Thảo vừa định ngả mình xuống giường định nghĩ một lát thì Nga đã lên tiếng.: − Thảo à, ai hình như là anh Nguyên đang bồng ai bị thương vào kìa. Thảo bật giậy như lò xo và bước nhanh ra cửa. Nguyên đang sải bước vào phòng cấp cứu. Thảo nói với Nga: − Thảo ra ngoài ấy xem sao. Nga cũng lật đật nói: − Nga cũng đi nữa. Thế là hai cô bạn cùng bước nhanh về nơi Nguyên đến. Thảo đến sát bên mà Nguyên vẫn không hay, anh đặt đưá bé xuống giường rồi lo lắng nhìn các y tá chung quanh. Thảo hỏi ngay: − Em bé bị té hở anh Nguyên? Nguyên có vẻ mừng khi thấy người quen: − Thảo và Nga đó ha? thằng bé bị xe đụng. Thảo lo lắng: − Có phải… anh … đã… Hiểu được ý nghĩ trong câu nói của Thảo Nguyên mĩm cười lắc đầu: − Không phải anh, chúng nó chạy mất rồi, và đứa bé này anh quen. Thảo đến sát bên giường nhìn và kêu lên: − Ủa dường như là thằng bé bán vé số. Mắt Nguyên sáng lên: − Đúng rồi, Thảo biết nó hả? − Hồi sáng nó có đến bán ở đây mà. Thảo chợt im bặt vì nghĩ một cách thừa thải, giá mà hồi sáng này nàng giúp nó vài vé. Thảo kéo tay áo Nguyên ra ngoài. Các bạn đồng nghiệp của nàng đang chuẩn bị đưa đưá bé vào chụp X quang sau khi đã xem xét các vết thương. Nguyên cùng Thảo và Nga trở về phòng làm việc của mình. Thảo hỏi: − Nhà thằng bé này ở đâu? Cha mẹ nó đã biết tin chưa? − Nó tên bé Bảy, không có nhà cửa và cũng không có cha mẹ. Nga và Thảo cùng kêu lên, Nga hỏi: − Vậy bây giờ làm sao? Lỡ có chuyện gì thì báo cho ai biết? Nguyên nhìn Nga với ánh mắt thật sắc: − Có gì quan trọng đâu Nga. Tôi sẽ lo cho nó. Hơn nữa bé Bảy còn bạn bè nhiều lắm, lát nữa tụi nó sẽ kéo tới đây cho mà xem. Thảo lại tìm ra điểm khác nhau giữa Phi và Nguyên. Phi luôn có chuyện quan trọng, còn Nguyên thì lại đơn giản hóa nó. Phi cầu kỳ bao nhiêu thì Nguyên lại giản dị bấy nhiêu. Nguyên hướng ánh mắt về phía Thảo, bây giờ chàng mới thấy được nét đẹp giản dị và tinh khiết trong bộ đồ chuyên môn trắng của nàng. Một người đàn bà chìa bàn tay sưng húp ra cho Thảo khám. Nàng ngồi nghiêng đầu lật qua lật lại rồi nắn bóp. Nguyên nghe tiếng nàng nhỏ nhẹ: − Bác bị sưng đã lâu chưa ạ? − Đã hơn hai tuần rồi cô. Người đàn bà không gọi Thảo bằng bác sĩ như mọi người hiểu biết thường, gọi nhưng Thảo không có chút gì tỏ ra phật lòng. − Vì sao lại sưng thế này hả bác? Người đàn bà kể: − Tối hôm đó khi bước ra ngoài sân, tôi bị trợt chân suýt té nên nắm vội cái miệng lu nước gần đó. Lúc ấy thì không nghe đau đớn gì nhiều nhưng sáng hôm sau thì sưng húp lên. − Sau lúc ấy bác không đến đây? Người đàn bà tỏ vẻ bối rối: − Tôi nghĩ là không có gì trầm trọng lắm. − Bác đã làm gì để giảm sưng và đau trong thời gian chưa đến đây? − Tôi đấp lá thuốc rồi nhờ thầy… thầy thuốc nam. Thảo lắc đầu nhè nhẹ, đây không hẳn là nơi xa côi hẻo lánh thế mà người dân vẩn thiếu những thông tin cần thiết về y học. Nếu lỡ khớp xương của bàn tay có bị thế nào, người