố trắng những mảnh tang trên đầu, cả trên ngực áo.
Trong cảnh hỗn loạn đó, Hoàng không rời Ngàn Phương một bước.
Anh bỏ công việc, xông xáo khắp nơi ngày nào anh cũng xuống sông Hàn đón tàu Đức dùng làm bệnh viện nổi, coi mấy đứa nhỏ lành chưa để đưa về.
Đến tuần sau tình hình mới lắng dần. Nhưng vẫn còn đánh nhau. Chiều hôm đó dì Thêm, Thạch Thảo, Thạch Tú, Nhã, Phúc, Ly cõng Tuấn và thằng út về. Mọi người ôm nhau khóa òa. Đứng trước căn nhà tan hoang vì móoc chê nổ, tôn lợp cuối tròn, lủng hết do mảnh bom. Bà Thuận tê tái trong lòng. Suốt ngày cả nhà xúm vào dọn dẹp. Ngàn Phương thấm mệt. Cả tuần hầu như không ăn uống gì thuốc men cũng quên, vết thương chưa được lành trở lại đau nhức. Thấy Ngàn Phương ôm vai, Hoàng chạy lại:
- Em sao vậy?
Ngàn Phương dựng chổi, cố nén tiếng rên, cô hỏi anh:
- Trên nhà có việc gì kkhông anh Hoàng?
- Không, ba má anh sợ ở miết dưới hầm, ông bà niệm Phật liên hồi.
- Anh đến đây hoài, hai bác không hỏi sao?
Hoàng cười, ánh mắt nhìn cô âu yếm:
- Anh lớn rồi, có tự do của anh chớ. À! Hôm đó em nhận điện thoại báo tin à?
Cô lắc đầu:
- Không phải điện thoại mà điện tín. Bác sĩ chỉ huy phó nhận, ông ký giấy phép cho em về ngay. Anh điện hả?
- Anh có người bạn tên Thái, làm ở bưu điện mới lên trưởng phòng. Hôm đó, đánh nhau dữ quá, anh xin nghỉ rồi về nhà, và lúc thấy xe hồng thập tự chở mẹ với Điệp ra, xe khác chở dì Thêm và mấy đứa nhỏ, anh hoảng quá, chạy ngày về nơi ba anh làm việc gọi đường dây đặc biết về Huế, nhờ Thái qua nhắn em. Nó điện qua, chắc vì bận.
Ngồi bệt xuống thêm, Ngàn Phương nhìn Hoàng. Dọn nhà với cô cả ngày, áo quần, mặt mày lấm lem, cùng ông Thuận dũi tôn, bị tôn cắt mấy chỗ, mà anh không tỏ vẻ gì đau đớn. Anh coi gia đình cô như gia đình anh. Đối xử với người lớn thì tôn trọng, với mấy nhỏ thì yêu thương. Mấy em cô đứa nào cũng chỉ biết đến anh Hoàng. Như ngày xưa với Ngàn vậy. Lúc gia đình cô có gì khó khăn nguy biến, là có anh giúp đỡ hết lòng. Hoàng như vậy đó! Hơn một tuần bên nhau, Ngàn Phương càng mến thương anh nhiều. Anh không có khuyết điểm gì ngoài trừ là con gia đình giàu có, cha ở trong bộ máy chính phủ cấp cao trong thành phố, ông dân biểu hạ viện.
Để ý thấy Ngàn Phương ngó mình không chớp mắt, Hoàng tràn ngập niềm vui. Anh chịu đựng cái nhìn của người con gái anh yêu. Một lát, anh nhẹ đặt tay mình lên tay cô, âu yếm hỏi:
- Em nhìn anh, mà nghĩ gì vậy?
Cô không phản ứng gì khi tay anh siết tay cô. Chẳng hiểu có phải những đau thương suốt tuần nay làm cô thấy mình yếu đuối, cô độc hay không? Tự nhiên cô muốn được gục đầu vào đôi vai ấy, phó mặc bản thân mình cho nó ra sao thì ra, nhưng ý nghĩ ấy cô giấu kín trong lòng, cô chỉ se sẽ nói:
- Hoàng ơi! Em chẳng biết nói sao để tỏ lòng biết ơn của em dành cho anh?
- Đừng nói vậy, chúng ta như người nhà, không nên nói chuyện ơn nghĩa. Hãy nói cho anh biết, khi nãy tại em ôm vai nhăn nhó vậy? Có phải vết thương hồi đó anh gây ra giờ lại đau không?
