Buổi chiều, thái sư xem tấu biểu. Từ lúc Trần Thuận Tôn bỏ hẳn triều chính đi tu tiên, thái sư phải hoàn toàn một mình gánh vác mọi việc.Ngoài những cuộc thiết triều, việc xem bản tấu chiếm mất của ông khá nhiều thời gian. Ông lật giở từng tờ tấu và thư từ, tìm những việc quan trọng, và cấp thiết nhất, cần phải quyết định ngay. Đầu tiên là những công việc liên quan tới nhà Minh. Từ khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lên ngôi, nước Việt và nhà Minh đã quan hệ với nhau nhiều lần. Lúc đầu, khi mới dành được đất nước từ tay nhà Nguyên, đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, Chu Nguyên Chương đối với ta rất mềm dẻo, vì ông còn bận củng cố quyền lực trong nước. Quý Ly biết Chu Nguyên Chương là người võ biền, nên ông có ý xem thường, nhất là khi vua Minh giết các công thần, rồi chia các vùng đất xa cho các con làm vua thì ông không còn lo. Bởi vì nước Trung Hoa rộng bao la vấn đề tập trung hay phân tán quyền là một vấn đề cực kỳ nan giải. Nhà Tần tập trung quyền nên bắt buộc phải cưỡng chế bạo tàn, nhà Tần bị cô lập, sụp đổ nhanh chóng. Nhà Hán lại đi vào thế phân tán, chia ra các nước nhỏ, dùng người thân tín cai trị để làm phên dậu cho trung ương; cuối cùng lại đẻ ra thế bảy nước, Trung Hoa lại suy yếu. Đường và Tống Nguyên lại đi vào thế tập trung, nhưng gặp khó khăn trong việc cai quản đất nước bao la. Nhà Minh lên ngôi lại bắt chước nhà Hán, chia đất cho các con cai quản. Chính vì thế, họ không đủ sức mạnh để nhòm ngó nước ta.Khi Chế Bồng Nga xâm chiếm Đại Việt. Thế nước ngàn cân treo sợi tóc, nhưng nhà Minh vẫn chưa kịp thay đổi đối sách với ta cũng vì lẽ đó.Nhưng gần đây, ông vua già Chu Nguyên Chương thấy đất nước họ đã vững chãi, họ bắt đầu thăm dò phương nam. Nhà Minh luôn luôn sai sứ thần sang ta đòi cống nạp người và của. Họ cho bọn hoạn quan người Việt về thăm nhà, tiếng là thế, nhưng thực ra để thăm thú tình hình nước ta. Bọn quan lại. sứ thần nhà Minh cũng là một tai hoạ. Chúng gây sự nhũng nhiễu đủ điều: đòi ăn đút lót, rồi chê bai bắt bẻ rằng ta tiếp đón không đúng nghi lễ.Triều đình nhà Minh gửi cho ta bộ sách “Đại Minh Tập Lễ”, hoạnh họe, bắt ta phải thi hành nhiều nghi thức rườm rà mỗi khi sứ thần nhà Minh mang chiếu sắc vào Đại Việt. Minh sứ thần nói:- Nghĩ rằng nước An Nam vốn là nước văn vật, thành tâm sợ mệnh trời thờ nước lớn, không việc gì thiếu chu đáo, riêng về lễ tiếp sứ thần vẫn còn có chỗ chưa ổn. Nay, tôi vâng mệnh thiên tử, xông pha muôn dặm đến ban cho sách về lễ. Về sau cứ thế mà làm. Đại để, sách đó quy định chặt chẽ sáu điều nghi thức:1 - Khi sứ thần vào đến biên giới, phải tổ chức tiếp đón suốt dọc đường.2 - Khi chiếu sắc đến gần Thăng Long, thì ở kinh đô trăm quan phải tập dượt đón tiếp trước. Sau đó vua phải đích thân sang bờ bắc sông Cái ngủ nơi trai sở. Các vị đại thần các nhà sư đạo cao đức trọng cũng đi theo đón tiếp.3 - Chiếu sắc vào đến Thăng Long. Khắp kinh đô phải treo đèn kết hoa. Sắp sẵn long đình và hương án ở Ngọ Môn. Vua quan ăn mặc triều phục, kỳ lão tăng đạo chỉnh tề, rồi đến đồ nghi trượng, âm nhạc, chiêng trống rước chiếu đến điện Đại Minh.4 - Quy định cách tuyên đọc: sứ quay mặt hướng Nam, vua ta quay mặt hướng Bắc... Yến tiệc đãi sứ giả cũng quy định hướng ngồi. Ngay cả nghi thức mời rượu cũng phải cho đúng.5 - Đến ngày sứ sắp trở về, vua quan lại phải thết tiệc rồi làm thơ thù tạc với sứ giả.6 - Cuối cùng là nghi thức tiễn sứ giả về nước.Mỗi lần sứ nhà Minh sang, triều đình lại như gặp vạ. Họ trách cứ đủ thứ, họ moi móc đủ điều. Ông thở dài: “Phải chăng thời của bọn sứ thần ngạo nghễ kiểu Sài Thung lại tái xuất hiện? Làm thế nào để tiếng trống đồng Thăng Long lại một lần nữa làm bạc tóc kẻ đi sứ của phương Bắc?”