Triều Ca là Bồi đô của triều nhà Thương. Ở đây, Khương Thượng gặp được một người là Lâm Hổ, vị tộc trưởng họ Lâm trong nhóm chín họ đã từng liên chính chống triều đình nhà Thương trước kia. Lâm Hổ trong trận đánh với quân nhà Thương bị bắt sống, nhưng giữa đường ông trốn thoát, tìm tới Triều Ca mai danh ẩn tích, sống nhờ vào người bà con. Người bà con này làm quan trong triều đình, đã đứng ra mở một ngôi khách điếm giúp cho Lâm Hổ. Hằng ngày khách qua đường đến ở trọ rất đông, việc làm ăn cũng khấm khá. Lâm Hổ nghe Khương Tử Nha kể việc mình đã lưu lạc ở bên ngoài suốt những năm qua, không khỏi suýt xoa đồng tình. Hai người nhớ lại tình trạng cùng liên minh giữa chín họ để chống lại triều đình nhà Thương trước đây, cũng như hoàn cảnh trước mặt hiện giờ, đều cảm thấy bàng hoàng như chuyện xảy ra kiếp trước. Lâm Hổ nói: - Nay hiền điệt đã tới đây rồi, thì đừng bận tâm tới chuyện đời sống nữa. Tất cả đều do tôi lo liệu. Hễ tôi ăn gì thì chú ăn nấy thôi. Khương Tử Nha biết Lâm Hổ là người rất hào phóng, bèn nói: - Thưa thúc phụ, tôi được gặp chú ở tại Triều Ca này, thật hết sức vui mừng. Tôi tạm thời xin được ở tạm trong khách điếm của chú. Nhưng tất nhiên phải tìm một việc buôn bán nhỏ gì đó để làm, chứ không thể ngồi không để chú nuôi. Lâm Hổ hỏi: - Hiền điệt định buôn bán gì? Khương Tử Nha đáp: - Những công việc phức tạp thì cháu không thể làm, vậy thì đi bán bột mì cũng được. Hằng ngày đến lò xay bột mì mua mấy túi bột, rồi gánh ra phố rao bán lẻ. Chỉ cần tìm được một ít tiền lời để nuôi sống là tốt rồi. Lâm Hổ thấy Khương Tử Nha đã quyết tâm, bèn nói: - Được, bột mì sẽ do chú mua cho, còn cháu mua thêm một bộ gióng gánh, rồi gánh ra phố bán thử. Khi nào nghề này không làm được thì sẽ tính tới nữa. Lâm Hổ thay Khương Tử Nha lo liệu mọi việc xong. Đến ngày hôm sau, Khương Tử Nha bèn gánh một gánh bột mì rao bán lẻ. Ông đi từ chợ phía Đông sang chợ phía Tây, từ đường phía Bắc đến đường phía Nam, nhưng không thấy ma nào hỏi mua cả. Đến lúc mặt trời sắp lặn xuống núi, ông bèn bước những bước chân nặng nề gánh bột mì trở về khách điếm của Lâm Hổ. Thấy vậy, Lâm Hổ lên tiếng an ủi. - Này hiền điệt đừng lo lắng quá, vạn sự khởi đầu nan đấy mà. Ăn cơm xong hãy đi nghỉ ngơi, ngày mai lại gánh ra phố bán tiếp. Khương Tử Nha biết mình quá xui xẻo, nên cũng. không nói gì nhiều, chỉ buồn bã đi ăn cơm rồi trùm mền lại ngủ một giấc. Sáng sớm hôm sau, Khương Tử Nha lại gánh một gánh bột mì đi ra phố rao bán. Nhưng ông đi suốt một ngày, mà vẫn không bán được một lạng bột nào cả. Kịp khi trời sắp hoàng hôn, ông buồn bã gánh gánh bột mì đến dưới gốc cây cổ thụ ngồi xuống để nghỉ chân. Vừa lúc đó, bỗng nghe từ xa có tiếng xa mã chạy đến, rồi trông thấy từ phía Đông có một cỗ chiến xa do bốn con ngựa kéo chạy tới như bay. Trên xe không ai cầm cương cả. Khương Tử Nha thấy vậy hết sức hốt hoảng, vội vàng nép vào lề đường để tránh. Nhưng không còn kịp nữa cỗ xe vượt qua như gió hốt, bánh xe đã cán lên gánh bột mì của ông. Tức thì, bột mì liền bị sức gió của cỗ xe hốt bay đầy đất. Riêng Khương Tử Nha thì bị cỗ xa hất ngã bên vệ đường, nằm bất tỉnh không còn dậy nổi. Kịp khi ông cố gắng bò dậy, thì cỗ xe đã chạy đi mất hút từ lâu, chỉ còn lại gánh bột mì của ông đang nằm lăn lóc trên mặt đất, chung quanh đó bột mì đổ tung tóe. Khương Tử Nha hết sức đau đớn, to tiếng than: - Hỡi trời xanh ơi! Chả lẽ ông muốn dồn tôi vào con đường chết hay sao? - Dứt lời, ông té quỵ xuống đất bất tỉnh. Đến nửa đêm, những người làm công cho Lâm Hổ cùng đốt đèn đi khắp tứ phía để tìm kiếm Khương Tử Nha, và họ đã phát hiện ông đang nằm bất tỉnh dưới gốc cây cổ thụ, bèn xúm lại khiêng ông về khách điếm. Sau mấy hôm nằm nghỉ dưỡng bệnh, Khương Tử Nha mới dần dần bình phục trở lại. Lúc bấy giờ, tại Đông Thị của Triều Ca giá thịt heo mỗi ngày một tăng vọt. Có nhiều người đi xuống các địa phương mua heo sống mang về để bán, lời được rất nhiều tiền. Lâm Hổ sau khi biết tin này, bèn báo lại cho Khương Tử Nha biết, và cho ông mượn một số bạc làm vốn để đi buôn heo. Khương Tử Nha hết sức vui mừng, bèn xuống tận thôn quê mua hai mươi con heo sống, đi bất kể ngày đêm, mang trở về Triều Ca để bán lại. Nhưng khi ông tới Đông Thị, thì tất cả heo sống không ai hỏi mua nữa. Vì gần đây heo bị bệnh dịch, người trong thành không ai dám mua thịt heo để dùng. Do vậy, heo sống không bán được. Riêng hai mươi con heo của Khương Tử Nha, chỉ vài ba mươi hôm sau chúng đều lây bệnh dịch, chỉ trong vòng hai ba hôm đã chết sạch tất cả. Sau nhiều phen làm ăn thất bại, Khương Tử Nha buồn khổ vô cùng. Ông lại ngã bệnh, nằm trên giường không muốn ăn uống chi cả. Suốt ngày ông chỉ đưa đôi mắt nhìn đăm đăm lên trần nhà. Cũng may có Lâm Hổ cho người ở của mình ngày đêm lo chăm sóc, còn rước cả thầy thuốc tới để bốc thuốc chữa bệnh. Riêng Lâm Hổ cũng đích thân đến khuyên lơn an ủi. Nhờ vậy, một tháng sau Khương Tử Nha mới lần lần bình phục. Một hôm trời trong gió mát, Khương Tử Nha thấy nằm mãi trong khách điếm cũng buồn, nên ra ngoài để tản bộ. Khi ông đi đến một lò mổ bò, thấy trước cửa có dán một tấm giấy, cho biết hiện lò mổ đang cần một tay đồ tể, lương tháng là mười lạng bạc trắng, nếu ai muốn làm thì có thể đến thử việc vào ngày hôm sau. Khương Tử Nha trở về khách điếm, không đem việc này nói lại cho Lâm Hổ biết. Sáng sớm hôm sau, ông lặng lẽ đi thẳng