Tây Đô tưng bừng náo nhiệt. Suốt dọc đường lát đá từ cửa Nam đến núi Đún được cắm đầy những lá cờ ngũ sắc. Chót vót trên đỉnh Đốn Sơn treo một lá cờ trên thêu hai chữ Đại Việt rất to. Lá cờ đại hình vuông nhiều mầu.Các phường trưởng, xã trưởng từ sáng sớm đã bày hương án, thắp hương ở nhà công quán, rồi ra lệnh cho bọn con em đánh trống đánh chiêng thì thùng rộn rã. Cửa Tiền mở rộng. Từ chòi cao trên thành người lính canh đốt một tràng pháo to và dài. Khói pháo tụ thành đám mây trắng. Xác pháo trải khắp cửa Tiền như ai rắc hoa đào. Trăm quan mũ áo cân đai tề chỉnh; theo thứ bậc từ nhất phẩm trở xuống, hàng một nối đuôi nhau tiến vào hai cửa tả hữu đến điện Minh Đạo. Trên lầu Quảng Văn, người lính gọi loa dõng dạc truyền lời mở hội. Hội Đốn Sơn sẽ mở trong năm ngày. Còn trọng đại hơn cả hội thề Đồng Cổ ở đô cũ Thăng Long, bởi vì nước Đại Việt vừa mới xây dựng xong một toà kinh thành vững chãi bằng đá, một toà thành chưa hề thấy trong lịch sử. Ngày thứ năm là ngày hội chính. Sẽ linh đình rước vua từ điện Minh Đạo lên đỉnh Đốn Sơn. Trăm quan đều phải có mặt đầy đủ để ăn thề. Người nào vắng mặt sẽ bị phạt nặng. Người dân kinh đô cũng phải có mặt trong hội. các xã trưởng, phường trưởng phải kiểm soát, và phát cho mỗi nhà một quan tiền giấy.Vùng chân núi Đún là tụ điểm chính của Kinh đô mới. Ở đó có chợ Đún, có sông đào ăn thông với con hào thành rồi ra sông Mã. Những con đường cái lớn từ các nơi cũng đổ về chân núi Đún. Việc giao thông thuận tiện đã biến nơi đây thành nơi giao lưu bắt đầu sầm uất Những ngôi nhà lá nhanh chóng mọc lên ở ven các con đường từ trước ngày hội. Những người buôn bán tinh ý đã nhìn thấy tương lai của vùng kinh kỳ mới. Người ta bàn tán với nhau: “Sang năm sẽ mở khoa thi tại đây; các ông lớn bà lớn cũng đã lập dinh cơ chuyển vào đây ở, rồi đi theo là binh lính, nha lại; cả các quan địa phương cũng sẽ nô nức về chầu... Và biết đâu đấy, còn nhiều điều khác lạ sẽ xảy ra. Đất này sẽ làm ăn được”Kiếm ăn trước tiên là các hàng quán, nhà trọ. Tại một quán rượu khá sầm uất, có một toán đàn ông người địa phương khác đang ngồi đánh chén. Rượu vào lời ra, họ nói đủ thứ chuyện.Ở một bàn rượu có ba người đang ngồi: một người đứng tuổi điềm đạm tên gọi là Nhữ. một người râu xồm và một gã cao gầy. Người râu xồm hỏi:- Thế nào bác Nhữ?Nhữ nhìn con người hộ pháp râu xồm, ra chừng hiểu ý ông cười:- ý của chú về khoản rượu thịt hả. Chú cứ thoả chí, nhưng cấm được say.Tiếng trống hội tùng rinh tiến lại gần. Một đoàn lính từ cửa Tiền đi trên con đường đá đến dãy phố ở chân Đốn Sơn. Đó là đoàn người mở đầu ngày hội. Đoàn người gồm ba bộ phận. Nhóm đi đầu gồm chũm chọe, trống con và trống lớn, nhóm này có nhiệm vụ khuấy động, tạo không khí tưng bừng, gợi nhắc mọi người đi xem hội bằng một điệu trống rất