Dịch giả: Lm DUY ÂN MAI
Phần thứ hai-CHÚA BAN SỰ SỐNG- Chương I

Khai đề: ĐỨC TIN VÀ KHOA HỌC
Chương I: SÁNG TẠO VŨ TRỤ
Chương II: SÁNG TẠO CON NGƯỜI
Chương III: SÁNG TẠO CÁC THIÊN THẦN
Chương IV: CHÚA TIẾP TỤC SÁNG TẠO VÀ CHÚA QUAN PHÒNG
Chúa chúng ta ở trên trời: Người hoàn tất mọi điều Người muốn” (Ca vịnh 115,3).
CHƯƠNG KHAI ĐỀ
 
ĐỨC TIN VÀ KHOA HỌC
 
 
I. TÀI LIỆU VỀ NGUỒN GỐC VŨ TRỤ VÀ CON NGƯỜI
 
Để giái quyết vấn đề nguồn gốc của con người trong mức độ có thể được, chúng ta có hai thứ tài liệu: mạc khải của Thiên Chúa và khoa học của nhân loại:
 
a/ Mạc khải: - Qua trung gian tác giả của Kinh Thánh, Thiên Chúa đã tuyên bố chân lý căn bản nầy: Chính Người là Đấng đã sáng tạo nên vũ trụ và con người. Dựa trên mạc khải, kiến thức của chúng ta bắt đầu từ trên xuống: từ Thiên Chúa rồi đến vũ trụ và đến nhân loại.
 
b/ Khoa học: - Nhờ những phương pháp riêng của mình, khoa học cũng tìm cách trả lời những câu hỏi trí óc con người đặt ra và cũng đem lại những ánh sáng quí hoá cho vấn đề. Con đường khoa học theo thì ngược chiều với mạc khải, nghĩa là bắt đầu từ dưới lên. Nhờ khoa địa chất học (Géologie), khoa sinh vật (Biologie) và khoa cổ sinh vật (Paléontologie) các nhà bác học tìm những định luật điều khiển cuộc biến hoá của các sinh vật và khám phá ra cả bí mật của nguồn gốc sự sống.
 
Người Kitô hữu lợi dụng hai nguồn liệu nầy, chúng có tính cách bổ túc cho nhau và phải được duy trì trong phạm vi riêng biệt của mình.
 
II. KINH THÁNH THUẬT LẠI NGUỒN GỐC CỦA VŨ TRỤ VÀ CỦA CON NGƯỜI
Kinh Thánh có hai đoạn thuật lại công trình sáng tạo. Hai đoạn văn này khác nhau về lối văn, về ngày tháng đã viết. Đoạn thứ nhất (Gen I.II) thuật lại công trình sáng tạo toàn thế giới. Đoạn thứ hai (Gen 2,4-25) đặc biệt kể lại việc dựng nên con người.
 
Hai bản văn này cùng kể lại những sự việc như nhau, song theo thứ tự khác nhau. Các tác giả Kinh Thánh không coi trọng thứ tự của các biến cố; các ngài chỉ có mục đích là trình bày những chân lý căn bản của tôn giáo.
 
III. PHẢI HIỂU ĐOẠN VĂN THÁNH KINH NHƯ THẾ NÀO?
 
Đức Léon XIII trong Thông điệp Providentissimus, đã nhắc lại rằng không nên tìm trong Kinh Thánh những bài học thuộc phạm vi khoa học, mà là những bài học tôn giáo diễn tả bằng một từ ngữ đơn sơ, có hình ảnh và thích hợp với tâm lý của người Do Thái thời Maisen. Uỷ ban chuyên về Kinh Thánh do Đức Thánh Cha làm chủ tịch đã tuyên bố như sau liên quan đến sách Sáng thế: “ Khi thuật đoạn nầy tác giả không có chủ đích dạy một cách khoa học cách thức cấu tạo nên những vật hữu hình và thứ tự toàn diện của công trình sáng thế; tác giả chỉ muốn đem lại cho dân một kiến thức bình dân theo như người ta hiểu biết thời ấy” (30-6-1909).
 
