gày Quân Lực 19 tháng 6 năm 1999Sĩ Phú rất tha thiết muốn đến khu Little Saigon để tham dự buổi lễ tổ chức cho ngày Quân Lực lúc 7 giờ chiều tại khu thương xá trước chợ 99. Sáng sớm thức dậy, anh vui vẻ nhờ tôi:- Anh muốn tham dự ngày lễ quan trọng này và cũng để gặp lại những bạn bè cũ của anh. Chiều nay anh nhờ em chở anh ra đó nhé cưng!- Dạ vâng, chiều nay em sẽ chở anh ra đó.Sáu giờ chiều, Chúng tôi chuẩn bị chỉnh tề. Tôi lái xe đưa anh đi xuống phố Việt.Anh mặc một cái quần màu cà phê sữa, áo chemise trắng, áo khoác ngoài bằng da màu nâu sậm. Anh trông đẹp trai ra phết. Anh có vẻ khỏe mạnh hồng hào và đầy đặn, tướng anh vạm vỡ, cao lớn, anh nặng 170 pounds. Thật ra, 170 pounds và cao gần 6 feet thì không phải là mập vì tướng anh dong dỏng cao, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng, đây là khoảng thời gian anh cân nặng và đầy đặn nhất.Quả nhiên, anh đã gặp gỡ các bạn cũ, cùng họ chuyện trò rất tương đắc trước và sau buổi lễ. Có một vài vị nữ thính giả nhận ra anh, đã đến nói chuyện với chúng tôi và chúc lành cho anh. Không một ai trong buổi lễ hôm đó nghĩ rằng anh bị bệnh vì trông anh rất khỏe mạnh hồng hào không giống bất cứ một người bị bệnh nặng chút nào.Anh ở lại cho đến khi buổi lễ kết thúc và chờ tới khi các bạn anh ra về gần hết thì mới chịu ra về.Ðêm hôm đó, anh rất vui vì được đi đứng lại bình thường, được gặp lại bạn bè, thính giả và những người ái mộ anh.Ngày hôm sau, cơ thể anh bị nóng. Nhiệt độ trong người anh tăng cao đến 102 độ. Tôi đề nghị đưa anh vào nhà thương, nhưng anh bảo để uống thuốc hạ nhiệt, nếu một ngày nữa không bớt nóng thì mới vào nhà thương.Vì trong người không được khỏe, cho nên anh không muốn ăn uống gì hết, anh chỉ muốn được nghỉ ngơi dưỡng sức mà thôi.Ðêm hôm đó, tôi ngồi thiền rất nhiều để mong có sức lực hỗ trợ cho anh.Từ ngày chúng tôi bắt đầu học thiền. Ðêm nào chúng tôi cũng thiền cùng nhau ít nhất là một tiếng đồng hồ. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc thờ phượng. Anh giúp tôi thay đổi phòng đọc sách làm phòng thờ phượng. Anh đóng cho tôi một cái kệ thờ rất đẹp trên tường nhìn về hướng Nam. Tôi rước tượng và ảnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát về thờ. Hàng tuần, tôi mua hoa cẩm chuớng trắng để vào hai bình pha lê đặt hai bên bức hình của Ngài. Tôi gọi Ngài là Mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát. Ðêm nào tôi cũng lên phòng này để hầu chuyện với Mẹ, cầu nguyện cho anh, cho con của tôi và các bạn hữu kém may mắn luôn được nhiều ân phúc lành.Tôi đốt hai ngọn đèn cầy tea light trắng và cầu nguyện cho hai chúng tôi trong đêm hôm đó.Tôi xin Mẹ cho tôi nhiều sức lực để vượt qua tất cả mọi trở ngại, mọi vất vả, để có thể tiếp tục chăm sóc cho anh. Tôi cầu nguyện cho anh:- Nam mô Ðại Từ Ðại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát. Con là Ngọc Lan, con của Mẹ từ muôn đời muôn kiếp, bị lưu lạc đọa đày chốn trầm luân. Xa rời Mẹ yêu quý để lao vào cuộc đời trần tục ở chốn thế gian này. Nay chúng con đã thoát ra khỏi vùng vô minh, xin quay về cùng Mẹ, xin Mẹ cho phép chúng con trở về, xin Mẹ mở rộng lòng từ bi mà dang tay đón nhận chúng con. Xin Mẹï thương yêu chồng con, Nguyễn Sĩ Phú, xin chút lòng từ bi của Mẹ giúp anh được giảm bệnh. Xin Mẹ đem những bệnh hoạn của anh và những tế bào ung thư này, những chúng sinh này về với Mẹ để chúng được tu tập và siêu thoát mà không hành hạ chồng con nữa. Mẹ ơi, nếu vì nghiệp chướng từ kiếp trước mà chồng con phải trả ở kiếp này, con xin Mẹ cho con được gánh lấy nghiệp này để chồng con được chuyển nghiệp và diệt được bệnh hoạn. Vì chồng con cần phải sống, xã hội này không thể thiếu anh. Thân con, Mẹ ơi, con không quản chi. Con muốn được trở về cùng Mẹ. Xin ơn trên cho con được lãnh nghiệp này cho anh. Xin Mẹ thương con mà chấp nhận lời cầu nguyện của con. Nam Mô A Di Ðà Phật, Nam Mô Ðại Từ Ðại Bi Tầm Thinh Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.Tôi cung kính đặt ba ly nước lạnh trên bàn thờ. Rồi cúi đầu chào Mẹ. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy như có một bàn tay đặt lên đầu tôi, và rồi đổ xuống đầu và vai tôi một bình nước thật ấm áp. Tôi cảm thấy rõ ràng, không mộng mị hay tưởng tượng. Giây phút huyền linh ấy kéo dài khoảng 2 phút. Tôi sung sướng vô cùng, đứng ngây người ra cảm nhận hạnh phúc này mà tôi chưa từng cảm thấy trong đời bao giờ và không bút mực nào diễn tả nổi. Tôi chắp tay cúi đầu cảm ơn Mẹ. Tôi lặng người đi trong một trạng thái cực kỳ an lạc đến khoảng gần 5 phút đồng hồ. Khi trở lại bình thường, tôi chạy xuống lầu kể lại cho anh biết những gì đã xảy ra trong phòng cầu nguyện. Cả anh và tôi, đều không biết việc gì đã xảy ra. Tuy nhiên anh nói:- Có lẽ tấm lòng quá tha thiết của em cho anh đã làm bề trên động lòng, cho nên mới cho em cảm nhận và liên lạc được với các Ngài. Lòng em phải vô cùng thanh sạch, nhẹ nhàng thì mới cảm nhận được như vậy, chứ một thể xác hay tâm hồn đầy trược khí thì không thể nào mà cảm nhận được.Anh thích tôi áp tay vào đầu anh lắm. Cứ hằng đêm, sau 12 giờ khuya, tôi tạm gác lại các công việc để cầu nguyện cho anh và ngồi thiền ít nhất là 45 phút, có khi tôi ngồi thiền đến một giờ rưỡi sáng. Sau khi thiền xong, tôi xuống nhà chữa bệnh cho anh.Tôi mong bề trên qua bàn tay của tôi