Trong khi diễn ra hội thề Đồng Cổ, tôi được cha phái đi công cán ở Thanh Đô trấn. Khi trở về đúng vào lúc tan hội. Ngay đêm ấy, tôi vào phủ thái sư để bẩm với cha công việc.
Lúc đó, tất cả đều vắng nhà, hình như mọi người đi ăn tiệc ở đâu đó. Tôi vào thư phòng nơi làm việc của cha. Đó là một căn phòng rộng, với đồ đạc bày biện thoáng và giản dị. Một cái sập đặt chính gian giữa, trên đặt một cái kỷ, trên kỷ có ngọn bạch lạp dài đang cháy, bên cạnh là một cuốn sách, ở đầu gian phòng là một tủ sách; phía đầu đối diện trong bóng tối chập chờn là một chiếc ghế dài có đệm dùng làm chỗ ngả lưng khi làm việc mệt. Tôi lại gần chiếc đôn ngọc bích độc nhất để đối diện chiếc sập gụ, và nhìn lên bức tường đằng sau chiếc sập, nơi đó cha tôi vẫn treo một bức tranh do chính tay tôi vẽ. Đó là bức vẽ Núi Yên Tử, ngọn núi cao nằm gần biển đông. Núi cao ngàn trượng có mây trắng vờn quanh sau lưng là trùng trùng điệp điệp những ngọn núi nhấp nhô như muôn vàn con voi đang quỳ phục; dưới chân núi một ông lão chống gậy đi trong rừng tùng mắt nhìn chóp núi nơi có đám mây trắng chờn vờn như một chiếc lọng che, hoặc cũng có thể như một con rồng đang nằm im trong tư thế chuẩn bị bay vút lên không.
Cha tôi hỏi:
- Ông lão đang mải miết đi đâu vậy?
- Chắc ông cụ nghĩ tới đám mây.
- Ai vậy?
- Đức Trần Nhân Tôn.
- Một ông vua lớn nhất của Đại Việt.
Ngay cả bốn câu thơ chữ nôm tôi đề ở góc bên trái cha tôi cũng thích:
Hồ am trương tán lục
Suối trúc phím đàn tranh
Ngự sử mai hai hàng chầu rắp
Trượng phu tùng mấy chặng phò quanh
- Hay! Hay tuyệt! Thơ quốc ngữ mà làm như thế thì hay tuyệt.
- Dạ, đó không phải thơ của con.
- Của ai vậy?
- Bẩm của thiền sư Huyền Quang, Trúc Lâm đệ tam tổ
- A, ta nhớ ra rồi.
Bốn câu này rút trong bài phú Nôm “Vịnh Yên Tử” Cha tôi bỗng thở dài - Cha rất tiếc phải ra lệnh bắt những ông sư trẻ hồi tục. Nhưng biết làm sao! Phải như thế thôi. Trốn việc quan đi ở chùa. Điều đó làm cho nước ta suy yếu. - Rồi cha bỗng cười giòn - Ta không thích đạo Phật, nhưng ta thích những người như sư Huyền Quang. Và nhất là ta thích bức tranh con vẽ. Nó đẹp lắm. Nó khoáng đạt, tả được cái hùng vĩ của núi sông.
Thấy cha tôi ưng, tôi liền đem bức tranh dâng người. Cha tôi quý bức tranh lắm, đem nó treo ngay trên tường sau lưng cái sập, nơi người thường ngồi làm việc để được luôn nhìn thấy nó. Bảo rằng, được nhìn nó sau mỗi lúc làm việc mệt nhọc, bỗng thấy lòng như dịu đi, thấy sự thư thái sảng khoái mau trở lại.
Tôi rất ngạc nhiên, vì hiện nay trên mảng tường ấy, không thấy bức tranh Yên Tử mà lại treo một bức màn che bằng vóc hồng. Tôi vội đi vòng quanh sập đến nơi, kéo bức màn che ra; tôi bỗng à lên và chợt hiểu. Thì ra ở chỗ bức tranh cũ của tôi, hiện nay là bốn bức tứ bình vẽ bốn người hiền thần đời xưa. Thứ nhất là tranh Chu Công thời Chu Thành Vương; thứ nhì là đại tư mã Hoắc Quang giúp Hán Chiêu đế, thứ ba là vạn đại quân sư Gia Cát Lượng phò tá Lưu Triệu khi Lưu Bị chết; thứ tư là Thái uý Tô Hiến Thành giúp Lý Long Cán tức Lý Cao Tông. Tất cả bốn ông đều là tể tướng nắm tất cả quyền thiên hạ trong tay, trong khi bốn ông vua được phò tá đều là ấu chúa. Họ đều giữ yên xã tắc, không lạm quyền, cho đến khi các ông vua trẻ thơ đủ. tuổi lớn khôn để giữ việc triều chính.
