Sáng ra, Minh Viễn đi làm sớm. Hiểu Đan và Hiểu Bạch cũng đi học hết. Ở nhà chỉ còn lại Phương Trúc. Bà ngồi chết nơi bàn học nhìn ánh nắng ngoài cửa. Bà còn bao nhiêu việc phải làm như đi chợ, về giặt đồ dọn dẹp nhà cửa... Công việc bề bộn chưa làm được gì mà trời lại mau trưa. Tuy nhiên, công việc của bà không gì bận rộn, lo âu bằng vấn đề của Hiểu Đan. Bà nghĩ rằng muốn giữ được bí mật câu chuyện bi thương của mười tám năm về trước không còn cách nào hơn là cản trở việc yêu đương của Hiểu Đan. Tuy nhiên, cản trở cách nào bây giờ? Mười mấy năm về trước mẹ bà đã không cho bà được cái quyền tự do yêu đương thì bây giờ lý do nào bà có thể tái diễn cái trò ấy nữa. Và Như Phong, trời xui chi nó lại là cháu Mộc Thiên! Tên Mộc Thiên mỗi lần nhắc đến như một lưỡi dao bén cắt đi của bà từng đoạn ruột. Bà úp mặt xuống bàn, thở dài và lắc đầu thật mạnh. Bỗng có tiếng mở cửa, chắc là Hiểu Bạch khi sáng đi học quên khóa cửa. Bà gắng gượng ngẩng đầu lên lắng nghe tiếng chân đi vào nhà. Bà quay đầu lại thì ra người mở cửa chính là Như Phong. Mặt hắn bơ phờ, mắt lõm xuống chứng tỏ đã mất ngủ suốt đêm quạ Nhắm mắt lại, ước mong của bà bây giờ Như Phong là một thằng ngốc, một kẻ lưu manh để bà có cách đối phó dễ hơn. Đằng này hắn là một thanh niên trí thức và nét mặt cương quyết đầy liều lĩnh thì bà còn cách nào để đối phó bây giờ. Hơn nữa, nơi người hắn có một hấp lực như sức hút của một thỏi nam châm! Như Phong cung kính chào: - Thưa bác! xin lỗi, cháu đã đến quấy rối bác. Phía sau sự lễ phép của chàng như tìm ẩn ý tưởng phá vỡ những gì bà cố giữ gìn. Phương Trúc chỉ cái ghế trước mặt. - Mời cậu ngồi. Như Phong ngồi xuống ghế, nhìn thẳng lên mặt bà. Sắc mặt chàng bây giờ đã bớt trắng, giọng nói được tự nhiên hơn- Thưa bác, sáng nay Hiểu Đan có gọi điện thoại đến cháu cho hay là bác cấm không cho chúng cháu đi lại với nhau. Tuy nhiên cháu vẫn nghi ngờ là không biết có đúng sự thật như vậy không? Phương Trúc gật đầu: - Thưa bác, cháu thắc mắc một điều là có phải giữa gia đình bác và gia đình dượng cháu có gì hiềm khích? Như vậy bác phản đối riêng cá nhân cháu hay phản đối cháu của Hà Mộc Thiên. Câu hỏi thành thật ấy làm bà hơi băn khoăn. Vẫn biết tuổi trẻ lúc nào cũng bướng bỉnh nhưng trong cái bướng ấy luôn luôn chứa đựng những cái gì dễ mến. - Thưa bác, hôm qua về nhà, cháu có đem chuyện xảy ra thuật lại cho dượng cháu nghe. Dượng cháu chỉ nói sơ rằng: Mười mấy năm về trước, ông đã có chuyện xích mích với hai bác. Nhưng theo suy nghĩ của cháu thì đó không phải là xích mích mà phải nói là thù hận. Thế nên, bác mới cương quyết phản đối việc của hai cháu. Thưa bác, cháu nghĩ rằng hôm nay không còn là thời đại của thế kỷ mười tám, tức không còn hận thù. Bởi vậy, khi nhắc đến hai bác, dường như dượng cháu đau khổ lắm. Gần hai mươi năm rồi thời gian sẽ làm phai nhòa đi sự thù hận ấy, theo sự nhận xét của cháu thì chẳng những dượng cháu không ghét hai bác mà còn thích nữa là khác, nhất là Hiểu Đan. Phương Trúc giật mình. - Ông ấy... đã gặp Hiểu Đan rồi? - Dạ bác quên đấy chớ, hôm qua Hiểu Đan đến