Châu Noãn Vương năm thứ năm mươi tám (257 trước công nguyên), sau khi Bạch Khởi chết, Phạm Thư tiến cứ người thân tín của mình là Trịnh An Bình lên làm tướng tấn công nước Triệu, nhưng bị Bình Nguyên Quân của nước Triệu đánh bại. Trịnh An Bình dẫn hai vạn binh sĩ chạy sang đầu hàng Triệu. Căn cứ theo pháp luật đương thời của nước Tần, Phạm Thư bị tội liên lụy và sẽ bị tru di cả tam tộc. Nhưng Tần Chiêu Vương nghĩ ông là người từng có công lớn, nên đã tha thứ. Chẳng những không trị tội mà trái lại còn ban cho nhiều thức ăn để an ủi. Thế nhưng, sang năm thứ ba (255 trước công nguyên), một người thân tín khác của Phạm Thư là Vương Kê, đang làm Thái thú Hà Đông, nhưng lại tư thông với chư hầu, chuyện bị bể và bị xử tử. Phạm Thư dù dính líu đến chuyện khả nghi đó nhưng Tần Chiêu Vương vẫn không bắt tội. Dù vậy, trong nhiều dịp lâm triều, nhà vua thường cất tiếng than: - Nay Võ An Quân Bạch Khởi đã chết, Trịnh An Bình lại phản bội, còn Vương Kê thì tư thông với địch quốc. Bên ngoài cường địch quá nhiều, bên trong lại thiếu tướng giỏi, khiến quả nhân cảm thấy hết sức lo buồn. Phạm Thư nghe lời nói có ngụ ý sâu xa đó, tự biết mình đã bị thất sủng, địa vị đang bấp bênh, nên vừa xấu hổ lại vừa sợ, bắt buộc phải nghĩ đến kế rút lui. Tuy nhiên, Phạm Thư vẫn không muốn buông bỏ chức vụ, quyền thế, và cuộc sống phú quý vinh hoa. Do vậy, ông chỉ lấy cớ bệnh để tránh né, thường không đi họp triều, nhằm kéo dài thời gian để suy tính. Lúc bấy giờ, có người nước Yên là Thái Trạch đến nước Tần. Người này có tướng mạo rất đặc biệt, trong túi không một trong xu, nhưng tài hoa rất xuất chúng. Trong thời Chiến quốc, chiến loạn diễn ra liên miên, Thái Trạch đã học được phép biện luận của những nhà tung hoành, có ý định đến các nước chư hầu để tìm người trọng dụng, vươn lên hưởng một cuộc đời vinh hoa phú quý. Nhưng Thái Trạch đi khắp các nước trong thiên hạ, tới bái kiến các chư hầu lớn nhỏ, nhưng không có vị quốc vương nào tỏ ra tán thưởng ông ta cả. Khi đến nước Triệu, Thái Trạch bị đuổi ra khỏi nước này. Và khi ở nước Ngụy, ngay cả nồi cơm của mình cũng bị người ta đoạt mất. Thái Trạch kêu trời trời không nghe, kêu đất đất lặng thinh. Giữa lúc nghèo khổ cùng cực, bỗng ông ta được biết Ứng Hầu ở nước Tần là Phạm Thư, trước kia có trọng dụng hai người, nay cả hai đều bị phạm tội. Ông ta nghĩ thầm: "Đấy có lẽ là thời cơ may mắn đã tới với ta, bèn hối hả thu thập hành trang, đi bất kể ngày đêm để tới nước Tần. Khì Thái Trạch đến kinh đô của nước Tần là Hàm Dương, trước khi tìm cách vào bái kiến Tần Chiêu Vương, ông ta nhờ nhiều người tạo dư luận giúp mình, rêu rao: "Từ nước Yên mới có một người tên Thái Trạch đến. Người này là một nhà mưu lược giỏi ăn nói nhất hiện nay. Nếu ông ta gặp được Tần Vương, thì chắc chắn sẽ được Tần Vương trọng dụng và bãi chức Thừa tướng của Phạm Thư”. Những lời đồn đại đó nhanh chóng thấu tai Phạm Thư. Phạm Thư hết sức tức giận, nghĩ bụng: “Chuyện Tam Hoàng Ngũ Đế, học thuyết của Bách gia Chu Tử ta đã học thuộc làu. Hầu