CHƯƠNG 26
Người Hùng trở về

     gày đông lạnh giá, gió hun hút qua khe cửa. Từ trong nhà, cô Cam nhìn ra xa xa phía sân kho hợp tác hiện lên cảnh mọi người đang hối hả trục lúa. Người kéo, người cầm gậy mải mê đẩy cái trục đá đi vòng quanh, vòng quanh tưởng như không bao giờ dứt. Một chiếc xe zep bỗng nhiên xuất hiện trên đường làng lao đến đỗ cạnh sân kho. Tất cả mọi người đang đi vòng quanh sân lúa bỗng chạy túa ra như cơn gió vây quanh chiếc xe. Như có điềm giời xui khiến, cô Cam đẩy cửa chạy ra đường. Cô chúi mũi chạy lên dốc cầu Đình Đoài thì gặp chiếc xe từ bên kia dốc cũng đang leo lên cầu. Cô Cam đứng sững giữa cầu. Gió thổi lộng lên reo réo. Chiếc xe vượt qua trước mắt Cam vài chục mét thì phanh kít lại. Có tiếng gọi lạc giọng từ trong xe vang lên.
- Mẹ! Mẹ ơi!
Cô Cam lao tới trước xe nhận ra thằng Vương ngồi trong xe.
- Có phải thằng Vương, con trai của mẹ đã về.
Cô Cam vừa thốt lên reo vui, đã lại nức nở khóc khi nhìn thấy một chân Vương cụt ngủn tới đầu gối. Một đoạn ống quần thừa ra được buộc túm lại gấp lên bắp đùi dau dúm. Cô Cam rã rời, khụy xuống. Hai người lính từ trong xe chạy tới xốc cô Cam lên xe. Chiếc xe lao xuống dốc cầu đưa hai mẹ con cô Cam về nhà. Cả làng kéo đến nhà cô Cam thăm hỏi. Người đã đưa Vương từ đơn vị về lại chính là đại tá Hoàng Kỳ Trung.
- Làng mình rất tự hào được đón người con anh hùng chiến thắng trở về. Hoàng Kỳ Trung nói, xin thưa với bà con làng mình, tôi thay mặt đơn vị, biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của đồng chí Vương. Giờ thì đồng chí Đào Vương được ở nhà nghỉ ngơi an dưỡng cho khỏe, sắp tới đơn vị sẽ cho người về đón đồng chí đi báo cáo điển hình toàn quân vào dịp kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân 22 tháng 12 tới.
Lời nói của đại tá Hoàng Kỳ Trung biểu dương tinh thần chiến đấu dũng cảm của Đào Vương truyền nhanh khắp xóm thôn. Các ban nghành đoàn thể, thanh thiếu niên lần lượt đến động viên thăm hỏi người anh hùng chiến thắng trở về vẻ vang.
Khi mọi người ra về hết, cô Cam tưởng không chịu nổi. Thần tượng người con anh hùng của cô Cam giờ phải ngồi lặng trên giường nhìn vào mênh mông trời đất qua ô cửa. Ngoài kia là dòng sông làng Đoài, chiếc cầu cong cong và khoảng sân hợp tác xã mới ngày nào Vương và Nam cùng lũ trẻ làng Đoài chơi trò xử tử, ném trứng thối vào hình nộm Ngô tổng thống. Cô Cam thấy cồn cào gan ruột cố gượng dậy mở hé ô cửa sổ. Gió hun hút. Một khoảng trời bao la hiện ra. Những bóng người vẫn mãi mê đi vòng quanh vòng quanh trên sân lúa. Cô Cam dần tĩnh trí lại hỏi ngày tháng Vương bị thương. Cô cứ nhìn chằm chặp vào đôi mắt đỏ vằn của con trai hằn in nỗi khắc khổ. Trong đầu Vương căng ra những câu hỏi lớn cô Cam không sao trả lời nổi.
- Bố đi đâu hả mẹ?
- Đừng nói đến bố Đào Kinh mày làm gì mẹ thêm đau lòng. Cô Cam gắt lên. Đồ bỏ đi. Tù mục xương rồi con ạ.
Nói với con thế nhưng đêm đến cô Cam lại nghĩ vẫn vơ. Gia đình mình đã đến kì mạt vận rồi sao? Kinh bị đi tù, thằng Vương bị cụt chân. Đêm đến Cam lại mơ đến ngôi nhà mình đang ở hình như bên dưới toàn là mồ mả của những kẽ chết đói năm bốn lăm không người nhận. Có lúc Cam lại nghĩ rằng đây là quả báo. Hồi cải cách Kinh đã bắn Hoàng Kỳ Bắc thúc ép bà vợ Hoàng Kỳ Bắc phải tự vẫn bằng cách lấy dao moi gan mổ bụng mình để chứng minh cho dân làng Đoài hiểu tấm lòng ngay thẳng của bà.
Lúc giải lao cánh trục lúa ngoài sân kho hợp tác ào vào nhà động viên Vương. Mấy đứa con gái làng Đoài tếu táo xin tình nguyên lấy Vương làm chồng. Cô Cam xúc động chạy vào trong buồng mang chiếc máy quay đĩa ra mở những bài hát nhạc vàng. Giờ thì cô Cam không còn sợ cô chủ tịch Tuyết tịch thu chiếc máy quay đĩa Vương gửi Nam mang về hồi mới giải phóng. Cô Cam thách đứa nào dám đến dọa nạt cô nữa. Đây là xương máu của con tao đấy. Cô Cam lúc nóng lúc lạnh, lúc vui buồn thất thường. Vương thì lúc nào cũng lặng câm ngẩn ngơ nhìn ra khoảng trời mênh mông ngoài ô cửa.

 ****

Đào Kinh vào tù, ngôi nhà người Hoa để lại nay đã vào tay vợ chồng Măng.
Măng tơn tớn tuyên bố với mọi ngươi: xét trên mọi phương diện, tôi là người có quyền ưu tiên số1 được ở ngôi nhà này hơn bất kỳ ai. Bố tôi vào tù, tôi là con gái, tôi có quyền được ở ngôi nhà này. Nếu nhà nước có tịch thu bán thanh lý, vợ chồng tôi cũng thuộc diện ưu tiên vì chúng tôi đều là người nhà nước, lại chưa có nhà riêng...
 Còn cái lẽ thứ ba ai cũng biết, Măng là con đẻ của Trần Tăng, chồng Măng lại là lái xe cho Trần Tăng thì ai còn dám tranh giành. Từ ngày cưới, hai vợ chồng Măng phải ở căn nhà tập thể lụp sụp nhem nhuốc, nay bỗng dưng có được cơ ngơi khang trang rộng rãi thật sướng. Từ một ngôi nhà người Hoa, nay giấy tờ sang tên Đào Thị Măng do phòng nhà đất cấp có con dấu đỏ chon chót thế này chẳng còn thằng nào con nào dám nhòm ngó. Măng đến ông Pháp Tân xem ngày giờ tốt, mượn hẳn chuyến ô tô tải của công ty thị chính chở đồ đạc dọn về nhà mới. Ngày đầu tiên dọn về nhà mới, Măng lặng lẽ lục lọi khắp ngóc ngách gầm giường góc tủ tìm xem bố Đào Kinh giấu tiền vàng ở đâu. Vợ chồng Măng biết đích xác Đào Kinh còn có nhiều tiền và vàng trong phi vụ đưa người vượt biên bất hợp pháp vừa qua. Suốt cả ngày trời, cả hai vợ chồng đào bới tìm mãi không thấy tiền vàng đâu, Măng lồng lộn lên.
- Tôi đã bảo anh tìm kỹ gian trong buồng xem. Không thấy dấu vết gì thật sao? Hay ở trên mái nhà, hoặc trên ban thờ? Lật hết, dù có phải đào tung mấy gian nhà này lên cũng phải tìm cho bằng được.
Mặc cho Măng đôn đáo, Hoà cứ lơ đãng ngó nghiêng chán nản càng làm vợ nổi đoá.
- Đàn ông phải nhanh nhẹn xông xáo, lớ nga lớ ngớ thế kia thì tìm thấy cái gì. Chỉ sục vào váy mấy con đĩ ngoài quán là giỏi. Măng rít lên, mắt lườm lườm nhìn chồng
Hoà bị vợ mắng, mặt thuỗn ra nhưng không dám cãi, lặng lẽ lỉnh ra ngoài.
- Anh định lỉnh đi đâu đấy? Măng gọi giật lại. Anh định không tìm nữa sao? Hay là biết được ở đâu rồi định thủ tiêu ăn mảnh một mình chắc?
Bị vợ nghi ngờ, Hoà miễn cưỡng vào nhà vùng vằng.
- Cô chỉ đa nghi vớ vẩn, từ lúc về đây tôi đã bước chân ra khỏi cái nhà này khi nào mà thủ tiêu. Cô nghĩ tôi nuốt vào bụng được chắc. Đây túi quần túi áo tôi đây, cô khám đi.
