Phần V

Thật khoan khoái, Đào bưng ly nước trái cây lên uống từng ngụm nhỏ.  Mãi tới bây giờ, cô mới cảm nhận được mùi vị thơm ngon độc đáo trong cách pha chế của nó. 
  Có tiền lúc nào cũng sướng.  Sau này, chắc chắn Đào sẽ có nhiều tiền.  Nhưng dù giàu sang cỡ nào, suốt đời cô vẫn không quên lần đầu tiên vào quán cà phê sang trọng ở độ cao một trăm hai mươi mét so với mặt đất như ngày hôm nay. 
  Đôi môi mọng hơi trề ra, Đào nói: 
  - Em phải cảm ơn anh mới đúng. 
  Tiến nhíu mày: 
  - Về chuyện gì? 
  - Tất cả những gì anh đã làm vì em từ lần gặp mặt cho đến hôm nay.  Ngay cả trong giờ phút tuyệt vời này.  Em đang bay trên thiên đàng, anh đừng kéo em xuống trần thế đấy. 
  Tiến nói trong bồi hồi: 
  - Anh rất tiếc đã tới giờ.  Nếu không, em sẽ về trễ hơn giờ tan học rất nhiều. 
  Mắt tròn lên thật ngây thơ, Xuân Đào thảng thốt: 
  - Ôi!  Suýt nữa em quên rồi.  Lần đầu tiên trong đời em cúp cua để đi chơi đó. 
  - Vậy anh... tội lỗi quá trời. 
  Nhìn Tiến bằng ánh mắt ấm áp, Đào thì thầm: 
  - Em không cho đó là tội đâu.  Với em, tất cả những gì thuộc về anh đều hết sức thiêng liêng. 
  Tiến xúc động vì những lời chân thành đó.  Anh lặng lẽ nhìn Đào và nhận ra cô thân thiết với anh hơn Việt Cơ rất nhiều.  Anh cần một người phụ nữ biết chăm sóc, chiều chuộng, biết khích lệ, động viên, chớ không cần một cô gái mới lớn đỏng đảnh, nay giận mai hờn.  Anh đã qua cái thời chơi trò cút bắt trong tình yêu như Việt Cơ đang thích thú hiện giờ.  Cái anh cần là sự đồng điệu, tiếc rằng anh và Cơ lại không có được nó.  Đó đúng là bất hạnh, thật là bất hạnh.  Và lẽ ra anh không nên tỏ tình với Việt Cơ sớm như vậy.  Lòng Tiến vừa nặng nề tiếc nuối, vừa ray rứt buồn bã vì những mâu thuẫn trong lòng. 
  Anh dịu dàng nhắc lại lần nữa: 
  - Chúng ta về thôi. 
  Xuân Đào ngoan ngoãn gật đầu rồi đưa tay cho Tiến nắm.  Hai người như một đôi tình nhân dắt nhau vào thang máy.  Có lẽ vì không quen sự thay đổi môi trường, nên khi từ thang máy đi ra, Xuân Đào bị choáng. 
  Cô như muốn té vào người Tiến, khiến anh phải ôm cô trong tay, giọng lo lắng: 
  - Sao thế? 
  Đào nhắm mắt lại: 
  - Em hơi mệt một chút, nhưng sẽ khỏi ngay.  Có lẽ tại từ cao xuống thấp đột ngột, chịu không nổi. 
  Tiến để mặc Đào tựa vào người mình, lòng dậy lên sự thương cảm kỳ lạ.  Trong cái thể xác yếu đuối, nay ốm mai đau này là cả một tâm hồn bao dung, luôn nghĩ tới người khác.  Cũng nhờ thế, Đào mới sống với gia đình ông Danh được. 
  Chưa bao giờ ao ước có Xuân Đào mãnh liệt trong Tiến như lúc này, nhưng cũng chính anh lại lạnh lùng gạt ham muốn đó bằng giọng nói thật khô khan: 
  - Nếu vậy, anh đón taxi cho em về. 
  Xuân Đào có vẻ cam phận, cô nói nhỏ: 
  - Vâng, cảm ơn anh buổi tối đầy ấn tượng này.  Cảm ơn anh. 
