Tuần trăng mật Bình Than ấy đã đem lại niềm vui cho cả triều đình. Hoàng hậu Thánh Ngẫu mang thai. Lúc bà lâm bồn, Nghệ Hoàng đang ốm nặng. Khi được tin sinh thái tử An. Ông vua già nhẹ hẳn bệnh, tự ngồi dậy được. Ông sai khênh kiệu đưa ông đến thái miếu, để thắp hương lễ tạ tổ tiên. Ông nói với Thuận Tôn:- Trời còn phù hộ nhà Trần. Thằng An bây giờ vừa là cháu ta, vừa là cháu Thái sư. Ta có thể yên tâm nhắm mắt được rồi.Còn Thuận Tôn biết Thánh Ngẫu mang thai. Ông thấy lòng mình thanh thản, như đã trả được món nợ cho hoàng triều, cho dòng họ Trần. Nhưng từ khi ở Bình Than về, lòng ông luôn băn khoăn; có nhiều điều ông không tài nào giải thích được. Tại sao Thanh Hư chân nhân lại đột nhiên bỏ nơi tu hành, trốn vào rừng sâu mất tích. Cả câu thơ “Tro lạnh dù tàn đốm lửa. Xin đừng ủ trấu nhen rơm” nghĩa là thế nào? Ông buồn rầu hỏi con vượn trắng. Nhưng con vật chỉ thẫn thờ nhìn về phương trời xa tít.Đức vua càng nghĩ càng thấy như hũ nút. Dần dần, Thuận Tôn trở nên tư lự. Triều thần lo lắng. sợ bệnh mê cuồng của nhà vua lại tái phát. Nguyễn Cẩn nói với Thái sư:- Tại sao không để đức vua đi du ngoạn những nơi phong cảnh đẹp, những nơi non nước hữu tình? Tiểu thần thấy chí ngài ưa những nơi am thanh cảnh vắng.Thái sư Quý Ly bèn khéo léo dò hỏi ý kiến, đức vua ưng thuận ngay. Từ đó, Thuận Tôn đi hết những danh sơn. Tìm đến núi Na ở Thanh Hoá, vì nghe nói ở đó có bậc chân nhân đã đắc đạo trong một am cỏ. Tìm đến Bạch Vân Sơn, bái yết tượng An Kỳ Sinh nằm trong mây trắng. Tìm đến cửa Thần Phù để dò hỏi dấu vết những vị tiên ngoài hải đảo. Ông không nói ra, nhưng chắc trong thâm tâm, ông muốn đi tìm Thanh Hư chân nhân, con người ông kính trọng ngay từ buổi gặp ban đầu. Nguyễn Cẩn tâu với nhà vua:- Ở Bạch Hạc có quán Thông Thánh được xây dựng từ mấy trăm năm, nghe nói từ đời nhà Đường. Nghe nói hiện nay có bậc châu nhân tu ở đấy. Sao bệ hạ chẳng lên xem sao?Thuận Tôn nghe lời, ngược dòng sông Nhĩ Hà đến nơi, quả nhiên quán Thông Thánh là nơi linh thiêng. Quán nằm trên đồi cao, nhìn ra dòng sông Lô hùng vĩ. Bậc chân nhân tu ở đó là đạo sĩ Nguyễn Khánh râu tóc bạc phơ, rõ ràng là bậc tiên phong đạo cốt. Nói chuyện, thấy Khánh tỏ ra thông hiểu lẽ huyền. Nhà vua ở quán ít lâu, lòng quyến luyến không nỡ rời chân.Những đêm trăng, chân nhân và nhà vua, ngồi dưới rừng thông, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy dưới chân, bàn về đạo. Nguyễn Khánh giảng giải cho vua nghe:- Tâu bệ hạ, đạo Hoàng Lão đã xâm nhập nước ta khoảng hơn một nghìn năm rồi. Nghe nói từ thời thuộc Hán.- Vậy là đạo Thần Tiên đã sang nước ta cùng thời với đạo Phật.- Muôn tâu, đúng như vậy. Đạo Phật nước ta đã có nhiều cao tăng; còn đạo Thần Tiên ở nước ta cũng có những bậc đắc đạo không kém.- Mong chân nhân hãy nói tỏ tường cho ta nghe, để mở rộng thêm tầm mắt.Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Nhạc Thần Công dòng dõi Nhạc Nghị đã học đạo Hoàng Đế - Lão Tử. Bậc chân nhân đắc đạo dậy ông chính là Hà Thượng Trượng Nhân, bậc chân nhân nổi tiếng thời cổ. Hà Thượng Trượng Nhân dậy Yên Kỳ Sinh. Yên Kỳ Sinh dạy Mao Hấp Công. Mao Hấp Công dậy Nhạc Hà Công. Nhạc Hà Công dạy Nhạc Thần Công... Chính Yên Kỳ Sinh thời nhà Hán đã sang nước Nam ta làm lò luyện đan trên núi Yên Tử. Lúc đó chưa có bằng cớ gì để nói đạo Phật đã thịnh hành ở Đại Việt. Về sau đến thời Trần đạo Phật mới dấy mạnh lên nhất là thời đức Trần Nhân Tôn. Vậy, theo sử sách, đạo Thần Tiên còn đến nước ta trước cả đạo Phật.- Hoá ra vậy - ông vua trẻ tần ngần, thở dài.Đạo sĩ Nguyễn Khánh đã đoán ra tám chín phần tâm sự của nhà vua. Ông ta lựa lời:- Cớ sao bệ hạ lại thở dài?- Ta thở dài, vì tài hèn chí đoản, không theo gót được tổ tiên.- Bệ hạ là người có căn cốt... Can chi phải nghĩ ngợi nhiều cho thêm hao tổn tinh thần. thần nghĩ có dăm bảy đường nối chí người xưa...- Thế nào gọi là dăm bảy đường?- Lập nên chiến công hiển hách rạng rỡ núi sông là nối chí người xưa... Văn đức rạng ngời, làm đất nước ngày càng văn hiến cũng là nối chí người xưa...- Nhưng riêng ta... có làm được những điều khanh vừa nói đâu...- Thần nghĩ vẫn còn một cách khác để nối chí tổ tiên... Thần trộm nghĩ, nay việc nước bệ hạ đã có thái sư quốc trượng tài kiêm văn võ đêm ngày phò tá, lo toan hết những đại sự thay cho bệ hạ. Nhà vua chỉ còn việc rủ tay áo, ngồi trên ngai vàng an hưởng thái bình. Tại sao bệ hạ lại chẳng biết tận đụng cái thời gian quý báu ấy.- Tận dụng ra sao?- Có một cách nối chí người xưa, nếu bệ hạ làm được. chắc chắn sẽ làm rạng rỡ cho vương triều nhiều lắm. Đó là việc gì?- Về việc mở tông khai phái, đức Trần Nhân Tôn đã khai lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cụ trở thành vị bồ tát, đệ nhất tổ. Công đức ấy to lớn lắm. Vậy tại sao bệ hạ vốn là người tướng mạo uy nghi, càn cốt thần tiên thanh tịnh, lại không khai sáng ra một tông phái đạo Thần Tiên. Các bậc tiền nhân khai tông lập phái cho đạo Phật. Còn bệ hạ thì khai tông lập phái cho đạo Hoàng Lão. Thiết tưởng việc đó cũng vẻ vang và tạo nhiều ân đức cho trăm họ lắm.Gương mặt Thuận Tôn cứ theo lời nói của đạo sĩ mà tươi dần lên. Nguyễn Khánh củng cố thêm quyết tâm cho vua:- Đạo Phật ngày nay đang suy. Còn đạo Hoàng Lão tuy có mặt ở nước ta đã ngót ngàn năm nhưng chưa có lúc nào cực thịnh. Thế lực vẫn còn nhỏ bé. Đây là cơ hội để bệ hạ thi ân. ý chỉ của đạo huyền chỉ còn chờ bệ hạ ra tay, ngõ hầu cái ánh sáng của Đạo mới tưới trải được đều khắp các hang cùng ngõ hẻm.Điều lạ lùng, dù ông đạo sĩ Bạch Hạc uyên bác đến thế, đác đạo đến thế, nhưng riêng con vượn trắng lại rất ghét ông. Mới trông thấy mặt đạo sĩ ở xa, con vật đã kêu la ồn ĩ, nhảy nhót loạn xạ, gãi đầu gãi tai, tỏ vẻ tức giận. Thuận Tôn phải cho nó ở ngoài rừng thông, và chiều chiều ra thăm nó. Nhà vua vỗ về nói riêng với nó: Bạch Viên ơi! Ngươi cũng là kẻ tu hành. Cớ sao lại tức giận như vậy? Cái gì đã làm ngươi tức giận? Hay là ngươi ghen ghét, ngươi nhớ chủ ngươi, nhớ Thanh Hư chân nhân và không muốn ta học đạo với người khác. Thôi, ta xin ngươi... Hãy mở lòng...Con vượn buồn rầu lặng lẽ. Nó không biết thổ lộ những ý nghĩ của nó bằng cách nào...Thuận Tôn nghe lời đạo sĩ Nguyễn Khánh, ở lại quán Thông Thánh ít lâu để đạo sĩ trực truyền cho cách tĩnh tu, học phép trường sinh cửu thị.