chuyển đến cho anh một phép lạ.Tôi bảo anh nằm xuống, tôi bắc một cái ghế ngồi sát ngay đầu giường. Một tay tôi để trên đỉnh đầu anh còn tay kia trên ngực bên phổi phải của anh và lâm râm khấn vái, cầu nguyện. Anh nói với tôi:- Cứ mỗi lần em để tay vào đầu anh, anh cảm thấy rất ấm áp ở trong đầu. Anh thích lắm vì cảm thấy rất bình an.Thứ Hai 21 tháng 6 năm 1999Tôi đưa anh vào bệnh viện để viếng bác sĩ thần kinh. Sau khi lấy nhiệt độ thân thể, họ nói rằng anh bị sốt và cho anh qua phòng cấp cứu. Thế là tôi khăn gói lục đục đi theo anh qua phòng cấp cứu. Tại đây bác sĩ cho biết là anh bị sưng cuống phổi. Anh cho bác sĩ biết là anh đã tham dự ngày lễ Quân Lực ở ngoài trời hai ngày trước đó. Ôngï bảo đó là lý do. Bác sĩ khuyên anh không nên tham dự vào những đám đông, vì hơi người trong không khí rất ô nhiễm không tốt cho anh trong khi đó chất Chemo đang làm cho hệ thống miễn nhiễm của anh bị yếu đi, nên cơ thể anh rất dễ bị nhiễm bệnh.Thứ Ba 22 tháng 6 năm 1999Tôi đưa anh vào thăm bệnh với bác sĩ Spillane. Ông cho thử máu anh và kết quả rất tốt. Mực bạch huyết cầu và hồng huyết cầu trong cơ thể anh bình thường.Thứ Năm 1 tháng 7 năm 1999Anh vào bệnh viện để vô Chemo lần thứ tư.Thứ Sáu 2 tháng 7 năm 1999Anh vào bệnh viện để chụp hình CT Scan trên đầu một lần nữa.Thứ Bảy 3 tháng 7 năm 1999Nhân dịp có Sư Huynh Hoàng Phước, một thiền sư vừa từ Houston qua California thăm viếng thiền đường Thiền Ðịnh Trực Ðáo Chân Tâm, chú Lee cùng các đạo hữu quan lâm tư gia của chúng tôi lúc 7 giờ 30 tối. Anh và tôi rất đỗi vui mừng. Chúng tôi quây quần trong phòng khách. Cùng nhau thiền định và cầu nguyện cho anh.Sau khi thiền xong, chúng tôi cùng nhau dùng lực để trợ giúp anh, mong nhờ thanh điển bề trên, xoa dịu vết thương cho anh.Sau buổi thiền, chúng tôi mời các đạo hữu ở lại để dùng một buổi cơm chay rất thanh lịch và thật ấm cúng, do anh Sĩ Phú nấu.Trong thiền đường, ai cũng biết tiếng là anh Sĩ Phú nấu món ăn chay rất ngon miệng.Chúng tôi rất vui vì những chân tình quý báu của các bạn đồng đạo và biết rằng, tất cả mọi người đêm hôm ấy đều yêu thương anh và ai cũng hết lòng cầu mong cho anh được thoát bệnh.Bắt đầu từ tháng 7 năm 1999, tôi nguyện cầu cho anh rất nhiều và nhất quyết ăn chay trường. Anh cũng theo tôi mà ăn chay được ba tháng. Sau đó anh phải ăn mặn trở lại vì cơ thể anh cần nhiều chất bổ dưỡng để chống chọi với Chemo. Riêng tôi, đã hai năm rồi tôi không đụng đến một miếng thịt và có lẽ tôi sẽ không bao giờ.Ngày lễ Ðộc Lập Hoa Kỳ, 4 tháng 7 năm 1999Một nhóm bạn cũ rất thân với anh từ thuở là sinh viên những năm 1976-1978, từ sáng sớm đã từ San Diego kéo lên rất đông để thăm viếng anh. Họ là những người trung niên tương đối trẻ, hoạt bát, và náo động. Người nào hình như cũng có một kỷ niệm gì đó để nhắc nhở lại cố làm cho anh vui.Họ rất vui mừng được nhìn lại người anh cả năm xưa. Cười đùa với anh và nhắc lại những kỷ niệm xa xưa từ thuở còn là sinh viên và vừa chập chững ra đời. Tôi biết trước sự thăm viếng này nên đã bỏ một khoảng thì giờ để làm những món giải khát cho họ. Tôi gọt dưa hấu ướp lạnh, gọt xoài để sẵn. Tôi nấu chè đậu xanh với nhãn nhục, bạch quả, hạt sen, táo Tàu, dừa tươi và múc ra từng chén mời họ. Tôi cũng làm món thạch dừa ướp lạnh rất ngon để ăn tráng miệng. Họ cũng rất tế nhị, biết chúng tôi rất bận rộn, cho nên các anh chị cũng đã mua thức ăn mang đến.Có lẽ, vì quá vui gặp lại anh trong tình trạng khỏe mạnh nên ai nấy cứ quây quần bên anh mà quên đi những thức ăn của tôi. Nhưng rồi không lâu sau đó ai cũng bắt đầu đói bụng và những món ăn tôi làm bắt đầu đắt hàng.Buổi chiều anh thấm mệt. Tôi khuyên anh nên nằm nghỉ. Anh vừa nằm nghỉ vừa hàn huyên cùng các em một khoảng thời gian nữa trước khi mọi người chia tay anh.Dù hơi mệt, nhưng sự thăm viếng của các em đã làm cho anh lên tinh thần và rất phấn khởi, vì biết rằng, anh vẫn còn được thương yêu, được nhớ đến, bởi những người em mà anh đã từng sống với và có rất nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Họ đã là một phần đời yêu quý của anh. Những kỷ niệm xa xưa của thời áo trắng tưởng đã phai tàn theo năm tháng bỗng bừng bừng sống dậy trong lòng anh. Nỗi sung sướng và hạnh phúc của anh đã vượt cao, cao hơn cả những nỗi đau cuối đời.Ngày 8 tháng 7 năm 1999Bác sĩ Spillane cho biết kết quả của CAT scan không có gì lạc quan cho lắm. Không hơn không kém hai tháng trước bao nhiêu. Những vết hằn ung thư trong phổi mặt của anh vẫn như vậy, không thu nhỏ lại chút nào, mặc dù đã qua 4 tháng điều trị bằng phương pháp Chemo.Ngày 12 tháng 7 năm 1999Anh trở vào UCI để chụp hình MRI.Ngày 18 tháng 7 năm 1999Một ngày rất đẹp trời. Hai mẹ con cô Kim Uyên và bà mẹ của cô đến nhà chúng tôi để viếng thăm Sĩ Phú. Vì biết trước cô sẽ đến nên tôi làm thật nhiều món ăn để đãi cô. Tôi nấu mì và hủ tíu chay, thịt bò hầm chay, chè đậu xanh nhãn nhục với bạch quả, tôi làm thạch dừa, và gọt sẵn trái cây tươi đủ loại. Anh sung sướng khi thấy tôi đem tất cả đồ ăn ra mời mọi người. Anh vào bếp phụ tôi dọn thức ăn. Xem anh có vẻ rất vui về sự thăm viếng này.Tôi để ý thấy đứa con của cô không bao giờ bước chân vào phòng để thăm hỏi anh, dù là một lần. Cậu luôn luôn ngồi một chỗ ngoài phòng khách, nét mặt đăm chiêu. Cậu rất ít nói. Hình như không bao giờ nói hay chào hỏi ai cả.Tôi ra làm quen với cậu:- Chào Tùng Anh- Hello- Tôi rất hân hạnh biết Tùng Anh. Bố Sĩ Phú nói về Tùng Anh rất nhiều với tôi. Bố rất hãnh diện về Tùng Anh.Cậu nhìn tôi ngạc nhiên, vui sướng:- Oh really? Cảm ơn.