Sau khi thôn tính được Ba, Thục ở phía Tây Nam, quân Tần liền quay mũi giáo về hướng Đông, tấn công Tam Tấn. Năm 314 trước công nguyên, quân Tần lại tiến công nước Ngụy, và lại chiếm Tiêu và Khúc ốc. Kế đó, Tần lại tấn công Ngạn Môn của nước Hàn. Nước Hàn không địch nổi, bèn cầu hòa với Tần, và phái Thái tử của nước Hàn sang làm con tin ở nước Tần. Năm 313 trước công nguyên, Tần lại đánh bại quân Triệu ở Lạn (Nay là vùng đất phía Tây huyện Ly Thạch, tỉnh Sơn Tây), và đã bắt sống được tướng Triệu là Triệu Cang. Triệu cũng phải khuất phục nước Tần. Đến đây, Tam Tấn đã hoàn toàn phục tùng nước Tần. Hai nước Sở và Tề là hai nước lớn, lúc bấy giờ đã liên kết với nhau, để đối kháng với Tần và Tam Tấn. Đứng trước việc hai nước lớn là Tề và Sở liên minh với nhau, khiến cho kế hoạch phát triển về hướng Đông cửa nước Tần bị chặn đứng. Trương Nghi bèn mạnh dạn xin với vua Tần đi ly gián Tề và Sở. Kế hoạch của Trương Nghi là xuống tay đối với Sở trước, để nhân cơ hội này đoạt lấy quận Hán Trung của Sở, rồi sáp nhập cả vùng đất Ba Thục với quận Hán Trung thành đất của Tần. Đối với nước Sở, Trương Nghi vốn có mối thù riêng. Ông không bao giờ quên cái nhục do Thừa tướng nước Sở gây ra cho ông. Ngay lúc đầu, khi Trương Nghi mới vừa làm Thừa tướng của nước Tần, ông đã gởi ngay một hịch văn cho nước Sở, người từng ra lệnh đánh đập ông trước đây, công khai cho biết: “Trước kia tôi tham gia buổi tiệc của ông, không hề lấy cắp ngọc bích của ông, thế mà ông đã vô cớ ra lệnh đánh đập tôi. Vậy bây giờ ông hãy rán lo giữ lãnh thổ của nước Sở, vì tôi nhất định sẽ cướp lấy thành trì của Sở Quốc để trả thù”. Bây giờ thì cơ hội đã đến, Trương Nghi bèn ra tay thực hiện kế hoạch báo thù của mình. Năm 313 trước công nguyên, Tần Huệ Văn Vương giả vờ bãi chức Thừa tướng của Trương Nghi, để Trương Nghi vào nước Sở ra mắt Sở Hoài Vương. Sau khi Trương Nghi tới nước sở, bèn tìm đủ mọi cách để lấy lòng Sở Hoài Vương. Đồng thời, dùng nhiều vàng bạc để mua chuộc những người thân tín chung quanh Sở Hoài Vương. Sau khi tranh thủ được sự tín nhiệm của Sở Hoài Vương, Trương Nghi bèn nói dối với ông ta, nước Tần sẵn sàng đem sáu trăm dặm thuộc vùng đất Thương Ư (nay là vùng đất nằm về phía Tây Nam Triệt Huyện thuộc tỉnh Hà Nam) mà Tần đã cưỡng chiếm trước đây, trả lại cho nước Sở với điều kiện là Sở phải tuyệt giao với Tề, và thân với Tần. Sở Hoài Vương thấy lợi nên híp mắt, hoàn toàn không biết đây là mưu kế của Trương Nghi. Nhà vua dương dương tự đắc, cho rằng sáu trăm dặm đất ở Thương Ư đã lọt vào tay của mình. Tất cả triều thần đều chúc mừng Sở Hoài Vương, chỉ riêng có mưu thần Trần Chẫn là cực lực phản đối chuyện đó. Trần Chẫn phân tách cho Sở Hoài Vương thấy, Tần sở dĩ trọng thị Sở, là do Sở đã liên minh với Tề. Nếu tuyệt giao với Tề, thì Sở sẽ bị cô lập, chẳng những có lỗi với Tề, mà cũng không được Tần trọng thị nữa. Trần Chẫn cho rằng lời nói của Trương Nghi là không đáng tin. Nếu làm theo Trương Nghi, thì Sở chắc chắn sẽ có lỗi với Tề. Như vậy, Tề và Tần sẽ cùng phát binh tấn công Sở. Sở Hoài Vương do hám lợi nên mất trí khôn, hoàn toàn không nghe lọt vào tai