Tôi có ý định viết lại phần đời, sau tháng 4-1975 này, thành một tập hồi ký riêng. Nhưng tôi hoài nghi mình sẽ không còn thời gian đủ để làm việc đó. Tôi vừa thoát qua cơn bệnh hiểm nghèo, không biết thời gian “tạm ứng” tiếp cho tôi sẽ được bao lâu. Phần một của tập Hồi ký tôi mất một năm rưỡi để viết. Tôi đã bắt đầu ngay khi vừa phục hồi sức khoẻ (từ cuối tháng 12-2002). Khi viết đến những dòng này – ngày 01-3-2004 – tôi được tin người bạn thân và đồng hành với tôi trước 1975 trong thời gian chống Mỹ - Thiệu, cựu dân biểu Nguyễn Hữu Chung (Chung Nguyễn), đã mất ngày 26-2-2004. Khi tôi lâm bệnh hồi cuối tháng 6-2002, từ Canada, Chung Nguyễn điện thoại về thăm tôi. Anh tế nhị không đề cập đến bệnh tình của tôi vì có lẽ anh đã nghe thông tin ban đầu là tôi khó thoát qua... (chẩn đoán đầu tiên có bác sĩ nói tôi không sống hơn... một tháng!). Điều không thể ngờ là chỉ sau đó ít tháng thì tôi nhận được tin Chung Nguyễn bị ung thư phổi. Và tôi chưa kịp “đi” thì Chung Nguyễn đã “đi” trước! Do đó tôi xin tóm gọn lại cuộc đời sau năm 1975 của mình trong chương sau cùng này. Nếu thời gian còn cho phép, tôi sẽ trở lại thực hiện đầy đủ và trọn vẹn tập hai. Thận trọng lúc này là cần thiết. ...Cuộc đời hoạt động của tôi trước năm 1975, chỉ có khoảng 13 năm (bắt đầu vào nghề báo năm 1962). Cuộc đời sau năm 1975, cho đến hôm nay, đã gần 30 năm, chủ yếu viết báo và làm báo. ...Nói cách nào đó, tôi có hai cuộc đời. Trước và sau năm 1975. Dĩ nhiên hai cuộc đời này không tách bạch với nhau, vẫn hoà quyện với nhau, nhưng ở hai chế độ chính trị, hai môi trường sống hoàn toàn khác nhau. Trước đây tôi không tưởng tượng nổi đời mình lại có cơ hội được sống và cống hiến cho đất nước qua hai thời kỳ lịch sử, dưới hai chế độ đối nghịch nhau. Ngay sau tháng 4-1975, thật là mãn nguyện khi được tham gia Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc trong thành phần đoàn đại biểu miền Nam. Với riêng tôi, sự kiện đó có một ý nghĩa lớn với đời mình: sau bao nhiêu năm đấu tranh cho độc lập và mơ ước sự hợp nhất của hai miền Nam-Bắc thì giờ đây tôi là người được đưa tay lên biểu quyết sự thống nhất của Tổ quốc. Còn gì vinh hạnh và hạnh phúc hơn! Dù cho trong giây phút ấy, tôi không thể quên cũng tại nơi đây trước đó không lâu tôi cũng đã đưa tay lên nhưng để... đầu hàng! Tôi biết có một người cũng coi việc mình tham dự Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc như một sự kiện không thể quên của đời mình: bà luật sư Ngô Bá Thành. Trong phần tiểu sử của bà được đọc lên tại buổi lễ tưởng niệm bà do Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc TP.HCM và Hội Liên Hiệp Phụ Nữ tổ chức tại Bảo tàng Phụ nữ TP.HCM ngày 15-3-2004 (sau 42 ngày mất của bà), tôi có nghe nhắc lại chi tiết bà là thành viên phái đoàn miền Nam tại Hội nghị Hiệp thương Thống nhất Tổ quốc. Đối với những người trí thức Sài Gòn đến cuối con đường đấu tranh của mình như chúng tôi, có mặt trong một hội nghị như thế là một sự thoả mãn tinh thần cực kỳ lớn. ...Suốt 30 năm của cuộc đời thứ hai, tôi chỉ viết báo và làm báo, đó là cái nghề tôi yêu và say mê – cái nghề duy nhất tôi chọn lựa cho đời mình. Cho nên 30 năm qua, tôi vô cùng thỏa nguyện được sống trọn vẹn với nghề này, bất chấp những lao đao và những hoàn cảnh không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Tôi không bao giờ than phiền về những khó khăn mà tôi phải đối đầu, bởi làm sao tin được rằng một cựu bộ trưởng thông tin của “ngụy quyền Sài Gòn” lại được tự do viết báo trong chế độ cộng sản? Hơn thế nữa tôi còn ra Hà Nội làm tổng thư ký tòa soạn báo Lao Động, tờ báo của giai cấp công nhân và một trong những tờ báo lâu đời nhất của Cách mạng Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao là một trong những người đầu tiên làm công việc trình bày cho tờ báo này. Ngày tôi lên máy bay ra Hà Nội để đảm nhận công việc tại báo Lao Động (năm 1994), tôi gặp ông Đỗ Phượng, lúc đó là tổng giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam, tại sân bay Nội Bài. Biết được mục đích chuyến ra Hà Nội của tôi, ông Đỗ Phượng cười, rồi trêu tôi: “Sao anh đi tập kết trễ thế!”. Khi ra Hà Nội làm tổng thư ký tòa soạn cho báo Lao Động, thật sự tôi đã có ý định dời gia đình ra ở hẳn tại Hà Nội, vợ tôi cũng tán thành. Người vợ sau của tôi lúc này là Trần Hồ Quang Ngọc Cúc (tên gọi thân mật là Cúc Phượng). Nhưng do trục trặc trong công tác tại báo mà ý định sống hẳn ở Hà Nội của chúng tôi bất thành. Tôi yêu Hà Nội ngay từ đầu chạm mặt. Cuối năm 1975, tôi được báo Tin Sáng cử ra thủ đô lần đầu theo dõi phiên họp của Quốc hội triệu tập sau khi đất nước thống nhất. Tôi còn nhớ lòng mình xúc động thế nào khi từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội đi ngang qua cầu Long Biên, giáp mặt với một khối sắt khổng lồ đen sì và cũ kỹ, trên đó đông nghịt người đi xe đạp và hầu như mọi người chỉ mặc một màu nâu sòng hay màu xanh bộ đội đã bạc... Đồng bào ruột thịt của tôi là đây! Chiếc cầu Long Biên đứng vững trước hàng trăm cuộc dội bom của phi cơ Mỹ, là đây! Hà Nội có rất nhiều nơi, nhiều điều tiêu biểu cho cuộc chiến đấu ác liệt và anh hùng của mình, nhưng không hiểu tại sao với tôi, hình ảnh ấn tượng nhất vẫn là chiếc cầu Long Biên mà khi còn nhỏ tôi đã được biết qua cái tên Tây: Paul Doumer. Khi vào đến Hà Nội, tôi yêu ngay cái thành phố đã có sẵn trong ký ức của tôi qua các tác phẩm của Khái Hưng, Nhất Linh. Sự tưởng tượng lãng mạn của tuổi thơ khi đọc sách, kỳ diệu thay, lại khớp với cảnh vật Hà Nội bày ra trước mắt. Với tôi Hà Nội dường như đã đứng yên như thế qua bao thập niên “chờ đợi” tôi. Ngay lúc đó tôi đã nhận ra vẻ đẹp thầm kín và quyến rũ của Hà Nội sau chuyến đi đó tôi nói với bạn bè ở Sài Gòn rằng Hà Nội là một thủ đô rất đẹp của đất nước. Và tôi không thể tưởng tượng ở đó tôi còn có cơ hội gặp lại lần lượt tất cả những nhân vật huyền thoại mà tôi cứ ngỡ rằng đã thuộc về lịch sử văn học xa xôi, chỉ tồn tại trong sách vở như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Huy Cận v.v... Cái nghèo, cái cực khổ của Hà Nội mà tôi chạm mặt lần đầu không hề gây sự thất vọng cho tôi, mà trái lại là sự cảm phục. Tôi còn nhớ đến thăm một nữ nghệ sĩ trong đoàn Ca múa nhạc miền Nam vừa trở ra Hà Nội, nhà ở gần hồ Thuyền Quang, tôi nhìn thấy cái giường của cô đặt sát một cửa sổ không có cánh cửa, chỉ có một màn sáo rũ xuống không ngăn được hơi lạnh từ bên ngoài vào. Căn nhà nhỏ nhưng phải chia sẻ chung với hai, ba gia đình. Để giành lại độc lập cho đất nước, mỗi miền đã chấp nhận sự hy sinh khác nhau nhưng đều là những hy sinh vô bờ bến. Có thấy cuộc sống khó khăn của Hà Nội thời đó mới càng nhận ra giá trị những gì chúng ta đạt được ngày hôm nay. Sau này khi ra Hà Nội nhiều lần tôi thường ghé lại thăm ông Nguyễn Tuân và ông Văn Cao. Khi có dịp vào TP. HCM, hai ông cũng thường đến dùng cơm tại nhà tôi. Hai người có cách sống hoàn toàn khác nhau. Căn phòng của ông Tuân ấm cúng và sắp xếp như một appartement của một người sống độc thân... ở Paris. Căn phòng vừa là nơi ăn ngủ làm việc và tiếp khách. Lúc nào ông cũng có rượu Tây loại ngon. Mùa đông có một lò sưởi cá nhân tự tạo đặt kế bên giường. Ông nói chuyện duyên dáng, dí dỏm và không né tránh những nhận xét đầy hình tượng dành cho các đồng nghiệp hoặc các nhân vật nổi tiếng khác cùng thời. Căn nhà của ông Văn Cao có vị trí thoáng đẹp hơn. Bao giờ ông tiếp khách cũng có vợ ông, bà Băng. Tại phòng khách có treo bức chân dung rất đẹp của bà Băng thời trẻ do ông Văn Cao vẽ. Bất cứ lãnh vực nào mà Văn Cao đặt tay vào cũng đều đạt đỉnh cao từ âm nhạc, thơ cho đến họa. Thường ông ngồi im lặng như pho tượng. Tôi có cảm tưởng: có lẽ người gần như duy nhất gây cho ông sự hứng thú để trao đổi là Trịnh Công Sơn. Cùng với Trịnh Công Sơn bên cạnh, ông đã đồng ý xuất hiện một lần tại Nhà Văn hoá Thanh Niên trong buổi giao lưu với thanh niên TP. HCM. ...Trở lại cuộc sống của riêng tôi và gia đình tôi sau tháng 4-1975 phải nói là may mắn hơn nhiều người nhưng không phải đều thuận lợi dễ dàng. Thậm chí còn có những bi kịch. ...Tôi không thể quên được lúc nhà của cha mẹ tôi bị bộ đội ở phường “đóng chốt” và được lệnh giao cho chính quyền phường vì bị qui vào diện tư sản chỉ vì mẹ tôi có một tiệm tạp hóa ở chung cư Nguyễn Văn Thoại. Còn cha tôi bị bắt về phường ở một đêm vì chính quyền phường tưởng lầm cha tôi là một sĩ quan ngụy cao cấp do có thông tin cha tôi từng là phó đô trưởng Sài Gòn (thật ra phải là phó đô trưởng nội an mới mang lon trung tá hoặc đại tá; cha tôi là phó đô trưởng hành chính thuộc ngạch công chức hành chính, hơn nữa đã bị cách chức hai năm trước ngày 30-4-1975 vì có con hoạt động chống Nguyễn Văn Thiệu!). Tôi hay tin nhà cha mẹ tôi bị “đóng chốt” và bị kiểm kê vào một buổi sáng khi vừa ra khỏi nhà đi làm (lúc này tôi là phó tổng biên tập nhật báo Tin Sáng). Tiếng loa từ phường bên nhà cha tôi vang sang tận nhà tôi (cách khoảng 400 mét đường chim bay). Tôi nghe rõ mồn một: “Mời bà con vào mà thăm quan cung điện của Lý Quí Phát...”. Căn nhà ba tầng khá cũ kỹ của cha mẹ tôi nằm trong khu chợ Nguyễn Tri Phương được giới thiệu với người dân ở phường là một... cung điện! Dĩ nhiên không có ai trong phường đến thăm quan, vì cha mẹ tôi đã ở đó hàng chục năm, mọi người đều biết cha tôi không phải là một tư sản hay viên chức ác ôn, còn căn nhà của cha mẹ tôi so với rất nhiều căn nhà khác ở đất Sài Gòn này cũng không có gì đặc biệt. Những sự kiện căng thẳng dồn dập xảy đến khiến cha tôi bị lên huyết áp và đột quị tưởng đâu không qua khỏi. Ông bị liệt nửa thân mình, méo miệng, không nói được. Bác sĩ quen ở bệnh viện Triều Châu (sau đổi tên An Bình), anh Nguyễn Văn Mẫu, đã từng là thị trưởng tự phong ở Đà Nẵng trong thời kỳ Phật giáo miền Trung nổi lên chống chính phủ Thiệu - Kỳ, đã giúp cha nói lại được nhưng phải di chuyển bằng xe lăn. Một trong những câu nói đầu tiên sau thời gian ông bị bặt tiếng nói là nói với tôi – khi tôi đứng bên giường chăm sóc ông. Giọng ông giận dữ: “Tao không muốn gặp mày nữa. Gia đình mày đã ra thế này, cha mày đã ra thế này, mà mày còn viết báo cho cộng sản. Cha mày từ mày”. Chưa bao giờ cha tôi đối với tôi giận dữ và dùng những lời lẽ như thế. Những chuyện xảy ra cho gia đình tôi đã biến cha tôi từ một người hồ hởi đón chào Cách mạng, nô nức chờ bạn bè đi kháng chiến trở về, biến thành một người ác cảm với cộng sản và từ luôn con trai của mình. Tôi đứng lặng thinh vì biết rằng mọi lời giải thích lúc này đều vô ích. Tại tòa báo vào thời điểm đó tôi tuyên truyền cho các cuộc cải tạo tư sản mại bản, công thương nghiệp tư sản tư doanh v.v... thế mà ở nhà cha mẹ tôi lại là nạn nhận của sự lệch lạc trong vận dụng các chủ trương này. Tôi rất đau buồn, không dám nói gì với cha, tôi cố gắng giải thích với mẹ và các em tôi chuyện xảy ra với gia đình mình (và một số khá đông hộ trong phường) là những sai phạm của chính quyền địa phương trước sau gì cũng sẽ có sự điều chỉnh. Mẹ tôi chẳng nói gì, bà quá sợ hãi. Còn các em tôi thì không tin người anh trai của mình nữa. Chỉ làm thinh để âm thầm chuẩn bị vượt biên. Tình cờ tôi biết được chuyện này. Tôi vô cùng đau khổ. Trong đầu tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có ngày anh em tôi lại ly tán. Sau khi tình cờ biết được dự định của các em tôi, tôi đã nhờ một người trong báo Tin Sáng có quan hệ với công an cấp cao tìm cách... doạ em rể của tôi, chồng đứa em gái kế, là người tổ chức cuộc vượt biên để nó từ bỏ ý định. Nhưng lời đe dọa của viên sĩ quan công an phụ trách bảo vệ trong cơ quan tại nơi em rể tôi đang làm việc chẳng có hiệu lực gì. Các em tôi tách ra ở một địa chỉ khác để tránh bị theo dõi rồi một ngày kéo nhau ra đi hơn phân nửa. Tôi có tất cả sáu em gái (lúc đó có ba đã lấy chồng) và một em út là trai. Như vậy cùng một lúc tôi “mất” bảy đứa em! Vào lúc này, người vượt biên coi như không có hy vọng gặp lại người ở lại. Người thường xuyên đến nhà tôi động viên vào lúc này là anh Huỳnh Bá Thành. Ngay sau tháng 4-1975, Thành có đến thăm tôi và yêu cầu tôi viết một bài cho báo Sài Gòn Giải Phóng. Tôi có viết nhưng bài báo không được đăng. Lần này đến thăm tôi anh dặn dò tôi nói lại với ba mẹ tôi hãy yên tâm, không đến nỗi phải giao nhà và đi vùng kinh tế mới đâu – dù phường cứ mỗi ngày cứ đến ép thúc cha mẹ tôi giao nhà. Một hôm em gái tôi vẫn còn đi dạy qua nhà tôi báo cho tôi