Tôi tự hỏi: Ai đã vẽ những bức hoạ này? Ai đã cho cha tôi những bức tranh này? Tôi nhìn kỹ những bức vẽ. Nét vẽ thật già dặn. Bốn khuôn mặt thông minh và hiền hậu. Sự kiên quyết, cương trực của bốn gương mặt biểu hiện ở bốn đôi mắt thảy dấu sắc sảo. Đôi mắt Chu Công Đán là đôi mắt của nhà hiền triết hóm hỉnh nhìn tôi như muốn xoáy vào tim óc. Đôi mắt của đại tư mã Hoắc Quang thì xếch lên hơi có chút tàn ác. Đôi mắt Khổng Minh thì thông minh, ở mỗi mắt có hai chấm sáng. Đôi mắt của Tô Hiến Thành lại quắc lên như một người cố sức, nó phảng phất nỗi u buồn của một người biết thời đã tận mà vẫn phải gắng công.
Tôi đang nhìn vào mắt cụ Tô Hiến Thành bỗng chợt phát hiện ra điều lạ: ba đôi mắt kia hình như cũng đều tập trung vào tôi. Tôi ngạc nhiên nhìn vào bức vẽ thứ nhất của Chu Công Đán ở phía đầu bên kia hàng tranh, lập tức ba đôi mắt kia cũng đổi hướng nhìn theo mắt tôi. Những đôi mắt bỗng làm tôi xao xuyến, tôi vội vàng lùi vào bóng tối nơi đặt chiếc ghế có đệm. Những đôi mắt kỳ dị. Hay là ta mệt mỏi. ừ, có lẽ ta mệt mỏi. Tôi ngả lưng trên chiếc ghế dài vừa ngẫm nghĩ, vừa chờ đợi. Có thể tôi đã rong ruổi mấy hôm liền, vì thiếu ngủ nên tôi rơi ngay vào mơ màng.
Tôi thiếp đi không biết bao lâu, chợt thức giấc bởi tiếng của cha tôi. Tôi định ngồi nhỏm dậy lại chợt nghe thấy một tiếng nói khác. Tôi vội vàng nhắm mắt lại. Đó là tiếng nói của Hán Thương em trai tôi. Người ta thường bảo tôi ghét Hán Thương. Tôi cố bào chữa, hai anh em tính khí trái ngược nhau, nhưng rồi tôi tự soát xét lại mình, tôi thấy không nên giả dối, tận thâm tâm, đúng là tôi thấy ghét Hán Thương thật. Mà làm sao không ghét hắn được cơ chứ. Thằng em tôi luôn luôn hãnh diện vì nó có mẹ là bà công chúa Huy Ninh; còn tôi mẹ tôi chỉ là dòng dõi một ông lang. Tôi nhớ rất rõ, lúc chưa sinh nó, bà công chúa rất yêu thương tôi. Bà công chúa là một người đàn bà đẹp, dịu dàng, lại có học.
Bà mảnh mai, cái thân hình mảnh mai ấy lại chứa đựng một tâm hồn cực kỳ cao thượng. Có lẽ bà thương thân phận côi cút của tôi, nên khi chưa có con trai, bà đã trút hết tình thương vào tôi. Khi còn rất nhỏ, tôi luôn cảm giác rằng ở bà luôn thường trực một nỗi sợ sệt, một nỗi khắc khoải nào đó (điều này mãi đến khi lớn khôn tôi mới hiểu rõ). Tôi cũng là một đứa trẻ e dè sợ sệt. Cũng vì thế nên bà hợp với tôi. Tôi đã coi bà như mẹ đẻ. Chính bà là người thầy học đầu tiên của tôi.