nhà cháu trước rồi cùng cháu mới về đây mà. Bà càng kinh hãi hơn: - Ông ấy thích Hiểu Đan? - Dạ! vả lại đêm qua ông còn nói với cháu rằng, nếu hai bác có phản đối chuyện của hai cháu thì ông sẽ tận lực giúp đỡ cho cuộc hôn nhân thành công. Bà bỗng lớn tiếng: - Không được! không được! nhất định không được! Như Phong trợn mắt nhìn thẳng vào mặt Phương Trúc: - Thưa bác! Chàng lại im một lúc rồi tiếp: - Thưa bác cháu vẫn biết phận cháu không làm sao có thể đem sánh với Hiểu Đan được. Tuy nhiên, cháu vẫn vững niềm tin vì biết chắc chắn rằng nàng thật tình yêu cháu, cháu cũng hết mực yêu nàng, cháu cam đoan với bác... - Cậu Phong! Bà phải cố gắng lắm mới nói được. - Cậu Phong những điều cậu nói đã hoàn toàn sai rồi. Cậu rất xứng đáng để làm người yêu của Hiểu Đan. Cậu tốt lắm, Tuy nhiên, tôi yêu cầu cậu đừng nên yêu Hiểu Đan. - Thưa bác, tại sao? Bác vui lòng cho cháu biết nguyên nhân ấy. Cũng lại câu hỏi tại sao? bọn trẻ rất có nhiều lý do buộc người lớn phải cho biết nguyên nhân nhưng bà không thể nào thỏa mãn những yêu sách ấy. Phương Trúc ngồi bất động. Đầu óc nhức muốn vỡ ra, mắt mờ đi chỉ còn nghe được tiếng nói mơ hồ của Như Phong. - Thưa bác, hay là bác nghĩ rằng cháu không đủ tư cách làm rể thì xin cho cháu thời gian lui tới để bác theo đi và phán xét. Bằng ngược lại chỉ vì chuyện quá khứ ấy của dượng cháu thì tội nghiệp cho hai cháu lắm. Hai cháu hoàn toàn vô tội, mới bắt đầu vào yêu, nếu đem tình yêu ấy làm vật hy sinh cho người lớn, cho thù hận gần hai mươi năm về trước thì còn gì đau đớn hơn! Lời nói ấy là một lập luận hết sức vững chắc, có lý buộc bà phải đáp. Tuy nhiên bà vẫn không thể nào thỏa mãn được cho chàng. Cũng như trên đời có nhiều trường hợp không có lý do để mà nói, tức có sự việc xảy ra mà không ai giải thích được lý do nào đưa đến thành quả ấy. Chẳng hạn tại sao Như Phong lại là cháu Mộc Thiên? Tại sao mười tám năm rồi, câu chuyện tình ấy vẫn còn đeo đuổi mãi để cắn rứt lương tâm bà. Và Hà Mộc Thiên con người ma quỷ ấy, bà đã cầu mong chết đi thì bây giờ vẫn còn trơ trơ đó, có liên hệ với con bà! Ai là người có thể trả lời được những câu hỏi ấy thì bà có thể trả lời cho Như Phong bây giờ. Hay là, kiếp trước bà gây nhiều nghiệp chướng đã nợ Mộc Thiên nên kiếp này phải trả. Mười tám năm nay, bà đã chịu đựng biết bao khổ sở, đã tốn bao nhiêu nước mắt chỉ vì vết nhơ của thời con gái. Nhịn nhục bị mắng chửi cũng chỉ vì Mộc Thiên mà ra. Người cha vô trách nhiệm ấy giờ này lại muốn cưới con gái của bà cho cháu ông hay là muốn cướp lại đứa con gái của bà cho cháu ông. Ông không biết những mười tám năm rồi. Không! không! không thể nào có được! nhất định là không! Phương Trúc nói lớn: - Cậu Phong! tôi không cần đưa ra lý do nào để giải đáp câu hỏi ấy. Tôi chỉ có thể nói cho cậu rằng tôi không thể chấp nhận chuyện cậu và Hiểu Đan yêu nhau, chỉ có thế và cậu cũng chỉ cần biết có thế. Tôi mong rằng kể từ nay, cậu đừng đến đây tìm Hiểu Đan nữa. Cậu cứ xem như không hề quen biết với con tôi là được. Thời này, trai thiếu gái thừa, với địa vị của cậu muốn cô nào lại chẳng