LỜI PHÊ BÌNH CẢ CHƯƠNG

Chương này tả con Hồng đem thư về, đem thư đi, gồm có bốn đoạn. đoạn này bỗngdưng biến đổi; theo một phương pháp riêng.
Đoạn thứ nhất tả con Hồng đem thư về nhất thời đối với cậu Trương, y như thầy đối với trò; trong lòng thấy tự nhiên yêu chiều vô hạn, săn sóc vô hạn! Theo ý nó, chỉ muốn ẵm ngay Oanh Oanh, hai tay giao cho cậu Trương. Xem như lúc nó vào buồng nhìn Oanh Oanh cũng ra vẻ yêu quý gấp mấy ngày thường. Sở dĩ thế là vì nó cho rằng: Oanh Oanh là một bông hoa tươi, mà vừa rồi ta đã hứa cho học trò ta … Học trò ta là của quý của ta, mà bông hoa tươi này thì là của quý của trò ta! Vì lòng đối với cậu Trương đã có riêng một dây quan hệ; cho nên mắt nhìn vào Oanh Oanh cũng nẩy riêng ra một mối cảm tình. Đó là đoạn thứ nhất!
Đoạn thứ hai tả Oanh Oanh bỗng dưng biến sắc. Trong khi bất ý, con Hồng bèn tự nghĩ rằng: Vừa rồi dễ tính đưa thư hộ người ta, cái đó quả nhiên là ta có lỗi. Thế nhưng ta vẫn chắc ta ngày thường vốn thông minh … Lại thêm đêm rồi vừa suy nghĩ kỹ càng về chuyện ấy … Cớ sao lại thành ra làm cho cô ta giận được? Có lẽ thế cờ ta đã tính suốt, mà còn lầm nước về một con sao? Rõ ràng thơ hoạ cách tường, gửi bao ý tứ! Rõ ràng đàn nghe đêm trước, tỏ hết tâm tình! Ta nào phải điếc, phải đui! Đều là chuyện nghe thấy, trông thấy cả! Vậy mà nay bỗng dưng: Cao tận bên trời, không tay nào có thể với kịp! chìm sâu đáy bể, không thước nào có thể lường ra! Có lẽ Oanh Oanh hôm trước là ma, hay Oanh Oanh hôm nay là ma? Có lẽ con Hồng hôm trước mơ ngủ hay con Hồng hôm nay mơ ngủ? Những tưởng tung tăng đem ngựa quần, nào ngờ tiu nghỉ bị lừa đá! Vì thế ba phần xấu hổ, bẩy phần bực mình, nín nhịn chẳng xong, miệng cứ làm nhàm nói mãi! Đó là đoạn thứ hai!
Đoạn thứ ba tả con Hồng: Hôm xưa trước mặt cậu Trương nó nhẹ dạ, nhẹ miệng, hí hớn đem hai vai nhận cả lấy cái gánh nghìn vàng? Chỉ vì trong lòng nhẩm sẵn, tưởng đã nắm chắc được phần chuôi đó thôi! Nào ngờ đâu Oanh Oanh lại khác hẳn thế! Tục ngữ có câu: "Đi thuyền chả ai nói giỏi được! Đẻ con chả ai nói giỏi được" Giờ mới biết đưa hộ thư từ cũng chả ai nói giỏi được! Con Hồng lúc ấy thật là "không còn mặt nào lại trông thấy các cụ bên Giang Đông", chỉ có cách là một vạn năm không đến chi phòng sách nữa! … Đem câu chuyện ấy gác cao lên mãi trời xanh, vùi sâu mãi xuống đất đen, không để cho một ai nhắc lại; tưởng như luôn mấy hôm mình không có mặt ở đời vậy! Dè đâu Oanh Oanh lại bắt ép phải đưa bức thư trả lời. Vì Oanh Oanh có thư trả lời, mà con Hồng đành lại phải sang phòng sách, lại nhìn cậu Trương. Khi đó chừng hai hông tức bực, đầy mặt ngượng ngùng, vài, ba câu nói trong nhất thì có thổ lộ sao cho hết được. Vậy mà cậu Trương không xét, lại còn nỉ non trăm nỗi, van vỉ nghìn chiều, chẳng khác gì chim đói ở trên vai, trẻ thơ dưới vú… Lúc đó giá tôi là con Hồng thì chỉ có một cách là rút dao đâm cổ, để tỏ lòng mình chẳng phụ người! Xưa nay những kẻ gánh vác việc đời, thường gặp cái khổ cả hai bên đều không sao làm cho nhau hiểu được như thế. Đó là đoạn thứ ba.
Đoạn thứ tư tả con Hồng: ban đầu vì cớ lui giặc, đương ơn cậu Trương; kế đó vì cớ lật hẹn, đương thương cậu Trương; sau nữa vì cớ viết thư, đương yêu cậu Trương; rút lại vì cớ không được việc, đương thẹn với cậu Trương … Đến lúc ấy bỗng vì cớ quấy rầy, bất giác bực mình với cậu Trương … Lấy con Hồng đối với cậu Trương, quyết không có chuyện gì là đáng bực mình. Vậy mà chỉ vì trong lòng uất ức khó chịu thành ra chẳng nghĩ gì nữa, buông lời đường đột. Lúc đó tức là như lời Lý Bạch nói: "Những lúc mà lệ cũng không sao sa được nữa! Miệng cũng không sao khóc được nữa!" Nào ngờ bóc thư đọc lên, lại là những câu "Trăng chờ, cửa ngỏ!" Nếu bảo là ma, trong các ma làm gì có hạng ma ấy! Nếu bảo là giặc, trong các giặc làm gì có hạng giặc ấy! Nếu bảo "phép dụng binh càng dối càng hay", thì Khổng Minh cũng không có những trận đồ ấy! Nếu bảo tay phù thuỷ càng cao càng lạ" thì Thiền sư cũng không có những bùa phép ấy! Lúc trong khoảng hư không, trong vòng quá vãng, nào trời, nào đất, nào quỷ, nào thần, các ngài là bậc chính trực, thông minh, thấy hết, biết hết, con Hồng này thật chỉ muốn nhổ tóc vất xuống đất, vừa đấm ngực vừa kêu lớn lên rằng: Từ rầy mà đi, tôi không thể còn ở chung với các cô con gái ở thế gian này được nữa! Đó là đoạn thứ tư.