Những ngày bà sinh em Thánh Ngẫu (chị Hán Thương), tôi đã được hưởng một thời gian tràn trề hạnh phúc. Ba mẹ con tôi: bà Huy Ninh, em Thánh Ngẫu, và tôi, suốt ngày chỉ biết tiếng cười. Ba năm sau, khi Hán Thương ra đời, lúc bấy giờ gia đình tôi mới biết đến tiếng khóc. Hán Thương khóc khỏe lắm, nó khóc suốt ngày, suốt đêm. Chậm ăn: khóc. Chậm ỉa: khóc. Chậm chiều ý nó: khóc. Không bằng lòng: khóc. Đông người quá: khóc. Vắng người quá: khóc. Suốt ngày phải có người bế ẵm, cũng không xong. Nó đòi bà Huy Ninh phải ẵm nó. Từ bé nó đã có ý thức: bà Huy Ninh là mẹ riêng của nó. Nó không cho bà bế em Thanh Ngẫu. Nhất là tôi, nó luôn đẩy tôi ra khi tôi sán đến gần bà. Tôi chỉ có quyền đứng xa xa để đón nhận những ánh mắt thương cảm của bà. Càng lớn lên, cái ý thức chiếm hữu riêng người mẹ của nó càng ghê gớm; cứ thoáng trông thấy mặt tôi xuất hiện gần bà Huy Ninh là nó đuổi: Cút? cút đi? Đến nỗi, cuối cùng, cha tôi phải đưa tôi sang ở với ông ngoại. Sự hận thù giữa anh em tôi bắt đầu là như vậy. Lớn lên, được học hành được giáo dục, lẽ dĩ nhiên anh em chúng tôi phải đối xử với nhau xứng với địa vị xã hội cao quý của mình; nghĩa là chúng tôi giữ lễ với nhau, ngọt ngào với nhau, bề ngoài thương mến nhau, nhưng thực ra nỗi hận thù từ thuở ấu thơ vẫn như cục đá tảng, vẫn sừng sững còn đó; chẳng teo nhỏ đi, mà lại càng tấy lên như cục u quý tộc.
Tôi nằm im, lắng tai để nghe cho rõ cuộc đối thoại giữa em tôi và cha tôi. Chắc là cha tôi đang ngồi vắt chân trên cái sập, còn em tôi đứng trước mặt người. Có lẽ cha tôi đã ngồi đấy mơ màng và chờ đợi từ lâu rồi và bỗng choàng tỉnh dậy vì chợt nhận thấy cái bóng người đang đứng xa xa trước mặt người.
- Nguyễn Cẩn đấy ư? Lại đây!
- Thưa cha, con chứ không phải là Cẩn...
- Hán Thương! Con vẫn còn thức sao?
- Con ngủ sao được, khi cha vẫn thâu đêm ngồi bên ngọn bạch lạp. Con ngủ sao được, khi cha vẫn phải từng giờ, từng khắc... chờ đợi.
Giọng cha tôi có vẻ chú ý
- Ta chờ đợi ư? Con cũng biết ta chờ đợi ư? Chờ đợi cái gì?
Dạ thưa cha... Đại sự! Đại sự!
- Đại sự là cái gì?
Hình như cha tôi đã đứng dậy và nhìn vào mắt thằng em trai tôi, một cậu thiếu niên.
- Con xin chúc mừng cha... Đại sự? Đại sự!
- à, à... Cậu con trai tôi hoá ra không còn bé nữa nhỉ?
- Con đã mười sáu tuổi.
- Những mười sáu tuổi cơ à... Con có hiểu nói thế là rất liều lĩnh không? Con có biết lời nói ấy có thể đưa cha con ta, đưa gia đình ta, và nhiều gia đình khác tắm trong máu đỏ?
- Con xin lạy cha tôn kính! Cha còn dấu con làm gì.
- Đại sự! Đại sự sắp đến rồi. Con cũng như cha, ngày đêm con chờ đợi. Và cả đất nước này, người ta chẳng nói ra miệng, nhưng ai ai cũng ngày đêm chờ đợi.
- Có thật thế không nhỉ?.
- Cha là người quân tử đi trước thiên hạ sự.
Tôi nghe tiếng cha tôi cười khục khục trong cổ họng. Tiếng cười ấy như khuyến khích thang em tôi mạnh dạn hơn.