  Đợi Xuân Đào lên taxi xong, Tiến đi ngược về bãi gởi xe.  Dắt chiếc Su ra, phóng vội về nhà. 
  Vừa thấy anh, bà Phụng đã gắt: 
  - Làm gì bỏ cả giờ cơm?  Ba mày đi tới đi lui chờ sốt cả ruột kìa. 
  Nhíu mày, Tiến hỏi: 
  - Chuyện gì vậy mẹ? 
  - Ổng có nói đâu mà tao biết. 
  - Vậy ba đâu rồi? 
  - Trong phòng ấy. 
  Tiến vội vã đến phòng ba mình và thấy ông đang ngồi ngậm ống pipe trong phòng. 
  Anh mở đầu bằng câu hỏi quen thuộc: 
  - Tìm con có chuyện gì không? 
  Ông Hồng hơi gay gắt: 
  - Mày đi đâu vậy? 
  Tiến gãi đầu: 
  - Uống cà phê với bạn bè và nghe ngóng đôi ba điều. 
  Ông Hồng dịu xuống: 
  - Mày nghe được gì? 
  Tiến trả lời nhát gừng: 
  - Thì cũng xoay quanh vấn đề công ty Vĩnh Hưng có giám đốc mới, nhưng còn chưa biết là ai. 
  - Còn gì nữa không? 
  - Dạ, hết rồi. 
  Ông Hồng hỏi: 
  - Thế mày không nghi gì về chuyện ông Danh sắp thành lập một công ty phụ cho thằng Văn đứng ra điều hành mọi thứ à? 
Vừa ngồi xuống ghế, Tiến đã nhổm lên sửng sốt: 
  - Có chuyện này nữa sao?  Ba nghe từ đâu vậy? 
  Ông Hồng nhếch môi: 
  - Lão Danh nhờ tụi bên tư vấn tính toán hộ, và tụi nó bật mí với ba. 
  Tiến ngọ ngoậy một cách bực bội: 
  - Cũng tốt.  Nếu thằng Văn có khả năng, cứ để nó làm.  Con sẽ lo toàn bộ bên này mà không bị nó cản mũi.
  Ông Hồng gõ gõ ống pipe trong tay: 
  - Mày chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi sao?  Hừ!  Làm việc lãnh lương sao bằng làm việc cho chính bản thân mình.  Có lẽ đã tới lúc mày xin cưới Việt Cơ rồi. 
  Tiến hơi giật mình vì câu nói sau cùng của ba mình.  Anh kêu lên: 
  - Ôi!  Con bé ấy còn trẻ con lắm ba à. 
  Ông Hồng cao giọng: 
  - Cầu cho Việt Cơ cứ trẻ con mãi.  Nếu là một người đàn bà quá khôn ngoan, nó sẽ chõ mũi vào công việc của chồng.  Điều đó bất lợi cho ai phải vươn lên bằng thực lực của gia đình vợ. 
  Thấy Tiến ngồi gục đầu xuống, ông nói tiếp: 
  - Có lẽ ba thực tế đến mức "trần tục" nhưng đó là đoạn đường con phải bước qua để tiếp cận mục đích.  Cổ phần của mình ít, công sức mình đổ ra bao nhiêu cũng chỉ làm lợi cho kẻ khác.  Vậy tại sao mình không tìm cơ hội để làm lợi cho mình?  Việt Cơ chính là cơ hội đó.  Nó yêu con và khờ khạo để con có thể lèo lái nó trong mọi vấn đề.  Chỉ cần con chiều chuộng nó là có tất cả. 
  Có thật Việt Cơ khờ khạo như ba vừa nói không, hay cô vẫn có những cái khôn lỏi đáng nể?  Những cái bị đánh giá là khờ khạo chẳng qua vì cô không quan tâm, nếu Việt Cơ chú ý đến chuyện làm ăn, Tiến tin chắc cô cũng sắc sảo không thua gì Văn hay Xuân Đào.  Suy cho cùng, tại Việt Cơ còn ham chơi. 
  Giọng ông Hồng vang lên phá tan suy nghĩ của Tiến: 
  - Ba sẽ bảo mẹ mày sang nói chuyện với vợ chồng ông Danh.  Ít ra cũng làm đám hỏi cái đã.  Bác Danh đánh giá khả năng mày rất cao.  Khi làm con rể, mọi thứ sẽ khác đi. 