đến lò mổ bò. Người chủ lò mổ liền trao cho mỗi người ứng thí một con bò sống, một con dao, bảo họ tự chọc tiết làm thịt con bò để mình quan sát. Năm người thợ mổ bò đến dự tuyển, trước tiên dùng thừng trói bốn chân con bò lại, rồi mới quật nó ngã xuống đất, chọc tiết, mổ thịt. Riêng Khương Tử Nha không cần trói bốn chân của con bò, mà dùng hai tay nắm lấy sừng bò quật ngang cho con bò té xuống đất. Cùng lúc, ông đã nhanh nhẹn dùng con dao cầm sẵn trong tay, đâm thẳng vào tim con bò khiến nó chết tốt không kịp giãy giụa. Người chủ lò mổ bò nhìn thấy hành động gọn gẩy, nhanh nhẹn của Khương Tử Nha thì hết sức vui mừng, bèn tuyển dụng ông trong số sáu người tới ứng thí. Thì ra, thời còn trẻ tuổi, Khương Tử Nha rất thích đi săn bắn, và thường giết chết được cả cọp, beo, gấu, bằng hai tay không với ngón đòn như vừa rồi. Như vậy, nghề mổ bò đúng là nghề sở trường của ông. Trước đây, lò mổ bò cứ mỗi hôm giết mười lăm con bò, và phải dùng hai thanh niên lực lưỡng làm trong một ngày mới xong việc. Nhưng hôm nay một mình Khương Tử Nha, cũng mổ với số lượng bò đó, mà chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ là xong tất cả. Người chủ lò mổ thấy thế, bèn tăng thêm cho ông mỗi tháng năm lạng bạc trắng nữa. Kể từ đó, đời sống của Khương Tử Nha tạm xem như đã ổn định. Sau khi Trụ Vương trấn áp được những cuộc tuổi loạn trong nước, cũng như bình định được sự phản kháng của bộ tộc Đông Di, nhà vua hết sức vui mừng, cho rằng từ nay về sau không còn ai dám chống đối mình nữa, bèn xuống lệnh tiếp tục xây dựng "Lộc Đài”. Viên đại thần chịu trách nhiệm xây dựng, thường gọi Khương Tử Nha tới nhà riêng của ông ta để mổ bò, nên biết tài mổ bò của Khương Tử Nha rất giỏi. Do vậy, ông ta bèn gọi Khương Tử Nha đến chuyên trách việc mổ bò, mổ dê, để cung cấp thịt cho thợ thuyền dùng. Khương Tử Nha lo việc mổ bò, mổ dê cho thợ xây dựng "Lộc Đài" suốt bảy năm. Ngôi Lộc Đài này cao hằng trăm trượng, chung quanh được trang trí ngọc ngà, châu báu, lóng lánh huy hoàng. Đến ngày khánh thành, Trụ Vương và các đại thần của nhà vua lên Lộc Đài để quan sát, cảm thấy rất hài lòng, bèn xuống lệnh thăng chức cho những người có công xây dựng. Viên đại thần chịu trách nhiệm xây dựng Lộc Đài, thấy Khương Tử Nha cũng là người có công mổ bò, mổ dê, suốt bảy năm dài, nên đã tiến cử với vua Trụ, ban chức Đại Phu cho Khương Tử Nha. Từ đó, Khương Tử Nha chuyên lo việc mổ bò, mổ dê, mổ heo, cho cung đình. Khương Tử Nha sống bằng nghề mổ bò, mổ dê, bán bột mì, buôn heo sống tại Triều Ca đã lâu. Suốt trong những năm đó, chính mắt ông trông thấy sự bạo ngược của vua Trụ, và chính mắt ông cũng trông thấy bá tánh đau khổ như thế