hết các nhà biện luận đã bị ta biện bác đến thua xiểng liểng. Vậy, một gã Thái Trạch nhỏ bé kia thì làm gì được ta, mà định cướp lấy ngôi vị Thừa tướng của ta chứ? Thằng bé này không biết tự lượng sức, ăn nói ngông cuồng, vậy ta phải gặp nó để xem nó có tài ba tới đâu? Sau khi đã quyết định, Phạm Thư bèn phái người đi gọi Thái Trạch đến, với ý định sẽ biện luận tay đôi với Thái Trạch để cho hắn biết mặt. Phạm Thư triệu kiến Thái Trạch, trong lòng vốn đang bực tức. Thế mà Thái Trạch sau khi tới nơi, chỉ vòng tay thi lễ chứ không quỳ lạy. Thái độ ngạo mạn đó làm cho Phạm Thư càng không dằn được cơn giận trong lòng. Cho nên vừa mở miệng là Phạm Thư chất vấn ngay đối phương: - Nhà ngươi cao rao sẽ đến đây thay thế ngôi vị Thừa tướng của ta, thực sự có chuyện đó hay chăng? Thái Trạch bình tĩnh trả lời: - Bẩm, có chuyện đó. Phạm Thư hỏi: - Thế thì nhà ngươi hãy nói rõ xem, căn cứ do đâu để nhà ngươi làm được chuyện đó? Thái Trạch thấy đối phương ăn nói thiếu khiêm tốn, nên cũng lên giọng biếm nhẻ thẳng thừng, không khách sáo: - Kìa! Tại sao ngài hiểu vấn đề chậm chạp đến thế? Mùa Xuân thì cày ruộng, mùa Hè thì cuốc đất, mùa Thu thì thu hoạch, mùa Đông thì cất giữ. Trải qua bốn mùa là đã hoàn thành sứ mệnh, nên tất cả bốn mùa đều tự nhiên rời đi. Đời người cũng vậy, thân thể khỏe mạnh, tay chân linh hoạt, đầu óc tỉnh táo, tai không điếc, mắt không hoa, chẳng phải là điều mà người đời mong muốn hay sao? Phạm Thư không hiểu đối phương muốn nói gì, chỉ lên tiếng đáp: - Đúng vậy. Thái Trạch lại nói: - Một người có bản tính nhân nghĩa, biết tôn đạo và biết bố đức, thực hiện được lý tưởng của mình, người trong thiên hạ do chịu ân mà ai cũng vui vẻ, ai cũng kính yêu, nên bằng lòng tôn người đó lên làm quốc vương của mình. Như vậy, chẳng phải là điều hy vọng của những người làm nghề này như chúng ta đây hay sao? Phạm Thư lại đáp: - Đúng vậy. Thái Trạch nói: - Ngồi trên địa vị của người phú quý hiển vinh, xử lý vạn vật, đâu theo nề nếp đó, hoàn toàn có trật tự, mọi nơi đều yên bề. Về mặt tuổi thọ, có thể hưởng được hết tuổi trời cho, mà không chết bất đắc kỳ tử, giúp thiên hạ vĩnh viễn kế thừa đạo thống của ông cha, luôn giữ gìn sự nghiệp của ông cha truyền tận hậu thế. Vừa được tên tuổi tốt đẹp, lại vừa có thành tích trị quốc cụ thể, ân trạch ban ra rộng rãi, đời đời đều khen tặng, không bao giờ gián đoạn. Như vậy, chẳng phải trời cao đối với người biết tôn đạo, đã ban cho những điều tốt đẹp, sự cát tường và thiện sự, mà thánh nhân từng nói đấy sao? Phạm Thư trầm ngâm một lúc lâu, đáp: - Đúng vậy! Tiếp đó, Thái Trạch bắt đâu chuyển đầu đề, nói: - Còn những người như Công Tôn Ưởng của nước Tần, Ngô Khởi của nước Sở, Đại phu Văn Chủng của nước Việt, thì cuộc đời họ kết thúc như thế phải chăng mọi người đều bằng lòng? Phạm Thư đoán biết Thái Trạch muốn dùng ba nhân vật này để nói bóng nói gió mình, khiến lập luận của mình bị rơi vào thế bí, nên cố ý không trả lời theo hướng của Thái Trạch, mà đáp: - Cái đó thì có chi lại không được. Công Tôn