LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Trên kia chương "Ý đàn", con Hồng đã dò được ý Oanh Oanh, thì chương này chẳng qua là chuyện chạy sang trả lời cậu Trương, mà cậu năn nỉ đưa nhờ một bức thư, thế thôi. Đầu đề thật là chật hẹp khô khan hết sức. Vậy mà ta đọc, lại thấy có một chương dài dằng dặc hàng sáu, bảy trăm câu! Tôi có lần ngày xuân rượu say, ngồi chơi dưới gốc anh đào, đem ra đọc ba, bốn lượt, bỗng chợt nhớ ngày xưa anh Trần Dự Thúc đã dạy tôi về phép đó … Nghĩa là anh Trần nói chuyện với tôi về cách đánh "song lục".
Thánh Thán hỏi Dự Thúc: Đánh "song lục" có đạo lý gì không? Sao trong đó cũng có người được tiếng là đánh cao?
Dự Thúc nói: Không! Không! À có! Có! Cái đó tôi biết, tôi có thể nói được, nhưng lời lẽ không nhã, khó để lọt vào tai người khác! Riêng anh tính hay nghĩ tỷ mỉ đến những chuyện nhảm, thì thuật qua anh biết cũng không sao! Phàm hết thảy các trò chơi lặt vặt ở đời, không cứ gì là song lục, phàm các tay đánh cao, họ đều dùng có một phép này: Ấy là phép "xắn vén!" Xắn, nghĩa là xắn vào … Vén nghĩa là vén ra … Xắn được một giây thì vén được một giây … Xắn được một bước thì vén được một bước. Trong giây thứ nhất, bước thứ nhất, không dám biết đến giây thứ hai, bước thứ hai, huống hồ là giây thứ ba, bước thứ ba! Trong giây thứ nhất, bước thứ nhất, sao cho được giây thứ nhất, bước thứ nhất ấy đã, chứ chớ có tham giây thứ hai, bước thứ hai, mà bỏ lỡ giây thứ nhất, bước thứ nhất ấy …
Thánh Thán nghe nói thế, đã lấy sửng sốt lấy là lạ rồi.
Dự Thúc lại nói: Phàm trò chơi vặt, tất phải đánh tay đôi với một người nữa. Ban đầu người kia muốn làm bằng được ngay! Thế nhưng ta cứ việc xắn vén như vẻ không cần làm … Phàm muốn làm bằng được ngay, thì tất là có chỗ làm, có chỗ không kịp làm. Còn ta ra vẻ không cần làm, thì nào có phải là không làm thật đâu! Kế đó họ vì cớ muốn làm bằng được ngay, nên sẽ có nhiều chỗ không kịp làm, mà thế tất không làm bù không được! Đến khi đã phải làm bù thì những cái làm trước sẽ đến vất đi như không làm vậy! Còn ta thì vì cớ ta biết xắn vén, đi từng tấc một, từng đốt một… Trước đã không cần làm bù, mà lúc nào cũng là lúc ta làm … Sau cùng, hoh vì cớ phải làm bù, nên bao nhiêu công làm trước, đã mất toi như chưa từng làm, mà giờ lại không kịp làm nữa! Còn ta thì không phiền phải làm bù, nên họ phải nhường ta làm trước; cho đến trọn ván, thành thử chỉ có mình ta làm cả đó thôi!
Thánh Thán nghe nói thế, bất giác lấy làm lạ lắm!
Dự Thúc lại nói: Cái "xắn vén" sở dĩ đáng quý là vì xắn vén thì trí bình tĩnh; trí bình tĩnh thì lòng nhiệm nhặt; lòng nhiệm nhặt thì mắt sáng suốt. Người ta mà bình tĩnh, nhiệm nhặt, sáng suốt, thì tuy một hạt thóc cũng có thể phân ra gốc, ngọn; một tiếng ho cũng nhận ra thanh âm … Cái mà người ta không trông thấy, họ ngắm nghía chơi! Cái mà người ta không để ý, họ đảo lộn chơi! Cái mà người ta không xét nổi, họ thọc móc vào rồi họ bày giãi ra chơi! Trong thời gian một giây, một phút, họ có thể coi như một năm! Trong không gian một hạt bụi, họ có thể lập thành một nước! Thoáng nghe một tiếng mà hiểu ngay gió lạnh ở Tây sang, mây đen lại ở Bắc sang? Sẽ hạ một con mà biết ngay sao đi dọc lại được một nước, đi ngang lại mất chín nước? Hạng người đó thì là hạng không có thầy dạy, chỉ do lòng hiểu đó thôi!
Thánh Thán nghe nói thế, lấy làm lạ lắm lắm!