ý kiến đứng đắn Trần Chẫn. Nhà vua hoàn toàn tin tưởng ở những lời nói lừa dối của Trương Nghi, bèn phái một tướng quân theo Trương Nghi sang Tần để nhận lại số đất do Tần chiếm được trước kia. Nào ngờ Trương Nghi sau khi trở lại nước Tần, thì giả vờ say rượu té xuống xe, rồi cáo bệnh ba tháng không ra làm việc. Sứ thần của nước Sở phải chịu cảnh khổ do bị chủ nhân đóng cửa bỏ ở ngoài. Sở Hoài Vương cho rằng do Tần còn hoài nghi Sở chưa có thái độ tuyệt giao hẳn với Tề nên phái ngay một dũng sĩ tới Tề mắng chửi, nhục mạ. Tề Dẫn Vương nghe qua cả giận, bèn bẽ gãy “minh phù”, tuyên bố tuyệt giao với Sở, rồi liên hợp với Tần. Chờ cho Tề và Sở triệt để đoạn giao, và sự giao hảo giữa Tề Và Tân đã trở thành sự thật. Trương Nghi mới ra làm việc. Ông nói với sứ giả của nước Sở phái tới, là mình đang chuẩn bị cắt sáu dặm đất được phong của riêng mình để trao cho Sở, mà hoàn toàn không nhắc chi đến việc trả lại cho Sở sáu trăm dặm đất tại Thương Ư. Sứ giả của Sở thấy mọi việc bất thành, bèn trở về báo lên cho Sở Hoài Vương biết. Sáu dặm và sáu trăm dặm, quả là hai con số chênh lệch nhau một trời một vực, khiến Sở Hoài Vương bừng tỉnh ra, biết mình đã bị Trương Nghi đánh lừa. Sở Hoài Vương hết sức giận dữ, xuống lệnh đoạn giao với Tần, và lập tức phái binh đi đánh Tần. Lúc bấy giờ Trần Chẫn lại ra mặt khuyên ngăn, cho rằng lúc này xuất binh đánh Tần, chắc chắn sẽ bị bại trận. Nhưng Sở Hoài Vương vẫn làm theo ý mình, tiếp tục tiến binh. Kết quả quân Tần và quân Sở đánh nhau một trận tại Đơn Dương (tức vùng đất ở phía Bắc Đơn Giang, nằm giữa hai tỉnh Thiểm Tây và Hà Nam bây giờ), quân Sở đại bại, giáp sĩ bị giết hơn tám vạn người, đại tướng Khuất Cái và phó tướng Phùng Hầu Sửu cùng với hơn bảy mươi người khác bị bắt làm tù binh, quận Hán Trung (là vùng Nam Trịnh thuộc tỉnh Thiểm Tây) bị quân Tần chiếm lĩnh. Sau khi thất thủ quận Hán Trung, Sở Hoài Vương hết sức giận dữ, bèn điều động binh lực trong toàn quốc, thọc sâu vào tận Lam Điền (nay là vùng Lam Điền, thuộc tỉnh Thiểm Tây) của nước Tần, quyết chiến với quân chủ lực của Tần tại đây. Bấy giờ, Sở lại liên minh với Tề và Tống, thề sẽ trả thù sự thất bại nói trên. Tại Lam Điền, quân Sở một lần nữa lại bị quân Tần đánh bại. Những nước liên minh với Tần như Hàn, Ngụy, cùng tiến công vào hậu phương nước Sở. Rốt cục, quân Sở phải hối hả rút trở về nước và chịu thất bại một cách triệt để. Sau cuộc chiến tại Lam Điền hai năm (311 trước công nguyên), nước Tần lại muốn liên hiệp với Sở để đối phó với Hàn, bèn sai sứ đi yết kiến Sở Hoài Vương, hứa hẹn sẽ trả lại cho Sở phân nửa quận Hán Trung, để tạo tình hòa hiếu. Sở Hoài Vương vẫn còn đang tức giận về chuyện Trương Nghi đã dối gạt mình, nên muốn dồn Trương Nghi vào chỗ chết, ngỏ ý sẵn sàng không nhận đất Hán Trung, và chỉ muốn nước Tần đưa Trương Nghi sang cho nhà vua là được. Trương Nghi biết chuyện này, chủ động xin với Tần Huệ Văn Vương đi sứ sang Sở. Tần Huệ Văn Vương sợ Trương Nghi sang Sở sẽ gặp chuyện nguy hiểm, nhưng Trương Nghi bảo rằng ông và người sủng thần của Sở Hoài Vương là Cận Thượng có mối giao hảo rất tốt. Cận Thượng lại có