Ưởng phụng sự cho Tần Hiếu Công, từng dốc hết lòng trung thành của mình, luôn chí công vô tư, trấn áp bọn gian tà, thưởng phạt phân minh, phơi gan trải mật, không biết sợ gian nguy. Ông ấy đoạt quân đội của Ngụy công tử Mão, bình định được giang sơn nước Tần, ra sức tạo phước cho bá tánh, cuối cùng đánh bắt được kẻ thù chung quanh, mở rộng cương thổ cho nước Tần. Ngô Khởi phụng sự cho Sở Điệu Vương, nghiêm cấm mọi người không được lấy chuyện tư làm hại chuyện công, dựa vào sự gièm pha để hãm hại người trung trực, khi nghe kiến nghị thì không để ý tới những người cấu kết bè đảng, khi bàn quyết sách thì không nghe những kẻ chỉ biết dua nịnh, làm việc không sợ gian nan nguy hiểm, thi hành việc nghĩa không tránh những khó khăn, để cho nước Sở có thể xưng bá, gặp bất cứ chuyện hiểm nguy gì ông ấy cũng không sợ. Còn Đại phu Văn Chủng phụng sự cho Việt Vương Câu Tiễn, cho dù nhà vua gặp phải một hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, ông ấy vẫn một mực trung thành, không dám chểnh mảng. Nhà vua cho dù đang đứng trước sự diệt vong, ông ấy vẫn đem toàn bộ tài năng của mình để xoay xở, không hề bỏ đi. Đứng trước sự thành công ông ấy không khoe khoang, đứng trước sự giàu sang ông ấy không kiêu ngạo. Như ba người đó đúng là những người đã thể hiện Nghĩa và Trung đến mức cực điểm. Cho nên người quân tử có thể vì đại nghĩa mà chết, xem chết như về, thà là chết một cách quang vinh, chứ không chịu sống trong sự khuất phục nhục nhã. Người có học ra làm việc chính trị, là những người đã sẵn ý chí liều chết để thành danh, vì chuyện nghĩa thì dù chết cũng không ân hận. Như vậy, thì có chi gọi là không được. Thái Trạch thấy Phạm Thư không mắc bẩy mình, bèn tiếp tục tấn công đối phương: - Có một nhà vua thánh triết, lại có đại thần hiền minh, đấy là cái phước của thiên hạ. Quốc vương sáng suốt, hiểu biết nhiều, đại thần ngay thẳng, đấy là cái phúc của quốc gia. Cha nhơn từ, con cái hiếu thảo, chồng thành thực, vợ trung trinh, đấy là cái phước của gia đình. Tỷ Can đã dốc hết lòng trung thành của mình, nhưng vẫn không cứu được sự diệt vong của nhà Ân Thương. Ngũ Tử Tư là người trí dũng hơn người, thế mà vẫn không gìn giữ được vận nước của nhà Ngu. Thân Sinh Khác biết giữ hiếu đạo, nhưng Tấn Quốc vẫn xảy ra nội loạn. Những người đó đều là trung thần hiếu tử cả, thế mà quốc gia của họ vẫn không tránh khỏi hỗn loạn, suy vong. Đấy là tại sao vậy? Đấy là do không có những nhà vua anh minh, cũng như những bậc làm cha hiền lương để nghe theo lời khuyên ngăn của lương thần hiếu tử. Cho nên người trong thiên hạ xem hành vi của nhà vua họ là một điều sỉ nhục, đồng thời, tỏ ra tiếc thương cho những bậc lương thần đó. Công Tôn Ưởng, Ngô Khởi, Đại phu Văn Chủng đều là những bề tôi hoàn toàn đúng, nhưng quốc vương của họ thì sai. Do vậy, người trên đời đều phê bình ba người đó tuy dốc hết sức lực của mình để giúp nước, nhưng lại không mang đến cho nước nhà những điều tốt đẹp nào. Chả lẽ họ lại hy vọng đời mình sẽ gặp phải những kết cục ngang trái