MỞ ĐẦU Ngày nay, sau 20 thế kỷ chiến đấu và thắng trận, mà chúng ta đã tường thuật, Giáo hội Công giáo La Mã tự phô bày trước mắt chúng ta như là cơ quan cần thiết, Chúa Kitô đã muốn và sáng lập, để truyền đạt và phổ biến trong thế giới chân lý Thiên Chúa và đời sống Thiên Chúa. Muốn bênh vực một yếu sách như vậy, và nhận thức một sứ mệnh như thế, Giáo hội phải kêu gọi đến dĩ vãng và hiện tại để quả quyết với đủ bằng chứng rằng ở thế kỷ thứ 20 này cũng như các thế kỷ đầu, trong tổ chức, trong giáo lý và trong đời sống mình, Giáo hội có những đặc tính mà Chúa Giêsu Đấng sáng lập muốn cho Giáo hội Ngài. Đây là những đặc tính chính: Duy nhất Thánh thiện Công giáo Tông truyền. Đó là những đặc tính chúng ta tuyên xưng khi chúng ta hát trong kinh Tin Kính: Tôi tin Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. I. CHÚA GIÊSU ĐÃ MUỐN GIÁO HỘI NGÀI DUY NHẤT: GIÁO HỘI RÔMA LÀ ĐỘC NHẤT: a) Chúa Giêsu chỉ muốn có một Giáo hội: Giáo hội “của Chúa Giêsu” phải duy nhất dưới ba phương diện: - Duy nhất trong giáo lý mà Giáo hội dạy, bởi vì sẽ mâu thuẫn nếu có nhiều chân lý nghịch nhau. Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ: “Hãy dạy các dân tộc và dạy họ giữ điều răn của Ta” (Mc 28, 19-20). - Duy nhất trong quyền hành: “Chỉ có một đoàn chiên và một đấng chăn” (Jn 10, 16). - Duy nhất trong đời sống: “Con cầu cho những kẻ tin Con để họ được nên một như Cha trong Con và Con trong Cha, để họ nên một trong Chúng Ta” (Jn 17, 20-21). b) Giáo hội Roma duy nhất. 1) Trong giáo lý. Thánh Phaolô viết: “Chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một đức tin” (Ephe 4, 6). Nếu ai, cả đến Thiên Thần, giảng cho anh em một Phúc âm khác, người đó sẽ bị trục xuất (Gal 1, 8). Ngày nay, Giáo hội Công giáo cũng có thể nói như vậy. Tất cả mọi tín hữu trong khắp thế giới học cùng một giáo lý, hát cùng một kinh Tin Kính và tin hoàn toàn cùng những chân lý như nhau. 2) Duy nhất trong quyền hành. Giáo hội Công giáo Rôma chỉ có một thủ lãnh, thay mặt Chúa Giêsu trên trần gian: ấy là Đức Giáo hoàng - Đức Giáo hoàng chọn các giám mục và đặt các ngài làm đầu các địa phận, các giám mục hợp nhất với Đức Giáo hoàng. Các giáo dân và các linh mục trong thế giới phải vâng lời Đức Giáo hoàng. 3) Duy nhất trong đời sống. Các phép Bí tích phân phát trong cả Giáo hội đều như nhau: “Chỉ có một phép rửa tội” (Eph 4, 5). Ngày nay, trẻ em Việt nam, trẻ em Trung Hoa, trẻ em Pháp, trẻ em Phi châu, trẻ em Mỹ châu cũng đều chịu một phép rửa tội như sau. Các người Công giáo khắp năm châu tất cả đều cùng chịu phép bí tích Thánh Thể, các bí tích Giải tội, Hôn nhân, Xức dầu thánh. Các linh mục không kể nòi giống đen, trắng hay vàng đều chịu cùng một phép bí tích Truyền chức. Sau hết, mặc dầu có những lễ nghi bên ngoài khác nhau, cũng một thánh lễ đuợc cử hành trên khắp hoàn cầu, cũng một sự thờ phượng mà mọi người tín hữu của Giáo hội Công giáo dâng Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô. II. CHÚA GIÊSU ĐÃ MUỐN GIÁO HỘI NGÀI THÁNH THIỆN: GIÁO HỘI ROMA LÀ THÁNH THIỆN. a) Chúa Giêsu đã muốn Giáo hội Ngài thánh thiện. Ngài phán: “Ta đến để ban sự sống và ban sự sống dồi dào” (Jn 10, 10). Chúng ta đã nói trước đây Chúa Kitô đã đến để trả lại cho chúng ta đời sống Thiên Chúa của ơn sủng mà Adong đã làm mất. Và Ngài đã sáng lập Giáo hội Ngài để lưu truyền sự sống ấy. Trong ý của Chúa Kitô, mọi người đều có thể trở nên thánh được. Sự thánh thiện sẽ là một đặc tính của Giáo hội Chúa Kitô, nếu thực sự người ta luôn luôn thấy nơi tín hữu, nhiều gương thánh thiện rạng ngời, chứng tỏ rằng một linh hồn có thể lên đến đâu khi linh hồn ấy thực hiện hoàn toàn lý tưởng của sự thánh thiện Kitô. b) Giáo hội Roma là thánh thiện Nhờ giáo huấn mà Giáo hội ban bố cho tín hữu, nhờ những điều răn và lời khuyên bảo, nhờ các bí tích mà Giáo hội phân phát cho họ, mọi người có thể nên thánh. Nếu có những phần tử trong Giáo hội đã xa lý tưởng thánh thiện, lỗi là ở chỗ họ đã lạm dụng tự do của họ mà không nghe lời Giáo hội dạy bảo, không giữ giới răn, cũng không chịu các bí tích. Nhưng thực sự, suốt lịch sử mình, Giáo hội Công giáo đã hãnh diện nêu lên vô số gương thánh thiện anh hùng. Trải qua mọi thời đại, thuộc mọi giống nòi, mọi giai cấp, có những bằng chứng sống động làm sáng tỏ sự thánh thiện của Giáo hội. Có những thánh hiện đại như: Cha sứ Ars, thánh Têrêxa Hài đồng Giêsu, thánh Bernadetta, Catherine Labouré, v.v… III. CHÚA GIÊSU ĐÃ MUỐN GIÁO HỘI NGÀI LÀ CÔNG GIÁO: GIÁO HỘI ROMA LÀ CÔNG GIÁO a) Chúa Giêsu đã muốn Giáo hội Ngài là Công giáo Danh từ “Công giáo” nghĩa là “phổ quát”, là chung cho hết mọi người. Chúa cứu chuộc hết mọi người, Giáo hội phải thông ban ơn cứu chuộc cho mọi người chẳng trừ ai. Chúa Giêsu đã phán: “Phúc âm này sẽ được rao giảng khắp hoàn cầu cho mọi dân tộc” (Mt 24, 14). “Hãy đi khắp thế giới, rao giảng Phúc âm cho mọi loài” (Mt 16, 15). Chúng con sẽ làm chứng cho Thầy… khắp cùng trái đất” (Act 1, 8). b) Giáo hội Roma là Công giáo: Nói rằng Giáo hội Roma là công giáo nghĩa là tự bản tính Giáo hội là phổ quát, đời sống mà Giáo hội mang phải được tràn lan khắp nơi, và Giáo hội được sáng lập cho cả nhân loại, vì vậy bao lâu chưa được đạt tới toàn thể nhân loại, Giáo hội còn phải cố gắng chinh phục hết những phần tử còn ở ngoài Giáo hội. Trong 20 thế kỷ, Giáo hội đã chứng tỏ rằng Giáo hội có thể biến đổi tất cả mọi hình thức văn hoá và trong mỗi một văn hoá tất cả mọi sinh hoạt, tất cả mọi tuổi và mọi hoàn cảnh, và trong mỗi một người, mọi phương diện hoạt động của con người: trí thức, gia đình, nghề nghiệp, xã hội, công dân, quốc tế. Bởi Giáo hội đạt tới trong con người cái gì là thâm sâu, là phổ quát, đồng thời, Giáo hội chứng tỏ có thể kết hợp tất cả mọi người trong một cộng đồng bác ái không phân biệt màu da nòi giống[1]. Các cuộc truyền giáo (và nói chung, tất cả các việc tông đồ của Giáo hội) nói lên một cách sống động đặc tính Công giáo này và đồng thời là bằng chứng hiệu quả của