sự quan hệ mặt thiết với người sủng cơ của Sở Hoài Vương là Trịnh Tụ, mà Sở Hoài Vương chuyện gì cũng nghe theo lời của Trịnh Tụ cả. Như vậy, những người này chắc chắn có thể giúp đỡ cho ông, nhất là đã có nước Tần làm hậu thuẫn, thì Sở Hoài Vương chắc chắn không dám làm gì ông cả. Trương Nghi cuối cùng đã thuyết phục được Tần Huệ Văn Vương, và chỉ ngồi một cỗ xe nhẹ, dẫn theo một số tùy tùng rất ít, ngang nhiên đi sứ sang nước Sở. Sau khi Trương Nghi đến nước Sở, liền bị bắt giam vào ngục thất. Sở Hoài Vương chuẩn bị giết chết Trương Nghi cho hả cơn giận trong lòng. Cận Thượng bèn nói với Sở Hoài Vương: - Nếu giết chết Trương Nghi, thì tất nhiên sẽ đắc tội với Tần Vương. Như vậy, giữa Tần và Sở làm sao liên minh với nhau được? Một khi Sở mất đi sự ủng hộ của Tần, thì các nước chư hầu khác sẽ xem khinh Sở ngay. Do vậy, Cận Thượng kiến nghị với nhà vua nên thả Trương Nghi. Sở Hoài Vương còn đang do dự chưa quyết định dứt khoát, thì Cận Thượng lại đi gặp người sủng cơ của nhà vua là Trịnh Tụ, nói: - Tần Vương rất tín nhiệm Trương Nghi, nhất định phải chuộc Trương Nghi trở về nước. Nghe đâu Tần Vương đang chuẩn bị dùng sáu huyện tại Thượng Dung và mười mỹ nữ tuyệt sắc để đổi lấy Trương Nghi. Nếu Tần đưa mỹ nữ sang Sở thì với sắc nước hương trời của họ, tất nhiên sẽ giành được lòng sủng ái của Sở Hoài Vương. Như vậy nhà vua sẽ không còn yêu quý bà nữa. Vậy chi bằng nên khuyên Sở Hoài Vương hãy thả Trương Nghi ra, để Tần Vương đừng mang mỹ nữ sang dâng cho vua Sở. Trịnh Tụ nghe qua cảm thấy có lý, bèn thuyết phục Sở Hoài Vương thả Trương Nghi ra. Sở Hoài Vương chẳng những thả mà còn thết tiệc khoản đãi Trương Nghi. Trong buổi tiệc này Trương Nghi đã to tiếng bàn về mối giao hảo giữa Tần và Sở. Sau khi tiệc tan, Trương Nghi nhanh nhẹn trốn trở về nước Tần. Lúc bấy giờ, Tam Lư đại phu là Khuất Nguyên vừa đi sứ nước Tề trở về, bèn kiến nghị với Sở Hoài Vương nên giết quách Trương Nghi để trừ hậu hoạn. Sở Hoài Vương cũng cảm thấy hối hận, bèn sai người đuổi theo để giết Trương Nghi. Nhưng với một con người khôn ngoan như Trương Nghi, đã lanh chân thoát ra khỏi nước Sở từ lâu rồi. Do vậy, nước Sở vừa không nhận được đất của Tần đề nghị trả lại, mà còn để cho Trương Nghi vuột ra khỏi tay mình, đúng là vừa "mất phu nhân, lại vừa tổn hao binh tướng" (Câu nói trong dân gian Trung Quốc, chỉ việc Tôn Quyền đời Tam Quốc đã gả em gái cho Lưu Bị - ND). Trương Nghi với lòng dũng cảm của mình, đã bảo toàn cho nước Tần khỏi trả lại phân nửa quận Hán Trung. Từ đó quận Hán Trung của Sở đã bị nước Tần sát nhập vào bản thổ cua mình, để nối liền với vùng đất mới chiếm được ở Ba, Thục, thành một khu vực rộng lớn. Nhờ đó mà nước Tần lại càng thêm giàu có hơn, thực lực càng mạnh mẽ hơn. Việc chiếm được Hán Trung đã làm cho kế "liên hoành" của Trương Nghi phát triển đến đỉnh cao tột độ. Tần Huệ Vương muốn biểu dương Trương Nghi, nên đã ban cho ông năm phong ấp, và phong cho Trương Nghi làm Võ Tín Quân. Trong vấn đề đối phó với Sở, Trương Nghi vừa trả được mối thù riêng, lại vừa được chức cao lộc cả. Có thể nói hành động là hành động “nhứt cử lưỡng đắc".