thế sao? Nếu họ dù có giành được cái tiếng trung hiếu sau khi đã bị hại, thì Vi Tử cũng không thể gọi được là người Nhân, Khổng Tử cũng không thể được xem là ông Thánh, Quản Trọng không thể được xem là một con người vĩ đại. Họ tạo dựng nên sự nghiệp, chả lẽ lại không muốn được triệt để thực hiện hay sao? Vừa giữ được mạng sống cho mình, lại vừa giành được tiếng tốt, đấy là điều tốt nhất. Tuy có được tiếng tốt để mọi người noi gương nhưng bản thân mình lại gặp điều bất hạnh, thì đó là điều kém hơn. Còn người tên tuổi bị người ta nguyền rửa, nhưng gìn giữ được mạng sống cho mình, thì đó là người được xếp vào hạng bét! Phạm Thư thấy Thái Trạch nói thấu tình đạt lý, nên không thể không tỏ ra tán đồng. Bầu không khí trong nhà đã xuất hiện một sự hòa hợp, đầy tình bạn. Thái Trạch dừng lại trong chốc lát, rồi lại nói tiếp: - Công Tôn Ưởng, Ngô Khởi, Đại phu Văn Chủng, đều là bề tôi cả. Họ đã dốc hết lòng trung thành, lo xây dựng sự nghiệp cho nhà vua, tất nhiên đều là người mà ngài cảm thấy ngưỡng mộ rồi. Nhưng riêng Hoằng Yêu phụng sự cho Châu Văn Vương, Châu Công phụ tá cho Thành Vương, chả lẽ lại không dốc hết lòng trung thành hay sao? Nếu đứng về mối quan hệ giữa vua tôi mà bình luận, thì Công Tôn Ưởng, Ngô Khởi, Đại phu Văn Chủng, so với Hoằng Yêu, Châu Công, người nào khiến cho người ta ngưỡng mộ hơn? Phạm Thư đáp - Công Tôn Ưởng, Ngô Khởi, Đại phu Văn Chủng đều không bì kịp họ. Thái Trạch nói: - Thế thì quốc vương của ngài về các mặt như có lòng nhân ái đối với kẻ trung lương, cư xử khoan dung đối với các lão thần, luôn thân mật không hề sơ sót đối với người hiền trí và người có đạo nghĩa, còn đối với các công thần thì không bao giờ làm trái với sự tín nghĩa, vậy thì so với Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, Việt Vương Câu Tiễn ai tốt hơn? Phạm Thư đáp: - Tôi không biết nên trả lời ra sao mới phải. Thái Trạch nói: - Hiện nay quốc vương của Tần Quốc, đối với các mặt như thân cận với trung thần thì không hơn được Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, và Việt Vương Câu Tiển. Thế thì tiên sinh đứng về các mặt như hiến trí mưu, trừ nguy nan, sửa sang quốc chính, dẹp họa loạn, khai hoang trồng tỉa, xúc tiến cho nước giàu binh mạnh, cũng như đề cao địa vị của quân vương và nước nhà, làm cho tên tuổi của quốc vương truyền xa khắp cả nước, và truyền ra đến cả nước ngoài, ai ai cũng biết, vậy tiên sinh so với Công Tôn Ưởng, Ngô Khởi và Đại phu Văn Chủng thì sao? Phạm Thư đáp: - Không bằng. Thái Trạch nói: - Hiện nay quốc vương đứng về mặt thân cận với trung thần, không quên các lão thần, so với Tần Hiếu Công, Sở Điệu Vương, và Câu Tiễn đều không bằng. Trong khi tiên sinh đứng về mặt xây dựng sự nghiệp cho nước Tần, cũng như tranh thủ sự thân cận và tín nhiệm của quốc vương, cũng không bằng Công Tôn Ưởng, Ngô Khởi và Đại phu Văn Chủng. Thế mà ngài lại ngồi trên địa vị tôn quý, hưởng được bổng lộc rất to, sự giàu sang của cá nhân vượt hơn hẳn ba người trên. Vậy mà đến nay ngài vẫn chưa có ý nghĩ kịp