Cho xe chạy được một đoạn khá xa, Trung bảo: - Cơ ngồi lại bình thường được rồi đó. Việt Cơ bướng bỉnh: - Ngồi như vậy có gì bất thường chớ? Giọng Trung dài ra: - Tôi chạy xe ôm nhiều năm, nhưng thú thật, chưa có khách nào ôm chặt tôi như Cơ. Với tôi là không bình thường. Việt Cơ ngồi xích ra: - Xì! Anh tưởng mình có giá lắm ư? - Đương nhiên là tôi có giá. Nếu không, người khác đã không mượn tôi làm bình phong. Sao, bây giờ đi đâu đây? Việt Cơ trả lời yếu xìu: - Tùy anh! Trung chép miệng: - Lại giận chàng rồi à? Việt Cơ nói: - Không phải. Có điều tôi chán làm kẻ mộng du giữa ban ngày lắm rồi. Anh đã đưa ra lời cảnh báo khiến tôi phải nhức óc vì suy nghĩ, đến mức tỉnh vía. Anh có bổn phận phải giúp tôi. Trung kêu lên: - Hả? Giúp bằng cách nào? Việt Cơ nhỏ nhẹ: - Anh là chuyên gia tâm lý mà. Sao lại hỏi tôi? Trung hơi bối rối: - Nhưng chuyện gì đã xảy ra? Việt Cơ lơ lửng: - Chuyện như anh từng biết rồi đó. Trung im lặng. Một lát sau, anh mới nói: - Chúng ta tìm cái gì bỏ vào bao tử đã chớ. Việt Cơ gật gù: - Tốt thôi. Nhưng lần này đừng vào Chợ Lớn nữa. Tôi muốn ăn phở. Trung phấn chấn: - Cơ thích... về nguồn à? Tôi cũng chấm món này. Gần nhà tôi có một tiệm phở khá lắm. Trung gật đầu. Anh vòng xe lại. Chạy thêm một đoạn. Trung ngừng trước một quán trông xập xệ nhưng rất đông khách. Tìm mãi, hai người mới có chỗ ngồi ở mãi bên trong. Vừa ngồi xuống, Việt Cơ đã hỏi: - Dường như anh rất rành các loại quán ăn vỉa hè? Trung thản nhiên: - Dân xe ôm mà, tiền đâu vào nhà hàng chớ. Nhưng một ngày nào đó, nhất định tôi sẽ mời Cơ đi uống cà phê ở bar Panorama. Việt Cơ mím môi: - Ở tầng ba mươi của Sài Gòn Trade Center chớ gì? Hừ! Tôi mắc chứng mộng du nên ghét độ cao lắm. Sẽ không có ngày đó đâu. Mắt nheo lại đầy giễu cợt, Trung hỏi: - Việt Cơ cũng biết sợ nữa à? Cơ nhấn mạnh từng tiếng: - Tôi biết rõ mình, chớ không phải biết sợ. Thường những người mộng du khi đã biết mình mắc bệnh, họ sẽ khỏi. Tôi tin mình cũng thế. Mộng du giữa ban ngày là cách ví von rất hay. Nhưng tôi sẽ không té như anh lo lắng đâu. Trung ân cần đưa đũa, muỗng cho Cơ: - Ăn đi đã, rồi chuyện gì hạ hồi phân giải. Tôi đói lắm rồi. Việt Cơ tò mò: - Từ sáng đến giờ, anh làm gì? - Tôi chở khách đi lung tung, vừa về ngã lưng một chút đã bị Cơ réo dậy. - Vẫn chưa xin được việc làm à? Trung ậm ự: - Đang hy vọng được chân bảo vệ, nhưng còn phải chờ tay giám đốc mới toanh của công ty Vĩnh Hưng ký quyết định. Việt Cơ im lặng, cô kín đáo nhìn Trung ăn ngon lành. Ở anh ta, cô vẫn mơ hồ nhận thấy có vẻ gì đó giả như thật, thật như giả. Câu hỏi "Anh là ai?" chợt vang lên trong đầu Cơ. Cô hỏi: - Nhà anh gần đây à? Trung gật đầu. Việt Cơ bất ngờ nói: - Tôi rất muốn tới nhà anh cho biết? Mặt Trung ngớ ra vì đề nghị của Cơ. Anh bưng ly nước lên uống rồi quanh co: - Đó không phải là một trong vài ba chỗ Cơ cần tôi chở tới chớ? Việt Cơ cong môi: - Nếu tôi trả lời phải thì sao? Trung thở dài: - Tôi thấy mình bị xử ép chớ sao nữa. Việt Cơ tủm tỉm cười: - Tôi muốn giới thiệu việc làm cho anh. Bởi vậy, tôi phải tìm hiểu nhà cửa, gia cảnh của anh cho rõ ràng. Tôi xử ép anh hồi nào? Nhíu mày, Trung lặp lại: - Giới thiệu việc làm là sao? Tôi không hiểu. Việt Cơ hóm hỉnh: - Ăn tiếp đi. Chuyện gì để hạ hồi phân giải. Nhún vai, Trung nói: - Tôi đoán được phần nào ý đồ của Cơ rồi. Việt Cơ kêu lên: - Ý đồ à? Anh làm như tôi là người xấu không bằng. Trung thản nhiên: - Xấu hay tốt gì lại không có ý đồ. Với lại, chắc gì tôi chịu làm tài xế riêng cho ai đó. Việt Cơ kênh kiệu: - Từ trước tới giờ, chỉ có Việt Cơ từ chối người khác, chớ chưa có ai từ chối Việt Cơ này đâu. Tôi chưa tới nhà anh, nên cũng chưa chắc chọn anh làm tài xế hay không. Đừng tự nâng cao mình như vậy, Ngầu chẩy à. Trung cười nhạt. Anh không trách cách nói đầy hợm hĩnh của Việt Cơ, trái lại, anh thấy tội nghiệp cô bé nhà giàu quen được tâng bốc, chiều chuộng này. Chắc hẳn cô ta vừa gây với anh chàng người yêu đểu giả ấy, nên bây giờ muốn trút giận vào anh. Nhưng có nên đưa con bé kiêu căng này về nhà không nhỉ? Dạo này, Trung đã bắt đầu vào việc. Anh đâu có thời gain chạy lông nhông như trước kia. Nếu dính vào con bé rắc rối này, anh sẽ gặp nhiều phiền phức, mà anh rất ngại tất cả mọi sự phiền phức. Việt Cơ hối: - Mình đi được rồi. Trung vờ ngạc nhiên: - Ủa! Tôi có hứa sẽ đưa cô tới nhà đâu. Đó không phải là một trong nhiều điều để Cơ dừng chân đùa chơi cho hết tối nay. Hơi khựng lại một chút, Việt Cơ giả lả: - Tôi rất muốn tới nhà anh, cũng như muốn thăm bác gái. Kết bạn với ai đó, ít ra cũng phải biết nhà của họ chứ. Trung xoa cằm: - Tiểu thư khuê các kết bạn với dân chạy xe ôm à? Chuyện khó tin. - Nhưng thật đấy. Trung gật gù: - Trừ phi phải có lợi gì đó cho một trong hai người. Việt Cơ gắt: - Đã bảo tôi không xử ép anh mà. Trung hơi thách thức: - Vậy xem đem lợi gì cho tôi? Cơ chưa kịp trả lời, người phục vụ đã tới dọn tô, đũa. Cô hấp háy mắt: - Người ta cần chỗ để làm ăn kìa mình ngồi lỳ ở đây coi đâu có được. Trung đứng dậy: - Thì tới chỗ khác. Việt Cơ nhỏng nhảnh khoanh tay: - Ngoài nhà anh ra, tôi không tới đâu hết. Nhún vai, Trung nói: - Tùy. Tôi chớ không phải anh chàng Tiến đâu mà Cơ yêu sách. Dứt lời, anh thủng thỉnh bước tới quầy trả tiền, rồi bước ra đường. Việt Cơ tức lắm, nhưng cũng đành nuốt... hận, lẽo đẽo theo sau. Giận dỗi lên ngồi sau lưng Trung, Cơ mặc kệ anh nổ máy xe chạy di. Cô bậm môi làm thinh, trong khi giọng Trung lại nhát gừng