- Cha biết không, đã hàng tháng nay đêm nào con cũng thức, thức để nghe tiếng chân cha gõ bước, thức để chờ đợi, thức để canh phòng cho cha. Cha tưởng rằng con còn thơ trẻ lắm sao, con ngu ngốc lắm sao. Thưa cha, con lo lắng cho cha mỗi khi cha ủ dột; con hoảng hốt mỗi khi bước chân ban đêm của cha bồn chồn gõ nhịp. Cha ăn không ngon, con nuốt cũng chẳng trôi; nhưng mỗi khi mặt cha tươi vui là lòng con lại nhộn nhịp. Con hiểu rằng như vậy là Đại sự đang nhích lại gần. Con khâm phục cha! Con sùng kính cha. Cha thân mật mà tài giỏi? Cha kiêu ngạo mà giản dị! Cha cứng rắn mà dịu dàng. Xin cho con được theo bước chân cha. Xin được gánh vác một chút nhỏ công việc của cha. Dù phải chết con cũng cam lòng.
Cha tôi bỗng cười to:
- Thì ra lâu nay con vẫn dò xét cha từng bước. Đúng. Có nhiều đêm ta cứ bỗng dưng giật mình. Cứ tưởng như có con mắt nào đó đương nhìn vào tận đáy lòng cha. Cứ tưởng như có ai đó đường dò bước bên cha, ngay trong nhà của cha. Cha bực tức, cho thám tử đi dò xét sục sạo chung quanh, nhưng rút cục chẳng thấy gì. Bây giờ cha mới hiểu, thì hoá ra là con. Ha ha... Hán Thương Con đã lớn thật rồi. Lớn thật rồi? Ha, ha! Cha cứ tưởng trên đời này chẳng ai hiểu nổi được cha. Bọn Nguyễn Cẩn, Nguyễn Đa Phương, Phạm Cự Luận, Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, Đỗ Tử Mãn... là vây cánh của ta, là tâm phúc của ta... thế mà có kẻ còn phản lại ta... Ta đã phải giết chết Nguyễn Đa Phương. Phương là con đẻ của thầy dạy ta, ta cũng đành phải giết. Giết để rồi lại ưu phiền lo lắng... Con có hiểu không, bởi vì ta vẫn rất cần tin người và cần người tin ta... Con có hiểu không... Bởi thế nên ta trằn trọc, ta âu lo. Ta cần, ta muốn, ta thèm được có người hiểu ta. Vây cánh của ta, họ có hiểu ta không? Có lẽ họ mới chỉ hiểu ta ở bề ngoài. Nhưng còn con, liệu con có hiểu được đến thâm tâm của cha không?
- Cha như một con rồng nằm ngủ.
- Ha ha... Cậu con trai của ta... Vậy là cha hiểu con thích loài rồng. Nhưng rồng là - một con vật chưa ai nhìn thấy. Ai cũng sợ rồng, nhưng vì chưa bao giờ nhìn thấy nên thực ra chẳng ai sợ rồng cả.
- Dạ thưa cha: Thực thực hư hư đó là con rồng, bởi vì trong con rồng có hàm chứa con rắn. Mà con rắn thì vừa độc vừa hiểm.
- Vậy tiềm long tức là tiềm xà. Tiềm xà thì đáng sợ thật. Ta hiểu con rồi... Vậy là con thích con rồng; còn anh trai con, con có biết Nguyên Trừng thích gì không?
Thấy hai người bàn đến tôi, tôi vội chăm chú lắng nghe để không sót một lời. Hán Thương suy nghĩ một lát rồi nói:
- Con không hiểu anh Trừng thích gì nhưng con hay bắt gặp anh hát:
Phượng hoàng hềPhượng hoàng hề bay vút trời cao.Người xưa, mây cũ nay ở nơi naoChỉ thấy nơi đây lâu đài tàn tạChỉ thấy bầu trời vắng trăng saoPhượng hoàng hềPhượng hoàng hề người nơi nao.à! Đó là bài ca phượng hoàng mà tôi đã phóng tác từ một bài thơ Đường trong một bữa say rượu. Tôi đã phổ nhạc và nghe đâu một số kỹ nữ Thăng Long đã đem ra hát ở những kỹ viện.
