Năm 316 trước công nguyên, hai nước chư hầu nhỏ ở phía Tây Nam của nước Tần là nước Ba và nước Thục có sự bất hòa với nhau. Thục vương xua quân đánh Thư Hầu là một nước có quan hệ mật thiết với nước Ba. Thư Hầu phải chạy sang Ba để cầu cứu. Rốt cục, cả nước Ba và nước Thục đều đưa sứ đến cáo cấp với nước Tần. Vậy phải làm sao lợi dụng cơ hội này để mở rộng quyền lợi của nước Tần, lấy đó tạo điều kiện cho sự nghiệp thống nhất toàn quốc của Tần sau này. Tần Huệ Văn Vương tỏ ra do dự, chưa quyết định dứt khoát. Triều thần của nước Tần cũng có ý kiến khác nhau. Một phái lấy tướng quân Tư Mã Thác làm đầu, chủ trương nên thừa lúc hai nước Ba và Thục có nội loạn, xua quân đoạt lấy cả hai nước này để mở rộng bờ cõi cho nước Tần, qua đó sẽ tăng cường được nhiều tài nguyên, đồng thời cũng có thể uy hiếp được nước Sở. Một phái khác do Trương Nghi cầm đầu. Trương Nghi không phải không tán thành thôn tính Ba, Thục, mà vì lúc bấy giờ ông chủ trương nên tiếp tục chính sách giao hảo với nước xa, tấn công nước gần, nên chủ trương tấn công nước Hàn trước, rồi sau đó uy hiếp thiên tử nhà Châu để ra lệnh cho các chư hầu. Tần Huệ Văn Vương so sánh sự lợi hại, cuối cùng đã quyết định theo ý kiến của Tư Mã Thác, ra quân chiếm hai nước Ba, Thục. Tần Huệ Văn Vương phái Trương Nghi, Tư Mã Thác, đô úy Mặc và một số người nữa xua đại quân theo đường Kim Ngưu Đạo để tiến công Ba, Thục. Theo truyền thuyết thì Kim Ngưu Đạo trước kia vốn không có cái tên đó, mà được gọi là Thạch Ngưu Đạo, một con đường quan trọng để tiến vào đất Ba, Thục. Trước khi đại quân xuất phát, mọi người đều lo lắng con đường đi này quá hiểm trở, vì tục ngữ thường nói, đường đi vào Ba Thục còn khó hơn đi lên trời xanh. Cho nên Tần Huệ Văn Vương bèn nghĩ ra một biện pháp, đặt điều dối gạt vua Thục, bảo nước Tần sẽ mang năm con bò bằng vàng tặng cho nước Thục, vậy nhà vua phải sửa sang lại con đường sơn đạo, để chuẩn bị nghênh đón. Thục vương là người tham lam, không biết đấy là mưu kế, bèn phái nhiều đại lực sĩ lo sửa chữa con đường này, để chờ đón những con bò vàng của nước Tần đưa tới tặng cho nước Thục. Không ngờ, bò vàng đâu không thấy, mà chỉ thấy thiên binh vạn mã của nước Tần kéo tới sát phạt. Thục vương vội vàng lo chỉnh đốn quân đội, đích thân chỉ huy chống Tần tại Hà Manh Quan (Nay là địa phương nằm về phía Đông Bắc Kiếm Các, thuộc tỉnh Tứ Xuyên). Sau một trận kịch chiến, quân Thục bị đánh tan rã, Thục vương bị giết chết trong chiến loạn. Quân Tần thừa thắng tiến đánh nước Thư, nước Ba, và đã thắng lợi hoàn toàn, bắt sống được vua nước Ba. Như vậy là nước Tần đã triệt để chinh phục hai nước Ba, Thục, và đưa đất đai của họ vào bản đồ của mình. Sau khi Tần thôn tính Ba, Thục, liền đặt quận, huyện, cử Trương Nhược làm thái thú Thục quận, đồng thời di dân ở vùng Quan Trung hàng vạn gia đình vào đất Thục để sinh cơ lập nghiệp. Trương Nghi, Trương Nhược và Tư Mã Thác còn cho xây dựng “Đại thành" và “Thiếu thành" tại Thành Đô. Chính trị và kinh tế ỏ Ba Thục đều phát triển nhanh chóng, tăng cường thực lực về mặt kinh tế cho nước Tần. Về sau, Trương Nhược còn nhiều lần xua quân tại Thục quận chi viện cho Tư Mã Thác và Bạch Khởi tấn công nước Sở, đóng góp cho nước Tần trong sự nghiệp thống nhất Trung Quốc rất quan trọng. Một điều cần nói rõ thêm, ấy là Trương Nghi tuy ban đầu không tán thành xua quân tiến chiếm Ba, Thục, nhưng thực tế trong quá trình đánh chiếm Ba, Thục, tác dụng của ông không thể đánh giá thấp. Ông đã lập đại công cho nước Tần.