vang lên nghe thật dễ ghét: - Nếu không đi đâu nữa, tôi đưa Cơ về vậy. Việt Cơ giẫy nẫy: - Hôm trước anh bảo nếu có chuyện buồn cứ đến tìm anh như tìm một chuyên gia tâm lý. Bây giờ người ta đã tìm đến, anh lại đòi đưa người ta về. Anh ác vừa vừa thôi. Trung ậm ự: - Nãy giờ tôi có nghe Cơ than buồn đâu? - Không than, anh cũng thừa thông minh để hiểu chớ. Có khi nào vui mà tôi tìm anh chưa? Trung cao giọng mai mỉa: - Tìm người để trút nỗi buồn mà cũng phách lối. Đúng là con gái. Thật tức cười. Nào. Cần chuyên gia tâm lý này khuyên bảo điều gì! Cứ thật thà nói đi. Việt Cơ làu bàu: - Nói giữa đường giữa sá vầy à? - Thì vào quán. - Tôi không vào quán. Tôi chán bầu không khí chung đụng ấy lắm rồi. Trung chép miệng: - Khó chịu quá, hèn chi thua là phải. Bấu mạnh vào hông anh, Cơ nghiến răng: - Anh nói cái gì? Trung kêu lên: - Ối đau! Đau quá. Mặc cho anh la, năm ngón tay có móng nhọn của Cơ vẫn không buông. Trung lủi xe vào lề, giọng cau có: - Tính tình như thế, bảo sao không thua ngay trên sàn nhà. Nghe Trung độc ác nhắc lại lời lúc nãy, Việt Cơ nóng ran cả người. Tự ái, tủi hổ làm Việt Cơ uất nghẹn. Anh ta đã đánh trúng yếu điểm của Cơ, nghĩa là anh ta biết trước sẽ có lúc Cơ... thua như bây giờ, nhưng anh ta đã im không nói ra. Tại sao vậy? Tại sao ai cũng ác với Cơ hết vậy? Tiến không chung thủy, Xuân Đào không tình nghĩa, rồi Trung nữa. Anh ta không trung thực chút nào. Rõ ràng những người quanh cô đều dễ ghét như nhau. Cơ cố mím môi, nhưng sống mũi cô vẫn cay xé, nước mắt lã chã rơi. Chịu không nổi, Cơ òa lên khóc ngon lành. Tới lúc này thì Trung phát hoảng, anh cuống lên: - Ôi! Sao lại... lại dễ nhè vậy? Tôi chỉ nói đùa thôi mà. Cơ gào lên trong nước mắt: - Anh có thể đùa như vậy sao? Nếu thế, tôi đâu thèm xem anh là bạn để trút hết buồn vui. Giọng Trung chợt trầm xuống: - Tôi xin lỗi. Rồi anh tiếp tục cho xe chạy. Việt Cơ thút thít: - Đưa tôi về nhà. Tôi không cần anh nữa Trung lắc đầu: - Không được. Cơ vẫn còn giữ nỗi buồn trong lòng. Có người chia sớt, buồn sẽ vơi, giấc ngủ sẽ ngon hơn. Thậm chí Cơ còn gặp mộng đẹp là khác. Việt Cơ cười khan: - Hừ! Nói nghe hay lắm. Nhưng toàn là giả dối. Anh chưa bao giờ thành thật với tôi. Trung chép miệng: - Trong cuộc sống, có những điều biết mà không được nói. Người phải giữ điều biết ấy có sung sướng gì đâu. Thấy Trung đưa mình vào con hẻm lạ hoắc, Cơ kêu lên: - Anh chở tôi đi đâu vậy? - Thì tới nhà tôi cho biết. Vừa yêu cầu... tha thiết, giờ đã quên rồi sao? Dầu trong lòng có phần hả hê vì mục đích đã đạt được, Việt Cơ vẫn cao giọng trách cứ: - Sao anh không cho tôi biết trước? - Để làm gì, khi Cơ đổi ý liên tục? - Tôi muốn mua trà, bánh biếu bác gái. Trung bật cười: - Không cần