Tôi lắng nghe nhưng cha tôi chỉ im lặng, và em tôi cũng im lặng. Tôi nghe thấy em tôi cáo lui về phòng nghỉ. Cuộc nói chuyện sôi nổi ấy kết thúc thật chưng hửng. Lúc này, chỉ còn nghe thấy bước chân cha tôi đi đi, lại lại, rồi dừng bước rồi lại bước đi. Những bước chân làm thức dậy trong lòng con người bao nhiêu suy nghĩ, liên tưởng. Một tính toán? Chờ đợi? Lo lắng? Âm mưu? Hay là nỗi phiền muộn?
Có tiếng chân lạ lại gần. Té ra là chờ đợi. Tiếng cha tôi cất lên trước: “Cẩn đấy ư?” Hoá ra từ chập tối đến giờ cha tôi vẫn chờ Nguyễn Cẩn.
Câu hỏi đầu tiên của cha tôi:
- Tình hình đức thượng hoàng Nghệ Tôn ra sao?
- Thưa đức ông. Bệnh tình thượng hoàng vẫn không thuyên giảm. Người vẫn chẳng ăn uống gì. Đức vua Thuận Tôn ép mãi ngài cũng chỉ húp được ba thìa cháo sâm.
Tôi lắng tai nghe và suy nghĩ: “Hoá ra đêm nay cha ta chờ đợi vì tình hình đã đến phút cao trào. Thái thượng hoàng Nghệ Tôn đang hấp hối”
- Buổi chiều nay, sau khi nói chuyện với ta, thượng hoàng còn nói chuyện với ai?
Chập tối, thấy người cho gọi thượng tướng Trần Khát Chân tới. Sau đó đến Thái bảo Nguyên Hàng. Sau nữa là hai ông Nguyên Uyên, Nguyên Dận.
- Thái độ họ ra sao?
- Người của ta trong phủ thượng tướng nói rằng: Trần Khát Chân ở cung Thượng hoàng về vẫn thắp đèn đi chăm sóc mấy dò quế lan hương đang ra hoa.
- Còn Nguyên Hàng?
- Quan Thái bảo uống rượu suông, ngồi bên dèn thở dài.
- Họ không tụ họp với nhau.
- Chỉ có Nguyên Uyên đến nhà Nguyên Dận. Hai người thì thầm bàn chuyện. Đám tôi tớ chẳng biết họ nói gì. Bởi vì họ đuổi gia nhân ra khỏi nhà khách. Có lẽ đến giờ này họ cũng vẫn đang uống rượu.
- Còn điều gì nữa không?
- Bẩm đức ông, còn một điểm quan trọng nữa là trước khi Trần Khát Chân đến, thượng hoàng còn cho gọi Sử Văn Hoa đến bói dịch.
- Lại cái tên bẻm mép Sử Văn Hoa!
- Thượng hoàng nói:
“
Quãng này chỉ có hầu mõm đỏĐang lăm le lên lầu gà trắng”Khanh thử gieo quẻ bói xem có phải con gà trắng này đã đến lúc mệnh tuyệt rồi; và con hầu mõm đỏ đang bước lên lầu?
- Sử trả lời ra sao?
- Ông ta nói: “Tâu thượng hoàng, những bốc sư tài giỏi có thể đoán ngày đoán giờ chính xác; còn hạ thần, tài hèn, chỉ có thể biết được những nét đại cuộc, còn như việc đoán đúng ngày giờ thì...”. Nghệ hoàng thở dài và bảo: “Cho khanh lui”.
Cha tôi im lặng hồi lâu, sau đó bỗng hỏi
- Ngươi đã có tin tức gì về đại công tử chưa?
- Thưa đức ông, công tử Nguyên Trừng chập tối nay đã về tới Thăng Long.
- Ta chưa thấy mặt nó.
- Chập tối, vừa về tới Thăng Long, công tử đã vào quán Đào nương. Quán này mới mở. Nghe nói cô kỹ nữ là người đàn giỏi, hát hay, lại xinh đẹp. Công tử không gập được cô chủ quán, bèn cho tập hợp bọn người hát xẩm, hát thuê ở quanh đó đến mua vui. Xa Thăng Long đã lâu, chắc công từ muốn vui chơi một trận cho thoả trước khi vào gặp đức ông.
Tôi quay lưng lại nên không nhìn được mặt cha tôi, nhưng tôi đoán được nét mặt không vui của người.