Do đó cần phân biệt những gì Chúa mạc khải với lối diễn tả bằng hình ảnh. Lối diễn tả bằng hình ảnh là phương thức để trình bày chân lý mạc khải thôi.
 
IV. BÀI HỌC TÔN GIÁO TRONG ĐOẠN TƯỜNG THUẬT CỦA KINH THÁNH
 
Bởi vì tác giá Kinh Thánh chủ trương dạy người đồng hương về mặt tôn giáo, chúng ta trước tiên phải tìm hiểu những chân lý tôn giáo chứa chất trong ấy.
 
1/ Thiên Chúa là Đấng Tạo hoá mọi sự
 
Chân lý nầy cần được đặc biệt nhấn mạnh vì dân Do Thái sống giữa bao nhiêu dân ngoại chuyên thờ nhiều thần và thờ cả những thụ tạo nữa. Khi kê khai tất cả những gì người ta biết được trên trần gian nầy, Kinh Thánh tuyên xưng tất cả đều do Thiên Chúa đã làm ra.
 
2/ Chính Thiên Chúa đã ấn định nghỉ việc ngày thứ 7
 
Sau sáu ngày làm lụng, tuần lễ được kết liễu bằng một ngày nghỉ để lo việc thánh hoá linh hồn và để cho thân xác được rảnh rang. Để luật nghỉ nầy có hiệu nghiệm, tác giả lấy Thiên Chúa làm mẫu: Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ và con người trong sáu ngày và Người nghỉ việc ngày thứ bảy.
 
3/ Con người cao cả hơn mọi loài
 
Thiên Chúa đặc biệt ưu đãi con người có linh hồn giống Chúa: “Ta hãy dựng con người giống hình ảnh Ta”
 
4/ Người nữ là bạn đường của người nam và cùng bản tính và đồng địa vị
 
Tư tưởng nầy đã được ghi lại thoáng qua trong đoạn nhất rồi. Trong đoạn nhì nó được nổi bật hơn bằng một hình ảnh rất đánh động: người nữ được dựng nên do một xương sườn của người nam. Chân lý nầy rất cần được nhắc đi nhắc lại, nhất là tại Á Đông người ta toàn hạ giá người nữ xuống địa vị người tôi tớ.
V. NGƯỜI KITÔ HỮU TRƯỚC PHÁT MINH CỦA KHOA HỌC
 
a/ Với một tâm trạng chống đối không đâu khi tìm hiểu nguồn gốc của vũ trụ, có người tưởng Kinh Thánh phản lại khoa học.
 
Một số bác học vô thần tưởng rằng phải phủ nhận Kinh Thánh vì khoa học.
 
Một số người công giáo hẹp hòi tưởng rằng phải nghi ngờ giá trị của khoa học để trung thành với Kinh Thánh.
 
b/ Giải pháp: Tâm trạng chống đối nầy gây nên do sự lầm lẫn hai phạm vi: tôn giáo và khoa học. Bởi vì khi chúng ta tìm hiểu thể giới vật chất với những nguyên tắc của nó, khi đó chúng ta ở trong phạm vi khoa học. Những phát minh của khoa học có thể không hợp với cách thức diễn tả của Kinh Thánh. Nhưng từ những chỗ khác nhau đó mà nêu lên kết luận về mặt tôn giáo thì người ta ra khỏi phạm vi khoa học.
 
Đàng khác khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta phải tìm ra những bài học tôn giáo để nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng. Nếu đòi hỏi nơi Kinh Thánh bài học của khoa học thì chúng ta lại ra khỏi phạm vi tôn giáo.
 
Kết luận: Những người vô thần liều lĩnh và những tín đồ nhát đảm đều sai lầm như nhau. Sai lầm của họ là muốn đối chiếu trực tiếp Kinh Thánh và khoa học, vì họ không nhận thấy Kinh Thánh và khoa học không cùng bình diện và không đồng loại… Kinh Thánh theo đuổi một mục đích khác mục đích của khoa học… Không khoa nào phủ nhận khoa nào (Card. Liénart).
 
“Không thể nào có mâu thuẫn giữa chân lý chắc chắn của đức tin và sự việc rõ ràng của khoa học. Thiên Chúa không thể tự mâu thuẫn” (Piô 12).