đâu. - Sao lại không chớ? - Sợ mẹ tôi hiểu lầm. Cơ là con dâu tương lai thì phiền lắm. Việt Cơ khịt mũi: - Hổng dám đâu. Chả lẽ chưa có cô gái nào tới nhà anh? Trung gọn lỏn: - Nghèo quá, ai thèm tới. Ngừng xe trước ngôi nhà ngói cũ kỹ, Trung bảo: - Nhà tôi đó. Cơ cắc cớ: - Nhà của anh, hay nhà anh đang trọ? - Hiểu sao cũng được. Mở khóa cánh cổng bằng gỗ. Trung đẩy chiếc sáu bảy vào. Việt Cơ tò mò nhìn quanh sân. Dưới ánh sáng của bóng đèn neon sáu tấc treo ngoài hiên, khung cảnh sân nhà Trung khá ngoạn mục với đầy đủ hòn non bộ, cây kiểng phong lan. Chỉ chiếc đôn sứ gần bậc tam cấp, Trung bảo: - Xin lỗi, chờ một chút. Tôi phải vào dọn dẹp sơ sơ đã, nếu không sẽ bị Cơ chê là bê bối. Việt Cơ ngạc nhiên: - Ủa! Vậy bác gái đâu? Trung vừa mở cửa nhà, vừa nói: - Ông ngoại tôi bệnh, nên mẹ tôi phải lo chăm sóc. Bà bỏ tôi một mình cả tháng nay rồi. Việt Cơ nhìn dáng Trung nhanh nhẹn vào nhà. Ngôi nhà này khá rộng với khoảng sân lớn lót gạch tàu. Có lẽ ngôi nhà này xưa cũ lắm rồi. Cứ nhìn rêu bám vào chân tường, vào tam cấp là đủ biết thời gian đã để lại dấu ấn thế nào ở đây. Trung thở ra, giọng hơi cường điệu: - Mời công chúa A Muối vào ạ. Việt Cơ liếc anh một cái thật dài rồi bước lên thềm. Bên trong, căn nhà đẹp hơn cô tưởng nhiều. Sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng đãng là nhận xét đầu tiên của Cơ. Ngoài ra, căn phòng còn có vẻ ấm cúng, sang trọng, cổ kính nhờ nhiều vật bày biện của nó. Thật ra, phòng khách cũng chả có nhiều vật bày biện. Ngoài bộ ghế salon bằng gỗ cẩm xà cừ đĩnh đạc nằm ở một góc ra, Cơ thấy có chiếc ghế xích đu bằng mây kê cạnh chiếc bàn tròn nhỏ thấp, bên trên có một chiếc rổ cũng bằng mây đựng dăm ba cuộn lên màu xanh đỏ khá vui mắt và vài quyển tạp chí. Sát những góc tường, có những cái đôn sứ đỡ những chậu hoa kiểng xinh xắn. Góc bên trái, sát cửa sổ được trang trí một phòng làm việc với những kệ sách ngăn nắp, một bàn làm việc trên có một máy vi tính và điện thoại cùng nhiều thứ sách vở linh tinh khác. Nhà của một bác tài xế xe ôm mà như thế à? Thật là khó tin. Tò mò, Cơ nhìn vào chiếc tủ thờ lấp lánh ánh xà cừ được trang trọng đặt giữa nhà rồi nói: - Có ngôi nhà thế này mà phải chạy xe ôm thì đúng là... phí. Trung thản nhiên: - Nhà cửa của ông bà để lại, bản thân mình dỡ cở nào cũng phải có cách tồn tại, chớ không thể bán nhà. Mở cửa sổ rộng ra, đủ để hương nguyệt quế bay vào thơm ngát, Trung nói: - Ngồi chơi đi. Tôi pha trà. Tự nhiên, Việt Cơ dè dặt: - Không cần đâu. Trung ân cần: - Không trà thì cà phê vậy. Cả hai thứ lúc nào nhà tôi cũng có sẵn. Việt Cơ buột miệng: - Anh thuộc loại tài xế cao cấp rồi. Trung cười: - Đâu dám. Tôi tiết kiệm mới uống cà phê ở nhà đó chứ. Được cái