jamila thức dậy lúc năm giờ sáng trong căn hộ nhỏ của cô ở ngoại ô của Brennan, Pennsylvania. Ngay sau bình minh cô thực hiện lời cầu nguyện đầu tiên của mình trong ngày. Sau khi đã làm sạch sẽ cơ thể mình và cởi bỏ giầy cùng khăn che đầu, Djamila bắt đầu thực hiện những nghi thức Hồi giáo gồm đứng, ngồi, khấu đầu và phủ phục người trên tấm thảm cầu nguyện của mình. Cô bắt đầu bằng cách tụng lại câu shahada, lời kinh chủ chốt của tín ngưỡng đạo Hồi: La ilaha illa’Llah, có nghĩa là “Không có Chúa nào ngoài Đức Chúa”. Sau đó, cô tụng đoạn kinh sura mở đầu, chương đầu tiên của kinh Cô-ran. Những lời khấn nguyện được thực hiện một cách âm thầm, chỉ có môi cô hơi mấp máy khi cô nhẩm đọc những từ đó. Sau khi hoàn thành phần salat của mình, cô thay quần áo và chuẩn bị đi làm trước khi ngồi xuống ăn bữa sáng.Vừa nhìn quanh căn bếp ngăn nắp của mình, Djamila vừa nhớ lại cuộc trò chuyện của cô với Lori Franklin ngày hôm trước. Djamila đã nói dối người chủ của mình, mặc dù người phụ nữ Mỹ chẳng có cách nào để biết được sự gian dối đó. Giấy tờ chính thức của Djamila cho thấy cô là người Saudi Arabia. Điều đó, cùng với việc cô là một phụ nữ, đã cho phép Djamila nhập cảnh vào Mỹ rất dễ dàng, ngay cả trong thời kỳ hậu 11-9. Trong thực tế, Djamila sinh ra ở Iraq, và xét về mặt tín ngưỡng thì cô là một tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, cũng như với hơn 80% tín đồ Hồi giáo khác trên thế giới, mặc dù ở Iraq người Sunni chỉ chiếm thiểu số. Những thời kỳ đầu, người Sunni xung đột với người anh em dòng Shia của mình quanh vấn đề ai là người kế thừa nhà tiên tri Muhammad. Giờ thì những khác biệt giữa hai dòng Hồi giáo càng nhiều và sâu sắc hơn.Những người Shia tin rằng vị khalip được kế thừa hợp lệ thứ tư, Ali ibn Abi Talib, con rể và cũng là cháu họ của Muhammad, là người kế thừa dòng máu chân chính của nhà tiên tri Hồi giáo. Những tín đồ Hồi giáo dòng Shia thực hiện việc hành hương đến Mazar-i-Sharif tới thánh đường xanh nơi Ali được mai táng. Những người Hồi giáo dòng Sunni tin rằng Muhammad không hề lựa chọn người kế vị, và do đó họ thành lập ra các khalip để cai quản thay cho nhà tiên tri sau khi ông qua đời. Người Sunni và người Shia đều đồng ý rằng không một ai trong số các khalip vươn tới tầm cao của một nhà tiên tri; tuy nhiên, việc có tới ba trong số bốn khalip phải chết thê thảm là một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự chia rẽ sâu sắc trong cộng đồng Hồi giáo quanh vấn đề này.Dưới chế độ cai trị mang tính thế tục của Saddam Hussein, Djamila đã được phép lái xe, trong khi đó ở Saudi Arabia đây vẫn là điều không thể. Những người Saudi tuân theo một hình thức sharia rất nghiệt ngã, hay còn gọi là luật Hồi giáo. Sự khắc nghiệt này đòi hỏi phụ nữ lúc nào cũng phải che kín hoàn toàn, và nó cũng cấm họ không được bầu cử hoặc thậm chí là đi ra khỏi nhà mà không có sự cho phép bằng văn bản từ chồng mình. Những quy định này được thực thi rất chu đáo bởi lực lượng cảnh sát tôn giáo rất thủ cựu và tàn nhẫn.Ngoài ra còn phải kể đến “Quảng trường Chát-chát” khét tiếng, quảng trường chính ở trung tâm thành phố Riyadh. Chính tại đây vào mỗi thứ Sáu những kẻ phá vỡ luật sharia bị trừng phạt trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Djamila đã tới đó một lần và kinh hoàng chứng kiến cảnh năm con người bị chặt đứt hết cả hai tay và hai người khác bị chặt đầu. Một hình thức trừng phạt tinh vi hơn nhiều được gọi là fallaga, tức là cách đánh vào gan bàn chân không hề để lại dấu vết, mặc dù bao giờ nạn nhân cũng không thể nào bước nổi, và sự đau đớn thì vô cùng khủng khiếp.Toàn bộ phần còn lại của thế giới đã cơ bản phải thay đổi thái độ kể từ khi Vua Ibn Saud, người chinh phục của xứ Arabia và cũng là vị vua đã lấy tên mình đặt tên cho đất nước này, thuê các nhà địa chất tới để tìm nước nhưng thay vào đó họ lại tìm thấy dầu. Với trọn vẹn một phần tư trữ lượng vàng đen của cả thế giới nằm dưới các sa mạc của đất nước, một nguồn tài nguyên được cả thế giới công nghiệp thèm thuồng, những người Saudi gần như lúc nào cũng có thể làm những gì họ muốn mà không sợ phải lãnh chịu hậu quả.Tuy vậy, Djamila đã không hoàn toàn nói dối Franklin. Sống ở Baghdad, và cũng là một người Hồi giáo dòng Sunni như Saddam Hussein, cô đã từng mặc quần áo gần như tùy theo ý mình, và cô đã từng được học hành đầy đủ. Mặc dù vậy, cô vẫn căm thù cuộc sống dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Iraq. Cô đã mất những người bạn và người thân trong gia đình, những người đột nhiên “biến mất” sau khi lên tiếng phản đối nhà cầm quyền độc tài. Trong thời gian quân Mỹ xâm lược Iraq cô đã cầu nguyện để Hussein bị lật đổ, và những lời cầu nguyện đó đã linh ứng. Cô và gia đình mình ban đầu cũng chào đón những người lính Mỹ cùng đồng minh của họ như những người hùng vì đã mang lại tự do cho đất nước cô. Nhưng rồi mọi chuyện bắt đầu thay đổi rất nhanh chóng.Một hôm đi chợ trở về nhà Djamila nhận ra ngôi nhà của gia đình cô đã chỉ còn là đống đổ nát sau một vụ không kích nhầm. Tất cả gia đình cô, kể cả hai đứa em trai, đều thiệt mạng. Sau thảm kịch đó Djamila chuyển tới sống với họ hàng ở Mosul. Nhưng họ cũng trở thành nạn nhân của một vụ đánh bom xe trong đợt nổi dậy sau đó chống lại sự có mặt của quân Mỹ tại Iraq.Tiếp theo Djamila đến Tikrit để ở với một người chị họ, nhưng cuối cùng thì cuộc chiến cũng buộc cô phải rời bỏ cả nơi đó. Từ đó trở đi cô trở thành người vô gia cư, gia nhập vào đội ngũ ngày càng đông những người về cơ bản đã trở thành người du mục, lúc nào cũng mắc kẹt trong cuộc giao tranh giữa một bên là đội quân nổi dậy ngày càng lớn mạnh và một bên là quân Mỹ và đồng minh của họ. Chính tại một trong những nhóm như vậy cô đã gặp một người đàn ông lên tiếng tố cáo người Mỹ chẳng qua