được cần gì phải là Hiểu Đan. Chàng nhìn Phương Trúc thật lâu rồi nói: - Thưa bác, cháu không tìm được một Hiểu Đan thứ hai! Bà kinh ngạc sực nhớ lại cặp mắt si tình và gương mặt đầy cương quyết của chàng nên hỏi: - Bộ cậu yêu Hiểu Đan đến thế sao? - Thưa bác, cháu xin thề... Bà lắc đầu ngắt lời: - Nhưng không được, nhất định không được. Hai tay bà ôm mặt lắc đầu tuyệt vọng: - Như Phong xin cậu miễn chấp, vì tôi có một nỗi khổ không thể nào nói được, tôi không thể. - Thưa bác, cháu xin bác tha thứ cho nỗi lòng chúng cháu. Nỗi lòng của hai đứa sẽ chết... Chàng cắn chặt răng nhất quyết: - Dù bác có trách móc hay mắng chửi gì cũng được. Cháu xin thưa trước với bác là bằng bất cứ giá nào cháu cũng không bỏ rơi Hiểu Đan. Cháu nhất quyết đeo đuổi đến cùng. Bà ngẩng đầu lên: - Cậu uy hiếp tôi à? Chàng nhắm mắt: - Dạ, cháu đâu dám, bác nghi oan cho cháu rồi. Cháu chỉ muốn thưa thật với bác là không bao giờ có thể xa Hiểu Đan được. Cháu xin vô phép là ngày xưa chắc bác đã một thời yêu đương như chúng cháu bây giờ, hy vọng bác hiểu giùm nỗi lòng chúng cháu tội nghiệp. Cháu không có ý nghĩ uy hiếp bác bao giờ. Chắc bác đã một thời yêu đương như chúng cháu! Dĩ nhiên là đã một thời, một thời mà đến nghìn đời vẫn chưa quên và chưa quên nên mới có chuyện ngày hôm nay! Hiểu Đan bây giờ đang bước vào thời đại ấy! thời đại được mệnh danh thời đại của tình yêu! tuổi trẻ nào lại không một lần bước đến, không bị cái mãnh lực ấy lôi cuốn như hạt bụi bay đi trong gió lốc! bà ngước lên, nhìn thẳng vào mặt Như Phong: - Cậu thật yêu Hiểu Đan lắm sao? - Dạ. - Bỏ địa vị, bỏ tài sản, bỏ tất cả trong Thái An? Chàng gật đầu- Thưa bác, cháu có thể bỏ tất cả vì những tài sản và địa vị ấy với cháu không bao giờ cần thiết. Sở dĩ cháu đã ở lại nơi ấy chỉ vì nể công nuôi dưỡng của dượng mà thôi. Bà cắn răng: - Còn dượng cậu, cậu có thể đoạn tuyệt luôn được không? Cậu không bao giờ gặp mặt, không bao giờ bước chân đến nhà dượng cậu nữa. Như Phong kinh ngạc: - Thưa bác! Phương Trúc nhân được cơ hội tấn công tiếp: - Cậu có thể thực hiện được không? Như Phong nhíu mày: - Thưa bác, tại sao vậy? - Cậu đừng hỏi tại sao, chỉ cần trả lời dứt khoát được hay không mà thôi. - Đây là điều kiện để bác chấp nhận tình yêu giữa cháu và Hiểu Đan? - Vâng! cậu bằng lòng không? Hai người lại nhìn nhau, một khoảng khắc nặng nề trôi quạ con người tình yêu và con người trung hiếu đang chiến đấu trong lòng Như Phong thật mãnh liệt. Cuối cùng con người trung hiếu đã thắng nên chàng thở ra nhẹ nhõm: - Không, thưa bác, cháu không thể làm như vậy được. Cháu không thể mang danh bất hiếu với dượng cháu được. - Vậy thì cấm cậu đi lại với Hiểu Đan. Cậu phải chọn một trong hai người là Hiểu Đan và dượng cậu. Như Phong lắc đầu: - Thưa bác, bác không nỡ lòng bắt buộc một người con phải xa lìa cha mẹ thì bác cũng không nỡ bắt cháu xa dượng, Đời cháu chỉ có dượng vì dượng là người duy nhất đã nuôi dưỡng cháu từ khi mới lên 10. Giờ đây cháu đã thành danh, không một lý do nào có thể phụ Ơn được. Xin bác rộng xét cho cháu nhờ. Cháu không thể vì một người