biết anh bí thư thanh niên phường đã đề nghị... bí mật với mẹ tôi tháo giấy niêm phong tủ sắt để lấy tư trang của mẹ tôi ra và đánh tráo đồ giả vào. Số vàng và hột xoàn lấy ra sẽ chia đôi. Anh ta hứa sẽ cho gián lại giấy niêm phong khác! Em tôi nói “Mẹ có vẻ xiêu lòng trước đề nghị này”. Tôi dứt khoát phản đối và cam đoan với mẹ và em gái rằng số tư trang ấy sẽ không bao giờ bị tịch thu. Có một niềm an ủi cho cha mẹ tôi lúc đó là những anh bộ đội trẻ đóng chốt tại nhà - cả bốn đều từ miền Bắc vào - tỏ ra rất thông cảm, lễ phép và đối xử với người trong nhà rất tình cảm, đến cha tôi đầy bất mãn với cộng sản cũng thương họ như con cháu. Thỉnh thoảng họ còn biếu mẹ tôi đường, hay một thứ “nhu yếu phẩm” gì đó vào lúc này rất quý. Sau đó tôi được em gái tôi báo tin “thằng bí thư đoàn phường, người đề nghị với má lấy tư trang trong tủ sắt ra để chia đôi, đã vượt biên rồi”. Tôi không ngạc nhiên chút nào. Rồi sau đó khoảng 8 tháng hay một năm gì đó, dân chúng ở phường được thông báo tòa án nhân dân quận 10 đưa ra xét xử một số cán bộ phường, có cả cấp cao nhất đã có những sai phạm và tiêu cực trong chính sách cải tạo tiến hành ở địa phương. Tôi được biết trong phường không chỉ nhà cha mẹ tôi mà còn nhiều gia đình khác nữa cũng đã trải qua bi kịch này. Khi công lý lên tiếng thì đã có quá nhiều mất mát vật chất và tinh thần đã xảy ra cho nhiều gia đình. Riêng gia đình tôi, sự mất mát vật chất thì chẳng đáng gì – dù rằng rốt cuộc trong nhà không còn một thứ gì giá trị - nhưng mất mát về tinh thần thì quá lớn: Cha tôi đột quỵ, sau một thời gian ngồi xe lăn đã nằm liệt một chỗ cả chục năm rồi mất; còn 7 trên 10 đứa em tôi thì vượt biên. Cũng may mắn là tất cả đều bình yên. Cuộc sống của tôi sau 30-4-1975 đúng ra không qua gay go nếu không xảy ra chuyện gia đình tôi bị rơi vào diện cải tạo một cách vô lý. Những khó khăn về đời sống vật chất dù có lúc khá bi đát vẫn được tôi, vợ tôi và các con tôi chấp nhận trong bối cảnh chung hầu như mọi người đều khổ cực. Có lúc rất khó khăn chạy cái ăn từng ngày, trong nhà tôi có thứ gì bán được thì lần lượt bán hết, nhưng ngày ngày đi làm báo từ Tin Sáng (1975-1980) sang Tuổi Trẻ (1980-1990), tôi vẫn không một ngày nào thiếu hăng hái hay mất niềm tin. Đồng lương chỉ đủ ăn sáng (mãi cho đến khi làm báo Lao Động tôi mới sống được thật sự bằng thu nhập nghề của mình) nhưng cống hiến thì vẫn hết mình. Nhớ lại giai đoạn ấy bản thân tôi cũng phải tự hỏi điều gì khiến mình giữ được niềm tin và sự kiên trì chờ đợi một ngày mai tươi sáng hơn cho đất nước và cho con cái mình. Có lẽ do tôi không thể quên rằng chính mình đã tự nguyện chọn lựa con đường hôm nay. Vợ con tôi chịu đựng cũng rất giỏi. Đứa con trai thứ nhì – Lý Quí Dũng – làm công nhân trong nhà in báo Tuổi Trẻ (nơi tôi đang công tác) ở khâu cực khổ nhất: mài bản kẽm in. Còn đứa thứ ba – Lý Quí Trung - tạm ngưng học đại học kinh tế đi làm phục vụ (tức bồi bàn) tại khách sạn Đệ Nhất – Tân Bình. Chúng chẳng kêu ca gì! ...Có một hôm đi làm về tôi thấy có bóng ai leo bên ngoài cửa sổ phòng ngủ lầu một, tôi định hô lên có ăn trộm thì vợ tôi kịp cản lại. Nàng bảo nhỏ: “Không phải ăn trộm đâu, em bán cửa kính cho người ta!”. Tôi định phản ứng. Sao lại tận cùng thế này! Nhưng kịp nhớ lại: những gì có giá trị, có thể bán được thì đã bán hết rồi! Lúc đó không bán kính cửa sổ thì đào đâu ra tiền để chi dụng trong nhà. Nhà tôi ba tầng có đến hàng chục cái cửa sổ, cho nên cũng thu về một số tiền kha khá, có thể đối phó thêm một thời gian nữa. Ngay tức thời chiều hôm đó, cả gia đình tôi có một buổi cháo gà xé phay bù đắp những ngày ăn uống kham khổ. Nhưng bán mãi rồi cũng không còn gì để bán nữa. Đầu tiên vợ tôi nghĩ ra việc làm cơm tấm bì bày bán ở đầu đường hẻm nhà ở đường Nguyễn Tri Phương. Việc buôn bán ngoài lề đường này giúp gia đình tôi tồn tại được một thời gian ngắn. Bạn bè nhà báo đến ăn rất đông, có cả anh Nguyễn Sơn lúc đó là phó ban Tuyên huấn thành ủy cũng đến ủng hộ. Nhưng vì địa điểm chỗ bán có lấn một phần phía trước nhà trẻ của phường nên ở phường chỉ thị phải dời vào trong hẻm. Vào trong hẻm bán ế nên phải dẹp luôn! Thế là chúng tôi chỉ còn một giải pháp cuối cùng là... bán nhà. Nhà lúc đó giá rẻ mạt. Căn nhà đó bây giờ có thể bán với giá 600-700 cây vàng nhưng lúc ấy bán không hơn hai chục cây. Khi dọn nhà ra căn hộ thuê ở đường Lê Lợi, nằm phía sau bệnh viện Sài Gòn, vợ chồng tôi chỉ mang theo một số bàn ghế và... một cây đàn Piano. Đây là chiếc Piano thứ hai. Chiếc đầu tiên chúng tôi đã bán trong những ngày đầu giải phóng, chiếc này của đứa em gái kế tặng lại khi gia đình em tôi có ý định vượt biên. Vợ tôi cố gắng giữ nó vì đó là niềm vui duy nhất còn lại cho các con tôi. Các con tôi trước năm 1975 đều học đàn. Cô giáo Thủy Hoằng (hiện còn dạy ở nhạc viện TP. HCM), lúc đó dạy ở Trường quốc gia âm nhạc, là người hướng dẫn các con tôi. Nhưng rồi cái niềm vui sau cùng đó của các con tôi cũng không thể giữ nổi. Để lo cuộc sống hàng ngày, chúng tôi đành phải bán nó đi. Tôi nhớ như in trong đầu mình cái ngày bán chiếc Piano cuối cùng đó. Căn hộ của chúng tôi ở lầu 3, cầu thang khá hẹp, muốn đưa chiếc đàn xuống đất là chuyện không dễ chút nào. Có hai thứ khi xê dịch cần sự thận trọng và lành nghề rất cao ở những người khiêng, đó là chiếc quan tài và... chiếc Piano. Chỉ một cọ quẹt nhẹ cũng làm hư hại và làm mất giá chiếc Piano. Khiêng quan tài và khuân Piano không cho phép bất kỳ một sơ sót nào. Chiếc Piano được mấy anh công nhân giàu kinh nghiệm khiêng từ lầu 3 xuống một cách hết sức thận trọng, giữa cái cảnh nhà buồn bã, có cả nước mắt của đứa con trai kế rất gắn bó với chiếc Piano này - khiến tôi không thể không liên tưởng đến một đám tang. Chao ơi! Người ta đang khiêng một cái quan tài chứ đâu phải cái Piano! ...Ba mươi năm trong chế độ mới, tôi “đứng” được qua các giai đoạn cực kỳ gay go của đất nước và của cả bản thân mình vì tôi tin ở con đường mình đã chọn lựa. Không phải là một đảng viên cộng sản nhưng tôi tin vào những lý tưởng xã hội tốt đẹp cho bất cứ xã hội nào muốn tiến lên công bằng và nhân bản hơn. Tôi vẫn giữ niềm tin đó ngay cả sau khi chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu bị sụp đổ. Những sai trật và lệch lạc ở những nơi không thể vùi lấp những giá trị vĩnh cửu của chủ nghĩa xã hội nhân bản. Nhưng trong 30 năm đó, tôi vẫn cảm nhận mình là “một người khách đặc biệt”. Chưa bao giờ là một thành viên trọn vẹn của chế độ mới. Tôi cũng không hề phiền hà về cái quy chế không chính thức này. Là một người từng làm chính trị (dù là do thời cuộc mà làm), tôi vẫn hiểu được rằng thật khó cho người cộng sản tin dùng trọn vẹn một người không phải “của mình”, nhất là tôi đã có một quá khứ chính trị thuộc về chế độ cũ với những hoạt động không dễ dàng làm rõ hoàn toàn: ba lần làm đại biểu quốc hội và ở tuổi 35 làm bộ trưởng Bộ thông tin chế độ Sài Gòn. Ngay trong xã hội tư bản cũng thế thôi, đảng cầm quyền chỉ tin dùng người của đảng mình, ngoại trừ trường hợp họ phải liên kết với đảng khác. Trong các cuộc đấu tranh hay mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan mà tôi từng công tác, cái chuẩn “người của Đảng” đáng tin cậy hơn “người ngoài Đảng” vẫn thường được vận dụng. Tôi là “một người khách đặc biệt” nhưng không bao giờ tôi quên mình là người ngoài Đảng. Nhưng dù có ai nhìn tôi trong ngoài thế nào thì tôi vẫn viết báo, làm báo với tư cách một người có lý tưởng xã hội chủ nghĩa và không bao giờ đi ngược lại nguyên tắc này. Đây là sự chọn lựa trước hết cho bản thân tôi, lý tưởng của tôi. Ngay cả với những bạn bè thân thiết, tôi luôn thẳng thắn khẳng định điều này. Điều đáng trách nhất ở người trí thức là có cuộc sống hai mặt. Nếu tôi không chia sẻ lý tưởng xã hội, tôi không bao giờ tiếp tục viết báo và làm báo sau 4-1975. Tôi hoàn toàn có khả năng chọn một nghề khác để không phản bội lại chính mình nếu tôi không tán đồng chủ nghĩa xã hội. Viết báo, làm báo là một nghề rất khác nhiều nghề. Hơn cả một phương tiện kiếm sống, nó là lý tưởng chính trị của người cầm bút, là công cụ đấu tranh của mình cho xã hội. Không thể có sự trùng lập trong báo chí. ...Lẽ ra sau 30-4-1975, tôi cũng đi cải tạo tập trung theo diện viên chức cao cấp ngụy quyền. Khi có thông báo trên đài và trên báo, tôi đã chuẩn bị đi trình diện. Tôi nghĩ: đi học tập 10 ngày để biết rõ hơn chế độ mà mình sẽ sống cũng chẳng sao, còn cần thiết là khác. Tôi chuẩn bị một ít quần áo, một lon Guigoz đựng thịt chà bông, một bịch đường, hai cái khăn, bàn chải và kem đánh răng v.v... để sáng hôm sau đến địa điểm ở trường Gia Long (nay là trường Nguyễn Thị Minh Khai) trình diện. Lòng tôi chẳng chút băn khoăn. Nhưng chiều 12-6-1975 tôi nhận được một phong thư giao tận nhà, gửi cho: “Nguyên tổng trưởng Thông tin, nguyên dân biểu đối lập ngụy quyền Lý Quí Chung”, thông báo tôi được hoãn học tập tập trung, người ký tên giấy tạm hoãn này là ông Cao Đăng Chiếm, Phó chủ tịch Ủy ban Quân quản Sài Gòn. Lúc đó tôi chưa biết mình là người may mắn. Thời gian sau tôi mới ý thức việc tạm hoãn này là một chính sách rất đặc biệt, chỉ áp dụng cho một số rất ít trí thức và nhân sĩ hoạt động ở Sài Gòn trước năm 1975. Quả tình lúc đó tôi chỉ nghĩ chế độ mới trực tiếp cứu xét từng trường hợp, căn cứ vào đường hướng hoạt động của mỗi cá nhân trong thời gian chống Mỹ và chế độ Thiệu. Đến bây giờ tôi vẫn chưa biết rõ chuyện ấy thế nào, có tất cả bao nhiêu người được miễn. Những người được miễn đi học tập tập trung như các anh cựu dân biểu đối lập Hồ Ngọc Nhuận, Dương Văn Ba, Đinh Văn Đệ, Phan Xuân Huy, Đinh Xuân Dũng, Nguyễn Phúc Liên Bảo v.v..., có cả ông Trần Bá Thành, cựu tổng giám đốc cảnh sát Sài Gòn thời Ngô Đình Diệm, tất cả những người này được tổ chức học tập riêng tại một địa điểm ở đường Phùng Khắc Khoan, đối diện với cổng sau của trụ sở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố hiện nay. Tôi không biết rõ về trường hợp ông Trần Bá Thành. Có anh em nói rằng ông Thành đã được MTDTGPMN liên lạc trước ngày giải phóng. Không biết thực hư thế nào. Người hướng dẫn chính các buổi học tập - dưới hình thức như các buổi hội thảo - là ông Tạ Bà Tòng, một ủy viên trong Ủy ban Mặt trận Giải phóng Thành phố. Ở buổi kết thúc lớp học, có ông Mai Chí Thọ, tức Năm Xuân, Phó chủ tịch Ủy ban quân quản, đến nói chuyện. Theo tôi biết, các ông Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Huyền, Vũ Văn Mẫu, Trần Văn Hương... cũng tham dự một đợt học tập riêng và được các vị lãnh đạo ở Thành phố đến trao đổi. Ông Minh không kể gì nhiều về các buổi này nhưng có nói người tỏ ra tích cực nhất trong đợt học tập này là ông Trần Văn Hương. Sau thời gian học tập kéo dài khoảng một tuần (từ 15-8 đến 22-8-1975), mỗi người nạp một bản thu hoạch và được Ủy ban Quân quản cấp giấy trả quyền công dân. Anh Hồ Ngọc Nhuận có kể: “Được biết trong số những người được trả quyền công dân có người không bao lâu sau đã nhận được huân chương kháng chiến chống Mỹ lẫn chống Pháp hạng nhất”. Ý anh Nhuận: trong số những người cùng học tập có những người đã là người hoạt động cho Mặt trận từ trước. Nhưng chính anh Nhuận lại tiết lộ: “...tôi được yêu cầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Lâm thời thành phố, dưới bóng Ủy ban Quân quản, phải năn nỉ lắm tôi mới thoát được cương vị chính quyền”. Anh còn cho biết cùng thời điểm đó, cùng anh Ngô Công Đức, anh được yêu cầu chuẩn bị cho ra lại tờ Tin Sáng bộ mới. Phần tôi mù tịt về những ngày sắp tới với mình sẽ ra sao. Chuẩn bị ra báo Tin Sáng, anh Ngô Công Đức với cương vị chủ nhiệm đã đến mời tôi, anh Dương Văn Ba, anh Nguyễn Hữu An, anh Nguyễn Văn Binh... cùng thảo kế hoạch tổ chức tờ báo. Đầu tháng 9-1975, tức chỉ sau 4 tháng ngày giải phóng, nhật báo Tin Sáng tái bản. Sự hiện diện trở lại của một tờ báo quen thuộc với người Sài Gòn trước 1975 rõ ràng đã có ảnh hưởng tích cực trong bối cảnh mới có nhiều điều rất mới mẻ và xa lạ với người dân Sài Gòn nay được mang tên mới Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi được mời đảm trách vai trò phó tổng biên tập cùng với anh Dương Văn Ba. Anh Đức làm chủ nhiệm, anh Hồ Ngọc Nhuận làm tổng biên tập. Tôi phụ trách luôn nhiệm vụ tổng thư ký tòa soạn lúc ban đầu (sau công việc tòa soạn được chia với anh Dương Văn Ba). Rất tiếc sự chung sức của anh em tại báo Tin Sáng, gắn bó với nhau từ thời cũ lại không