Sau đó, Phạm Thư lại phân tích tình hình nước Tần cho Tần Chiêu Vương nghe: - Nước của Đại vương, biên thùy bốn bên đều vững chắc. Phía Bắc có Cam Tuyền và Cốc Khẩu bảo vệ, phía Nam có hai dòng sông Kinh, Vị, tạo thành một vành đai, phía phải có Lũng Thục, phía trái có Quan, Bản. Đất Tần là đất hiểm trở, trong thiên hạ không đâu bì kịp. Khi thấy có lợi thì vươn ra tấn công, khi thấy bất lợi thì lui vào cố thủ. Đấy chính là đất của bậc vương giả. Lại thêm nước Tần có hùng binh hằng triệu người, chiến xa hằng nghìn cỗ, riêng về giáp binh thì rất giỏi, thiên hạ không ai địch nổi. Bộ binh Tần lại rất thiện chiến, xa kỵ lại đông đảo, dùng nó để trị chư hầu chẳng khác gì dùng chó săn giỏi để bắt loài thỏ rừng. Thế nhưng, việc mưu toan thôn tính các nước lại không tạo được thành tựu, đại nghiệp bá vương không thể hoàn thành. Đó chẳng phải là do trong mưu kế của các vị đại thần có chỗ sai sót hay sao? Phạm Thư là người rất có nghệ thuật trong ăn nói. Ông nắm tâm lý của người có địa vị cao, bao giờ cũng thích nghe những lời nói khen tặng. Cho nên trước tiên ông từ chỗ phân tách ưu thế của nước Tần, để tranh thủ sự chú ý của nhà vua. Quả nhiên, ông đã nắm đúng tâm lý của Tần Chiêu Vương. Nghe đến đây, Tần Chiêu Vương bèn chồm người tới, hỏi: - Xin nói rõ kế hoạch sai sót là ở chỗ nào? Phạm Thư thấy mình mới chân ráo chân ướt vào nước Tần, căn cơ chưa vững, nên không dám bàn đến việc trong triều đình, mà trước tiên nói đến việc ở bên ngoài, nhằm ném đá dò đường, xem thái độ của Tần Vương ra sao. Ông nói: - Thần nghe Nhượng Hầu định vượt qua hai nước Hàn và Ngụy để tấn công nước Tề. Kế đó rõ ràng là sai lầm. Nước Tề cách nước Tần rất xa, ở giữa lại có nước Hàn và nước Ngụy. Nếu Tần ra quân ít thì không đủ sức đánh bại nước Tề. Trái lại, nếu ra quân nhiều, thì sẽ tạo ra mối lo ở trong nước. Vì nhân đó, các nước Hàn, Ngụy, Triệu, thậm chí cả nước Sở cũng có thể xua quân để xâm chiếm. Trong trường hợp đó, nước Tần sẽ rất nguy hiểm, rất có hại. Phạt Tề mà không thắng, thì là cái nhục của nước Tần. Cho dù phạt Tề có thắng, cả hai nước Tần và Tề đều tổn thất nặng nề. Các nước Hàn, Ngụy, Triệu, v.v... sẽ thừa cơ thủ lợi một cách dễ đàng, đối với Tần có chi là tốt đâu? Thay vì xua quân đi đánh xa, chỉ có hại và không có lợi, tốn hao vô ích, thì chi bằng dùng sách lược “hòa hoãn với nước xa, để tấn công nước gần". Hòa hoãn với nước xa, để tấn công nước gần". Hòa hoãn với nước xa sẽ tạo được tình hòa hiếu với những nước đó, còn tấn công nước gần thì sẽ mở rộng được đất đai của ta. Từ gần ta phát triển đến xa, như con tằm ăn lá dâu từ từ, thì tất cả mọi nước trong thiên hạ này điều bị chinh phục hết! Tần vương lại hỏi: - Sách lược “hòa hoãn nước xa, tấn công nước gần" là thế nào? Phạm Thư đáp: - Hòa hoãn với nước xa, cụ thể là hòa hoãn với Tề và Sở, còn tấn công nước gần cụ thể là tấn công Hàn, Ngụy. Một khi