Việc lật đổ vương triều nhà Tần, chỉ là thắng lợi bước đầu trong việc giành lấy thiên hạ của Lưu Bang. Dù vậy, thắng lợi cũng rất dễ làm cho đầu óc của những người phàm phu tục tử phải choáng váng. Ngay đến Lưu Bang, một nhà chính trị kiệt xuất như thế, mà cũng không tránh khỏi sa ngã. Khi Lưu Bang mới tiến vào cung Tần, thấy cung điện nguy nga rực rỡ, chó ngựa xinh đẹp, của quý đầy kho, gái đẹp đầy hậu cung, thì muốn được tọa hưởng vinh hoa phú quý. Đối với việc này, nhiều bộ hạ của Lưu Bang cảm thấy hết sức bất an. Võ Thành Phàn Khoái đã mạnh đạn can gián, chỉ trích Lưu Bang là muốn "làm một ông nhà giàu”. Nhưng, với những lời can gián đơn giản như vậy, hoàn toàn không thể làm cho Lưu Bang thay đổi ý định. Trương Lương biết đối với đại đa số người mà nói, muốn vượt qua quan ải an lạc vui chơi, còn khó khăn hơn là vượt qua quan ải gian nguy sống chết. Hàm ý giữa sống và chết là tuyệt đối, nhưng sự an lạc bản thân nó tồn tại ý nghĩa tử vong lại rất mơ hồ, không dễ chi nhìn thấy. Đối với một người anh hùng bị sa ngã trước sắc đẹp, người đời thường chê cười, nhưng hầu hết đều tha thứ chứ không bác bỏ. Do vậy, muốn cho Lưu Bang xa rời những con chó khôn, những con ngựa đẹp, bao nhiêu tiếng đàn hay, tiếng hát dịu dàng, cũng như bao nhiêu sắc đẹp, thì cần phải tìm cách làm cho ông ta thức tỉnh. Cho nên, Trương Lương đã khéo léo khuyên rằng: - Trước kia đo nhà Tần vô đạo, nên Bái Công mới có thể kéo quân tới được nơi đây. Vậy nếu muốn trừ đi những thế lực vô đạo còn tồn tại, thì bản thân mình phải mặc áo vải, phải ăn chay. Nếu nay mới vừa tiến vào đất Tần, là mình đã nghĩ tới chuyện ngồi yên hưởng lạc, thì chẳng hóa ra mình lại tiếp tay cho vua Kiệt làm điều bất nhân hay sao?”. Lời tục thường nói: “Thuốc đắng dã tật, lời thật khó nghe". Vậy, mong Bái Công hãy nghe theo lời khuyên của Phàn Khoái và bao nhiêu người khác. Trương Lương với một thái độ bình tĩnh, lời nói dịu dàng, nhưng đã vạch trần sự "vô đạo của nhà Tần”, “tiếp tay cho vua Kiệt làm điều bất nhân”, là những câu nói đánh mạnh vào tâm lý, để làm thức tỉnh sự si mê của Lưu Bang. Cách nói như vậy, còn sâu sắc hơn là cách giận dữ la ó, khiến cho người nghe càng dễ tiếp nhận. Thủ pháp khuyên ngăn đó chính là nghệ thuật của những mưu thần dùng can gián nhà vua. Tuy nhiên, Trương Lương tuyệt đối không khoa trương tài biện luận của mình. Vì trong giờ phút đó, phải có cả các quan văn lẫn các quan võ, hiệp trợ với nhau, thì mới tiến hành can gián hữu hiệu được. Riêng Lưu Bang là một người sáng suốt, đó là điều không thể phủ nhận. Rốt cục, ông đã bằng lòng niêm phong cung điện, kho tàng, tài vật của triều đại nhà Tần, rồi kéo quân trở về Bái Thượng, chờ đợi những cánh quân của Hạng Võ và những cánh quân khởi nghĩa khác kéo tới. Trong thời gian này, tập đoàn Lưu Bang còn thi hành một loạt những biện pháp chánh trị có tính thấy xa hiểu rộng. Ông đã tụ tập phụ lão, hào kiệt ở các huyện lại, để cùng "ước pháp ba chương": Ai giết người thì đền mạng, ai gây thương tích hoặc cướp của người khác thì phải bị tội". Đồng thời ông còn tuyên bố: “Xóa bỏ tất cả pháp luật của nhà Tần. Quan lại thì giữ nguyên chức vụ. Phàm người không có những hành động tàn bạo thì chớ nên sợ hãi. Ngoài ra, ông còn phái người đi cùng quan lại cũ của triều đại nhà Tần, đến các huyện, các thôn ấp, để phổ biến rộng rãi những ý kiến trên. Kết quả người Tần vui mừng, tranh nhau dẫn bò dê, gánh rượu và thức ăn tới hiến cho quân sĩ. Bái Công bảo binh sĩ của ông đừng nhận. Ông nói: “Lương thực còn rất nhiều, không phải thiếu thốn, vậy đừng làm nhọc tới người khác". Nhân dân thấy thế càng vui mừng. Họ lo sợ Bái Công không ở lại để làm Tần Vương. Những biện pháp an dân nói trên, đã giúp Bái Công Lưu Bang tranh thủ được nhân tâm. Đối với việc sau này ông trở lại Quan Trung, lấy đó làm căn cứ địa để tranh giành thiên hạ với Hạng Võ, tạo được một nền tảng chính trị thật vững chắc.