  Tiến thở dài: 
  - Vâng, khi là rể, mọi thứ sẽ khác đi.  Nhưng chắc gì Việt Cơ chịu đeo gông vào cổ sớm như vầy. 
  Ông Hồng bật cười: 
  - Chuyện đó mẹ mày sẽ lo. 
  Khoan khoái rít một hơi thuốc, ông Hồng bảo: 
  - Bây giờ trở lại vấn đề công ty Vĩnh Hưng.  Cho dù giám đốc của nó là ai thì điều quan trọng con cần nắm vẫn là thị trường của nó.  Tiếp tục quan hệ tốt với Vĩnh Phát.  Nếu hắn có lợi, hắn sẽ lén chủ nhường hợp đồng cho chúng ta.  Đây là những áp phe ngon ăn mà ông Danh cũng không biết, vậy tội gì mình không tiếp tục? 
  Tiến ngần ngừ: 
  - Có lẽ chúng ta chờ xem giám đốc mới của Vĩnh Hưng thế nào, có chơi được hay không đã.  Còn chuyện đám hỏi, con nghĩ nên để từ từ. 
  Ông Hồng nhấn mạnh: 
  - Chuyện đó tiến hành càng sớm, càng có lợi cho địa vị của con sau này. 
  Tiến gục đầu vào tay: 
  - Con mệt mỏi với tất cả những sự tính toán về tình yêu, về công danh, sự nghiệp.  Con chỉ muốn sống yên ổn, bình thường như những người khác. 
  Ông Hồng cười nhạt: 
  - Thì cạp đất mà ăn.  Ngôi nhà này cao ba tầng, nhưng do tiền của chú mày ở Mỹ gởi về xây, chớ không phải tiền của tao.  Mày phải tự lo, con ạ.  Cha mẹ già rồi, chẳng còn khả năng đâu. 
  Tiến không nói lời nào, anh lặng lẽ về phòng riêng.  Ra đứng ngoài ban công, anh đốt thuốc.  Chính nơi đây, anh đã tỏ tình với Việt Cơ.  Nhưng bây giờ đứng đây, anh lại thấy lòng dửng dưng vô cảm.  Có cố cách mấy, anh cũng không tập trung suy nghĩ được vào Việt Cơ.  Trái lại, hình bóng Xuân Đào cứ lẩn khuất mãi trong Tiến.  Anh đã thay đổi, dù không hề muốn chút nào. 
  Ngước mặt lên cao, Tiến nhìn mảnh trăng lưỡi liềm mỏng manh, cô độc treo chênh chếch một góc trời rồi thở dài. 
  Tình yêu thì không thể thiếu được, nhưng với anh, nếu đem so sánh với danh lợi, tình yêu chỉ giữ nỗi vị thứ yếu.  Mà để có danh lợi, Tiến sẵn sàng đánh đổi trái tim mình. 
Rời khỏi văn phòng, Trung dắt chiếc xe honda sáu bảy ma chê quỷ hờn của mình ra cổng công ty.  Đưa tay chào người bảo vệ, anh hăm hở phóng xe trên đường đã bắt đầu vắng. 
  Cả tháng nay, Trung thường xuyên đi sớm về trể, trưa quên cả giờ cơm mà không hay.  Cái công việc trước đây anh nhất định từ chối đã lôi cuốn anh mãnh liệt.  Anh bắt đầu xem nó là một phần máu thịt của mình, sự sống còn của công ty là sự sống của mình. 
  Bất giác, Trung nhếch môi cười.  Điều đó cũng dễ hiểu, vì dù thế nào đi chăng nữa, anh vẫn là người thừa kế hợp pháp duy nhất của ông Vĩnh Hưng.  Giòng máu người đam mê công việc dĩ nhiên vẫn chảy trong thân thể của anh.  Cái thân thể mà khi mới tượng hình, ông đã buộc mẹ Trung phải phá bỏ nó đi. 
Anh có một cái hẹn với người bạn cũ và dù thế nào chăng nữa Trung cũng phải gặp anh ta rồi mới về nhà được. 
