LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Người thủa xưa đọc vở Mái Tây, đến hết mười lăm chương trên rồi, đến chương mười sáu, bỗng thấy viết ra câu chuyện "Tan mộng", liền đập bàn kêu là hay tuyệt! Ý nói rằng: Một cuốn văn dài, thu thúc như vậy, thực khiến cho có vẻ như sương, như sóng, man mác không cùng! Rồi đó người nọ truyền người kia, không ai là không nói theo thuyết ấy. Riêng Thánh Thán ngày nay, lòng trộm nghĩ là không phải thế! Sách nói rằng: "Bậc trên cùng là lập đức. Thứ nữa là lập công. Thứ nữa là lập ngôn". Thế nào là lập đức? Như Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Võ, Chu Công, Khổng Tử, lấy chí đức của mình, giúp trời hoá dân, để cho muôn đời hưởng phúc mãi mãi, thế là lập đức. Thế nào là lập công? Như Vũ san đất khơi nước; Hậu Tắc tìm ra các giống thóc; Nhân Toại dậy cách dùng lửa; Thần Nông nhận xét các vị thuốc; cho đến những người đem mình che chở một thành; đem sức giúp đỡ cho một làng; đem trí tạo ra món đồ; đem tài dựng ra một nghề nghiệp; truyền cho đời sau, lợi dụng không dứt, thế là lập công. Thế nào là lập ngôn? Như Chu Công soạn ra Phong, Nhã; Khổng Tử viết ra Xuân Thu. Phong, Nhã là những lời nói thái hoà vui vẻ; Xuân Thu là những lời cứng cáp, khắc khổ; dưới nữa đến các bậc đại gia trong mấy nghìn năm nay, vuốt ngực nghĩ, vung bút viết, làm cho sách của họ cả nước cùng học, thuyết của họ mọi nhà đều tin; lại dưới nữa đến những ông già, bà lão, những đàn bà trẻ con, ở vào nơi ngõ hẻm hang cùng, nói được một câu hợp lý, nghĩ được một chữ có ích, truyền khẩu lẫn nhau, đời đời nhắc lại, thế là lập ngôn. Ngôn so với đức và công, tuy rằng có kém, nhưng cũng có thể lâu bền được ở đời, cho nên cùng gọi là "lập". Cứ thế mà suy, thì "nói" tuy là việc nhỏ, song thực cũng quan hệ. Văn Vương mất rồi, còn ta ở lại … Dù cho sợ, có tránh làm sao khỏi … Có thể không để ý đến được đâu! …
Vở Mái Tây, chẳng qua chép toàn những lời trai, gái say mến lẫn nhau. Nếu quả cho nó là không đáng trọng khinh, thì có thể đem mà xé, đem mà đốt, cho mất hẳn tăm tích! Triệu Uy hậu đã có nói: "Đó là bọn giắt nhau đi làm những cái vô ích, sao đến nay còn chưa đem mà giết đi?" Thế nhưng ta lại ăn dở, bỏ dở, tiếc rẻ khác nào miếng sườn gà! Như vậy thì tưởng nên xem đi xét lại, tìm cho ra chỗ dụng tâm của người viết mới phải. Vì rằng sách của người ta một khi viết xong, trăm năm còn để, mà lại có thể tới được từng nhà, đến từng ngõ, chỗ nào cũng có cả, như vậy biết đâu nó chẳng riêng có một thâm ý, một sức mạnh, đủ để tự lưu truyền và tự bênh vực lấy mình? Hôm qua nhân cũng đã xét kỹ vở ấy: Chương thứ nhất đã thình lình mà tới, thì chương thứ mười lăm cũng đã thình lình mà đi rồi …Thình lình tới, nhân đó mà viết … Thình lình đi, nhan thế mà có lúc viết xong … Thế thì qua đoạn đó rồi, thật là nhạt như nước tuyết … Khác nào gió tới thì ống hót; gió ngớt rồi ống lại rỗng không … Cớ chi chẳng sợ phiền, lại còn viết thêm một chương? Rắn có chân đâu? Sao bác lại thêm chân cho rắn? Nhưng tôi lại xét kỹ thêm nữa, bấy giờ mới biết rằng: Viết vở hát tuy là nghề mạt, tục thường bảo "xướng ca vô loài" … Thế nhưng lòng đã có một mối mối cảm sâu, thì bút tự khắc viết nên lời chý lý …
Thực ra thì trời đất vốn là cảnh mộng! Chúng sinh vốn là hồn mộng! Từ đời "không trước" ta không rõ cùng vào cõi mộng là năm nào? Sau đời "không sau" ta không rõ cùng ra khởi mộng là năm nào? Đêm mơ khóc mếu, sớm ra được ăn uống … Đêm mơ ăn uống, sớm ra phải khóc mếu … Ta thì lại biết đâu không phải là đêm phải khóc mếu nên sớm ra mơ ăn uống, mà đêm được ăn uống mà sớm ra mơ phải khóc mếu? Có cứ gì đêm mới mơ mà sớm ra không phải là mơ? …
"Người nước Trịnh mơ bắt được con hươu, giấu vào trong hố, hái tàu lá chuối mà đậy" … Hắn cho là không phải mộng, cho nên hái tàu lá chuối mà đậy … Không hái lá chuối mà đậy, thì sợ người ta lấy mất hươu! Hắn cho không phải là mộng, cho nên sợ người ta lấy mất hươu! Ví phỏng người nước Trịnh đương lúc chiêm bao, mà biết là mộng, thì hắn chẳng những không hái lá chuối mà đậy chi, hắn còn không sợ người ta lấy mất hươu nữa! Chẳng những không sợ người ta lấy mất, mà còn không cần giấu vào trong hố nữa! Chẳng những không cần giấu vào trong hố, mà còn không cho là có hươu nữa! Truyện dạy rằng: "Bậc cao không có mộng". Không có mộng ở đây, không phải là không mộng thật đâu … Cùng ở trong mộng nhưng mặc cho nó tự nhiên, đối với chuyện đó coi dửng dưng vậy! Kinh dậy rằng: "Hết thảy phép có làm, nên coi như thế cả!" Thế cho nên gọi là không có mộng vậy!