nào. Cho nên ông hiểu rõ sự hủ bại của nhà Thương là đã đến mức cùng cực, vậy ngày diệt vong của nó cũng không còn bao lâu nữa. Ông lại được nghe ở Tây Kỳ có Châu Văn Vương, là một nhà vua đang lo việc cải cách nền cai trị của mình, giảm nhẹ tất cả mọi hình phạt, giảm nhẹ mọi thứ thuế khóa, quan viên ai ai cũng liêm khiết và biết thương yêu dân. Nhà vua còn chiêu đãi hiền sĩ, lấy đức để trị dân, nên bá tánh hết sức ủng hộ, thế nước ngày một cường thịnh lên. Khương Tử Nha nghĩ bụng: Ta phải tìm dịp tới Tây Kỳ phụ tá cho Văn Vương tiêu diệt vua Trụ của nhà Thương, để trả thù cho cha mẹ, và cứu bá tánh trong thiên hạ ra khỏi nước sôi lửa bỏng. Có một đêm, Khương Tử Nha ngồi nói chuyện chơi với Lâm Hổ, được Lâm Hổ báo cho biết, gần đây có một câu chuyện “Phượng gáy ở Tây Kỳ” như sau: - Châu Văn Vương vẫn thường tự mình mang cơm nước đến cho nông dân đang cày cấy ngoài ruộng, để khuyến khích nông dân lo việc trồng tỉa lúa thóc, hoa màu. Nhà vua còn đích thân dẫn thanh niên trong Vương thất xuống ruộng cày cấy, sống một cuộc sống cần kiệm, lao lực, giống y như mọi người dân. Nhà vua còn giáo hóa cho bá tánh ở Tây Kỳ phải biết hiếu kính cha mẹ, lo nuôi dưỡng dạy dỗ con em, và luôn luôn đề xướng một tinh thần công chính và tiết tháo, sẵn sàng giúp đỡ cho người neo đơn, cô quả, khiến Tây Kỳ dần dần trở thành một nước biết trọng lễ nghĩa. Do vậy, vùng đất nhà Châu đã trở thành một khu vực thịnh vượng. Bá tánh của những nước nhỏ ở chung quanh, bồng bế nhau cùng đến Tây Kỳ để sinh sống. Trên mười nước nhỏ chung quanh nhà Châu, đua nhau đến xin liên minh với nhà Châu và tôn Châu Văn Vương lên làm minh chủ. Vào hôm tiến hành nghi lễ liên minh, Văn Vương bước lên tế đàn để cúng tế trời đất. Có một con thần điểu từ núi Kỳ Sơn bay tới, đậu trên cành cây cao trước tế đàn. Con chim này có màu sắc rực rỡ, hết sức xinh đẹp. Đại phu Tản Nghi Sinh buột miệng kêu to: - Đấy là chim phượng hoàng! Con chim giương cổ hót vang một tiếng, rung chuyển cả bầu trời và truyền đi xa hằng trăm dặm. Chỉ trong nháy mắt, từ bốn phương tám hướng, có vô số các loài chim đua nhau bay tới, đáp xuống đậu chung quanh con phượng hoàng. Chúng nhảy múa như triều bái con phượng hoàng. Sau khi triểu bái xong, chúng lại nhảy múa và cất tiếng hót rất uyển chuyển, khiến ai nghe cũng đều say mê. Sau đó, con phượng hoàng bèn hướng dẫn bầy chim vỗ cánh bay về hướng núi Kỳ Sơn. Chư hầu bốn phương thấy thế, bèn quỳ xuống chúc tụng Văn Vương. Họ cho rằng Văn Vương dùng đức để cai trị thiên hạ, nên cảm động đến lòng trời, nay phái phượng hoàng xuống để triều bái nhà vua. Phượng hoàng là vua trong bách điểu, cảnh bách điểu triều bái vừa rồi là một cảnh