chỉ là những tên đế quốc tham lam săn đuổi nguồn dầu mỏ quý giá. Ông ta lập luận rằng tất cả những người Hồi giáo đều có nghĩa vụ đứng lên giáng trả kẻ thù của Hồi giáo.Giống như hầu hết các tín đồ Hồi giáo, cuộc jihad duy nhất mà Djamila từng thực hiện là “đại jihad”, tức là quá trình đấu tranh nội tâm để trở thành một tín đồ Hồi giáo tốt đẹp hơn. Rõ ràng là người đàn ông này đang nói về một jihad khác, “tiểu jihad”, một cuộc thánh chiến, khái niệm nảy sinh cùng với ý thức hệ Hồi giáo từ thế kỷ thứ 7. Thoạt đầu không mấy để ý đến người đàn ông và coi những lời rao giảng của ông ta là sự cuồng tín vô nghĩa, tuy nhiên khi hoàn cảnh của cô mỗi lúc một trở nên tăm tối, cô nhận thấy mình bắt đầu lắng nghe theo ông ta và những người khác giống ông ta. Những điều ông ta nói, kết hợp với những nỗi kinh hoàng mà cô đã tận mắt trải qua, bắt đầu trở nên có lý trong suy nghĩ của một cô gái trẻ đã mất hết tất cả. Và chỉ sau một thời gian ngắn tâm trạng chán nản và tuyệt vọng của cô chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác: giận dữ.Không lâu sau, Djamila sang Pakistan và rồi là Afghanistan, được huấn luyện để làm những việc mà trước kia cô không bao giờ tưởng tượng là mình sẽ làm. Khi ở Afghanistan, cô mặc bộ burka, giữ im lặng và tuân theo lệnh của đàn ông. Cô thường đi chợ và chỉ một lúc sau quần áo của cô bỗng căng phồng lên vì cô nhét tất cả những thứ mình mua được vào bên dưới. Chiếc áo burka có một tấm lưới mạng ở khoảng mở phía trước mặt. Nó được thiết kế để hạn chế tầm nhìn sang hai bên của người phụ nữ. Nếu người phụ nữ muốn nhìn thứ gì đó cô ta phải quay cả đầu mình lại. Người ta bảo, bằng cách này, người chồng lúc nào cũng có thể biết điều gì đang khiến cho vợ mình quan tâm. Ngay cả khi lực lượng Taliban bị đánh lui, rất nhiều bộ burka vẫn còn được giữ nguyên. Nhưng ngay cả những phụ nữ cởi bỏ bộ burka cũng không thực sự tự do, Djamila có thể nhận thấy điều đó, vì chồng và anh trai, thậm chí cả con trai họ vẫn kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của những phụ nữ này.Sau nhiều tháng huấn luyện, cô lên đường sang nước Mỹ, cùng với rất nhiều người khác giống cô, tất cả đều mang giấy tờ giả mạo và tất cả đều có tham vọng cháy bỏng là chống lại kẻ thù đã hủy hoại cuộc sống của họ. Djamila đã được dạy rằng tất cả mọi thứ liên quan đến nước Mỹ đều là tội lỗi. Rằng cuộc sống và những giá trị của phương Tây đều trái ngược hoàn toàn với niềm tin Hồi giáo và, thực sự, xuyên suốt trong đó là dã tâm hủy hoại Hồi giáo. Làm sao cô có thể không đấu tranh chống lại một con quái vật như vậy được?Những tuần đầu tiên của cô tại Mỹ được chia ra giữa những trải nghiệm vừa buồn tẻ lại vừa mới mẻ. Suốt mấy tuần liền cô chẳng có gì để làm ngoài việc đưa tin đi đưa tin lại. Mặc dù vậy cô vẫn đang được chứng kiến nước Mỹ, kẻ thù lớn, lần đầu tiên. Cô đã đến một số cửa hàng lớn cùng một phụ nữ người Afghanistan. Người phụ nữ đó choáng váng khi nhìn thấy những bức ảnh chụp hình người trên các sản phẩm trong cửa hàng. Dưới chế độ của Taliban tất cả những hình ảnh như vậy đều bị xóa sạch.Người Mỹ là những con người to lớn với khẩu vị vô độ cùng những chiếc xe kềnh càng, Djamila chưa bao giờ thấy những chiếc xe đồ sộ đến vậy. Các cửa hàng bao giờ cũng tấp nập, người ta mặc đủ các loại quần áo khác nhau. Đàn ông và đàn bà ôm quấn lấy nhau ngay giữa phố, thậm chí còn hôn nhau ngay trước mặt người lạ như cô. Và mọi việc diễn ra nhanh đến nỗi cô gần như không tài nào theo kịp. Dường như cô đã bị đẩy quá xa vào tương lai. Cô nhận thấy mình vừa hoảng sợ vừa tò mò khủng khiếp.Rồi sau đó cô được đưa ra khỏi cái nhóm đã cùng cô tới Mỹ và chuyển tới một thành phố khác, nơi cô tiếp tục được huấn luyện thêm. Cô được trao một thân phận mới, một cách hoàn chỉnh với cả người giới thiệu hẳn hoi. Và cô cũng được cấp cho chiếc xe thùng đặc biệt mà cô đang lái lúc này. Sau đó cô được cử tới Brennan và trở thành người giữ trẻ cho gia đình Franklin. Cô thích công việc đó và thích cảm giác ở bên bọn trẻ, nhưng thời gian qua đi, cô chỉ khát khao trở về nhà. Nước Mỹ đơn giản là không phải dành cho cô.Djamila lúc nào cũng mong mỏi đến khi cô được thực hiện haji, chuyến hành hương tới thánh địa thiêng liêng nhất của đạo Hồi, Mecca, thị trấn ở Hejaz nơi nhà tiên tri Muhammad chào đời. Cô hình dung ra cảnh mình đang đứng trong một vòng tròn bao quanh Đại Thánh đường, hay còn gọi là Al-Masjid al-Haram, ở Mecca, thực hiện những lời cầu nguyện của mình.Chuyến hành hương tiếp tục đến Muzdalifa, nơi Lời cầu nguyện ban đêm được tiến hành, và hai mươi mốt viên sỏi được nhặt lên để thực hiện nghi lễ ném quỷ Satan ở Mina. Hai đến ba ngày ở Mina để tham gia rất nhiều buổi lễ khác nhau trước khi quay trở lại Mecca. Những gia đình đã thực hiện chuyến hành hương được phép thêm từ “haji” vào tên tuổi của mình.Khi còn là một cô bé, Djamila đã đặc biệt bị thu hút với niềm vui đầy háo hức về những câu chuyện của lễ kỷ niệm kéo dài bốn ngày sau đó, lễ id al-adha, nghĩa là Lễ Hy sinh, hay còn gọi là Lễ hội chính. Cô cũng luôn trông mong đến ngày được vẽ hình phương tiện giao thông mà cô đã sử dụng để thực hiện chuyến hành hương lên cửa trước nhà mình, một truyền thống của người Ai Cập mà những tín đồ Hồi giáo khác nhiều khi cũng bắt chước. Tuy nhiên, Djamila đã không bao giờ có cơ hội tới Mecca trước khi đất nước của cô nổ tung trong một cuộc chiến. Giờ thì cô nghi ngờ khả năng một ngày nào đó cô có thể làm như vậy. Quả thật, cô cảm thấy gần như không thể có chuyện cô sẽ trở về tổ quốc của mình trong bất kỳ thứ gì khác ngoài một chiếc quan tài.Cô gói ghém đồ đi làm của mình và đi xuống lấy xe. Cô liếc nhìn vào khoang chở hàng phía sau chiếc xe. Giấu kỹ trong đó là một chi tiết được bổ sung thêm mà không một nhà sản xuất nào từng nghĩ đến.