Cô gái lắc đầu đứng lên, kéo theo cả anh:
- Nhờ anh chở em lên Duy Tân chút?
- Gì vậy em?
- Có chuyện.
Đến nơi. Khi Ngàn Phương trật vai áo cho người bạn đồng nghiệp tháo băng rửa vết thương giùm, Hoàng mới hết hồn khi thấy vai cô rách nát nhiều chỗ, có chỗ làm mủ tấy đỏ, anh la lên:
- Trời ơi! Sao em vầy nè?
Cô trấn tĩnh anh bằng giọng nói điềm tĩnh:
- Không hề chi đâu anh, một bệnh nhân bị kích động đã gây ra khi em đến chăm sóc cho họ. May chỉ ngoài da thôi.
Người bạn đồng nghiệp xem xét vết thương rồi nói:
- Sao chị để nhiễm trùng dữ vậy? Hình như chị làm ở Nguyễn Tri Phương phải không?
- Dạ. Em làm ở Nguyễn Tri Phương. Nhà em bị thương hết, em lo quá, nên quên thuốc men, cũng quên cả chuyện ăn uống, cứ nghĩ đến đứa em gái chết oan ức, em đau khổ quá...
Cô y tá rửa vết thương cho cô, vừa làm vừa trò chuyện:
- Ba thằng to đầu chỉ làm khổ dân đen! Đau lắm phải không? Ráng đi. Phải rửa sạch mủ để rắc thuốc.
Hoàng như cùng đau với nỗi đau của Phương. Đợi băng bó xong mới hỏi. Khi nghe cô thuật chuyện vì sao bị thương, Hoàng thật sự nổi khùng:
- Em điên rồi, bỏ hết đi mà về nhà! Một ngày nào đó, lũ điên kia sẽ giết em.
- Không được đâu Hoàng. Quân đội có kỷ luật, em bỏ việc sẽ bị tầm nã. Vả lại, em cũng không muốn bỏ việc, em đã chọn, nó là cuộc sống của em, chỉ xin anh đừng nói sẽ làm mẹ thêm lo.
Anh chỉ còn cách nghe lời khi thấy sự quyết liệt trong lời nói của cô. Trên đường về, anh cứ mải miên man nghĩ ngợi về người con gái anh đang chở sau lưng.
Cô gái ấy bé nhỏ cả con người lẫn tuổi đời, cả sức học lẫn lịch duyệt với đời, nhưng tại sao cô vô cùng to lớn trong trái tim anh. Có phải chăng tình yêu là một thứ không ai có thể hiểu đến tận cùng?
Một tuần sau nữa, tại chù Tĩnh Hội dán yết thị, yêu cầu đồng bào, phật tử lên nghĩa trang Nam Ô tìm mộ của thân nhân bị cướp xác ở chùa. Tình hình chiến sự ở thành phố đi vào giai đoạn cuối cùng. Các ông tướng, các ông lính, xe GMC và súng ống biến mất, chỉ còn lại một thành phố đổ nát và dòng người lũ lượt mang xẻng cuốc với vành khăn sô trắng đi về nghĩa trang Nam Ô.
Ông bà Thuận cũng như mọi người cùng Hoàng và Ngàn Phương lên tìm xác Điệp. Nghĩa trang với cả rừng người! Họ đào xới hết cả các ngôi mộ. Chiếc hòm nào có dán hoặc kể tên tuổi lên trên thì đỡ. Hòm nào không có tên tuổi phải mở cả nắp ra nhìn, thật là một cảnh tượng thê thảm chưa từng thấy. Gia đình Ngàn Phương may mắn hơn, đào đến ngôi mộ thứ ba thì thấy tên "Đỗ Nguyễn Ngọc Điệp" kẻ trên nắp hòm, mọi người đều khóc. Hoàng cùng ông Thuận đắp mộ, dựng bia trở lại đến trưa mới xong. Tất cả đứng lặng trước ngôi mộ mời mịt khói hương một lúc mới ra về.
o 0 o
Vết thương trên vai Ngàn Phương đã lành hẳn, chỉ để lại những vết sẹo trắng lờ mờ, thời gia sau đó có thể mất đi. Còn cái sẹo của Hoàng gây cho cô ngày nào, không thể biến được. Nó trở thành một vết lõm nhỏ màu hồng nhạt, dính chặt với Ngàn Phương suốt cuộc đời. Cô gái đưa tay xoa vai, điều đó đã trở thành thói quen. Khi Ngàn Phương đang xoa vai, Hoàng cũng vừa đến. Cô nhướng mày:
- Anh đi đâu tối vậy?
