Và cũng từ hôm ấy, nỗi u sầu của tôi không có gì có thể chữa nổi. Hoạ chăng chỉ còn những cốc rượu đầy vơi.Từ khi Quỳnh Hoa chết, tôi đắm mình vào rượu. Và tôi có một người bạn rượu, đó là Nguyễn Cẩn. Cẩn là con một gia đình giàu sang. Bố anh là một y sư, trước kia theo vua Duệ Tôn đi chinh chiến. Ông là một thày thuốc giỏi đã có công chữa trị cho nhiều quân sĩ. Không hiểu sao ông không chưa nhận một chức quan triều đình, ông chỉ nhận cái hàm lục phẩm rồi trở về mở một hàng thuốc ở phường Hà Khẩu. Cửa hàng thuốc của ông to lắm. Ông vừa bốc thuốc trị bệnh, vừa bán thuốc. Nghe nói ông có nhiều mối buôn bán tận bên Trung Quốc, những mối buôn bán to. Kho thuốc nhà ông là mấy ngôi nhà lớn, thuốc đổ vào bồ, đặt trên giá xếp chồng cao đến tận nóc nhà. Những thuốc quý hiếm như sừng tê, ngà voi, răng hổ, mật gấu, dạ nhím, sâm, nhung, quế... hiệu nhà ông bao giờ cũng sẵn. Tên ông là Nguyễn Điền, một con người quắc thước, vạm vỡ, mặt vuông chữ điển. Trông ông như một võ tướng, khác hẳn ông tôi, con người tiên phong dạo cốt. Về y thuật, hai người cũng khác hẳn nhau. Ông Điền giỏi về chữa gẫy xương, nhọt bọc; cụ Phạm giỏi về các bệnh của lục phủ ngũ tạng. Tuy khác nhau về y thuật, khác nhau về tuổi tác, khác nhau cả về phong thái, nhưng ông ngoại tôi và ông Điền vẫn rất trọng nhau. Đó là sự lân tài của những người vốn có tài năng lớn.Ông Điền có cậu công tử Nguyễn Cẩn nức tiếng là con người phong lưu, giao du rộng rãi. Cậu ra vào các chốn bạc bài đen đỏ, nhưng chưa ai dám bảo cậu là kẻ ham tiền của. Cậu đi lại chốn hồng lâu kỹ viện nhưng chưa ai dám nói cậu là kẻ ham sắc. Cậu giao du rượu chè thi phú với các nhà danh giá, nhưng chưa ai dám miệt thị cậu là kẻ luồn cúi danh vị. Cậu đẹp trai nổi tiếng người ta dùng mĩ tự “ngà voi vàng ròng” để nhắc thay tên cậu.Một buổi sáng, khi tôi đang độc ẩm trong nhà khách. Ông già Lặc vào bẩm:- Thưa, có cậu Nguyễn Cẩn con ông Điền xin gặp.- Cụ hãy dẫn anh ta vào.Một chàng trai từ dưới thềm bước lên thi lễ:- Kẻ học trò xin kính chào quan kiểm pháp.Tôi ngắm nhìn chàng nho sinh trạc hai nhăm tuổi ăn mặc chững chạc áo ngoài màu tím lam bằng sa mỏng phủ lên trên chiếc áo dài trang; khăn nhiễu đen càng làm nổi bật gương mặt trắng hồng, với đôi môi đỏ như son và đôi lông mày ngài đen sẫm. Quả đúng cậu ta là con người mi thanh mục tú, xứng với cái tên “chàng ngà voi vàng ròng”. Tôi hỏi:- Chẳng hay huynh đài có việc gì cần gặp?Mấy hôm trước, cụ Phạm viết thư sang cha tôi, nói có người mắc chứng cuồng điện, và nhờ cha tôi tìm cho một cái xạ hươu nang để luyện thuốc. Học trò được lệnh cha, mang túi xạ hươu sang quý phủ.Tôi mời Nguyễn Cẩn ngồi:- Hôm nay ông tôi đi thăm bệnh xa. Không biết việc chế biến ra sao nhỉ?