- Ðúng như vậy. Bố nói về Tùng Anh nhiều lắm. Lúc nào cũng khen Tùng Anh. Làm cho tôi muốn biết Tùng Anh là ai.Cậu gật gù làm thinh.Tôi nói tiếp:- Tùng Anh có muốn vào thăm bố và hỏi thăm bố không?- SureCậu bước vào phòng trong cho thấy mặt anh.- Hi Dad- Hello con. How are you con?- I am fine.Và cậu đi ra.Từ đó về sau, cậu không nói gì nữa.Và cho đến ngày anh mất, mỗi lần đi thăm anh, cậu đều y hệt như vậy, nghĩa là không nói gì hết, chỉ nói hello mà thôi.Trong buổi thăm viếng này, tôi cảm thấy có một cái gì đó giữa anh và cô Kim Uyên. Ý nghĩ đem hai người đến gần nhau bỗng nổi dậy trong lòng tôi. Tôi muốn thấy họ gần nhau hơn nên tôi vội vàng nói với cô:- Chị Kim Uyên à, Lan đề nghị với chị là nếu có thể được thì xin chị thỉnh thoảng đến lo cho anh Phú vào dịp cuối tuần để phụ Lan. Thỉnh thoảng chị đến săn sóc anh một ngày để chị có dịp gần gũi với anh, để tạo một tình thân với anh trở lại...Cô Kim Uyên từ chối:- Không được đâu Lan ơi! Tôi bận lắm và ở xa nữa.Tôi cố thuyết phục chị:- Chị không cần phải đến thường, một tháng đến một lần cũng được, vào ngày nghỉ của chị đó. Một tuần lễ chị nghỉ hai ngày Chủ Nhật và thứ Hai, thì chị xuống đây lo cho anh ấy nửa buổi thôi. Chị còn một ngày rưỡi để nghỉ ngơi. Nếu có chị thì đỡ cho Lan ghê lắm. Thì giờ đó Lan sẽ làm chuyện khác cho anh.- Tôi cần ngày nghỉ để nghỉ ngơi, tôi lo không nổi đâu Lan. Vả lại, tôi ở xa, tôi xuống không được đâu!Tôi nói một câu cuối cùng may ra cô đổi ý:- Thôi bây giờ Lan chỉ xin chị một ngày mà thôi, một ngày của đời chị, cho anh Sĩ Phú, chị cũng không chịu à?Cô lắc đầu:- Nhưng tôi phải đi làm, không được đâu Lan ơi!- Lan rất muốn chị đến nuôi anh Phú dù chỉ một ngày vì Lan rất mong muốn chị và anh gần gũi nhau để chị có một chút kỷ niệm với anh ấy sau này mà nhắc nhở?Anh Sĩ Phú lúc bấy giờ nghe chúng tôi nói với nhau, vội lên tiếng trách nhẹ tôi:- Nếu Kim Uyên không muốn thì thôi. Em đừng hỏi gì nữa. Sao em kỳ quá!Như một cơn gió lạnh thoảng qua, một nỗi buồn xâm chiếm và làm tê tái hồn tôi. Tôi chua xót đau vì tôi biết anh buồn lắm.Khi Kim Uyên và người thân của cô ra về, anh buồn bã nói với tôi:- Anh cảm ơn em rất nhiều về những ngày tháng em đã lo cho anh. Nếu vì lý do gì mà em không lo cho anh được nữa, thì anh xin em một điều cuối cùng là hãy cho anh vào viện dưỡng bệnh (nursing home). Ở đó người ta sẽ lo cho anh, vì anh biết, sẽ không một ai trên đời này lo cho anh như em đâu.Tôi ôm anh nghẹn ngào:- Tại sao anh lại nghĩ rằng em không muốn lo cho anh? Em lúc nào cũng sẵn sàng lo cho anh. Hôm nay em hỏi chị ấy là vì em muốn anh và chị ấy có dịp gần gũi nhau, tạo một tình thân mới cho anh, vì năm tháng đã làm phai tàn tình yêu của anh và chị ấy rồi. Em chỉ muốn chị ấy lo cho anh dù là một ngày mà thôi. Vì một ngày cũng là tình nghĩa đối với anh.- Em hứa với anh là đừng nhắc gì về chuyện đó với cô ấy nữa nhé! Em đừng để cho người ta ở vào vị trí khó xử. Vì khi người ta từ chối điều gì, người ta cũng buồn vậy. Anh không muốn như vậy!Tôi buồn bã trả lời:- Em hứa từ rày về sau sẽ không hỏi nữa để anh không buồn.Ngày 22 tháng 7 năm 1999Anh trở vào UCI để vô Chemo lần thứ năm.Ngày 4 tháng 8 năm 1999Thiền Ðịnh Trực Ðáo Chân Tâm và chúng tôi đi hành hương ở Encinatas, một thành phố ở về phía Nam của quận Cam khoảng 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Encinatas có một khu vườn rất đẹp và thanh tịnh nhìn ra biển xanh lơ đẹp tuyệt vời. Quang cảnh nơi đây đẹp như chốn bồng lai. Chỉ toàn là trời, mây, nước và hoa cỏ. Chúng tôi đi lần lượt hết tất cả mọi nơi trong khu vườn này, và thấy đầy rẫy đâu đâu góc vườn nào, băng đá nào, cũng có rất nhiều người Mỹ đang ngồi thiền. Gương mặt họ rất bình thản và rất an lạc. Nhìn họ lúc ấy, tôi có cảm tưởng như họ đã xuất hồn qua cõi khác.Rời khu vườn địa đàng, chúng tôi bách bộ qua ngôi đền Yogananda. Hai bên đường, đầy rẫy những tiệm bán những vật kỷ niệm, sách vở về tâm linh và tôn giáo của Ấn Ðộ. Ngay cả đến những người bán hàng, người nào cũng đều trông giống như những thiền sư. Nét mặt của họ như đã thoát trần, rất bình an và an lạc không vướng chút bụi trần.Vào đến ngôi đền, tôi dìu anh vào phòng nguyện, chúng tôi ngồi ở hàng ghế thứ ba. Trước mặt chúng tôi trên bệ cao, nơi thờ phượng, là hình ảnh của chúa Giê Su ngay chính giữa, hai bên Ngài là các vị thần tối cao của Ấn Ðộ Giáo chẳng hạn như Ngài Chrisna.Chúng tôi thiền khoảng 30 phút và lần lượt lẳng lặng đi ra. Không khí trong ngôi đền rất trang nghiêm và yên tĩnh.Những người đến đây thiền định hầu hết là người Mỹ.Họ đắm mình trong thiền định với tất cả sự tin tưởng vô biên hiện trên nét mặt.Buổi chiều trên đuờng về, chúng tôi ghé một thành phố rất dễ thương, Carlsbad, để mua sắm. Tôi mua cho Crystal, con gái tôi một vài bộ quần áo thể thao Adidas.Tôi mua cho anh hai cái quần trắng để mặc lúc thiền, hai cái áo thun Calvin Klein để mặc khi đến thiền đường, và một cái xách tay tí hon màu đỏ để anh đựng những đồng 25 xu vì anh thường bố thí rất nhiều người dọc theo con đường anh đi. Bất cứ chỗ nào có người không nhà, người ăn xin dọc theo đường