Sau khi Phạm Thư đến Hàm Dương, không có cơ hội nào gặp được Tần Chiêu Vương cả. Mặc dù Vương Kê đã chạy chọt nhiều nơi, cố gắng hết sức mình, nhưng vẫn không có hy vọng đưa Phạm Thư gặp được nhà vua. Phạm Thư thấy thời gian quý báu trôi qua một cách vô ích, trong lòng tiếc rẻ, nhưng không có cách nào khác hơn. Mỗi ngày ông phải trọ tại khách xá loại hạng bét, dùng cách đọc sách và đi xem xét dân tình để giết thời giờ. Trong thời điểm này, Tần Chiêu Vương đã ngồi trên ngai vàng được ba mươi sáu năm, thế nước ngày một cường thịnh. Đại tướng Bạch Khởi chỉ huy quân đội nước Tần, càn quét khắp mọi nơi, đi đến đâu thắng đến đấy. Ở phía Nam họ đánh Sở và cố chiếm cho kỳ được hai vùng đất quan trọng là Yên và Sính (quốc đô của Sở). Nước Sở từ đó bị suy yếu luôn, không còn vươn lên được để trở thành đối thủ với Tần nữa. Kế đó, Tần lại quay sang liên hợp với quân đội của bốn nước phía Đông là Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, đánh bại quân Tề, và đã trừ được một kình địch ở phía Đông là nước Tề. Sau đó, quân Tần còn đánh bại được quân của ba nước Hàn, Triệu, và Ngụy, khiến Ngụy và Hàn phải chịu cúi đầu nghe theo lệnh của Tần. Thời bấy giờ, triều thần nhà Tần liên tiếp vào chúc mừng nhà vua. Khi đó, trong triều đình nhà Tần cũng đầy dẫy nhân tài, "Tứ quý” thì nắm trọn quyền bính và bao giờ cũng bài xích những người không ăn cánh với mình. Tần Chiêu Vương lúc nào cũng ở tận trong nội cung, lại bị các quyền thần quý thích bao vây, nên không thể nắm được tình hình cụ thể ở bên ngoài. Thời Chiến Quốc là một thời kỳ tình hình luôn xáo trộn, trên vũ đài chính trị những mưu sĩ, những nhà thuyết khách đông đảo, đi khắp nơi để tìm cơ hội tiến thân, vàng thau lẫn lộn, cho nên số người trong tập đoàn thống trị cấp trên của nước Tần, không có ấn tượng tốt đẹp đối với những tân khách, biện sĩ từ các nước Chư hầu đến. Họ cho số người này là bất tài, kém học, chỉ biết nói suông chứ không có khả năng gì. Do vậy, Phạm Thư dù nghĩ đủ cách, vẫn khó chen chân vào được triều đình nhà Tần, để thi triển sở học của mình. Trong khi không còn cách nào khác hẳn, Phạm Thư bèn nhờ người gặp Tần Chiêu Vương để giới thiệu về gia thế của mình. Chủ yếu nói: "Hiện nay có một người nước Ngụy, tên gọi Trương Lộc tiên sinh, trí mưu hơn người, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Ông ấy muốn bái kiến Đại vương, và bảo: hiện nay nước Tần đang lâm vào cảnh hết sức nguy hiểm. Nếu để mất Trương Lộc thì sẽ gặp nguy, mà được Trương Lộc thì sẽ an toàn. Nguyên nhân tại sao, Trương Lộc phải gặp mặt Đại vương mới có thể nói hết được" Rõ ràng đây là những lời nói có ý phóng đại để cho Tần Chiêu Vương phải trọng thị. Nhưng, Tần Chiêu Vương đâu phải là một nhà vua thiếu kiến thức? Những chuyện na ná như thế, không phải mới xảy ra lần đầu. Tần Chiêu Vương cho rằng, những mưu sĩ, những nhà du thuyết trong thiên hạ thường thường vẫn thích rêu rao như thế. Cho nên nhà vua cũng không chú ý. Thế là Phạm Thư lại thất bại. Ông trở về nhà trọ tiếp tục ăn cơm thô, uống trà nhạt. Phạm Thư sống trong hoàn cảnh lo âu như vậy, không mấy chốc đã trôi qua một năm. Trên bầu trời thường có những cụm mây đến mà không ai đoán biết trước, cũng như đời người