khung cảnh nơi đây cũng tàm tạm, nên có cảm giác cà phê nhà ngon hơn cà phê quán. Rồi anh mỉm cười: - Chờ một chút nhé. Việt Cơ bước tới ngồi xuống chiếc ghế mây và khẽ lắc cho nó đong đưa. Khung cảnh yên tĩnh đến mức cô ao ước được ngủ một giấc không nghĩ suy, mộng mị và cô ước người đánh thức mình sẽ là một hoàng tử đúng nghĩa. Nhưng trên đời này làm gì còn hoàng tử đúng nghĩa, khi hoàng tử trong lòng cô đã đánh rơi mặt nạ rồi. Việt Cơ nhếch môi chua chát. Nghĩ tới nỗi đau còn mới nguyên, Cơ càng căm hận. Ý định làm cho Tiến ê chề lại nhức nhối trong tim Cơ. Cô nhắm mắt tưởng tượng viễn cảnh Tiến dở khóc dở cười quỳ lạy van xin tình yêu của cô. Giọng Trung vang lên: - Cơ thích ngồi ghế mây à? Việt Cơ lim dim mắt: - Tôi thích được ngủ một giấc trong khung cảnh yên bình này vô cùng. Trung dịu dàng: - Cứ ngủ đi. Đúng mười giờ tôi sẽ đánh thức cô dậy và đưa về tận nhà. Nheo nheo đôi mắt sáng, Trung nói tiếp: - Dù không phải là hoàng tử, tôi vẫn thích được đánh thức công chúa ngay tại nhà mình. Việt Cơ ngồi bật dậy: - Anh sẽ không có cơ hội đâu. Tôi tới đây để bàn chuyện làm ăn chớ không phải để cho anh tưởng tượng. Trung ngao ngán ngồi xuống ghế salon: - Lúc nãy, Cơ bảo xem tôi là bạn để trút hết buồn vui, giờ lại đề cập tới chuyện làm ăn. Tôi không hiểu nổi Cơ đang tính toán vấn đề quái quỷ gì nữa. Chống tay dưới cằm, Cơ rành rọt: - Anh không thành thật làm sao để tôi tin để thổ lộ hết buồn vui của mình. Trung ung dung hỏi: - Theo Cơ thì thế nào mới gọi là thành thật? Việt Cơ liếm môi: - Tôi không có thời gian tranh luận với anh, nhưng nghe anh kể về hoàn cảnh... áo vũ cơ hàn của mình, rồi tới nhà của anh mới thấy thế nào là hư thật khó lường. Trung bật cười: - Thì ra là vậy. Lúc nãy, tôi đã giải thích rồi. Nhà cửa của tổ tiên để lại, tôi chỉ có hai bàn tay trắng, lo nuôi mẹ mà còn không nổi. Bởi vậy, bà phải ngồi cặm cụi với đôi que đan để tiếp tục nuôi tôi. - Thế còn cái máy vi tính này? - À! Đó là một trong những phương tiện để tồn tại của tôi. Nó cũng như chiếc sáu bảy, là cái cần câu cơm ấy mà. Việt Cơ gật gù: - Anh trả lời trôi chảy lắm. Trung nhấc cái phin cà phê khỏi tách, anh cho đường vào quậy đều: - Uống thử xem. Việt Cơ nhấp nhẹ một ngụm: - Cũng không đến nỗi. Anh đúng là đa hệ. - Vậy mà vẫn nghèo đấy. - Tôi muốn đề nghị với anh một công việc. Trung tủm tỉm cười: - Làm tài xế riêng cho cô phải không? Việt Cơ tròn mắt: - Sao anh biết? - Đó là nghề của tôi mà. Chẳng lẽ Cơ muốn tôi làm gì khác? Việt Cơ ấp úng: - Không phải. Nhưng vấn đề có phần rắc rối hơn làm tài xế đơn thuần. Trung bỗng nhìn đăm đăm vào mắt Cơ: - Cơ cần một diễn viên hay một tài xế? Ngực Cơ chợt thấy nặng vì câu hỏi trần trụi của Trung. Rõ ràng anh ta