là anh ngừng xe lại để cho họ tiền. Có một lần, một người bạn ngồi chung xe thấy anh tặng tiền cho những người vô gia cư dọc theo đường đã khuyên anh:- Anh cho làm chi cho phí tiền, các ông này xin tiền để uống bia, uống rượu đó. Họ làm biếng không chịu đi làm..Anh thẳng thắn trả lời như một lối khuyên nhủ:- Tiền tôi cho họ, họ muốn xài như thế nào là tùy họ. Tôi cho họ vô điều kiện. Dù cho họ dùng tiền này để mua một bữa cơm tối hay uống rượu uống bia, nhưng nếu sự việc đó giải quyết được nhu cầu của họ và làm cho họ cảm thấy hạnh phúc, thì tôi không ngần ngại. Còn họ có làm biếng không chịu đi làm hay không, tôi không dám bàn đến, vì tôi biết rất nhiều người đi xin việc làm, nhưng không ai nhận cho dù họ rất muốn có một việc làm, và sẵn sàng làm bất cứ việc gì. Xin đừng bao giờ hấp tấp luận tội ai hết.Ngày 12 tháng 8 năm 1999Sĩ Phú trở vào nhà thương để viếng bác sĩ chuyên khoa quang tuyến Ramsinghani. Bà cho anh biết một tin mừng, nhưng, cũng đồng thời, thêm một tin buồn.Cái bướu to bằng 25 cent bên phải của anh mà bác sĩ Ammirati ra tay chữa trị đã bị quang tuyến cực mạnh đốt cháy rồi. Nhưng, đồng thời một cái bướu khác rất nhỏ, nhỏ hơn một hột mè mọc lên ở một chỗ khác trong đầu anh. Tôi nghe qua thì mừng vì cục bướu to đã bị cháy nát, nhưng lại bắt đầu nỗi lo âu mới vì cái bướu nhỏ kia.Mỗi đêm, tôi cầu nguyện cho anh rất nhiều. Ngôi nhà của chúng tôi bỗng chốc biến thành thiền đường và nhà nguyện. Tôi dẹp hết đi những bức tranh đẹp nghệ thuật mà tôi sưu tầm để nhường chỗ cho hình ảnh của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, Mẹ Maria và Chúa Giê Su.Ngày 23 tháng 8 năm 1999Sư Huynh Hoàng Phước về Việt Nam để thực hiện những chuyến công tác nhân đạo. Chúng tôi cùng tất cả các anh chị em trong thiền đường ra phi trường Los Angeles đưa tiễn Sư Huynh. Chúng tôi rất tiếc phải tạm xa cách Sư huynh Hoàng Phước vài tháng. Từ lúc được duyên lành tao ngộ cùng Sư Huynh Hoàng Phước, chúng tôi đến thiền đường mỗi đêm để được Sư Huynh trị bệnh và trợ lực cho anh.Sư Huynh Hoàng Phước là một thiền sư có lòng nhân từ vô biên. Ông đã đạt được sự tiến hóa tâm linh rất cao. Ông có thể xuất thần về đến cõi Phật ngay trong kiếp sống hiện tại. Cứ mỗi lần ông tọa thiền, là ông xuất thần về cõi Phật và cõi vô vi. Nhưng đối với ông, ông cho đó là việc bình thường. Vì ông nghĩ, ai ai cũng đều đạt được sự tiến hóa đó nếu hết lòng tu hành theo đường lối Phật dạy. Cũng như Phật Thích Ca đã từng nói: Ta là Phật đã thành và các con là Phật sẽ thành.Ngày xưa, Sư Huynh Hoàng Phuớc đã từng mang bệnh tiểu đường và viêm gan rất nặng nhưng nhờ ông khổ công thiền định rất nhiều mà sau một thời gian, ông hoàn toàn tiêu dịêt được chứng bệnh tiểu đường và viêm gan.Trong những ngày tháng được may mắn gần gũi sư huynh Hoàng Phước, anh rất vui và luôn luôn mong chờ đến tối để đến thiền đường sinh hoạt cùng ông.Cửa đời của anh đã đóng kín từ ngày ấy, để nhường chỗ cho cửa đạo rộng mở đón chờ.Ngày 26 tháng 8 năm 1999Chúng tôi đến thiền đường của chú Lee để bày đèn cúng sao và cầu nguyện xin giải nghiệp cho anh. Trang, Hiếu, chú Lee và tôi cùng nhau hết lòng cầu nguyện cho anh. Tôi quỳ xuống lâm râm khấn vái xin bề trên cứu độ. Tôi xin được phép chết thay anh, nếu anh phải ra đi, tôi xin được thay anh mà đi. Vì thật ra, sau những ngày tháng săn sóc cho anh, đôi khi, trong bóng đêm sâu thẳm, tôi bỗng cảm thấy lo sợ cho những ngày tháng sắp đến, tôi rất chán đời. Không còn gì trên đời này làm tôi muốn sống nữa. Hai đứa con gái của tôi cũng đã lớn, Crystal thì đã ổn định với bố nó rồi và Catherine cũng đã tự lập.- Nếu em có ra đi, thì có lẽ cũng không ai tiếc thương vì em là người vô danh tiểu tốt, không ai biết em là ai. Anh là người nổi tiếng, xã hội đang còn cần anh, anh phải sống cho thính giả, cho bạn bè, các con anh và cho quê hương nữa.Anh rất cảm động về ước nguyện của tôi nhưng khuyên tôi:- Giờ phút này nghe được những lời em thốt ra như vậy anh cảm thấy ấm lòng vô cùng. Anh cảm ơn lòng tốt của em. Nhưng em ơi, nghiệp ai thì người ấy lãnh, em không thể lãnh được nghiệp của anh được đâu. Em phải sống vì còn con em nữa. Em không dễ gì chết được đâu.Tôi nói nửa đùa nửa thật với anh:- Nhưng em muốn anh chôn em chứ em không muốn chôn anh.Anh nhìn tôi cười:- Em khôn quá, nhưng em sẽ không chết trước anh đâu!- Cuộc đời này không có anh thì không còn nghĩa lý gì nữa. Em không thể tưởng tượng nổi là cuộc đời này sẽ vắng Sĩ Phú.Anh yên lặng không nói gì.Ngày 1 tháng 9 năm 1999Thiền đường của chú Lee dọn về thành phố Huntington Beach. Xa hơn chỗ cũ 10 dậm. Từ nhà chúng tôi đi đến phải mất ít nhất 50 phút vì phải trải qua 16 dậm trên xa lộ kẹt xe và gần 10 dậm đường với rất nhiều đèn đỏ. Thế là tôi và anh lại khăn gói một tuần 3 ngày đến thiền đường mới để cùng thiền và cầu nguyện cùng với anh chị em tại đây.Trong thời gian này, anh ở nhà nấu bữa cơm chiều phụ tôi vì nếu không, khi tôi đi làm về thì đã quá trễ không kịp giờ đến thiền đường. Anh muốn dùng bữa cơm tối với tôi vì anh nói ăn trưa có một mình, anh đã không muốn rồi.Tôi học hỏi rất nhiều ở anh trong thời gian này. Anh dạy tôi cách nấu canh theo lối Bắc, làm sao cho nước canh thật trong mà vị lại thật ngọt. Trước đó thì tôi nấu canh theo lối miền Nam ấy mà, là khìa tôm thịt thật vàng nên nước canh hơi vàng!Anh dạy tôi cách nấu đậu hũ với nước tương, hành tỏi và chút nước dừa, và làm sao cho gia vị thấm vào miếng đậu hũ mà nó vẫn còn y nguyên, thật giòn, thật tươi và không bị mềm. Anh dạy tôi nấu phở cho gia vị như thế nào, loại nào, bỏ vào lúc nào, lấy ra lúc nào để cho có vị phở thật sắc, thật thơm? vân vân?Anh dạy tôi nấu canh cà chua với thịt bằm theo lối Bắc?rồi canh cá thìa là chay nữa?Cứ vài ba ngày, anh dạy tôi học ít nhất là một món ăn. Lần lần, tôi cảm thấy tự tin hơn vì nấu ăn khá hơn. Ngược lại, tôi chỉ anh cách nấu cháo gà vì tôi nấu cháo gà rất ngon. Mỗi lần tôi nấu cháo gà cho anh, anh ăn hai tô to một lúc. Anh tò mò hỏi:- Em nấu như thế nào mà ngon quá vậy. Anh ăn cháo thấy rất ngon và thích lắm!