đàn bà này bó thuốc cả năm trời chưa chắc đã khỏi mà lại còn nguy hiểm hơn. Lấy phiếu giới thiệu người đàn bà đi chụp X quang, Thảo bảo: − Bác đến phòng chụp X quang và sau đó trở lại đây nhé. Người đàn bà cầm phiếu tần ngần. Thấy vậy, Nga đứng lên: − Bác ra đây, cháu chỉ chỗ cho. Nguyên cũng đứng dậy có vẻ sốt ruột. − Thảo à, anh đến phòng cấp cứu xem bé Bảy có làm sao không nhé. Thảo cũng kéo ghế đứng dậy. − Anh cứ ở đây đi, lát nữa bộ phận cấp cứu sẽ cho Thảo xem phim chụp của đưá bé. Nguyên lo lắng: − Anh sợ cái chân của nó bị gẩy thì tội lắm vì làm sao mà nó đi bán vé số. Nhìn Nguyên, Thảo nghe lòng nao nao. Sự quan tâm của anh với đừa bé không ruột rà làm Thảo xúc động. Nàng dịu dàng trấn an: − Lúc nhìn vào vết thương, em thấy không đến nỗi nguy hiểm đâu anh Nguyên ạ. Nhưng lỡ có gảy chân thì nó cũng chỉ nằm có vài tháng là có thể lành bệnh Nguyên nhìn Thảo trầm ngâm: − Đối với những đứa trẻ khác thì chuyện dưỡng bịnh vài tháng là điều không đáng lo. Còn bé Bảy, nó phải tự kiếm sống hằng ngày. Tất nhiên là anh cũng sẽ giúp nó nhưng … rằng nhu cầu một bịnh nhân ở tuổi này cần phải được quan tâm trên mức bình thường. Thảo đi lại trong phòng suy nghĩ. Điều Nguyên nói là hoàn toàn hợp lý. Giữa thời buổi này đúm bọc nhau một ngày đã thấy Quý huống chi phải chăm lo hàng tuần hàng tháng. Ruột rà còn thấy khó huống chi người dưng. Chỉ có một cách…. Thảo đột ngột dừng lại trước mặt: − Anh Nguyên nè, Thảo sẽ vận động để bé Bảy không phải thanh toán mọi chi phí trong thời gian ở đây. Nguyên vui mừng: − Được vậy thì tốt quá Thảo ạ, Thảo gắng giúp nhé. Thảo cũng vui như là đã đoạt được điều mình mong muốn: − Dạ, em sẽ thuyết phục Ban Giám Đốc bệnh viện. Nguyên chìa bàn tay mình ra trước cái nhìn ngơ ngác của Thảo. − Chúng mình cũng quyết tâm giúp bé Bảy. Nào bắt tay anh cái coi. Thảo áp bàn tay vào tay Nguyên và nhận ra sự khác nhau giữa hai cái bắt tay giữa Nguyên và Phi. Bàn tay Phi lần đầu chạm vào nàng hôm mới đến nhận nhiệm sở tuy mềm mại nhưng hờ hửng và lạnh lẽo dù cái nhìn của anh ta chăm bẫm vào nàng. Còn bàn tay Nguyên thì cứng cáp, thô ráp nhưng lại siết mạnh đến nỗi Thảo đỏ mặt kêu lên: − Ui da! Nguyên không buông bàn tay Thảo mà giữ lại ngắm nghía. Những ngón tay nhỏ nhắn thon thon bị siết mạnh đỏ hồng cả lên. Chàng hơi cúi người vừa thổi vừa xoa nhẹ. Thảo rụt tay về giấu sau lưng, mặt đỏ rần trước cái nhìn của Nguyên. Ánh mắt của chàng lần này dành cho Thảo chứ không phải xa xăm vời vợi với một bóng hình nào đó ở phía sau nàng như những lần trước. May thay, Nga quay trở lại đưa Thảo thoát khỏi sự lúng túng. Trao tấm phim màu đen cho Thảo, Nga nói: − Thảo xem đi, đây là phim chụp chân của em Bé Bảy. Xem xét một lúc, Thảo quay sang Nguyên mỉm cười: − Anh Nguyên ơi, bé Bảy không bị gảy chân đâu. Tuy nhiên cũng phải băng bột mất cả tuần. − Nếu vậy thì hay quá – Nguyên phấn