.Những lời chúc tụng sáo rỗng ấy làm Minh Huệ Đế đẹp lòng. Ông ta ban cho vua nước Nam Kim sách. Trong đoàn đi sứ sang kinh đô nhà Minh để dâng biểu mừng lên ngôi, thái sư Quý Ly bí mật đưa cả người sang thăm dò tình hình mới ở triều đình phương Bắc.Lúc này đây, trước mặt Quý Ly là tờ tấu của quan trấn thủ Lạng Sơn báo cáo tình hình mới biết được từ kinh đô Trung Hoa. Minh Huệ Đế lên ngôi, vẫn thường lo về mối loạn phiên vương như loạn bảy nước đời nhà Hán, nên bàn với các địa thần thân tín, tìm cách tiêu diệt những phiên vương vốn là anh em của mình, một số người đã bị giết. Một trong số các người con của Chu Nguyên Chương tên là Lệ. Ông làm vua nước Yên tại Yên Kinh (Bắc Kinh sau này) lấy làm phẫn uất. Ông ta đang rắp tâm chống lại Huệ Đế. (Ông ta sau này sẽ là Minh Thành Tổ, một ông vua tài giỏi của nhà Minh, và chính ông đã xâm lấn Đại Việt).Quý Ly mừng thầm: Trung Hoa lại sắp loạn rồi. lúc này, thời cơ của ta đây... phải nhanh chóng... Chẳng thể chần chừ được nữa...Thái sư lại đọc tiếp đến lá thư của viên quan nhà Minh ở Liêm Châu, đòi ta phải nộp 10 nhà sư, 10 người trai trẻ tuấn tú, có học hành và phải thiến trước khi đưa sang. Thái sư cười mỉm phê sang bên cạnh:”Chuyển cho nội thị học sinh Nguyễn Cẩn. Thi hành nhanh chóng, theo như kế hoạch”. Hoạn quan là một thể chế tai hoạ của Trung Hoa. Nạn hoạn quan lũng loạn ở triều đại nào của phương Bắc cũng có. Minh Thái Tổ biết rõ. Để trừ hoạ, Chu Nguyên Chương hạn chế lượng hoạn quan và cấm họ không được dính dáng vào chính sự. Hoạn quan không có con cái nhưng vẫn còn có gia đình, anh em, họ hàng, nên danh và lợi vẫn còn. Họ vẫn muốn quyền hành và của cải dành cho vây cánh, gia đình. Vậy để cắt đứt nhiều nhất nguồn gốc tai hoạ, Minh Thái Tổ tăng cường dùng những hoạn quan người nước ngoài. Một hoạn quan Việt ở Trung Hoa chắc hẳn chẳng có giây mơ rễ má nào ở đó. Họ biết quan hệ với ai, họ vơ vét nhiều để làm gì... Và nếu họ chết đi, thì của cải của họ lại trở về tay nước Trung Hoa... Chính vì vậy, hàng năm ta vẫn phải cống một số người thiến cho nhà Minh. Vậy tại sao lại không dùng cách gậy ông đập lưng ông, cài người của ta vào ở ngay trong cung cấm của Trung Hoa.Thái sư Quý Ly tự cười mỉm với mình lần nữa. Ông đọc tiếp tờ tấu của An Phủ sứ Hải Đông. Các trang trại của cháu chắt cụ Hưng Đạo Vương ở vùng đó vì chế độ hạn điều và hạn nô, nên không chiêu mộ quân lính nữa. Các đội quân riêng của các vương hầu nhà Trần bị giải tán. Những điền trang nô và tam bảo nô được giải phóng đã thành những đoàn người lang thang đi làm thuê ở khắp vùng. Và lắm kẻ tụ tập thành bè đảng đi ăn cướp, lắm kẻ được cấp đất cũng không chịu làm ruộng, bởi vì họ không quen làm chủ đất đai của mình, và cũng không có những kinh nghiệm làm ăn. Họ đã quen bị sai khiến, nay được thành người tự do cũng không biết xử dụng cái lợi thế ấy của mình. Rất nhiều người lâm vào cảnh còn khổ sở đói khát hơn lúc làm nô tì ở điền trang. Những tờ tấu ở trấn Tam Giang, Châu Hồng, Châu Khoái... cũng nói lên tình hình tương tự. Điều làm Quý Ly bực nhất, đó là những ẩn ý đằng sau những tờ tấu. Ví dụ có những câu như: “kẻ nông nô lầm than điêu linh” “lắm kẻ lại quay về điền trang cũ xin làm nô trở lại, nhưng không được nhận”... Nghĩa là bản thân các viên quan làm tấu sớ, trong thâm tâm cũng vẫn muốn phục hồi như cũ.Thái sư thở dài. Ông hiểu rằng chế độ mới được thi hành, chắc chắn còn nhiều trục trặc. Đúng là ban đầu người dân có thể khổ hơn trước. Tuy nhiên, thái sư đang nghĩ ra những giải pháp. Ví dụ: Nguyễn Phi Khanh đã gợi ý cho ông nên thành lập đồn điền ở các vùng đất rộng, người thưa, đưa dân vào Hoá Châu, vùng Châu Ô, Châu Lý, nơi ấy cần thành lập những làng Việt mới. Việc đó có lợi vì người dân được no đủ và làm phên dậu của ta cũng được thêm vững chắc. Quý Ly cũng nghĩ tới việc đặt thêm các sở tuần thú ở các cửa sông, các nơi trọng yếu, để lùng bắt cướp, cho người dân được yên ổn.Chợt nhớ tới chuyện thời Minh Tông, có người dâng sớ nói trong dân gian có nhiều kẻ lang thang du đãng, không có tên trong sổ, không chịu thuế dịch. Vua Minh Tông bảo: “Nếu không có kẻ lang thang sao thành được đời thái bình...”. Thái sư cười mỉm và tự nói với mình: “Còn ta, ta không muốn trong dân gian có kẻ lang thang. Sắp tới, ta sẽ cho làm sổ hộ khắp nước. Không một người dân nào được sót. Các xã trưởng sẽ phải trách nhiệm chú ý đến từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng, và nhất là phải ghi tên họ trong sổ hộ. Quản lý được từng người dân mới đích thực thời thái bình”.