- Anh phải rang gạo sơ sơ trước, nếu không rang được thì phải nấu bằng cơm đã chín rồi, cơm nguội hôm qua càng tốt. Ðổ nước kha khá và để cho sôi thật nhiều, hột gạo sẽ nhuyễn ra mà không bị nhão như cháo trắng. Còn nêm nếm thì tùy theo khẩu vị của từng người. Chút đường, chút bột ngọt, chút muối, chút nước mắm. Ðừng bao giờ bỏ nước mắm nhiều vì sẽ làm cho cháo đổi màu và làm nước cháo chua, không ngon.Ngày xưa, tôi chưa từng bao giờ tốn một xu nào cho bột ngọt, vì cứ nghe lời đồn là bột ngọt rất độc, là thế này thế nọ. Nhưng từ khi tôi biết được tin tức từ một anh tiến sĩ hóa học, bạn tôi, thì tôi không còn sợ nữa. Anh này đã từng du học tại Nhật và làm việc cho các hãng bột ngọt tại đây trong một thời khá dài. Anh cho biết là cách làm bột ngọt tại Nhật rất kỹ lưỡng tinh vi. Chất liệu duy nhất để làm bột ngọt là củ cải trắng chứ không có gì khác. Chính anh khuyên chị em và mẹ anh muốn dùng bột ngọt thì cứ dùng, đừng ngại gì hết.Tôi thấy người Nhật sống lâu nhất trên thế giới, không ai bị bệnh chết vì bột ngọt cả. Người Mỹ đa số chết vì bị ung thư và các chứng bệnh nan y khác và số lượng tiêu xài bột ngọt của họ thua xa dân Á Châu. Nếu tôi chỉ ăn chút bột ngọt, có lẽ cũng không sao. Nếu anh kia, khuyên mẹ anh nên dùng bột ngọt mà không sợ, thì có lẽ anh cũng có lý một phần nào đó và có lẽ anh nói đúng hơn chúng ta vì anh đã từng sống ở Nhật và làm việc tại đó. Tôi cứ nương theo nhận xét đó mà sống, và yên tâm đỡ lo.Ngày 15 tháng 9 năm 1999Sư Huynh Hoàng Phước từ Việt Nam gửi sang cho anh một gói thuốc Bắc, mà theo như Sư Huynh nói, thì do chính Sư Huynh điều chế y theo lời dạy bảo của Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát. Anh mừng rỡ vào phòng cầu nguyện, để gói thuốc lên bàn thờ, cảm ơn Mẹ Bồ Tát. Anh ngồi thật lâu trong phòng một mình, đắm chìm trong cơn thiền định?Ngày 20 tháng 9 năm 1999Từ Việt Nam Sư Huynh gửi qua thêm một gói thuốc nữa.Ngày 22 tháng 9 năm 1999Anh vào nhà thương để vào một loại Chemo mới vì theo bác sĩ Spillane, loại cũ không có kết quả gì mỹ mãn cho lắm.Trước khi cho Chemo mới vào, người ta đưa anh qua phòng quang tuyến để chụp hình phổi để lấy đó mà so sánh kết quả sau này. Lúc trở về phòng vô Chemo, tôi nhìn thấy một cô gái rất trẻ và rất xinh đang nằm trên giường số 1 nói chuyện với một cô y tá. Phòng vào Chemo này rộng rãi có thể chứa khoảng 12 cái giường, anh nằm ở giường số 7. Ða số những bệnh nhân đến đây là để vào chemo vì họ là những bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên thỉnh thoảng, họ cũng có nhận một vài bệnh nhân để vào nước biển. Tôi lâm râm khấn vái trong lòng:- Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát, con mong mỏi rằng cô gái này vào đây để vào nước biển chứ không phải vào Chemo vì ung thư. Mẹ ơi cô còn quá trẻ để bị ung thư. Xin Mẹ ban ơn lành, phù hộ cho cô ấy.Sau khi cô y tá lo xong cho anh, tôi tò mò hỏi cô:- Tôi hy vọng rằng cô gái ấy đang vô nước biển vì tôi thấy cô rất trẻ để bị ung thư. Cô ấy rất xinh.- Thật đáng tiếc, cô ấy đang vô Chemo đó cô à!Tôi lặng người. Thịt da tôi nổi da gà. Tôi nghe máu tôi chạy rần trong cơ thể.Cô y tá nói tiếp:- Cô gái ấy bị ung thư gan rất nặng. Cô ấy cũng là người Việt Nam như cô đó.Tôi giựt nẩy người và ngạc nhiên hỏi cô:- Thật vậy không cô? Tôi tưởng cô ấy là người Nhật hay Tàu chứ không ngờ là Việt Nam.Vừa lúc ấy, một người đàn bà Việt Nam và một cậu con trai bước vào phòng và đến bên giường bệnh của cô gái trẻ. Nét mặt tràn đầy đau khổ hiện rõ trên gương mặt thất thần của người đàn bà này.Người ấy nói chuyện thì thầm vuốt ve cô con gái, rồi day qua nhìn tôi, đôi mắt như van lơn, như tìm một nơi an ủi, môi bà mấp máy muốn nói gì đó, nhưng lại thôi. Nét đau thương tuyệt vọng và bất lực hằn trên gương mặt của bà vẫn còn in mãi trong trí tôi.Tôi hiểu ý, lên tiếng:- Thưa bà, cô là con của bà?- Vâng thưa chị, cháu là con của tôi. Cháu bị ung thư gan rất nặng.- Trời ơi, tôi nghe qua mà đau đớn trong lòng. Cháu còn trẻ quá. Cháu bao nhiêu tuổi thưa bà?