LỜI DẪN TRUYỆN CỦA THÁNH THÁN

- Mái Tây là gì?
- Là tên sách.
- Sách sao lại đặt tên là Mái Tây?
- Sách cốt để chép chuyện: Có chuyện ấy nên có sách ấy: Không có chuyện ấy tất không có sách ấy. Nay trong sách ấy có chuyện, mà chuyện xảy ra ở Mái Tây, nên đặt tên nó là Mái Tây. Mái Tây là khu nhà phía Tây chùa Phổ Cứu. Mà chùa Phổ Cứu thì là một toà công đức lớn, lập nên do đức bà Kim Luân hoàng đế đời Vũ Chu. (tức Võ Tắc Thiên)
Chùa Phổ Cứu có cái Mái Tây. Phía Tây Mái Tây ấy lại có một cái biệt thự. Biệt thự gần chùa nhưng không thuộc về chùa, vì là của quan Tướng quốc họ Thôi bỏ lương tháng làm ra. Nguyên trước có nhà sư Pháp Bản, là người mà quan Tướng quốc đỡ đầu, tức là đồ đệ của quan Tướng quốc. Ngài nhân nghĩ đến một ngày kia ta được thôi quan để nhường lối cho người tài giỏi, thì gậy tre, dép cỏ, trừ cửa Phật ra ta biết chơi đâu. Thế nhưng ngài muốn mình làm người khách tình cờ, chứ không muốn đồ đệ làm ông chủ tình cờ. Vì thế mới chiếm lấy cảnh chùa ấy, để làm nơi tĩnh dưỡng cho ông lão. Nào ngờ đâu khi lạc thành cầu đảo không khéo, chẳng nghe tiếng hát, lại nghe tiếng khóc; chẳng được đem đai ngọc làm đẹp cho cửa Không, mà lại đem minh tinh đưa đường cho người vợ goá … Vì thế mà bà lớn mới có thể quàn linh cữu ngay trong chùa. Cho nên Mái Tây là lớp nhà ở phía tây chùa Phổ Cứu. Mà phía Tây Mái Tây lại có nơi biệt thự, thì là chỗ bà lớn ở tang. Thế rồi: vì tang mà người đẹp ở, vì người đẹp ở mà tài tử ở … Tài tử ở Mái Tây ấy là vì người đẹp ở phía tây Mái Tây. Người đẹp ở phía tây Mái Tây, là vì tang ở đấy; mà tang ở phía tây Mái Tây, thực ra là vì ở đấy quan Tướng quốc có làm một nơi biệt thự riêng. Vì quan Tướng quốc làm biệt thự ở phía tây Mái Tây, mà Mái Tây bên chùa Phổ Cứu mới có chuyện … Đến nỗi vì có chuyện để ra có sách để cho muôn nghìn, muôn đời, người ta truyền nói vô cùng. Thế thì bỏ tiền lương ra làm biệt thự lại có thể không cần thận mà được sao! Thánh Thán sở dĩ nói thế là vì có hai cớ:
Cớ thứ nhất: Cốt cứu người thiên hạ, phải cẩn thận về "nhân duyên" … Phật dạy rằng: "Nhất thiết ở cõi đời, đều sinh ra bởi "nhân". Có nhân thì được sinh; không có nhân thì rút lại không sinh. Chưa từng thấy có nhân mà không sinh, không nhân mà lại tự nhiên sinh. Cũng chưa từng thấy nhân đậu sinh ra dưa, hay nhân dưa mà sinh ra đậu. Cho nên đức Như Lai dạy các kiện nhi, chớ có tạo nhân. Than ôi! Có không sợ sao được. Tục ngữ nói: "Cha báo thù thì con ăn cướp!" Nghĩa là: kẻ báo thù tất phải giết người; đến đời con nó, không thấy mang thù, chỉ thấy giết người, thì nó cũng tập giết người chơi! Giết người rồi, nhà nước bèn đem pháp luật buộc nó. Nó sợ vướng pháp luật bèn trốn mạng vào trong rừng rú. Trong rừng rú không kiếm ăn vào đâu được, bất đắc dĩ lại lấy sự giết người làm nghề nghiệp! Như