thường có chuyện họa phúc tới với mình mà không ai hay. Vui quá thành buồn, bỉ cực thái lai, đó là chuyện thường tình trong cuộc sống. Đến năm Châu Noãn Vương thứ 45 (năm 270 trước công nguyên), Thừa tướng Nhượng Hầu Ngụy Nhiễm muốn xua quân vượt qua nước Hán và nước Ngụy, để đi đánh nước Tề, chiếm lấy hai vùng đất Cương, Thọ, nhằm mở rộng phạm vi vùng đất phong của cá nhân mình ở Định Đào. Phạm Thư cho rằng đây là cơ hội tốt trời ban, hoàn toàn có thể chụp lấy để tiếp xúc với Tần Chiêu Vương, tranh thủ nhà vua để chen chân vào triều đình nhà Tần. Ngụy Nhiễm và Hoa Dương Quân đều là em trai của Tuyên Thái hậu. Lúc Chiêu Vương còn nhỏ, Tuyên Thái hậu đã lâm triều chấp chánh, và đã ủy nhiệm cho Ngụy Nhiễm làm Thừa tướng, phong chức Nhượng Hầu, và cũng phong chức cho người em trai khác làm Hoa Dương Quân, để nắm quyền cai trị đất nước. Sau khi Chiêu Vương trưởng thành, bèn phong cho em trai của mẹ mình chức Kinh Dương Quân và Cao Lăng Quân, có ý muốn chia bớt quyền hành trong tay bà mẹ. Chính vì vậy, mà những người trong tông thất, trong quý thích có dịp nắm quyền trục lợi. Gia đình riêng của họ còn giàu hơn cả Vương thất, khiến Chiêu Vương cảm thấy như nằm trên gai, nhưng không thể nói ra được. Lần này, Nhượng Hầu muốn đánh Tề để chiếm thêm hai vùng đất Cương và Thọ, với mục đích mở rộng thêm đất phong của mình ở Định Đào. Kết quả của hành động này chắc chắn sẽ tiến lên một bước nữa, củng cố thực lực của Ngụy Nhiễm, khiến gốc càng to mà nhành càng dày, tạo ra tệ đoan là thần tử còn mạnh hơn cả triều đình. Dựa vào tình trạng phức tạp đó, cũng như dựa vào sự tìm hiểu, phân tích và phán đoán thế giới nội tâm của Chiêu Vương suốt trong một năm qua, Phạm Thư mạnh dạn và dứt khoát gửi lên Chiêu Vương một bức thư nữa, với mục đích bày tỏ lòng đại nghĩa của mình. Ông nhắm đúng vào những tệ đoan đang tồn tại trong triều đình cũng như nỗi băn khoăn lo lắng của Chiêu Vương để đánh động nhà vua. Trong bức thư này Phạm Thư viết: "Tôi nghe nói một vị vua anh minh khi chấp chánh, thì sẽ tưởng thưởng cho người có công với nước, uy nhiệm trọng trách cho người có tài năng. Người có công to thì được hưởng lộc hậu, có tài cao thì được tước vị cao. Cho nên người bất tài không dám lạm chức, người có tài cũng không bao giờ bỏ rơi nhiệm vụ của mình. Trái lại, một nhà vua u mê bất tài, thì không phải như vậy, mà chỉ thưởng cho người mình yêu thích, phạt người mình ghét bỏ. Sự thưởng phạt hoàn toàn không có căn cứ, mà chỉ dựa vào cảm tình trong nhất thời. Tôi cũng nghe nói, người giỏi làm giàu cho cá nhân mình, thường lấy của cải từ quốc gia, còn người giỏi làm giàu cho quốc gia, thì thường lấy của cải từ của chư hầu. Khi thiên hạ có một vị quân vương anh minh, thì chư hầu sẽ không thể chuyên quyền chuyên lợi. Đó là tại sao? Vì vậy một nhà vua anh minh, bao giờ cũng giỏi việc cắt bớt quyền bính của chư hầu. Một vị lương y có thể đoán biết sự chết sống của một bệnh nhân, còn một vị minh chúa có thể đoán biết sự thành bại của nước nhà. Thấy việc có lợi thì thực hành, thấy việc có hại thì xóa bỏ. Khi có lòng nghi thì bớt đi sự tưởng thưởng. Từ xưa tới nay, những vị minh quân như vua Thuấn vua Ngu, đều làm như vậy cả. Có một số lời không tiện