"… Không bao lâu người nước Trịnh tỉnh dậy, thuận đường ra về, miệng bép xép chuyện đó. Người hàng xóm nghe vậy, không kịp hỏi lại, vội tin là thật! Chạy ra xem cái hố, lật lá chuối lên, liền thấy con hươu!…" Đó chẳng phải là chuyện ngụ ngôn của ông Ngữ Khấu đâu! Việc đời nhiều khi cũng có như thế nữa! Truyện dậy rằng: "Người ngu không có mộng …" Không có mộng ở đây, không phải là không mộng thật đâu! Thực ở trong mộng mà không cho là mộng! Bao nhiêu chuyện huyễn hoặc, đều cho là thật có! Kinh dạy rằng: "Cõi đời hư không, vốn tự không có. Sức nghiệp xoay chuyển, hoà hợp nên có…" Thế cho nên gọi là không có mộng vậy!
"Rồi đó người hàng xóm nấu hươu mà người nước Trịnh chạy sang tranh …" Thì thật rất đỗi tội nghiệp vậy! Hắn vốn không cho là chiêm bao, cho nên vớ được hươu thật! Còn như anh thì đã biết là chiêm bao, mà làm gì có hươu! … Nếu đó là con hươu ở trong mộng, thì ra anh muốn tranh lấy con hươu hươu! Nhược bằng muốn tranh lấy con hươu thật, thì ra anh tranh lấy con hươu không phải của anh rồi! Cái con người ấy thật là chí ngu! Mộng hươu thực là giấc chiêm bao, mà tranh hươu lại là một giấc chiêm bao! Vậy thì vừa rồi tỉnh mộng mà biết là không có hươu, thôi lại cũng là một giấc chiêm bao nốt. May mà ông Ngữ Khẩu còn chưa muốn nói hết … Ví phỏng đương tranh nhau mà mộng lại chợt tỉnh, thì có phải sẽ hối hận về việc tranh nhau đó lắm lắm không?
"… Vậy mà vua nước Trịnh, lại còn chia phần hộ chúng nó! …" Kỳ thực thì con hươu lúc đó, có việc gì mà phải chia! Ví phỏng con hươu đó là con hươu hươu, thì cho cả anh người nước Trịnh, anh hàng xóm nào có ự gì! Chứ sao lại còn phải chia phần cho chúng nó? Vậy thì chia con hươu hươu cho anh hàng xóm hay chia co hươu thật cho annh người nước Trịnh? Nếu chia con hươu hươu, thì ra anh hàng xóm hôm nay lại mơ được nửa hươu! Nếu chia co hươu thật, thì ra anh người nước Trịnh hôm trước chỉ mơ có nửa hươu! … Cho hay đã mộng rồi thì thật là khó mà tỉnh vậy! Trong khi mộng lại mộng nữa, thì tự đoán coi ngay ở trong mộng … Đến khi tỉnh, biết là mộng, thì lại muốn đoán xem; đoán mộng ở trong mộng, thế là điều gì … Nào có biết đâu sự đoán mộng trong lúc này cũng vẫn còn là loanh quanh trong cõi mộng! … Cho nên truyện của ông Nam Hoa kể thật là chí lý: "Trang Chu nằm mơ hoá ra bướm, tự thấy thích chí. Chẳng còn biết có Chu là gì. Đến khi tỉnh dậy thì lại thù lù vậy. Chu vẫn là Chu. Thật không biết Trang Chu năm mơ hoá ra bươm bướm, hay là bươm bướm nằm mơ hoá ra Trang Chu nữa!" Trang Chu với bươm bướm, chỗ đó tất có phân biệt … Phân biệt thế nào? Chu thì là Chu, bướm thì là bướm, đã là Chu còn là bướm sao được? Đã là bướm còn là Chu được sao? Vả chăng bướm đã tỉnh mà là Chu, mà còn nhớ được lúc mơ làm bướm, thì thật là không biết Chu đương mơ làm bướm, hay bướm không hề tự nhớ mình nguyên vẫn là Chu! … Sao vậy? Mơ làm bướm thì thực là mộng, thế nhưng nhớ lại lúc mơ làm bướm, thì cũng lại là mộng … Mơ là