ùng sống với đàn gà, vịt, ngan, ngỗng trong sân nhà, có chú gà Choai và cậu chó con Vá. Vá chẳng được nhận cái tên Cún hay Mực, vì cậu ta có bộ lông do nhiều mảng màu sắc khác nhau chắp lại. Mặc dù đã có cả râu lẫn ria, Vá ta vẫn chỉ là cậu chó con. Cứ nghe cái tiếng ư ử và giọng sủa nhanh nhách thì biết. Vá đã nhớn nhao gì đâu? Còn, chú gà Choai kia, dẫu đã biết xù lông cổ, nhướn lên nhướn xuống, tròn mắt, dỏng mào, phẩy cánh phành phạch, nhưng rồi cũng chỉ gáy lên được một hồi “kéc-kè-ke” đứt quãng. Vậy thì làm sao nhận được ta đây gà trống? Oai lắm cũng vẫn còn phải đèo thêm cái tiếng: choai - trống choai.Chả hiểu tại sao, Vá cứ hay trêu Choai. Nhìn cái điệu bộ khuỳnh khuỳnh và nghe tiếng gáy của Choai, Vá thấy ngứa ngáy, muốn đùa. Giọng Choai nghe như tiếng hát của một cu cậu đã khàn lại còn hay làm điệu.Một lần, Choai vừa đi qua mũi Vá, Vá tợp luôn. Choai hốt hoảng nhảy đại lên, giật bắn cả người. Vá đã rứt đứt của Choai hai cái lông đuôi. Choai chúi đầu chúi mỏ chạy biệt vào trong vườn. Vá tinh quái nhằn nhằn túm lông đuôi của Choai rồi thè lưỡi, liếm mép, ngồi ật cổ ra. Cái thằng vậy mà nhát. Vá nghĩ thế. Lát sau, Vá đã chán nhằn lông đuôi Choai. Vui chẳng ra vui. Buồn cũng không buồn. Vá ngủng nghỉnh một mình. Đùa một tí mà nó cũng mất vía thế, chán thật.Chả cứ gì Choai. Vịt, Mèo, Ngan... đứa nào cũng bị Vá đùa cho một keo như thế. Thành thử bây giờ, Vá ta đành thẩn thơ, thơ thẩn một mình.Thấy cái chày giã bèo đứng dựa gốc mít, nom hay hay, Vá ngoáy tít đuôi xông tới. Thoạt tiên, Vá nhảy nhót, ướm:- Đằng ấy đấy hả?Chày im lặng.Vá nhăn nhỏ nhe răng:- Khinh người thế?Chày chẳng nói chẳng rằng. Vá bực mình xông ngay vào. Cái chày đứng không yên, mới phang cho Vá một đòn tưởng gãy lưng. Vá đau quá, vừa kêu vừa lết vào xó hè nằm rên ư ử...Còn Choai, từ lúc bị Vá đùa nhả, mãi mới trở về sân. Choai lững thững bước ngay tới chỗ Vá nằm. Thoạt nghe tiếng Vá rên rẩm, Choai hốt quá. Nhỡ nó lại tợp cho mình một miếng nữa thì nguy, đến trụi đuôi. Choai liền đứng choãi chân theo kiểu dễ đi giật lùi nhất, nhướn cổ ra, phập phồng cái họng. “Á à, đằng ấy định xỏ tớ như lúc nãy chứ gì? Đừng hòng”. Đoạn, Choai co chân giật lùi, khẽ “ắc - ắc”. Nhưng kìa, sao đằng ấy lại nằm rũ ra thế? Hai con mắt mới chán chứ, lờ đà lờ đờ. Lại còn thè lưỡi, nhỏ dãi ra. Choai nghiêng ngó. Khéo mà cậu ta bị ốm. Choai hỏi thầm: “Ốm hả?”. Sao ốm nhanh vậy? Choai nhướn mỏ, ngó ngó. Đằng ấy ốm thật rồi cũng nên. Choai bước tới gần hơn, thân mật:- Đằng ấy có đói không?Vá chớp mắt. Choai gật gật, tóc tóc theo kiểu gà mẹ gọi gà con rồi vội vã chạy đi.Nằm tại chỗ, Vá lo lắng. Không khéo thằng Choai này nó sẽ đánh để trả thù mình đớp nó. Kìa, Choai đã tốc tới. Thoáng thấy mấy hạt thóc rơi ở gần chỗ Vá nằm, Choai chúi mỏ chạy tới. Vá giật thót người, nhắm mắt nghĩ: “Ừ, bây giờ thì mày cứ việc mổ tao đi”. Vá chờ một lúc, một lúc nữa, chẳng thấy gì. Vá he hé nhìn. Ơ, thằng Choai nó đang “tục tục” bập bập hạt thóc. Ra, nó bảo Vá chén đi đấy. Ôi, cái thằng cu Choai này. Vá nhắm nghiền mắt lại. Từ khóe mắt Vá lăn ra hai giọt nước trong vắt. Choai ngẩn ngơ, đánh rơi hạt thóc.- Ơ!.... Ơ, cái cậu này...