nói sâu ở bức thư này, nhưng nếu nói không sâu thì không đủ làm cho Đại vương chú ý. Tôi mong Đại vương có thể cho một chút thời giờ nhàn rỗi, để tôi được gặp mặt nói thẳng. Nếu những lời nói của tôi đối với việc trị quốc hưng bang không có hiệu quả gì, thì tôi bằng lòng chịu sự trừng phạt nghiêm khắc. Vậy xin đừng vì khinh thường tôi mà khinh thường cả người đã tiến cừ tôi". Chỗ đáng quý và hiếm có trong bức thư du thuyết của Phạm Thư, là có một tư tưởng chính trị sâu sắc, trực tiếp đề cập đến vấn đề chế độ dùng người. Về cách dùng người, ông cực lực chủ trương chọn dùng những người hiền tài, tưởng thưởng cho những người có công về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, cực lực phản đối cách dùng người chỉ nhắm vào những người thân. Trong thời kỳ đầu của xã hội phong kiến, từ lâu đã quen dùng bà con giòng họ của mình. Cho nên tư tưởng này quả là một tia sáng lấp lánh. Kế đó, Phạm Thư còn cực lực đả kích hiện tượng quyền thần nắm hết quyền bính của quốc gia, và chỉ rõ mối nguy hại của việc triều đình thì suy yếu còn thần tử thì lại mạnh lên. Đối với việc tăng cường trung ương tập quyền và củng cố địa vị thống trị của nhà vua, đó là những ý kiến rất sáng suốt. Tần Chiêu Vương là một nhà vua có hoài bão lớn thế nhưng tông thất và quý thích trong vương thất, đã chiếm hầu hết quyền hành, khiến kế hoạch muốn làm cho nước giàu binh mạnh của nhà vua bị cản trở. Đó chính là một nỗi băn khoăn mà nhà vua vẫn để trong lòng từ bấy nhiêu năm qua. Những lời nói trong bức thư của Phạm Thư đã đánh trúng vào nỗi băn khoăn đó của Tần Chiêu Vương. Hơn nữa, những lời nói bí ẩn, hàm súc viết trong thư làm cho Tần Chiêu Vương càng phải băn khoăn suy nghĩ, muốn được giải đáp ngay. Nhất là trong bức thư Phạm Thư có thề, bảo đảm mình là người đủ mưu lược để trị quốc, và có thể giúp cho Tần chiêu Vương thoát khỏi cảnh lúng túng trước mắt. Chính vì vậy, Tần Chiêu Vương không thể không triệu kiến Phạm Thư. Qua đó cho thấy, Phạm Thư chẳng những là người kinh luân đầy bụng, mà còn là người rất giỏi tính toán. Tần Chiêu Vương xem xong bức thư quả nhiên rất xúc động, và cũng rất cao hứng, bèn cho người tưởng thưởng Vương Kê đã tiến cử được người hiền tài. Đồng thời, cũng phái người hướng dẫn Phạm Thư vào cung để gặp mặt nhà vua. Một người có mưu trí xuất chúng, trong khi cơ hội chưa đến với mình, có thể cố chịu đựng sự buồn tẻ. Nhưng một khi có cơ hội đã xuất hiện, thì họ sẽ tìm đủ cách để lợi dụng cơ hội đó. Vì họ biết thời cơ không thể để mất. Phạm Thư cũng là một người như vậy. Trước khi Phạm Thư vào cung Tần, trong lòng đã suy nghĩ đầy đủ mọi việc. Ông đã chuẩn bị đây đủ mọi chi tiết khi ra mắt nhà vua. Cho nên sau khi bước xuống xe, ông liền đi thẳng vào cung cấm. Tần Chiêu Vương được mọi người theo hầu đang từ trong đi ra. Phạm Thư không tránh né, chừng như xem chung quanh không có ai. Hoạn quan thấy thế, to tiếng quát bảo: - Đại vương đã đến, tại sao không tránh mặt? Phạm Thư bình tĩnh phản bác: - Nước Tần nào có Vương, mà chỉ có Thái hậu và Nhượng Hầu! Lời nói đó rõ ràng là nhằm khích chí Tần Chiêu Vương. Do lời nói nhắm thẳng vào tệ đoan đương thời, và đánh trúng vào tâm trạng của Tần Chiêu Vương nên đã thu được hiệu