Cuộc tìm kiếm tiền vàng không thấy, cả đêm Măng không ngủ. Sở dĩ Măng cay cú chạy chọt các cửa để có được ngôi nhà này hy vọng tìm thấy số vàng Đào Kinh giấu trong nhà. Chả lẽ công an khám nhà đã tìm thấy tiền nhưng ỉm đi rồi? Hay Đào Kinh gửi mấy mẹ con bà Cháo? Bao câu hỏi Măng tự đặt ra, tự trả lời. Sáng dậy, Măng quyết định vào trại xin gặp bố Đào Kinh.
Đào Kinh cảm động rưng rưng thấy con Măng không ngại tai tiếng tất tả vào tận trại giam thăm bố. Con bé thế mà nghĩa ngọn. Lại còn mang nhiều quà cáp nữa.
- Ôi, bố gầy yếu đi nhiều quá, họ có đánh đập tra tấn bố không? Măng thốt lên thương xót. Từ nay, có ai đánh bố, bố cứ cho con biết, con sẽ bảo bố Trần Tăng trị tội chúng. Con định vào thăm bố ngay từ tháng đầu nhưng họ nói bố còn đang trong giai đoạn điều tra nên không cho ai được gặp. Bố biết không, để gặp được bố hôm nay con phải chạy bao nhiêu cửa họ mới giải quyết đấy. Bố thuộc phạm chính trị nên người ta quản chặt chứ chả như phạm kinh tế. Mục đích bữa nay con phải tìm mọi cách vào thăm bố cũng là để bàn cách lo cho bố nhanh chóng ra khỏi nơi này. Bố thấy rồi đấy, sức bố yếu thế này làm sao chịu nổi vài năm ở đây.
- Còn có cách gì bây giờ? Đào Kinh nôn nóng hỏi.
- Tội trạng bố rành rành, chỉ còn cách chạy bên viện kiểm sát, bên toà án người ta xử nhẹ đi cho. Bớt được ngày nào trong tù, bố đỡ khổ.
- Nếu con lo cho bố được thì bố cảm ơn con. Đào Kinh lại xúc động nói.
- Bố cứ làm như con là người ngoài, ơn huệ gì, bổn phận con phải làm, chỉ có điều lực bất tòng tâm, có thực mới vực đạo. Con nghĩ trong lúc này bố cốt giữ được sinh mạng là chính. Còn người còn của. Người làm ra của chứ của có làm ra người được đâu.
- Măng con, giờ bố mới hiểu lúc nguy nan mới tỏ mặt anh hùng. Bố đã không uổng công bao năm nuôi con trưởng thành. Con phải giúp bố.
Đào Kinh đưa mắt nhìn người công an ngồi phía cuối phòng, ghé vào tai Măng:
- Con về lật cái tủ gỗ lên, tất cả là ở dưới hai hòn gạch.
- Thế thì tuyệt rồi, con sẽ cố gắng lo cho bố ra khỏi nơi này càng sớm càng tốt.
 Măng chạy khỏi trại giam như ma đuổi. Về đến nhà, tranh thủ lúc Hoà đi làm, Măng cài trái cửa, quăng hết mọi thứ trong tủ cho nhẹ bớt, chổng mông đẩy chiếc tủ gỗ xoay ngang ra giữa nhà. Măng lấy mũi dao lật hai viên gạch men, lộ ra lớp ni lông còn nguyên vẹn. Tim Măng đập loạn khi lôi được gói tiền vàng phơi ra trước mặt. Chưa cần đếm vội, Măng thu dọn mọi thứ xếp đặt trở lại đúng vị trí ban đầu để Hoà không biết. Có tiền có vàng trong tay, Măng thấy cuộc đời này tươi đẹp biết bao. Sao số phận lại nuông chiều Măng đến vậy. Từ ngày rời khỏi làng Đoài, được bố đẻ Trần Tăng che chắn lo cho công danh sự nghiệp. Tới lúc này, bao công sức làm ăn lặn lội của Đào Kinh giờ dốc cả vào túi Măng. Thế mới sướng. Giữa thời buổi cả nước khó khăn, bỗng dưng có số tiền lớn trong tay, Măng thấy đầu óc sáng láng, nảy ra bao toan tính làm ăn lớn. Chuyến tầu Sông Xanh lần này đi Nhật về, Măng phải huy động vốn đánh trọn gói toàn bộ số hàng trên tầu. Thời buổi cả nước chuộng hàng Nhật: Từ gói mỳ chính Nhật, dầu cá Nhật, đến xích líp Nhật, xe đạp my ni Nhật, rồi quạt điện, nồi cơm điện, ty vi, tủ lạnh, đầu vidio, xe máy, tất cả đều nhãn mác Nhật Bản. Phải làm một quả lớn mới lãi lớn. Đằng nào cũng mất tiền một lần thuê tầu vận chuyển, tiền bao lót các lực lượng kiểm tra kiểm soát trên biển trên bộ. Ai chứ Đào Thị Măng đã nhúng tay thì chẳng lực lượng nào dám gây khó. Thậm chí còn động viên cổ vũ Măng. Họ cảm thấy cũng là đồng tiền, nhưng nhận từ tay Măng an toàn vui vẻ hơn, không sợ rủi ro bất trắc. Với lợi thế có chỗ dựa vững chắc là Trần Tăng, Măng đi vào các cửa êm như ru. Tuỳ theo từng đối tượng, Măng có cách tiếp cận giao tiếp rất chi là khéo. Măng có thân hình óng ả, nước da trắng mịn, cặp mắt lúng liếng đưa tình rất duyên. Đặc biệt đôi môi Măng thắm đỏ không phải bằng son mà bằng nụ cười tươi rói. Giọng nói của Măng ngọt, mà lại rất chân quê dễ gần. Cánh mày râu “Chết” vì lời ngọt ngào chân quê ấy ở Măng. Nhiều quan chức máu mê chỉ tiếp xúc với Măng một lần đã không cưỡng nổi cái hương sắc thần bí ở Măng mê hoặc. Măng lôi cuốn được lòng người chính là sự tốt bụng của Măng. Cho dù cuộc sống chốn thị thành có xô đẩy cuốn Măng vào mọi trò làm ăn mánh lới mưu mô toan tính, có lúc phải chanh chua ngoa ngắt như một mụ hàng thịt nhưng cái chất quê lại vẫn lồ lộ trong con người Măng. Có lẽ ngày nay cuộc sống qúa nhiều thủ đoạn lọc lừa nên con người muốn tìm cái chân quê làm niềm tin. Đời này cũng rõ nực cười.
Măng vừa đếm tiền vừa tính toán đường đi nước bước trong chuyến làm ăn lớn này. Nói cho cùng, không lo tính làm ăn kiểu này có mà suốt đời nghèo khổ. Đến như bố nuôi Đào Kinh, nghèo hèn vậy, chỉ qua mỗi phi vụ là có bạc triệu. Sở dĩ Đào Kinh thành công trót lọt cuộc tổ chức người vượt biên trái phép cũng là do Trần Tăng bí mật xếp đặt. Rồi Đào Kinh phải vào tù cũng là do Trần Tăng tính toán. Chuyện này chỉ có Măng là hiểu nhưng không bao giờ được mở miệng với ai vì nó dính đến chuyện bí mật an ninh quốc gia đại sự. Nghe đâu trong chuyến vượt biên ấy có cả người của Trần Tăng cài vào. Chuyện chính trị Măng không muốn quan tâm. Giờ có tiền trong tay phải lo làm ăn để đồng tiên đẻ ra gấp trăm gấp ngàn lần mới có cơ hội lo cho bố nuôi Đào Kinh ra khỏi trại tù. Măng biết bố nuôi Đào Kinh tuy từng trải buôn ba nhưng trong lĩnh vực pháp luật quan trường còn ngô nghê lắm. Kế sách chuyến này Măng đặt ra phải vét sạch hàng trên tầu Sông Xanh ngay từ ngoài phao số O trước khi tầu của đoàn Thủ Tục cập mạn. Nếu để tàu vào bến, nhiều đối tượng quấy nhiễu khó xuống hàng. Tầu rời Nhật ngày giờ nào, tới Việt Nam ngày giờ nào Măng đều có nguồn tin chính xác từ Cảng Vụ thông báo trước để Măng lo sắp xếp phương tiện ra nhận hàng. Trên tầu Sông Xanh Măng đã có viên thuyền phó Danh là chỗ tin cậy cả trong làm ăn lẫn aí tình. Quan hệ với Danh có cái sướng, gia đình vợ con Danh ở mãi Nam Định nên mỗi lần tầu cập bến, Măng tiếp Danh ngay tại nhà mà không lo chuyện ghen tuông rình rập. Duy có mỗi lần Măng và Danh đang xoắn xuýt trong cõi tiên thì bị Hoà uống rượu say nghe bọn xấu khích bác nên nổi máu gen vác dao về sinh sự, Măng buộc phải nổi đoá đánh một đòn phủ đầu làm Hoà kinh hãi im thít từ lần ấy. Măng chơi với Danh được lợi cả đôi đường, mỗi lần tầu về, Măng được nhận những món quà quý Danh tặng và được đã đời lăn lóc trong vòng tay khát thèm của Danh sau mỗi chuyến lênh đênh trên biển nhiều ngày. Đã thành quen, mỗi lần tin tầu Sông Xanh sắp cập bến Măng cứ rạo rực trong người mong tới giây phút Danh về. Nỗi háo hức của Măng lộ rõ ra mặt, đến nỗi anh chồng Măng cũng biết. Mỗi lần tầu về, Hoà tự nguyện lánh đi đâu đấy tránh về nhà là thượng sách. Để đổi lấy sự mất mát về tình cảm, Hoà có cả chiếc xe máy Nhật sịn đời 79 để đi. Măng không ngần ngại nói với chồng: Anh còn đòi hỏi gì hơn, đến cỡ cán bộ đầu ngành, chánh phó giám đốc này nọ đã mấy ai có xe máy Nhật mà đi như anh. Quan hệ với Danh, cả hai vợ chồng Măng đều có lợi. Rõ là dân viễn dương có khác, sành điệu trong mọi phương diện: Ăn thứ ngon, mặc đồ sịn, và làm tình cũng khác lạ sống động đầy cảm hứng nghệ thuật chứ chả như anh chàng Hoà lái xe của Măng đơn điệu, nhạt thếch như thợ cày ăn khoai luộc.