tượng hiếm có. Đấy là điểm Văn Vương sắp được thiên hạ. Khương Tử Nha nghe Lâm Hổ kể xong, trong lòng hết sức vui mừng, nghĩ bụng: “Trụ vương là tên hôn quân vô đạo, còn Văn Vương là một người hiền minh có đức độ khác nhau rõ ràng. Như vậy, người tương lai tiêu diệt vua Trụ của nhà Thương để cai trị thiên hạ, chắc chắn là Văn Vương chứ không còn ai vào đây nữa. Vậy ta hãy tìm hiểu kỹ hơn về nội bộ của nhà Thương, để khi tới Tây Kỳ, sẽ giúp đỡ cho Văn Vương”. Đối với lòng dạ của Khương Tử Nha, Lâm Hổ đã biết rõ từ lâu, nhưng không bao giờ nói ra. Lâm Hổ lại nói: - Còn một chuyện quan trọng này nữa, không rõ hiền điệt có biết chưa? Tử Nha hỏi: - Còn có chuyện quan trọng chi nữa? Lâm Hổ nói: - Trụ Vương sau khi nghe tin đồn có phượng hoàng đáp xuống Tây Kỳ, liền đùng đùng nổi giận, cho rằng đấy là Văn Vương muốn bịa chuyện để lôi kéo nhân tâm, mưu đồ bất chính, cho nên Trụ Vương đã phái người đi bắt Văn Vương, và hiện đang chuẩn bị đem Văn Vương ra giết. Khương Tử Nha nghe vậy không khỏi kinh hoàng thất sắc, buộc miệng hỏi: - Như vậy thì biết tính sao? Lâm Hổ thấy Tử Nha quá cuống quít, đoán biết Tử Nha đang hướng về Tây Kỳ, bèn nói: - Hiền điệt chớ quá lo buồn. Nghe đâu ở Tây Kỳ đã phái người trưởng nam của Văn Vương là Bá Ấp Khảo và đại phu Tán Nghi Sinh đến Triều Ca, dùng nhiều tiền bạc và báu vật, hối lộ các đại thần triều nhà Thương. Đồng thời, họ cũng đem dâng cho Trụ Vương rất nhiều mỹ nữ, nên Trụ Vương đã bắt đầu thay đổi ý định, không giết Văn Vương nữa, mà chỉ đem giam ông tại Dũ Lý. Tử Nha nghe đến đây bèn thở thào nhẹ nhõm, lên tiếng hỏi: - Bá Ấp Khảo và Tán Nghi Sinh có thể cứu được Văn Vương chăng? - Đã là cát nhật tất nhiên sẽ có thiên tướng. Hiện nay có không ít các đại thần ở Triều Ca đang hướng về Văn Vương, nên họ đã cực lực giúp đỡ Bá Ấp Khảo và Tán Nghi Sinh tiến hành việc cứu Văn Vương. Ngay như chúng tôi là những người buôn bán, cũng mong sẽ có ngày Văn Vương lên làm Thiên từ, nên ai ai cũng bí mật quyên góp vàng bạc, báu vật để cho Bá Ấp Khảo và Tán Nghi Sinh lo việc cứu Văn Vương ra khỏi ngục. Không giấu chi hiền điệt, chính Lâm Hổ tôi cũng đã quyên góp năm chục lượng bạc đấy nhé! Khương Tử Nha chụp lấy cánh tay của Lâm Hổ, nói: - Thúc phụ quả là người am hiểu đại nghĩa. Nay tôi xin thay mặt Văn Vương thi lễ trước chú vậy! Khương Tử Nha làm nghề mổ bò và về sau lại được làm quan tại Triều Ca, cuộc sống ngày một khá hơn. Do vậy, ông đã trả lại tất cả số tiền trước đây đã mượn của Lâm Hổ. Lâm Hổ kiên quyết không nhận, nhưng thấy Khương Tử Nha nhất định đòi trả, nên ông bất đắc dĩ phải nhận lấy. Một hôm, Khương Tử Nha trở về nhà sớm, cùng ngồi nói chuyện với Lâm Hổ. Trong