đặc tính ấy. IV. CHÚA GIÊSU ĐÃ MUỐN GIÁO HỘI NGÀI LÀ TÔNG TRUYỀN: GIÁO HỘI ROMA LÀ TÔNG TRUYỀN: a) Chúa Giêsu đã muốn Giáo hội Ngài là tông truyền, nghĩa là nối liền với các tông đồ, bắt nguồn với các tông đồ. Ý Chúa Kitô lúc uỷ thác cho các tông đồ sứ mệnh giảng dạy và rửa tội là một đàng các đấng kế tiếp các tông đồ được nối liền với họ bằng một sự kế thừa hợp pháp và không gián đoạn và một đàng giáo lý mà các đấng kế vị giảng dạy là giáo lý mà chính Ngài đã dạy cho các tông đồ. “Thầy ở cùng các con cho đến tận thế” (Mt 28, 20). b) Giáo hội Roma là tông truyền Nếu người ta quan sát sự kế tiếp các thủ lãnh hữu hình của Giáo hội (Đức Giáo hoàng và các Giám mục) người ta nhận thấy Giáo hội lên tới các tông đồ bằng một sợi dây liên lạc không gián đoạn (Piô XII - 258, Gioan 23-259, Paul VI - 260). Chúng ta có một danh sách tất cả các Giáo hoàng từ thánh Phêrô là đấng thay mặt Chúa đầu tiên, đến Đức Phaolô VI là đấng thứ 260, Gioan- Phaolô I- 261, và Gioan Phaolô II- 262. Nếu người ta quan sát giáo lý, giáo lý ngày nay nguyên vẹn là giáo lý mà các tông đồ để lại cho chúng ta. Đành rằng có những tiến triển nhưng không phải trong sự khởi thảo những tín điều mới, mà chính là trong sự hiểu biết và giải thích giáo lý Phúc âm sâu xa hơn. Lời chú thích lịch sử Sự ly giáo Tây phương (1377-1418) phân chia Giáo hội về vấn đề hợp pháp về quyền giáo hoàng không làm tổn thương nào đến sự tông truyền của Giáo hội. Chỉ có một giáo hoàng hợp pháp, giáo hoàng thành Roma được chọn trước nhất. Như thế, sự kế tiếp của các giáo hoàng với thánh Phêrô không bị gián đoạn. KẾT LUẬN: GIÁO HỘI CÔNG GIÁO ROMA, GIÁO HỘI CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ Theo dòng lịch sử mình, Giáo hội Roma đã hai lần nhìn thấy một số con cái ly khai vì vấn đề tín ngưỡng hay quyền hành: Giáo hội Đông phương thế kỷ 10 và Giáo hội Tin lành vào thế kỷ 16. Sự kiện cắt đứt lịch sử này làm cho hai cộng đồng Kitô lìa bỏ Giáo hoàng đấng kế vị Phêrô, không thể cho mình là “tông truyền”. Về sự thánh thiện, các Giáo hội ly khai có thể có những tấm gương sáng không chối cãi được. Nhưng chúng ta xin lưu ý hai điểm sau đây: 1) Nếu sự thánh thiện có thật trong Giáo hội ly khai, sự ấy là do tất cả những gì các Giáo hội còn giữ lại chung với Giáo hội Roma. 2) Nếu các Giáo hội Đông phương còn giữ các bí tích thì các Giáo hội Tin lành lại đã bỏ các phương thế đó, những phương thế mà Chúa lập ra để làm cho thánh thiện. Nhưng vậy chính các Giáo hội ấy mất đi nguồn mạch sự thánh thiện Kitô thật. Chúng ta tóm kết: Chỉ có mình Giáo hội Công giáo Roma là có đầy đủ những dấu hiệu mà Chúa Kitô đã muốn như là những đặc tính của Giáo hội mà Ngài đã sáng lập để lưu truyền và phổ biến đời sống Chúa. Giáo hội Công giáo Roma là Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô. Chú thích:[1] Ngoài ra, Giáo hội là công giáo còn có nghĩa là giáo lý và đời sống do Giáo hội ban ra, có thể thoả mãn mọi nhu cầu, mọi ước vọng chính đáng của con người