đã chiếm được Hàn và Ngụy thì Sở há tồn tại được chăng? Tần Vương vỗ tay cho là phải, trong lòng hết sức vui mừng, liền phong Phạm Thư làm Khách Khanh và gọi là Trương Khanh. Nhà vua sử dụng kế sách của Phạm Thư, xua quân sang phía Đông đánh Hàn và Ngụy, đồng thời, xuống lệnh cho Bạch Khởi ngưng tấn công nước Tề. Qua lời nói trên của Phạm Thư, đã xác định rõ tư tưởng mang ý nghĩa chiến lược trong chủ trương “hòa hoãn với nước xa, tấn công nước gần”. Chủ trương này chính là sự cống hiến kiệt xuất của Phạm Thư đối với nước Tần, vì nó đã đặt nền tảng lý luận để cho Tần theo đó lần lượt thôn tính sáu nước, và đi đến thống nhất cả thiên hạ. Đồng thời, nó cũng có một ảnh hưởng sâu xa đối với hậu thế, và là một trang huy hoàng trong bộ sử về tư tưởng chính trị ngoại giao của nước Trung Quốc. Ngụy Nhiễm giữ chức Thừa tướng của nước Tần từ năm Tần Chiêu Vương thứ 2 (294 trước công nguyên) có thể nói là người đã đóng góp nhiều công lao đối với sự nghiệp lớn của nước Tần. Nhưng, ông cũng đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng trong quyết sách mang tính chiến lược tổng thể của quốc gia, dẫn đến một số thiệt hại nhất định cho nước này. Thí dụ như trong vấn đề đối xử với "Tam Tấn”, Ngụy Nhiễm đã áp dụng phương châm chiến lược đánh nước mạnh trước, đánh nước yếu sau. Ông xem thường hai nước Ngụy và Hàn là hai nước ở sát nách của nước Tần, mà lại đưa quân vượt qua hai nước này để viễn chinh nước Triệu ở xa, làm mệt sức dân và tốn hao nhiều tiền của. Lúc bấy giờ nước Triệu đang ở vào giai đoạn cường thịnh, quân Triệu được vị danh tướng của họ là Triệu Xa chỉ huy, đã dùng quân đội nghỉ ngơi tại chỗ để đánh quân Tần từ xa đến đang mệt nhọc, bị tổn thất nặng nề, phải trả giá đắt. Cũng như việc Ngụy Nhiễm đã đối phó với nước Tề, từng mấy lần cử binh chinh phạt, tuy đôi bên có thắng có bại, nhưng quân Tần vẫn không thể tạo được những cuộc chiến thắng mang tính chiến lược. Về mặt nhân lực cũng như tài lực, quân Tần đều bị tổn thất nặng nề. Trong khi đó thì hai nước Ngụy và Hàn ngồi yên xem hai con cọp dữ đánh nhau để tùy cơ thủ lợi. Như vậy cái được sẽ không hơn cái mất. Phạm Thư qua sự chỉ dạo của nguyên tắc "hòa hoãn nước xa, tấn công nước gần" tiến lên một bước nói rõ ý nghĩ về cách thống nhất thiên hạ của nước Tần: 1. Khuất phục hai nước Hàn, Ngụy ở gần, để xóa bỏ mối lo sát nách, cũng để tăng cường thực lực cho nước Tần. 2. Sau khi khuất phục được hai nước Hàn và Ngụy, thì tiến đánh nước Triệu ở phía Bắc, nước Sở ở phía Nam. Giúp đỡ cho những nước yếu, áp chế những nước mạnh, để tranh thủ vùng đất Trung Nguyên, khống chế sự phát triển của các nước. 3. Sau khi các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Sở chịu nội thuộc vào nước Tần, thì dẫn quân lực của năm nước tiến lên uy hiếp nước Tề là một nước ở xa, và là một đối thủ mạnh của nước Tần thời bấy giờ. Để cho họ tránh