- Thưa, cháu vừa 21 tuổi.Tôi đau khổ chắc lưỡi:- Hồi nãy khi mới gặp mặt cô ấy, thấy cô còn quá trẻ, tôi đã thầm cầu nguyện, mong rằng cô ấy không bị ung thư. Tội nghiệp quá, con gái của bà rất xinh đẹp.Rồi như nước vỡ bờ, người mẹ cho tôi biết cô tên là Phạm Kim Ngân, cách vài tháng trước đó cô rất bình thường như bao nhiêu thiếu nữ mới lớn lên, bỗng một ngày cô kêu đau trong bụng, gia đình chở vào nhà thương thì mới hay cô bị ung thư gan rất nặng. Bác sĩ đã giải phẫu, cắt đi gần hết lá gan của cô. Nhưng sau đó, tuyến bào ung thư lan tràn đi rất nhanh qua các bộ phận khác trong người cô. Cơ thể cô rất yếu vì không ăn uống được, ăn gì vào là nôn ói ra liền.Sau khi biết được tuổi của người mẹ, chúng tôi bắt đầu thay đổi cách xưng hô. Tôi xin số điện thoại của chị Thành, mẹ của cô Ngân, để khi có dịp tôi sẽ gọi để an ủi chị vì hơn ai hết, tôi biết rõ tâm trạng của chị lúc ấy đau khổ biết là chừng nào.Sau khi Kim Ngân được mẹ và em trai dìu ra về, tôi ngồi bên anh, nắm tay anh thật lâu không nói nên lời vì cả hai chúng tôi đều xúc động vô ngần.Tôi đưa tay còn lại luồn vào chân anh xoa xoa, mắt tôi cay cay. Chung quanh tôi mọi vật mờ hẳn đi.Tối hôm đó, trong nỗi xúc động vô ngần, tôi cầu nguyện rất nhiều cho Phạm Kim Ngân, người con gái trẻ đẹp thơ ngây vừa mới lớn lên đã vội vướng phải một căn bệnh tàn ác.- Ung thư ơi, mi tàn nhẫn lắm, mi không tha một ai!Sáng sớm hôm sau, tôi gọi Sư Huynh Hoàng Phước, nói về Kim Ngân và xin ông tìm thuốc trị ung thư gan giùm tôi. Ông nói thuốc Bắc trị ung thư gan bên Việt Nam rất dễ tìm. Lập tức sau đó ông gửi qua cho tôi theo đường bưu điện một hộp thuốc cho Kim Ngân với lời chỉ dẫn rành rẽ.Ngày 29 tháng 9 năm 1999Anh vào nhà thương để vào Chemo loại mới lần thứ hai.Lần này, họ phải thay phiên nhau và tốn hơn 3 tiếng đồng hồ mới luồn được cây kim vào gân máu của anh. Ấy là vì chất Chemo vào người anh mấy tháng nay đã làm cho các gân máu của anh chìm xuống hết. Họ đặt kim hết chỗ này rồi tới chỗ kia nhưng vẫn không tìm được sợi gân máu để cho kim vào được. Sau cùng một người y tá ở khu khác được mời đến. Cô tìm được một gân máu để cho kim dẫn chất Chemo vào. Anh thở phào nhẹ nhõm và nhìn xuống cánh tay của mình bị bầm tím vì la liệt các vết kim đâm.Tôi lấy một cái khăn sạch đem theo, phủ lên cánh tay anh, và xoa nhẹ cho anh bớt đau.Cũng vì việc tìm mạch máu ở cánh tay và chân quá khó khăn như vậy, nên bác sĩ của anh đã sắp xếp cho anh vào bệnh viện trong tháng Mười để gắn một dụng cụ vào ngực anh để mỗi lần vào Chemo hay nước biển, người ta sẽ không tốn hai ba tiếng đồng hồ để tìm mạch máu, mà thay vào đó họ chỉ cần đâm kim vào làn da bao phủ dụng cụ đó, bên dưới làn da là dụng cụ để dẫn chất thuốc vào cơ thể. Trung tuần tháng 9 năm 1999, mọi người trong thiền đường nhao nhao tổ chức một cuộc hành hương về Việt Nam một hay hai tháng và cũng để thăm Sư Huynh Hoàng Phước. Tôi không để ý đến chuyến đi này cho lắm vì tôi không nghĩ rằng tôi sẽ bỏ anh mà đi. Cho nên khi ai nấy xôn xao chuẩn bị giấy thông hành và mua vé về Việt Nam, tôi và anh vẫn bình thường. Mãi về sau có người khuyên là tôi nên đi, và anh cũng khuyên tôi nên đi vì vé máy bay hãng Japan Airlines bán vé khứ hồi chỉ có 550 đô la và đã hơn 24 năm từ ngày bỏ nước ra đi, tôi chưa từng trở về Việt Nam. Tôi từ chối:- Nhưng em không thể bỏ anh lại một mình được. Không thể nào được. Em không yên tâm đâu!- Nhưng em không đi một tháng lâu như mọi người, em đi chỉ hai tuần thôi. Anh chắc cũng không sao đâu em ạ. Vả lại, hai mươi mấy năm trời em chưa từng về Việt Nam một lần, lần này nếu có về cũng chỉ là đi hành hương mà thôi, chứ không phải là để về rong chơi thụ hưởng, em đừng mặc cảm nhé!Vì thấy anh thật tình muốn tôi đi, tôi liền gọi Ngọc Dung, chủ nhân một cơ sở bán vé du lịch uy tín nhất ở quận Cam. Cô là người đang lo vé máy bay và giấy tờ cho thiền đường của tôi. Tôi nhờ cô dành cho tôi một vé về Việt Nam cùng một luợt với các đồng môn của tôi, nhưng cho cô biết rằng tôi chỉ muốn đi về Việt Nam một tuần lễ mà thôi.Hai ngày sau, Ngọc Dung gọi cho tôi cho biết rằng vé máy bay của tôi đã xong, tôi đã có một chỗ ngồi chắc chắn. Mặc dù trước đó, theo Ngọc Dung cho biết, có rất nhiều trở ngại đặt vé cho các đồng môn của tôi, nhưng đến khi cho tôi, thì mọi việc được suông sẻ không ngờ. Cô bảo có lẽ bề trên gia hộ nên đến phiên tôi thì rất dễ dàng. Ngọc Dung hẹn sẽ lại nhà tôi để đưa vé và làm giấy tờ ngày hôm sau.Nhưng tôi thấy anh có vẻ buồn, ít nói và yếu đi. Mùa Thu này anh sẽ bị cô đơn và vắng tôi những 7 ngày. Tôi đi không đành. Tôi không thể nào bỏ anh một mình mà ra đi được. Vì vậy, buổi sáng hôm sau tôi liên lạc với Ngọc Dung:- Chị xin lỗi phải hủy bỏ chuyến đi này. Chị không thể đi được vì anh Phú rất cần chị. Ngọc Dung không cần phải đến nhà chị để làm giấy tờ nữa.Ngọc Dung rất thông cảm, cô rất vui lòng hủy bỏ chuyến đi này cho tôi. Nhưng, một cái gì đó thúc đẩy, cô muốn gặp tôi một lần tại nhà tôi. Ngọc Dung tâm sự với tôi:- Em nghe giọng nói của chị trong điện thoại, em bỗng cảm thấy thích giọng nói của chị lắm. Em muốn biết chị là ai mà có giọng nói hiền như vậy. Em nhất định phải gặp chị một lần mới được.Tôi ân cần mời Ngọc Dung đến nhà. Cô vui vẻ cho tôi biết cô sẽ đến nhà tôi ngày hôm sau.Ngày 1 tháng Mười năm 1999Bảy giờ tối, Ngọc Dung đến. Tôi ra ngoài đường đón chờ. Xe của Ngọc Dung vừa trờ tới, tôi đã đứng ngay cửa xe tự bao giờ. Cô nhìn tôi trân trối thốt lên:- Chị trẻ quá, em không ngờ chị trẻ như vậy!Lúc ấy tôi ăn mặc rất giản dị, một cái áo thun trắng và cái quần trắng mà tôi vừa mới mua chỉ có vài đô la ở khu thương xá Phuớc Lộc Thọ.Ngọc Dung là một cô gái rất trẻ, nét mặt thanh tú và giọng nói rất trong sáng. Gặp cô là chúng tôi có cảm tình liền. Tôi giới thiệu Ngọc Dung với anh Sĩ Phú. Cô không ngờ Sĩ Phú là người bằng xương bằng thịt đang đứng trước mặt cô, rất hồng hào, trông khỏe mạnh, cao lớn, đẹp trai không có vẻ gì bệnh hoạn cả.Cô vui mừng vô cùng, sung sướng nói huyên thuyên với anh Sĩ Phú:- Anh là thần tượng của gia đình em. Bố em ngày xưa rất thích anh. Bố em chỉ thích nghe một mình anh hát mà thôi.Bố em nói rằng anh mới chính là ca sĩ?vì cách anh hát rất phong độ và tiếng hát rất rõ ràng?.Vì thấy bố em thích anh quá, tụi em mới tò mò muốn biết anh là ai, cho nên hồi nhỏ, có lần tụi em lén lấy nhạc của bố để nghe rồi mê giọng ca anh luôn...Lúc còn nhỏ em mơ ước khi lớn lên, em sẽ đi tìm anh?Không ngờ bây giờ anh đang ở trước mặt em?Anh cố giấu xúc động, ngồi im lắng nghe Ngọc Dung nói.