Thấy hội đồng về rồi, chị em tôi bàn soạn, tính phải lo mau đoạn phút mối tình nầy, nhắm để dây dưa lâu ngày e sanh chuyện không hay. Sẵn tại nhà chị chủ sự, có nuôi một mụ tay sai sồn sồn, có tánh ham uống rượu thửa rượu cắp, lại có tật thèo lẻo nhứt hạng, đời đó chưa có radio mà mụ ấy đúng là một cái máy truyền tin sống. Một ngày chí tối không làm gì hết, chỉ trông cho ai sai vặt, mượn mua giống gì đặng có ăn xởi ăn bớt, ăn tước trên đầu người ta mới chịu. Từ hôm mụ ta thấy anh hội đồng lân la nhà tôi, mụ lén dòm hành mọi cách chớ cho có dịp kiếm chuyện đâm thọc lập công. Tôi thầm nghĩ: nếu chọc tức mụ nầy làm sao mụ cũng oán, rồi thèo lẻo lại với cô hội đồng thì tức nhiên kế tôi ắt thành. Bữa nọ tôi rình và bắt đặng tại trận mụ Ba Hợi đang có làm tàn lén mở nút chai dầu “Ý muốn của đàn bà” (Ce que femme veut) của tôi ra mà hửi hít. Tôi miệng chửi tay vả cho một hồi, chị ta lầm lì bỏ đi ngoe nguẩy. Tôi sai trẻ theo dõi xem có phải mụ chằn tinh giả ấy đi lại nhà thầy hội hay không. Trẻ về học lại quả y như lời tôi độ, không sai một mảy. Tôi liền cụ bị giấy tờ sẵn hết, rồi lánh mặt bước trái qua nhà chị Hai bán nem nướng bò bún, chờ nghe tin tức. Cô hội đồng Ph, hay tin tôi dọn về ở nhà bánh ếch đường Garcerie của chồng, nổi cơn ghen đùng đùng, dẫn bổn bộ binh mã gồm một bồi trai và hai con hầu gái, hăm hở tìm tôi để phân thây tranh giành xích mích thì cơ đồ tan rã sụp đổ hết còn gì. Bởi khéo xử cho nên cậu nào cậu nấy đều sẵn lòng chịu khó chịu nhọc, toan lập công để mua chuộc lòng tôi. Lần lần một người khen một tiếng mà tiếng đồn đi khắp lục tỉnh, mấy tay cự phú đều có ghé nhà, mỗi khi họ lên dây, hoặc đi hầu kiện, bán lúa, hoặc đưa con lên học trường lớn, vay hỏi bạc chà, hay lên mua sắm đám cưới đám ăn khai bằng, vân vân. Vả lại nhớ quen lớn nhiều, nên sanh ra nghề mới, các tiệm buôn hãng lớn nào trữ bán vật chi, tôi đều thông thạo, và biết rõ món nào chỗ nào xấu tốt, tôi hoá ra có cái nghề nay gọi là mại bản, mà lúc đó gọi theo Tàu là má chính hay mái chính gì gì đó. Rồi nghề dạy nghề, lần hồi các tay thiện nghệ về mua bán lúa gạo, mấy nhà thầu, tài công nhà máy, họ đua nhau dạy tôi, chỉ mánh lời, thế thần mua đi bán lại làm sao cho có lời nhiều. Nhiều khi tôi lãnh mua đồ giùm, một đám mà ăn lời hai phía lãnh bán một ghe lúa, thạnh có bạc trăm, mà chủ ghe lúa lên nhà tôi chơi, phải lễ mễ, tính chuyện ơn nghĩa, lại còn bài bạc cho tôi lấy tiền xâu là khác. Ai hỏi qua việc kiện thưa, tôi phải đóng vai cố vấn, chỉ luật sư nào giỏi việc hộ, việc hình, ông nào miệng lưỡi lanh lợi, thầy thông ngôn nào có tài thông dịch trôi chảy, quan toà mau hiểu và