Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
TỔNG KẾT
ĐỜI SỐNG THẬT

“Hỡi người Kitô, hãy nhận biết ngươi cao trọng là dường nào! Ngươi được thông phần vào chính bản tính Thiên Chúa” (Thánh Giáo hoàng Lêô).
Bởi vậy, chúng ta phải kết thúc những bài học hỏi chúng ta bằng một tâm tình cảm tạ và ghi ơn Chúa sâu xa.
Chúa Kitô lại nói với chúng ta như xưa đã phán với phụ nữ Samaria:
“Nếu con nhận biết được ơn Thiên Chúa ban” (Jn 4.10).
Nhưng nếu chúng ta đưa mắt nhìn chung quanh chúng ta, chúng ta không thể không thầm cảm thấy một mối âu lo trước mắt thế giới, sau 20 thế kỷ Chúa Cứu Thế đã ra đời, mà vẫn rất ít biết đến sự cao trọng ấy mà cũng rất ít nhờ đến những tài sản phong phú ấy mà sống.
Chúng ta lấy lại lời Chúa Kitô phán với người nữ Samaria để nói lên cho cả toàn nhân loại: “Nếu ngươi biết ơn huệ Chúa ban!”.
Và sau đây là vấn đề quan trọng được đặt ra:
Thế giới ngày nay sẽ cứ tiếp tục sống ngày càng xa các tài sản phong phú của Đời sống Thật sao? Hay là chịu trở về với các giá trị thật có thể dẫn đưa nhân loại đến mục đích của mình để được cứu rỗi?
Và bởi vì Chúa Kitô đã chọn Giáo hội làm phương thế để lưu truyền cho nhân loại ý niệm và thực tại của Đời sống Thật, tựu trung vấn đề trên đây được đặt ra như thế này:
Giáo hội sẽ cứu rỗi thế giới không?”.
Thời nay nhân loại ngày càng phải chọn một trong hai quan niệm hết sức tương phản về đời sống:
Chủ nghĩa vật chất đem con người đến trạng thái bế tắc.
Kitô giáo đưa con người đến cùng đích của mình.
Vấn đề quan trọng mà không một ai biết suy nghĩ lại có thể bỏ qua được.
HAI ĐIỀU CẦN THIẾT
Muốn Giáo hội cứu rỗi thế giới, muốn Giáo hội ban một linh hồn cho thế giới không hồn, phải có hai điều kiện:
a. Trên nguyên tắc, Giáo hội phải có những gì cần thiết để cứu rỗi thế giới.
b. Trong thực tế, Giáo hội phải có thể thông ban cho thế giới những gì cần thiết để cứu rỗi thế giới thật sự.
NHƯNG HIỆN GIỜ CHÚNG TA TỚI ĐÂU RỒI?
Đứng trước hai điều kiện cần thiết này, những người của thời nay, nhất là những người Kitô hữu nghĩ gì?
Chúng ta phải thú nhận rằng một số đông tự để cho một vài băn khoăn không đâu làm lung lay lòng tin tưởng họ vào Giáo hội.
a. Một số người, tuy với tính cách là người Kitô hữu, họ tin Giáo hội có hai sứ mệnh (lưu truyền chân lý và thông ban sự sống) nhưng trên phương diện con người, họ nghi ngờ Giáo hội ngày nay có đủ những gì cần thiết để hướng dẫn, để làm sống, để cứu rỗi thế giới hiện tại.
b. Một số người khác, vì là người Kitô hữu, họ tin vào hai sứ mệnh của Giáo hội, vì là người, họ tin Giáo hội có đủ những gì cần thiết để cứu rỗi thế giới, nhưng họ nghi ngờ rằng Giáo hội thực sự có thể đem cho thế giới những gì cần thiết để cứu rỗi nó.
Nhóm người thứ nhất nghi ngờ về nội dung sứ điệp của Giáo hội.
Nhóm người thứ hai nghi ngờ về hiệu lực thực tế của sứ điệp.
Chúng ta hãy nhìn kỹ hai thái độ trên đây.
I/ NGHI NGỜ VỀ NỘI DUNG SỨ ĐIỆP CỦA GIÁO HỘI
Thật ra, sự ngờ vực này là do hai đòi hỏi hết sức tương phản dẫn đến cùng một kết quả: làm lung lay tin tưởng đối với Giáo hội.
