Đối với Tào Tháo mà nói, thì Viên Thiệu ở phía Bắc là kẻ thù lớn nhất. Trước khi trận đánh tại Quan Độ xảy ra, Tào Tháo luôn nghĩ đến việc xua quân chinh phạt Viên Thiệu, nhưng trong lòng vẫn lo lắng binh lực của mình không đủ, nên về mặt tâm lý cảm thấy rất mâu thuẫn. Do vậy, Tào Tháo muốn nghe ý kiến của những mưu sĩ dưới tay mình. Trước tiên, Tào Tháo từng nói với Tuân Vực: - Viên Thiệu là kẻ bất nghĩa, ta muốn cử binh chinh phạt hắn, nhưng thực lực của ta e không thể đối địch nổi, vậy phải làm sao? Tuân Vực dùng đôi mắt của nhà mưu lược, từ các mặt "độ thắng", "mưu thắng", "võ thắng", "đức thắng" để phân tích cho thấy Tào Tháo tất nhiên sẽ thắng Viên Thiệu. Qua những lời phân tích đó, làm cho nỗi băn khoăn trong lòng Tào Tháo dược giải tỏa, và niềm tin sẽ thắng Viên Thiệu được củng cố hơn. Về sau, Tào Tháo lại hỏi ý kiến của Quách Gia như đã từng hỏi Tuân Vực. Quách Gia phân tích càng sâu sắc hơn, nói: - Giữa Lưu Bang và Hạng Võ, quân lực chênh lệch nhau rất nhiều, đó là việc ngài đã biết. Thế nhưng Lưu Bang là người có trí mưu hơn Hạng Võ, cho nên cuối cùng Hạng Võ đã bị Lưu Bang đánh bại. Quách Gia khuyên Tào Tháo nên noi gương cách dùng trí của Lưu Bang và nên học kinh nghiệm trong lịch sử về cách đùng sức yếu để đánh thắng kẻ mạnh, nên vững tin cách dùng trí để thủ thắng. Tiếp đó, Quách Gia lại phân tích tình trạng thực lực giữa Tào Tháo và Viên Thiệu, và nhận định: “Thiệu có mười điều bại, còn ngài có mười điều thắng. Tuy binh mạnh, nhưng hắn không làm chi được cả". Cũng tức là nói Viên Thiệu có mười điểm không bằng Tào Tháo, cho nên dù Viên Thiệu có binh lực mạnh hơn, vẫn sẽ bị thất bại. Đối với Viên Thiệu mà nói, tức là hắn có mười điều bại, còn đối với Tào Tháo mà nói, thì ông ta lại có mười điều thắng. Mười điều bại, mười điều thắng đó là: Thứ nhất, là “đạo thắng". "Thiệu quá phiền tiết về mặt lễ nghi, còn ngài thì theo sự tự nhiên vốn có". Đấy là nói những biện pháp ổn định xã hội của Tào Tháo rất hợp với quy luật tự nhiên. Còn Viên Thiệu thì làm nhiễu loạn thiên hạ, khiến dân sống không yên. Đó là điều đã đắc thắng trước tiên về mặt "đạo". Đó là nhìn chung về mặt tổng thể, là sự cân nhắc đánh giá về mặt hay dở giữa Tào Tháo và Viên Thiệu. Quách Gia trước tiên đặt thiên tính của con người lên hàng đầu xếp nó vào mục thứ nhất trong mười yếu tố để thủ thắng. Qua đó có thể nhận ra những kẻ sĩ thời bấy giờ, rất trọng thị vấn đề thiên tính. Ở Trung Quốc, tư tưởng "thiên đạo tự nhiên”, bắt nguồn từ Đạo gia. Đến thời Đông Hán, nó trở thành mệnh đề triết học của Vương Sung, nói rõ sự vận động của tự nhiên. Sự phát sinh, phát triển của nó, là hoàn toàn tự nhiên, không có một thứ "lực" nào ở bên ngoài chi phối. Thiên tính của con người, là thiên tính tự nhiên, phải phù hợp theo tự nhiên. Bản thân con người có cái lực cửa tự nhiên, có cái lực của sinh mệnh, là vật tồn tại tự nhiên có năng động và hoàn toàn tự do. Mỗi người ai cũng có bản tính thiên phú năng lực, và tình dục, v.v... Bản chất của con người là tự nhiên, là tự do. Do vậy, không nên dùng "lễ nghi phiền tiết" để ràng buộc. Một khi tính cách của con người bị ràng buộc, thì sự phát triển của thiên tính tất nhiên sẽ gặp trở ngại, khiến sức mạnh bản chất của con người không phát huy được bình thường. Những phần tử trí thức trong thời đại phong kiến, hầu hết đều không thoát khỏi sự cấm cố đó. Cuối đời Đông Hán, quần hùng nổi dậy, khiến cục diện Nho gia được độc tôn trước kia bị chao đảo. Cho nên có một số người trí thức trọng thị hơn vấn đề nên theo thiên tính tự nhiên của con người, theo ý chí tự do của con người, nên đối với những sự ràng buộc có thái độ phản đối. Họ mong dựa vào đó để phát huy tác dụng năng động lên đến mức không thể tưởng tượng được. Tào Tháo và Quách Gia là những phần tử trí thức thuộc loại này. Bảo là "thuận theo tự nhiên" chính là dựa theo quy luật tự nhiên mà làm việc, để phát huy một cách đầy đủ bẩm tính nội tại của con người, không để cho con người bị lễ giáo ràng buộc. Thứ hai là “nghĩa thắng": Thiệu đi ngược dòng, còn ngài thuận theo xu thế để chỉ huy thiên hạ". Viên Thiệu hưng binh không có danh nghĩa, còn Tào Tháo rước Hán Hiến Đế về với mình, để lấy danh nghĩa Hoàng đế mà ra lệnh cho thiên hạ. Cho nên Tào Tháo là người có danh chánh ngôn thuận, đấy là "nghỉa” thắng hơn Viên Thiệu. Những năm cuối đời Đông Hán, quyền lực của Hoàng để bị suy sụp, triều cương bại hoại. Hán Hiến Đế chẳng qua là một chiêu bài trong tay của những người quân phiệt mà thôi. Tuy nhiên, nói cho cùng, Hoàng đế dầu sao cũng là người tượng trưng cho chính quyền tối cao phong kiến, trên danh nghĩa vẫn là vị tối cao trong thiên hạ. Kể từ đời Xuân Thu Chiến Quốc trở đi, những tay quyền thần, những tay gian hùng trong chính trị, có ý muốn xưng bá trong thiên hạ, đều biết cách lấy danh nghĩa của Thiên tử, xem đó là điều có ý nghĩa quan trọng trong việc tranh quyền đoạt lợi của họ. Năm Kiến An nguyên niên (công nguyên 196), Tào Tháo đón Hán Hiến Đế và xây dựng đế đô tại Hứa Xương. Từ đó, Tào Tháo thường lấy danh nghĩa của Thiên tử để hiệu triệu và ra lệnh một cách đường hoàng, một cách danh chánh ngôn thuận, để chinh phạt những người khác chính kiến với mình, về mặt chính trị, Tào Tháo nhờ đó đã nắm được quyền chủ động. Về sau, Gia Cát Lượng lúc còn ở tại Long Trung, khi luận bàn về tình thế trong thiên hạ lúc bấy giờ cũng nói: - Tào Tháo bắt ép Thiên tử để ra lệnh cho chư hầu, nên không thể tranh phong với ông ta. Qua đó cho thấy, tấm chiêu bài Hán Hiến Đế, về mặt chính trị vẫn còn có một tác dụng nhất định. Thứ ba là "trị thắng": Cuối đời nhà Hán về mặt cai trị không còn nghiêm chỉnh là do quá buông lỏng. Thiệu lấy sự buông lỏng để trị sự buông lỏng, nên không thể củng cố được việc cai trị. Ngài trái lại, đã dùng sự cứng rắn, nghiêm chỉnh khiến cho từ trên tới dưới biết tự kiềm chế mình. Đời Đông Hán, kể từ Hoàn, Linh trở đi, việc cai trị có nhiều khuyết điểm, làm cho chính lệnh quá lỏng lẻo, việc cai trị quá buông lỏng để cho các cường hào và các đại tộc tha hồ cướp giật đất đai. Bản thân Viên Thiệu xuất thân từ gia đình cao môn sĩ tộc. Ông cố của Viên Thiệu là Viên An, làm quan tới chức Tư Đồ, “Từ An trở xuống, bốn đời giữ chức Tam Công. Do đó mà quyền thế nổi bật trong thiên hạ". Viên Thiệu sống trong khu vực cai quản của mình, chẳng những không uốn nắn những tệ đoan xuất hiện trong cuối đời