 Tầu Sông Xanh sắp về lần này, Măng không chỉ háo hức gặp chàng viễn dương mà còn phấp phỏng toan tính phi vụ làm ăn sao cho trót lọt. Măng hớt hải sang Cảng Vụ xem chính xác giờ nào tầu về tới phao O để Măng cho tầu của mình xuất phát đón lõng ngoài biển. Trên bến đã xuất hiện những gương mặt chủ hàng “tay to” chuyên đánh hàng tầu. Bọn chúng cũng thính như chó săn đánh hơi thấy chuyến tầu Sông Xanh đi Nhật về lần này có khá nhiều hàng. Nhìn thấy bóng người đẹp, bọn chúng nhao nhao níu kéo hỏi Măng đủ chuyện:
- Bà chị ơi, chuyến này cho bọn em ké cửa với.
-Tầu sắp về hay sao mà các giai ra ngóng sớm vậy? Măng hào phóng vui vẻ ban phát nụ cười duyên, lâu nay kẹt quá chẳng quan tâm tới tầu bè hàng hoá chi. Chuyến này tầu về cũng muốn tham gia tý chút cho vui. Các giai biết tính chị rồi, đã bao giờ để cho các giai phàn nàn đâu. Măng buông lời ngọt như mật với các đàn em rồi xách túi vào Cảng Vụ. Tay Thao thuyền trưởng tầu hoa tiêu vừa thoáng thấy Măng đã chạy tới xoắn xuýt mời Măng vào văn phòng đội tầu.
- Trông người đẹp bữa nay càng đẹp hơn. Măng vui vẻ bước theo Thao vào văn phòng đội tầu. Nhân lúc cánh thuyền viên xuống tầu hết, Thao đứng đằng sau tý tớn áp mặt vào sát gáy Măng nhìn xuống cặp vú lồ lộ trong chiếc áo trễ cổ, giọng đá đưa. Người đẹp vẫn còn nợ đây một chuyến đấy nhá. Thao nói và đưa tay nhét vội mảnh giấy ghi ngày giờ tầu tới bến vào ngực áo Măng.
- Đây không quên đâu, có cây thuốc biếu anh em hút cho vui thôi. Măng lấy trong túi ra cây thuốc ba số năm đặt lên bàn. Khi nào có hàng cứ nhận giúp, đây chả để thiệt đâu.
- Thuốc chả thích bằng được người đẹp cho ngắm cái ấy còn sướng hơn.
- Cứ làm tốt, có dịp sẽ cho ngắm đã đời. Măng cười rinh rích đưa tay véo vào đùi Thao rồi vội bước ra ngoài, để mặc anh chàng Thao ngơ ngẩn nhìn theo thèm thuồng.
Măng về đến nhà, biết tầu sắp về nên Hoà kiếm cớ bỏ đi, Hoà vừa dắt chiếc xe máy ra cửa thì bị Măng gọi giật lại.
- Anh để xe đấy vào tôi bàn chuyện này.
Hoà ngồi xuống trước mặt Măng, liên tiếp quay quay chiếc chìa khoá xe máy trên tay rồi bất ngờ quăng ra bàn. Chiếc chìa khoá gắn kèm con thỏ bông có  pin bỗng bật sáng nhấp nháy kêu chin chít mấy tiếng rồi im bặt.
- Chuyến này có nhiều hàng, nhờ anh đứng ra kiểm đếm trước khi đưa vào kho. Lần này tôi mượn được gian kho của thương nghiệp ngoài cầu ba. Mọi chuyện tôi đã bàn với thủ kho rồi, khi nào hàng về anh chỉ việc cầm sổ ra đếm và gi rõ số lượng, chủng loại từng mặt hàng cho chính xác. Bây giờ anh đi ngay ra đó dọn dẹp cùng với thủ kho, nhớ đừng có bép xép với bất kỳ ai.  Anh làm tốt chuyến này, cho anh chơi hẳn bộ dàn loa thùng âm thanh xơ rao. Anh thích chọn bộ nào thì chọn, để riêng ra một góc kho khỏi lẫn.
Chồng dắt xe ra khỏi nhà, Măng vào nhà tắm lột hết áo quần đứng ngắm mình trước gương thấy mình có vẻ gầy đi. Cũng phải thôi mấy ngày nay Măng lo tính ngược xuôi cho phi vụ làm ăn lớn lần này bằng mọi giá phải thắng lợi. Từ khâu bến bãi kho chứa thuê tầu, tới lúc này mọi việc đã được bố trí đâu vào đấy. So với dự kiến ban đầu, phải thay đổi lại thời gian, địa điểm xuống hàng. Phải để đoàn thủ tục làm thủ tục nhập cảnh xong, tầu chạy gần vào cửa lạch để tránh sóng to và có nhiều thời gian móc hàng từ chỗ cất giấu đưa lên mặt boong cho tiện việc kiểm đếm giao nhận. Hả hê về kế hoạch đã định, Măng bóc bánh xà phòng Camay Danh tặng chuyến trước để tằm cho thơm. Mùi thơm lan toả khắp nhà gây cho Măng cảm giác lâng lâng. Nghĩ tới giây phút được gặp Danh, người Măng rạo rực khẽ rên lên sung sướng, ôi chàng viễn dương đẹp trai mạnh mẽ oai hùng của em. Lau khô người, măng nhảy lên giường nằm chờ tới giờ xuất phát.
Khi xách túi tiền ra tới bến, trời đã nhá nhem, Măng bước xuống đò máy ra chiếc tầu tự lực đã neo cách bờ chừng vài trăm mét. Măng trả tiền hậu hĩnh cho chủ đò rồi bước lên tầu.
- Đến giờ rôì, nổ máy xuất phát. Măng ra lệnh rồi bước vào ca bin quăng túi tiền vào trong ngăn tủ của thuyền trưởng luôn để mở dành riêng cho Măng mỗi lần đi đánh hàng. Măng cẩn thận nhét chìa khoá tủ vào túi rồi nằm ra giường thuyền trưởng ngủ một giấc cho khoẻ. Măng cười thầm, vài giờ nữa gặp Danh, thế nào anh chàng cũng sẽ quấy rầy không ngủ được. Chuyến đi này của Danh đã gần tháng trời hai đứa chưa được gần nhau. Măng nghĩ miên man và thiếp đi trong tiếng máy nổ vang rền lẫn tiếng sóng đập mạn tầu ràn rạt. Con tầu lặng lẽ lao đi trong đêm tối. Đang trong cơn mơ màng chợt có bàn tay lạnh ngắt lùa vào ngực Măng. Măng giật mình nghe tiếng nói của tay thuyền trưởng thì thầm:
- Tới nơi rồi, cho sờ tý, nằm thưỡn ra thế này nom đếch chịu nổi.
- Đi làm ăn động vào đấy súi quẩy chết. Măng nói rồi vùng dậy gạt bàn tay thuyền trưởng ra khỏi ngực.
- Súi gì mà súi, đây chỉ dám sờ tý, lát nữa lên tầu to, bọn gấu biển nó lại chả  nghiền nát ra ấy chứ.
- Thôi không đùa nữa, ra ngoài xem nào, có phải Sông Xanh đỗ trong vụng kia không?
- Chính nó.
- Cho gọi anh em vào cả đây, chỉ để hai thuỷ thủ làm dây. Khi cập mạn chỉ mình tôi lên tầu, anh em ngồi dưới chờ khi nào hàng cẩu xuống phải khẩn trương  bốc xếp cẩn thận, toàn là hàng điện tử dễ hỏng, không được va đập mạnh.