Nguyễn Cẩn tiếp:
- Nghe nói công tử uống rất nhiều. Rồi công tử rút kiếm lảo đảo múa điệu “Tửu cuồng”, còn lão Sư Nguyệt đánh đàn và hát
Đại loạn hề, ai say đại loạnĐại loạn hề, chén rượu bên môiHãy vui đi hề, bất quá một tiếng cười!Để giai nhân chảy dài nước mắtĐêm qua ta khóc,Ta bưng cái đầu lâu máu tràn khuôn mặt- Ai đã làm bài hát đó?
Bài Tửu cuồng do chính công tử đặt ra
- Thật là nhảm Thật là nhảm
Im lặng. Tôi nghe bước chân cha tôi đi đi lại lại. Một hồi lâu im lặng. Tôi nghe thấy bước chân Nguyễn Cẩn rón rén lui khỏi phòng. Rồi tiếng cửa khép lại. Không thấy tiếng chân bước nữa; chắc rằng cha đã ngồi bên kỷ. Tôi sẽ sàng quay lại, hé mở con mắt. Cha tôi đang ngồi vắt chân chữ ngũ, một tay đặt trên kỷ, một tay chống cằm, đầu rũ xuống. Ngọn bạch lạp lung linh làm cái bóng mờ của cha tôi trên tường di chuyển trong khi cái bóng thật của cha tôi ngồi im bất động.
Một con người quyền uy như cha mà lúc này như thế đấy Tôi chợt thấy dâng lên một niềm thương. Tôi nhỏm dậy, rất nhẹ nhàng, se sẽ bước đến đứng trước mặt người. Tôi nói nhỏ:
- Thưa cha...
Cha tôi ngẩng lên:
- Con đã dậy rồi sao?
- Cha đã biết con nằm ngủ ở đây?
- Cha biết... Cha tôi ngừng lại lúc lâu - Cha biết ngay khi bước chân vào phòng này. Con có hiểu tại sao cha biết không? Chắc con không hiểu... Khi mới bước vào đây, linh tính như mách cha có điều khác lạ. Chẳng hiểu đó là cái gì nhưng cha cảm thấy nó. Căn phòng này chỉ có mình cha ở. Không ai được vào đây, trừ các con và Nguyễn Cẩn. Ai vào rồi ra, cha mở cửa phòng cho hơi lạ bay hết đi, rồi mới đóng cửa lại. Ta không nên để mùi lạ ở bên mình, nó sẽ làm loãng ta đi, và linh giác sẽ kém mẫn cảm... à, ta đã đi xa câu chuyện... ừ, ta vào đây, ta thấy khác lạ. Ta đưa mắt nhìn và ta đã phát hiện ra những bức tranh trên tường, những bức tranh mà ta đã che kín lại, những bức tranh đã chiếm chỗ bức Yên Tử Sơn con vẽ, mà cha rất thích - Cha tôi có vẻ bực tức - Cha không muốn nhìn những bức tranh tứ phụ này.
- Thưa cha, con đã đắc tội với cha.
Cha tôi nói tiếp bằng cái giọng trầm trầm:
- Cha không thích bốn bức tứ phụ này nên đã che kín nó lại. Vậy ai mở nó ra? Nguyễn Cẩn chắc không bao giờ dám vào đây khi cha vắng mặt. Hán Thương ư? Nó là người không bao giờ chú ý đến tranh vẽ. Vậy chắc là con. Cha đoán con đã ở Thanh về. Và cha đã thấy con đang nằm ngủ.
- Sao cha không đánh thức con đậy? Từ xưa, cha đã bảo con không bao giờ cha muốn có hai người có mặt cùng một lúc trong phòng cơ mật.
- Đúng vậy? Việc cơ mật bao giờ cũng chỉ được nói giữa hai người. Không bao giờ được phép để một người thứ ba trực tiếp chứng kiến. Đó là phép tắc của cha. Nhưng trường hợp này, cha cố ý cho con được nghe.
- Thưa cha, con không hiểu.