suôn sẻ đến cùng. Sau năm năm tồn tại như một hiện tượng độc đáo, Tin Sáng được tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ”. Với các anh em trong Tin Sáng cũng có nhiều quan điểm, thái độ khác nhau đối với hướng đi và cách quản lý tờ báo, nhưng có một điều cho đến bây giờ vẫn phải nhìn nhận: Tin Sáng đã có những đóng góp không nhỏ vào cách thông tin nói riêng và cách làm báo nói chung của báo chí ở Việt Nam sau 1975. Thật ra cái mới của Tin Sáng chỉ là những vận dụng nghiệp vụ của báo chí Sài Gòn trước 1975 nhưng có chọn lọc phù hợp với khuôn khổ báo chí lúc đó. Ngoài những tin tức chính thức, tờ báo còn quan tâm đến đời sống bình thường và dành một diện tích rộng cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật, tin tức thế giới và giải trí. Ngoài công tác tòa soạn, tôi phụ trách mảng văn hóa – xã hội (anh Dương Văn Ba phụ trách mảng kinh tế - chính trị, anh Nguyễn Hữu An mảng quốc tế), nhờ vậy tôi có cơ hội trở lại với lĩnh vực viết báo khi mới vào nghề của tôi: viết thể thao, nhất là bình luận bóng đá. Xưa kia tôi lấy bút danh Phát Chung (ghép tên cha tôi và tên tôi), còn bây giờ là Chánh Trinh (ghép tên con gái tôi Lý Quỳnh Kim Trinh và con trai Lý Quí Chánh). Lối bình luận đi sâu vào trận đấu, có những nhận xét về lối chơi cá nhân, đưa ra cả những cảm nhận của riêng mình, khen chê rạch ròi “ông vua sân cỏ” - với báo chí hiện nay là bình thường – nhưng ở thời gian đầu sau tháng 4-1975 là mới lạ và có sức thu hút lớn đối với người đọc. Tôi còn nhớ cha của hai cầu thủ lừng danh là Thế Anh và Cao Cường có nhận xét rằng trước đây ông chưa bao giờ được đọc trên báo những lời bình luận cụ thể về lối chơi của hai con ông, nhất là những lời ca ngợi đích danh như được đọc trên Tin Sáng. Trước kia các trận đấu chỉ được đưa tin gắn gọn, nhấn mạnh tinh thần thể thao xã hội chủ nghĩa và đoàn kết hữu nghị (nếu là trận quốc tế), ít khi đi vào các tình tiết của trận đâu; còn sự khen tặng, ngợi ca tài năng của các cầu thủ coi như rơi vào khuynh hướng chủ nghĩa cá nhân. Trong cuộc đời làm báo của tôi sau 1975, lần lượt tôi cộng tác (với tư cách tổng thư ký hoặc thư ký tòa soạn) cho tất cả 8 tờ báo (Tin Sáng, Lao Động, Thanh Niên Thời Đại, VDT (phụ san báo Bà Rịa Vũng Tàu), Tia Sáng, Kiến Thức Gia Đình (phụ san báo Nông Nghiệp Việt Nam), Đẹp, không kể có bài trên các báo khác như Pháp Luật TP.HCM, Công An TP.HCM, Sài Gòn doanh nhân cuối tuần, Phụ Nữ TP.HCM, Người Lao Động, Thanh Niên, Thể Thao Ngày Nay..., nhưng cuối cùng cái đọng lại, làm cho tôi gần gũi với độc giả của mình, được họ yêu thương nhất lại chính là bút hiệu Chánh Trinh viết về bóng đá! Tôi rất biết ơn độc giả và rất hãnh diện về những gì mình gây dựng được chung quanh bút danh này. Nói về bút hiệu Chánh Trinh, mà tôi ưng ý nhất là trong những năm 1980-1990 - ở cả hai mặt bình luận các trận đấu và chống tiêu cực trong thể thao – công bằng mà nói bút hiệu đó sẽ không “đứng” được nếu không có sự góp sức và ủng hộ tích cực của tập thể lãnh đạo tờ báo Tuổi Trẻ từ anh Võ Như Lanh (tổng biên tập), chị Kim Hạnh (phó tổng biên tập) đến các anh Trương Anh Dũng (Tám Đăng), Huỳnh Sơn Phước (đều là phó tổng biên tập). Bởi để đối phó với các áp lực từ nhiều phía vào thời kỳ còn bao cấp trong thể thao, tay nghề và sự quyết tâm của riêng người cầm viết thôi không đủ sức “đứng” một mình. Sự dũng cảm của ban biên tập giúp cho sự dũng cảm của người cầm viết có điều kiện thể hiện trên mặt báo. Không riêng cá nhân tôi mà cả tổ phóng viên thể thao lúc đó (gồm có Tường Vy, Hoài Lê, Đặng Hoàng, Sỹ Huyên) đều nhận được sự hỗ trợ hết lòng của ban biên tập báo. Đó là một ê kíp phụ trách trang thể thao cho một tờ báo mạnh nhất và đồng đều nhất mà tôi có dịp cùng cộng tác với bút hiệu Chánh Trinh. Mỗi cây viết có một phong cách riêng, một sở trường riêng hợp thành một đội hình rất đẹp. Vì anh Tường Vy không còn ở lại với anh em, anh đã ra đi vĩnh viễn (cuối tháng 4-2004) nên tôi xin nói thêm về anh. Năm 1980 khi tôi từ báo Tin Sáng được điều sang báo Tuổi Trẻ ở đường Phạm Ngọc Thạch (nay là tòa soạn báo Khăn Quàng Đỏ), có tin anh cũng sắp chuyển từ báo Tiền Phong về Tuổi Trẻ. Đúng ra anh về đây trước tôi. Tổng biên tập Võ Như Lanh đã xin anh Tường Vy từ khi tờ Tin Sáng bộ mới chưa ngưng xuất bản, nhưng thủ tục chuyển hơi chậm. Dự định ban đầu của Tuổi Trẻ là giao cho Tường Vy phụ trách tổ thể thao. Nhưng tôi về trước và do đã phụ trách thể thao ở báo Tin Sáng nên được ban biên tập Tuổi Trẻ giao tiếp trách nhiệm này. Lúc đầu anh Tường Vy không hoàn toàn đồng ý sự phân công này và mặt khác cũng không tin lắm cái anh tri thức tiểu tư sản Sài Gòn có đủ chuyên môn để phụ trách tổ thể thao! Trong 5 năm (1980-1985) làm việc chung với anh Tường Vy ở báo Tuổi Trẻ không thể tránh thỉnh thoảng có vài mâu thuẫn xảy ra, nhưng cuối cùng chúng tôi đã dành cho nhau sự kính trọng nghề nghiệp giữ mãi đến cuối đời. Chúng tôi được đào tạo khác nhau, cách sống và cả cách ăn mặc cũng khác nhau. Trong viết lách phong cách càng khác, nhưng trên cùng một trang báo thể thao có anh và có tôi thì nhịp nhàng làm sao! Phong cách viết của anh Tường Vy độc đáo: anh có lối viết thật ngắn, không thể nào ngắn hơn được nữa. Và thật sắc nhọn. Tôi không đủ chữ nghĩa như anh. Có vị lãnh đạo trong ngành thể dục thể thao không chịu nổi sự “sắc nhọn” của ngòi viết anh đã phản ứng lại bằng cách ra lệnh cho các trưởng phòng trong ngành dưới quyền mình “thấy thằng Tường Vy đến đâu thì tống nó ra như con chó...”! Đoàn kết với Tường Vy, tôi đã công khai phản đối thái độ quan liêu và thiếu văn hoá này. Trong buổi công bố kết quả cuộc bầu Quả Bóng Vàng năm 2002 của báo Sài Gòn Giải Phóng, lúc đó tôi vừa phục hồi sức khỏe tàm tạm, Tường Vy có đến bàn tôi ngồi và nói “Tôi cũng bị bệnh nặng phải hóa trị, tóc rụng hết. Bây giờ mới bắt đầu mọc lại. Ông à tụi mình vẫn chiến đấu, đâu có chịu đầu hàng dễ dàng!”