Tiếp theo những đức tính đã nêu trên, tôi xin nói rằng tất cả các quân vương đều muốn thần dân coi là người bao dung chứ không phải kẻ bạo tàn, nhưng ông cần phải cẩn trọng không đặt nhằm chỗ lòng bao dung đó. Ceasar Borgia bị cho là tàn bạo. Thế nhưng, sự tàn bạo đó đã đem lại ổn định cho xứ Romagna, thống nhất mảnh đất này, và khôi phục ở đó bình yên và trật tự. Nếu xem xét kỹ, ta sẽ thấy ngài còn nhân đạo hơn người Florence, những người để tránh tiếng tàn bạo đã cho phép phá hủy Pistoia69 [69 Trong giai đoạn năm 1501-1502, khi những xung đột dữ dội giữa hai phe Cancellieri và Panciatichi của thành phố Pistoia, chư hầu của Florence nổ ra, Machiavelli đã được cử tới đây nhiều lần để khôi phục lại trật tự.] Bậc quân vương không việc gì phải bận tâm đến lời chỉ trích về sự tàn bạo nếu điều đó khiến các thần dân của ông đoàn kết và trung thành; bởi dù chỉ ít lần tàn bạo, ông sẽ là người nhân đạo hơn kẻ có lòng bao dung quá đáng đã để xảy ra hỗn loạn, nguyên nhân của những vụ cướp bóc và giết chóc. Mà những hỗn loạn đó thì làm hại cả cộng đồng rộng lớn trong khi những vụ hành quyết của quân vương chỉ làm hại một số cá nhân nhất định mà thôi. Và so với tất cả những quân vương khác, vị quân vương vừa giành được quyền lực không thể tránh cái tiếng tàn bạo, bởi các quốc gia mới luôn tràn đầy hiểm nguy. Nhà thơ Virgil, qua nhân vật hoàng hậu Dido, đã nói rằng: “Những hoàn cảnh khó khăn và nền cai trị mới mẻ của tôi buộc tôi phải hành động như vậy, rải quân mọi nơi trên khắp cả nước”70. [70 Machiavelli trích đoạn thơ từ bài Aeneid của Virgil, nguyên văn tiếng Latin.] Tuy nhiên, quân vương nên cẩn trọng khi tin tưởng và hành động. Ông không nên sợ ngay cả cái bóng của mình. Ông phải biết kết hợp tính thận trọng với lòng nhân ái, sao cho quá tin cũng không khiến ông thành người bất cẩn và quá nghi ngờ cũng không khiến ông thành kẻ không thể chấp nhận được. Từ bàn luận trên, một câu hỏi được đặt ra là nên làm cho dân yêu hay là cho dân sợ. Câu trả lời là bậc quân vương cần cả hai điều đó. Tuy nhiên, khó có thể kết hợp được cả hai điều này, nhưng được dân sợ thì an toàn hơn nhiều so với được dân yêu quý nếu chỉ được chọn một trong hai. Con người thường là vô ơn, hay thay đổi, giả tạo, lừa dối, tránh né hiểm nguy, và hám lợi. Khi ngài hành động vì lợi ích của họ, họ là của ngài, họ cống hiến cho ngài máu của họ, tài sản của họ, cuộc sống của họ và con trai họ, như tôi đã nói ở trên71 [71 Xem chương 9], nhưng đó là khi hiểm nguy còn ở xa. Khi hiểm nguy cận kề ngài, họ sẽ trở mặt. Quân vương nào hoàn toàn dựa quyền lực của mình vào những lời nói đó trong khi lại không hề có những phòng ngừa cần thiết thì tất sẽ suy vong, bởi tình thân hữu có được bằng một giá nào đó, chứ không phải bằng sự vĩ đại và sự cao quý của nhân cách, thì có thể mua được nhưng không thể sở hữu, và lúc cần đến, lại không thể dùng được. Người ta thường ít ngần ngại khi làm hại người mà họ yêu mến hơn là làm hại người mà họ e sợ. Tình thân thiết được gắn với nhau bằng những mắt xích trách nhiệm, mà con người vốn là những kẻ tồi tệ sẽ sẵn sàng bẻ gẫy những mắt xích đó bất kỳ lúc nào vì lợi ích riêng. Thế nhưng nỗi e sợ lại được duy trì bởi sự sợ hãi những trừng phạt sẽ không bao giờ rời xa họ. Tuy nhiên, bậc quân vương cần khiến người khác e sợ nhưng không thù ghét mình, cho dù có thể không được yêu mến; bởi vì có