vui, rất nhịp nhàng; nghe điệu trống hầu như chẳng ai còn yên ổn ở nhà nữa. Nhóm thứ hai dân gian vẫn gọi là các cô đĩ đánh bồng, nói theo chữ thời nay là các cô vũ nữ múa trống cơm; các cô đều mặc áo dài đủ màu, váy chùng sát đất, thắt lưng xanh đỏ phất phơ, ngang lưng đeo một chiếc trống cơm. Đến chỗ đông người, đoàn đứng lại. Cô quản vũ cầm một chiếc trống khẩu ra hiệu lệnh tom tom tom. Tức thì đội trống chiêng đánh vang lên một nhịp điệu rộn ràng, lúc khoan, lúc nhặt. Và các cô đánh bồng bắt đầu múa theo điệu trống chiêng, lúc sang ngang, lúc chạy dọc, lúc nghiêng nghiêng cái đầu, từng cặp đối mặt, lúng liếng con mắt, ve vẩy đôi tay, chân thoăn thoắt tựa bay, những tà áo phất phơ quấn quýt. Nhóm thứ ba là nhóm gọi loa, một ông quan võ, lưng dắt kiếm, cưỡi con ngựa hồng, theo hai bên có hai tên lính cầm loa. Khi đoàn nữ múa xong, tiếng loa vang lên:Thiên hạ thái bìnhTây Đô khánh thànhVua truyền mở hộiTha tù giảm tộiPhóng thích cho nôPhát chẩn mở khoNhà nhà no ấm...Mọi người trong quán đều chạy ra xem, lúc này chỉ còn ba người khách nói trên vẫn ngồi lì bên bàn rượu. Gã râu xồm, đập bát rượu xuống bàn:- Hội với chả hè. Sốt ruột! Bày trò thật khéo! Sao mà lắm hội thế? Từ hồi tôi làm người, chưa thấy năm nào được mùa hội hè như năm nay. Tôi vừa đi hội chùa Báo Thiên ở Thăng Long, đến đây lại hội.Gã cao gầy có vẻ thâm thuý:- Như tôi thiển nghĩ ở đời có lắm loại hội. Có bữa hội, dự xong ta như được uống rượu tiên, lòng nhẹ tênh đầu óc minh mẫn. Lại có thứ hội, lúc tàn chệnh choạng ra về, đầu óc u u mê mê, như vừa ăn phải bùa ma thuốc quỷ Lại có thứ hội của quan, thứ hội của dân. Có thứ hội đi xem về, tóc ta dựng đứng thấy sởn da gà.- Quái nhỉ! Bác đọc sách nào thấy nói như vậy?- Chẳng sách nào hết. Gã gầy cao hứng. Tôi chỉ nhìn trời, nhìn đất. Tôi chỉ hỏi núi, hỏi sông, và nhất là hỏi người giữa chợ...Quái nhỉ? Chẳng thèm đọc sách mà biết lắm điều hay thật. Thế đất trời, núi sông nói gì với bác?- Hỏi sông: sông khóc. Hỏi núi: núi giăng mù khăn tang. Hỏi quỷ thần: cười ra nước mắt. Hỏi người giữa chợ: thì được tin vua chết...- Vua chết ư? Gã râu xồm tròn xoe đôi mắt.Người đứng tuổi vẫn được gọi là bác Nhữ nghe đến đây bỗng cau mày lại, và đập tay xuống bàn:- Có câm mồm đi không? Chết cả lũ bây giờ! Đã bảo cấm say cơ mà.Hai gã vội thu mình im bặt. Hình như người họ Nhữ rất có uy quyền với họ. Nhữ nghiêm sắc mặt, đổ nốt chỗ rượu còn lại ra bát, rồi hất ra sân. Ông dõng dạc nói khẽ:- Nghe đây này. Ta đi một hướng. Hai người đi một hướng. Cố tìm cho ra tung tích con người ấy. Nhưng nhớ cho kỹ từ lúc này không uống rượu nữa, không được ba hoa một câu nào nữa. Ngậm miệng lại? Mở mắt ra nhìn cho kỹ! Nhớ chưa?Cạnh chợ Đún có một khu rừng thông mọc trên quả đồi lớn. Thành thử khu chợ có lúc phình ra, lan toả cả