dịp này, Lâm Hổ bèn nói: - Này hiền điệt, mấy năm qua, đời sống của hiền điệt đã được ổn định, lại được làm quan, dù là quan lớn hay quan nhỏ cũng thế. Vậy, nên cưới vợ sinh con, để thành gia thất mới phải. Chả lẽ hiền điệt định sống trọn đời một thân một mình như thế này mãi sao? Khương Tử Nha đáp: - Xin đa tạ ý tốt của thúc phụ. Nhưng nay đã là người sáu mươi tuổi rồi, vậy còn cưới vợ sinh con chi nữa? Lâm Hổ tươi cười, nói: - Nếu hiền điệt có ý muốn thành gia thất, thì tôi sẵn có quen với một người họ Mã, tên gọi Mã Tài. Ông ta có một người em gái tên gọi Mã Châu, năm nay đã bốn mươi sáu, bốn mươi bảy tuổi. Nhà ông ta cách đây không xa. Vậy để tôi đến đấy nói chuyện với ông ta, xem tình hình thế nào? Nói dứt lời, Lâm Hổ đứng lên ra đi. Khương Tử Nha không cản lại. Đêm đó, khi vừa đỏ đèn, Lâm Hổ tươi cười trở về thấy mặt Khương Tử Nha, ông bèn nói: - Này hiền điệt, tôi xin chúc mừng chú đấy! Mã Tài và cô em gái của ông ta đã bằng lòng. Nếu hiền điệt có ý lập gia đình, thì nên sớm tiến hành đi nào. Anh em Mã Tài không đòi hỏi lễ nghi phiền phức vậy không rõ ý hiền điệt nghĩ sao? Khương Tử Nha thấy nếu cưới vợ cũng được, vì một là có con cái để nối dõi tông đường, hai là không phụ lòng tốt của Lâm Hổ. Cho nên ông đã bằng lòng. Lâm Hổ bèn chọn ngày hoàng đạo cát nhật, chuẩn bị mở tiệc cưới vợ cho Khương Thượng. Sáng sớm hôm ngày cưới, Lâm Hổ chuẩn bị sẵn một chiếc kiệu hoa, một đội nhạc nho nhỏ, vừa đánh trống thổi kèn vừa đi đến nhà họ Mã đế đón dâu. Phòng tân hôn được đặt trong khách điếm của Lâm Hổ. Người đời thường bảo: “Cô dâu mới bao giờ cũng siêng năng được ba hôm”. Sau khi Mã Châu về nhà chồng, mấy hôm đầu cũng tỏ ra chăm cần. Nào ngờ thời gian kéo dài thì chân diện mục của cô ta dần dần đã bộc lộ. Mã Châu là một cô gái thích ăn, biếng làm, suốt ngày thích đi sang nhà hàng xóm để tán gẫu, không chú ý gì tới chuyện nhà. Đêm đến, cô ta không chịu ngủ yên, mà bắt Tử Nha phải chơi đùa với mình. Tảng sáng, cô ta không chịu thức dậy sớm để lo nấu cơm, mà kéo mền phủ kín đầu ngủ đến mặt trời lên cao ba sào cũng chưa chịu dậy. Riêng Tử Nha thì phải vào triều đình làm việc rất sớm thường mang theo một chiếc bánh "mằn thắn" để ăn lót dạ. Đến trưa, Tử Nha trở về, Mã Châu chỉ nấu nướng sơ sài, chẳng khác nào bố thí cho kẻ ăn mày. Cũng may Tử Nha là người đã quen sống kham khổ, nên cũng không trách móc vợ. Nhờ vậy, hai vợ chồng vẫn sống yên ổn như mọi người. Sau một năm, Mã Châu sinh cho Khương Tử Nha một đứa con gái, đặt tên là Ấp Khương. Bé Ấp Khương thông minh lanh lợi, được mọi người chung quanh yêu thích. Đến năm bảy tuổi, cô bé càng thông minh, nên Tử Nha càng yêu quý, đặt hết hy vọng