Bởi đó tâm trạng thứ nhất bao hàm hai hạng người Kitô hữu:
Kẻ thì muốn Giáo hội thần linh hơn,
Người thì muốn Giáo hội nhân loại hơn,
Chúng ta hãy giải thích rõ:
Nhóm người muốn Giáo hội thần linh hơn. Một số người Kitô hữu khi họ nhìn Giáo hội, họ thấy trong Giáo hội, hay nói đúng hơn, nơi những kẻ đại diện Giáo hội, những con người tầm thường có những yếu đuối, cả những tội lỗi nữa.
Họ lấy làm phẫn uất và ý thức hay không, họ nghĩ: “Nếu Giáo hội thật là thánh thiện, bộ mặt Giáo hội đâu có những vết lem luốc và các phần tử Giáo hội có những yếu hèn như vậy”.
TRẢ LỜI
Đối với những kẻ ngày nay mất lòng tin tưởng vào Giáo hội vì họ cảm thấy những yếu đuối thuộc bản tính loài người, chúng ta xin trả lời:
Chúng ta cũng nhận thấy những yếu đuối, những lỗi lầm nơi các phần tử của Giáo hội, nhưng chúng ta không chịu gắn những yếu đuối, những lỗi lầm ấy cho Giáo hội, Giáo hội có sứ mệnh rao giảng chân lý và phân phát sự sống. Thật vậy, Giáo hội là sự nhập thể thường xuyên của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, cho nên Giáo hội vừa là thần linh vừa là nhân loại, Giáo hội có nhiệm vụ bảo tồn chân lý và sự sống Thiên Chúa, nhưng Giáo hội bảo tồn trong những “bình mỏng mảnh”. Các lãnh tụ của Giáo hội là những người nên chi yếu đuối và có thể lỗi lầm như các người khác.
Dĩ nhiên chúng ta tưởng là tốt đẹp hơn và hợp lý hơn nếu tất cả những người thừa hành chân lý và sự sống là những người thánh và không sai lầm. Nhưng trong thực tế, không được như vậy: ơn linh mục giao phó cho các lãnh tụ của Giáo hội một chức vụ chính thức và những quyền bính của Thiên Chúa; nhưng không ban cho họ ơn không sai lầm hay là ơn không thể phạm tội. Ơn linh mục mang lại cho họ sức mạnh của Chúa cần thiết để họ có thể trở nên thánh; nhưng Chúa Kitô muốn đề nghị ơn thánh ấy chứ không cưỡng ép. Chúa luôn luôn kính trọng sự tự do của con người.
Thánh Chrysostome viết: “Khi bạn thấy một linh mục tội lỗi, bạn đừng kết án chức linh mục, nhưng hãy kết án con nguời thi hành không xứng đáng chức linh mục vì nếu Juđa nội công, thì phải kết án đời sống tư của anh ta, chứ không được kết án sứ vụ tông đồ”.
Đức Hồng y Đệ Noailles năm 1721 viết: “Anh em gán cho Giáo hội, bạn của Chúa Kitô luôn luôn trong sạch, luôn luôn thánh thiện, anh em gán những tội lỗi của những người thừa hành: Giáo hội than vãn, Giáo hội trừng phạt họ, nhưng Giáo hội không có tội… Anh em tự do kết án những cái xấu của các Giám mục, của các Hồng y, đến cả các Đức Giáo hoàng, khi hành động của họ không xứng hợp với chức vụ họ; nhưng hãy kính trọng Giáo hội đã ban bố những luật thánh và được Thần linh của thánh thiện và chân lý hướng dẫn”.
Đàng khác, chúng ta có nên ngạc nhiên không, khi không thấy nơi giáo dân cũng là những phần tử của Giáo hội, những nhân đức mà chính những nhà lãnh đạo cũng không có luôn?
Chúng ta hãy lặp lại về giáo dân những điều chúng ta đã nói về các nhà lãnh đạo: giáo dân cũng là người, những người được gọi trở nên thánh, nhưng là những người tự do, những người bị thử thách trong đó ơn thánh Chúa, mỗi ngày phải đụng độ với những hậu quả thảm hại của tội tổ tông.
Người ta nói Giáo hội đầy tội lỗi? Chúng ta hãy nói đúng hơn Giáo hội đầy những người tội lỗi. Bản tính Giáo hội không cho phép huỷ bỏ hai yếu tố cấu thành Giáo hội: thần tính của Giáo hội, bởi vì Chúa Kitô luôn luôn ở trong Giáo hội và Chúa Thánh Thần soi sáng thêm sức cho Giáo hội, nhân tính của Giáo hội, bởi vì Chúa Kitô giao phó chân lý và sự sống cho con người, Chúa không uỷ thác cho những thần khí linh thiêng.
“Trong Giáo hội, cái gì bởi Chúa Kitô mà ra thì thánh thiện và vô tì vết”.