- Nghỉ lâu quá rồi, hôm nay anh đi làm lại trực đêm ngay.
- Nghỉ lâu vậy có bị khiển trách không?
Anh nhún vai:
- Anh phải nhờ ba anh một lần, mọi việc yên rồi.
Ngàn Phương ái ngại trong lời nói:
- Anh Hoàng! Anh vì em nhiều như vậy, em chẳng biết nói thế nào.
Anh cười, nụ cười vương nét buồn:
- Anh vẫn thấy chưa bao giờ đủ. Anh có thể vì em nhiều hơn nữa, chỉ tiếc là... - Hoàng bỏ lửng câu nói, anh nhìn đồng hồ:
- Anh phải đi, mai chờ anh về đưa đi ăn điểm tâm nghe?
- Sáng mốt em đi rồi.
Hoàng không nói gì, dắt xe ra cửa. Cô nhìn theo lòng nghe xôn xao một nỗi niềm không tên. Từ thuở biết anh, cộng hết thời gian gặp nhau, chưa bằng hai tuần họ gần bên nhau như bây giờ. 'May này về Huế, chắc lòng mình nghe nhớ mong...'
Bà Thuận đi ra nhìn con đang đắm chìm trong suy nghĩ, bà thở ra nhè nhẹ, nghĩ thầm - "Nếu nó có được một người chồng như Hoàng thì thật là có phước ".
Trời tháng tư mà quái quỉ sao, lại lạnh. Có lẽ trời sầu vì người giết người. Khoác áo lên, Ngàn Phương xin phép mẹ đi chơi với Hoàng. Bà Thuận vui vẻ chấp nhận. Anh chở cô đi vòng vòng trên phố rồi về nhà Lạc, theo lời cô yêu cầu. Hai người bại gái ôm nhau, Lạc hỏi ngay:
- Mấy nhỏ lành hẳn chưa? Đừng giận vì Lạc không đến chia buồn.
- Sao giận được, nhà ai cũng vậy mà. Mình ghé qua Lạc để mai ra Huế.
- Vậy ở lại chơi nhé. Cả nhà Lạc về quê hết rồi.
Ngàn Phương kéo Lạc đến ngồi trên sạp gỗ kế góc nhà, rồi hỏi bạn:
- Về quê chi vậy?
- Đám giỗ dòng họ.
Nghe bạn nói, Ngàn Phương không hỏi nữa, cô quay sang Hoàng:
- Mình ở chơi với Lạc, anh Hoàng nhé.
Hoàng gật đầu, anh ngồi hút thuốc vì đọc sách. Hai cô gái trò chuyện. Một lát sau, Lạc hốt hoảng vỗ tay vào trán:
- Thôi chết!
- Cái gì chết?
- Lạc hẹn với con bà dì lên nó để cùng ra bệnh viện thăm đứa em bị đau.
- Mấy giờ?
Lạc ngó đồng hồ treo tường:
- Hai mươi giờ, bây giờ còn mươi phút nữa. Ngàn Phương! Ở đây chơi, nói chuyện với anh Hoàng, Lạc đi chút xíu sẽ về.
Thấy bạn tỏ vẻ ngại, Lạc nói thêm:
- Nhà không có ai, mà con bé nằm viện sợ không qua khỏi, Lạc phải thay ba mẹ đi thăm. Ngàn Phương chịu khó ở chơi, coi giùm nhà luôn thể mà.
Từ thuở nhỏ Lạc chưa yêu cầu cô cái gì, nên giờ làm sao từ chối? Vả lại thật sự Ngàn Phương cũng muốn nói chuyện riêng với Hoàng. Cô gật đầu. Lạc tươi cười đi vào trong. Ngàn Phương không thể thấy ánh mắt cô bạn gái vốn rất hiền của mình lấp lánh tia tinh quái, đang nháy lia lịa với Hoàng.
Lạc đi rồi, căn nhà còn lại hai người, cùng chìm vào suy tư. Khá lâu, Hoàng đến bên cô, khẽ hỏi:
- Mai em đi rồi sao? Ở lại dưỡng sức vào bữa đã, em ốm lắm. Vết thương lành hẳn chưa?
- Lành hẳn rồi anh ạ.
Cô chợt hỏi anh:
- Nghe anh nói có người em trai đã mãn khóa sĩ quan Thủ Đức hả?