con gái mà quên đi kẻ đã nuôi mình. - Nói vậy trong lòng cậu chỉ có hình bóng dượng mà không có Hiểu Đan? - Thưa bác, nói vậy tội nghiệp cho cháu. Trong lòng cháu luôn luôn có hình bóng của hai người tất cả đều quan trọng như nhau, không đố kỵ nhau. Cháu không thể vì người này mà bỏ người kia. - Nhưng nếu hai người đố kỵ nhau thì sao? Cậu chọn bên nào? - Với cháu, hai người không thể đố kỵ nhau được? - Nếu có thì sao? Như Phong nhìn Phương Trúc một lúc rồi quả quyết: - Cháu không thể bỏ rơi bất cứ bên nào, không thể xa dượng cũng không bỏ Hiểu Đan. Bà mệt mỏi ngồi xuông ghế: - Thôi được, cậu đi đi. Hiểu Đan không thể tiếp tục giao du với cậu nữa. Riêng phần cậu, dĩ nhiên tôi không chút quyền hành nhưng cậu nên nhớ một điều là Hiểu Đan lúc nào cũng phải nghe lời tôi. Không có sự bằng lòng của tôi, nó không bao giờ dám giao du với cậu nữa. Tôi tin chắc thế. Như Phong ngồi đó như người vừa thất trận. Chàng biết lời nói ấy của Phương Trúc là sự thật, vì Hiểu Đan nhút nhát, lúc nào cũng sợ mẹ. Nàng thà để tim mình rỉ máu chứ không bao giờ muốn nhìn một giọt nước mắt của mẹ chảy vì mình. Chàng nắm chặt tay ghế, gắng thuyết phục Phương Trúc: - Thưa bác, bác nỡ tàn nhẫn như thế được sao? Bà không ngước đầu lên, giọng thật nhỏ: - Cuộc đời là phải thế! - Thưa bác, xin phép bác có thể cho cháu biết ngày xưa dượng cháu đã làm nên chuyện lầm lỗi gì mà giờ này bác còn hận? theo thiết nghĩ của cháu thì rất có thể ngày xưa đã hiểu lầm nhau vì dượng cháu thật thà, chưa bao giờ làm phật lòng một ai cả. Bà đưa tay che miệng cười mỉa: - Thật thà! tôi cho cậu biết, dượng cậu là một con người đạo đức giả, một kẻ ngụy quân tử! Như Phong đứng phắt dậy. - Thưa bác, bác bằng lòng gặp dượng cháu không? ở đời không có một mối thù nào mà không hòa giải được. Bà la lên: - Không! không bao giờ tôi gặp ông ấy nữa! Bà cũng đứng phắt dậy, mặt hầm hầm: - Thế là đủ lắm rồi Cậu có thể về đi! - Thưa bác... Bà nghiêm giọng cắt đứt lời chàng: - Đủ rồi, cậu không cần nói nữa. Chàng miễn cưỡng gọi thêm: - Thưa bác... - Tôi đã nói đủ rồi, cậu nghe chưa? Tôi không muốn nghe một lời nào nữa, cậu hiểu chưa? Chàng lẳng lặng bước ra khỏi phòng. Bà đứng thừ người như một cây trụ. Mang giày xong, chàng quay đầu lại bà lần nữa. - Bác là một người mẹ không có tình người! - Thế à? Chàng vẫn còn nổi điên: - Lạnh lùng và tàn nhẫn, Tôi thấy lạ, không hiểu sao Hiểu Đan tại sao lại là con của bác. Bước ra đến cổng, cơn giận vẫn chưa nguôi: - Bây giờ không còn là thời con cái phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ. Bác đừng hòng tái diễn vở bi kịch Romeo và Giulliettẹ Bác dù có đồng ý hay không, cháu nhất định phải lấy được Hiểu Đan không bao giờ chịu thua. Như Phong đóng mạnh cánh cửa rồi lững thững bước. Tiếng vang của cánh cửa như tiếng sét kinh hồn đang giáng vào đầu bà. Lạnh lùng và tàn nhẫn, những thứ ấy đã làm nên bà sao? Hay là số mạng, cuộc đời hay cái thế giới muôn hình vạn trạng này? Bà ngã quỵ xuống tấm tatami, nước mắt chảy dài trên má. Bà không còn thấy gì nữa, miệng lẩm bẩm: - Lạnh lùng và tàn nhẫn...