xử án không lầm, thầy nào đem đàng dắt mối rành, thảy thảy tôi đều quen biết. Gẫm lại mình là đàn bà, nếu biết nhỏ nhẹ, khéo trong lời ăn tiếng nói, muốn cậy mượn chuyện chi, đàn ông nào lại không sẵn lòng vừa giúp? Nhiều khi tôi lãnh bướng quá nhiều công chuyện mần (làm) không hết, thế mà tôi chỉ viết thơ cậy ông nầy thầy nọ, họ xởi lời giùm tôi mà việc cũng xong, lại được gãy gọn, công thì của ai không biết mà tiền thì tôi bỏ túi không sót một đồng, thiệt là sướng quá! Những lúc tôi chạy bận như vậy, thì ở nhà đã có chị chủ sự coi sóc, lớp lấy xâu mấy sòng bài cào, tứ sắc, xì phè hay thín cẩu (thiên cữu). Tay nào chắc chắn mà hụt vốn thì chi ra bạc cho họ ngồi sòng, như may ăn, thì chỉ vuốt lời có bạc chục, rủi thua thì họ là giới giang hồ mã thượng, nào ai chạy chối đi đâu? Tuy lúc hỏi mượn, không giấy không tờ mà còn chắc hơn có trước bạ hay có cầu chứng nơi toà? Vả lại cái miệng của chỉ đó có vừa với gì, ai lại không ghê không sợ cái miệng ấy! Nơi nhà tôi, chỉ còn kiêng dè, chớ với bạn hỏi chỉ tiền ngày tiền tuần tiền tháng, thì ối thôi! Một ngày chí tối, chỉ ra rả không biết lấy gì mà chứa! Đối với bọn cờ bạc, gái tứ thời, chỉ còn cắt cổ siết họng hơn nữa: bắt góp từ ngày, nếu không góp, chỉ đến canh tại nhà, khách vừa ra là chỉ chìa tay thâu tiền răng rắc. Tiếng nói “tiền vay vốn là một trăm”, thế mà chỉ đưa ra có chín chục, chận lại tiền đầu, mười đồng trước, chịu thì cho, bằng không chịu thì hãy xê ra chỗ khác. Rồi một trăm ấy, mỗi ngày phải góp một đồng hai cắc (1$20) và góp đủ một trăm ngày mới hết nợ. Rủi thời túng quá, ngày nào đó không đủ tiền góp 1$20 kia, thì cũng phải trả năm ba cắc tiền lời và 1$20 kia còn thiếu như cũ, nếu làm thinh thì chắc không khỏi chỉ sai người đến nhà làm nhục, hoặc réo tên họ hoặc chửi rủa đến chừng nào có tiền trả chúng mới thôi, hỏi có ác nào hơn? Nơi sở Ba son (arsenal) có lệ một tháng Tây phát tiền làm hai lần, chỉ cho ra năm đồng (5$00), tới kỳ (hai tuần lễ nữa) phải trả sáu đồng (6$00). Như không trả đủ, thì phải trả một đồng (1$00) tiền lời, số bạc năm đồng gác qua tháng sau và đẻ lời ra nữa? Về bạc tháng, chỉ cho ra mười đồng (10$00), cuối tháng phải trả mười hai đồng (12$00). Ấy là quen lớn và tử tế lắm đó, chớ với mặt lạ hay mới hỏi mượn lần đầu thì phải trả tới mười ba đồng (13$00). Về tiền mướn, chỉ ăn lời mới thiệt là ác hơn nữa? Tội nghiệp kẻ nghèo không có vốn buôn bán, hoặc muốn sửa nhà, xóc nóc dột, làm ăn hay mua sách vở cho con học, trả tiền trường, đụng tới chỉ, đến hỏi tiền mướn của chỉ, thì cứ chín đồng bạc (9$00) đưa ra, mỗi ngày phải nạp cho chỉ hai cắc (0$20) tiền lời, trả như vậy