Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
C. GIÁO HỘI: VAI TRÒ CỦA GIÁO HỘI - CHƯƠNG V
PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI

I. HAI NHIỆM VỤ CỐT YẾU CỦA GIÁO HỘI
Bởi vì Giáo hội là sự nhập thể thường trực của Con Thiên Chúa, Giáo hội vừa là thần linh vừa là nhân loại, như Đức Kitô đấng sáng lập, mà Giáo hội lưu tồn sự hiện diện giữa con người.
Vì danh tước ấy, Giáo hội có hai nhiệm vụ phải thi hành trong thế giới là:
Ban Thiên Chúa cho loài người.
Dẫn dắt loài người đến Thiên Chúa.
II. PHƯƠNG DIỆN KHÁC NHAU CỦA HAI NHIỆM VỤ CỐT YẾU NÀY
a. Ban Thiên Chúa cho loài người: Nghĩa là một đàng lưu truyền cho loài người chân lý Thiên Chúa mà Chúa Kitô đã mang lại cho họ, một đàng lưu truyền cho loài người sự sống Thiên Chúa mà Chúa Kitô đã trả lại cho họ.
b. Dẫn loài người đến Thiên Chúa: Nghĩa là một đàng dẫn dắt các tín hữu để họ ở trong đường ngay của chân lý Chúa và giúp họ sống đầy đủ đời sống Chúa.
Một đàng lôi kéo những kẻ ở ngoài chân lý và sự sống Thiên Chúa để họ có thể biết chân lý và sống đời sống này.
Hai nhiệm vụ chính yếu của Giáo hội đưa chúng ta đến khảo sát trong các chi tiết 4 phương diện thực tế cấu thành sứ mệnh của Giáo hội.
Sứ mệnh giảng dạy chân lý Chúa.
2) Sứ mệnh lưu truyền sự sống Chúa.
Sứ mệnh cai trị các tín hữu.
4) Sứ mệnh làm cho dân ngoại trở lại.
A. GIÁO HỘI CÓ SỨ MỆNH GIẢNG DẠY CHÂN LÝ CHÚA
I/ CHÚA GIÊSU ĐÃ BAN CHO CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CÁC ĐẤNG KẾ TIẾP SỨ MỆNH GIẢNG DẠY CHÂN LÝ THIÊN CHÚA
“ Tất cả quyền phép trên trời dưới đất đều được ban cho Ta.
“Hãy đi giảng dạy mọi dân tộc. Hãy dạy họ giữ các điều răn Thầy… Thầy ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18).
Chúa Giêsu đã ban quyền giảng dạy chẳng những cho các tông đồ Ngài mà lại cho các đấng kế vị các tông đồ. Các tông đồ làm sao mà giảng dạy tất cả mọi dân tộc, vì các đấng ấy đâu có sống mãi đến tận thế.
II/ CÁC TÔNG ĐỒ ĐÃ CHU TOÀN SỨ MỆNH GIẢNG DẠY CHÂN LÝ THIÊN CHÚA
Thánh Phaolô nói: Đức tin thì do sự giảng dạy mà đến, và sự giảng dạy chính Chúa Kitô cho lệnh (Rom 10, 18).
“Tôi đã nhận sứ mệnh Chúa Giêsu giao phó là rao truyền Phúc âm. “Vô phúc cho tôi nếu tôi không giảng Phúc âm”… (1 Cor 9, 16).
Các tông đồ chọn các thầy phó tế thay thế các ngài trong việc tiếp tế vật chất: “Chúng tôi không nên bỏ lời Chúa để lo phục vụ cơm nước. Để chúng tôi chuyên đọc kinh cầu nguyện và rao giảng lời Chúa”. (Act 6, 2-5).
b. Các ngài đã thi hành sứ mệnh ấy.
Từ khi các ngài đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các ngài giảng dạy (Act 2).
“Hãy đi giảng công khai cho dân những lời hằng sống” (Act 5, 20) (1 Cor 15, 33; Gal 1, 6; 1 Jn 2, 18…).
III/ NGÀY NAY GIÁO HỘI GIẢNG DẠY CHÂN LÝ THIÊN CHÚA NHƯ THẾ NÀO?
A. Ai có sứ mệnh giảng dạy?
Đức Giáo hoàng và các Giám mục: các đấng là những vị kế tiếp các tông đồ vì thế hưởng thụ những lời Chúa Kitô hứa giúp đỡ. Vì lẽ ấy, các đấng làm thành Giáo hội giảng dạy (chủ huấn).