lên đồi thông. Hôm ấy, bắt đầu có nắng tháng ba. Cái nắng đầu mùa mà đã rát ràn rạt, vì vậy nhiều hàng quán tản vào ngồi bên những gốc cây.Hai gã râu xồm, và cao gầy đi một lượt vòng quanh chân đồi, nhưng chỉ thấy các cô hàng xén, cô bán rượu, cô bán nón chào mời đon đả... Không, người bọn họ cần tìm không phải các ả hơ hớ và tíu tít này; một gã đàn ông cơ; không phải dân cầy mà thuộc loại dân thầy... Tìm đâu bây giờ? Thử lên lưng chừng đồi xem sao. Trên này có nhiều đàn ông hơn. Gã bán lợn, gã bán nồi đất, ông hàng thịt chó. anh thợ hoạn lợn... Cũng không phải bọn người này. Chợt hai người trông thấy mấy kẻ đang xúm xít ở gốc thông già trên gần chóp đỉnh đồi. Tới nơi mới biết ở đó có ông thầy tướng đang đoán số.Có người nông dân vạm vỡ cười nói oang oang. ngồi bệt xuống đất trước mặt ông đạo sĩ. Người đạo sĩ gầy guộc có bộ râu đen dưới cằm, vẻ hiền từ nghiêm trang, sau lưng là một đạo đồng mi thanh mục tú, người nhỏ nhắn dáng thư sinh. Người nông dân có mớ tóc bù xù, chừng đã uống khá nhiều rượu. Giọng ông ta vui vẻ, hài hước:- Xin chào kẻ ăn mày.Người đạo sĩ bị gọi là ăn mày, mặc quần áo mầu xám, tuy đã cũ, nhưng còn lành lặn, chợt mỉm cười.- Tôi là kẻ tu hành.- Thì kẻ tu hành với người ăn mày có khác gì nhau. Ngay cả ông vua với kẻ ăn mày cũng chẳng khác gì nhau.- Ông nói vậy, bần đạo không hiểu.- Ông là người có chữ. sao lại không hiểu thời bão nổi can qua. Khi ấy đến vua cũng còn có thể hoá ra ăn mày...Gã râu xồm vừa mới tới ngứa miệng cũng chêm vào:- Đến như vua Thuận Tôn vừa qua, đi tu cũng chẳng biết số phận ra làm sao nữa là...Ông đạo sĩ điềm đạm nhắc mọi người:- Kẻ tu hành này chỉ đoán số qua ngày. Xin quý vị chớ nói đến những chuyện to tát ấy, kẻo liên luỵ tới người lương thiện.Người nông dân tóc bù xù cười xoà:- Ừ, phải? Xin các vị im lặng để tôi xem một quẻ. Tớ đang nóng lòng đây.- Bác muốn xem gia sự hay... chuyện lương duyên.- Có gia đình đếch đâu mà xem gia sự. Có đàn bà con gái đếch đâu mà xem chuyện lương duyên.Gã bù xù nói bổ bã, giọng oang oang. Tất cả cười ồ. Rồi bác ta giơ tay lên, vạch mớ tóc trên trán để lộ ra một chữ nho thích bằng chàm, và vẫn bằng cái giọng to, hồn nhiên, bác nói:- Này ông ăn mày? Xem cho tớ một quẻ về đường hậu vận. Đừng giận! Tôi quý mới gọi ông là ăn mày. Tôi là nô tì mới được xoá tội. Kẻ thầy tướng, thầy bói chỉ sống nhờ vào bọn nghèo rớt mùng tơi như chúng tớ. Nhà giầu và các quan họ đâu nhờ các ông. Cùng cảnh như ăn mày cả với nhau, khổ như thế, mới thích xem đường hậu vận.