“Cái gì bởi tự do nhân loại thì có thể có những khuyết điểm” (Hồng y đệ Noailles).
Nhóm người muốn Giáo hội trần thế hơn. Một số người tha thiết với vấn đề cứu rỗi thế giới, muốn Giáo hội cầm đầu tổ chức nhân loại ngày nay. Họ dựa vào một dĩ vãng lịch sử: thời trung cổ trong đó thế tục được ghép vào thiêng liêng đã thực hiện được một cuộc văn hoá lý tưởng bởi vì Giáo hội điều khiển các tổ chức chính trị và xã hội, đã đạt tới một sự thống nhất giữa vật chất và tinh thần đến nỗi vật chất trở nên như tinh thần vậy.
TRẢ LỜI
Giáo đoàn thuộc về chính thể thần quyền của thời trung cổ có nhiều nhược điểm: Thế giới bị Giáo hội chi phối làm cho người đời chê ghét, thánh chiến, chiến tranh tôn giáo, tôn giáo pháp đình là những hành động của một dân Thiên Chúa hiện hữu như một quốc gia, như thế có phải là lý tưởng không?
Chúng ta có thể khám phá rằng nhóm người trên đây đã rơi vào một sự sai lầm căn bản về vai trò của Giáo hội.
Giáo hội không có trách nhiệm trực tiếp đối với thế giới này. Nhiệm vụ chính của Giáo hội là chuẩn bị con người tổ chức thế giới bằng giáo huấn và bằng các bí tích, nghĩa là thực thi sứ mệnh phổ biến chân lý và lưu truyền sự sống.
Nếu Giáo hội cứ giữ vai trò khích lệ và giáo dục các tâm lý và các ý chí con người, Giáo hội có thể biến cải thế giới.
II/ NGHI NGỜ VỀ HIỆU LỰC CỦA SỨ ĐIỆP
Sau đây là một thứ nghi ngờ khác. Sứ điệp chân lý và sự sống làm sao đạt tới những người của kỹ thuật tinh hoa, của ích kỷ, của vô lương tâm, của thù nghịch lẫn nhau, của thế giới ngày nay?
Chúng ta lấy một thí dụ: Một nhà giảng thuyết nói trước những thính giả bít tai lại để không nghe, nhà giảng thuyết này sẽ mất thì giờ. Dầu nhà giảng thuyết lợi khẩu, nói hay, cũng sẽ không đạt được kết quả nào.
Vì vậy:
1) Nhà giảng thuyết phải thay đổi cách làm của mình và dùng chẳng hạn máy phóng thanh, những bản viết rõ, hơn là dùng tài hùng biện của mình.
2) hoặc cách đơn giản, các thính giả bằng lòng không bịt lỗ tai nữa…
Chúng ta hãy áp dụng tỉ dụ trên đây vào vấn đề chúng ta.
Thế giới ngày nay không nghe Giáo hội nữa, Giáo hội liều mình giảng dạy trong sa mạc.
Phải làm thế nào để sứ điệp cứu rỗi được nghe?
a. Hoặc là Giáo hội thay đổi kiểu cách mình làm và nhất quyết thích nghi với thế giới hiện tại.
b. Hoặc là thế giới hiện tại thay đổi và hướng về Giáo hội.
Chính ở đây chúng ta gặp sự ngờ vực về hiệu lực thực tế của sứ điệp, dưới hai hình thức liên quan đến hai điều kiện chúng ta đã ghi trên.
Một số người này nói: “Giáo hội chậm tiến, Giáo hội không thể thay đổi…”
Một số người nọ nói: “Thế giới đã quá dấn thân, thế giới không thể thay đổi”.
Cả hai hạng người trên đều đi tới một kết luận như nhau: “Hỡi ôi! Chúng ta không thể hy vọng Giáo hội sẽ cứu rỗi thế giới nữa. Sự gián đoạn giữa Giáo hội và thế giới thật hoàn toàn vô phương cứu chữa”.
TRẢ LỜI
Chúng ta không thể chối cãi, ngày nay có một sự ly dị sâu xa giữa Giáo hội và thế giới.
Nhưng chúng ta phải quả quyết chống lại thái độ chủ bại cuả các hạng người trên đây: Nếu chúng ta biết dĩ vãng của Giáo hội và nếu chúng ta tin vững vào giá trị thần linh của sứ điệp Chúa Kitô, chúng ta sẽ giữ một lòng tin tưởng không lay chuyển: Giáo hội có thể cứu rỗi thế giới.
a. Vâng, Giáo hội có thể trẻ lại. Chúng ta nói rõ là Giáo hội, tự bản tính siêu việt và thần linh đối với các hình thức văn hoá, không thể đồng hoá với một hình thức văn hoá nào.