nhà Hán, mà trái lại càng buông lỏng đối với những cường hào và những đại tộc, để mặc cho họ hiếp đáp bá tánh. Cường hào muốn làm chi thì làm, thu gom nhiều đất đai, trong khi người dân thì vừa nghèo vừa không có thế lực, nên lúc nào cũng phải nộp địa tô thậm chí còn phải bán vợ đợ con mà chưa đủ tiền để nộp tô. Trong khi đó, những người trong các tộc lớn như Viên Thiệu, lại chiêu nạp những người lưu vong, những người phạm tội. Do vậy, sự mâu thuẫn về giai cấp trong thống trị của họ hết sức gay gắt. Đúng như Tào Tháo về sau đã nói: "Muốn cho bá tánh gần gụi mình, nhưng giáp binh quá mạnh, thì làm sao họ gần gụi được?” Trái lại, Tào Tháo đã mạnh dạn uốn nắn những tệ đoan nói trên, chú ý khống chế thế lực của các cường hào và "trừng trị nặng tệ cường hào cướp đất”. Do vậy, Viên Thiệu lấy buông lỏng để trị buông lỏng, trong khi Tào Tháo thì lại mạnh dạn uốn nắn những tệ đoan đó. Sự sáng suốt giữa hai người chỉ qua đó cũng đủ thấy rõ. Điều đó, chính là điều mà Khúc Gia bảo là "trị thắng”. Thứ tư là “độ thắng": Thiệu bề ngoài có vẻ phóng khoáng, nhưng nội tâm lại đa nghi, dùng người bao giờ cũng nghi ngờ, cho nên chỉ biết dùng người thân cũng như bà con em cháu. Trái lại, ngài bề ngoài giản dị dễ gần còn nội tâm thì luôn sáng suốt, dùng người không nghi, cứ có tài là dùng, không cần biết là thân hay sơ. Viên Thiệu trong lịch sử, đúng là một thủ lãnh của một tập đoàn quân sự không biết dùng người. Ông ta cũng là người không phân biệt được ai hiền ai ngu, là điển hình của một nhân vật chỉ biết làm theo ý riêng của mình. Bề ngoài ông ta có vẻ rất phóng khoáng, rất đại lượng, nhưng trong thực tế thì lòng dạ của ông ta lại rất hẹp hòi, khí độ rất bé nhỏ. Khi dùng người thì đa nghi, cho nên hầu hết chỉ dùng những bà con thân thích, những em út của mình. Tào Tháo trái lại sáng suốt và hiểu biết hơn, ai là người có tài thì ông trọng dụng. Về mặt khí độ ông hơn hằn Viên Thiệu. Thứ năm là "mưu thắng": Viên Thiệu là người tiếp nhận nhiều mưu kế, nhưng lại không biết quyết đoán, đó là chỗ dở, Tào Tháo trái lại khi nhận được những kế sách tốt, thì thi hành ngay, và luôn ứng biến một cách linh động. Viên Thiệu cứ gặp việc gì thì luôn có thái độ do dự, thường để mất cơ hội tốt. Còn Tào Tháo xử lý những việc lớn quả đoán, lại giỏi tùy cơ ứng biến. Cho nên về mặt mưu lược và quyết sách, Tào Tháo hơn hẳn Viên Thiệu. Thứ sáu là "đức thắng”: Thiệu cho gia tộc mình nhiều đời qua là một gia tộc có học thức, nên thường đàm luận những vấn đề cao siêu để được tiếng khen. Những kẻ sĩ có tính thích nói suông, thích khoe khoang, thường chạy theo Viên Thiệu. Tào Tháo trái lại, lấy lòng thành thực để cư xử với người, không phô trương một cách rỗng tuếch, và luôn lấy sự cần kiệm để hướng dẫn người dưới quyền. Nhưng đối với người có công, thì ông không bao giờ tỏ ra bủn xỉn. Những kẻ sĩ có lòng trung thành, chính đáng, có tầm nhìn xa, có thực học, thường bằng lòng đến để được Tào Tháo dùng. Viên Thiệu dựa vào sự cao quý của gia tộc, thường thích được tiếng khen, cho nên những người theo về với ông ta, đều thích những danh vọng hão huyền, không có những bản lãnh thực tế. Tào Tháo trái lại, lấy nhân nghĩa và sự