B. Giáo hội giảng dạy đưa ra những bảo chứng nào cho giáo dân?
Trước hết và quan trọng là bảo chứng quyền hợp pháp: quyền này do Chúa Kitô ban cho và tự nó là một bảo chứng sự thật: vì Giáo hội có quyền giảng dạy mà giáo dân tin cậy và trung thành với Giáo hội.
Thứ đến, bảo chứng sự không sai lầm được, đặc ân gìn giữ Giáo hội khỏi bị sai lầm.
Chúa Giêsu đã hứa cho tông đồ Ngài sẽ “ở với các đấng cho đến tận thế” và phái Chúa Thánh Thần đến các đấng và ở với các đấng luôn mãi cùng dẫn đưa các đấng trong chân lý toàn diện (Mt 28, 20; Jn 14, 16 và 16, 13).
“Các lực lượng hoả ngục không thể làm lay chuyển Giáo hội” (Mt 16, 18) và Ngài hứa gìn giữ Giáo hội cách riêng:
“Thầy cầu cho con để đức tin con không suy vong và con, khi con đã được vững mạnh, con hãy củng cố anh em con” (Lc 22, 32).
Đặc ân không thể sai lầm về giáo lý được ban cho:
a. Các Giám mục rải rác khắp năm châu kể chung và kết hợp với Đức Giáo hoàng. Sự các đấng ấy đồng ý hoàn toàn về những điểm giáo lý đó là đức tin của toàn Giáo hội giảng dạy.
b. Các Giám mục hợp thành công đồng chung mà Đức Giáo hoàng triệu tập, chủ toạ hay cho đại diện chủ toạ và chấp thuận. Những chân lý được công đồng chung xác định đều không thể sai lầm được. Tín điều Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa được công đồng Ephesô năm 431 xác định. Đã có 31 công đồng chung.
c. Đức Giáo hoàng, với tính cách cá nhân.
Đặc ân này được Chúa Kitô ban cho Phêrô và các vị kế tiếp. Giáo hội phải truyền đạt nguyên vẹn chân lý Chúa, thủ lãnh hữu hình của Ngài phải được Chúa Thánh Thần giúp đỡ cách riêng và gìn giữ ngài khỏi bị sai lầm khi ngài giảng dạy giáo dân.
Công đồng Vaticanô nói rõ những điều kiện trong đó Đức Giáo hoàng được bảo đảm không sai lầm là “Lúc Ngài nói với tư cách là một chủ chăn tối cao và thầy dạy mọi tín hữu, Ngài xác định một điểm giáo lý về đức tin và luân lý (phong tục) và Ngài có ý buộc toàn Giáo hội phải tin”.
C. Trong thực tế, Giáo hội thi hành sứ mệnh giảng dạy như thế nào?
1) Một số giáo huấn được Giáo hội trình bày trong những hoàn cảnh đặc biệt.
- Đức Giáo hoàng long trọng xác định những tín điều phải tin.
- Các công đồng long trọng xác định.
- Những thông điệp hay là thư luân lưu trong khắp thế giới trong đó Đức Thánh cha xác định điểm nọ điểm kia về tín lý hay luân lý (Thông điệp Rerum Novarum (1891) của Đức Lêô XIII về thợ thuyền)…
2) Nhưng chung chung, các giáo huấn của Giáo hội được giảng dạy cách thông thường:
- giáo lý dạy trong họ đạo
- thư các Giám mục
-diễn văn của Đức Thánh cha.
D. Bổn phận các tín hữu đối với các thủ lĩnh của Giáo hội là thế nào?
Các tín hữu phải kính trọg và vâng phục hoàn toàn Giáo hội giảng dạy, vì Giáo hội đại diện quyền Chúa Kitô, đấng xưa đã phán cùng các tông đồ: “Ai nghe các con là nghe Ta, ai khinh bỉ các con là là khinh bỉ Ta” (Lc 10, 16).
B. GIÁO HỘI CÓ SỨ MỆNH TRUYỀN ĐẠT SỰ SỐNG THIÊN CHÚA
I/ CHÚA GIÊU KITÔ ĐÃ BAN CHO CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CÁC ĐẤNG KẾ TIẾP CÁC TÔNG ĐỒ SỨ MỆNH TRUYỀN ĐẠT SỰ SỐNG THIÊN CHÚA
Chúa Kitô đã đến thế gian để trả lại sự sống Thiên Chúa cho chúng ta. Ngài phán: “Ta đến để chúng có sự sống và sự sống dồi dào (Jn 10, 10).