. Nhưng rồi chỉ một năm sau... Thôi bạn đi trước nhé. Rồi tụi mình cũng sẽ gặp nhau tha hồ mà bàn chuyện bóng đá. ...Sau khi Tin Sáng “hoàn thành nhiệm vụ”, như đã nói, tôi tiếp tục làm báo. Lúc đầu có dự định chuyển về báo Sài Gòn Giải Phóng nhưng nghe nói do có ý kiến của ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành Ủy, tôi được đưa sang báo Tuổi Trẻ (1980) để phụ một tay với tờ báo của Đoàn Thanh Niên. Tuy nhiên dù đã về Tuổi Trẻ tôi vẫn tiếp tục phụ trách trang thể thao của Sài Gòn Giải Phóng thêm một thời gian khá dài. Tổng biên tập báo SGGP lúc đó – anh Tô Hòa là người say mê bóng đá. Anh muốn tôi cộng tác cho hai nơi – Sài Gòn Giải Phóng và Tuổi Trẻ. Nhưng sau một thời gian, tự tôi thấy việc mình viết cho cả hai bên, gần như độc quyền về bình luận trong lĩnh vực thể thao là không ổn. Lúc đó TP. HCM chỉ mới có hai tờ báo có bình luận bóng đá thôi mà tôi lại “trấn thủ” cả hai bên. Tôi xin phép anh Tô Hòa cho rút lui khỏi Sài Gòn Giải Phóng mặc dù nhuận bút SGGP trả cho tôi hàng tháng và từng bài rất cao. Ở tất cả bảy tờ báo mà tôi được giao làm tòa soạn từ sau 1975, ở mỗi tờ tôi đều cố gắng có một đóng góp gì đó mới mẻ về hình thức, về nội dung và cố tìm ra một công thức sáng tạo cho tờ báo. Người làm báo, cũng như bất cứ một tri thức ở bất cứ lĩnh vực nào, luôn phải biết tự đòi hỏi mình tiến tới phía trước, sáng tạo cái mới, cái chuyển động cho xã hội. Người trí thức sẽ đánh mất vai trò của mình nếu đứng yên trên những thành tựu đã qua của mình. Tôi rất sợ lặp lại chính mình: sống một cuộc sống mà chính mình đã thuộc lòng từng ngày, từng buổi, từng việc của mình như một cái máy – dù là một cái may hoàn chỉnh! Tồn tại chỉ để tồn tại thì không nên tồn tại. Cho nên tôi sẵn sàng chia tay một tờ báo nếu tự nhận thấy ở đó không còn điều kiện làm việc để sáng tạo hoặc chính những người có trách nhiệm ở đó không tìm tòi sự đổi mới của tờ báo mà chỉ thỏa mãn với những gì đã có. Điều tệ hại của một nhà báo là khi bắt đầu trở thành một công chức báo chí. Và tôi cũng không thể chịu được sự bất công, thiếu dân chủ ở nơi mình làm việc dù riêng cá nhân mình được ưu đãi. Có lẽ tôi là nhà báo duy nhất kể từ năm 1975 đã chủ động thay đổi công việc qua nhiều tờ báo nhất. Từ sự đấu tranh nội bộ ở nhật báo Tin Sáng đến sự ra đi tự nguyện khỏi báo Tuổi Trẻ sau 10 năm công tác chỉ vì ở đó có một số người cho rằng tôi đã là ‘‘quả chanh đã hết nước rồi’‘. Rồi lại cũng vấn đề nội bộ tại báo Lao Động và lại ra đi dù nơi đây từng có những điều kiện làm việc sáng tạo hơn cả. Anh Trương Anh Dũng, tức Tám Đăng, là một nhà báo có tay nghề cao đồng thời là một nhà tổ chức và quản lý báo giỏi, nhưng khi tôi thấy sự lãnh đạo ở đây trở thành độc đoán, sự đối xử thiếu tôn trọng (mặc dù sự thiếu tôn trọng này đối với các anh em khác chứ chưa đối với tôi) và cả sự thiếu minh bạch trong hoạt động kinh tế thì không còn những điều kiện tốt nữa để tiếp tục cộng tác với nhau. Rút lui khỏi các báo Tia Sáng, Kiến Thức Gia Đình (thuộc báo Nông Nghiệp Việt Nam) là do bản thân tôi thấy các điều kiện làm việc không còn hứng thú sáng tạo. Có thể việc từ chức, rút lui ấy không phải tất cả đều là quyết định khôn ngoan, nhưng chắc chắn một điều là tất cả các quyết định ấy đều thật lòng, không bị thúc đẩy bởi tham vọng hay ý đồ cá nhân. Và với tất cả những tờ báo mà tôi đã từng chia tay, kể cả những trường hợp sóng gió nhất, sau này khi có cơ hội để nối lại quan hệ hợp tác tôi đều không từ chối (ngoại trừ tờ Tin Sáng vì không tái bản). Không phải vì tôi không có thái độ nhất quán, kiên định lập trường, mà vì tôi coi các báo trong xã hội hiện nay là tài sản quốc gia, là công cụ của nhân dân chứ không thuộc về một cá nhân nào. Tôi viết cho tờ báo là cho độc giả - chính họ mới là những người chủ thật sự của tờ báo. Tôi quan niệm các cuộc đấu tranh nằm trong quy luật tiến hoá, nó khẳng định quan diểm, thái độ sống của mình từng lúc nhưng không nên ôm mãi trong lòng những chuyện đã qua làm nặng nề bước chân đi tới. Dĩ nhiên sau một cuộc va chạm mạnh, những mâu thuẫn bùng nổ, mình được hiểu những con người chung quanh mình nhiều hơn. ...Tuy nhiên không thể chối cãi trong 30 năm viết báo và làm báo trong chế độ xã hội chủ nghĩa, tôi vẫn phải gánh trên lưng mình cái lý lịch “Viên chức cao cấp chế độ cũ”. Có lúc tưởng nó được cất đi nhưng rồi một vụ việc gì đó xảy đến lại nhắc nhở tôi rằng “nó”...vẫn còn y nguyên đó. Lâu ngày như kẻ dị tật, mang sẵn “cái bướu” trên lưng mình, tôi quen dần với “nó” hoặc cố gắng phớt lờ “nó”. ...Trong các tổng biên tập mà tôi từng có cơ hội làm việc chung, tôi vẫn giữ ấn tượng với hai con người mà tôi rất quí trọng. Người đầu tiên là anh Tô Hòa, tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng những thập niên 70-80. Ở vào thời điểm mà “người cũ” “người mới” vẫn còn bị phân biệt khá nặng nề, anh cư xử với tôi rất tự nhiên, chân tình và thẳng thắn. Dù tôi không tiếp xúc nhiều với anh, nhưng anh vẫn để lại trong ký ức tôi hình ảnh một con người chân tình. Lúc tôi về hẳn Tuổi Trẻ không còn làm ở báo SGGP nữa, nhưng mỗi khi có các trận bóng đá A1 tổ chức ở các tỉnh lân cận như Long An, Biên Hòa, anh Tô Hòa vẫn thường mời tôi sang báo SGGP để cùng đi xem với anh. Những dịp như thế, trò chuyện với anh thật thú vị và hữu ích. Anh không bao giờ giữ kẽ hoặc khoảng cách. Anh không ngần ngại đề cập mọi vấn đề với tôi, dù vấn đề thuộc loại gai góc. Thường các quan điểm của anh không cứng nhắc hay bảo thủ, trái lại rất thực tế và mới mẻ... Với anh Tống Văn Công, tổng biên tập báo Lao Động (cho đến năm 1995) tôi có nhiều cơ hội gần gũi hơn; đã từng sống chung nhiều tháng với anh tại tòa soạn báo Lao Động ở Hàng Bồ (Hà Nội). Anh là một con người rất dễ gần gũi và đáng kính trọng. Anh đọc nhiều, hiểu biết nhiều, sẵn sàng tiếp thu, tìm hiểu những luồng tư tưởng mới dù cho cái mới đó đang bị một bộ phận xã hội chưa đồng tình. Trong cái nhìn của tôi, anh là một người cộng sản không bảo thủ, trung kiên với lý tưởng của mình nhưng luôn hướng tới những suy nghĩ mới, chấp nhận những tranh luận mới. Khi làm việc và nói chuyện với anh, tôi quên mất... “cái bướu” trên lưng mình. Anh còn là một nhà báo viết tốt, biên tập giỏi, tin cậy và đánh giá đúng khả năng các cộng sự viên của mình. Thật ra tôi biết anh từ lúc anh còn làm tổng biên tập tờ Công nhân Giải Phóng (tiền thân của tờ Người Lao Động), còn tôi đang làm ở báo Tin Sáng. Chúng tôi cùng sinh hoạt trong Hội nhà báo