I. LỄ TẾ CỦA CHÚA KITÔ Tội Adong đã cắt đứt liên lạc với Thiên Chúa: bằng một hành động tự do, thụ tạo đã muốn giải thoát mình khỏi ách phục tùng Tạo Hoá. Chúa Kitô xuống thế để tái lập giao hoà giữa loài người với Thiên Chúa. Ngài đã tự hiến mình làm lễ vật để cứu chuộc loài người. Lễ tế Chúa Kitô được hoàn tất bằng hai giai đoạn sau: a) Nhờ cái chết của Ngài trên thánh giá… Ngài tự hiến sinh nhân danh loài người, các em Ngài, trong một hành động yêu thương trọn vẹn và hoàn toàn phục tùng Chúa Cha. b) Nhờ sự sống lại và lên trời của Ngài. Ngài đã sống lại và lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, Đấng đã ưng nhận lễ tế của Ngài và đã tôn vinh Ngài. Hai giai đoạn cuộc tế lễ Chúa Kitô làm thành mầu nhiệm Cứu chuộc. II. SỰ KIỆN LỊCH SỬ CÁI CHẾT CỦA CHÚA KITÔ TRÊN THÁNH GIÁ Bốn Phúc âm đều thuật lại rằng Chúa Giêsu, sau 30 năm sống ở Nazareth, và 3 năm đi rao truyền Phúc âm và làm nhiều phép lạ trong xứ Galilêa, Samaria và Juđêa, thì bị Juđa một trong 12 tông đồ, nộp bán cho quân dữ, là bọn biệt phái và Saducêô, Ngài bị toà án Do thái xét xử và bị Philatô đại diện chính quyền La mã kết án tử hình. Cuối cùng Ngài bị đóng đinh vào thập giá trên đồi núi Sọ, gần thành Jérusalem. Đó là những sự kiện. Người vô tín ngưỡng cho đó là một vụ án một người vô tội, thế thôi. Nhưng đối với người Kitô, cái chết của Chúa Kitô trên thánh giá kết thúc mầu nhiệm nhập thể, là hành động tối cao tái lập sự giao hoà giữa con người và Thiên Chúa. III. CÁI CHẾT CỦA CHÚA KITÔ: NHÌN VỀ PHÍA CHÚA KITÔ Lễ tế chủ yếu trước hết là một sự hiến dâng bên trong biểu lộ bằng một lễ vật bên ngoài dâng lên Thiên Chúa để nhìn nhận quyền tạo hoá của Người, tạ ơn Người về những ân huệ Người đã ban và xin Người các ơn hoặc đền tội đã phạm. Theo nghĩa trên, một kinh nguyện, một việc làm, một giọt nước mắt của Con Thiên Chúa làm người đủ để cấu thành một sự dâng hiến hoàn hảo, nghĩa là một lễ tế trọn vẹn. Nếu lễ tế của Ngài được thực hiện dưới hình thức của một sự hiến sinh, chính là vì, sau tội Adong làm gián đoạn giao hoà giữa loài người với Thiên Chúa, tế lễ cần có một yếu tố đau khổ và phô diễn bằng một tình yêu lớn hơn, sự cố gắng của con người để được Thiên Chúa thứ tha. Trước Chúa Kitô, tất cả mọi dân tộc và mọi tôn giáo cũng đã dùng những của vật chất, súc vật hoặc cả đến mạng sống người nữa, tế lễ dâng lên Thiên Chúa. Nhưng đây chỉ là những tế lễ không hoàn hảo, và lễ vật cũng không hoàn hảo. Ngược lại, ngày mà Chúa Kitô tự hiến dâng mình làm lễ vật, lễ tế hoàn hảo đã được thực hiện: Đấng dâng và kẻ được dâng, Đấng tế lễ và của lễ, chính là Con Thiên Chúa, lễ tế Ngài đã chắc chắn làm đẹp lòng Chúa Cha và có những hiệu quả nhất định, uyên thâm, vượt hẳn các hiệu quả các tế lễ bất toàn trước. Lễ tế Chúa Kitô trên thánh giá là: a) Một hành động tự do Ngài muốn. Ngài đã nói: “Không ai cất sự sống Ta, chính tự ý Ta, Ta hiến dâng. Ta có quyền cho và có quyền lấy lại. Đấy là lệnh của Cha Ta đã ban cho Ta” (Jn 10, 18). Người chăn chiên nhân lành hy sinh mạng sống mình cho các chiên mình (Jn 10, 11). Trên thánh giá, Ngài nhấn mạnh