Nhưng Ngài đã muốn rằng sau Ngài, Giáo hội Ngài lưu truyền sự sống ấy cho tất cả mọi người. Bởi thế Ngài ban các quyền linh mục cho các tông đồ Ngài và đồng thời cho các vị kế tiếp, vì đó là sứ mệnh làm cho mọi người mọi thời đại cho đến tận thế được hưởng sự sống Thiên Chúa.
Phúc âm ghi lại một số lời Chúa rõ ràng về điểm ấy:
“Hãy rửa tội cho mọi dân tộc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Jn 26, 19).
“Hãy nhận Chúa Thánh Thần, các tội sẽ được tha cho những kẻ các con tha và tội sẽ bị cầm buộc cho những kẻ mà chúng con cầm buộc (Jn 20, 23).
“Hãy làm sự này mà nhớ đến Ta” (Lc 22).
II/ CÁC TÔNG ĐỒ ĐÃ CHU TOÀN SỨ MỆNH TRUYỀN ĐẠT SỰ SỐNG THIÊN CHÚA
1) Chính ngày lễ Hiện Xuống, các tông đồ đã rửa tội lối 3.000 người (Act 2, 41). Thánh Phêrô rửa tội ông Corneille và cả gia đình (Act 10, 48; 6, 33, 19, 6).
2) Các tông đồ đặt tay trên những tín hữu đã chịu phép rửa tội và các tín hữu ấy đã nhận Chúa Thánh Thần (Bí tích Thêm Sức) (Act 8, 15-17 và 19, 6).
3) Các tông đồ tái hành trước các tín hữu sự bẻ bánh (Bí tích Thánh Thể) (Act 2, 42 và 20, 7).
4) Các tông đồ đặt tay trên các vị kế tiếp các Ngài và truyền lại cho họ các quyền chức linh mục và Giám mục (Act 13, 3 và 1 Tin Mừng 5, 22).
5) Các tông đồ làm phép Bí tích Xức dầu (Jac 5, 14-15).
N.B. Công vụ Tông đồ không nói đến bí tích giải tội và hôn nhân. Công vụ Tông đồ chỉ nói về thời sự lịch sử. Nhưng chúng ta biết Phúc Âm nói rõ về các vấn đề ấy.
III/ NGÀY NAY GIÁO HỘI TRUYỀN ĐẠT SỰ SỐNG THIÊN CHÚA THẾ NÀO?
- Cũng bằng các Bí tích mà Chúa Kitô đã lập và các tông đồ đã ban nhân danh Chúa.
a. Bí tích là gì?
Bí tích là “dấu bề ngoài chuyển thông ơn bề trong”.
Dấu tích bề ngoài là hoặc một sự vật chất có thể xem, sờ mó, ngửi nếm hoặc là một lời nói, có thể nghe được hay là một cử chỉ có thể quan sát được. Sẽ thành bí tích khi một dấu bề ngoài, nhờ quyền phép toàn năng của Chúa Kitô và những điều kịên Ngài muốn, có những hiệu quả siêu nhiên như nước rửa tội: xoá tội tổ tông; dầu Thêm sức tăng thêm ơn thánh.
b. Bí tích để làm gì?
Các bí tích mà Chúa Giêsu sáng lập Giáo hội ban hành để cho sự sống, không phải là những biểu hiệu hay là những dấu suông. Các Bí tích một khi được ban hành hợp lệ đều sinh sản ơn thánh. Chúng ta lại gặp quan niệm về Nhập thể. Chúa Kitô nhập thể để trả lại sự sống Thiên Chúa cho loài người, Ngài đã muốn chẳng những lập một Giáo hội hữu hình tiếp tục sự nhập thể của Ngài, mà lại còn dùng những phương thế hữu hình để truyền đạt cho loài người sự sống Thiên Chúa, để đem lại cho các linh hồn ơn thánh vô hình. Sau sự nhập thể của Chúa Kitô và nhờ sự nhập thể của sự siêu nhiên trong Giáo hội, bây giờ sự sống Thiên Chúa phải được nhập thể trong đời sống của mỗi người: các bí tích, dấu bề ngoài sinh ơn bề trong, là sự biểu lộ sống động của sự nhập thể này.
c. Các bí tích và đời sống Thiên Chúa của chúng ta.
Nhờ những phần tử của Giáo hội được “phong chức” để làm sứ mệnh ấy, nhờ những quyền phép linh mục mà các tông đồ truyền lại. Bí tích Thêm sức và Truyền chức là những bí tích dành riêng cho các Giám mục ban, Bí tích Rửa tội, Giải tội, Thánh thể và Xức dầu thánh thì do Giám mục và linh mục ban.
