Năm 300 trước công nguyên, Yên Chiêu Vương sai người em của mình là Tương An Quân sang nước Tề để làm con tin. Tô Tần cũng đi theo sang nước Tề. Nhiệm vụ của Tô Tần là: "Làm cho nước Tề không nghi tới nước Yên, kế đó là làm cho mối bang giao giữa nước Tề và nước Triệu trở thành xấu đi”. Tô Tần đi vào nước Tề lần này, mặc dù không bi tráng như lần tống biệt tại Dịch Thủy, không khí cũng không thê lương bằng lúc Kinh Kha sang Tần làm thích khách, nhưng Tô Tần cũng giống như Kinh Kha, ôm ấp chí nguyện "một đi không trở về". Để quyết tâm ra đi, Tô Tần nói với Yên Chiêu Vương: - “Thần lấy cái chết để làm tròn nhiệm vụ”, “thần lấy cái chết để tạo mối bang giao hòa hoãn giữa Tề và Yên" (chương bốn, Sách lụa). Như mọi người đều biết, hai nước láng giềng lớn của Yên là Tề và Triệu đều là cường quốc cả. Tô Tần lần thứ nhất sang Tề, đúng lúc Triệu Võ Linh Vương đang thực hành việc ăn mặc theo người Hồ và tập cưỡi ngựa bắn cung, mạnh dạn tiến hành cải cách rộng rãi, nên nước nhà mỗi ngày một mạnh thêm. Trong khi đó ở nước Tề, vua Tề Mân Vương cũng vừa lên ngôi, nhưng quyền binh hoàn toàn nằm trong tay của Tiết Công Mạnh Thường Quân. Mạnh Thường Quân liên tiếp nhiều năm lo việc xua quân đánh Sở và đánh Tần, tích cực lôi kéo nước Triệu là một nước đang mạnh dần lên, để cùng nước này liên hợp với nhau. Vào năm 296 trước công nguyên, họ tiêu diệt được nước Trung Sơn. Tình thế về mặt khách quan bất lợi đối với việc Tô Tần phải hoàn thành nhiệm vụ được giao. Sau khi Tô Tần đến nước Tề, cố hết sức tạo mối quan hệ tốt với Mạnh Thường Quân. Qua đó, ông cực lực khuyên ngăn Mạnh Thường Quân đừng vào nước Tần để làm Tể Tướng, lại từng hiến kế sách cho Mạnh Thường Quân nên bắt giữ Thái tử của nước Sở, để lấy đó trao đổi với nước Sở (Chương ba, Tề Sách). Tô Tần đến Tề lần này, trước sau ở lại năm năm. Mặc dù trên mức độ nào đó, ông đã hòa hoãn được mối quan hệ vốn căng thẳng giữa Tề và Yên, tranh thủ được sự tín nhiệm của Tề Mân Vương, nhưng vẫn không có cách nào lung lạc được Mạnh Thường Quân nên việc thực hiện mục tiêu "làm cho mối bang giao giữa Tề và Triệu xấu đi", không thể hoàn thành được. Cuối năm 289 trước công nguyên, Tô Tần lần thứ hai lại từ nước Yên đi sang nước Tề. Khác hẳn với lần trước, lần này Yên Chiêu Vương chuẩn bị cho Tô Tần rất nhiều của cải quý báu, đựng đầy cả một trăm năm chục cỗ xe, nên đội ngũ đi vào nước Tề rất bề thế. Nước Tề tiếp đãi Tô Tần trọng hậu. Thừa tướng của nước Tề là Hàn Dần đích thân ra trước cửa quốc đô để nghênh đón và tự mình đánh xe cho Tô Tần. Lúc bấy giờ, tình hình khách quan đã có sự thay đổi khá lớn. Phụng Dương Quân Lý Đoái của nước Triệu bao vây giết Triệu Võ Linh Vương, rồi tự mình chuyên quyền ở nước