thể kết hợp rất tốt giữa bị e sợ và không bị ghét, và điều đó hoàn toàn dễ dàng khi ông không xâm phạm đến của cải và vợ con của những kẻ bề tôi cũng như của thần dân. Nếu muốn hành quyết ai, ông nên tiến hành khi có những tội danh rõ ràng và phán quyết hợp lý. Nhưng quan trọng hơn hết, ông cần tránh xâm phạm tài sản của người khác. Thường thì con cái sẽ quên cái chết của cha mình nhanh hơn việc quên đi số tài sản thừa kế bị tước mất. Hơn nữa, chẳng bao giờ thiếu lý do để chiếm đoạt tài sản của người khác, và kẻ bắt đầu sống bằng nghề trộm cắp luôn tìm ra mọi lý do để chiếm đoạt của cải của người khác. Ngược lại, hiếm có lý do để lấy đi mạng sống của ai đó và cơ hội này qua đi rất nhanh. Khi phải chỉ huy đội quân đông đảo, quân vương hoàn toàn không cần để tâm đến việc bị coi là tàn bạo bởi nếu không có tiếng là tàn bạo, đội quân của ông sẽ không bao giờ thống nhất và không ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong số những chiến công đáng ngợi ca của Hannibal72 [72 Hannibal: Thống chế đội quân của người Carthage (249-183 TCN), bị Scipio đánh bại tại trận chiến Zama năm 202 TCN. Trận chiến này đã kết thúc Chiến tranh Punic lần thứ hai] phải kể đến việc ông đã lãnh đạo một đội quân lớn, đủ mọi loại người chiến đấu ở nước ngoài nhưng không bao giờ nảy sinh bất đồng dù là nhỏ nhất giữa binh lính hay giữa binh lính với chỉ huy, cả khi thuận lợi lẫn lúc khó khăn. Điều này có được chẳng nhờ gì khác ngoài sự tàn bạo vô nhân tính của ông. Sự tàn bạo này cùng với nhiều phẩm chất khác đã khiến ông luôn được binh lính kính trọng và sợ hãi. Nếu không tàn bạo mà chỉ với những phẩm chất còn lại thì ông đã không thể tạo ra một ảnh hưởng như vậy. Nhưng các sử gia không đánh giá cao vấn đề này. Một mặt, họ ca ngợi các chiến công của ông, mặt khác lại phê phán chính nguồn gốc của những chiến công đó. Để chứng minh rằng chỉ các đức tính khác của ông thôi thì không đủ, ta có thể xem xét ví dụ về Scipio, người nổi bật nhất không chỉ trong thời đại ông mà còn trong cả những trang sử biên niên. Thế mà quân đội của ông đã nổi loạn chống lại ông ở Tây Ban Nha. Điều này xảy ra không vì nguyên nhân gì ngoài sự nhân từ quá mức đã khiến binh lính được tự do quá khuôn khổ cho phép. Nguyên lão nghị viên Fabius Maximus73 [73 Fabius Maximus: Quan chấp chính tối cao, nhà độc tài La Mã vào năm 217 TCN, chết năm 203 TCN ] đã chỉ trích điều này, gọi ông là làm hư hỏng quân đội La Mã. Người Locri bị một trong các sĩ quan của Scipio giết hại nhưng Scipio cũng không trừng phạt hắn và sự kiêu ngạo của viên sỹ quan này cũng không bị khiển trách. Tất cả đều là do bản tính nhân từ của ông. Một nguyên lão nghị viên khi cố gắng bào chữa cho Scipio đã nói rằng, có nhiều người biết cách tránh phạm tội hơn là sửa chữa những lỗi lầm. Bản tính này lẽ ra đã có lúc hủy hoại danh tiếng và vinh quang của Scipio nếu như ông vẫn tiếp tục cầm quân. Nhưng dưới sự kiểm soát của nghị viện, khía cạnh đáng ngại này trong tính cách của ông, không những được che giấu mà thậm chí còn được ca ngợi. Để kết luận, tôi xin trở lại vấn đề nên làm cho dân yêu hay làm cho dân sợ. Được yêu là lạc thú của con người, còn được dân sợ là lạc thú của bậc quân vương. Quân vương khôn ngoan cần xây nền tảng của mình trên những gì thuộc về ông chứ không phải trên những gì thuộc về người khác. Ông chỉ phải tránh không bị thù ghét mà thôi.