  Gởi xe, đẩy cửa quán cà phê Trung bước vào, chọn bàn và nhận ra mình vừa ngồi đúng vị trí mà lần trước Tiến và Việt Cơ đã ngồi.  Nghe Vĩnh Phát nói hai người sắp tổ chức đám hỏi, tự dưng anh thấy tiếc tiếc mà không hiểu tiếc cho ai.  Tiếc một cô gái sắp phải... theo chồng bỏ cuộc chơi, hay tiếc cho mình gặp người ta quá trể? 
  Trung khẽ lắc đầu vì ý nghĩ vớ vẫn vừa thoáng qua trong hồn.  Anh nhìn đồng hồ, rồi nhìn cánh cửa với vẻ sốt ruột của một người xem thời gian là tiền bạc. 
  Cửa xịch mở, nhưng khách này không phải là Bửu, bạn của anh mà là Tiến.  Chẳng lẽ Trung sắp gặp Việt Cơ lần nữa?  Tò mò, Trung nhìn mái tóc dài óng ả đang khép nép tựa vào người Tiến, lòng anh chợt dâng lên niềm phẫn uất kỳ lạ.  Anh không phải là Việt Cơ, nhưng lại thấy bị tổn thương sâu sắc, khi nhận thực rõ ràng là gã đàn ông kia đang lừa dối người vợ sắp cưới của gã để âu yếm đi bên một cô gái khác.  Tệ hại nhất là cô gái ấy không mang dáng vẻ của một ả giang hồ.  Trái lại, cô ta y như một tiểu thư khuê môn bất xuất mới chết chứ. 
  Hai người kéo ghế, ngồi khuất vào một góc hơi tối như sợ bị người quen nhìn thấy.  Thái độ e ấp, rụt rè đúng tỏng là của những kẻ ăn vụng rồi. 
  Trung xốn xang nghĩ tới Việt Cơ.  Lần trước gặp cô và Tiến ở đây, trực giác cho Trung biết giữa hai người không ổn.  Nhưng khi nghe hai người sắp làm đám hỏi, anh lại cho rằng sự phán đoán của mình sai lầm.  Bây giờ, anh có quyền tin vào trực giác của mình rồi. 
  Bề ngoài cô gái này khác hẳn Việt Cơ.  Chỉ nội mái tóc dài tha thướt, không cột mà thả lỏng và được vén khéo qua một bên trông vừa lả lơi, vừa đầy nữ tính cũng đủ nói lên tính cách của cô ta.  Cô gái này không hiền như cái hình thức bên ngoài được cô làm ra vẻ hiền đâu. 
  Tội nghiệp cho Việt Cơ ngổ ngáo.  Nếu có sự tranh giành, chắc cô công chúa A muối của anh sẽ thua ngay từ đầu.  Lòng Trung lại bồn chồn khi tưởng tượng ra gương mặt trẻ con nhưng phách lối của Việt Cơ.  Gương mặt ấy mà đầm đìa nước mắt, chắc trông tội lắm. 
  Đang mãi nghĩ chuyện người khác, Trung giật nảy người vì bị vổ mạnh vào vai. 
  Bửu hề hà ngồi xuống: 
  - Xin lỗi đã bắt mày chờ.  Đừng phiền nha. 
  Trung hóm hỉnh: 
  - Ở đây cũng có nhiều mục để nhìn, tao chẳng phiền muộn gì đâu. 
  Bửu hất hàm: 
  - Sao?  Tìm tao chi vậy? 
  Trung vào đề ngay: 
  - Công ty tao đang làm cần một kỹ sư giỏi như mày.  Lương cao, kèm theo nhiều ưu đãi.  Mày nghĩ sao? 
  Bửu xoa cằm: 
  - Lẽ nào điều kiện ngon như vậy mà không ai vào để mày phải đi tìm tao? 
  - Chỗ nào thì cũng đầy ắp người, nhưng người giỏi đâu bao giờ sợ mất vị trí lãnh đạo.  Nếu mày về, chức phó giám đốc kinh doanh mày sẽ giữ. 
  Bửu bật cười: 
  - Đề nghị thật hấp dẫn.  Nhưng đó là công ty nào vậy? 