Điều chúng ta mong ước và muốn nói là Giáo hội có đủ sức để trẻ lại, để đừng bao giờ khép mình vào trong những văn hoá lỗi thời và nhất quyết can đảm hướng về những cơ cấu mới của văn hoá để thánh hoá những cơ cấu ấy.
Có những sự kiện để chứng minh cho chúng ta thấy, vào tất cả các khúc quanh của lịch sử Giáo hội, Giáo hội luôn luôn biết thích nghi với các điều kiện mới đưa đến do các văn hoá kế tiếp nhau, mà vẫn không lệ thuộc những điều kiện ấy.
Giữa bao nhiêu xáo trộn chính trị, trước những hình thức mới cứ tiếp nhau, Giáo hội vẫn luôn luôn sống và luôn luôn tươi trẻ.
Một tỉ dụ: Giáo hội thời các dân tộc man rợ. “Liên kết với Đế quốc La Mã, Giáo hội xem như làm một với tất cả nhân loại. Giáo hội đã đạt tới lý tưởng mong muốn; Giáo hội không còn chờ đợi gì nơi tương lai nữa và tất cả tham vọng là duy trì sự có mặt trường cửu… Nhưng Giáo hội đã biết nhìn trong bình tĩnh; Giáo hội không thất vọng về nhân loại. Giáo hội không tin rằng tất cả đều phải điêu vong vì La Mã sụp đổ. Giáo hội tìm hiểu toàn diện phong trào khổng lồ đang tiến đến và nhận ra một thế giới kỳ lạ đang được sinh hạ. Giáo hội cảm thấy trước một cái gì mới và tuyệt đẹp có thể diễn tả bằng hai chữ mâu thuẫn: văn minh man rợ, nghĩa là thứ văn minh không cần đến văn minh La Mã và còn đi xa hơn văn minh của La Mã. Ý thức rõ ràng sứ mệnh vĩnh cửu của mình, Giáo hội không chút nghi ngờ lo sợ để đi với những dân tộc mới và sát cánh với họ, Giáo hội bước vào con đường của tương lai” (G. Kurth).
Những bài học của dĩ vãng đối với chúng ta là một sự bảo đảm cho hiện tại và một nguồn tin cho tương lai: “Tất cả có thể xẩy đến: bắt đạo, tà thuyết, chiến tranh; nhưng chúng ta tin hơn lúc nào khác Giáo hội đời đời tươi trẻ” (hồng y Suard).
b. Vâng, thế giới có thể biến cải.
Ơn Chúa luôn luôn có thể làm những việc bất ngờ, dầu trong những hoàn cảnh tuyệt vọng nhất theo người đời.
Chúng ta muốn nói đến trách nhiệm và sứ mệnh của người Kitô hữu. Vì nếu thế giới phải biến cải, đó sẽ công việc của các người Kitô hữu.
Nếu các Kitô hữu hưởng thụ chân lý siêu nhiên và được đời sống Chúa nuôi dưỡng, chỉ nghĩ đến “phần rỗi mình” và không quan tâm đến thế giới trong đó họ sống với những thèm khát tiện nghi và an nhàn, thì sẽ không thể hy vọng nhân loại được cứu rỗi.
Nhưng nếu như men trong bột, các người Kitô hữu trung thành với sứ mệnh ngàn đời của mình, chấp nhận mình là “ánh sáng của thế gian” và là “muối của trần gian”, họ dấn thân vào đời, tham gia vào đời sống chính trị, đứng đầu các cuộc cải cách xã hội, cùng đi đôi với sự tiến bộ nhân loại, tóm kết, dấn thân vào thế giới ngày nay để cho thế giới một linh hồn, thì chúng ta có thể và chúng ta phải quả quyết rằng: thế giới này sẽ biến đổi và nhờ những cố gắng chung, với ơn Chúa giúp, một nhân loại mới sẽ ra đời.
Chỉ còn có một mối lo: “Nếu các người Kitô hữu không trung thành với sứ mệnh họ…”
Mỗi người trong chúng ta nắm câu trả lời.
Thế giới hấp hối chờ đợi chúng ta.
Nếu người Kitô hữu trả lời: “Tôi có mặt đây”! Người ấy sẽ nghe Chúa Kitô nói lại như một tiếng vang dội:
“HÃY TIN CẬY, TA ĐÃ THẮNG THẾ GIAN” (Jn 16, 33)