thành tâm để đối đãi với người, còn bản thân thì nghiêm túc cần kiệm, giản dị. Khi tưởng thưởng cho người có công, không bao giờ tỏ ra keo cú. Cho nên những người có tài năng và có tinh thần thiết thực trong thiên hạ, đều bằng lòng đến phụ tá cho Tào Tháo. Đó là sự hơn hẳn Viên Thiệu về mặt Đức. Thứ bảy là "nhân thắng": Thiệu nhìn thấy người cơ hàn, thì lộ sắc thương xót, nhưng nếu không thấy thì không bao giờ nghĩ tới. Đó chính là lòng nhân của đàn bà. Tào Tháo trái lại, đối với việc nhỏ trước mắt, nhiều khi bỏ qua, còn đối với việc lớn, thì luôn luôn nghĩ tới, và bao giờ cũng gia ân hơn hẳn người ta mong đợi. Tuy không nhìn thấy, nhưng về mặt suy nghĩ lúc nào cũng chu đáo, không bao giờ có sự thiếu sót cả". Tào Tháo chú ý phát triển sản xuất, khôi phục kinh tế, ổn định xã hội, đem quyền lợi đến cho người dân thường. Viên Thiệu thì trái lại, bỏ lỏng cho bọn cường hào, để chúng mặc tình tham lam vơ vét, khiến người dân không sao sống nổi. Nhưng đối với những chuyện nhỏ nhặt, thì lại có vẻ giả nhân giả nghĩa. Cho nên có thể nói Tào Tháo về mặt Nhân, hơn hẳn lòng nhân kiểu đàn bà của Viên Thiệu, cho nên Tào Tháo là người đắc nhân tâm. Thứ tám là “minh thắng": Dưới trướng của Viên Thiệu, thì đại thần tranh quyền, lời gièm pha lúc nào cũng có. Trái lại ngài biết dùng Đạo để nắm người dưới, luôn giúp đỡ cho người bất hạnh. Viên Thiệu xuất thân từ gia tộc quan liêu giàu có, quen nghe những lời dua nịnh, thường chỉ yêu những người dua nịnh sống bên cạnh mình. Chúng nói gì thì nghe theo nấy, lại ghét người nói thẳng, không muốn nghe ý kiến của họ. Bản thân Viên Thiệu là người nông nổi, độ lượng không to, tất nhiên là người dẫn đến tình trạng những người trí giả dưới tay mình ngấm ngầm đấu tranh với nhau, còn đại thần thì tranh quyền đoạt lợi, mưu trí trở thành liều thuốc độc làm tan rã bản thân. Viên Thiệu bao giờ cũng nghe theo những lời gièm pha, luôn bị những lời gièm pha mê hoặc. Kết cục, người ngay thẳng và những trí giả thì bị hãm hại, còn bọn ti tiện tiểu nhân thì hoành hành không biết sợ ai. Trái lại, Tào Tháo dùng người có phương pháp, không bao giờ chịu nghe lời gièm pha, nội bộ luôn đoàn kết. Cho nên về mặt "Minh" đã thắng hẳn Viên Thiệu. Thứ chín là "văn thắng": Thiệu là người không biết phân biệt thị phi, còn ngài đối với những người chân chính thì dùng lễ để đãi ngộ, người không chân chính thì trừng trị bằng pháp luật. Cho nên, từ đó gọi ngài là người thắng hơn Viên Thiệu về mặt nhận xét thị phi, cũng tức là "văn thắng". Thứ mười là “võ thắng”: Viên Thiệu không hiểu về quân cơ, lại thích phô trương thanh thế. Trong khi đó ngài có tài dùng số ít để đánh thắng số đông, việc dụng binh tài tình như thần, có tài năng quân sự kiệt xuất, khiến kẻ thù đều sợ hãi. Đó chính là sự hơn hẳn Viên Thiệu về mặt quân sự. Quách Gia đúng là một nhân vật nổi bật trong số các nhân vật được xếp hàng "túi khôn" của Tào Tháo. Qua sự phân tích mười điều thắng trên đây cho thấy sự nhận xét của ông rất xác thực và sáng suốt. Chúng ta tạm gác bỏ những lời nói không thực lòng mình để đề cao một người và hạ thấp người khác, để nhận xét sự so sánh của ông giữa hai nhân vật chánh trị mà chính ông đã đứng