vậy thì thù ta cũng chớ có trả. Vì Thánh Thán hiện đã thấy những chuyện đó luôn luôn … Hiện đã thấy đời cha vì nửa đời kém vui, mượn đàn sáo khuây khoả nổi lòng. Thế mà chỉ chớp mắt là đời con đã tay cầm sênh phách, lần cửa hát rong! Như thế thì Tạ Thái Phó ta cũng chớ có nên học! Hiện đã thấy đời cha rạc người vì lo phiền, mượn chén rượu ngọt, trốn vào làng say! Thế mà chỉ chớp mắt là đời con đã chửi càn bị đánh, ngã xe gẫy tay! Như thế thì Nguyễn Tự Tôn ta cũng chớ có nên học! Hiện đã thấy đời cha ở nhà nhiều luỵ, sang chùa thăm sư, nói chuyện qua về kinh sách. Thế mà chớp mắt là đời con đã dắt díu lũ trọc, làm ô loạ cả buồng the! Như thế thì Trương Vô Cấu ta cũng chớ nên có học! Hiện đã thấy đời cha mong xa lánh cuộc đời, chăm chỉ ruộng vườn, trông cày coi cấy. Thế mà chớp mắt là đời con đã gánh phân, theo trâu, mặt mắt nhem nhọ! Như thế thì Đào Uyên Minh ta cũng chớ có nên học! Kìa như quan Thôi Tướng quốc hồi bấy giờ bỏ tiền lương làm biệt thự, nhất thời các tân khách ở trong tiệc, ai là không tấm tắc khen người hiền: thế mới thực ngoài mặt Tể tướng mà trong lòng Bồ Tát! Vậy mà không hay, không biết, chính ngài, sau khi mất, đã làm viễn nhân cho câu chuyện dưới trăng ở Mái Tây! Chẳng thế thì ta đổ cho Song Văn (tên tự của Oanh Oanh) gây chuyện sao? Hay ta đổ cho tài tử gây chuyện sao? Đổ cho Song Văn, Song Văn không tạo nhân. Đổ cho tài tử, tài tử không tạo nhân. Vậy thì câu chuyện dưới trăng ở my, chẳng phải quan Tướng quốc tạo nên nhân, thì còn ai vào đấy nữa! Than ôi! người ta sinh trong trời đất, cất chân đặt tay, còn có một ly một tý gì là có thể cứ làm bừa đi mà được? Một cớ nữa là dạy người đời về thể lập ngôn: kìa như bà lớn thì là một vị nhất phẩm phu nhân nghiêm trang giữ lễ; còn Song Văn thì là một trang sắc nước nghìn vàng. Cho đến con Hồng nhất thời cũng là một nhan sắc thượng lưu. Mà Phổ Cứu thì là một toà chùa lớn ở Phủ Hà Trung, lớp trong lớp ngoài, tăng đồ kể hơn nghìn cũng có. Lại thêm người vãn cảnh tứ xứ, khách lễ bái thập phương, họp lại như mây, kéo đến như nước. Trong chỗ đó, mắt họ trông, tay họ chỉ, lòng họ động, miệng họ nói, ta có thể liệu biết thế nào được! Nay người gài chưa thật già, người bé cũng không còn bé, tuy là trong cảnh sô qui tang tóc, song cao sang đài các, có phải là vẻ thường quen mắt cho kẻ ngoài đâu! Vậy mà nghiễm nhiên mà không rủ, trướng không che, ở chen vào đấy, bà lớn kia có dễ là một bà vãi nhà quê sao, nếu không thì sao lại không biết giữ lễ đến như thế? Cho nên Thanh Thán xét kỹ ý tác giả, thì thực là phía tây Mái Tây, lại có riêng một biệt thự. Biệt thự ấy ở gần chùa, là để có lối vì cây dây quấn. Biệt thự ấy không thuộc vào chùa, là để giữ kẽ cho Song Văn. Người quân tử lập ngôn, dù là viết tuồng nữa, cũng cần đắc thế. Đáng kính biết mấy!