Dự Thúc lại nói: Cái hay của đạo xắn vén, có những chỉ riêng ở các trò chơi lặt vặt mà thôi đâu! Phàm các việc ở thế gian đều dùng đạo ấy cả. Đời xưa có những người theo đạo ấy, ví dụ như Đào Chu ba lần làm nên giầu có vậy; như Doanh Vương một mình làm tướng mấy triều. Nhờ có nó mà Tôn Vũ ra trận mới có tài xuất quỷ nhập thần; mà Y Doãn dạy vua, mới có công thay lòng đổi chí … Tiến lên một bậc nữa thì: rút con hoả phù, thành tựu được đạo cả; ung dung bước chậm, ra vào được Tam muội; trừ đạo ấy ra, chả còn đạo nào! … Vì sao? Vì ở đời chỉ có cái đạo rất bình dị, rất tầm thường, mới là cái đạo thật hay, thật lạ, thật mầu nhiệm thôi vậy! … Kỳ thực ở đời có đạo nào là hay, là lạ, là mầu nhiệm đâu! … (Trở lên là lời dẫn Dự Thúc, vì người viết chương này, chính là dùng đạo "xắn vén" đó). Thánh Thán nghe đến đấy, bàng hoàng đứng dậy mà rằng: Ồ! Ra thế kia đấy! …
Từ hôm ấy mới biết Dự Thúc là một bậc trí nhân thông minh rất mực, độ lượng phi thường! Thế nhưng Dự Thúc không có nói đó là một đạo rất tốt để dùng vào việc viết văn… Một ngày kia, Thánh Thán mới đem phép ấy, dạy riêng các học trò rằng:
- Ta làm văn từ thủa nhỏ, nhưng vạch ngang vẽ dọc nào có hiểu gì! Khi đứng tuổi mới gặp được một bậc trí nhân, dạy cho ta cái đạo gồm có hai chữ là "xắn vén" … Tuyệt thật! Người ấy không nói gì về văn, mà riêng lòng ta thì hiểu đó là một tay cao trong làng văn … Sao vậy? Phàm viết văn tất phải có đầu đề. Đầu đề là cái đẻ ra văn. Thế nhưng ta thường đem các đầu đề ra nhìn kỹ mà xem, thấy trong đó chả có gì là văn cả, thì những tay giỏi văn trong thiên hạ, họ moi đâu cho ra văn? Ta nghĩ kỹ ra, bấy giờ mới biết công dụng của "xắn vén" không phải là nhỏ … Vì sao? Phàm đầu đề, có cái ra bằng một chữ, có cái ra bằng ba, năm, sáu, bảy chữ cho đến mấy chục, mấy trăm chữ …
Nay không kể ít chữ hay nhiều chữ, nhưng tóm lại thì đã là đầu đề, tất có trước, có sau, có khoảng giữa … Chẳng những là thế, lại còn có khoảng trước của trước; lại còn có khoảng sau của sau; lại còn có khoảng sau của trước; mà còn chưa phải khoảng giữa, mà còn là khoảng trước của khoảng giữa; lại còn có khoảng trước của sau, mà đã không phải là khoảng giữa, mà đã là khoảng sau của khoảng giữa … Những chỗ đó thật không xét đến không thể được. Nếu ta chịu xét khoảng trước của đầu đề, rồi lại xét đến khoảng trước của nó, thì khi đó ta hãy tả cái khoảng trước của trước ấy đã … rồi mới tả đến khoảng trước…; rồi mới tả đến khoảng sắp sửa tới giữa nhưng còn trước khoảng giữa …; rồi mới tả đến khoảng giữa … Cho đến sau nữa, cũng cứ thế mà tả… Bấy giờ mới biết đầu đề hẹp thật, nhưng văn của ta thì rất đường trường …; đầu đề gấp thật, nhưng văn của ta rất thư thả …; đầu đề chẳng thật, nhưng văn của ta thì rất khúc triết …; đầu đề kiệt thật, nhưng văn của ta thì rất du dương … Ví phỏng ta không hiểu đầu đề là có trước có sau, có nhiều chỗ giắt lót, lôi ngay khoảng giữa ra mà làm, thì khác nào lấy gậy đập vào hòn đá, "choảng" một tiếng, thế là cụt ngủn, chả làm gì còn có tiếng vang thừa! Ấy, xắn vén với không xắn vén khác nhau là thế! - Chương này tả con Hồng, chính là dùng phép đó. Vì vậy lòng tôi tự nhiên có cảm, đem mà chép ra. Việc viết văn, quan hệ ở những chỗ rất nhỏ … Có người thoạt nghe, cho là có lẽ nào lại thế… Thế nhưng lâu ngày, chịu suy xét nhiều chỗ về bút mực, thì tự nhiên lại hiểu ngầm ra mà phải bật lên cười. Trong chương này, như đoạn thuật lại việc trước đó là một cách xắn vén; giá không thuật lại việc trước cũng được… Thế nhưng viết ra rồi thì lại hình như không thuật lại việc trước không xong … Như đoạn tả tình nhớ thương, đó là một cách xắn vén; giá không tả tình nhớ thương cũng được … Thế nhưng viết ra rồi thì lại hình như không tả tình nhớ thương không xong … Như đoạn không gõ cửa ngay, đó cũng là một cách xắn vén; Có thể gõ cửa ngay cũng được … Như đoạn không nhận lời ngày; đó cũng là một cách xắn vén; Có thể nhận lời ngay cũng được … Như đoạn giận dữ về chuyện xin biện lễ tạ, đó cũng là một cách xắn vén … Như đoạn kinh ngạc về chuyện không cần viết ráp, đó cũng là một cách xắn vén … Cho đến đoạn bỗng dưng giở giọng đứng đắn khuyên lơn, ấy cũng lại là một cách xắn vén … Thật ra trong chương này, trừ mấy đoạn xắn vén ấy ra, nào còn chỗ nào có thể hạ được bút? Thế mà nay chỉ vì biết cách xắn vén, tự nhiên viết thành được một chương lớn, dài đến sáu, bảy trăm câu. Cho hay văn cũng như miệng, nẩy ra từng vẩy, từng vây, không chỗ nào là không có. Chỉ vì chúng ta trí không bình tĩnh, lòng không nhiệm nhặt, mắt không sáng suốt, thành ra chỗ nào cũng bị bỏ lỡ hoài! Tự mình không biết phép viết văn, mà chỉ biết chê đầu đề là chật hẹp khô khan, thì thật không sao khỏi để Dự Thúc phải phá lên cười vậy! …