Triệu. Nước Tề cũng do Mạnh Thường Quân xúi quẩy quý tộc của nước này là Điền Giáp mưu sát Tề Mân Vương không thành, nên Mạnh Thường Quân phải bỏ chạy về đất phong của mình là đất Tiết. Tề Mân Vương nhờ đó mà tự mình nắm hết quyền bính của quốc gia. Khi Tô Tần đến nước Tề, gặp lúc Ngụy Nhiễm của nước Tần cũng sang Tề để rủ nước Tề cùng xưng đế. Tần sẽ xưng là Tây Đế, còn Tề sẽ xưng là Đông Đế. Sau đó, hai bên lại hợp tác với nhau để đánh Triệu. Kiến nghị này đánh trúng vào tâm lý háo công háo thắng của Tề Mân Vương, nên được nhà vua tiếp nhận ngay. Nhưng, khi Tề Mân Vương hỏi ý kiến của Tô Tần vừa mới đến nước Tề, thì Tô Tần kiên quyết phản đối, và đề xuất kiến nghị không xưng đế, mà quay sang đánh Tống như ông trù hoạch từ lâu. Tô Tần nói: - Tề buông bỏ việc xưng đế, thì thiên hạ sẽ yêu Tề mà ghét Tần. Còn đánh Triệu thì không lợi bằng đánh Tống. Do vậy, thần mong Đại vương sẽ bỏ việc xưng đế để thuận theo lòng thiên hạ, đồng thời cũng để nước Tần bị tất cả mọi người chống đối càng mạnh hơn. Nước Tề trút được gánh nặng đó, để chỉ lo việc đánh Tống mà thôi (Theo chương 4, Tề Sách). Kiến nghị trên đây của Tô Tần, ngoài như chỉ nghĩ tới quyền lợi của Tề Mân Vương, nhưng kỳ thật thì chính là một sự toan tính có lợi cho nước Yên. Nước Yên nằm về phía Bắc của nước Tề, còn nước Tống thì nằm về phía Nam của nước này. Nếu Tề cử binh đánh Tống, thì tất nhiên việc biên phòng ở phía Bắc sẽ lỏng lẻo đi, giúp nước Yên có cơ hội để lợi dụng. Kế đó, hai nước Sở và Ngụy, đều tiếp giáp với Tống, nên một khi Tề đánh Tống thì Sở và Ngụy cũng xua quân để giành đất. Riêng nước Tần cũng không để yên. Do vậy một khi Tề đánh Tống thì sẽ lâm vào cảnh bốn mặt đều thù địch. Kế này của Tô Tần là kế chỉ bắn ra một viên đạn, mà bắt được đến mấy con chim, quả là sáng suốt. Quả nhiên, Tề Mân Vương đã cắn câu. Đất Tống nằm tại một vị trí xung yếu, sản vật phong phú, từ bấy lâu nay các nước chung quanh đều tỏ ra thèm thuồng. Tề và Tống gần nhau trong gang tấc, nếu sau khi diệt được Tống, thì tất cả đất Tống sẽ quy vào bản đồ của nước Tề. Điều này đối với Tề Mân Vương mà nói, thì rõ ràng có sức hấp dẫn quá to. Tề Mân Vương nghe theo kiến nghị của Tô Tần, lập tức bãi chức Thừa tướng của Hàn Dần, cử Tô Tần lên thay chức vụ này. Năm 288 trước công nguyên, Tề Mân Vương và Triệu Huệ Vương gặp nhau tại A, cùng bàn bạc về việc liên hợp để đánh Tần. Nước Tề bãi bỏ việc xưng đế hiệu. Tề Mân Vương xưng đế chỉ vỏn vẹn có hai tháng. Cuộc họp nói trên là một cuộc họp quan trọng, đánh dấu sự liên minh giữa Tề và Triệu được chính thức hình thành, và cũng đánh dấu kế hoạch thúc đẩy nước Tề bãi bỏ xưng đế và cử đánh Tần đã được bắt đầu thực thi. Tô Tần tham gia cuộc hội nghị tại A, trở