trên cao nhìn xuống, thì đúng là chí lý. Về các mặt thuật lãnh đạo chính trị, tài năng quân sự, thuật quản lý, thuật đối nhân xử thế giữa hai người, ông đều đề xuất một thứ tiêu chuẩn để nhận xét đánh giá. Quách Gia trước hết đặt thiên tính của con người lên hàng đầu, phản ánh những nhà trí mưu thời bấy giờ đối với vấn đề thiên tính đãi trọng thị. Sáu điều nối tiếp theo sau, ông đã trước hết nêu cao lá cờ thuận theo ý dân, đề xuất chính sách khoan dung và nghiêm khắc hỗ trợ nhau, nhấn mạnh việc dùng người thì phải tin, tuyệt đối không thể nghi kỵ một cách vô cớ và nếu là người có tài thì dùng, mà không bao giờ tạo ra mối quan hệ thân thích. Về mặt sách lược, thì cần phải đánh những trận có chuẩn bị chu đáo, tuyệt đối không manh động liều lĩnh. Phải biết nắm thời cơ, biết sáng tạo thời cơ. Cư xử với người phải chân thành, không giả dối ngoài mặt. Phải có tầm nhìn toàn cục, đối với người đối với việc, phải suy xét toàn diện, tránh sợ mất cái này, sợ mất cái khác, thoát ly quần chúng. Phải biết chận đứng bọn dua nịnh nói năng dối trá, phải vạch trần bộ mặt xấu xa của bọn chuyên ly gián. Bản thân mình phải đường đường chính chính, đối với lời đồn đại vô căn cứ, phải biết tìm hiểu nguồn gốc, phân tích hư thật. Xử lý vấn đề bao giờ cũng phải rõ ràng, thưởng phạt phải phân minh, bất kỳ làm việc gì đều phải biết cách dùng thế yếu để thắng thế mạnh, mạnh dạn và có bản lãnh. Đối với lý luận khái quát của một nhân vật trí mưu thời phong kiến, quả có giá trị để người hậu thế kế thừa và noi gương. Đồng thời, Quách Gia đã có một sự phân tích toàn diện giữa Viên Thiệu và Tào Tháo về các mặt chính trị, kinh tế, chính sách, thực lực quân sự, đắc nhân tâm hoặc không đắc nhân tâm, thậm chí đến khí chất và tài năng cá nhân, đã mổ xẻ toàn diện rất sâu sắc, từ đó rút ra được kết luận "mười điều thắng" của Tào Tháo, đúng là có tính dự kiến và suy đoán rất khoa học. Những mưu sĩ khác cửa Tào Tháo như Tuân Vực, Giả Hử, cũng từng phân tích và dự đoán tình hình giữa Viên Thiệu và Tào Tháo trước khi trận đánh tại Quan Độ xảy ra, và cũng dự kiến được Tào Tháo sẽ đánh bại Viên Thiệu. Tất cả những điều dự đoán đó về sau đều được sự thực chứng minh là đúng. Tuân Vực từng dự đoán Tào Tháo có "bốn điều thắng” tức độ thắng, mưu thắng, võ thắng và đức thắng. Còn Giả Hử thì dự kiến Tào Tháo có “Minh thắng Thiệu, dũng thắng Thiệu, sử dụng người thắng Thiệu, quyết định thời cơ thắng Thiệu”. Có thể nói, những điều mà người trí giả thấy được đều có chỗ giống nhau, và đã có sự quyết đoán như nhau. Đối với việc nâng cao lòng tin cho Tào Tháo, sự dự đoán đó có một tác dụng quan trọng. Có điều là sự phân tích của Quách Gia là tường tận nhất, tế nhị nhất, có chiều sâu nhất, và chuẩn xác nhất. Điều đó không phải là một sự đoán mò, hoặc một sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà được xây dựng từ nền tảng hiểu rõ tình huống của đôi bên, và dựa vào quy luật phát triển của sự vật để tiến hành diễn dịch, suy lý, khái quát, phân tích, và đi đến một kết luận rất khoa học. Quách Gia có thể dự kiến một cách chính xác, khoa học về "mười điều thắng" của Tào Tháo, chứng minh ông là một mưu sĩ rất giỏi và rất sáng suốt.