thời rút lui, cho nên tôi e rằng tai họa sẽ giáng xuống ngài còn ghê gớm hơn cả ba người trên nữa. Tôi không khỏi lo lắng cho ngài đấy! Tục ngữ có nói: “Mặt trời khi đứng giữa đỉnh đầu, thì sẽ dần dần lặn xuống phía Tây. Mặt trăng đến ngày rằm tròn trịa, thì sẽ bắt đầu khuyết dần". Sự vật khi phát triển đến cực điểm, thì sẽ bắt đầu suy thoái. Đó là quy luật của trời đất. Việc tiến lên hay thối lui, việc thêm nhiều hay bớt lại, đều phải căn cứ theo sự phát triển của tình thế mà có sự thay đổi tương ứng. Đó là nguyên tắc mà thánh nhân bao giờ cũng gìn giữ. Cho nên có thể nói: "Quốc gia cai trị có phương pháp, thì người ta vui lòng ra làm quan, cai trị không có phương pháp, thì người ta sẽ rút lui đi quy ẩn. Thánh nhân cũng nói: “Rồng bay trên trời, sẽ có lợi cho việc phụ tá quân vương”. Lại nói: “Nếu sự phú quý mà không hợp đạo nghĩa, thì đối với tôi như là phù vân, không đáng nghĩ tới”. Hiện nay, những việc oán cừu trước kia của ngài đã được trả xong. Những người có ơn đối với ngài đã được báo đáp, như vậy, tức là dục vọng đã đạt được rồi. Thế mà còn chưa chịu kịp thời thay đổi ý định. Theo tôi như vậy là không thể được. Loài chim trả, loài chim hồng cốc, loài tê giác, loài voi to, nếu xét về hoàn cảnh sinh sống của chúng, thì không dễ gì bị chết. Nhưng sở dĩ chúng bị chết, là do bị sự mê hoặc của những miếng mồi ngon. Với trí tuệ của Tô Tần, của Trí Bá, thì đâu phải không thể tránh được sự uy hiếp, sỉ nhục, và chết chóc? Thế mà họ vẫn gặp phải tai họa sát thân. Đó là vì họ bị lợi lộc làm mờ mắt, tham lam mà không thể tự tiết chế. Do vậy, thánh nhân quy định ra lễ nghĩa, là để tiết chế dục vọng. Lấy tiền tài của dân, nhất định phải có mức độ. Sử dụng sức lực của dân, cũng không thể làm trái với thời tiết, và phải dừng lại khi thấy đã thích hợp. Dục vọng của thánh nhân không bao giờ thái quá, hành sự không bao giờ kiêu căng, mà thường thích ứng với quy luật khách quan. Được như vậy thì địa vị thống trị của mình sẽ truyền nối đời đời, không bao giờ gián đoạn. Xưa kia Tề Hoàn công đã chín lần hội họp liên minh với các chư hầu, giữ yên thiên hạ, nhưng khi bắt đầu cuộc họp tại Quỳ Khưu, thì ra Hoàn Công lại bộc lộ thái độ kiêu căng tự mãn. Do vậy, chín nước chư hầu kia liền rời bỏ ông ta ngay. Quân đội của Ngô Vương Phù Sai có thể vô địch trong thiên hạ, thế mà nhà vua đã quá ỷ ưu thế đó của mình, miệt thị các nước chư hầu, xâm lăng Tề, Tấn, cho nên đã gặp phải cái họa sát thân, mất nước. Hạ Dục (dũng sĩ của nước Vệ thời nhà Châu, có sức mạnh năng được nghìn cân), và Thái Sử Kiểu (người Tề thời Chiến Quốc, con gái là Tương Vương Hậu của nước Tề) cả đời thét ra lửa, oai khiếp cả ba quân, thế mà cuối cùng lại bị một tên tầm thường không có tiếng tăm giết chết. Đấy là do họ lúc ở vào địa vị cao cả nhất, thì không giữ được đạo nghĩa, không biết khiêm tốn với mọi người, không biết tiết kiệm trong sinh hoạt, nên mới tạo ra cái bi kịch đó! - Công Tôn Ưởng đã chế định pháp lệnh cho Tần Hiếu Công ngăn chặn nguồn gốc sản sinh ra gian tà, người