rất hiểu cô đang muốn gì. Điều này làm Cơ không thể úp mở được. Nhưng cô cũng đâu thể nói thật với Trung dù anh ta biết cô đang thua trong cuộc tình tay ba này. Hừm! Mặc xác cái... sự biết của Trung. Anh ta không nói rõ mà cứ lấp lững thì Cơ cứ coi như không. Cô phải có cách nói của mình chứ. Ngồi thật thẳng, mặt nghiêm lại, Việt Cơ bắt đầu giãi bày: - Không giấu gì anh, tôi chưa muốn lập gia đình vào lúc này. Khổ nỗi, Tiến cứ bám theo tôi như sam. Gia đình hai bên cứ thấy bên ngoài trông được rồi vun vào, mà không cần biết chúng tôi có hợp tánh không. Thú thật với anh, tôi chán Tiến lắm rồi, lần nào gặp nhau cũng gây gổ, giận hờn. Tôi muốn thoát khỏi anh ấy. Trung nói: - Bằng cách lấy Trung tôi làm bình phong? Chà! Cơ cũng đa mưu lắm. Việt Cơ cắn môi: - Cũng nhờ gợi ý của anh đó chớ. Tôi muốn Tiến phải thường xuyên thấy tôi đang ngồi sau lưng một gã trông cũng phong độ. Trung hỏi ngay: - Rồi sau đó thì sao? Cơ đan những ngón tay vào nhau: - Tôi... tôi cũng không biết nữa. Nhưng đàn ông mà, có mấy người chung thủy. Anh ta sẽ mau chóng quên tôi và cặp với người khác. - Cơ tin như vậy sao? Hĩnh mũi lên, Việt Cơ đáp bằng giọng chắc nịch: - Đương nhiên rồi. Trung xoa cằm: - Cơ chắc chắn đến mức tôi có cảm giác Tiến đã hết yêu Cơ và đang đắm say bên người khác. Việt Cơ xụ mặt xuống. Cố nén tiếng rủa Trung vào lòng, cô nói tiếp: - Mỗi ngày, anh sẽ đón tôi đến lớp rồi rước về. Trung xua tay: - Tôi sắp vào làm cho công ty Vĩnh Hưng rồi, công chúa ạ. Không được đâu. Việt Cơ mềm mỏng: - Tôi biết. Anh làm việc theo giờ hành chánh, giờ giấc đi về gần như trùng với tôi. Kiếm thêm tí tiền phụ bác gái, lẽ nào anh lắc đầu? Trung chép miêng: - Tiền thì ai lại không khoái, nhưng tôi cũng sợ bị xin tí huyết lắm. Việt Cơ bĩu môi: - Người đang muốn trèo cao trên đà danh vọng như Tiến không dám đụng đến dao đâu. Anh khỏi phải lo. Xoa cằm, Trung kêu lên: - Cơ nhận ra sự thật này rồi à? Cơ trừng mắt: - Sự thật gì chứ? Trung lắc đầu: - Ơ... không. Không có gì. Việt Cơ nghênh ngang: - Tóm lại, anh quyết định thế nào? Trung ngắc ngứ: - Làm tài xế thì nhất định không rồi, nhưng làm gạt-đờ-co thì có thể. Việt Cơ dẩu môi: - Gạt-đờ-co thì cũng thế chớ gì? Trung lắc đầu: - Ở nghĩa bóng, chắc có khác đấy. Rồi Trung thẳng thắn nói tiếp: - Tôi vốn mau mắn và sòng phẳng, nếu Cơ coi đây là một vụ làm ăn thì mình phải thỏa thuận vài vấn đề. - Anh cứ nói đi. Trung hỏi: - Cơ cần một phong độ hơn một tài xế. Đúng không? Việt Cơ nhìn màu nâu đen của cà phê sóng sánh trong ly rồi lấp lửng: - Gần như là thế. - Nghĩa là cần một người yêu hờ để qua mặt người yêu thật? Việt Cơ liếc Trung, đầy bực dọc: - Anh thích mổ xẻ vấn đề quá nhỉ? Trung thản nhiên: - Làm ăn mà. Phải