Được ba tháng, đạo sĩ Bạch Hạc hỏi:- Bệ hạ thấy ra sao?- Bây giờ tai ta đã thấy dửng dưng với đàn ngọt, mắt ta đã hững hờ với sắc đẹp. Của ngon vật lạ ta nếm cũng chẳng khác chi cơm hẩm tương cà.- Còn trong lòng thì sao?- Đạo sĩ hỏi ý ta về lẽ hưng vong ư? thị phi ư?- Hưng vong thì sao?- Một chữ đồng Ta đã nhìn thấy phía sau cái sự mất còn.- Bệ hạ nghĩ gì về lẽ ở - về? Về thôi! Về thôi! Ta đành về thôi! Ta về với Thiên quân.Đạo sĩ Bạch Hạc hớn hở:- Bệ hạ thật sáng láng phi thường. Cái mà bệ hạ đạt được sau một tháng, thì kẻ phàm phu phải mất hàng đời. Ngay cả như bần đạo cũng phải mất vài năm. Thời kỳ đầu này vô cùng khó khăn vì ta đang sống trong cõi tục, nó vốn đậm đà, nay phút chốc phải thay đổi chuyển ngược lại, làm sao cho lòng lạt lẽo... Điều đó trong đạo gọi là tâm trai, một điều vô cùng quan trọng cho bậc chân tu, mà cũng rất khó đạt...- Ước gì ta được như thầy Liệt Ngự Khấu hoà đồng vào cùng trời đất...- Khi lòng lạt lẽo thì tâm sẽ hư không. Hư không thì sẽ hoà đồng vạn vật. Ta là gỗ đá, mà gỗ đá cũng là ta. Ta là gió mây, mà gió mây cũng là ta. Lúc ấy còn lo gì thân ta chẳng như chiếc lông hồng... còn khó gì cái chuyện đi mây về gió...Phải nói, vua Thuận Tôn dần dần như mê man đi lao đầu vào việc thấu hiểu Đạo. Cho đến lúc thượng hoàng Nghệ Tôn ốm nặng, nhà vua mới đành lòng rời bỏ quán Thông Thánh trở về kinh đô. Thái thượng hoàng nằm trên giường bệnh cầm tay con trai hỏi:- Con nhất định theo đạo ư? Ông vua con cúi đầu nức nở.- Con nhất định rời ngôi cửu ngũ, từ bỏ cơ nghiệp của nhà Trần chúng ta ư? Thái Thượng hoàng nói xong quay mặt vào tường. Nước mắt ông ứa chẩy, ứa chảy cho đến lúc không còn giọt nước nào để mà khóc. Từ lúc đó người không nói một lời nào nữa. Cũng từ lúc đó người đòi cởi bỏ bộ quần áo triều phục thêu rồng nặng tới vài cân, và chỉ mặc bộ quần áo lụa vàng nhẹ tênh. Người ta bảo lúc hoàng hậu Thánh Ngẫu mang thái tử An vào tiễn biệt đức thượng hoàng, ông già chỉ giơ tay xoa đầu cháu, và lần này ông lại khóc nhưng chỉ ra được hai giọt nước mắt đỏ như máu.Khi thượng hoàng băng hà. Ông vua trẻ Thuận Tôn hầu như trao toàn bộ việc triều chút vào tay thái sư Quý Ly, để có thì giờ chuyên tâm vào việc tu đạo. Đạo sĩ Bạch Hạc tâu với nhà vua:- Ở quán Thông Thánh có cung Thái Thanh có quả chuông quý. Quán Thông Thánh cung Thái Thanh dựng được nhờ Chiêu Văn Vuông Trần Nhật Duật và gia tướng của ông là Hứa Tông Đạo. Cả hai người có công đánh giặc Nguyên, và cũng đều là bậc chân nhân của đạo Hoàng Lão. Để nhớ ơn và noi gương tiền nhân, xin bệ hạ cũng cho dựng cung Thái Thanh ở trong vườn ngự uyển. Như vậy bệ hạ vẫn thoả được chí bình sinh học đạo, và luôn luôn ở bên triều đình lo việc cho muôn dân.Thuận Tôn nghe theo, cho tu sửa lại ngôi quán trong vườn ngự uyển và gọi là cung Thái Thanh.