Ngài chết một cách tự do: “Lạy Cha, Con phó linh hồn trong tay Cha” (Lc 23, 46). b) Một hành động yêu thương hoàn toàn Ngài nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ hy sinh mạng sống mình cho người mình yêu” (Jn 15, 13). Đọc bài trường thuật sự Thương khó, chúng ta cảm động trước tình yêu Chúa bao la đành chịu mọi tố cáo nhục nhã, chịu đánh đập tàn nhẫn, chịu đau khổ và chịu chết, và như thế, Ngài không than phiền, kêu ca, phản kháng, chứng minh Ngài vô tội. Mỗi một người trong chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Ngài đã yêu tôi và đã phó mình vì tôi” (Gal 2, 20). IV. CÁI CHẾT CỦA CHÚA KITÔ: NHÌN VỀ PHÍA CHÚA CHA Chúa Cha đã nhìn trong cái chết của Con Người không phải là những đau khổ mà cái chết ấy đã gây ra, nhưng cường độ của tình yêu mà những đau khổ ấy đã đòi hỏi Ngài. Nếu Thiên Chúa không muốn cái chết của người tội lỗi, nhưng mà sự sống nó (Ezéch 18,23), thì trông thấy Con Chúa vô tội đau đớn chịu chết, làm sao mà Chúa Cha vui lòng được? Trước mặt Chúa Cha, điều đã đền tội Adong một cách dư dật, ấy là thái độ của tâm hồn vâng phục và yêu thương của Chúa Kitô. Tội Adong với những hậu quả đáng buồn là một tội kiêu căng một sự từ chối không vâng phục quyền Chúa. Cái chết của Chúa Kitô với những hậu qủa diễm phúc, đối với Chúa Cha, là một hành động khiêm tốn hoàn toàn và vâng phục trọn vẹn của con người trước thánh ý Chúa. Chúa Kitô, đầu của nhân loại, trở nên “Adong mới” để trả lại sự sống mà Adong thứ nhất đã làm mất (Rôm 5, 19). V. CÁI CHẾT CỦA CHÚA KITÔ: NHÌN VỀ PHÍA LOÀI NGƯỜI Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, chắc chắn sẽ không chết, nếu không có người đã gây ra. Nhất là những người biệt phái đã âm mưu giết Ngài, Juđa đã nộp Ngài cho họ, Anna và Caipha, các thầy cả thượng phẩm, đã kêu nài đến quyền bính La Mã, Philatô đã kết án Ngài tử hình và quân lý hình đã đóng đinh Ngài trên thập giá. Không phải việc chúng ta xét đến trách nhiệm mỗi người trên đây trong vụ án Chúa Kitô. Chúng ta phải quả quyết rằng tất cả những người ấy đã hành động một cách tự do. Vậy làm sao mà hoà giải được phần tích cực của những người đã gây ra cái chết Chúa Kitô và ý Chúa Kitô muốn chết cho loài người? Chúng ta gặp đây vấn đề nan giải về sự Chúa biết trước và sự tự do của con người. Chúng ta đã nói vấn đề hiện thời nan giải và chúng ta đành phải quả quyết rằng Thiên Chúa có kế hoạch trên con người và con người vẫn tự do, khi thực hiện kế hoạch đó. Trước vụ Juđa và các thủ phạm khác về cái chết của Chúa Kitô, chúng ta sẽ quả quyết hai điều có vẻ chống đối nhau sau đây: - Những người đã đóng đinh Chúa Kitô đều có ý hành động như vậy. - Chúa Giêsu, một cách tự do, đã muốn chịu nạn chịu chết. VI. HIỆU QUẢ CỦA ƠN CỨU CHUỘC Cái chết của một người bị án thường chỉ đem đến hậu quả nói lên tiếng nói cuối cùng cho công lý, tội nặng đáng hình phạt nặng, đó là công bằng và như thế sẽ làm gương cho kẻ khác sợ mà xa tránh tội ác. Trong trường hợp Chúa Kitô, không có vấn đề công lý nhân loại đòi phạt tội ác đã phạm, vì nhân cách Con Thiên Chúa và tất cả những gì mà chúng ta biết