MỞ ĐẦU Trước hết phải ghi nhận sự kiện lịch sử: Chúa Kitô thật sự đã sáng lập trên trần gian Giáo hội này, cần thiết để lưu truyền chân lý và sự sống Ngài. Chúng ta hãy mở Phúc âm. Chúng ta gặp sự này: Chúa Kitô, lúc sinh thời, đã muốn và đã sáng lập: - một xã hội hữu hình, - được dẫn dắt do những thủ lãnh, - dưới quyền một thủ lãnh tối cao. Xã hội này được gọi trong Phúc âm lúc thì bằng chính danh hiệu: “Nước Trời” hoặc “Nước Thiên Chúa”, lúc thì bằng chính danh từ “Giáo hội” (Mt 16, 18 và 18, 17). I. CHÚA GIÊSU KITÔ, TRONG LÚC GIẢNG DẠY, ĐÃ TRÌNH BÀY GIÁO HỘI NGÀI DƯỚI PHƯƠNG DIỆN MỘT XÃ HỘI HỮU HÌNH Đành rằng, trước mặt Philatô, Ngài đã long trọng quả quyết rằng Nước Ngài “không thuộc về thế gian này” (Jn 18, 36). Nhưng nói như thế Ngài có ý nhấn mạnh rằng không phải là vua theo lối loài người, nhưng Nước Ngài là Nước các linh hồn. Trong nhiều đoạn Phúc âm khác chúng ta gặp nhiều ví dụ, nhiều sự so sánh chứng tỏ ý Ngài muốn lập một xã hội hữu hình trên trần gian. Xã hội ấy tiếp tục công việc truyền bá chân lý và thông ban sự sống Ngài cho loài người: Nước Thiên Chúa được trình bày như một thực tại bên ngoài và cụ thể, có thể tăng thêm và mở rộng. Chúng ta hãy nêu ra vài thí dụ: Mt 13, 24-43: So sánh với đồng ruộng có lúa và cỏ lùng. Mt 13, 31-32: So sánh với hạt cải bé tí ám chỉ sự Giáo hội lớn lên dần. Jn 10, 16: Chuồng chiên dưới quyền một mục tử độc nhất. II. THỰC SỰ, CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ ĐẶT NHỮNG THỦ LÃNH CÓ QUYỀN THẾ LÀM ĐẦU CÁC TÍN HỮU NGÀI. a) Chính Ngài đã chọn các thủ lãnh “Đến sáng, Ngài gọi các môn đệ và Ngài chọn 12 người mà Ngài gọi là tông đồ …” (Lc 6, 12-17). “Không phải các con chọn Ta, nhưng chính Ta chọn các con để các con đi và mang lại hoa quả” (Jn 19, 16). b) Chính Ngài huấn luyện các thủ lãnh. Ngài muốn họ trở nên những “nhà đánh cá người” (Mt 4, 19). Ngài giáo huấn họ bằng cách riêng: Ngài giải thích cho các đấng ấy ý nghĩa một số dụ ngôn (Mt 13, 36). Ngài dặn dò nhắn nhủ cách riêng (Mt 10, 5-23). c) Ngài đã uỷ thác cho các thủ lãnh ấy một sứ mệnh. Sau khi sống lại, Ngài hiện ra cùng với 11 tông đồ trên núi Galilêa và tuyên bố long trọng: “Tất cả mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta. Hãy đi thâu nạp môn đồ khắp muôn dân và rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Và này Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18). Những bản văn trên quả quyết chẳng những là sứ mệnh của các tông đồ và hàng giáo phẩm trong Giáo hội mà còn sứ mệnh của những đấng nối nghiệp họ cho đến tận thế và trong “khắp thế gian”. d) Ngài đã ban cho các thủ lãnh ấy những quyền phép đặc biệt. “Tất cả những gì các con cầm buộc trên thế gian thì cũng bị cầm buộc trên trời, tất cả những gì các con tha trên trần gian thì cũng được tha trên trời” (Mt 18, 28). “Hãy nhận Chúa Thánh Thần, chúng con tha tội cho ai, thì họ được tha”. Ai nghe các con, là nghe Ta. Ai khinh các con là khinh Ta (Lc 10, 16). Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (Mt 28, 29). “Hãy làm sự này để nhớ đến Ta” (Lc 22, 19). III. THỰC SỰ CHÚA GIÊSU KITÔ ĐÃ BAN CHO CÁC TÍN HỮU VÀ CÁC THỦ LÃNH NGÀI MỘT THỦ LÃNH TỐI CAO, ĐỘC NHẤT: a) Ngài đã hứa đặt Phêrô làm đầu các tông đồ khác: “Con có phúc, Simon con Gioan, bởi vì không phải máu mủ đã tỏ sự ấy cho con nhưng Cha Ta trên trời. Còn Ta, Ta bảo con là Đá và trên đá này, Ta sẽ xây Giáo hội Ta và các cửa hoả ngục không làm lay chuyển được. Ta ban cho con chìa khoá Nước Trời; và tất cả những gì con cầm buộc trên trần gian sẽ bị cầm buộc trên trời và tất cả những gì con tháo mở trên trần gian, thì cũng sẽ tháo mở trên trời”. (Mt 16, 17-20) Chúng ta phải ghi nhớ rằng: trong bản văn trên đây không những quyền riêng và độc nhất Chúa hứa ban cho Phêrô mà còn cả câu “Giáo hội Ta” câu này đủ để nói rõ ý Chúa Kitô muốn sáng lập một xã hội sống động tiếp tục công cuộc cứu độ của Ngài trên trần gian. Chúng ta cũng nên ghi nhớ luôn rằng những quyền phép ban cho Phêrô sẽ được lưu truyền cho các đấng kế tiếp Phêrô: Giáo hội Chúa Kitô không thể giới hạn cho một thời đại, sự tranh đấu giữa Giáo hội Chúa Kitô và các cửa hoả ngục “phải kéo dài mãi cho đến tận thế”. b) Thật sự Chúa Kitô đã ban cho Phêrô địa vị tối cao mà Ngài đã hứa. Ngài đặt Phêrô làm đầu Giáo hội: sau khi sống lại, Ngài hiện ra gần hồ Tiberiade và sau phép lạ cho bắt được nhiều cá, hai lần Ngài phán cùng Phêrô: “Hãy chăn dắt các chiên Ta”, rồi thêm: “Hãy chăn dắt các chiên mẹ của Ta. Như vậy, Ngài ban cho Phêrô quyền riêng trên các chiên Ngài, nghĩa là chẳng những trên các giáo dân mà còn trên các mục tử khác” (Jn 21, 15). IV. TỪ NHỮNG THẾ KỶ ĐẦU, CHÚNG TA NHẬN THẤY CÓ MỘT GIÁO HỘI, ĐƯỢC TỔ CHỨC VỚI CÁC THỦ LÃNH, CÁC GIÁM MỤC, KẾ NGHIỆP CÁC TÔNG ĐỒ VÀ THỦ LÃNH TỐI CAO LÀ ĐỨC GIÁO HOÀNG, ĐẤNG KẾ VỊ THÁNH PHÊRÔ. Chúng ta hãy kể ra đây một ít bằng chứng lịch sử: a) Công vụ các tông đồ của Thánh Luca: Chúng ta gặp bài tường thuật Công đồng thứ nhất Jêrusalem, ở đấy các tông đồ hội họp dưới quyền Thánh Phêrô, lấy những quyết định theo phương thức danh tiếng “Chúa Thánh Thần và chúng tôi quyết định”. (Năm 50 sau Chúa Cứu Thế ) (Act 15, 28). b) Thánh Clément thành Rôma, môn đệ trực tiếp Thánh Phêrô và Phaolô tông đồ và Giáo hoàng thứ IV, Ngài viết lối 96-98 sau Chúa Cứu Thế: “Các tông đồ được Chúa Kitô phái đến, mang Phúc âm lại cho chúng ta, và Chúa Kitô cũng là đấng được Thiên Chúa sai đến. Vậy Chúa Kitô là đại sứ của Thiên Chúa; các tông đồ là thừa sai của Chúa Kitô”. c) Thánh Ignace thành Antioche: viết cuối thế kỷ I: “Tất cả những kẻ thuộc về Thiên Chúa và Đức Kitô Giêsu thì hiệp nhất với Giám mục”. Chỗ khác Ngài viết: “Giám mục ở đâu, dân chúng phải ở đấy, cũng như Chúa Kitô ở đâu, Giáo hội Công giáo cũng ở đấy”. KẾT LUẬN: Chúa Kitô đã muốn rằng chân lý và sự sống mà Ngài đem đến cho nhân loại được lưu truyền nhờ một xã hội sống động và có phẩm trật. Vậy ai muốn được chân lý hoàn toàn và sự sống Thiên Chúa, phải qua Chúa Kitô để đến Thiên Chúa, phải qua Giáo hội để đến Chúa Kitô.