Ông đạo sĩ thắp nén nhang, khấn vái, rồi gieo tiền. Ông nhắm mắt lại, suy ngẫm. Còn người nô tì tóc bù xù vẫn vui vẻ nói:- Để tôi kể chuyện đời tôi cho nghe, các ông nghe mới hiểu tại sao tôi lại cầu hậu vận. Mới đẻ ra, tôi đã là nô. Bố mẹ tôi làm nô tì cho nhà tướng quân Trần Khát Chân từ đời nào chẳng rõ. Bố mẹ chết, tôi sống sót và lớn lên được là nhờ trời phú cho sức vóc khỏe mạnh. Chỉ có tội hay thích uống rượu. Mà rượu vào, ắt phải say phải quậy phá. Tôi bị đòn roi, bị phạt luôn luôn cũng vì tật ấy. Tướng quân đi đánh giặc Chế Bồng Nga, tôi xin theo và lập được công. Từ đó, tôi càng say sưa khỏe. Có bận say quá, tôi bị giải đến trước mặt thượng tướng. Ông hỏi: “Tại sao nhà ngươi lại say sưa tối ngày như vậy?” Tôi bèn trả lời: “Bẩm, các ngài là quan, còn chức tước, còn ruộng vườn, các quan phải giữ sức khỏe, ít uống rượu là phải. Còn nô tì chúng con, hỏi còn có gì mà chẳng uống rượu...” Thượng tướng chau mày nói: “Có tội thì phải phạt. Lệnh đánh mười roi cho chừa thói rượu chè.” Đánh xong lại bảo: “Nhưng có công phải thưởng. Ta xem sổ quân thấy ngươi không nề nguy hiểm, hăng hái đánh giặc Chiêm Thành. Nay ta đặc cách xoá kiếp nô tì cho ngươi. Từ nay ngươi được tự do”. Tướng quân là bậc đại thần, lại được ban quốc tính, nên không phải theo luật hạn nô của thái sư, nhưng ngài vẫn tha cho tôi. Vì vậy tôi quỳ xuống cảm tạ ngài. Tôi nói rằng: “Bẩm thượng tướng, ơn của ngài con xin ngậm vành kết cỏ. Ngài như sinh ra con lần thứ hai. Con xin ngài đặt tên cho con”. - Làm sao? Đặt tên ư? - “Bẩm, từ nhỏ người ta vẫn gọi con là thằng cu, lớn lên là anh cu rồi sau này là cụ Cu cũng nên... Thưa, con vẫn chưa có tên”.- “Vậy ta đặt tên cho ngươi là Bình Chiêm”Mọi người nghe đều cười ồ. Ông đạo sĩ cũng mở mắt ra, mỉm cười nói:- Tôi xin có lời chúc mừng bác Chiêm.- Mừng cái đếch gì! Ông biết không, chính vì bây giờ thoát đời nô tì nên tôi đang lúng túng và phải nhờ ông xem quẻ.- Sao lại lúng túng? Tôi gieo quẻ của bác, thấy đã hết vận bĩ.- Hết cái đếch gì! Thế này nhé? Bây giờ tôi không có quê mà về, không có gia đình để săn sóc, không có ruộng đất trong tay... Hỏi tôi sẽ di đâu? Nếu tôi đi lang thang, thái sư đã có lệnh hộ khẩu rồi, tôi sẽ bị bắt xung vào quân khai khẩn, đưa vào vùng Hoá Châu, nơi rừng thiêng nước độc, khó thấy ngày về. Hoá ra, thoát khỏi rọ cua, lại chui sang rọ cá.Mọi người muốn cười, nhưng chỉ nhếch mép lên thôi.- Hay là tôi xin trở lại kiếp làm nô? Nhưng lúc này đâu đâu cũng hạn nô, ai người ta nhận... Hay là... tôi đi làm giặc? Nhưng làm giặc thì biết đầu quân ở nơi đâu...Ông đạo sĩ nghiêm trang:- Bác chớ lo. Bác cứ theo tôi. Chỗ tôi ở là đất rừng, thiếu gì đất cho một con người sức vóc như bác.Gã râu xồm từ lúc nãy vẫn lặng yên nghe, bỗng nắm bàn tay người nông dân bù xù:- Theo ông đạo sĩ ư? Hoạ là điên? Họ chỉ giỏi nghề bẻm mép.Rồi hắn chìa đôi bàn tay chai sạn rắn như thép ra:- Bác nhìn tay tôi này. Đôi tay này bác đã đủ tin chưa? Bác muốn cày ruộng ư? Bác muốn làm giặc ư? Bác muốn thoải mái, tự do tự tại ư? Chỉ có tôi mới giúp được bác...Bình Chiêm nhìn vóc dáng gân guốc của gã râu xồm. nhìn đôi bàn tay thô nháp đương chìa ra trước mặt, bác nắm lấy bàn tay ấy rồi cười to:- Tôi tin vào đôi bàn tay của bác.