Sau khi Trần Hữu Lượng rút quân trở về Giang Châu, không cam tâm chịu thất bại, bèn phái bộ tướng đem một lực lượng to lớn đánh chiếm trọng trấn An Khánh, thuộc vùng đất của Chu Nguyên Chương. An Khánh là cửa ngỏ tại biên giới phía Tây của Chu Nguyên Chương, nên ông muốn mượn cơ hội này để tiếp tục thảo phạt Trần Hữu Lượng. Nhưng trong lòng ông vẫn cảm thấy do dự, chưa thể quyết định dứt khoát, bèn trưng cầu ý kiến của quân sư Lưu Cơ. Lưu Cơ phân tích tình hình trước mắt, cho rằng hiện nay tướng sĩ của chu Nguyên Chương đang có sĩ khí rất cao, thêm vào đó cuộc hành quân này là nhằm lấy lại phần đất bị địch chiếm, ra quân hoàn toàn có danh nghĩa. Vậy nếu trước khi diễn ra trận đánh, có sự phát động tốt trong hàng ngũ quân đội của mình, thì chắc chắn sẽ thắng được Trần Hữu Lượng một cách dễ dàng, để tiêu diệt sinh lực của hắn. Khi có vị “Gia Cát Khổng Minh" này ủng hộ, Chu Nguyên Chương liền quyết định một lần nữa xua quân thảo phạt Trần Hữu Lượng. Dựa theo ý kiến cửa Lưu Cơ, trước khi xuất quân, Chu Nguyên Chương tuyên bố với các tướng sĩ: - Trần Hữu Lượng giết chúa tiếm xưng hoàng đế, lại xâm phạm lãnh thổ của ta, giết chết tướng sĩ của ta. Qua hành động của hắn, nếu không tiêu diệt hắn thì không xóa được nỗi căm hờn trong lòng dân, không tiêu diệt hắn thì không an ủi được quốc hồn của ta. Lời nói của Chu Nguyên Chương làm cho tướng sĩ đều phẫn nộ và hăng hái, thề chết chiến đấu với Trần Hữu Lượng. Sau đó, Chu Nguyên Chương mới sắp xếp toàn quân để tiến về phía Tây. Chu Nguyên Chương và Lưu Cơ cùng ngồi một chiếc thuyền "Long Tương” to căng buồm chạy ngược lên thượng du sông Trường Giang. Suốt trên đường đi, tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ rất cao, luôn sôi nổi hăng hái. Hằng vạn chiến thuyền đang vượt Trường Giang, cờ xí rợp trời, trông thực hùng tráng. Nhưng, cuộc chiến đấu diễn ra không hoàn toàn thuận lợi. Tướng của Trần Hữu Lượng là Trương Định vừa dũng cảm vừa thiện chiến, lại giỏi về mưu lược. Cộng thêm thành trì An Khánh rất kiên cố, địa thế rất hiểm yếu, dễ phòng thủ mà khó tấn công, nên tướng sĩ của Chu Nguyên Chương dù đánh rất dũng cảm, nhưng suốt một hôm mà vẫn không thu được một tiến triển nào. Đêm đến, Chu Nguyên Chương buồn buồn không vui, triệu Lưu Cơ tới để bàn bạc đối sách. Lưu Cơ nói với Chu Nguyên Chương: - Đại quân của chúng ta từ xa kéo tới, vốn có ý định chỉ đánh một trận là hạ được thành An Khánh. Thế nhưng đánh suốt cả ngày mà không giành được tấc đất tướng sĩ đều tỏ ra uể oải. Trong khi đó, Trương Định là tướng dũng cảm, thành An Khánh lại kiên cố, nếu tiếp tục đánh thì sẽ kéo dài rất lâu. Trần Hữu Lượng một khi biết ta đang đánh giằng co ở đây, nhất định sẽ phái binh mã tới quyết chiến để báo mối thù thất bại vừa rồi. Như vậy, ta sẽ bị quân địch từ bên trong lẫn bên ngoài hiệp lực tấn công, chắc chắn sẽ bại. Chu Nguyên Chương nghe qua, thở dài hỏi: - Chả lẽ không còn biện pháp nào, mà phải bỏ thành An Khánh rút lui hay sao? Một khi cánh cửa này đã bị mở toang, cọp dữ sẽ vào nhà, thì từ nay về sau làm thế nào yên ổn được? Lưu Cơ khoát tay nói với Chu Nguyên Chương: - Chúa công nên an tâm. Chúng ta chỉ tạm thời bỏ An Khánh, chứ nào phải bỏ luôn. Sách “Võ kinh" có nói: Ta muốn đánh mà địch cố thủ trong lũy cao hào sâu, không đánh với ta, mà ta vẫn tiếp tục đánh giằng co với chúng, thì tất nhiên chúng sẽ phái viện binh tới nơi. Vậy An Khánh là nơi đây nguy hiểm, thành trì vững chắc như đồng, đủ sức để đánh giằng co lâu dài với ta. Sở dĩ hiện nay Trần Hữu Lượng chưa dám đưa binh đến nghinh chiến, là do hắn quá sợ ta đó thôi. Vậy, chúng ta nên