Tầu cập mạn, Măng mở khoá ngăn tủ lấy túi tiền, bước ra khỏi ca Bin. Măng lộc cộc gõ đôi guốc cao gót leo từng bậc cầu thang lên tầu Sông Xanh. Danh đứng ở đầu cầu thang đón Măng vào phòng riêng. Cánh cửa vừa sập lại, Danh bế Măng trên tay quay một vòng. Túi tiền trên tăy Măng văng vào thành giường rơi xuống mặt sàn.
- Anh nhớ em vô cùng. Danh thốt lên.
- Em cũng nhớ anh, Măng nói, Công việc nay nhiều, anh phải cho xuống hàng khẩn trương ngay bây giờ mới kịp. Nếu chậm, về bến không bốc hết hàng trước khi trời sáng là hỏng việc. Nghe em đi, xong vụ này về nhà em chiều nghe chưa. Măng ôm Danh vào lòng hôn nhẹ lên môi Danh động viên rồi buông tay đẩy anh đi làm phận sự của mình.
Măng bước ra ngoài boong tầu hồi hộp nhìn những cẩu hàng đang được khẩn trương thả xuống khoang tầu Tự Lực. Công việc xuống hàng diễn ra chừng hai tiếng. Giao tiền xong cho Danh, Măng vội vã xuống tầu áp tải hàng về bến hẹn ngày mai gặp lại Danh tại nhà.
Sáng sớm tầu Sông Xanh đỗ lừng lững trên bến, dân buôn tầu đổ ra đông nghẹt, ngồi vạ vật quanh quán nước trên bến. Đã mấy năm nay thành lệ, mỗi lần có tầu đi nước ngoài về, phố xá, bến bãi rộn rạo, từ cô bán nước, anh xe ôm, đến lão chèo đò dưới bến cũng rạng rỡ mặt mày vì được nâng cao thu nhập gấp trăm lần ngày thường. Đang tán gẫu với nhau trên bến, thấy cánh chèo đò mặt mày buồn thiu vào bờ chửi đổng:
- Mẹ kiếp, chuyến này hỏng ăn rồi, về nghỉ khoẻ.
- Sao thế?
- Tầu sạch trơn chẳng có hàng họ chi hết.
- Định tung tin đểu để ăn mảnh một mình chắc?
- Không tin, cứ ngồi đây mà chầu.
- Vô lý, tầu đi Nhật về mà không có hàng sao?
- Mẹ kiếp, có khi nó đánh sạch ngoài phao rồi cũng nên?
- Thằng nào mà tay to vậy? Ăn cơm cũng phải để cho người ta húp cháo chứ.
- Dám chơi kiểu này, chỉ có Đào Thị Măng.
Từ trong quán nước rộ lên tiếng la ó, chửi thề, đoán già đoán non. Cuối cùng thì đám dân buôn tầu cũng đành thất vọng ra về với tâm trạng đầy nghi hoặc không rõ nguyên nhân tại sao lại có chuyện lạ lùng. Thật vô lý, Tầu đi Nhật về mà không có hàng sao?
***
Đôi mắt ông tổng biên tập lại rướn lên nhìn Nam vừa thăm dò vừa trách cứ. Ông đoán chắc Nam lại làm chuyện gì không vừa lòng đồng chí chủ tịch tỉnh.
 - Xem ra đồng chí chủ tịch tỉnh có vẻ giận dữ bảo cậu sáng nay phải về ngay làng Đoài.
- Anh yên tâm, tôi không làm gì khó dễ cho anh đâu. Nam cười nhìn tổng biên tập.
- Tôi biết bố mẹ tôi muốn tôi về vì việc gì rồi, thưa tổng biên tập, tôi sẽ về ngay bây giờ. Nam nói và về phòng thu xếp quần áo ra bến đón xe về làng Đoài.
Từ lâu Nam muốn về thăm quê nhưng lại rất sợ phải gặp lại Tuyết trong ngôi nhà mình. Nhìn thấy chiếc xe zep đỗ ngoài đầu ngõ, Nam biết bố Hoàng Kỳ Trung đã về. Nam ngỡ ngàng nhìn mâm cơm bố mẹ đã bày sẵn chờ Nam.
- Công việc nhà báo các anh bận rộn đến thế? Bố nói dỗi.
- Thôi mà ông, con nó vừa về. Mẹ cười xoa dịu, Vương nó về rồi đấy, con sang đón nó qua nhà mình ăn cơm cho vui.
- Vương về rồi hả mẹ, tuyệt quá, nó có khỏe không hả mẹ?
- Mất một chân rồi, nhưng nghị lực tinh thần chắc chắn khỏe hơn anh, bố nói, nó đúng là là một anh hùng. Anh chả bén gót nó đâu.
Không muốn đôi co với bố, Nam hối hả nhẩy lên chiếc xe của bố đi đón Vương. Vừa ngồi trước tay lái, Nam nhìn qua gương thấy Tuyết đứng bên cửa nhìn ra. Nam vào số, chiếc xe từ từ lăn bánh bỏ lại hình bóng Tuyết chỉ còn lại cái đốm trắng nhỏ xíu rồi mất hút trong gương. Vương được báo trước Nam sẽ về, khi chiếc xe của Nam đỗ xịch ngoài cổng Vương đã quần áo chỉnh tề chống nạng đứng chờ Nam ở cửa. Vương cứ đứng lặng, giống như một bức tượng người lính mà Nam đã nhìn thấy ở triển lãm mỹ thuật Tràng Tiền. Nam nhảy xuống xe lao đến nhấc bổng Vương đặt lên giường.
- Ông già tao đã bàn trước với mày những gì rồi hả. Nam hỏi, mọi người đang âm mưu “đánh” tao đúng không. Mày phải nói trước để tao còn biết đường phòng thủ. Nhìn mày mất mát thế này ai không đau lòng. Chiến tranh là thế than vãn chẳng ít gì. Mình vẫn phải sống cái đã. Phải sống đúng với những gì cuộc đời mang lại. Không được giả dối. Tao chỉ biết nói với mày lời chân tình. Bây giờ mày phải nhìn thẳng vào sự thật đừng mơ hồ ảo tưởng.
- Tao chờ mày về để giải oan cho mày. Vương buồn rầu nói, tao tàn phế thế này còn gì mà phải sợ. Chúng mình sẽ công bố bí mật để mọi người biết.
- Tốt rồi, mày nghĩ được thế tao mừng. Chúng mình thỏa thuận thế nhá. Nam ôm Vương vào lòng xúc động. Mẹ Vương từ lúc Nam đến cứ lẩn quẩn ra vào không yên.
- Cô Cam ơi lên cháu thưa với cô câu chuyện hệ trọng.
Mẹ Vương tất bật từ dưới bếp lên kéo ghế ngồi trước mặt Nam và Vương. 
- Lại chuyện cậu với cô Tuyết chứ gì. Giận dỗi gì mà lâu thế? Thôi xí xóa, chín bỏ làm mười đi. Trong chuyện này tôi cũng là người có lỗi với cô cậu.
- Không phải chuyện đó, cháu hỏi thật, cô có muốn Vương lấy vợ?
- Què quặt ai người ta lấy.
 - Người ta không lấy, nhưng người ta đã đẻ cho Vương nhà mình một cô con gái đẹp như thiên thần rồi. Cháu nói thật đấy! Vương đã được làm bố hơn mười năm nay rồi mà không ai biết đó thôi.
- Cậu chỉ đùa.
- Cháu không đùa đâu.
- Thật đấy mẹ ạ, Vương nói- Chuyện dài lắm, sự thật con đã có đứa con gái với người ta, ngày ấy con sợ không dám nhận. Bây giờ thì con nhận mẹ a. Đúng thế, con phải nhận. Giờ không nhận sau này sẽ không còn cơ hội nào nữa. Vương xúc động nói với Nam. Chuyện này lẽ ra tao đã phải nhận con bé ngay từ ngày ấy, từ bữa liên hoan bánh xèo ở chợ gốc mít ấy. Mẹ ơi con đã có tội, tội vô cùng lớn mẹ ạ. Có lẽ vì thế trời mới trừng phạt cắt đi của con một cẳng chân thế này để cho con phải tỉnh ngộ ra. Giờ thì con đã tỉnh ngộ ra rồi mẹ ạ. Con còn sống được thế này là may rồi mẹ. Nếu ngày ấy con vui vẻ nhận ngay đứa con của mình thì tốt biết bao. Chính vì con mà cô âý đã lao vào con đường tội lỗi, làm gián điệp cho địch.
- Trời đất, lại thế nữa. Cô Cam sửng sốt, sao mà số kiếp con lại nghiệt ngã đến vây.
- Cậu chẳng hiểu gì về Thương Huyền. Nam gắt, cô ấy không tồi tệ như mọi người tưởng đâu.