- Dạ thưa, người thợ săn mới bắn được ngày hôm qua trên núi Tản Viên, sớm nay đã đem về ngay. Sợ rằng cụ lang Phạm có cách chế biến riêng, nên cha tôi bảo mang túi xạ hươu sang ngay. Nếu cụ lang về hôm nay hay ngày mai, thì cứ để chờ cụ, bằng không...- Xin huynh đài cứ nói cách chế biến. Chắc cụ tôi vài hôm mới về.- Nếu thế, đem túi xạ hươu để lên đĩa, lấy cái bát đậy vào, trát cho kín, lấy một chiếc nồi rang đổ tro vào. Đặt đĩa xạ hươu lên tro, rồi đun nồi rang. Đun nhỏ lửa và đun lâu. Muốn xem nhiệt có nóng quá không, nên đặt một lá trầu không lên trên trôn cái bát đậy, nếu lá trầu héo vàng là quá nóng. Làm như vậy cho đến khi túi xạ hương khô là được...Tôi cười gật đầu:- Té ra huynh cũng chú tâm cả vào y đạo.- Tôi nghe nói quan kiểm pháp cũng là người sành y đạo Chắc là...- Là sao?- Là quan kiểm sát muốn kiểm tra...Tôi cười giòn, vỗ vai Nguyễn Cẩn.Thế là tôi quen chàng thanh niên kỳ lạ của đất Thăng Long. Anh ta thuộc tất cả các ngóc ngách của đất kinh thành. Cẩn quen đủ mọi hạng người. Tôi ngạc nhiên về sự hiểu biết của anh, sự hiểu biết về sách vở cũng như về con người. Một người tuấn tú như Cẩn, với một vẻ bề ngoài đẹp đẽ, con người “ngà voi vàng ròng” ấy hẳn phải có một tâm hồn cao thượng. Tôi thường tự nhủ mình như vậy. Tôi vô cùng ngạc nhiên, khi trong một bữa rượu, lúc đã ngà ngà say, Cẩn đã thổ lộ với tôi:- Tôi trân trọng cái tâm cao quý của người quân tử, nhưng tôi không tin vào sự cao thượng ở con người. Ai là người cả gan nói rằng mình cao thượng. Chắc chỉ ở mồm những kẻ tiểu nhân vênh vang trâng tráo. Hoặc ở miệng những bậc đích danh quân tử như Mạnh tử, nhưng than ôi! đó chỉ là ảo tưởng.Anh không tin ở cái khí hạo nhiên của con người ư?- Tin chứ. Khí hạo nhiên theo tôi tức là cái chí thay sông đổi núi. Chàng thèm lý gì cái miệng thế tầm thường. Cái khí hạo nhiên tức là dám nói dám làm những công việc lớn. Làm mà không run sợ. Làm mà không hối tiếc.Quen Nguyễn Cẩn độ một năm, bỗng một hôm cha tôi hỏi:- Con có biết anh chàng Nguyễn Cẩn, con ông danh y Nguyễn Điền?- Con có quen anh ta- Chắc quen thân?Thì ra không điều gì lọt khỏi mắt cha tôi.- Nguyễn Cẩn là người ra sao?.- Anh ta rất giỏi y đạoSao lại nói chuyện y đạo ở đây. Cha đã sai nhiều người tâm phúc tìm hiểu anh ta. Bây giờ cha mới hỏi con, ý cha muốn hỏi về cái tâm thuật con người.- Thì con đang nói về điều đó. Nếu một con người biết y đạo. Xét y đạo sẽ biết được người.- Ai dậy con vậy?- Con nghĩ vậy. Một người giỏi nho học chưa chắc đã giỏi y đạo. Nhưng một người giỏi y đạo chắc chắn phải tinh thông nho học.- Sao vậy? - Cha tôi gật gù.- Bởi vậy đạo dính líu đến phần tinh tuý nhất của đạo nó dính đến phần hồn của đạo.- Vậy theo ý con y đạo của Nguyễn Cẩn là gì?- Đó là bá y chứ không phải vương y. Chắc Nguyễn Cẩn chịu ảnh hưởng cua ông lang Điền. Anh ta chuyên chú vào sức mạnh, vào sự lanh lẹ quyết đoán.- Sao nữa?