quả rất cao. Tần Chiêu Vương nghe vậy, chẳng những không giận, mà trái lại mời Phạm Thư vào gian phòng kín, cư xử theo bậc thượng khách, rồi hai người cùng nhau đàm luận mọi việc. Phàm là người túc trí đa mưu, bao giờ cũng có thể xứ lý một cách thích đáng giữa hư và thực, giữa sự căng thẳng và sự buông lỏng. Cho nên Phạm Thư đã nắm vững tâm lý của đối phương, càng muốn đi sâu vào vấn đề cốt lõi, thì lại càng tỏ ra không quanh co, tránh né. Tần Chiêu Vương kính cẩn lên tiếng hỏi: - Tiên sinh có điều gì để dạy quả nhân? Phạm Thư lại "ấp a ấp úng", tránh trả lời thẳng câu hỏi trên. Phạm Thư tỏ thái độ như thế đến ba lần. Tại sao vậy? Một là ông muốn Tần Chiêu Vương ghi nhớ buổi nói chuyện này có tính cách rất quan trọng ; hai là nhằm đề cao địa vị của mình trước mặt nhà vua. Thấy Tần Chiêu Vương thiết tha muốn thỉnh giáo, nên thái độ của Phạm Thư rất thành khẩn, uyển chuyển đáp: - Thần vốn không dám làm như vậy. Xưa kia Khương Thượng ngồi buông câu bên bờ Vị Thủy, chờ khi gặp được Châu Văn Vương, thì chỉ trong một lời nói là Văn Vương đã gọi bằng Thượng Phụ. Sau đó nhà vua đã dùng mưu lược của Khương Thượng, tiêu diệt được nhà Thương và giành được thiên hạ. Trong khi đó thì các đại thần như Cơ Tử, Tỷ Can, nguyên là quý thích và cũng là một bậc trung thần, thường có lời can gián vua Trụ nhà Ân, nhưng vua Trụ chẳng phải không nghe, mà còn biến họ xuống làm nô lệ, hoặc trừng trị bằng cực hình. Rốt cục, mọi người đều rời xa, nên Trụ Vương đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan, hết sức bi thảm. Hai thái độ đó, hai kết quả đó, không có nguyên nhân chi lạ, mà chủ yếu là khác nhau ở chỗ tín nhiệm và không tín nhiệm. Nếu như Châu Văn Vương xa lánh Khương Thượng, không tin mưu lược của người, thì Châu Văn Chương đâu phải là người có cái đức của bậc thiên tử, và Văn Vương cũng như Võ Vương, sẽ không thể nào hoàn thành Vương nghiệp của mình. Nay thần là người rời bỏ quê hương, từ xa đến đây sống nơi đất nước xa lạ, chung quanh không có người thân, mà những lời cần nói, đều là đại kế có tương quan đến sự hưng vong của quốc gia, hoặc có tương quan đến sự thân sơ đối với người cốt nhục của Đại vương. Nếu nói không sâu thì không hết ý, không cứu được nước Tần. Vả lại, nếu nói quá nông cạn, thì cái họa của Cơ Tử và Tỷ Can trước kia, sẽ giáng ngay xuống đầu thần. Cho nên Đại vương ba lần hỏi mà thần không dám nói, là vì không biết Đại vương tin hay không tin đấy thôi. Những lời nói mở đầu của Phạm Thư, chính là những lời nói mà ông suy nghĩ thật chín chắn. Phạm Thư đã xem Chiêu Vương như Châu Văn Vương, Châu Võ Vương, làm cho lòng hiếu danh của nhà vua cảm thấy thực thỏa mãn, giúp cho bầu không khí khi nói chuyện được thuận lợi hơn, cảm tình hơn giữa hai người cũng được đậm đà hơn. Phạm Thư tự ví mình như Khương Thượng, tuy đang sống giữa chốn núi non, nhưng lại là người có tài trị quốc, có thể giúp cho một vị minh chúa hoàn thành sự nghiệp một cách oanh liệt. Vấn đề cốt lõi là ở chỗ quân vương có “tin hay không tin". Có "dùng hay không dùng”. Nếu là người hiền tài mà không được dùng, thậm chí đem giết đi, thì vị quân vương đó tự hạ mình thành một vị bạo chúa, cũng như vua Trụ đời nhà Thương. Giết hiền tài có hại