- Cậu không phải bênh cô ta, Vương cả quyết, bố cậu đã nói hết sự thực về cô ta cho tớ biết rồi.
- Bố Hoàng Kỳ Trung cũng không hiểu, Nam nói, nhưng thôi, chuyện đó tranh luận sau, giờ cô Cam cho Vương sang bên nhà cháu ăn bữa cơm với bố mẹ cháu để chúng cháu bàn câu chuyện.
Nam cõng Vương ra xe. Nắng chiều chiếu lên dòng sông Đình, những cánh bèo tây lập lờ trôi từng mảng ra biển. Chiếc xe lao lên dốc cầu Đình Đoài, Nam nhìn lại thấy cô Cam vẫn đứng lặng trước cổng nhìn theo.
Xe chạy ngang sân kho hợp tác, anh Câm tay đẩy chiếc xe lăn của Đào Kinh mua về đứng chắn đường mắt chằm chằm nhìn vào trong xe. Nam phanh sững trước mặt anh Câm, nhìn gương mặt anh gầy choắt đen nhèm nhăn nheo rất trẻ con. Anh Câm diễn lại bằng những động tác khua tay không ai hiểu được. Bọn trẻ trong sân đang chơi nhào ra vây kín chiếc xe zep.
- Anh Nam cho chúng em lên xe với. Bọn trẻ tíu tít đòi lên xe chạy một vòng quanh sân.
- Các em ngoan nào, Nam chỉ vào Vương nói với bọn trẻ, anh phải đưa anh Vương về đã, hẹn đến tối anh sẽ cho các em ngồi lên xe chạy quanh làng Đoài. Lũ trẻ thích thú nhấy tâng tâng đuổi theo chiếc xe của Nam.
- Mới ngày nào mình cũng giống chúng nó bây giờ. Nam nói.
- Không biết Thương Huyền có đồng ý cho mình nhận con Ngọc Lan không? Vương háo hức, mình phải công nhận bữa liên hoan mừng chiến thắng trông con bé thật dễ thương..
Đúng như Nam dự đoán, mọi việc đã được bố Hoàng Kỳ Trung và mẹ Yến Quyên xếp đặt trước. Tuyết đóng trọn vai cô con dâu đảm dọn cơm đón chồng. Tuyết buông mái tóc dài trùm kín lưng trông rất duyên dáng. Nàng cố tỏ ra tự nhiên như không có chuyên gì xảy ra. Bố Hoàng Kỳ Trung ngồi đọc báo ung dung thể hiện rõ vai trò chỉ huy. Ông nói câu nào cũng dùng mệnh lệnh. Có lẽ cả khi đi ngủ với mẹ bố cũng dùng mệnh lệnh. Âu cũng là cái nghiệp nhà binh. Suốt cuộc đời bố lúc nào cũng nghĩ đến quân lệnh, đến sơ đồ tác chiến và lập trường tư tưởng. Con người bố sắt đá không kẻ thù nào khuất phục nổi. Từ ngày bố bị địch bắt vào tù, Nam thấy bố già đi nhanh hơn nhưng ý chí lại quyết liệt hơn. Nam thương bố nhưng bố không bao giờ cho Nam được nói lời nào theo quan điểm riêng của mình. Bố chưa bao giờ nhìn nhận Nam là người có suy nghĩ đúng đắn. Trên thế gian này có lẽ không ai sai khiến được bố và cũng không ai làm vừa lòng bố ngoài mẹ. Chính Nam cũng không hiểu mẹ có bí quyết gì khiến bố phải nể. Có lẽ bố nể mẹ bằng sự chịu đựng và cả tin tới mức ngây thơ của mẹ. Bao nhiêu cạm bẫy, bao nhiêu chông gai tầng tầng lớp lớp dựng lên vây quanh mẹ mà mẹ vẫn vượt qua. Mẹ như những bông sen hồng thơm ngát giữa bùn đất. Mẹ được dân làng Đoài bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã bởi mẹ có một tấm lòng bao dung, một tình thương thật sự với người dân làng Đoài nghèo khổ. Còn Tuyết phấn đấu lên được chức chủ tịch xã lại bằng sự khôn khéo và mưu toan bán mua bằng chính thân thể óng ả của nàng.
Tuyết trải chiếu đặt mâm cơm giữa nhà. Mẹ Yến Quyên bê nồi cơm từ dưới bếp lên. Mẹ mở vung nồi cơm nóng rẫy bốc hơi thơm lừng.
- Mẹ để đấy con xới cơm cho. Tuyết đon đả.
- Để mẹ xới cũng được. Yến Quyên nói, anh Vương chuyến này về phải ăn nhiều để lấy sức đi làm nhiệm vụ. Nhiệm vụ này còn cao cả, quan trọng hơn cả chiến đấu ngoài mặt trận.
- Bác Hồ đã dạy “Thi đua là yêu nước - Yêu nước phải thi đua” Tuyết cười nhìn Vương, Những người có chiến tích như anh Vương đi báo cáo điển hình toàn quân thì tuyệt vời.
- Lòng yêu nước thì tốt rồi. Nhưng điều quan trọng nữa là anh Vương phải lấy được vợ. Yến Quyên nói.
 Bố Hoàng Kỳ Trung mải đọc tờ báo Nam mang về có bài trả lời phỏng vấn của Trần Tăng về Đào Kinh bị vào tù. Gương mặt bố luôn thay đổi biến sắc, lúc đỏ rực lên lúc lại tái đi. Bất chợt bố quăng tờ báo xuống bàn đứng vụt dậy.
- Hỏng bét cả rồi Vương ơi, Hoàng Kỳ Trung rít lên, Thằng bố Đào Kinh cậu lại một lần nữa giết chết cậu rồi. Kẻ thù nó giết cậu bằng súng đạn, còn bố cậu đã giết cậu bằng những tội lỗi tầy trời.
- Chuyện của chú Kinh liên quan gì đến Vương mà bố suy diễn. Việc ai làm người ấy chịu. Nam an ủi Vương.
- Là nhà báo mà anh nhận thức ngây thơ như con nít. Hồi xưa tôi bị địch bắt, bị cậu Hiền anh mua chuộc. Nếu tôi không có lập trường giai cấp rõ ràng, không có trình độ lý luận chính trị để đấu tranh với cậu Hiền thì làm sao nhà mình có được ngày hôm nay. Tôi vẫn không quên có một nhà báo đã viết bài “Cuộc gặp mặt lịch sử trong nhà ngục” đăng trên báo Tin sáng ngày ấy. Chính bài báo ấy đã thanh minh giúp tôi, nhân dân đã hiểu rõ bản lĩnh và phẩm chất cách mạng, lòng trung thành của tôi đối với Tổ quốc.
- Bố có biết tác giả viết bài báo ấy là ai không? Nam cười đắc ý.
- Báo của địch! biết sao được.
- Tác giả ấy chính là cô Thương Huyền, người mà bố đã quy cho tội làm gián điệp phản bội tổ quốc đấy. Bố căm thù đến nỗi không muốn ngồi ăn cùng kẻ thù trong bữa tiệc mừng chiến thắng ở dinh thự Đức Cường hồi nọ.
Mọi người lặng đi nhìn mâm cơm đã dọn sẵn mà chưa ai ăn uống gì. Bố ngồi ngây người chưa tin hẳn lời Nam vừa nói. Vương cầm tờ báo Hoàng Kỳ Trung vừa đọc tìm bài viết về bố Đào Kinh.
- Sự lầm lẫn này, bố và Trần Tăng, Đào Kinh cũng giống nhau, chỉ khác nhau ở cấp độ và thời điểm. Nam đắc ý nói với bố, ngày xưa Trần Tăng và Đào Kinh một mực quy tội ông bà mình là địa chủ cường hào Việt gian phản động, thì bây giờ bố lại qui cho gia đình nhà ông bà Đức Cường và cô Thương Huyền là kẻ thù không đội trời chung.
- Cơm nguội hết rồi, hãy ăn cái đã, mẹ Yến Quyên sợ hai bố con lại làm hỏng bữa ăn vui vẻ liền xoa dịu. Yến Quyên quay sang nói với Vương.
- Chuyến này cháu phải lấy vợ, Tuyết xem ở trong làng xã mình có đứa nào tốt tính tốt nết làm mối cho anh Vương một cô.
 - Cậu hãy nói rõ mọi chuyện cho bố mẹ mình nghe đi, Nam giục, đây là lúc thuận lợi nhất để cậu nói.
