38.
Cô Ba qua Xiêm chuyến thứ ba,

  Như Gia Cát đệ tam xuất Kỳ sơn... nhưng chẳng thành công, và cô gặp ông Hoàng Xiêm là chuyên ngải nghệ có linh hay không, ai muốn hiểu sao thì hiểu.
Tôi đã đọc lâu bộ Histoires d’Amour de l’Histoire de France của Nguyễn Breton, nay còn ngán bề trái của lịch sử: Ông vua Louis XV, khi chưa biết gì, đã nhờ bà hầu tước nào dạy cho con ong tơ biết hút mật trong hoa, nhờ vậy chồng bà được bổ nhiệm đại sứ một nước lớn, vinh quang một thuở (nhớ bằng cấp da của vợ), chính đế Napoléon 1er cũng tránh không khỏi bị một bà nhơn tình sang một bịnh kín, trong trận đại chiến nào đó để vừa hành binh vừa bi bịnh kia hành hạ dầm dề như một phàm nhơn. Nhưng lý thú nhứt có lẽ là chuyện ông vua Louis XVIII, vua nầy về già suy yếu nếu không nói là bất lực, nhưng đối xử với cựu nhân tình, bà De Cayla, ngọt không chỗ nói: đã tặng bà một lâu đài xinh xắn gọi château de Saint Quen, thêm biếu bả một cuốn sách kinh thánh (bible) trong đó đóng thêm 50 tấm ảnh kỷ niệm, mỗi ảnh có kèm thêm một tô giấy bạc 1.000 quan (nhưng trong sách không nói rõ bả có chịu khó lật từ tờ để đọc kinh chăng, hay là bà để cho con đòi siêng năng làm thế, tôi nói vậy là chuyện ngoại sử, lấy kinh nghiệm bản thân mà nói, vì lúc tôi còn ở đường Thủ khoa Huân, trước gọi Aviateur Garros, tôi có một tiểu đồng bữa nào quét nhà lau sách, đều cẩn thận lật sách từ tờ không phải để kiếm bụi bặm kỳ thật tiểu ta kiếm bạc giấy tôi thường nhét trong sách, tuy không có bà de Cayla để tặng, nhưng thiếu chi bồ bịch cần dùng khi bà xã về quê thăm nhà!
Ấy vua chúa xứ người, lịch sự làm vậy.
Cô Ba từ ngày làm ăn thất bại ở Bạc Liêu, bị tay con cao tay hơn, vét sạch vốn liếng, trở về Sài Gòn, Nguyệt tiên cung trở nên ổ rắn, chủ nợ thấy mặt và cứ tưởng còn tiền theo đòi cảng riết, bực quá chồng con không kể và để lánh mặt một thời gian, ngựa quen đường cũ, cô xin giấy qua Xiêm một chuyến nữa, quyết phen nầy thay bùa chuộc ngải mới, để về tranh thủ với tay lạ, chớ nhơn tình cũ đã ngán cô nhiều và đức phu quân Pháp tựa hồ cũng ngán và toan trở dĩa. Nhưng chuyến xuất binh kỳ ba nầy rốt lại cũng thất bại, vì hễ tham thì thâm, cô chỉ có hai tay mà toan bắt một lượt đến hai con cá bự. Bước đầu qua Xiêm, cô gặp dê con bốn đứa, bốn anh Tàu lai Xiêm thấy cô và nhan sắc cô, nói hành nói tỏi, cô nghe thấu, dùng tiếng Hải Nam cho chúng một bài học khôn, không nên thấy người nước khác ở viễn phương mà dám phê bình kia nọ. Buổi “thiệt chiến quần nho” ấy chưa thâm thuý, và chớ chi cô là người có học, biết được ngoại ngữ tỷ dụ tiếng Ăng lê thì hay biết chừng nào, vì sau đó cô gặp một người trộng tuổi da đen đen mét mét, đó là cứu tinh chiếu mạng, nhưng cô đã để vuột mất rồi. Ông trộng tuổi nầy, sau nầy rốt, là thân vương, ngự đệ đức vua đang trị vì ở Xiêm la quốc, nếu cứ thứ chuyển đệ thì, sau khi vua đang ngự chầu trời, thì ông là người kế vị chánh thức, nhưng ông trộng tuổi nầy, không như người thường, vẫn không ham ngôi báu, cũng không ham làm chánh trị rẻ tiền, ông vẫn sống một đời phong lưu cực kỳ bình dân, khiến nên thần dân Xiêm lại càng tôn sùng ông hơn nữa. Ông thích việc nghĩa hiệp.