Bí tích Hôn nhân do chính hai đôi bạn ban cho nhau. Linh mục chỉ chứng kiến.
d. Các bí tích và đời sống Thiên Chúa của chúng ta.
Bảy bí tích đáp lại những nhu cầu của đời chúng ta.
Đời sống Thiên Chúa trong chúng ta trước hết bắt đầu một sự “tái sanh” (Jn 3, 3-5) đó là bí tích Rửa tội, đoạn tiếp đời sống ấy “lớn lên”, đó là bí tích Thêm sức kế đến đời sống ấy đòi khử trừ những “thuốc độc” và một sự “vệ sinh” thiêng liêng: đó là bí tích Giải tội; Đời sống ấy cần “của ăn” để cho được tồn tại: đó là bí tích Thánh thể; đời sống ấy cần được trực tiếp lưu truyền cho kẻ khác: đó là bí tích “Truyền chức thánh” và đời sống ấy được gián tiếp lưu truyền cho kẻ khác, bí tích Hôn nhân (qua đời sống tự nhiên). Và trước khi được nảy nở đời đời, đời sống ấy cần được rửa sạch lần cuối cùng: đó là bí tích “Xức dầu thánh”.
C. GIÁO HỘI CÓ SỨ MỆNH CAI TRỊ CÁC TÍN HỮU
I/ CHÚA GIÊSU ĐÃ BAN CHO CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CÁC VỊ KẾ TIẾP SỨ MỆNH CAI TRỊ CÁC TÍN HỮU
Giáo hội nối tiếp Chúa Kitô: giảng dạy chân lý và thông ban sự sống. Như thế thật hợp lý nếu Giáo hội thi hành quyền của Chúa Kitô trên những người Giáo hội truyền đạt chân lý và sự sống. Chúa Kitô đã ban cho các tông đồ và các vị kế tiếp quyền cai trị, khi Ngài nói: “Ai nghe các con là nghe Ta” (Lc 10, 17). Đồng thời Ngài cũng ban cho các tông đồ quyền phán xét và nếu cần quyền sửa phạt những kẻ có tội. Nếu em con phạm tội hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó mà thôi. Nếu nó không nghe, hãy đem một hay hai người nữa… Nếu nó không nghe, hãy trình với Giáo hội; nếu nó không nghe Giáo hội, con hãy kể nó như người ngoại” và Chúa thêm: “Tất cả những điều các con cầm buộc ở dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và tất cả những điều các con tha, thì trên trời cũng tha… (Mt 18, 15-19).
Chúa không hạn chế quyền cai trị mà Ngài đã ban cho các thủ lãnh của Giáo hội Ngài.
II/ CÁC TÔNG ĐỒ ĐÃ SỬ DỤNG QUYỀN CAI TRỊ
Các Ngài đặt các qui luật: Công vụ Tông đồ thuật lại rằng: “Giáo hội, các tông đồ và các kỳ cựu, cùng nhau hội lại để xét vấn đề có phải bắt người ngoại chịu cắt bì không? Sau một cuộc tranh luận, Giáo hội tuyên bố: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em, trừ một vài điều cần kíp này: kiêng tránh đồ cúng, ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và dâm bôn” (Act 15, 28-29) (1 Cor 7, 12).
Các Ngài đã phân xử các tín hữu: Thánh Phaolô giải quyết những vấn đề lương tâm (1 Cor 8 và 10, 25-30), Ngài khuyên bảo, khiển trách các giáo hữu thành Corinthe (1Cr 11, 17) (Cor 6, 1-8, II Jn 10 và 11).
Các Ngài đã phạt những người có tội: “Phần tôi, tuy phần xác vắng mặt nhưng hiện diện cách thiêng liêng, tôi đã tuyên án rồi…
Trong buổi hội này, nhân danh Chúa Giêsu, cậy vào quyền năng của Ngài, tôi đã quyết định nộp con người như thế cho Satan” (…1 Cor 5, 4-13, 1 Tin Mừng 1, 20).
III/ NGÀY NAY GIÁO HỘI CAI TRỊ CÁC TÍN HỮU NHƯ THẾ NÀO:
a. Giáo hội cử ai cai trị giáo hữu? Toàn thể Giáo hội được điều khiển do một lãnh tụ độc nhất là Đức Thánh cha hay Giáo hoàng, đấng kế vị thánh Phêrô và cầm quyền bính tối cao lập pháp, tư pháp và cưỡng chế.
Các Giám mục trên thế giới kết hợp với Đức Giáo hoàng và hội thành công đồng chung, cũng có quyền lập những quy chế cho toàn Giáo hội.