- Em có một ông anh rất thích anh Sĩ Phú. Anh ấy trông giống anh Phú lắm đó, anh ấy cũng cao lớn như anh, có một hàm râu như anh, và anh ấy có giọng hát rất giống Sĩ Phú.Ngọc Dung nhất quyết là ông anh bác sĩ này ngoài tiếng hát có rất nhiều âm hưởng của Sĩ Phú mà sắc vóc diện mạo lại trông giống Sĩ Phú nữa. Anh ấy luôn yêu quý tiếng hát của Sĩ Phú và thường hay hát những bản nhạc Sĩ Phú đã từng hát.Chúng tôi ngỡ ngàng, không ngờ ở đời lại có chuyện lạ lùng như vậy.Lần lần, câu chuyện đời đổi sang về tâm linh. Chúng tôi mới biết rằng Ngọc Dung là một người con gái có một tấm lòng rất thanh sạch, trong sáng và nhân từ. Suốt cuộc đời, đi làm những công việc từ thiện, và giúp người là niềm vui của cô. Cô rất am tường về đời sống tâm linh và có những nhận xét về tôn giáo rất sâu xa cho nên cô rất thận trọng đi tìm cho cô một lối đi tâm linh cho thích hợp. Ở cái tuổi ba mươi của cô, đa số những cô gái đồng lứa tuổi hãy còn đang ham chơi và đua đòi nhưng Ngọc Dung là một hiện tượng lạ, cô và đứa con gái nhỏ đã ăn chay trường và sống một cuộc đời rất giản dị, đơn sơ. Ðời sống vật chất đối với cô không là quan trọng. Cô chia sẻ rất nhiều những gì cô có để giúp những kẻ khốn khó. Cô là một mẫu người trong sáng cho những người trẻ cùng lứa tuổi.Sinh ra bên Nhật trong một gia đình quyền quý thượng lưu, cha cô đã từng là một vị Thẩm Phán và nhân vật ngoại giao cao cấp của Việt Nam, gia đình dòng họ có nhiều người là bác sĩ. Nhờ giáo dục gia đình chặt chẽ, nên cô đã hấp thụ những tinh hoa trong sáng của gia đình từ những ngày còn thơ.Tôi rất mến Ngọc Dung vì khi tiếp chuyện với cô, tôi thấy lối sống và tư tưởng của cô rất phù hợp với chúng tôi. Dù tuổi tác có cách biệt đôi chút nhưng chúng tôi có cùng một tần số nên sự cảm thông đến rất dễ dàng.Ngọc Dung lập lại lời khen tặng:- Anh chị là một cặp vợ chồng hiếm có trên thế gian này. Em nghĩ là em sẽ không bao giờ tìm ra một gia đình nào khác trên đời này như anh với chị. Em không ngờ?chị và anh Phú perfect together?Ngọc Dung đề nghị là sẽ thỉnh thoảng đến nhà tôi để đưa anh ra biển chơi cho thoáng khí và tốt cho phổi anh. Tôi vui mừng vô cùng, vì nếu được như vậy thì anh sẽ không nằm nhà suốt ngày và buồn chán. Nhưng anh nói:- Anh cảm ơn Ngọc Dung vô cùng, nhưng anh không muốn đi. Anh không muốn làm phiền Ngọc Dung. Nhưng khi nào anh và em đi chơi, mình nên rủ Ngọc Dung đi cùng.Chúng tôi và Ngọc Dung trở thành bạn thân và gặp nhau rất thường để tâm sự và an ủi lẫn nhau. Anh Sĩ Phú rất thương và xem Ngọc Dung như một đứa em gái thân yêu của mình.Một ngày buồn mênh mang cuối tháng 7 năm 2000, sau khi anh đã vĩnh viễn ra đi, tôi gọi điện thoại cho Ngọc Dung ở nhà để tâm sự, tôi bỗng giật mình hoảng hốt, vì bên kia đầu giây, một người đàn ông có giọng nói y hệt như Sĩ Phú trả lời điện thoại. Ðó là ông anh bác sĩ và kiêm ca sĩ tại gia mà Ngọc Dung đã khoe giống Sĩ Phú đêm nào!!Ngày 14 tháng Mười năm 1999Tôi chở anh vào bệnh viện để bác sĩ gắn một bộ phận nhỏ vào ngực anh để giúp việc vô nước biển hay Chemo dễ dàng hơn. Bộ phận này họ gọi nôm na là Port-a-Cath.Sau khi bác sĩ gắn vào rồi, họ liền cho Chemo vào người anh theo lối Port-a-Cath một cách rất dễ dàng, cánh tay anh sẽ không còn bị bầm dập nữa vì các mũi kim chích.Ðem anh về nhà, tôi nhận được một hộp thuốc trắng ngà như bột của sư huynh Hoàng Phước gửi từ Việt Nam qua và ông có kèm một lá thư cho tôi. Tôi vội bóc lá thư ra xem. Ông gửi thuốc này cho Kim Ngân, người con gái trẻ, với lời chỉ dẫn cách dùng thuốc. Thuốc này khi dùng phải trộn với mật ong rừng. Tôi lập tức gọi chị Thành, mẹ của Kim Ngân, và cho chị biết là tôi sẽ đến nhà chị để thăm Kim Ngân trong ngày hôm đó.- Anh ơi, anh ở nhà cầu nguyện nhé, em đem thuốc cho Kim Ngân.- Em nhớ lái xe cẩn thận! Anh sẽ cầu nguyện cho Kim Ngân.Tối hôm đó, tôi chạy ra chợ để kiếm mật ong rừng cho thuốc của Kim Ngân. Tìm mãi ở chợ Mỹ mới thấy một chai mật ong rừng vì ngày thường có bao giờ tôi để ý đến mật ong rừng đâu.Tôi vội lái xe đến nhà Kim Ngân cách khu Little Saigon không xa lắm.Tội nghiệp Kim Ngân, cô rất yếu đuối, rất mỏng manh. Chị Thành cho tôi biết là cơ thể của cô gái không chịu bất cứ một loại thuốc nào, thuốc vừa uống vào là bị nôn ra liền. Chị lo ngại gói thuốc này sẽ không là ngoại lệ.Tôi không biết phải làm gì nữa, tôi xin phép chị và Kim Ngân cho tôi ôm cô vào lòng một lần và cầu nguyện cho cô trong vòng tay của tôi. Tôi khuyên chị nên ráng giúp Kim Ngân uống thuốc, may ra cô chịu loại thuốc này.