rạch ròi ngay từ đầu. Cơ vẫn chưa trả lời tôi đấy. Việt Cơ im lặng. Một lát sau, cô nói: - Câu hỏi của anh cũng là câu trả lời. Vậy anh đồng ý công việc đó không? Trung xoa hai tay vào nhau: - Được trả lương để làm người yêu. Một công việc hấp dẫn, tội gì không đồng ý. Việt Cơ bĩu môi: - Đúng là thực dụng. Vờ như không nghe Cơ vừa nói gì, Trung bưng ly cà phê lên, giọng đểu giả: - Chúc cho dịch vụ này thành công tốt đẹp! Việt Cơ quắc mắt nhìn Trung rồi không hiểu sao cô cũng nâng ly lên. Ngoài sân, nguyệt quế nở trắng cây. Cái ngọt ngào lãng mạn ngoài sân và cái trần trụi ở trong đây mâu thuẫn với nhau đến mức khó tin, nhưng khổ nỗi tất cả lại là sự thật Trung ngậm ngùi nhận ra, dù anh đã cho nhiều đường hơn mọi ngày, ly cà phê tối nay vẫn đắng chát. Ông Danh dằn chén xuống bàn:- Ba muốn biết nó là ai? Tại sao mỗi ngày lại đưa con đi học? Việt Cơ bình thản đáp: - Ảnh là bạn con. Ông Danh gằn giọng: - Bạn? Gần có chồng rồi mà con lại dễ dãi trong quan hệ như thế à? Gia đình thằng Tiến sẽ nghĩ thế nào về con đây? Việt Cơ cúi gằm xuống chén cơm: - Họ nghĩ gì mặc họ. Con không cần biết. Ông Danh giận dữ quát: - Mày nói vậy là sao chớ? Bà Thu vội vàng xen vào: - Nó đang ăn cơm mà. Ông làm gì dữ vậy? Đứng phắt dậy, ông Danh hầm hừ: - Bà không nghe nó trả lời à? Lâu lâu lại kiếm chuyện giận hờn. Ngoài thằng Tiến ra, không đứa nào chịu đựng mày nổi đâu. Việt Cơ làu bàu: - Là con gái của giám đốc, gã đàn ông nào cũng có bổn phận chiều chuộng chớ không phải riêng Tiến. Bởi vậy, con thấy chán khi nghĩ đến lúc ảnh đã là rể của ba rồi, ảnh sẽ đối xử với con ra sao? Văn bật cười thích thú: - Chà! Tiến bộ dữ. Ít ra em cũng đã nhìn thấu vấn đề. Chán nó là phải rồi. Ông Danh chỉ vào mặt Văn: - Im ngay! Mày gieo vào đầu nó tư tưởng đa nghi đó à? Đúng là đồ hèn hạ. Mày không thích thằng Tiến thì thôi, đâu cần xúi Việt Cơ quen đứa khác. Văn gân cổ lên: - Sao ba lại gán tội cho con? Việt Cơ bỏ ai, ưng ai là quyền của nó. Nếu có thương Tiến thật lòng, con xúi, bộ nó nghe theo sao? Rồi anh bực dọc đứng dậy: - Chuyện gì ba cũng đổ cho con được. Suy đi nghĩ lại, con không hiểu mình đã làm gì sai để không được ba tin như tin thằng Tiến. Ông Danh hằn học: - Mày lại ganh tỵ rồi. Tao chỉ tin vào khả năng. Nếu mày có thực lực, sao tao phải tin vào người dưng chứ? Văn mỉa mai: - Tiến sắp là rể của ba, là người một nhà chớ không phải người dưng đâu. Việt Cơ buông đũa: - Sẽ không có chuyện cưới hỏi. Con chưa muốn bị ràng buộc sớm. Bà Thu hốt hoảng: - Con đừng giở chứng. Còn hơn nửa tháng nữa là tới đám hỏi rồi đó. Việt Cơ mím môi: - Còn nửa ngày con cũng nói không. Con chán Tiến lắm rồi. Không khí trong phòng ăn bỗng trầm hẳn xuống. Chẳng ai nói lời nào sau