Nay nhắc lại cô Ba qua Xiêm tìm chuộc ngải, nhưng ngái chưa thấy, đã thấy mối tình còn hơn trong mộng và trong ao ước, là sắp gá nghĩa cùng ông hoàng nầy, và nếu được như vậy chẳng là chuyện Tấm Cám, chuyện con dân lấy hoàng tử chẳng là chuyện thật? Ngặt một nôi ngôn ngữ bất đồng, ông hoàng phải dùng một phụ nữ Việt biết rành tiếng Thái làm trung gian, và truyện gió trăng mà có nhân chứng ở giữa thì trở ngại nào bằng. Cô Ba khen nước Xiêm phong thổ tốt, hoa có nhiều giống lạ cô chưa từng thấy, ông hoàng cao hứng hẹn đưa cô đi xứ Pénang, viếng chùa rắn và xem phong lan muôn màu ngàn sắc xứ náy. Bữa lên xe, rủi cho cô Ba là đụng đầu với kỳ đà, bất ngờ gặp chàng đẹp trai họ Đỗ, tuỳ viên nơi toà lãnh sự Pháp ở Bangkok có việc đến đây hai người gặp nhau, khách đa tình gặp gái thuyền quyên, chuyện đầu mày cuối mắt không lọt qua mắt xanh nhà lịch duyệt Xiêm, nhưng ông hoàng tốt nết ghê, xe chạy tới ranh giới để qua xứ Pénang, ông hoàng bắt tay từ giã cô Ba, khuyên cô cứ tiếp tục cuộc du lịch như có mặt ông và ông cắt theo cô một thơ ký đem theo một mở ngân phiếu, dặn cô muốn xài bao nhiêu cứ tự do ghé các nhà sét ty, chúng sẽ nhận ngân phiếu của ông, xài bao nhiêu cũng mặc, miễn cô vui lòng là đủ. Đó, tôi muốn nói người quí tộc nước ngoài là vậy, không như bên mình cho uống một trái dừa cũng xuýt xoa biên sổ! Thế là hỏng bét, hỏng nặng! Họ Đỗ, biết được cô là người của ông hoàng, đã hát bài “tẩu mã” trước, vì một viên chức nhỏ toà lãnh sự làm sao dám đương đầu một thân vương của nước mình đang nương náu. Đàng khác ông hoàng, khi thấy cô quyến luyến với họ Đỗ, ông tự rút lui, vì mình vàng lá ngọc há đi tranh giành một bông hoa, dầu là lạ mắt, với một bộ hạ dưới tay mình? Tội nghiệp nhứt là cô Ba, vì luyện phép chuộc ngải chưa kịp, nên sẩy một lần đến hai con cá to, và như tôi đã nói, tham thì thâm là vậy. Cốt ý của cô khi qua Xiêm là quyết luyện phi đao ngải linh để trở về hơn thua với đám Dư Hồng lục tỉnh, nào ngờ bước đầu cô gặp trở ngại thình lình. Cô đâu có ý đi tìm lan lạ lan quí như lời ông hoàng giới thiệu và cuộc hành trình của cô đã mất hứng, từ khi ông hoàng và họ Đỗ trở bước về Xiêm. Đến xứ Ma lai you (Bà lai du), cô viếng chùa rắn ở Pénang cho có chừng, đến kinh đô Mã lai là Kuala Lumpur càng thấy vô vị, và khi đến Tân gia ba hay Tân gia Phố (Singapour), cô cho hay cô trở về Sài Gòn, không hân hạnh gặp lại ông hoàng Xiêm như giao ước trước. Cô nói với viên thơ ký, về rán học tiếng việt và rán đọc và hiểu truyện Kiều.
Nói lại với hoàng thân, tôi kính dâng hai chữ “bình an” và hẹn kiếp tái sanh hoạ may sẽ gặp, chớ kiếp nầy: “Trăm ngàn gởi lạy tình quân, tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!”. (Kiều)
Mối tình kết thúc có hơi đột ngột, một lần nữa cô Ba biết làm tiền chớ không giỏi làm tình! Và ngải mê, có hay chăng, đố biết?