Anh trả lời:
- Phải. Nó đã về đơn vị, Thiết đoàn 17 kỵ binh.
- Gia đình anh không chạy được cho nó hoãn dịch sao?
- Nó đi lính tình nguyện em ạ. Ngàn Phương, bỏ đi, chúng ta cần gì nói đến chuyện đó, khi ngày mai em đi rồi.
- Chiến sự ngày càng ác liệt, anh nên khuyên em anh về Bộ chỉ huy cho đỡ.
Hoàng cáu kỉnh:
- Mặc xác nó. Nó muốn chọn binh nghiệp để tiến thân, thì chuyện sống chết, nó tự lo liệu. Nhà chỉ có nó là em trai, nhưng anh không hợp tính.
- Dù gì cũng cùng chung giọt máu.
- Mỗi người một chí nguyện, một cuộc đời, anh không thể bắt nó làm theo ý anh. Cũng như anh không thể bắt em quên Ngàn...
Hoàng trở về câu chuyện khác thật bất ngờ. Ngàn Phương bối rối, còn Hoàng anh tự trách mình lỡ lời nhắc đến Ngàn, khơi kỷ niệm để Ngàn Phương lại nhớ về quá khứ. Anh châm thuốc hút, che giấu nét lúng túng của mình. Giây phút yên lặng tuy ngắn ngủi nhưng nặng nề.
Ngàn Phương với cảm giác khó tả lại trở về trong tâm trí. Cô không định nghĩa được, nhưng nhìn Hoàng cô thấy chết trong lòng, qua cái buồn lặng lẽ của anh. Không tránh nỗi niềm xao xuyến theo về, cô nắm nhẹ tay Hoàng:
- Anh đừng buồn nữa. Em mong thời gian làm tốt công việc của nó. Em chỉ sợ mình không thể đem hạnh phúc đến cho anh.
Hoàng tưởng mình nghe lầm! Bàn tay Ngàn Phương nắm tay anh, cho anh biết là không lầm nữa.
Anh mừng rỡ hỏi thẳng:
- Em đã trả lời là: anh hãy chờ đợi một thời gian nữa đó phải không?
Cô nhắm mắt, một thoáng tự hỏi như lại lòng rồi cô nhẹ thở ra:
- Anh Hoàng! Anh cho em một thời gian nữa nhé. Em sợ phụ lòng anh. Em không muốn đem lại cho anh mọi đau khổ nào. Với em, anh là tất cả. Anh cao thượng, anh tốt đẹp muôn vàn! Ngàn Phương chỉ đến với anh khi biết chắc rằng trái tim mình trao trọn cho anh...
Câu trả lời của Ngàn Phương đem lại cho anh cả niềm vui lẫn nỗi buồn. Cô ấy vẫn vậy, không sợ sự thẳng thắn của mình làm người khác đau lòng. Với cô thà được tất cả, hoặc mất tất cả, và cô cũng muốn người như cô vậy.
- Ngàn Phương! Anh sẵn lòng! Anh sẵn lòng chờ đợi, dù em không hứa.
Hoàng bóp nhẹ bàn tay cô gái, anh nói nhỏ:
- Ngàn Phương! Anh yêu em nhiều hơn vì tấm tình chung thủy của em với Ngàn. Anh biết em sẽ là người mang lại hạnh phúc đến cho anh. Anh vẫn đợi cho đến ngày em trao trọn tình yêu! Nếu có anh linh, Ngàn cũng mong có ngày đó.
- Nhất định là vậy. Em biết anh Ngàn lắm.
Tiếng nói của cô nhẹ như gió thoảng qua, để rơi lại dư âm trong lòng... Cô chợt rùng mình nghe lạnh.
- Em mặc áo len mỏng thế này.
Hoàng nhẹ trách, rồi lấy áo của mình choàng cho cô. Bàn tay anh khép cổ áo, rồi đặt lên vai người con gái, không muốn rời. Đôi mắt cô như hai vì sao lạc, lung linh giữa trời đêm. Hoàng không còn kiềm chế được lòng mình, từ từ kéo cô lại gần, gần mãi, đến khi môi anh chạm vào môi cô. Như hai luồng điện chạm vào nhau, anh rùng mình. Còn Ngàn Phương, chẳng hiểu sao, cơ thể cô bủn rủn, không sức kháng cự. Cô gần như nằm trong lòng anh, đón nhận nụ hôn của Hoàng đốt cháy từng đường gân thớ thịt. Lần đầu tiên nhận nụ hôn của người khác phái, cô nghe lửa tim rực cháy. Đôi giọt lệ tự nhiên lăn dài trên má. Môi Hoàng hốt hoảng rời môi cô.