Trong thực tế, Đức Thánh cha, để cai trị Giáo hội, thường có triều đình Roma gồm có một số thánh bộ, cầm đầu là các Đức Hồng y. Mỗi địa phận có Giám mục mình, kế vị các tông đồ và có quyền trên khu vực đã được uỷ thác.
Trong thực tế Giám mục được các linh mục giúp.
b. Thường thường Giáo hội cai trị các tín hữu như thế nào?
Giáo hội trung thành với sứ mệnh Chúa Kitô giao phó, cai trị tín hữu dưới quyền mình:
Bằng cách lập các qui luật,
Ban bố những huấn lệnh,
Tuyên bố những án phạt,
Tổ chức việc thờ phượng chung.
D. GIÁO HỘI CÓ SỨ MỆNH LÀM CHO NHỮNG NGƯỜI VÔ TÍN NGƯỠNG TRỞ LẠI
I/ CHÚA KITÔ UỶ THÁC CHO GIÁO HỘI SỨ MỆNH LÀM CHO CÁC NGƯỜI VÔ TÍN NGƯỠNG TRỞ LẠI
Đó là lý do khiến Chúa sáng lập Giáo hội.
Chân lý mà Giáo hội rao truyền là chân lý Thiên Chúa, sự sống mà Giáo hội truyền đạt là sự sống Thiên Chúa, tất cả mọi người không trừ ai có quyền được thụ hưởng: vì thế Giáo hội cần phải rao truyền chân lý và lưu truyền sự sống cho tất cả mọi người.
Sứ mệnh truyền giáo được uỷ thác cho tất cả mọi phần tử Giáo hội, giáo dân, Giám mục và linh mục, tất cả phải hiệp lực “để soi sáng những kẻ còn ngồi trong bóng tối tăm và trong bóng sự chết” (Lc 1, 76).
a) Chúa Giêsu phán cùng các tông đồ: “Hãy theo Ta, Ta sẽ cho các ngươi trở thành những kẻ đánh lưới người” (Mt 19). “Hãy đi, hãy dạy mọi dân tộc; các ngươi sẽ làm chững cho Ta ở Jérusalem và khắp mọi nơi” (Act 1-8) (Jn 15, 16, Mt 28, 19).
b) Chúa phán cùng các tín hữu: “Chúng con là muối đất… chúng con là ánh sáng thế gian… Sự sáng các con phải soi trước mắt người ta để họ xem thấy việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con ở trên trời” (Mt 5, 12-17) (1 Pr 2, 9; Phil 2, 15).
Dĩ nhiên sứ mệnh giao phó cho giáo dân không cùng cấp bậc với sứ mệnh giao phó cho các tông đồ và các vị kế tiếp. Nhưng tất cả mọi phần tử của Nhiệm thể không trừ ai, mỗi người ở địa vị mình, và tuỳ khả năng của mình, phải làm cho nhiều linh hồn được thụ hưởng chân lý và đời sống Thiên Chúa.
II/ TRONG DĨ VÃNG CÁC TÔNG ĐỒ VÀ CÁC KITÔ HỮU ĐÃ THỰC HIỆN SỨ MỆNH NÀY
Kitô giáo lan tràn mau chóng khắp đế quốc Roma từ những thế kỷ đầu của Giáo hội chứng minh điều đó.
a. Từ Giáo hội, chúng ta thấy các tông đồ hăng hái đi rao giảng Phúc âm khắp thế giới ngoại giáo. “Vô phúc cho tôi, thánh Phaolô la lên, nếu tôi không rao giảng Phúc Âm” (1 Cor 9, 16; II Cor 3, 16 và 46; (II Cor 11, 24-18).
Các đấng đã đổ máu ra để làm chứng chân lý Kitô.
b. Từ đầu Giáo hội, chúng ta cũng thấy các tín hữu làm tông đồ giảng dạy cho anh em mình.
Hai mươi thế kỷ đã qua từ ngày Chúa Kitô ra đời, Giáo hội trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô đã cố gắng nhiều để lan tràn khắp thế giới.
III/ NGÀY NAY GIÁO HỘI CHU TOÀN SỨ MỆNH NÀY THẾ NÀO
Ngày nay Chúa Kitô cũng vẫn nhắc nhở Giáo hội: “Hãy đi, hãy dạy mọi dân tộc… chúng con là ánh sáng thế gian”. Công việc tông đồ chẳng những không ngừng, mà còn phải bành trướng thêm, chẳng những trong các nước xa xăm, mà còn trong các nước văn minh, trong đó một phong trào bỏ đạo đang xâm nhập.