có công thì được tưởng thưởng những chức vụ xứng đáng, người có tội thì bị trừng phạt đúng tội. Ông cũng đã thống nhất cân, đong, đo, đếm, điều tiết tiền bạc để sự lưu thông cân đối, phá bỏ những ranh giới cũ về mặt địa lý, đất đai, giúp cho bá tánh thống nhất được tập tục, giúp cho sức dân được nghỉ ngơi, lại khuyến khích nghề nông, khẩn hoang canh tác, nhà nào có hai người đàn ông đã thành niên thì được ở riêng. Ngoại trừ làm ruộng tích lũy lúa thóc, họ còn luyện tập tác chiến. Do vậy, khi có chiến tranh thì họ có thể mở rộng lãnh thổ, khi chiến tranh chấm dứt thì họ lo việc sản xuất, đẩy nhanh cho đất nước giàu mạnh. Dưới sự cai trị của Công Tôn Ưởng, nước Tần trở thành vô địch, xưng hùng trong các chư hầu. Nhưng khi công lao vĩ đại của ông vừa thành công, thì bị tội xé xác. - Bạch Khởi chỉ huy mấy vạn quân cùng tác chiến với Sở. Chỉ trong một trận đánh là chiếm dược vùng Yên, Sính, và hỏa thiêu Di Lăng. Qua trận thứ hai là đã nuốt chửng được Thục Quận và Hán Trung ở phía Nam. Đồng thời, ông cũng vượt qua nước Hàn và nước Ngụy để đánh một nước mạnh khác là nước Triệu, đại bại con trai cua Mã Phục là Triệu Quát, khiến bốn mươi vạn binh mả cua nước Triệu đều chết sạch trong trận Trường Bình. Tiếng ông thét như sấm nổ, ngoài trận địa máu kẻ thù chảy thành sông. Kế đó, quân Tần lại kéo tới bao vây Hàm Đan, khiến cho nước Triệu phải chịu một sự uy hiếp hết sức nặng nề. Bạch Khởi đã xây dựng đế nghiệp cho nước Tần, phát huy được tác dụng là người đặt nền tảng. Nước Sở và nước Triệu nguyên là hai cường quốc, thù địch đối đầu sống chết với nước Tần. Từ đó trở đi, nước Sở và nước Triệu đều khiếp sợ nước Tần, không còn đám tranh giành ngôi vị với nước Tần nữa. Tình thế có lợi đó là do Bạch Khởi tạo nên. Ông ấy đã chinh phục hơn bốn mươi thành thị. Nhưng công lao vĩ đại của ông vừa mới hoàn thành, thì Tần Vương đã ban cho ông một thanh bảo kiếm, ép ông phải tự sát tại Đỗ Bưu. - Ngô Khởi đã chế định pháp lệnh cho Sở Điệu Vương, làm yếu thế lực của các đại thần, truất bỏ những quan viên bất tài, dẹp bớt những quan chức chưa cần thiết, chận đứng những lời xin xỏ của kẻ quyền quý, thống nhất tập tục của nước Sở, cấm chỉ bọn du thủ du thực suốt ngày chỉ biết ăn chơi, chọn lựa những binh sĩ vừa biết cày ruộng vừa biết tác chiến, để đi chinh phục các nước Dương, Việt ở phía Nam, thôn tính các nước Trần, Thái ở phía Bắc, phá vỡ “liên hoành", xóa bỏ "hợp tung", khiến những người du thuyết không sao có thể mở miệng được. Ông còn ngăn cấm việc kết bè kết đảng để mưu cầu tư lợi, ổn định việc chính sự của nước Sở, tiếng tăm lừng lẫy trong thiên hạ oai khiếp tất cả chư hầu. Nhưng, đại công vừa mới hoàn thành, thì Ngô Khởi đã bị xử phân thây! - Đại phu Văn Chủng đã nghĩ nhiều mưu kế sâu xa cho Việt Vương Câu Tiễn, giải tỏa được sự bao vây cực kỳ nguy hiểm của Ngô Quân tại Cối Kê. Trong khi mất nước thì biết nghĩ cách tìm một con đường sống, trong khi bị nhục thì biết mưu đồ cách tái sinh, thu gom lưu dân, củng cố thành ấp, khai khẩn đất hoang