- Cám ơn cô Yến Quyên, cám ơn Tuyết đã quan tâm đến thân phận kẻ hẩm hiu này. Vương đặt tờ báo xuống xúc động nói chân tình, chú Trung ơi, lâu nay cháu đã giấu chú không dám nói cái điều hệ trọng của cháu. Sự thực, cháu là một kẻ hèn hạ, hám danh vọng. Chiến dịch đánh vào thành phố năm ấy, chính cháu đã làm cài điều tồi tệ với cô Thương Huyền, con gái ông bà Đức Cường. Chính Thương Huyền là người viết bài báo về chú đấy. Cô Thương Huyền mà chính chú và cả Tuyết đều quy tội cho cô ta có quan hệ với Nam. Sự thực không phải thế, chính cháu đã quan hệ với Thương Huyền. Cũng vì sợ mất danh dự, sợ bị kỷ luật nên đã không dám nhận. Chính Nam đã khuyên cháu nhận mẹ con Thương Huyền ngay từ ngày hai mẹ con cô ấy dắt díu đi tìm Nam trên rừng. Lúc ấy con gái cháu đã năm tuổi rồi mà cháu đành phải khước từ tình cha con. Con bé tên là Ngọc Lan trông nó thật đễ thương. Bây giờ cháu hiểu mình phải làm điều gì đó chuộc lại lỗi lầm...
Vương nói những điều gan ruột khiến Hoàng Kỳ Trung, Yến Quyên và cả Tuyết cũng xúc động.
- Không ngờ lúc đạn bom thế, nhiệm vụ chiến đấu cao cả vậy, anh còn nghĩ đến yêu đương trai gái nữa thì quá lắm, quá lắm. Hoàng Kỳ Trung nói mắt nhìn Vương thất vọng.
- Ông đừng nói đến nhiệm vụ với người đã phải ngồi trên xe lăn vào lúc này làm gì nữa, phải mừng cho anh Vương bây giờ đã có được đứa con. Bất kể mẹ nó là ai. Nếu vậy năm nay có lẽ nó đã mười ba mười bốn tuổi rồi còn gì. Cháu phải đi đón nó về cho mẹ Cam cháu mừng.
 - Biết bây giờ cô ấy có cho cháu nhận con hay không? Vương lo lắng, Cháu biết cô ấy cũng sắt đá lắm. Thôi cả nhà mình ăn cơm đi, hôm nay cháu thực sự thanh thản đã nói ra điều này. Còn chuyện bố cháu, ông ấy đã làm cái chuyện tày đình quay lưng lại với Tổ quốc, tiếp tay cho những kẻ phản động chạy trốn, cháu coi như không có ông ấy trên đời này nữa. Bao nhiêu năm nay cháu đi chiến đấu đỗ máu xương bảo vệ tổ quốc mà ông ấy ở nhà lại làm những điều kinh khủng, bỏ mặc mẹ cháu sống thân một mình. Không bao giờ cháu để ông ấy vác mặt về làng này nữa. Chú Trung ơi, giờ thì cháu không dám đi báo cáo thành tích trong hội nghị thi đua toàn quân sắp tới nữa đâu.
- Chuyện của cậu ô nhục thế, tôi còn mặt mũi nào đưa cậu đi báo cáo thành tích nữa. Hoàng Kỳ Trung bất bình nói, việc làm vô tổ chức kỷ luật của cậu đã đánh mất danh dự, công lao mồ hôi xương máu của chính bản thân cậu. Cậu ngẫm mà xem tôi nói có đúng không. Còn anh Nam nhà này lại mắc tội đồng lõa cùng đồng đội cũng đáng bị kỷ luật lắm.
- Ai bố cũng quy tội được. Nam nói, nhưng thôi, con xin nhận tội với bố, bố uống với con chén rượu và tha lỗi cho con. Bữa cơm mừng ngày chúng con gặp mặt mà toàn nói những chuyện tội tình với lập trường tư tưởng. Bây giờ bố nói đi, bố đã điện cho chủ tịch tỉnh Trần Tăng bắt con phải về có chuyện gì?
- Bố muốn anh về viết hộ Vương bản thành tích để cậu ấy chuẩn bị đi dự đại hội thi đua toàn quân, nhưng bây giờ anh Vương đã thành kẻ hư hỏng còn thi đua thành tích với ai được. Bố giờ đã nhận quyết định chuyển công tác về tổng cục chính trị rồi.
- Ôi, bố mà làm công tác chính trị tư tưởng thì nguy. Nam cười ngất.
- Anh bảo tôi không làm chính trị được sao?
- Việc gì mà bố chả làm được. Con nói nguy là vì bố mà làm công tác tư tưởng, lính tráng chúng con thành người máy hết. 
- Việc quân cơ không nghiêm lệnh để các anh làm loạn sao?
- Lạ thật, hai bố con gặp nhau là gây sự, Mẹ Yến Quyên nói, chưa bao giờ tôi thấy ông nói với con lời vui vẻ.
 - Vui sao được khi cái đầu nó có lớn mà không có khôn. Sống phải có chí hướng phải có lý tưởng. Bố nói cho anh Nam biết, làm lãnh đạo phải có cái nhìn xa như Trần Tăng đấy. Nhà lãnh đạo tài ba phải có mưu lược sắc bén, biết chớp thời cơ. Ví như trong chiến dịch đưa người Hoa về nước, Trần Tăng đã có một kế sách diệu kì, đến trung ương cũng phải kính nể. Chuyến này Trần Tăng sẽ lên trung ương anh biết không. Tôi nghe Trần Tăng than phiền về anh, về những nhận thức chính trị non kém của anh. Anh phải nghiêm túc xem xét kiểm điểm lại mình. Viết lách gì cũng phải đứng trên lập trường giai cấp cách mạng. Người lãnh đạo phải đứng cao hơn, nhìn xa hơn nên hay bị những kẻ ấu trĩ phản bác. Các anh cứ nghĩ xem, khi đánh nhau mà kẻ thù lúc nào nó cũng ở ngay trong nhà mình thì hãi quá.
- Đầu óc của nhà quân sự có khác, Nam nói, lúc nào bố cũng chỉ nghĩ đến đánh nhau, đến đấu tranh với giai cấp nọ kẻ thù kia. Đất nước mình sao lắm kẻ thù vậy. Hoà bình rồi mà vẫn phải ghĩ đến đề phòng kẻ thù xa, cảnh giác kẻ thù gần, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Chỉ khổ dân suốt ngày lo làm ăn, mong yên bình cũng không được.
- Không đề phòng, không đấu tranh để nó đè đầu cưỡi cổ mình sao. Con ơi là con! Con còn ngây thơ lắm. Mặt Hoàng Kỳ Trung nóng lên, bố đây đã bị thấm đòn thù, bị nó róc da róc thịt mình ra thì mới tỉnh ngộ. Hoàng Kỳ Trung nâng cốc rượu uống một hơi cạn. Mắt ông mở to nhìn thẳng vào mắt Nam. Đúng là từ lâu cả nhà mình mới được ăn bữa cơm đoàn tụ. Bố muốn nói với anh điều tâm huyết, bố đi theo cách mạng gần trọn đời người bố hiểu, quá hiểu thế nào là sướng là khổ. Đã là con người ai không muốn sướng, nhưng thời thế thế thời phải thế. Anh ngẫm xem đời ông bà mình cũng thuộc diện giàu có nhất làng nhưng thời thế đổi thay, nếu bố không nhìn xa hơn, không đi theo cách mạng thì lịch sử cũng nghiền nát bố từ lâu rồi. Đừng đổ tội cho Trần Tăng, càng không đổ tội cho Đào Kinh. Bố hiểu quá rõ điều đó. Chính những điều anh trách bố lại làm nên chỗ đứng vững chắc cho bố ngày nay đấy. Nếu bố cũng nghĩ đơn giản như anh, cơ ngơi này, gia tộc này đã tan tành từ lâu rồi. Hoàng Kỳ Trung lại nâng cốc rượu uống cạn. Yến Quyên vội đỡ chiếc chén từ tay chồng.
- Anh uống thế đủ rồi để em xới cơm anh ăn.
- Em sợ anh say sao! Hoàng Kỳ Nam, có mẹ con đây chứng kiến, cả đời bố chưa bao giờ say, chưa bao giờ bố uống nhiều như hôm nay và cũng chưa bao giờ bố nói với bất kì ai điều bố vừa nói với anh. Điều đó không ai hiểu, ngoài mẹ con. Mẹ con là người đàn bà tuyệt vời nhất thế gian này. Các con làm sao hiểu được, thế hệ bố mẹ, thế hệ ông bà đã chịu bao cơ cực nhọc nhằn để có được miếng cơm manh áo. Chính ông bà mình là người có tư tưởng lớn, đã biết làm ăn với cả thương gia nước ngoài ngay từ thời ấy. Chỉ có điều chưa hợp thời. Con tưởng bố dửng dưng với cái chết của ông bà sao? Con làm sao hiểu thấu nổi đau đớn của bố mẹ phải nuốt hận trong lòng. Con ạ, làm người tử tế còn phải nhận biết và chịu đựng được cả lỗi lầm xấu xa tồi tệ của thời đại mình đang sống. Đến giờ phút này, bố đã yên tâm tự hào về tất cả những gì bố đã làm. Hoàng Kỳ Trung lại nâng cốc rượu uống tiếp. Lần này thì Nam đã kiên quyết cầm chai rượu dấu ra sau lưng không cho bố uống. Hoàng Kỳ Trung cười, chưa bao giờ Nam thấy bố lại cười rạng rỡ như thế.