TP.HCM. Còn cuộc tiếp xúc đầu tiên của anh mời tôi về cộng tác với báo Lao Động là năm 1990 tại Hà Nội khi tôi đi dự Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Lúc này tôi đang công tác ở báo Tuổi Trẻ. Anh Nguyễn Hữu Tính, trưởng văn phòng báo Lao Động phía Nam, là người “móc nối” cho sự hợp tác này. Trong cuộc đời làm báo của tôi, năm năm làm việc với báo Lao Động là thời gian phát huy nghề nghiệp hào hứng và sáng tạo nhất. Những năm tháng đẹp nhất và đáng nhớ nhất. Nhưng cũng như trong bóng đá, không có một “dream team” nào tồn tại mãi mãi. Chuyện lên rồi xuống và hợp rồi tan của bất cứ một tập thể nào trong bất cứ lãnh vực nào cũng là quy luật! Tôi cho rằng, trong cương vị tổng biên tập, anh Tống Văn Công thiếu sự quyết đoán và không kịp thời chận đứng những lệch lạc trong nội bộ, khiến cho con đường phát triển độc đáo của tờ báo - một tờ báo mang tính đột phá về nghề nghiệp ở thời điểm đó - bị khựng lại giữa lúc đầy phấn khởi. Anh được cho về hưu vào cái lúc anh thành đạt nhất trong sự nghiệp báo chí của mình. Tôi thương và quý trọng anh. Tôi nhớ mãi những buổi sáng anh thức dậy sớm ở Hà Nội (tại tòa soạn ở Hàng Bồ) loay hoay nấu cơm nếp cho buổi điểm tâm của hai chúng tôi. Nhưng mười buổi thì hết năm sáu buổi nếp chín không đều. Rốt cục tôi thuyết phục anh ra ngoài ăn phở, ăn xôi nếp ruốc rất ngon, có gì phải... “phiêu lưu” như thế. Từ khi có tôi cùng ở chung, anh mới tập cho mình thói quen đi ăn uống ngoài phố. Trong làng báo còn có một người mà tôi có khá nhiều kỷ niệm rất đáng nhớ: Đó là anh Đỗ Phượng, tổng giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN). Tôi quen anh từ thời kỳ anh phụ trách Báo Ảnh Việt Nam của TTXVN. Khi sắp sửa kỷ niệm 5 năm ngày giải phóng đất nước (30-4-1980), anh tiếp xúc với tôi và yêu cầu tôi viết một bài báo cho Báo Ảnh Việt Nam. Anh nói: “Anh cứ viết theo ý anh, anh viết thế nào, báo sẽ đăng như thế”. Bài báo tôi viết cho Báo Ảnh số đặc biệt 30-4-1980 có cái tựa “Năm năm sống và làm việc với người cộng sản”. Đúng như lời hứa của anh Đỗ Phượng, bài báo được đăng nguyên văn, không có một từ ngữ nào bị thay đổi. Đến ngày kỷ niệm 10 năm giải phóng, qua nhà báo Hoàng Chu, anh Đỗ Phượng lại đặt tôi viết bài cho Báo Ảnh nhân sự kiện này. Thế là lần thứ hai tôi viết bài kỷ niệm 30-4 cho Báo Ảnh. Khi Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí Châu Á – Thái Bình Dương tại TP. HCM năm 1989 (địa điểm họp là khách sạn Rex), tôi được mời tham gia trong đoàn đại biểu Việt Nam. Trưởng đoàn là ông Đào Tùng, tổng giám đốc Thông Tấn Xã Việt Nam. Tôi nhớ có ba nhà báo ở TP.HCM có mặt trong đoàn đại biểu: anh Võ Như Lanh (phó tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng), linh mục Trương Bá Cần (báo Công giáo và Dân tộc) và tôi (lúc đó đang công tác tại báo Tuổi Trẻ). Ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã đến dự Hội nghị và có một cuộc đối thoại sôi nổi và thành công với các nhà báo quốc tế dự Hội nghị. Khi còn một ngày nữa bế mạc, tan phiên họp buổi sáng, anh Đỗ Phượng lúc này là phó tổng giám đốc TTXVN và thành viên trong ban tổ chức, gặp riêng tôi và đưa ra yêu cầu: vào đầu giờ chiều tôi sẽ có bài phát biểu trước hội nghị với tư cách thành viên của đoàn Việt Nam. Tôi chỉ có hơn hai tiếng đồng hồ để chuẩn bị bài phát biểu của mình. Tôi hỏi anh: “Tôi sẽ phát biểu về vấn đề gì?”. Anh trả lời: “Anh đã theo dõi các phiên họp và nghe các phát biểu của các đại biểu. Anh cứ chọn đề tài nào phù hợp với mình...”. Tôi lại hỏi: “Anh có cần xem qua bài phát biểu khi tôi soạn xong?”. Anh lắc đầu “Không. Anh cứ phát biểu theo ý anh”. Đầu giờ chiều tôi được ông Đào Tùng chủ tọa Hội nghị mời phát biểu. Ra làm tổng thư ký tòa soạn cho báo Lao Động tại Hà Nội, tôi có dịp sang trụ sở TTXVN để bàn về sự hợp tác giữa hai cơ quan. Lúc này anh Đỗ Phượng là tổng giám đốc, đã dành cho tôi sự tiếp đón ân cần và nồng hậu. Anh không hề để bụng sự phản đối trước đó rất quyết liệt của tôi – ngay trên mặt báo Tuổi Trẻ - khi anh là tác giả cho ra đời các ấn phẩm phụ của TTXVN như Tin Tức, Văn Hóa Thể Thao... vào thời kỳ mà các báo đều đói thông tin về World Cup nhưng TTXVN lại dành riêng các thông tin sớm nhất cho các ấn phẩm mới ra đời của mình (World Cup 1986). Tôi cũng còn nhớ trong một buổi họp lấy ý kiến của các đồng nghiệp ở TP.HCM đối với tờ Văn Hóa và Thể Thao của Thông Tấn Xã, do chính anh chủ trì (khi tờ báo xuất bản được mấy tháng), tôi có chê hình thức và cách trình bày kỹ thuật của tờ báo còn yếu, thậm chí phạm quy cách báo chí như cho leo bài tiếp theo ngược ra trang phía trước... Anh không phản ứng gì, lặng lẽ ghi vào sổ tay. Mười lăm năm sau, các ấn phẩm phụ mà anh đã nghĩ ra đều thành công, nhất là tờ Thể Thao và Văn Hóa. Thành công ở cả hai mặt: về chuyên môn và cả về uy tín một tờ báo luôn có quan điểm tiến bộ trên hầu hết các lĩnh vực mà tờ báo đề cập đến. Dù muộn màng nhưng tôi cũng xin rút lại sự phản đối ban đầu của mình cách đây... 15 năm. Với anh Đỗ Phượng, dù những lần tôi tiếp xúc với anh không nhiều nhưng tôi vẫn xem anh là một người bạn quí không chỉ trên phương diện báo chí. Trong bối cảnh của đất nước mới thống nhất, vượt được những rào cản vô hình để cố gắng xử sự với nhau có tình và mã thượng - quả thật không dễ. Hơn ai hết, tôi thấm thía điều đó. Tiếp tục nói về những người cộng sản đã làm tôi quên đi cái “bướu” trên lưng của mình, tôi phải trân trọng nhắc đến một con người, một nhân vật lớn của đất nước – ông Võ Văn Kiệt – mà thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp trong suốt 30 năm qua. Trong suốt thời gian dài ấy, mỗi lần gặp lại ông thì tình cảm, cách xử sự của ông cũng vẫn thế, không hề thay đổi. Tôi vẫn gọi thân mật ông là Anh Sáu như thời ông còn là Bí thư Thành Ủy TP.HCM dù cho sau này ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng, rồi khi hưu, trở về sống ở TP.HCM. Tôi biết ông Võ Văn Kiệt cũng xử sự như vậy, trước sau như một, với nhiều trí thức Sài Gòn và họ cũng giữ trong lòng mình một tình cảm và sự kính trọng hết sức đặc biệt dành cho ông. Tôi nhớ lần đầu ông đến thăm gia đình tôi (lúc đó ở trong một con hẻm đường Nguyễn Tri Phương quận 10) trước khi ông