thành một nhân vật trung tâm từ bên trong lẫn bên ngoài cuộc họp. Sau cuộc họp tại A, quân Tề an tâm mở cuộc tấn công vào nước Tống. Hai nước Triệu và Ngụy cũng phát binh phối hợp. Nước Yên càng tích cực hơn, phái hai vạn quân để tương trợ nước Tề đánh Tống. Dưới áp lực nặng nề, nước Tống bất đắc dĩ phải cắt nhường phần đất phía Bắc sông Hoài cho nước Tề để giảng hòa. Trở lực lớn nhất đối với nước Tề trong việc tiêu diệt nước Tống chính là nước Tần. Nước Tề lần đầu tiên đánh Tống, thì nước Tần phái ngự sử Khởi Giả đến Tề để ngăn cản. Do vậy Tề Mân Vương sau khi tạm thời giảng hòa với Tống, bèn phái Tô Tần sang Yên và Tam Tấn, để tổ chức một cuộc “hợp tung" nhằm đánh Tần, rồi nhân cơ hội đó sẽ tiêu diệt nước Tống. Tô Tần đi lần này, ngoài mặt là thay cho Tề Mân Vương đi liên hợp cùng năm nước đánh Tần, nhưng kỳ thực bên trong là để sách hoạch một cuộc liên minh giữa năm nước chống Tề. Đến cuối năm 288 trước công nguyên, Tô Tần từ nước Tề trở về nước Yên. Cùng lúc đó, Tề Mân Vương đã giết chết tướng Yên được phái sang để giúp Tề đánh Tống. Yên Chiêu Vương nghe tin giận dữ, nhưng sau khi được Tô Tần và Phàm Do khuyên ngăn, nhà vua biết nếu chuyện nhỏ không nhẫn nhịn thì sẽ hại đến mưu lớn. Vì vậy, Yên Chiêu Vương bèn phái sứ sang Tề nhận lỗi để che giấu đại kế diệt Tề phục thù của mình. Yên Chiêu Vương nhận "mình chọn người thiếu cẩn thận” (Theo chương Hành Luận trong Lã Thị Xuân Thu). Hành động này của Yên Chiêu Vương làm cho Tề Mân Vương tin tưởng nên lại tiếp tục nằm ngủ ngon trên miệng núi lửa sắp bùng nổ. Để xúc tiến việc Tề đánh Tống, Yên Chiêu Vương lại phái hai vạn binh đến tham gia liên quân chuẩn bị liên hợp để tấn công Tần. Sau đó, Tô Tần lại từ nước Yên sang nước Ngụy (đầu năm 287 trước công nguyên), để tiện việc tổ chức năm nước tấn công Tần. Lúc bấy giờ, Mạnh Thường Quân đã vào nước Ngụy làm Tể tướng. Ông này hết sức căm hận Tề Mân Vương. Cho nên giữa Tô Tần và Mạnh Thường Quân tỏ ra rất hợp ý nhau, ngoài mặt Tô Tần là sứ nước Tề sang liên lạc với năm nước để chuẩn bị đánh Tần, nhưng kỳ thật bên trong Tô Tần đã hứa hẹn với Mạnh Thường Quân, là khi có cơ hội sẽ cùng liên minh chống Tề. Trong khi Tô Tần đến nước Ngụy, thì liên quân năm nước chuẩn bị chống Tần đã tập kết giữa vùng đất Huỳnh Dương và Thành Cao của nước Ngụy, đồng thời, cử Phụng Dương Quân Lý Đoái làm chủ soái. Nhưng bề ngoài năm nước như liên kết nhau, còn trong thực tế thì mỗi người đều có mỗi ý định khác nhau. Hơn nữa, Tô Tần tuy danh nghĩa là sứ thần của Tề, nhưng bên trong thì lại bí mật liên hệ lo việc chống Tề. Do vậy, liên quân vẫn chần chừ do dự, để chờ tình thế, không thực sự chuẩn bị việc đánh Tần. Nhằm xúc tiến liên quân chống Tần nhanh chóng hành