khởi - Họ đang làm gì cho bé Bảy đằng kia vậy Nga. − Đang băng cho nó anh à. Nguyên đứng lên: − Để anh mua gì đó cho nó ăn cái đã. Anh quay sang nói với Thảo - Thảo xem giùm các bạn chuyển bé Bảy sang phòng nào, tí nữa anh trở lại. − Dạ, anh cứ đi đi. Nguyên đi rồi, Nga mỉm cười nói với Thảo: − Ông Nguyên tốt thật. Thảo muốn giải thích lòng tốt của Nguyên thật rõ ràng hiển nhiên: − Thuở bé, anh Nguyên có một cuộc sống rất cơ cực. Vì vậy ảnh hay động lòng trắc ẩn đối với những số phận bơ vơ côi cút như thế nào. − Anh Nguyên mồ côi hở Thảo? − Vâng anh ấy mồ côi từ bé. − Hèn chi, nhưng mà Thảo ơi, Nga vẫn thấy những người không có gia đình cha mẹ họ ít sống tình cảm như anh Nguyên lắm. Thảo dựa lưng vào thành ghế: − Có lẽ tụi mình phải làm một cuộc điều tra XH học mới có những kết luận chắc chắn hơn. Nga cười tán thành và nhắc đến người anh trai: − Thảo này, anh Tú nhắc Thảo hoài đó nha. Thảo cười dịu dàng và củng tỏ ra lịch sự: − Hổm rày, anh ấy vẩn khoẻ chứ Nga? − KHhoẻ như…. voi. Ảnh bảo Nga rủ Thảo về chơi – Nga bước đến đặt tay lên vai Thảo − Hôm nào đi cùng với Nga nhé. Thảo mỉm cười: − Thật khó mà từ chối lời đề nghị như thế này. Khi bé Bảy ngủ được một giấc ngon lành thì Thảo cũng đã trình bày xong với lãnh đạo về hoàn cảnh đáng thương của nó. Ông Nam bảo: − Tôi sẽ cho người xác minh để có cơ sở trình bày với tài chính về trường hợp này. Thảo cảm thấy nhẹ nhàng, coi như đã giải quyết công mọi việc. Nàng đến phòng bé Bảy đang nằm. Nó dường như đã thức dậy từ lâu, cặp mắt tròn tinh như sáo đang nhìn lên trần nhà. Thảo quan sát một lượt, có đến ba chiếc giường đang có bệnh trong phòng. Đầu giường nào cũng để đầy la liệt bánh, trái cây và sữa trừ giường của bé Bảy. Nó nhìn người này, người kia trò chuyện với người thân là hai bệnh nhân nằm bên cạnh, chán rồi lại nhìn nơi khác, lòng nó thấy buồn và cô đơn. Tối hôm qua lũ bạn nó kéo đến náo động được một lát thôi. Cô y tá còn đến rầy vì cái miệng chúng nó cứ oang oang như những lời rao gọi ngoài đường. Anh Nguyên mang cho nó một bịch bánh tây, nó mang ra mời bạn và hết nhẵn trong tích tắc. Sáng hôm nay có lẽ tụi bạn nó đã đi « làm » rồi. « Làm » là động từ chỉ đủ thứ công việc: bán vé số, bán trà đá, làm cu li cho mấy ông thợ hồ…. Bé Bảy chợt nhận ra Thảo đang bước vào. Mọi người đều nhìn nàng chờ đợi nhưng Thảo chỉ mỉm cười tiến về phía thằng bé ở sát tường. Bé Bảy gượng ngồi dậy và cảm thấy hãnh diện với mọi người. Từ hôm qua tới nay, chị Thảo cùng với anh Nguyên là hai người quan tâm đến nó nhiều nhất. Nó có cảm giác là mọi người trong phòng cũng có vẽ nễ vì nó hơn, nó là người quen của bác sĩ mà. Thảo ngồi xuống giường đặt tay lên trán bé Bảy: − Em thấy khoẻ hẳn chưa bé Bảy? Bé Bảy ngồi dựa vào chiếc gối đặt ở thành giường cho đỡ cấn lưng cười và nói với Thảo: − Dạ khỏe lắm chị à, chỉ có cái chân là còn đau thôi. − Em cử động cẩn