- Không hiểu ư? Ừ, hay thật? Ai ai cũng biết, nhưng ai ai cũng nói rằng không biết. Lúc nãy, Hán Thương nói đêm đêm vẫn nằm nghe thấy cha thâu đêm dạo bước trong phòng này; còn Nguyễn Cẩn thì suốt buổi tối sai thám tử đi dò xét cho cha biết tin về sự động tĩnh của các đại thần... Lần này, chính tai con đã nghe thấy những điều đó... chứ không phải như tiếng xì xào trong triều đình rằng cha sắp cướp ngôi. Con có biết không? Đó là cái thuật của cha đấy. Cha nghĩ làm mọi chuyện cho người ta nghĩ là cha sắp thoán ngôi, nhưng không ai được phép nói cha sắp thoán ngôi. Tình hình coi như sắp có bão, nhưng không được phép nói ra. Làm thế để cho phe đối lập của cha phải căng đầu óc và bộc lộ thái độ. Ai nói lên, hãy coi chừng... Làm thế cũng để lung lạc tinh thần những kẻ lừng chừng chưa muốn theo cha. Sự căng thẳng làm họ run sợ và họ sẽ im lặng. Từ sự im lặng đến sự ngoan ngoãn theo cha, chỉ là một bước ngắn.
Cha tôi im lặng nhìn tôi, đôi mắt người sáng quắc bỗng dịu lại:
- Nhưng với con lại khác. Đêm nay cha để cho con được ngồi ở đây bởi vì... bởi vì cha muốn con... cha muốn thành thực với con... cha muốn con...
Tôi thấy ánh mắt của cha đang nhìn tôi như cầu khẩn... và tôi chợt nhận ra nỗi cô đơn khủng khiếp của người... bảo là nỗi cô đơn của kẻ thoán nghịch cũng được bảo là nỗi cô đơn của kẻ làm một việc lớn cũng được
Cha tôi đã đứng dậy, người đi đi lại lại và nói:
- Không hiểu sao cha lại nghĩ rằng cha chỉ có thể thổ lộ diều này ra được với con thôi. Này, Trừng! con nghĩ thế nào?...
- Bao giờ con cũng là con của cha.
Cha tôi bỗng chỉ tay vào những bức tranh tứ phụ:
- Con thấy những bức tranh đó ra sao?
- Thưa cha, người thợ vẽ là hoạ sĩ có tài. Những bức tranh có thần.
Đúng người hoạ sĩ có tài. Ta sẽ sai tìm cho ra anh ta. Nhưng cha muốn hỏi con điểm khác cơ. Con có thấy chúng ngớ ngẩn không?
Tôi ngẫm nghĩ rồi trả lời:
- Muốn hiểu ý nghĩa của chúng, phải biết ai là người đã tặng cha.
Cha tôi gật gù:
- Đúng thế! Con biết không, chính ông vua già Trần Nghệ Tôn đã gọi cha đến ngày hôm qua và ban cho cha. Sau ngày hội thề, ông ta ốm.
- Bây giờ con đã hiểu tại sao cha không thích những bức tranh này. Con hiểu cái chí của cha. Cha muốn một cuộc đổi đời, một cuộc đảo lộn trời long đất lở ở xứ sở này. Bởi vậy, cha không thể như bốn vị tứ phụ này, đem thân phò tá bốn ông vua trẻ thơ. Trung thành như Chu Công Khuông phò Chu Võ Vương có thể còn được; chứ đến như Khổng Minh phò Lưu Triệu, Tô Hiến Thành phò Lý Cao Tôn là hai ông vua trẻ con ngu độn, trong lúc triều chính mục ruỗng, thật là ngu trung. Nghệ Hoàng không hiểu cha, không hiểu thời thế...
- Con nói đúng - Mặt cha tôi rạng rỡ - Phải nói, ông ta thật đáng thương... Nhưng biết làm sao được... Ông ta khóc, nắm tay cha và dặn dò hãy khuông phò ấu chúa... rằng nếu xét thấy ấu chúa tối tăm ngu dốt, lúc đó cứ việc nắm lấy ngôi vua... Ôi! Thật nực cười. Việc thịnh suy của cả một đất nước lại giải quyết bằng một sự mủi lòng như vậy sao?... Ông ta làm cha vừa thương, vừa bực bội, vừa khó nói... Cha không muốn nói dối một người sắp chết, nhưng cuối cùng cha đã phải nói dối. Ôi! thật bực bội, ông ta ngớ ngẩn và cũng đẩy cha vào chỗ ngớ ngẩn. Này, nếu cha rơi vào địa vị ông ta, cha sẽ cắn răng lại, lạnh lùng mà chết. Hừ! Lại còn hai chữ thoán nghịch nữa chứ. Đâu đâu người ta cũng xì xào hai chữ đó. Cứ như thể một con ngáo ộp, một vị hung thần để bó tay ta lại.