tháng nầy qua tháng kia, mà vốn cũng còn nguyên vốn, chừng nào trả chín đồng (9$00) kia mới là dứt nợ “tiền mướn”. Khi nào ốm đau bịnh hoạn, làm không ra tiền và không tiền trả cho chỉ, năm mười bữa thì chỉ kê lời với vốn, tính ra mười đồng (10$00), bắt phải trả tiền lời một lớp nữa, chồng chất lên hoài, nên đúng với câu “nợ lút đầu lút cổ”. Còn trong sòng cờ bạc, ai muốn thế chưn đồ (vàng, cà rá), thì cũng một tay chỉ ra tiền. Nếu xên sòng mà đồ thế không chuộc liền đó, thì chỉ kỳ cho nửa tháng, cứ mỗi đồng bạc cho ra, phải trả mỗi ngày là tiền rưỡi (ba su) tiền lời, đã vậy, vàng của người ta, chỉ lấy đem đi cầm nơi tiệm, lấy tiền về cho chỗ khác vay mượn, đẻ tiền lời cho chỉ nuốt! Chứng nào chủ chiếc vàng chiếc cà rá có tiền đem trả chỉ, thì chỉ mới chuộc trong tiệm ra. Còn một cách nữa là hễ vàng thế, tới kỳ không chuộc thì chỉ lấy chiếc ấy cho ai đó liệu chắc chắn, mướn đeo, tiền mướn đeo ấy, cứ một đôi vàng hay sợi dây chuyền, mỗi ngày mướn hai cắc (0$20), kiềng vàng ba cắc. Nhiêu khi, tôi thấy người nghèo khổ tới khóc lóc năn nỉ chị chủ sự thiếu điều gãy lưỡi mà chỉ vẫn không nao núng, cứ mắng xối người ta, đòi thưa cò bỏ tù phát mãi, chỉ nghiến răng trẹo trẹo, người ấy ra về rồi, tôi trách chỉ quá độc ác không biết nương tay, khi ấy chỉ ngồi nhắc lại lúc xưa, khi còn ở với Má Tư Hớn, bán máu bán trinh, hỏi mấy ai biết thương cho chỉ? Và mấy ai biết tội nghiệp là gì? Muốn may một cái áo mới, cũng phải mua góp rồi trả từ ngày của đáng một đồng trả thành hai. Còn như cái thân cha mẹ sanh thành cực khổ, đem ra thí thân làm món đồ choi cho khách, họ trả cao trả thấp từ đồng, giằn vặt thân thể đủ mọi cách vày vò đủ kiểu, chiều lòn khách hết nước, chừng đem tiền về cho má, thì tiền đầu, tiền ngày, tiền góp, má trừ gần hết, ai biết thương cho mình. Thiệt là nghe chỉ nhắc lại chuyện cũ, tôi bắt lạnh mình rởn ốc. Chớ chi tôi không sớm thoát thân thì ngày nay không biết nó ra tới nước nào. Nghĩ tới đâu tôi căm hờn tới đó, xã hội là dường thế, gặp cảnh nào hay cảnh nấy, không còn biết thương hại người đời là gì nữa. Nghĩ cho đời, toàn là giả dối! Tôi bắt lỗi chị chủ sự là ác độc tôi thấy lỗi người mà không xét lỗi mình! Bỏ chồng, đoạt của, lọt nhà số đi tu bỏ rơi đành đoạn anh Lu-y (cũng khá không tìm kiếm thưa gởi), nay làm nghề nầy rồi chê má Tư Hớn là chê làm sao được? Ban đầu giận oán cô chủ sự, sau kết làm bạn, rồi xót rồi thương. Chốn ngục tù, thì lòng nát ngướu như tương, làm thân con ở phải lòng chai dạ đá. Tôi a ý khúc tùng, giúp giáo cho giặc, oán trách hăm trả thù bà Tư Hớn mà rốt lại cùng làm một nghề! Mâu thuẫn ôi là mâu thuẫn. Và đời là vậy đó!