để làm ruộng, hướng dẫn bá tánh bốn phương, tập trung nhân lực bên ngoài triều đình cũng như trong dân gian, phụ tá cho Câu Tiễn rửa nhục báo thù, kết cục đã đánh bại được Ngô Quốc, giúp nước Việt xưng bá trong thiên hạ. Công lao hiển hách của Đại phu Văn Chủng sau khi hoàn thành, thì Việt Vương Câu Tiễn bỏ rơi ông, và đã xử tử ông. - Bốn người trên do khi thành công mà không chịu rút lui, nên mới gặp thảm họa như vậy. Kết cục bất hạnh đó, như người đời thường nói, chỉ biết vươn ra là không biết co lại, chỉ biết tiến mà không biết lùi. Phạm Lãi là người hiểu rõ cái lý lẽ đó, nên sau khi thành công, ông đã rời khỏi ngay quan trường, đi làm nghề buôn để trở thành giàu có với cái tên Đào Chu Công mà người đời thường khen ngợi, sống tiêu diêu tự tại, hưởng hết tuổi thọ của trời ban. - Ngài không thấy người ta ném xúc xắc đó sao? Có người muốn đặt tụ to để giành lấy phần toàn thắng, nhưng có người lại đặt tụ ké, để ăn chia thành quả với người thắng lợi. Việc đó ngài đều hiểu rất rõ. Hiện nay ngài đã là Thừa tướng của nước Tần, sách hoạch bao nhiêu mưu kế cho nhà vua, ngay đến ngôi nhà này ngài cũng không bước ra khỏi, ngay đến chiếc chiếu ngồi này ngài cũng không rời đi, thế mà ngài có thể trị cho các chư hầu phải khuất phục, chiếm đất Tam Xuyên để củng cố Nghi Dương, chiếm những con đường mòn hiểm yếu, để chận đứng đường trở về của Phạm Thị và Trung Hành Thị tại núi Thái Hành, khiến sáu nước không thể hợp tung, lại sửa sang hằng nghìn dặm sạn đạo, đi thông đến Thục Quận và Hán Trung, khiến người trong thiên hạ đều sợ hãi nước Tần. Giờ đây, mục đích của nước Tần đã được hoàn toàn thực hiện, công lao của ngài đã tiến lên mức độ cao tột nhất. Đây chính là lúc ăn chia thành quả với kẻ thắng lợi là nước Tần. Thế mà ngài còn chưa kịp thời rút lui. Như vậy, cái đang chờ ngài chỉ còn là tai vạ như Công Tôn Ưởng, Bạch Khởi, Ngô Khởi và Đại Phu Văn Chủng đã nhận lãnh trước đây. Tôi nghe nói: "Dùng nước soi mặt thì có thể thấy được diện mạo của mình. Dùng người soi mặt thì có thể thấy được chuyện cát hung”. Trong "Thư Kinh" có nói: "Ở trên sự thành công thì không thể ngồi lâu được". Nếu một khi tai họa như bốn người trên ập đến, thì ngài sẽ đối phó ra sao? - Tại sao bây giờ ngài không trao trả quả ấn Thừa tướng, nhường chức vụ cho một người hiền tài khác, rút lui ra khỏi quan trường, tìm đến một nơi núi non có cảnh trí xinh đẹp nào đó, để sống một cuộc đời ẩn cư. Như vậy ngài sẽ giành được tiếng thơm là người thanh liêm như Bá Di, vĩnh viễn là Ứng Hầu, đời này truyền tụng qua đời khác, ai ai cũng tôn sùng. Đồng thời, làm như vậy ngài cũng sẽ giành được lời khen là người khiêm nhượng như Hứa Do, Diên Lăng Quý Tử, cũng như giành được tuổi thọ lâu dài như Vương Kiều, Xích Tùng Tử mà trong truyền thuyết đã mô tả như những bậc tiên. Làm như vậy nếu so với tai vạ, thì cái nào thích hợp hơn? Ngài chuẩn bị sẽ đi con đường nào. Ngài ức chế bản thân mình không muốn rời đi, do dự thiếu quyết đoán, thì tai họa của bốn người nói trên sẽ ập tới với ngài