- Thưa cha, con nghĩ đó không phải điều đáng sợ. Nhà Trần đã mục ruỗng. Giặc giã loạn lạc tứ tung. Dân đói khổ. Ai cũng muốn nổi loạn nhưng chẳng ai dám nói. Bọn tôn thất, bọn quan lại cũng đã dự cảm thấy ngày tận cùng của triều Trần, nên chúng tranh thủ vơ vét. Vậy đấy sự đổi đời là điều không thể tránh khỏi. Vả lại, việc thoán nghịch vốn lẽ tự nhiên. Chính nhà Trần lên ngôi vua cũng nhờ vào việc thoán nghịch. Nhà Trần cướp ngôi nhà Lý, máu phải chảy thành sông... Có sao đâu. Sau đó, oán đã thành ân. Con nghĩ đó mới là điều ta đáng suy nghĩ và lo lắng.
Cha tôi im lặng, hình như ánh mắt ông mỉm cười và khuyến khích tôi nói.
- Con nói lo lắng vì nhà Trần đã tạo được cái ơn sâu dầy cho Đại Việt. Qua bốn đời Trần Thái Tôn, Trần Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Trần Anh Tôn, nước Đại Việt đã hạnh phúc, đã cường thịnh chưa từng thấy. Hơn một trăm năm văn hiến mở mang, người hiền tài đông đúc, ba lần thắng giặc Nguyên, biên cương mở rộng, thóc gạo ê hề, nơi thôn cùng ngõ hẻm cũng vang tiếng hát... Hơn một trăm năm Đại Việt hùng cường, thật là ơn sâu nghĩa dầy. Nhà Trần hiện nay đã thối ruỗng, đáng lật đổ. Và cha là người duy nhất hiện nay có thể lật đổ nhà Trần dễ dàng. Nhưng ơn sâu của nhà Trần với muôn dân thì cha có lật đổ được không?
Cha tôi vẫn im lặng. Tôi lại nói tiếp:
- Vả lại, còn nhà Minh ở phương Bắc. Chu Nguyên Chương mới dựng triều đại. Thế của họ là thế đầu con nước, cái thế chẻ tre, thế của chàng trai đương sức. Nếu ta chia rẽ, lục đục, nếu ta suy yếu, mà chắc chắn sẽ suy yếu vì tranh giành quyền bính, vì lòng người còn khảng tảng, họ sẽ không tha chúng ta đâu.
Cha tôi nắm chặt bàn tay phải và đập xuống cái kỷ:
- Thế nếu để nguyên trạng như hiện nay, Đại Việt ta có suy yếu không? Nếu nhà Trần thối ruỗng như hiện nay, mà nhà Trần tồn tại, so với một triều đại mới được dựng lên, được quét sạch lũ tham quan ô lại, được tổ chức cứng rắn, được hết lời bàn ra tán vào, thì hỏi hai triều đại ấy bên nào tốt hơn, mạnh hơn? Thôi, câu chuyện nên dừng ở đây. Dù sao, cha cũng thấy con là người mà cha mong muốn, tin cậy.
Tôi đã nhận được một lời khen hiếm thấy ở miệng cha. Tiếp sau đó, tôi trình bày cho cha nghe về việc điều tra tình hình ở vùng động An Tôn - Thanh Hoá. Cha tôi định xây một khu thành khổng lồ ở đó. Cha bảo phải lập thêm một kinh đô mới, nơi địa thế hiểm trở, nơi ta có thể dựa lưng vào núi rừng...
Tôi đã nghiên cứu nhiều về các kinh đô, lại có chút kiến thức về quân sự, về xây dựng, nhất là về thuật phong thuỷ. Việc này tối mật, chưa ai biết.
Tôi đưa ra một phác đồ. Cha tôi xem xong, người rất vui ông nói.
- Cha rất hài lòng vì con.
Đáng lẽ khi cha tôi không nhắc gì đến chuyện rượu chè của tôi và lại khen tôi nhiều lần như vậy, thì tôi phải vui mới đúng chứ. Thế mà tôi lại không vui. Ra khỏi dinh thự của cha, lòng tôi trĩu một nỗi buồn. Phải chăng nỗi buồn của một thời tao loạn. Tôi chợt nhớ đến Quỳnh Hoa.