- Bố uống thế đủ rồi, con không cho bố uống nữa.
- Ôi con trai của bố. Con còn non nớt lắm. Trong đầu con luôn coi bố là ông già bảo thủ. Con lầm rồi. Bố tuy khoác áo lính nhưng bố thấu hiểu hết mọi điều. Con cứ hỏi mẹ con thì biết. Bố đã biết trước sự thất bại của mẹ con trong công cuộc xây dựng hợp tác xã. Hôm nay đây bố lại khẳng định lại điều này. So sánh thế nào nhỉ? Đúng rồi! Phong trào hợp tác xã giống như một cơn lũ cuốn phăng đi mọi thứ của nhà nông. Mẹ con là người thương xót lao ra chống đỡ không nổi. Cũng may mẹ con rút lui sớm. Cơn lũ hợp tác xã đến bây giờ cũng chưa qua đâu. Sỡ dĩ con Tuyết đứng được là nhờ nó thức thời hơn mẹ con.
- Cũng chả phải nó thức thời mà là hợp thời. Mẹ Yến Quyên nói, thời bây giờ người ta chuộng hình thức màu mè xanh đỏ tím vàng. Cán bộ thì háo danh, dân tình lại mông muội, khi đói rã họng mới tỉnh ra thì đã muộn. 
- Mẹ con nói đúng, bố chẳng lạ gì ba cái trò làm ăn dối trá của cái gọi là phong trào hợp tác xã. Bố nói điều này bởi bố muốn con Tuyết phải tỉnh táo. Bố biết hai đứa chúng mày chẳng khác nào nước và lửa. Nước và lửa biết điều hòa sẽ sinh sôi nảy nở, nếu không sẽ là thảm họa các con ạ. Bố nói vậy tùy chúng mày quyết định kẻo lại bảo bố dùng mệnh lệnh. Bố cho gọi con về chính là chuyện này, các con phải biết điều hoà.
- Bố hôm nay giống một triết gia, Nam nói, con cám ơn bố cho con lời khuyên. Từ nay con mong chuyện của con bố mẹ để tự con giải quyết. Giờ con xin bố mẹ cho con và Vương đi chơi với nhau. Đã lâu lắm chúng con mới được gặp nhau. Ngày mai con phải đi rồi. Sắp tới con và Vương  sẽ phải vào trong kia, bố mẹ thấy thế nào?
- Bố đồng ý! Nhưng bố nói trước, cuộc sống không đơn giản như các anh nghĩ. Con người cũng không đơn giản. Bố vẫn lo cái cô Thương Huyền ấy còn có mối quan hệ sâu sắc với người Mỹ.
- Thôi, bố cho con mượn xe đưa Vương về.
- Hãy khoan đã, Tuyết bất ngờ nắm tay Nam, mắt rơm rớm, bữa nay có mặt cả bố mẹ và anh Vương, cho em được nói lời xin lỗi anh. Em đã hiểu lầm anh nên em mới cư xử với anh thế, mong anh thông cảm.
- Chuyện ấy để sau hãy nói, tôi không trách cô về chuyện cư xử mà thực tình chúng mình sống với nhau không hạnh phúc.
Vương đứng dậy cảm ơn bố mẹ Nam và Tuyết rồi ôm lấy cổ để Nam cõng ra xe. Cô lùn tứ trong nhà nhìn thấy Nam và Vương cõng nhau chạy ra mời Nam và Vương vào nhà uống nước. 
- Thấy cả hai cậu thế này tôi mừng lắm, cô lùn vẻ quan trọng nói, tôi đi xem bói, thầy bói gọi vanh vách, mảnh đất mình đang ở xưa nay đàn ông mà ra đi thì phát tài lắm.
- Vậy mà cháu ra đi lại nghèo rớt mồng tơi, Nam cười nói vui với cô lùn.
- Đấy rồi cậu xem, từ đời ông cậu, bố cậu, đến Đào Kinh, và mấy mẹ con bà Cháo mới chỉ ở có vài năm mà ra đi ai cũng vẻ vang.
Nam cho xe chạy chầm chậm ra đầu làng. Một cảm xúc dâng trào trong Nam. Tiếng xe rù rì phá tan không gian tĩnh lặng và ánh sáng đèn pha xiên qua màn sương dày đặc, những con thiêu thân bay loạn lên, chúng liều mình lao vào trước mắt Nam.:
- Cậu với Tuyết đừng sống lạnh nhạt mãi với nhau thế này. Vương nói, tuổi trẻ chúng mình qua đi quá mau, mới ngáy nào còn cởi truồng tăm sông Đình giờ đã thế này.
- Không hiểu sao cứ nhìn thấy Tuyết mình lại gai gai lạnh. Cuộc sống vợ chồng không thể tồn tại. Một là li hôn, hai là li thân, điều đó phụ thuộc vào Tuyết.
Nghe tiếng xe bọn trẻ từ đâu túa ra đuổi theo. Nam dừng xe, tụi trẻ líu ríu leo lên ngồi chật cứng xung quanh Nam. Nam cho xe chạy một vòng quanh làng rồi thả chúng xuống sân kho hợp tác. Nhìn lũ trẻ sung sướng la hét Nam lại nghĩ tới thời mình bằng tuổi chúng bây giờ.
- Chẳng khác gì ngày xưa chúng mình đuổi theo xe ngựa của ông cậu. Ngày xưa mình đuổi theo xe ngựa, giờ chúng nó đuổi theo ô tô. Vương nói như một triết gia.
- Còn tuổi trẻ thì thời nào cũng trong sáng vô tư. Nam nói, cậu hỏi bất kì đứa nào trong đám trẻ kia lớn lên chúng muốn làm gì, chúng cũng sẽ lại trả lời, lớn lên muốn được làm anh bộ đội cụ Hồ, hoặc làm cô thanh niên xunh phong. Cậu biết tại sao không, tại vì truyền thống giữ nước của cha ông ta từ ngàn năm, lúc nào cũng sôi sục dòng máu căm thù, luôn đề cao cảnh giác chống ngoại xâm. Những người như bố mình được chọn làm công tác chính trị tư tưởng thì lũ trẻ kia lại trở thành những anh hùng.
Nam cho xe chạy về làng Đông thăm bà ngoại.
- Bà ngoại mình nhận được thư của cậu Hiền từ bên Mỹ về mà không cho ai biết. Bà mình là nạn nhân khốn khổ nhất vì cậu Hiền đã đi chệch con đường cách mạng. Kẻ phản bội tổ quốc dù ở phương trời nào cũng khổ. Giờ cậu ngồi yên trên xe để mình vào thăm bà một lát rồi ra ngay.
Nam cho xe đỗ sang bên đường rồi vào thăm bà ngoại.
Bà ngoại vẫn một thân một mình canh giữ ngôi nhà tổ tiên thay cho người con trai duy nhất là cậu Hiền. Bao năm bà ngoại khóc thương cậu Hiền đã đi chệch con đường cách mạng. Chẳng biết rồi đây bà chết đi, cậu Hiền có dám về trông coi mảnh đất tổ tiên họ Đỗ của cậu mà cả đời bà ngoại phải chăm lo nhang khói. Khu vườn xơ xác, chiếc sân gạch rêu phong theo tuổi tác già nua của bà. Nam xúc động ôm bà ngoại vào lòng.
- Bố Trung cháu hồi này vẫn còn sợ liên lụy không dám đến thăm bà sao? Giọng bà thều thào trong hơi thở. Cháu ơi, cậu Hiến đã gửi thư từ Mỹ về đấy, nhưng cháu chớ khoe với ai, kể cả bố cháu. Chuyện này lộ ra sẽ ảnh hưởng tới công danh sự nghiệp của bố cháu đấy.
- Bà ơi mai bố cháu sẽ đến thăm bà. Đất nước thống nhất rồi bà không phải lo sợ nữa. Cậu Hiền rồi sẽ về thăm bà. Cháu chào bà cháu về đây.
- Người ta sẽ không bắt tử hình cậu cháu chứ? Bà run run cố bước chập choạng ra cửa nhìn theo chiếc xe của Nam rồ máy chạy vào màn đêm.
Về tới cổng nhà Vương, Nam chạy xuống mở cổng rồi dông thẳng xe vào đỗ giữa sân. Mẹ Vương đang ngồi nghe vở cải lương “Chuyện tình của biển” Nam dìu Vương vào nhà. Mẹ Vương tắt chiếc máy quay đĩa nói:
- Nam ơi cô tính kĩ rồi, Vương bận đi báo cáo thành tích thì cô xin anh cùng cô đi vào trong ấy được không. Phải đi ngay anh Nam ạ. Chậm ngày nào mình mắc thêm tội ngày ấy.
- Mẹ không phải đi. Việc này để chúng con tính. Vương nói, bố Kinh đã thành phản động rồi, con không còn được đi báo cáo thành tích nữa đâu. Con sẽ cùng vào trong ấy.
- Thế thì tốt rồi. Mai mẹ sẽ bán đôi lợn lấy tiền cho hai anh đi. Liệu mẹ con nó có ra ở hẳn với mình được không nhỉ? Trong ấy có biết cấy lúa như ngoài này không? Mẹ Vương líu nhíu hỏi đủ mọi chuyện.
- Mẹ phải hiểu con bây giờ tàn tật thế này, đến nuôi thân không nổi mong gì chuyên ấy hả mẹ. Con vào lần này mục đích xin lỗi người ta thôi, mong gì được nhận cháu. Hi vọng người ta tha thứ cho mình là tốt rồi. 
Mẹ Vương lại ngồi thừ ra.
- Đêm nay cháu xin phép cô, cháu được ngủ lại đây với Vương một đêm. Đã lâu lắm chúng cháu mới lại được gặp nhau.
- Vậy là anh bỏ con Tuyết thật sao? Cô Cam nói, ôi khổ thân hai đứa chúng mày. Cô cũng chẳng dấu gì anh, chính cô là người đã tung tin con Tuyết với Trần Tăng đấy. Chính cô đã hồ đồ không nghĩ rằng kết cục hai đứa lại như thế này. Chẳng lẽ anh lại không tha thứ cho con Tuyết được sao? Đàn bà nhan sắc như con Tuyết có gian díu dại khờ cũng là lẽ thường tình. Chẳng gì bây giờ nó đã là chủ tịch to nhất xã này anh còn chê nó điều gì. Đã trải qua bao năm tháng, cô mới nghĩ con người ta sinh ra giữa thời buổi loạn lạc triền miên không mấy ai không mắc lỗi lầm.
Đêm đã khuya Nam và Vương ôm nhau ngủ. Cùi tay cụt của Vương thúc vào sườn Nam nhồn nhột. Tiếng mẹ Vương thì thầm khuyên nhủ Nam về với Tuyết. Đêm làng Đoài vẫn ì ầm vọng về tiếng sóng biển.

 ***

Tuyết không cài cửa để điện sáng chờ Nam về. Càng về khuya chiếc bóng điện càng sáng trắng ra. Con thạch sùng đánh lưỡi tóp tép trên mái nhà đang nhìn Tuyết. Mọi cố gắng của Tuyết đều đỗ vỡ. Trái tim Nam đã hóa đá trước thân hình đầy gợi cảm và khát khao ở Tuyết. Tuyết đã cố chờ đợi làm lành với Nam, ai ngờ cơ sự lại đi theo chiều ngược lại. Đêm nay Nam không về với Tuyết có nghĩa là mọi sự đổ vỡ không còn cơ hội nào cứu vãn. Tuyết không ngủ, cô vùng dậy bước ra cửa. Bầu trời đầy sao lạnh giá. Anh sáng từ trong nhà hắt ra khoảng trời đêm trước nhà một quầng sáng mù sương. Nam vẫn không về. Tuyết đã làm dâu gia tộc Hoàng Kỳ bao năm kết cục là thế này đây. Bữa đi đám cưới cái Măng, Trần Tăng đã khuyên nhủ Tuyết “phải bằng mọi cách làm lành với chồng” Lời nói của Trần Tăng như một mệnh lệnh dứt khoát. Tuyết hiểu Trần Tăng đã chán mình. Tuyết nhận ra mình như con mồi đã mất linh. Phận đàn bà mỏng manh bạc bẽo thế. Tuyết hiểu hành động xé đơn li hôn của mình đã làm tổn thương đến Nam, hay còn nguyên nhân nào Tuyết không hiểu nổi. Uy tín của Tuyết đối với cán bộ và nhân dân trong xã xem ra mờ nhạt bởi dân tình ngao ngán đói dài đói rạc, mọi phong trào theo lối đánh trống phất cờ, hô khẩu hiệu chỉ làm vui tai trẻ nhỏ. Số đoàn viên thanh niên còn tỏ ra hăng hái cũng chỉ để chờ cơ hội thoát khỏi đồng đất lam lũ quê nhà. Tuyết là người hiểu thấu điều này. Chính Tuyết đã có lúc cũng muốn tìm cách ra đi nhưng không có cơ hội bởi lời cam kết của Tuyết trước đảng bộ xã “nguyện suốt đời đồng cam cộng khổ với nhân dân xã nhà”. Nếu Tuyết bỏ cuộc ra đi chẳng khác nào dẫm vào vết chân của Đào Kinh. Tay phó chủ nhiệm hợp tác xã mắt la mày lém thường bóng gió với Tuyết “Đồng chí chủ tịch tỉnh hồi này mải mê công tác quên cả đường về Chiến Thắng mình rồi. Và cả tay nhà báo nhà văn của cô nữa, đã hơn năm nay hắn không về đúng không? Hồi này thấy cô chủ tịch dáng vóc hao gầy mà thương” Tay phó chủ nhiệm lả lơi, Miệng nồng nặc rượu, mắt hau háu nhìn Tuyết thèm khát. Câu nói ỡm ờ ấy của hắn vào thời điểm trước thì Tuyết đã cho hắn một bạt tai. Tuyết đâu ngờ chuyện tình duyên của mình lại đen bạc vậy...
 Tuyết đứng ngẩn ngơ nhìn vào màn đêm. Cả làng Đoài chìm trong giấc ngủ. Tuyết muốn đập cửa gọi bố mẹ chồng dậy đi tìm Nam phải về  nhà ngủ để giữ uy tín cho cô. Nếu Nam không muốn ngủ chung với Tuyết thì cô sẵn sàng nằm dưới đất cũng được. Đêm nay Nam không ngủ ở nhà, ngày mai làng xã sẽ lại ầm lên, Tuyết còn mặt mũi nào nhìn mọi người  nữa. Một chủ tịch xã như Tuyết mà bị chồng chê thì nhục lắm. Dù cái gia đình nay có tan rã thì Tuyết cũng là người bỏ Nam chứ Nam không thể bỏ Tuyết. Sự bất cẩn của Nam đã chạm lòng tự ái của một cô chủ tịch xã danh tiếng. Không thể sống chung với người chồng vô trách nhiệm không có chí hướng như Nam. Nghĩ thế, Tuyết phẫn uất vào nhà lấy giấy bút hý hoáy viết đơn ly hôn với những lời lẽ đầy căm hờn. Ngồi viết xong lá đơn ly hôn,  đã nghe tiếng gà gáy sáng. người mệt rã rời, Tuyết đứng dậy đóng cửa tắt điện đi ngủ. Khi tỉnh dậy Tuyết mở cửa nhìn thấy chiếc xe zep của bố chồng đã đỗ ở đầu ngõ. Nam đã đánh xe về lúc nào Tuyết không biết. Tuyết bừng tỉnh bật dậy vồ lấy lá đơn li hôn trên bàn chạy sang đứng trước mặt mẹ chồng với thái độ đầy căm dận. Hoàng Kỳ Trung và Yến Quyên đang uống nước ngỡ ngàng nhìn Tuyết.
- Có chuyện gì vậy con? Yến Quyên hỏi.
- Bố mẹ đã đồng lõa với anh Nam làm nhục con. Con không thể chịu nổi nữa rồi. Con đã làm đơn li hôn đây. Tuyết dận dữ xòe lá đơn ly hôn ra trước mặt bố mẹ chồng.
- Nó đi từ sáng sớm rồi, chuyện riêng của anh chị, anh chị tự giải quyết. Hoàng Kỳ Trung lạnh lùng. Chị không nghe nó đã tuyên bố trước mặt tôi tối qua đó thôi.
- Bố nói thế nghe được sao, anh ấy là con trai bố.
- Con không được hỗn-Yến Quyên nói- Từ ngày con về làm dâu nhà này, cho dù thiên hạ người ta bàn tán về con nhưng chưa một lần mẹ trách cứ con điều gì. Mẹ tin con cũng như tin con trai của mẹ, người ta cũng đồn đại đủ điều. Con Yên tâm, mẹ tin mọi việc sẽ sáng tỏ, ai tốt xấu thiên hạ đều biết cả. Mẹ nghĩ, chuyện tình cảm của các con, bố mẹ không thể ép buộc. Bố mẹ nào không mong cho các con hạnh phúc.
Tuyết bật khóc lặng lẽ bỏ đi.
-  Mình đã sai lầm chọn vợ cho thằng Nam-  người mà nó chưa bao giờ yêu. Yến Quyên nói.
- Cả cuộc đời này là một chuỗi sai lầm- Hoàng Kỳ Trung nói. Có những sai lầm mình nhìn ra, lại có những sai lầm mình không nhìn ra. Và có cả những sai lầm mình đã nhìn ra nhưng lại không dám thừa nhận...