- Anh ta sùng bái cha. Nguyễn Cẩn không tự nói với con điều đó, nhưng con biết. Một thày đồ chép thuê sách cho biết Nguyễn Cẩn đã thuê ông sao chép quyển Minh Đạo của cha.- Ra thế.- Nguyễn Cẩn có một nhược điểm. Anh ta thích sự thái quá.- Sao? Thái quá ư? - Cha tôi bỗng cười to và gật gù vỗ vai tôi - Con tinh đời đấy. Nói thực, cha chưa thấy một con người nào lại say mê tư tưởng của cha đến thế. Anh ta trẻ, có học vấn, lại là con người sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Hiếm đấy? Tuy nhiên, cha vẫn còn cần suy nghĩ.- Vậy là cha đã gặp Nguyễn Cẩn?- Cha đã nói chuyện một buổi với Cẩn.- Con thấy cha có cảm tình với anh ta.- Cha đã nói rồi. Vẫn còn cần suy nghĩ. Này, lúc nãy con nhận xét Cẩn thế nào nhỉ? à... phải rồi, thái quá. Cha nhớ trong lúc truyện trò, Cẩn đã bộc lộ riêng với cha một điều, cái điều mà nói với cha, anh ta còn phải đắn đo mãi... Đúng thế? Cẩn nói thế này: “Thưa thái sư con, hằng đêm, những lúc vắng vẻ, thường nghe được một tiếng nới của ai đó vang lên trong đầu...”.- Có tiếng nói trong đầu? - Anh ta mắc bệnh mất rồi.- Không cứ! Có người suy nghĩ thái quá cũng sinh ra như thế.- Cha có hỏi tiếng nói của ai không?- Có? Cẩn bảo: “không rõ, có thể là tiếng nói của Phật, của Trời, nhưng điều chắc chắn đó là tiếng nói của một đấng linh thiêng nào đó.- Tiếng nói ấy nói gì?- Tiếng nói đó bảo Cẩn phải phù tá cho cha, phải hết lòng xả thân vì nghĩa của cha. Tiếng nói ấy bảo dù có phải nhẩy vào lửa, dù có phải chết, Cẩn cũng phải hết lòng phò tá cha.Tôi ngẫm nghĩ:- Cha có tin lời Cẩn không?- Cha tin có rất nhiều người như thế. Những người thái quá như vậy rất cần cho sự nghiệp trọng đại. Tuy nhiên, cha đã nói rồi, còn cần phải suy nghĩ.Trong khi cha tôi còn đang suy nghĩ, đột nhiên, Nguyễn Cẩn lăn vào ăn chơi như một kẻ cuồng. Người ta nói Cần có hai cô nàng hầu rất đẹp dấu kín ở một ngôi nhà vườn xinh đẹp nào đó... Người ta nói nhiều lần Cẩn thâu đêm đàn ca rượu chè trong những kỹ viện sang trọng của Thăng Long. Người ta kể có khi mấy ngày liền Cẩn bơi thuyền uống rượu với mấy ả kỹ nữ trên hồ Tây. Say sưa đến mức ngủ mê mệt hai ngày đêm mới tỉnh...Rồi nửa năm sau, cũng một cách đột ngột như thế, Nguyễn Cẩn biến mất khỏi những chốn ăn chơi. Cứ như thể có phép lạ! Đang là kẻ ăn chơi, bỗng nhiên Cẩn trở thành kẻ chững chạc, ít nói hẳn đi, ai nói đến chuyện chơi bời trước kia, chỉ mỉm cười.Cùng với sự thay đổi bề ngoài ấy, Cẩn bỗng nhiên được cha tôi xử dụng như một người tin cẩn. ít lâu sau, Cẩn được phong nội tẩm học sinh, người tin cậy nhất của cha tôi. Tôi hỏi cha:- Cha đã suy nghĩ xong rồi ư? Cha đã hiểu kỹ về Cẩn rồi ư? Những biểu hiện ăn chơi vừa qua của Cẩn là gì? Cẩn có trung thành tuyệt đối với cha không?Tất cả những câu hỏi ấy, cha tôi chỉ trả lời bằng một nụ cười bí hiểm:- Cha đã hiểu rất rõ về Nguyễn Cẩn. Có lẽ đối với cha, chẳng có ai trung thành tuyệt đối được như Cẩn. Cha đã suy nghĩ kỹ.