Chu; không nhớ lúc làm bướm, thì Chu tỉnh rồi. Nếu Chu không tự nhớ mình là Chu, thì Chu đã tỉnh lắm … Bướm kia không thế, nó vốn không tự nhớ mình là Chu, vì thế cũng không tự nhớ mình là bướm nữa! Bướm không tự nhớ mình là Chu, thế thì bướm tỉnh đấy! Bướm lại cũng không tự nhớ mình là bướm nữa, thế thì bướm tỉnh lắm rồi! Cái đó gọi là "vật hoá"… Ta có biết đâu thân ta bây giờ chẳng phải là thân ta trước kia, khi đương mơ làm bướm? Ta lại có biết đâu thân ta bây giờ trước kia đã tỉnh mà làm Chu? … Ta may mà không nhớ thân trước của ta, thì thân này tuy là bướm, chưa nẩy ra lòng a-lốc-đa-la-tam-riễu-tam-bồ-đề, nhưng có thể là rất tỉnh! Ta không may mà còn nhớ thân này của ta, thì thân này dẫu là Chu, đã nẩy ra lòng a-lốc-đa-la-tam-riễu-tam-bồ-đề, nhưng cũng vẫn là đương mê! Kinh dậy rằng: "Các Phật mình mầu vàng, trang nghiêm trăm phúc tướng, biết phép nói người nghe, thường là có mộng đẹp …" Tôi thì tôi bảo: Mộng nữa mà làm chi! Kinh lại dậy rằng: "… Hoặc mộng làm vua chúa, bỏ cung đền, các vợ cùng mội điều ham muốn, đi bộ tới đạo tràng…" Tôi thì tôi lại bảo: Mộng nữa mà làm chi! Tuyệt biết bao! Đức tiên sư ta là cụ Khổng bỗng dưng ngậm ngùi mà than rằng: "Ta suy lắm mất rồi! Lâu nay ta không lại chiêm bao thấy cụ Chu!" Thực ra thì cụ có những không chiêm bao thấy cụ Chu mà thôi đâu, lúc đó cụ cũng không còn chiêm bao thấy cụ nữa! Cụ cũng không còn chiêm bao thấy cụ nữa, nghĩa là cụ thì cụ làm thế thôi: làm quan được thì làm quan, về nghỉ được thì về nghỉ, ở lâu được thì ở lâu, đi mau được thì đi mau, làm chuột được thì làm chuột, làm sâu được thì làm sâu, làm đạn được thì làm đạn, làm trứng được thì làm trứng: không gì được mà không gì không được, ấy có lớn như thế mới là trời đất! … Ví phỏng bảo rằng không phải thế, mà cho là người ta sống ở đời, Trời đất thực là trời đất, vợ chồng thật là vợ chồng; giầu sang thật là giầu sang, sống chết thật là sống chết, thì ra chưa đọc đến thơ "Tư Can" … Thơ rằng: "Trên chăn dưới đệm mới yên giấc ngủ. Ngủ rồi thì dậy bèn đoán mộng ta. Đoán mộng thế nào? Nào rắn, nào rết! nào gấu, nào heo! Thái nhân đoán rằng: Nào gấu, nào beo ấy là điềm con trai. Nào rắn, nào rết ấy là điềm con gái …" Trời ơi! Trai làm vua, gái làm hoàng hậu, mà ban đầu chẳng qua là một con gấu, một con rắn phảng phất ở trong chiêm bao. Vậy thì người ta ở đời, chả cần phải xếp gối Hàm Đan, rung lá cây hoè, bấy giờ nghỉ gánh ăn cơm, rửa chân lên sập … Đọc sách Chu Lễ, thấy có chép: "Hết năm thì viên quan Chưởng mộng, dâng mộng lên nhà vua" … Nếu mộng mà có thể coi được, lại có thể đem dâng, thì đó há lại không phải là ý lập ngôn của chương mười sáu trong vở Mái Tây đó sao. Những bọn gượng ốm nói ngông như Nhạc Quảng Vệ Giới có hiểu làm sao nổi …
Hiểu được lời giảng này của Thánh Thán có hai cụ Thánh Mặc Tổng Trì, và hai cư sĩ, thầy Hàn Sĩ hiệu Quán Hoa, thầy Vương Y hiệu Đạo Thụ, đều là bạn cùng học theo phép được biên cả vào đây …