  Trung từ tốn: 
  - Công ty Vĩnh Hưng.  Cũng có chút tiếng tăm trên thương trường, phải không? 
  Bửu ngập ngừng: 
  - Nghe nói giám đốc công ty Vĩnh Hưng "hắc" lắm.  Tuy bị bán thân bất toại ông ta vẫn điều hành công ty răm rắp.  Ông nổi tiếng độc đoán.  Làm việc với mấy cha già gần chết mà còn tham quyền cố vị, tao không thích. 
  Trung vỗ vai Bửu: 
  - Mày không làm việc với ông ta đâu mà lo. 
  Bửu bỗng nói: 
  - Tao muốn biết chi tiết hơn về công việc, cũng như lương và quyền lợi của tao. 
  Trung liền hào hứng giải thích vai trò, cương vị, trách nhiệm của chức vụ mà Bửu sẽ nhận, nếu làm ở công ty Vĩnh Hưng. 
  Sau một thời gian im lặng khá lâu, Bửu lên tiếng: 
  - Mày thừa biết tánh tao vừa nóng, vừa thẳng.  Bởi vậy, tao chẳng làm được đâu lâu.  Đúng là dạo này tao chưa tìm ra việc thích hợp, nhưng tao vẫn không hứng thú với công ty Vĩnh Hưng. 
  Trung hạ giọng: 
  - Tại sao?  Mày có thể nói cho tao biết không? 
  Bửu nói: 
  - Nói thật, tao vác mảnh bằng chạy đi xin việc hầu như gần hết các công ty, xí nghiệp thuộc thành phố, nên tao cũng nghe ngóng được đôi điều.  Công nhân của ông Vĩnh Hưng rên ông chủ như bọng. 
  Trung vội hỏi: 
  - Họ rên về vấn đề gì? 
  - Lương bổng, giờ làm việc, chế độ khen thưởng, nghỉ bệnh, vv...  Họ bảo ông ta bóc lột sức lao động nên mới bị trời phạt nằm một chổ.  Chẳng lẽ mày không đồng cảm với họ. 
  Trung ngập ngừng: 
  - Tao cũng mới vào làm việc nên đúng là không nghe gì hết. 
  Bửu tò mò: 
  - Mày phụ trách công việc gì vậy? 
  Trung nghiêm giọng: 
  - Không dối, cũng không giấu mày, tao đang tập sự để thế chổ của ông Vĩnh Hưng. 
  Bửu bật cười: 
  - Đúng là hoang tưởng.  Mày có "hâm" không vậy, thằng tửng? 
  Trung vẫn bình thản: 
  - Tao biết thế nào mày cũng cho rằng tao nổ.  Tụi mình là bạn từ thời phổ thông, nhưng có nhiều cái mày chưa biết về tao đâu.  Mẹ tao là con gái duy nhất của ông Vĩnh Hưng đấy. 
  Hơi nhóm người lên, Bửu buột miệng: 
  - Bác gái... à!  Đúng, bác gái là người Hoa.  Nhưng tại sao gia đình mày lại sống khổ như vậy? 
  Trung uống một hớp cà phê, giọng trầm xuống: 
  - Ngày xưa, ông Vĩnh Hưng không chấp nhận ba tao, nên đã từ người con gái duy nhất của mình.  Sau hai mươi mấy năm, ông ấy đã nghĩ khác. 
  Bửu cười nửa miệng: 
  - Phải nói là sau trận chết đi sống lại rồi nằm một chổ.  Ổng mới nghĩ lại.  Nhưng suy cho cùng, cũng là nghĩ cho bản thân ông. 
  Trung trầm ngâm: 
  - Lẽ ra tao không về công ty Vĩnh Hưng, dù ông ấy đã đưa ra đề nghị này cách đây nửa năm.  Nhưng nghĩ tới mẹ mình, tao không đành.  Khi bỏ nhà theo ba tao, bà đã tự cho mình là đứa con bất hiếu.  Tao không muốn tới cuối đời, mẹ tao vẫn phải sống trong ân hận. 
  Bửu nheo nheo mắt: 
  - Việc mày làm không có gì sai. 
  - Nhưng tao vẫn chưa mở miệng gọi được tiếng ông ngoại. 
  - Tại sao?  Mày mặc cảm à? 
