Giữa thời Chiến Quốc, sau nhiều năm đánh chiếm lẫn nhau, các nước chư hầu đã hình thành một số nước khá lớn, chủ yếu là Tề, Sở, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy và Tần. Thời đó người ta gọi là Chiến Quốc thất hùng. Giữa thất hùng này lúc nào cũng nhìn nhau lom lom, vì số người muốn thống nhất nước Trung Quốc không phải ít. Nhưng, đứng về mặt thực lực mà nói, những nước đủ điều kiện để thống nhất toàn quốc, chỉ có ba nước là Tần, Sở và Tề. Lịch sử đấu tranh giữa ba nước này tức là lịch sử thống nhất cuối thời Chiến Quốc. Nếu so sánh lực lượng của ba nước, thì giữa họ có chỗ mạnh chỗ yếu khác nhau. Trong khi đó, ở các nước lại xuất hiện một số đông những nhà du thuyết. Có người đề xướng "hợp tung”, có người đề xướng "liên hoành”, hoặc "tung hoành bài hợp", ai cũng cho thuyết của mình là hay, được người lúc bấy giờ gọi là "Tung hoành gia". Số “Tung hoành gia” nói trên, nếu hiểu theo ý nghĩa hiện giờ thì họ chính là những nhà ngoại giao. Một khi họ được các nhà chư hầu sử dụng, thì sẽ trở thành khanh tướng áo trắng, chấp chưởng quốc chính, tác dụng của họ không thể xem thường. “Hợp tung" có nghĩa là mấy nước liên hợp lại để cùng đánh một nước. Còn "liên hoành" là phá rã sự liên hiệp của đối phương, để đánh bại từng nước một. Trong khi các nước chư hầu tranh giành thế lực tại Trung Nguyên, thì hai sách lược này tất nhiên phải được áp dụng. Cho nên “Tung hoành gia" hầu hết được trọng dụng, đó cũng là cái thế tất nhiên của thời bấy giờ. Trương Nghi là một trong những "Tung hoành gia” có tiếng. Ông là người cùng một thời với Công Tôn Diễn (cũng có tên là Tê Thủ), đều là những nhân vật nổi bật. Người Sở là Cảnh Xuân từng nói: - Công Tôn Diễn, Trương Nghi là những đại trượng phu chân chính. Hai người họ khi nổi giận thì tất cả chư hầu đều sợ hãi. Nhưng, khi hai người họ bình tĩnh, thì thiên hạ cũng sẽ được hưởng thái bình, vô sự! Trương Nghi là người nước Ngụy, thuộc hàng thứ dân của nước này. Ở nước Ngụy ông không được trọng dụng. Tương truyền ông thường theo học với Quỷ Cốc Tử, chuyên nghiên cứu về thuật “Tung hoành". Sau khi học thành tài, Trương Nghi trước tiên đến nước Sở để du thuyết. Có lần Trương Nghi dự một buổi tiệc do Thừa tướng nước Sở khoản đãi. Trong buổi tiệc, vị Thừa tướng này đánh mất một miếng ngọc bích. Bọn thủ hạ của vị Thừa tướng hoài nghi Trương Nghi lấy cắp nên bắt giữ ông. Chúng không cần biết ất giáp chi cả, thẳng tay đánh đập Trương Nghi để tra hỏi, đổ máu ướt cả áo. Nhưng Trương Nghi nhất quyết phủ nhận. Vị Thừa tướng thấy không có bằng cớ gì, buộc phải thả Trương Nghi. Trương Nghi trở về đến nhà, bà vợ bèn chê cười: - Ông bảo ông đi du thuyết để làm quan, thế tại sao lại bị người ta xem là trộm và đã đánh đập không nương tay vậy? Trương Nghi buồn bã không muốn trả lời, chỉ há miệng ra hỏi vợ: - Bà xem thử chiếc lưỡi cửa tôi còn không? Bà vợ đáp: - Khắp mình ông đều bị thương, nhưng chỉ có chiếc lưỡi là không hề hấn gì cả. Trương Nghi an tâm, nói: - Chỉ cần chiếc lưỡi còn là đủ rồi. Làm nghề của tôi, hoàn toàn phải nhờ vào chiếc lưỡi. Nếu chiếc lưỡi còn, thì thử hỏi có lo chi