- Ngàn Phương! Thứ lỗi cho anh. Anh không dằn được lòng mình.
Cô khẽ lắc đầu. Người vẫn bất động tựa vào lòng Hoàng. Như thuở nào, anh lại lấy khăn lau nước mắt cho cô:
- Ngàn Phương! Anh xin lỗi, giận anh không?
Cô nói như trong mơ:
- Không! Em không giận! Anh đã cho em hiểu thế nào là tình yêu tuyệt diệu.
Đôi mắt Hoàng rực sáng. Vòng tay anh siết nhẹ tấm thân thon nhỏ của nàng ;
- Thật không? Nghe em nói, anh chỉ muốn được hôn em lần nữa...
Anh hôn cô, nụ hôn mang theo cả khát khao của bao năm chờ đợi, nó sâu thẳm đến cả hai cùng chết lịm.
Khá lâu, cô cựa mình, thoát khỏi vòng tay Hoàng:
- Hoàng ơi! Lạc chắc săp về.
- Có sao đâu. Lạc vẫn mong em là của anh kia mà.
Anh nói, đôi mắt càng rực sáng hơn bao giờ, Ngàn Phương đón nhận tia mắt ấy lòng thêm xôn xao. Có phải tình yêu được định nghĩa rõ ràng sau nụ hôn đầu? Tại sao khi anh ấy hôn mình, có một sự khao khát kỳ lạ là muốn được nhiều hơn nữa? Đó có phải là tình yêu hay chưa? Cô không, hoặc chưa thể trả lời. Cô chỉ muốn có đôi tay ấy, bờ môi kỳ lạ ấy quấn quýt bên cô. Nhưng cô vẫn nói với anh:
- Em phải về, Hoàng ơi!
- Chờ Lạc chút đã. Mai em đi rồi kia mà.
- Nhưng em sẽ lại về.
Anh nghi ngờ qua tiếng nói:
- Thật không? Em cứ gạt anh hoài. Nói về, mà có về đâu.
- Em về vì...
- Vì sao?
- Chắc em sẽ nhớ anh nhiều.
Với Hoàng, câu nói ấy là một bài ca.
- Ngàn Phương! Em thẳng thắn và thơ ngây quá. Chỉ một câu nói, anh biết anh đã có em rồi. Không hẳn là bây giờ, nhưng sẽ không lâu nữa.
"Trời ơi! Chỉ còn một đêm nay, tình yêu đến chưa kịp un đúc chín mùi lại sắp xa nhau, biết nàng có nhớ mãi nụ hôn đầu? Làm sao nhen cho lửa tình yêu sáng mãi? Ước gì... ước gì... " Hoàng lắc đầu xua tan ý nghĩ điên rồ... Anh đứng lên đi đến bàn rót liền ba ly nước uống cạn. Ngàn Phương thấy ngay thái độ khác lạ của Hoàng, cô đến bên anh, hỏi:
- Hoàng, anh sao vậy? - Miệng hỏi, tay cô sờ lên trán anh.
Cô chạm ánh mắt anh. Nhưng bây giờ nó không làm cô bủn rủn. Nó làm cô thấy sợ! Cô chợt thụt lùi, tay rời nhanh trán Hoàng.
Hoàng hiểu được điều ấy, anh trấn an cô:
- Em đừng sợ, đã qua rồi nỗi khát khao rồ dại, khi nghĩ ngày mai em đi rồi! Giờ chỉ còn một tình yêu trong sáng. Anh mãi mãi chờ. Anh hứa mãi xứng đáng với tình yêu của em.
Ngàn Phương cảm động trước sự thành thạt của Hoàng. Cô thương anh quá! Cô đột nhiên muốn anh được vui. Đầy vẻ tin cẩn, tự nhiên, cô ngả đầu vào vai anh:
- Hoàng ơi! Dường như cuộc đời này chỉ có một anh thôi.
Anh vuốt tóc cô, lòng tràn ngập niềm vui sướng:
- Ngàn Phương! Em phải nói là có rất nhiều Hoàng, nhưng chỉ có Nguyễn Hoàng này luôn yêu em cho đến chết. Ngàn Phương! Mai em đi rồi, cho anh có một yêu cầu.
- Em mà làm được thì sẽ không từ chối.
- Anh muốn được hôn vào vết thương ngày nào mà anh đã gây cho em. Bao năm anh chỉ thấy nó trong mơ.