  Trung nói: 
  - Trong công ty, ngoài Vĩnh Phát ra, không ai biết quan hệ giữa tao và ông Vĩnh Hưng.  Mọi người chỉ nghĩ tao được mướn về để điều hành công ty và được trả lương khá cao.  Tao mặc cảm vì ông ngoại mình là giám đốc và bây giờ truyền ngôi lại cho mình. 
  Bửu kêu lên: 
  - Mặc cảm gì... lãng nhách vậy?  Có cả tỷ người muốn được một ông ngoại như mày đang có. 
  Trung xoa cằm: 
  - Tao biết.  Nhưng tao muốn khẳng định khả năng của mình. 
  - Điều đó đâu có ảnh hưởng tới việc mày là con cháu ai.  Hình như mày lẩn thẩn rồi. 
  Trung bỗng chuyển vấn đề: 
  - Mày về làm việc cho công ty Vĩnh Hưng chớ? 
  - Để tao suy nghĩ lại đã. 
  Trung nài nỉ: 
  - Coi như mày giúp tao mà. 
  Bửu thẳng thắn: 
  - Nếu về đó là vì tao nghĩ tới bác gái chớ không phải vì mày đâu. 
  Trung hớn hở: 
  - Vậy là khỏe rồi.  Có mày giúp, tao sẽ chấn chỉnh lại công ty.  Nó đang trên đà tuột dốc đấy. 
  Bửu trầm trồ: 
  - Khá lắm.  Mới về mà mày đã nhận ra điều tệ hại rồi đó.  Mày sẽ gánh hậu quả cuộc điều khiển từ xa một công ty lớn của ông Vĩnh Hưng đến mức oằn oại hai vai. 
  Đang nói, Bửu bỗng ngừng, mắt nhíu lại, anh lẩm bẩm: 
  - Quái!  Cái thằng này chơi trò gì vậy kìa.  Mày biết thằng Tiến, phó giám đốc của công ty Thành Danh không? 
  Trung ngắc ngứ: 
  - Biết.  Nhung không quen.  Hắn thế nào? 
  Giọng Bửu có vẻ phẩn nộ: 
  - Sắp hỏi cưới Việt Cơ, nhưng lại cặp kè với Xuân Đào.  Đúng là đểu. 
  Trung sững sốt: 
  - Mày biết cô gái đang cặp kè với hắn à? 
  Gật đầu, Bửu xác nhận: 
  - Biết chứ.  Xuân Đào là con gái của một người bạn của ông Danh, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ.  Cô ta mới được ông Danh mang về nhà ở chung vài ba tháng gì đó. 
  Trung liếm môi: 
  - Mày có vẻ rành về họ quá nhỉ? 
  Bửu hơi khoác lác: 
  - Tao rành về mọi thứ, mọi người, chớ không chỉ riêng họ. 
  Hất mặt lên.  Trung thách thức: 
  - Vậy mày bật mí về họ đi. 
  Mắt ngời lên tia ranh ma, Bửu hỏi: 
  - Họ nào?  Đàn ông hay đàn bà trong gia đình đó. 
  Trung cao giọng: 
  - Tất cả.  Công ty Thành Danh là đối thủ của công ty Vĩnh Hưng mà.  Tao cần phải nắm đối thủ của mình trong tay chứ. 
  Bửu nhún vai: 
  - Tao không phải internet đâu mà mày định truy tìm dữ liệu. 
  Rồi anh thẳng thừng: 
  - Mày biết Việt Cơ à? 
  Trung ậm ừ: 
  - Ờ.  Cũng từng trò chuyện một đôi lần.  Cô ấy dễ thương chớ.  Không hiểu sao gã kia lại chơi trò bắt cá hai tay? 
  Bửu không giấu sự khinh bỉ: 
  - Cái thằng đào mỏ.  Bộ nó định đào cả mỏ tiền lẫn mỏ tình của nhà ông Danh sao ấy mà.  Tao phải cho thằng Văn biết mới được. 
  Trung tò mò: 
  - Văn là ai vậy? 
  - Là con trai lớn của ông Danh, là bạn tao.  Văn mới tu nghiệp ở nước ngoài về.  Chuyên môn rất giỏi, nhưng trong kinh doanh hơi ngờ nghệch.  Bởi vậy, ông Danh mới tín nhiệm Tiến hơn con trai mình. 