Ðó là lần thứ hai tôi đến nhà chị Thành.Ngày 22 tháng 10 năm 1999Năm ngày trước khi các đạo hữu ở thiền đường bắt đầu cuộc hành hương về Việt Nam, chúng tôi có tham dự một đêm cầu nguyện và chữa bệnh theo niềm tin vào Ðấng Toàn Năng. Ðêm cầu nguyện này đã được tổ chức rất long trọng tại Anaheim Convention Center do Hội Công Giáo Hoa Kỳ tổ chức. Khoảng trên 10,000 người đã đến tham dự đêm này để cầu nguyện và người bệnh thì mong được Chúa chữa khỏi bệnh.Tôi sửa soạn cho anh chỉnh tề rồi cùng các bạn đến nơi. Vì đến trễ, nên chúng tôi phải ngồi mãi tận trên cao. Khoảng một tiếng đồng hồ sau khi vào buổi lễ, anh cảm thấy khó chịu, và rồi anh bị nghẹt thở và buộc phải ngồi xuống trong lúc tất cả mọi người đang đứng lên để cầu nguyện theo nghi thức Công Giáo. Tôi hốt hoảng không biết phải làm thế nào, vội nói với các bạn để trợ lực cho anh. May mắn thay, ngồi sát anh bên tay phải là một người Mỹ. Vừa thấy hoàn cảnh của anh như vậy, ông ta liền lập tức đưa hai tay ra ôm lấy anh, ông để bàn tay mặt của ông vào ngực anh và lâm râm cúi đầu cầu nguyện khoảng 5 phút. Lạ thay anh hoàn toàn tỉnh táo bình phục và thở bình thường trở lại. Chúng tôi mừng rỡ cảm ơn người Mỹ này rối rít. Ông mỉm cười rất nhân hậu, đáp lại:- Xin ông bà hãy cám ơn Thượng Ðế vì tôi đã thừa lệnh của Ngài để giúp cho ông đây thôi. Không hiểu sao, tôi nghe được tiếng Ngài bảo là phải đi tìm ông và ngồi cạnh ông.Lúc vào chúng tôi không ngồi ở cái ghế bìa mặc dù ghế còn trống, mà anh lại chừa ghế bìa và chọn cái ghế kế bên trong. Thuờng thì chúng tôi hay ngồi ghế bìa cạnh đường đi cho dễ ra vào. Khi ấy tôi thấy một người Mỹ cứ đi xuống đi lên như tìm ai. Ông ta nhìn tôi, tôi nhìn ông ta, rồi ông từ từ gỡ nón xuống và chọn cái ghế đó. Tất cả mọi sự việc hôm ấy, có thể chỉ là một sự tình cờ mà thôi. Nhưng đối với chúng tôi quả là một phép lạ, vì có thể chúng tôi ngồi gần một người bình thường không giúp gì được cho anh và anh Sĩ Phú sẽ bị ngộp thở mà chết trước khi xe cứu thương đến. Sĩ Phú nói với tôi:- Khi người Mỹ ấy đặt bàn tay vào ngực anh và cầu nguyện, anh cảm thấy hơi nóng từ bàn tay truyền vào người anh và một cảm giác dễ chịu liền lấp tức. Sau khi ông chấm dứt cầu nguyện thì anh cảm thấy trở lại bình thường. Rõ ràng là một sự sắp đặt cho anh. Cảm ơn Thượng Ðế đã sai vị Sứ Giả đó đến cứu anh.Người đàn ông Mỹ có gương mặt thật phúc hậu ấy sau đó biến mất chúng tôi không thể nào tìm lại được ông để nói thêm lời cảm tạ.Bây giờ nhìn lại, quả tình chúng tôi thiếu kinh nghiệm săn sóc người bệnh phổi. Nói một cách tổng quát, mười ngàn người, mười ngàn hơi thở tiết ra trong một gian phòng, dù phòng rộng lớn và có máy thật lạnh đi nữa, nhưng khi ngồi trên cao thì anh vô tình hít thở rất nhiều hơi người bốc lên từ phía dưới, bảo sao anh không bị bệnh.Tôi về nhà mà hối hận vô cùng. Một kinh nghiệm đau thương nữa mà tôi phải học.Ngày 27 tháng 10 năm 1999Chúng tôi ra phi trường Los Angeles để tiễn đưa các bạn về Việt Nam. Tất cả độ khoảng 30 người trước sau tề tựu đông đủ để chuẩn bị một cuộc hành trình về quê hương. Mọi người xem ai cũng có vẻ thương xót chúng tôi vì bệnh hoạn mà không đi được. Nhưng chúng tôi thì cảm thấy sung sướng bình an ở lại mà không một chút tiếc nuối.Từ giã mọi người, chúng tôi ra về lòng cảm thấy cô đơn vì ít nhất là trên một tháng, chúng tôi phải tạm ngừng đến thiền đường sinh hoạt mà chỉ ở nhà cầu nguyện và tu thiền mà thôi.Nhưng quả là bề trên đã ban phước lành cho chúng tôi. Trong thời gian xa vắng thiền đường, chúng tôi đã tìm được rất nhiều sự an ủi khác từ cõi vô vi. Hàng ngày sau khi cơm nước xong xuôi, tôi và anh ngồi thiền và cầu nguyện. Những lúc ấy, chúng tôi thấy lòng bình thản và an lạc vô ngần. Chúng tôi yêu quý từng giây từng phút ấy. Chúng tôi quấn quít bên nhau, an ủi nhau, tâm sự, hàn huyên và anh được nghỉ ngơi rất nhiều. Cuộc sống dù đơn giản, ngày hai bữa, chúng tôi dùng cơm bằng đậu hũ và các món chay đơn sơ khác. Nhưng bù lại, chúng tôi tìm được sự bình yên và an lạc trong tâm hồn. Có lẽ đó là những ngày sung sướng và hạnh phúc nhất của chúng tôi từ ngày anh lâm bệnh.Ngày 3 tháng 11 năm 1999Anh cảm thấy trong người rất khỏe. Anh ra ngoài sân cắt cỏ. Khi tôi đi làm về anh khoe:- Hôm nay anh cảm thấy rất khỏe. Anh ra ngoài cắt cỏ rồi đó em!- Ồ vậy hở anh? Em cảm ơn anh rất nhiều. Nhưng anh phải giữ sức chứ, đừng ỷ lại nhé! Em không muốn thấy anh bị bệnh nặng hơn đâu!- Em đừng lo, anh liệu sức, làm được thì anh mới làm.Ngày 4 tháng 11 năm 1999Anh vào bệnh viện để thử máu và vô Chemo.Ngày 9 tháng 12 năm 1999Thiền Ðường của chú Lee lần lượt kẻ trước người sau trở về lại Hoa Kỳ đầy đủ. Chúng tôi được mời đến để dự một buổi thiền tái hợp. Chúng tôi rất vui mừng gặp lại các bạn hữu sau hơn một tháng trời xa cách.Nhưng, sum hợp nào rồi thì cũng có lúc phải chia tay. Chú Lee cho biết, bài học vô vi chúng tôi đã học xong và đã chấm dứt. Thiền đường từ đó về sau không còn sinh hoạt bình thường nữa. Mạnh ai về nhà nấy tự tu, lâu lâu gặp nhau một lần để trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thiền định mà thôi. Chúng tôi chia tay với một sự luyến tiếc vô ngần. Anh rất buồn vì phải xa các đạo hữu. Anh rất cần sự hỗ trợ của tất cả mọi người. Một người bệnh nặng như anh rất cần sự tương ái và hỗ trợ về tinh thần để anh biết rằng mình không chiến đấu lẻ loi, và bên cạnh anh, những bạn bè thân yêu đang mở rộng vòng tay ấp ủ anh.