Đạo sĩ thở dài. Gã râu xồm rút ở túi ra một tờ tiền giấy mới tinh đưa cho đạo sĩ:- Đây là tiền công của ông. Mà cho tôi được hỏi ông thêm một điều.- Bác hỏi gì xin cứ nói.- Tôi muốn tìm một người làm nghề viết chữ... à cả vẽ tranh nữa. Có ai như thế đã đến chợ này?- Mấy hôm nay, chưa thấy một ông bán chữ, bán tranh nào tới đây...- Lạ nhỉ? Trước kia hắn ta bán chữ ở chợ Báo Thiên. Tôi tưởng hắn đã từ Thăng Long tới đây rồi.- Tôi không thấy.- Hắn ta cao cao, gầy gầy... họ Phạm...- Bác quen hắn ta?- Không... à nếu có gặp ai như thế, ông nhắn dùm rằng ông Nhữ đang cần gặp bác Phạm...Nói xong, gã râu xồm kéo tay Bình Chiêm đi, và bảo:- Tôi thích bác, chắc ông Nhữ nhà tôi cũng phải thích bác. Theo chúng tớ, bác sẽ tha hồ thoả thích. Nào, trước tiên chúng ta hãy vào quán rượu...Khi họ đi khỏi, hai thày trò đạo sĩ cũng thu dọn trở về nhà trọ. Đó là hai vợ chồng Phạm Sinh giả trang đến Tây Đô. Vì viết sử, cần phải có mặt ở những nơi có những sự việc quan trọng xảy ra, nên vợ chồng Sinh đã tìm đến kinh đô mới. Sinh bảo Thị Hạnh:- Về thôi mình ạ. Phải mau mau rời chân khỏi chốn này:- Cái ông Nhữ nào lại muốn tìm mình nhỉ?Phạm Sinh bảo:- Cũng may huynh đã giả trang làm đạo sĩ. Nếu vẫn làm anh bán chữ, phen này ắt rắc rối to.- Nhữ là ai?- Cũng là một nho sinh. Cũng viết đẹp, vẽ giỏi. Xưa kia đã gặp huynh ở tháp Báo Thiên. Cũng là con người nghĩa khí...Phạm Sinh lấy tờ giấy bạc mà gã Râu Xồm vừa mới trả, đưa cho Thị Hạnh:- Nhữ có tài làm giấy bạc giả y như thật. Em xem, đây là tờ giấy bạc năm tiền. Anh ta vẽ con phượng hoàng có tài tình không. Khác gì tiền thật. Có phần còn đẹp hơn tiền thật.- Anh ta muốn gặp huynh làm gì?- Muội chưa biết sao? Nhũ Cái làm giấy bạc giả để phá Quý Ly. Ông ta tung ra nhiều tiền lắm. Làm loạn tiền ở Thăng Long. Thái sư xử tội chết nhưng Nhũ Cái trốn thoát. Nghe tin vua Thuận Tôn băng hà, ông ta bèn chiêu mộ đám người manh lệ, dấy quân nổi loạn ở Đà Giang. Quan quân vùng sông Đáy, sông Đà, núi Tản đều không chống cự nổi. Tướng tá của Nhữ có nhiều người là thủ túc của cha huynh, ông Phạm Sư Ôn. Chắc họ xui Nhũ Cái đến đón huynh. Ông ta kể cũng to gan, dám đến Tây Đô, dám vào hang cọp.- Trước khi gã Râu Xồm đến, huynh đã thoáng thấy Nhũ Cái cùng đi với Phạm Tổ Thu. Hai người chuyện trò rất tâm đắc. Họ kéo nhau lên núi Đún. Chắc sắp có âm mưu gì to lắm. Người của thượng tướng lại gặp thủ lĩnh đảng loạn là cớ làm sao? Chính vì vậy nên huynh muốn chúng ta phải lập tức rời khỏi nơi này. Cả Thái sư và thượng tướng, bây giờ lại đến Nhũ Cái, tất cả đều không tha huynh.- Cần phải báo ngay cho chị Thanh Mai. Không biết chị ấy có nên tới đây hay không?