  - Tiến là người thế nào? 
  Bửu hất hàm: 
  - Mày cứ nhìn sẽ biết chứ gì. 
  Trung liếc về phía góc quán và thấy Tiến đang mê mải thì thầm bên tai cô gái tóc dài.  Trông hai người đúng là một đôi tình nhân đắm đuối quên cả trời đất chung quanh. 
  Giọng Bửu vang lên: 
  - Xuân Đào trông quyến rũ và đàn bà hơn Việt Cơ nhiều.  Hảo ngọt như Tiến bị đốn ngã là phải. 
  Trung bất bình: 
  - Vậy tại sao hắn không cưới cô ta? 
  - Chuyện đó, tao không biết. 
  - Chỉ tội cho Việt Cơ có một người chồng tồi, một người đang mang ơn mà lại bất nghĩa. 
  Bửu bỗng khoan dung: 
  - Đừng vội mắng.  Biết đâu họ cũng có nổi khổ nào đó. 
  Trung nhún vai làm thinh.  Đúng là vậy rồi anh nóng chuyện của người khác.  Bửu nhìn đồng hồ: 
  - Nếu không có gì, tao về trước à. 
  Trung vội hỏi: 
  - Chừng nào mày bắt đầu làm việc. 
  Bửu ỡm ờ: 
  - Tao vẫn chưa quyết định mà.  Nhưng dù làm hay không, thứ hai tao sẽ trả lời. 
  Trung lắc đầu nhìn theo cái dáng ngang tàng của Bửu, rồi cô đơn ngồi một mình.  Anh lầm lì uống hết tách cà phê và đứng lên.  Trong khi Tiến vẫn còn ngồi lại với người tình. 
Tự nhiên Trung muốn đi vòng vòng, anh phóng xe tới góc phố, nơi lần đó anh đã đưa Việt Cơ về.  Trong những ngôi nhà đấy, có một ngôi nhà của gia đình cô.  Giờ này cô đang làm gì?  Có đang chờ Tiến ghé không?
Trung thật lẩn thẩn khi bỗng dưng thương vay khóc mướn, lo chuyện đâu đâu của người lạ.  Đang nhếch môi cười một mình, Trung suýt la lên khi thấy cái dáng quen quen đang thơ thẩn trên vỉa hè. 
Tấp xe vào thật nhanh, Trung gọi: 
- Việt Cơ! 
Cô gái quay lại, giọng như reo lên: 
- Là chú à?  May quá, tôi đang buồn muốn chết đây. 
Trung phấn khởi: 
- Vậy thì lên xe, tôi sẽ chở Cơ tới những chỗ không dành cho người buồn. 
Không ngần ngừ, Cơ ngồi lên yên sau chiếc sáu bảy.  Trung cho xe chạy từ từ hướng Sài Gòn. 
Việt Cơ thắc mắc: 
- Ủa!  Không vào chợ lớn à? 
Trung cười cười: 
- Nếu Cơ thích được gọi là A Muối, tôi sẽ quay xe lại tức thì. 
Cơ khoát tay: 
- A Muối hả?  Tới luôn, bác tài. 
Trung lắc đầu: 
- Công chúa cũng biết dùng từ giang hồ nữa sao?  Khó nghe lắm, A Muối ạ. 
Việt Cơ hậm hực: 
- Tôi chán bị lên lớp nên mới lang thang đi bụi cho khuây khỏa.  Ai ngờ lại gặp chú.  Mệt! 
Trung nói: 
- Dịu dàng, nữ tính vẫn là điểm mạnh của phụ nữ. 
Bĩu môi, Việt Cơ cãi: 
- Nhưng đâu phải tất cả phụ nữ đều dịu dàng.  Tôi là đại diện cho số phụ nữ còn lại đấy. 
Trung dài giọng: 
- Quan trọng là anh chàng của cô thích loại phụ nữ nào kìa? 
Hất mặt đầy chủ quan, Cơ nói: 
- Đương nhiên là thích loại phụ nữ như tôi rồi. 
- Vậy sao cô lại bị lên lớp? 