không tìm được vinh hoa phú quý? “Hễ núi còn thì không sợ thiếu củi đốt", đó chính là niềm tin của Trương Nghi. Với ba tấc lưỡi của mình, ông nhất định sẽ có một ngày trở thành Đại tướng, hoặc Tướng quốc. Cái nhục ở nước Sở, ông nhất định phải tìm cơ hội để trả thù. Ông suy nghĩ thấy muốn đối phó với nước Sở, tốt nhất là phải dựa vào nước Tần. Do vậy, Trương Nghi lại lên đường sang nước Tần. Sự nghiệp của ông sau này, từ đầu chí cuối lúc nào cũng gắn bó với nước Tần cả. 1. Một Mình Vào Nước Tần Năm 329 trước công nguyên, Trương Nghi vượt qua sông Hoàng Hà, đơn thân độc mã từ nước Ngụy đi vào nước Tần. Lúc bấy giờ, Tần Hiếu Công, một nhà vua tích cực cải cách đã chết, vào năm 337 trước công nguyên người con là Tần Huệ Văn Quân lên nối ngôi. Giữa Tần Huệ Văn Quân và Trương Ưởng có mối thâm thù, nên vừa lên ngôi thì nhà vua giết ngay Trương Ưởng, một nhân vật đang chủ trương cải cách pháp luật cho nhà Tần. Lúc bấy giờ, thế nước của nhà Tần vẫn đang tiếp tục vươn lên. Tần Huệ Văn Quân có rất nhiều tham vọng, nên đã tích cực tiến hành những cuộc chiến tranh thôn tính, mưu đô thống nhất Trung Quốc. Trương Nghi dùng thuyết "liên hoành" để du thuyết Tần Huệ Văn Quân, thực hành chính sách nước xa thì giao hảo, nước gần thì tấn công. Rốt cục đã đánh bại sáu nước. Phương lược cụ thể là trước tiên đánh nước Ngụy, để tranh thủ quyền khống chế vùng trung du Hoàng Hà, rồi tiếp tục thôn tính Ba Thục ở phía Tây, chiếm Thượng Quận ở phía Bắc, chiếm Hán Trung ở phía Nam, xây dựng một vùng căn cứ địa rộng lớn, trên cơ sở đó tiếp tục tiến về phía Đông, thôn tính tất cả sáu nước để thống nhất Hoa Hạ. Kế hoạch trên, hoàn toàn phù hợp với ý nghĩ của Tần Huệ Văn Quân, nên được Tần Huệ Văn Quân tán thành. Đồng thời, nhà vua còn phong cho Trương Nghi làm Khách Khanh. Qua năm sau (328 trước công nguyên), lại cử Trương Nghi làm Thừa tướng. Dưới sự cổ xúy của Trương Nghi, Tần Huệ Văn Quân nối gót theo sau hai nước Ngụy và Tề, chính thức xưng vương vào năm 325 trước công nguyên, tức Tần Huệ Văn Vương. Trong lịch sử nước Tần, Trương Nghi là vị thừa tướng thứ nhất, còn Tần Huệ Văn Vương là vị Vương thứ nhất. Kế đó, nước Tần bèn dựa theo kế hoạch của Trương Nghi, mở cuộc chiến tranh giành đất dữ dội với nước Ngụy. Nước Ngụy trong thời kỳ đầu của Chiến Quốc, đã tiến hành cải cách trước tiên. Ngụy Văn Hầu trọng dụng Lý Khôi, thực hành pháp trị, và đã lần lượt sử dụng những nhân tài như Đoàn Can Mộc, Quan Khởi, Tây Môn Báo, Lạc Dương v.v... nhanh chóng đưa đất nước trở thành phú cường. Ngụy Vệ Vương thiên đô về Đại Lương, trọng thị việc xây dựng thủy lợi, phát triển kinh tế, nên thế nước ngày một thịnh. Năm 344 trước công nguyên, Ngụy Huệ Vương mở cuộc đại hội liên minh tại Phùng Trạch, có mười hai nước chư hầu tham gia, và Ngụy Huệ Vương trở thành bá chủ. Trương Nghi thực hành chính sách nước xa thì kết giao, nước gần tấn công, trong khi ranh giới của Tần và Ngụy dính liền nhau, nên trong cuộc chiến tranh đầu Tần đã giành được thắng lợi, cướp một vùng đất của nước Ngụy. Chính vì vậy giữa Tần và Ngụy cứ xảy ra chiến tranh liên miên, không bao giờ dứt.