thận nhé, độ vài hôm nữa em sẽ ra viện. Nhưng nếu không giữ gìn tốt thì phải nằm ở đây lâu hơn đó. Bé Bảy kêu lên: − Ở đây buồn quá chị Thảo ơi. Thảo bật cười: − Đúng rồi, đây nào phải là công viên hay khu vui chơi đâu. Hôm qua em ngủ có ngon không? − Dạ ngon. Nhưng em hơi mỏi vì không dám trở mình nhiều. − Ừ mỗi lần bệnh thì cực lắm. Mai mốt trong lúc đi đường em phải cẩn thận hơn. Bé Bảy kể, hiện tại nó cảm thấy Thảo thật gần gũi: − Mấy ông uống rượu say chạy xe ẩu thấy sợ luôn chị ơi. Em đã xô con Lan nhí té vô lề, nếu không chắc bi giờ nó cũng nằm viện như em. − Lan nhí là nhỏ đi chung với em lúc vào đây mời vé số đó hả? − Dạ nó là Lan nhí đó chị. Hôm qua nó mời rát cả cổ họng suốt buổi chiều mới bán giùm hết phần vé của em. Thảo hỏi tiếp: − Em có nhắn với Lan đến đại lý báo tin là em phải nằm viện không? Bé Bảy lắc đầu: − Không chị à. − Họ không phiền ư? − Dạ không, vì dù em nằm đây số vé của em cũng có người nhận bán giùm. Anh Nguyên đã phân công cho thằng Cù, con Nhiên, thằng Tí sún và Lan nhí bán giùm em. Ngay cả bà chủ đại lý cũng không hay là em bị xe đụng nữa. Thảo nhìn bé Bảy trìu mến: − Bé Bảy này, nếu có một bà tiên cho em ba điều ước, em sẽ ước gì? Bé Bảy cười, mấy chiếc răng to và không thẳng hàng làm nụ cười têu tếu một cách hiền lành. Đôi mắt nó xa xâm. − Em ước nhiều lắm ; nhưng nếu chỉ có ba điều thì em ước là tự nhiên em tìm được cha, được mẹ, điều thứ hai là chị em con Lan nhí cũng tìm ra nó và điều thư ba là tất cả các bạn em ai cũng có nhà cửa có cha mẹ anh em. − Nhưng mà chị Thảo ơi, bây giờ làm gì có ông tiên hờ chị.? Thảo nghe sống mũi mình cay cay. Lần đầu tiên một điều ước cụ thể rằng có một ông tiên trong cuộc đời thật của bé Bảy để thỏa mản niềm mơ ước đáng thương của nó. Nguyên đã đến gần mà Thảo vẫn chưa hay, nàng len lén đưa tay vén tóc rồi lau nhanh giọt nước mắt vừa ứa ra. Nguyên thấy nhưng vẫn không nói gì, anh báo sự có mặt của mình bằng câu nói: − Bé Bảy ăn bánh mì đi. Bé Bảy cùng Thảo quay nhìn: − Ủa anh Nguyên - Giọng bé Bảy vui hẳn lên – Anh mới đến hả? − Ừ, khỏe chưa bé Bảy? − Dạ, em khỏe rồi anh. Thảo đứng dậy. − Bé Bảy ăn sáng đi, tí nữa chị quay lại khám và cho thuốc thêm – Nàng quay sang Nguyên – Hôm nay anh có đến cửa hàng không? Nguyên tìm tòi gì đó trong ánh mắt và tiếng nói của Thảo miệng vẫn đáp: − Có chứ Thảo, anh ghé thăm bé Bảy một lát. Nguyên theo chân Thảo ra ngoài. Khi hai người song song với nhau trên hành lang, Nguyên hỏi: − Sao khóc vậy Thảo? Bộ.. bé Bảy ghẹo em hả? Thảo thấy Nguyên gọi tiếng « em » bằng một âm thanh êm dịu. Nangàcười chối: − Đâu có khóc hồi nào, làm cái ông bên cạnh vấn thuốc rê, em lại không quen. Nguyên vẫn nhịp bước đều đều bên cạnh nàng, đôi mắt lúng liếng nụ cười châm chọc. − Ừ nhỉ, cái ông nào đó thật là kỳ, làm chảy nước mắt em tôi. Thảo bật cười và bất chợt chạm phải ánh mắt dịu dàng của Nguyên.