Việt Cơ phản ứng: 
- Tôi có nói là bị Tiến lên lớp đâu.  Chú nhiều chuyện quá, Ngầu Chẩy à. 
Trung có vẻ thích thú vì cái tên Ngầu Chẩy được Việt Cơ cố tình kéo dài ra một cách khiêu khích. 
Trung buột miệng: 
- Tôi không nghĩ tối nay sẽ gặp được cô. 
Việt Cơ cắc cớ: 
- Vậy là chú từng mong sẽ gặp lại tôi à? 
- Khách sộp mà.  Tội gì không mong chứ? 
- Nhưng lần này chú đừng hòng chặt đẹp.  Tôi chỉ có mười ngàn thôi.  Đúng giá phải không? 
Trung bảo: 
- Vẫn còn thừa hai ngàn.  Lần trước là cô ra giá để tôi chặt.  Mà tôi cũng nói rồi, bán nỗi buồn, mua niềm vui thì đừng sợ tốn tiền. 
Hơi nghiêng đầu ra sau, Trung hỏi: 
- Tối nay cô lại buồn chuyện gì?  Cứ tự nhiên trút bỏ, tôi không tính thành tiền đâu.  Đã vậy, tôi sẽ bao cô một chầu nhẹ nhẹ như bột chiên chẳng hạn.  Không từ chối chứ A Muối? 
Việt Cơ chép miệng: 
- Chắc là không.  Vì tôi vẫn chưa ăn cơm. 
Giọng Trung hài hước: 
- Sao vậy?  Định giữ eo hả?  Nếu thế thì không nên, vì trông cô đã giống các siêu người mẫu lắm rồi. 
Tiếng Việt Cơ chợt khàn đi: 
- Tôi đâu giữ eo giữ co gì.  Nhưng ngồi vào bàn, ăn không vô.  Tôi ghét thói phô trương cũng như giả dối.  Vậy mà ngày nào cũng phải... đụng. 
Trung nhỏ nhẹ gợi chuyện: 
- Trên bàn ăn chắc chắn chỉ có người nhà.  Lẽ nào Cơ vẫn chưa quen? 
- Chú không hiểu đâu. 
Trung ân cần: 
- Nếu Cơ giải thích, tôi sẽ cố gắng để hiểu. 
Cơ hơi khựng lại, rồi cô bối rối: 
- Tại sao tôi phải giải thích với một người lạ như chú?  Đúng là điên khùng. 
Trung lắc đầu: 
- Khi những người thân nhất không hiểu mình, đi tìm sự thông cảm, sự an ủi của người lạ đâu có gì sai.  Cơ không biết đó thôi, hằng ngày, hằng đêm, thậm chí hằng giờ, hằng phút vẫn có người gọi điện tới các chuyên gia tâm lý để được tư vấn về những chuyện riêng tư.  Qua điện thoại, họ kể lể rồi khóc lóc, than thân trách phận, nói hết những chuyện thầm kín nhất của mình, dù họ chẳng biết người đang nghe điện thoại là ai, như thế nào. 
- Rất tiếc chú không phải chuyên gia tâm lý. 
Trung lấp lửng: 
- Điều đó còn chưa chắc. 
Việt Cơ buột miệng: 
- Vậy chú là ai hả Ngầu Chẩy? 
- Tài xế...  À!  Không.  Dân xe ôm. 
- Nhưng ngoài nghề chạy xe ôm, chú còn làm gì khác? 
Không trả lời Cơ, Trung hỏi vặn lại: 
- Sao Cơ lại quan tâm đến tôi thế? 
Cơ nói: 
- Tò mò là bản chất của con gái mà. 
Trung dừng chiếc sáu bảy trước một xe bán bột chiên bên lề đường.  Kéo cho Việt Cơ chiếc ghế thấp, Trung giơ tay gọi: 
- Hai dĩa đặc biệt, một nhiều ớt nghen. 
Cơ thắc mắc: 
- Sao không nói tiếng Hoa? 
Trung thản nhiên: 
- Vì người bán là người Việt, cần gì phải sử dụng ngoại ngữ. 
- Thế chú người Việt hay người Hoa? 
Trung lắc đầu: 
- Hỏi nhiều quá, làm sao tôi trả lời kịp.