đấy! Trong sách "Kinh Dịch" có nói: “Rồng bay tận trên cao, nhất định sẽ có chuyện đáng hối tiếc xảy ra”. Đó chính là sự nguy hại do có thể lên mà không thể xuống, có thể đưa ra mà không thể thu vào, có thể đi mà không thể trở lại. Vậy, xin ngài hãy suy xét cho kỹ đi nào! Nghe qua những lập luận trường thiên đại hải của Thái Trạch, Phạm Thư như vừa tỉnh cơn mộng, cất tiếng khen tặng liên tiếp, nói: - Đúng! Đúng! Tôi nghe nói: “Chỉ lo chạy theo sự thực hiện dục vọng mà không biết là đủ, thì sẽ bị mất đi những dục vọng đó. Khi đã có những đồ vật ở trong tay, nếu không biết là đủ, thì sẽ bị mất đi tất cả những đồ vật đó". Những lời dạy của tiên sinh, Phạm Thư tôi sẽ nghe theo cả. Thế là Phạm Thư bèn mời Thái Trạch ngồi vào bàn, khoản đãi đúng theo lễ tiết của một vị thượng khách. Sau mấy hôm, nhân lúc họp triều, Phạm Thư tâu với Tần Chiêu Vương: - Có một vị khách vừa từ Sơn Đông đến, tên gọi Thái Trạch. Người này biết ăn nói, giỏi biện luận, am hiểu tất cả mọi việc về Tam Hoàng Ngũ Bá, lại am hiểu về những sự chuyển biến của thế tục. Quốc chính của nước Tần có thể phó thác cho ông ấy. Thần đã gặp nhiều người, nhưng chưa gặp ai bằng Thái Trạch, chính thần cũng không bằng ông ấy, cho nên thần cả gan tiến cử lên Đại vương. Tần Chiêu Vương triệu kiến Thái Trạch cùng luận bàn quốc sự với ông ta, và tỏ ra hết sức hợp ý, bèn cừ Thái Trạch làm Khách Khanh. Phạm Thư nhân đó, xin trả ấn từ quan. Tần Chiêu Vương không đồng ý, nhất quyết bảo ông tiếp tục giữ nhiệm vụ Thừa tướng của nước Tần. Phạm Thư bèn lấy cớ bị bệnh nặng để từ chối, nhưng thực ra là không muốn tuân theo mệnh lệnh của nhà vua. Tần Chiêu Vương đành phải bãi chức Thừa tướng của Phạm Thư. Và do mưu lược của Thái Trạch được Tần Chiêu Vương rất tán thưởng, nên đã cử Thái Trạch lên thay thế chức Thừa tướng. Riêng Phạm Thư sau khi từ chức, bèn trở về đất phong của mình và ít lâu sau đã chết tại nơi ấy. Sau này, Thừa tướng Lý Tư của Tần Thủy Hoàng trong bức thư "Can gián lệnh đuổi khách", đã đánh giá công lao của Phạm Thư cống hiến cho nước Tần thật cao: “Chiêu Vương được Phạm Thư, củng cố việc triều chính, ngăn chặn những tệ đoan, thôn tính dần đất đai của các nước chư hầu, giúp cho Tần hoàn thành đế nghiệp". Đúng thế, Phạm Thư giữ chức Thừa tướng cho nước Tần ngoài mười năm, đối nội đã thực hành chủ trương “Vững cội yếu cành", tiến hành hàng loạt những cải cách để củng cố chế độ trung ương tập quyền. Đối ngoại đã cực lực đề xướng mưu lược ngoại giao "hòa hoãn nước xa, tấn công nước gần". Đối với bên trên đã kế thừa thành quả của Thương Ưởng, đối với dưới đã tạo ra tiền đề cho Lý Tư tiếp tục phát huy, có một tác dụng to lớn giúp cho lịch sử của nước Tần phát triển, tạo nền tảng vững chắc để cho nước Tần tiến lên nhất thống thiên hạ. Cho dù xét về mặt phẩm cách chính trị, Phạm Thư có những tì vết. Nhưng, tì vết không làm mất giá trị một viên ngọc. Ông vẫn xứng dáng là một vị Thừa tướng nổi danh trong lịch sử nước Tần, là một nhà chính trị hiếm có ở thời cổ của nước Trung Quốc.