vào đứa con gái của mình. Những lúc có thì giờ rãnh rỗi, ông thường dạy con thi văn, viết chữ, vẽ tranh. Ấp Khương học gì biết nấy, càng ngày càng giỏi. Thỉnh thoảng cô bé con lấy thanh long kiếm của phụ thân ra múa, hết sức thích thú. Khương Tử Nha thấy vậy, cũng dạy cho con gái một vài đường kiếm. Một hôm, Khương Tử Nha từ lò sát sinh trở về nhà, thấy thì giờ còn sớm, nên muốn gọi Mã Thị lại để cùng nhau chuyện trò. Nhưng Mã Thị đang ở trong phòng cách một bức vách, la to: - Có chuyện gì thì cứ nói, bà ở đây nghe được rồi. Khương Tử Nha đáp: - Chúng mình đã là vợ chồng với nhau, xem như cũng có duyên phận. Nay tuổi đã lớn, lại có một đứa con gái lanh lợi dễ thương như Ấp Khương, âu cũng là có kết quả tốt. Vậy chúng ta nên sống hòa thuận với nhau, hà tất hằng ngày cứ tức giận la ó như thế? Mã Thị nói: - Kể từ ngày tôi lấy anh, chưa bao giờ được ăn một bữa cơm ngon, được mặc một bộ đồ đẹp. Cuộc sống như vậy, tôi không thể tiếp tục sống được nữa. Tôi đã suy nghĩ kỹ rồi, duyên phận của chúng ta tới đây là hết. Vậy tôi sẽ ly hôn với anh, mạnh ai đi đường nấy. Khương Tử Nha thấy Mã Thị đã dứt khoát, không còn cách nào cứu vãn được, nên đi tìm hai vợ chồng Lâm Hổ. Vợ chồng Lâm Hổ lấy lời hơn lẽ thiệt khuyên nhủ cả buổi, nhưng Mã Thị quyết bỏ chồng ra đi, vậy còn có cách nào khác hơn được. Khương Tử Nha đành phải viết tờ ly hôn với vợ, và nhờ Lâm Hổ làm chứng, rồi báo cho Mã Tài đến đưa em gái trở về nhà. Khương Tử Nha nghĩ tới tình vợ chồng từ bấy lâu nay, nhất là Mã Thị đã sanh cho ông một đứa con gái ngoan ngoãn nên đem hết tất cả tiền bạc mà bấy lâu nay ông dành dụm được, tặng cả cho Mã Thị để dùng về sau. Đứa con gái Ấp Khương thì đi theo cha. Về sau, khi Khương Tử Nha đến gặp Văn Vương, và chẳng mấy chốc đã được cử làm chức Thái Sư của Văn Vương, hết sức danh dự. Lúc bấy giờ Mã Châu cảm thấy hối hận, nên đích thân tìm với phủ Thái Sư, yêu cầu được làm vợ chồng trở lại với Khương Tử Nha. Mặc dầu Khương Tử Nha vẫn chưa tục huyền, nhưng đối với việc Mã Thị đã bỏ ông trong lúc ông đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn, nên bất luận thế nào cũng không thể tha thứ được. Ông bưng ra một thau nước lạnh, đổ ào xuống đất, rồi hỏi Mã Thị: - Cô có thể hốt số nước đổ xuống đất kia trở lại hay không? Mã Thị thấy thế, biết lòng dạ của Tử Nha đã quyết, chắc chắn không làm sao chung sống trở lại được, nên rơi lệ như mưa. Sau khi trở về nhà, Mã Thị đóng cửa rồi thắt cổ tự ải. Khương Tử Nha nghe tin Mã Thị thắt cổ chết, nghĩ đến tình chồng vợ trước kia, nên không khỏi cảm động rơi lệ, sai người mua quan quách tẩm liệm, đưa về tận quê hương ở Tây Châu để cử hành tang lễ một cách long trọng.