né không tranh hơn với nước Tần nữa. 4. Trên cơ sở nói trên, lần lượt tiêu diệt từng nước một như nước Hàn, nước Ngụy, nước Triệu và các nước khác, để cuối cùng đạt đến mục đích thống nhất thiên hạ. Sau khi nguyên tắc "hòa hoãn với nước xa, tấn công nước gần" của Tần được xác lập, thì Phạm Thư đã kịp thời giúp cho Tần đặt kế hoạch thu phục nước Hàn. Nước Hàn là nước yếu nhất trong bảy nước thời bấy giờ. Phạm Thư đã chọn đúng đột phá khẩu. Trước tiên, ông phân tích cho Tần Chiêu Vương nghe ý nghĩa chiến lược về việc thu phục nước Hàn: - Nước Tần và nước Hàn có lãnh thổ đan chéo với nhau. Nước Tần mà có nước Hàn thì chẳng khác nào gỗ có sâu mọt, con người có bệnh nội tạng. Khi thiên hạ không có biến loạn gì thì thôi, một khi có biến loạn thì kẻ gây ra tai nạn lớn nhất cho nước Tần không ai khác hơn nước Hàn. Vậy Tần Vương nên thu phục nước Hàn trước. Tần Chiêu Vương nói: - Cô gia vốn cũng muốn thu phục nước Hàn, nhưng nước Hàn không chịu nghe theo thì biết làm sao? Phạm Thư đã chuẩn bị sẵn ý kiến trong lòng, liền đáp: - Nước Hàn làm sao dám không nghe theo lệnh, dám không chịu quy phục Đại vương chứ? Nếu Đại vương phái binh trước tiên đánh chiếm Huỳnh Dương là trung tâm chính trị, kinh tế, quân sự và giao thông của nước Hàn, làm cho con đường từ Củng và Thành Cao bị gián đoạn, phía Bắc cắt đứt với con đường Thái Hành, khiến quân Hàn ở Thượng Đảng không làm sao xuống được. Như vậy, chỉ với một trận đánh mà có thể cắt nước Hàn ra thành ba đoạn. Một khi quân Hàn không còn chống trả được, thì họ tại sao lại không quy phục Đại vương chứ? Tần Chiêu vương gật đầu cho là phải, đồng ý với phương án của Phạm Thư. Từ đó trở đi, mới liên tiếp những cuộc tấn công có tính cách hủy diệt. Năm Tần Chiêu Vương thứ bốn mươi hai (265 trước công nguyên) quân Tần tấn công và chiếm lĩnh Thiếu Khúc (nay là vùng Đông Bắc Tế Nguyên của tỉnh Hà Nam) của nước Hàn, và Cao Bình (nay là vùng đất nằm về phía Nam của Tế Nguyên). Năm Tần Chiêu Vương thứ bốn mươi ba (264 trước công nguyên), Đại tướng Bạch Khởi của Tần đánh chiếm Hình Thành (nay là vùng Đông Bắc Khúc Ốc thuộc tỉnh Sơn Tây). Năm Tần Chiêu Vương thứ bốn mươi bốn (263 trước công nguyên), Bạch Khởi tấn công và chiếm được Nam Dương nằm ở phía Nam Thái Hành Sơn của nước Hàn. Năm sau lại đánh chiếm Dã Vương (nay là Tẩm Dương thuộc tỉnh Hà Nam). Đến đây, nước Tần đã chặt nước Hàn ra làm ba đoạn, khiến vùng Thượng Đảng đã hoàn toàn bị cô lập. Dưới những đòn tất công sấm sét của quân Tần, nước Hàn đã bị cắt manh mún, chỉ còn chờ chết. Trái lại, nước Tần trải qua những cuộc chiến tranh đối với Ngụy, Hàn, đã thu được nhiều nhân lực, vật lực để bổ sung cho mình, khiến thực lực của nước Tần vươn lên nhanh chóng. Các nước chư hầu đều lác mắt, đều run rẩy. Tiếp đó, Tần đã đẩy nhanh sự hoạt động cửa mình về phía Đông, mở rộng quy mô chiến tranh đối với hai nước Triệu và Sở.