động, để cho Tề nhân cơ hội đó đánh Tống. Tề Mân Vương hứa sẽ cắt đất Bình Lăng và Âm Hứa của nước Tống làm đất phong cho Mạnh Thường Quân và Phụng Dương Quân. Nước Tê vào đầu năm 287, trước công nguyên, đã phát động cuộc tấn công nước Tống lần thứ hai. Qua cuộc đánh Tống này của nước Tề, đã làm cho nước Yên và Tam Tấn đều bất mãn. Họ cảm thấy bị nước Tề bán đứng mình. Do vậy, liên quân tấn công Tần đã lâm vào tình trạng sắp tan rã. Riêng Yên Chiêu Vương thì nhân cơ hội đó liền bí mật liên hệ với Mạnh Thường Quân của nước Ngụy, và Hàn Từ của nước Triệu, định cùng tấn công Tề. Nhưng do kế hoạch của họ bị tiết lộ, Tề Mân Vương hay được bèn xuống lệnh cho quân đang tấn công Tống quốc kéo trở về nước vào tháng tám năm đó, để đề phòng đối phó với cuộc tấn công của nước Yên. Do vậy, nên cuộc đánh Tống lần thứ hai của nước Tề đã bị phá sản. Cuối năm 287 trước công nguyên, Tô Tần lại đi nước Triệu. Triệu Quốc rất trọng thị Tô Tần, phong ông làm Võ An Quân. Trong Tam Tấn thì Triệu là nước có thế lực mạnh nhất. Hàn và Ngụy đều phải dựa vào chí hướng của Triệu mà hành sự. Nếu muốn liên minh để chống Tề, thì Triệu là một lực lượng đáng kể nhất. Trong khi đó, người đang cầm quyền bính tại nước Triệu là Phụng Dương Quân Lý Đoái, lại chủ trương liên minh với Tề. Do vậy, Tô Tần đến nước Triệu để hoạt động gặp nhiều khó khăn. Bất đắc dĩ Tô Tần phải đi liên kết với Hàn Từ là một nhân vật chỉ thấp hơn Phụng Dương Quân một bậc. Hàn Từ là ngoài oán ghét nước Tề, nên đã tán thành việc tấn công Tề. Nhưng việc Tô Tần bí mật lôi kéo người để chống Tề, bị Phụng Dương Quân biết được bèn phái người bắt giữ Tô Tần. Bí quá, Tô Tần phải liên tục viết thư về cho Yên Vương, và qua sự can thiệp của Yên Chiêu Vương, nước Triệu mới chịu thả Tô Tần ra. Sau khi thoát khỏi sự câu lưu cửa nước Triệu, Tô Tần liền trở về nước Tề và việc đầu tiên là tìm cách chặn đứng Tề Mân Vương muốn phong đất cho Phụng Dương Quân. Hành động này đã khéo léo làm cho mối quan hệ giữa Tề và Triệu trở thành xấu đi. Thêm vào đó nước Tề đã bí mật giao hảo với nước Tần, nên rốt cục đã dẫn đến sự trở mặt công khai giữa nước Tề và nước Triệu. Phụng Dương Quân vào năm Triệu Huệ Văn Vương thứ mười ba (286 trước công nguyên), phái Hàn Từ dẫn binh tấn công Tề (Theo Triệu Thế Gia trong sách Sử ký). Cũng trong năm đó, Tề Mân Vương đã triệu hồi Hàn Dần trở về làm Tể tướng, và Tề cũng liên hợp với Tần. Nhân dịp nước Tống có nội loạn, Tề bèn xua quân đánh Tống lần thứ ba. Tống Vương là Uyển bỏ chạy sang nước Ngụy và chết ở đó. Trận đánh Tống lần này cua Tề Mân Vương rốt cục đã được thành công, tiêu diệt được Tống. Nhưng liên quân năm nước do Tô Tần tổ chức để chống Tề, cũng đã kéo tới chân thành của nước này.