về đời sống Ngài đủ để biện chứng rằng Ngài vô tội; hai bằng chứng mà các kẻ nghịch Chúa đưa ra lúc kiện Ngài: “Nó tự xưng mình là Con Thiên Chúa” và “Nó tự xưng là Vua”, đáng lý buộc phải tha Ngài, vì Ngài đã nói thật. Hiệu quả cái chết của Chúa Kitô, khác hẳn hiệu quả thuộc phạm vi nhân loại. Hiệu quả cái chết của Chúa Kitô là trả lại cho cả nhân loại Sự sống Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta đã được hoà giải với Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Người” (Rôm 5, 10) và nơi khác: “Ngài chết để xoá tội của giao ước thứ nhất, để những kẻ được chọn nhận lãnh gia tài vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã hứa” (Do thái 9, 15). Chính là cũng một chân lý mà thầy cả phô diễn ở thánh lễ, lúc ngài đọc: “Lạy Chúa Giêsu, vì ý Chúa Cha với sự cộng tác của Chúa Thánh Thần, Chúa đã chịu chết để cho thế gian được sống”. Nhờ cái chết của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, chúng ta đã được lại sự sống Thiên Chúa mà tội Adong đã làm mất. Chúng ta lại được quyền làm con Thiên Chúa: trên thế gian bằng cuộc đời ơn Thánh, và mai sau bằng cuộc đời vinh quang trên trời. Nhờ cái chết trên thánh giá, Chúa Giêsu đã mở cửa thiên đàng lại. “Anh em đã được cứu chuộc bằng một giá rất cao” (Cor 6, 20). VII. MỰC ĐỘ CỦA ƠN CHUỘC Trong ý Chúa Kitô, ơn cứu chuộc là cho hết mọi người. “Chúa Kitô đã chịu chết cho mọi người không trừ ai” “Chúa Cứu Thế muốn cho mọi người được cứu rỗi. Ngài đã tự hiến dâng chịu chết đền tội cho mọi người (Tim. 2, 46). “Ngài chết cho mọi người” (2 Cor 5, 15). Sự thật, như vậy thì hết mọi người có được cứu rỗi không? Chúng ta phải trả lời là không. Chúa Giêsu, phần Ngài, đã làm tất cả cái gì tuỳ Ngài, nhưng con người vẫn còn tự do, và Thiên Chúa đã dựng con người tự do, thì kính trọng luôn luôn sự tự do của con người. Mỗi người muốn được cứu rỗi thì phải tự do đặt mình vào tình trạng cần thiết để thụ hưởng ơn cứu chuộc. Phương thế thứ nhất Chúa muốn là Phép Rửa Tội (Rửa bằng nước cho những kẻ có thể chịu được, hay bằng máu hoặc bằng ước muốn). Vả lại, mỗi người bằng đời sống cá nhân mình phải được thụ hưởng đời sống Chúa Kitô đã trả lại. Như thế, đời sống ân sủng đối với mỗi người chúng ta, vừa là một ân huệ Thiên Chúa ban nhờ Chúa Kitô, vừa là một sự chinh phục riêng của chúng ta. VIII. KẾT LUẬN: NGƯỜI KITÔ VÀ THÁNH GIÁ Trong thời cổ La Mã, thánh giá biểu hiện sự nhục nhã vì nó là hình phạt cho những tội nhân lớn nhất. Thánh giá giờ đây đối với người Kitô trở nên biểu hiệu vinh quang của sự cứu chuộc mình, dấu hiệu của sự sống đã được trả lại, nhắc nhở cho mọi người giá cứu chuộc của sự đau khổ biết nhận nó như Chúa Kitô xưa. Dấu phân biệt người Kitô là dấu thánh giá, mà chúng ta làm với sự cung kính và biết ơn. Trong gia đình chúng ta, thánh giá phải để chỗ trọng nhất để trông nom những vui buồn của cuộc đời. Phụng vụ dạy làm dấu thánh giá nhiều lúc, nhất là lúc làm các phép bí tích và thánh lễ. Tất cả những dấu hiệu cung kính của người Công giáo đối với thánh giá thừa nhận vai trò quan trọng thánh giá trong mầu nhiệm cứu rỗi thế giới.