Cô gái run nhẹ thân hình, "vết thương ấy là giấc mơ về với anh bao năm?" Hoàng ơi! Đến vậy cô làm sao có thể chối từ trước lời nói và đôi mắt thiết tha của anh. Nhưng... nhưng... Mặc kệ! Anh ấy chỉ hôn thôi mà! Cô mở khuy áo, kéo trật vai, để lộ làn da trắng ngần. Giữa những vết sẹo nhỏ là vết thẹo lõm sâu màu hồng vì bị tay phanh của anh đâu thủng. Hoàng sững sờ... nhìn. Bàn tay anh run rẩy đặt lên vai cô. Anh vuốt ve nhè nhẹ rồi cúi xuống, vẻ vô cùng thành kính, anh hôn lên vết thẹo, hôn mê mải. Cổ Ngàn Phương trắng ngần đập vào mắt anh. Hơi thở càng thêm nóng bỏng. Anh hôn cả lên gáy nàng đầy mê hoặc. Ngàn Phương tê dại cả người. Cô muốn bảo anh dừng lại, nhưng thể xác lại muốn có anh. Cô dường như không còn là cô nữa. Như hiểu Ngàn Phương, tiếng Hoàng ngọt ngào quyến rũ bên tai cô:
- Ngàn Phương! Anh chỉ hôn thôi, em đừng sợ. Cho anh hôn đi nhé, vì khoảng cách nhớ thương sẽ thêm dài. Những gì em đem lại cho anh sẽ giúp anh bền chí đợi chờ dù đến bao năm...
Cô gắng tỉnh táo:
- Lạc...
Anh cướp lời cô:
- Lạc sẽ về sau mười giờ, cô bé anh yêu.
Tiếng nói anh như ru hồn cô. Cô đứng bất động để cho bàn tay cùng bờ môi anh phiêu mãi trên vai. Hoàng cũng không dám tiến xa hơn, bởi anh biết cô gái trong tay anh, lần đầu tiên đón nhận nụ hôn. Cô đang run sợ dù khát khao. Cô chưa hiểu được đó là hương vị thật sự của tình yêu. Hãy để lúc cô xa anh, cô sẽ nhớ mãi phút giây này! Hãy để hình ảnh anh sáng ngời trong trái tim cô, mỗi ngày theo thời gian lớn dần...
Hoàng cài nút áo lại cho Ngàn Phương. Lòng reo vui khi thấy mắt cô vẫn nhắm mà môi lại mỉm cười! Anh nhìn đồng hồ. Còn lại hai mươi phút nữa Lạc mới có mặt ở nhà. Anh dìu cô ngồi xuống ghế. Anh cùng ngồi một bên. Tay anh giờ không rời tay cô nữa. Anh cứ vuốt ve mãi bàn tay thon mềm mại. Thật lạ, trải bao cực nhọc, từ thuở còn bé cho đến bây giờ, bàn tay cô không thô cứng, lúc nào cũng mềm mại! Hoàng đưa tay lên môi hôn, rồi âu yếm hỏi:
- Mai mấy giờ em đi? Anh đến đón em hỉ?
- Anh phải đi làm. Em đi một mình cũng được.
- Không! Thế nào anh cũng đưa em đi. Mấy hôm nay em hòa lại với ba chưa?
Cô làm thinh. Hoàng hiểu. Anh hỏi sang chuyện khác:
- Mẹ còn khóc không? Em cố an ủi mẹ, có nói với mẹ mai em đi chưa?
- Dạ rồi. Em nói với mẹ hôm qua. Mẹ em thuộc loại đàn bà luôn chịu đựng được mọi sóng gió trong cuộc đời.
- Thấy em và mẹ hoàn toàn cảm thông, anh rất mừng.
- Em đi rồi, anh rảnh lên bay cho mấy đứa nhỏ học hành dùm em.
- Em yên tâm đi! Lúc nào anh cũng vì em mà chăm sóc các em. Thật ra là nhờ dì Thêm nhiều lắm đó em.
Ngàn Phương đăm chiêu suy nghĩ, cô nói với chính mình:
- Dì ấy như người mẹ, mình không biết phải trả ơn sâu nặng này như thế nào.
Bên ngoài có tiếng cổng mở. Tiếng đẩy cửa nhè nhẹ. Ngàn Phương như thoát hẳn thực tại. Cô chẳng thấy Lạc đi vào và mỉm cười với hai người, khi thấy Hoàng nắm tay cô.