bỏ rơi An Khánh, tiến nhanh về phía Tây, áp sát Giang Châu, đánh thốc vào sào huyệt của chúng, thì Trần Hữu Lượng nhất định phải rút quân từ An Khánh để cứu Giang Châu. Như vậy, An Khánh có chạy đi đâu mà sợ? Chẳng phải ta sẽ hạ được An Khánh dễ dàng hay sao? Như vậy là nhất cữ lưỡng tiện, có sợ gì mà không làm? Chu Nguyên Chương nghe xong, vỗ tay khen là tuyệt. Ông hoàn toàn nghe theo kế sách của Lưu Cơ, ngay trong đêm đó, xua quân tiến lên phía Tây, nhưng lại cho cắm nhiều cờ và đốt nhiều đống lửa hơn tại doanh trại cũ. ông cũng cho cột những con dê sống để chúng kéo dùi đánh trống, chiêng ầm ầm ngày đêm, khiến quân giặc trong thành không khỏi hoang mang sợ hãi. Trong khi đó, Chu Nguyên Chương ra lệnh cho hầu hết lực lượng đang bao vây An Khánh rút lui, chỉ để lại một ít binh sĩ làm nghi binh cầm chân giặc. Toàn quân của Chu Nguyên Chương cuốn cờ im trống, men theo dòng sông tiến lên phía Tây và chẳng mấy chốc đã áp sát Giang Châu. Giữa lúc binh sĩ của Trần Hữu Lượng còn đang ngon giấc, thì binh sĩ của Chu Nguyên Chương ào lên tấn công. Bọn lính giữ thành Giang Châu tưởng đâu binh thần từ trên trời rơi xuống, hốt hoảng lo ứng chiến. Trần Hữu Lượng cũng vội vàng phát binh đối phó, nhưng không còn cứu vãn được tình thế đang thảm bại nữa. Tất cả các mặt trận tại Giang Châu đều bị phá vỡ. Trần Hữu Lượng phải dẫn vợ con bỏ chạy. Hắn thừa đêm tối chạy đến Võ Xương. Quân thủ thành Giang Châu đầu hàng và Chu Nguyên Chương đã chiếm thành này một cách nhanh chóng. Trên đường bỏ chạy, Trần Hữu Lượng bắt được mấy tên binh sĩ của Chu Nguyên Chương, hỏi ra mới biết đấy là mưu của Lưu Cơ nên hắn ngửa mặt lên trời than rằng: - Dưới tay ta thiếu một mưa sĩ như Lưu Bá ôn. Sau này kẻ tiêu diệt ta, chắc chắn chính là Bá ôn rồi. Chả lẽ ý trời nghiêng về Chu Nguyên Chương, nên mới sai Bá ôn tới trợ giúp đó chăng? Lưu Cơ chẳng những có mưu lược trác tuyệt về mặt quân sự, mà các mặt chính trị, ngoại giao ông cũng có những mưu lược linh hoạt. Ông vừa sử dụng cách đánh chiếm, lại vừa sử dụng cách phủ dụ. Bất cứ đâu đâu ông cũng dựa vào tình huống cụ thể mà áp dựng sách lược cũng như biện pháp linh động để thủ thắng. Hồ Đình Thoại là Thừa tướng tỉnh Giang Tây của Trần Hữu Lượng, từ lâu đã nghe tới oai danh của Chu Nguyên Chương, nay lại càng sợ hãi mưu lược thần tình của Lưu Cơ, nên sai bộ tướng là Trịnh Nhân Kiệt đến doanh trướng của Chu Nguyên Chương xin cầu hòa. Chu Nguyên Chương mời Trịnh Nhân Kiệt vào bên trong để cùng thương thảo. Hầu hết các điều kiện đôi bên đã thỏa thuận xong, chỉ còn một điều kiện sau cùng là "không giải giới bộ đội dưới quân của Hồ Đình Thoại" thì Chu Nguyên Chương còn tỏ ra do dự, lộ sắc khó xử, vì ông sợ về sau toán quân này sẽ gây chuyện rắc rối. Nhưng Lưu Cơ cho rằng đây là cơ hội để phân hóa và làm tan rã quân địch, và cũng là cơ hội tốt để vừa ra oai vừa ban ân. Cho nên khi Lưu Cơ trông thấy Chu Nguyên Chương do dự chưa trả lời, thì vội vàng lấy chân mình đá vào chân chiếc ghế ngồi có lưng tựa của Chu Nguyên Chương. Khi Chu Nguyên Chương nghe tiếng chân đá vào chân ghế, đoán biết ý đồ của Lưu Cơ, nên liền bằng lòng lời yêu cầu của đối phương, còn viết thơ riêng để an ủi Hồ Đình Thoại, khen ông ta sáng suốt. Chẳng bao lâu sau, Hồ Đình Thoại công khai tuyên bố đầu hàng. Các phủ, châu, huyện ở chung quanh Hồ Đình Thoại như Dư Can, Kiến Xương, Cát An và Nam Khang, cũng noi gương lần lượt xin đầu hàng, toàn bộ đến nghe theo lệnh của Chu Nguyên Chương. Tháng mười, thành Kiến An, một ngôi thành bị tấn công đầu tiên và kéo dài chưa hạ được, cũng bị binh đội của Chu Nguyên Chương đánh chiếm.