khi nghe Cơ tuyên bố quyết định ấy. Cuối cùng, người lên tiếng trước là Xuân Đào. Cô làm ra vẻ hiểu chuyện để khuyên nhủ Việt Cơ: - Hôn nhân là chuyện trọng đại. Cơ đừng có bướng, lỡ Tiến nghe được thì kỳ lắm. Cô vờ khổ sở: - Không ai hiểu tôi đâu. Đừng khuyên can nữa. Mang tiếng phụ bạc cũng đành, nhưng tôi không thể với Tiến được. Bà Thu nhỏ nhẹ: - Cha mẹ không gả ép. Trước đây, chính con tự nguyện đến với Tiến mà. Bây giờ thay đổi, ít ra con cũng nói được lý do chớ. Cơ ngập ngừng: - Con đã ngộ nhận, đó không phải là tình yêu! Ông Danh nóng nảy: - Chỉ đơn giản vậy thôi à? Việt Cơ nói một hơi: - Con sai lầm, nhưng con đã may mắn nhận ra trước khi tròng cổ vào gông. Con không muốn mình là nạn nhân của một bi kịch nào đó trong tương lai. Ông Danh tức tối đấm tay xuống bàn. Ông thừa khôn ngoan để hiểu Việt Cơ muốn ám chỉ luôn cả mình. Nhưng tại sao Cơ lại thay đổi chớp nhoáng vậy? Cái thằng vẫn hay đưa đón đã bỏ bùa mê thuốc lú gì để nó từ chối một đứa nhiều triển vọng như Tiến? Càng nghĩ, ông càng bực. Cơ có thể coi hôn nhân của nó là trò đùa, nhưng ít ra nó cũng phải nghĩ tới danh dự của gia đình chứ. Hầu như tất cả giới làm ăn trong thành phố này đều biết ông sắp ngồi sui, sắp gả con gái. Ông đã dự định mời nhiều nhân vật tiếng tăm. Giờ thì Cơ bôi tro trét trấu vào mặt ông rồi. Không biết trút giận vào đâu, ông gầm lên: - Bi kịch sắp xảy ra bây giờ, nếu mày không cho tao biết thằng đó là ai. Nhìn nét mặt hầm hầm của ông, cả nhà hết hồn. Bà Thu vội vã bảo: - Nói đi con! Việt Cơ cũng khiếp vía, vì hầu như chưa bao giờ cô thấy ba mình giận đến thế. Nhưng Cơ vẫn còn tỉnh táo để hiểu rằng, nếu cô yếu bóng vía khai thật Trung là ai, thì coi như... khổ nhục kế của cô hổm rày đổ sông đổ biển. Cố giữ nét mặt hết sức bình thản, Cơ nói: - Anh ấy chỉ làm bạn bình thường, không liên quan gì tới chuyện giữa con và Tiến. - Hừ! Mày đừng hòng qua mặt tao. Bạn bình thường mà ngày nào cũng đưa đón. Làm người phải có trước có sau, có thủy có chung. Đâu vì quen một thằng bá vơ nào đó rồi thay đổi cả một dự định cho cuộc đời mình. Việt Cơ bướng bỉnh: - Đó chỉ là dự định. Trong đời người, có biết bao dự định rồi không thực hiện được cơ chứ. Với con, làm vợ thì là một dự định vội vàng, ngu ngốc. Dứt lời, cô chạy ào về phòng. Đóng cửa lại, cô thở phào nhẹ nhõm vì đã nói được hết những điều cần nói. Chắc chắn ngày mai, Tiến sẽ được nghe toàn bộ câu chuyện từ miệng của Xuân Đào. Vậy cũng tốt, cô sẽ tiếp tục tránh mặt anh như hổm rày, tránh cho tới khi Tiến đường đường, chính chính xuất đầu lộ diện với Đào mới thôi. Nghĩ tới hình ảnh này, tim Cơ lại nhức nhối. Bị phản bội, ai lại không đau, càng đau hơn khi tình địch chính là người chịu ơn của ba mình.