cho đất nước, là điều đại kỵ của các vị minh quân từ xưa tới nay. Những lời nói đó chẳng những gióng lên một tiếng chuông cảnh báo cho Tần Chiêu Vương, mà còn tranh thủ được sự an toàn cho bản thân mình. Tiếp đó, Phạm Thư đã xoay quanh chủ đề "tin và không tin" để bàn luận thao thao: - Đại vương tin lời nói của thần, thì dù chết thần cũng không xem đó là tai họa thiệt thân, không lấy đó làm buồn. Dù phải xâm khắp mình mẩy để làm một thằng hủi, bỏ tóc xõa để làm một thằng điên, thần cũng không cảm thấy đó là nhục. Thần chỉ sợ người trong thiên hạ thấy thần tỏ lòng tận trung mà lại bị chết, rồi từ đó về sau không ai dám lên tiếng nói gì, không ai dám bước chân đến nước Tần này nữa. Những lời nói bi tráng và đầy khẳng khái trên, bước thêm một bước nữa chứng tỏ ông là người sẵn sàng phơi gan trải mật, và đã xúc động được lòng Tần Chiêu Vương qua tình cảm chân thật của mình. Ông đã gạt bỏ ra ngoài tất cả những gì về mình, và chừng như cơ bản đều xuất phát từ lợi ích cua nước Tần, nói lên những lời nói đầy đại nghĩa, khiến đối phương càng thêm tin tưởng ở mình. Sau những lời dọn đường đó, cuối cùng Phạm Thư mới đề cập đến những vấn đề thực chất, chỉ rõ những tệ đoan về mặt chính trị của nước Tần thời bấy giờ. - Đại vương trên thì sợ uy nghiêm của Thái hậu, dưới thì bị mê hoặc bởi sự dua nịnh của gian thần, suốt ngày ở sâu trong cung cấm, ít đi ra ngoài, suốt ngày không rời khỏi hai bàn tay nâng niu của người hầu, thì chắc chắn cả đời sẽ bị mê hoặc, khó phán đoán được đâu là thiện, đâu là ác. Thời gian nếu kéo dài ra, thì cái hại lớn sẽ dẫn đến làm nghiêng ngửa xã tắc tông miếu, cái hại nhỏ là bản thân bị cô lập và sẽ lâm nguy. Đây là điều mà thần rất sợ. Nếu thần phải chết mà nước Tần được trị, thì thần có chết cũng còn hơn là sống vậy. Thực ra, những tệ đoan nói trên là đang tồn tại, nhưng không phải là chuyện cấp bách phải giải quyết của nước Tần. Phạm Thư sở dĩ phóng đại lên như vậy, là có ý muốn nương theo nguyện vọng "lành mạnh triều đình và làm yếu các thần tử chung quanh" của Tần Chiêu Vương. Đồng thời, ông cũng dựa vào đó để lật đổ những kẻ thù chính trị, giúp mình đứng vững cũng như xác lập địa vị của mình trong triều đình nhà Tần sau này. Chỉ cần địa vị được vững, thì tất cả mọi vấn đề khác sẽ tự nhiên cũng được giải quyết êm xuôi theo. Dụng tâm của một nhà mưu lược, vẫn thường biểu lộ trong một lời nói, một việc làm. Để thực hiện mọi ý đồ chính trị của họ, họ luôn luôn vắt óc để suy nghĩ ra mọi biện pháp. Do những lời nói của Phạm Thư đã đánh trúng tâm trạng thầm kín của vua Tần, nên vua Tần mới xem phạm Thư là người tri âm. Nhà vua dùng đại lễ đối với Phạm Thư, rồi nói lên những lời nói tận tâm can của mình: - Nước Tần ở vào một góc xó xa xôi, còn quả nhân là người kém trí. Nay tiên sinh tới đây, quả là trời đã ban ân cho nước Tần. Từ nay về sau, mọi chuyện lớn nhỏ, bên trên có liên quan tới Thái hậu, bên dưới có liên quan tới các vị đại thần, mong tiên sinh sẽ chỉ dạy cho quả nhân, đừng có thái độ nghi kỵ chi cả. Thế là Phạm Thư đã được Tần Chiêu Vương hết sức tín nhiệm, tạo đây đủ điều kiện cơ bản để ông vào chính trường, và mạnh dạn tiếp tục bước những bước vững chắc lên vũ đài chính trị đầy phức tạp.