rời thành phố ra Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (năm 1982), và lần mới đây nhất ông đến nhà tôi ở đường Bà Hạt (quận 10) lúc tôi còn nằm trên giường bệnh (tháng 9-2002). Hai lần ông đến thăm tôi cách nhau khoảng 20 năm, nhưng vẫn là một con người, tôi vẫn tưởng như không có thời gian 20 năm xen giữa hai cuộc thăm viếng đó. Bao giờ cũng thế, kèm theo cái bắt tay mạnh mẽ vẫn là một nụ cười cởi mở và đôn hậu, lan tỏa đến người đối diện cả niềm tin và sự lạc quan. Tiếp xúc với ông Kiệt, tôi chưa bao giờ cảm nhận có một khoảng cách về địa lý – ngay cả lúc gặp ông đang làm Thủ tướng chính phủ tại Hà Nội – hay một khoảng cách giữa người xuất thân từ chế độ cũ với người cộng sản đang làm lãnh đạo. Sự chân thật, thẳng thắn không quan liêu, một tấm lòng vì dân vì nước, cùng sự lắng nghe xung quanh, dám có ý kiến dứt khoát khi cần ở ông cho tôi một hình ảnh mẫu về người cộng sản Việt Nam. Trong cuộc đời thứ hai của tôi, ông Võ Văn Kiệt là nhân vật có một ý nghĩa đặc biệt với bản thân tôi mà có lẽ chính ông cũng không ngờ. Suốt 30 năm sống trong chế độ mới, tôi không có một quan hệ riêng nào như thế với bất cứ một vị lãnh đạo cộng sản nào. Tôi không bao giờ dựa vào mối quan hệ với ông Kiệt để nhờ cậy bất cứ điều gì. Tôi tìm đến ông là tìm đến một người cộng sản để củng cố thêm trong tôi niềm tin về sự chọn lựa của mình, tìm đến một con người mà tôi có thể chia sẻ niềm tin, tình cảm và tâm tư một cách thẳng thắn từ chuyện đất nước cho đến chuyện... bóng đá. Tôi có hai lần gặp ông Kiệt vì công việc. Lần đầu trong khoảng thời gian 1979-1980 liên quan đến cuộc đấu tranh nội bộ ở báo Tin Sáng. Ông mời tôi ăn tối tại một biệt thự ở An Phú (TP.HCM), lúc đó ông là Bí thư Thành Ủy, ông muốn tìm hiểu thêm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng nội bộ tại tòa báo Tin Sáng. Lần thứ hai tôi gặp ông Võ Văn Kiệt tại Hà Nội khi ông làm Thủ tướng (1994): tôi có ý định rút lui khỏi báo Lao Động trở về TP.HCM vì có một đề xuất từ Vụ Báo Chí với tổng biên tập báo Lao Động là: không nên tiếp tục giao chức danh tổng thư ký tòa soạn cho tôi và nên tìm một chức danh khác cho tôi dù công việc vẫn như cũ. Tôi dứt khoát không chấp nhận làm một việc nhưng việc ấy lại mang một danh nghĩa khác. Tôi xin gặp ông Kiệt để chào ông trước khi rời Hà Nội. Cả hai lần ông đều cho tôi những lời khuyên rất quí và thực tế. Trong thời gian viết báo sau 1975, tôi đã dành rất nhiều bài viết về bóng đá với mong muốn làm thế nào được thấy cái xứ sở say mê bóng đá cuồng nhiệt như Việt Nam sớm thoát khỏi tình trạng lạc hậu kéo dài. Khi không còn làm thủ tướng nữa, ông Kiệt cũng nhiều lần đóng góp ý kiến với Ủy ban thể dục thể thao nhằm tìm kiếm con đường đi lên cho bóng đá Việt Nam. Một hai lần tôi được ông mời tới hỏi ý kiến và rất ngạc nhiên nhận thấy ông hiểu tường tận tình hình bóng đá, kể cả những con người đang cẩm trịch làng bóng, không kém bất cứ ai trong giới. Những ý kiến của ông góp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) từ thời nhiệm kỳ 3 theo tôi có giá trị như một cẩm nang để cho LĐBĐVN xây dựng nền móng bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, từ cách chọn những nơi có tiềm lực lớn để thành lập các CLB chuyên nghiệp có tầm cỡ cho đến định hướng xã hội hoá có khả năng thu hút rộng rãi chất xám và sức mạnh vật chất của xã hội. Rất tiếc các ý kiến của ông Kiệt đã bị bỏ qua. Trước Đại hội LĐBĐVN kỳ 4, ông Kiệt cũng có nêu một ý kiến với Ủy ban Thể dục thể thao (UBTDTT) nhằm đổi mới Liên đoàn. Theo tôi, nếu các ý kiến của ông Kiệt ở các lần ông đóng góp được LĐBĐVN và UBTDTT được quan tâm đúng mức thì bóng đá Việt Nam đã có cơ may chuyển biến và thực hiện được sự đột phá. ...Có một sự việc mà trước nay tôi chưa bao giờ nói ra: năm 1987 hay năm 1988, tôi không nhớ rõ, tôi có viết một thư riêng cho ông Kiệt lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, còn tôi đang công tác tại báo Tuổi Trẻ. Một bức thư tâm tình, trao gửi đến ông những trăn trở, hoài bão của một trí thức Sài Gòn đang cố gắng hòa nhập với chế độ mới bằng lý tưởng mà mình chọn lựa chứ không phải bằng “cơ chế” hay bằng “chính sách ưu đãi trí thức”. Chính sách ưu đãi tôi đã chối từ rất sớm ngay ở những năm đầu 80, lúc bấy giờ những người trí thức cũ gọi là đầu đàn đều được Thành Ủy TP.HCM cho một phụ cấp đặc biệt hàng tháng ngoài phụ cấp được lãnh trong cương vị công tác của mình. Khi từ báo Tin Sáng về làm việc ở báo Tuổi Trẻ (1980), tôi đã viết đơn cho Thành Ủy báo tôi không nhận phụ cấp đặc biệt này nữa. Ngay lúc đó tôi đã không muốn mình được cư xử như một “người khách ưu đãi”. Tôi muốn tôi được coi như một thành viên thật sự của đại gia đình mới. Trong lá thư gửi cho ông Kiệt, tôi có bày tỏ với ông nguyện vọng ngày nào đó trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tôi đó là một nguyện vọng bình thường của một người tán đồng Đảng Cộng sản Việt Nam, nhìn nhận quá trình của Đảng Cộng sản Việt Nam vì nước vì dân, có công giành độc lập và thống nhất cho Tổ quốc. Tôi nghĩ mình sẽ phục vụ tốt hơn cho đất nước trong tổ chức và với cương vị một đảng viên. Tôi có nói với ông Kiệt việc nêu nguyện vọng ấy là một thái độ chính trị trung thực với chính mình, còn việc có được kết nạp đảng hay không là một vấn đề khác. Anh Tống Văn Công nghe tôi kể lại chuyện này có nói: “Thế thì anh mới đi theo ngọn cờ dân tộc của Đảng Cộng sản, còn ngọn cờ chủ nghĩa xã hội thì sao?” Đúng là Đảng Cộng sản Việt Nam chinh phục tôi trước hết bởi lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cho độc lập dân tộc nhưng mặt khác tôi cũng tìm thấy ở chủ nghĩa Mác – theo cách tiếp thu của tôi - những nguyên lý định hướng cho cuộc sống và thái độ chính trị của mình. Trở lại chuyện viết thư cho ông Kiệt bày tỏ nguyện vọng vào Đảng rất dễ gây ngộ nhận và có thể khiến một số người nghĩ rằng tôi có toan tính lợi dụng con người vào Đảng để thực hiện những tham vọng riêng. Nhưng tôi không quan tâm những lời đàm tiếu ấy. Đã có một thời mình có một nguyện vọng như thế và một thái độ chính trị như thế, tại sao lại phủ nhận hoặc giấu giếm nó đi? Tôi chẳng có chút ngại ngùng và mặc cảm gì để nhắc lại chuyện ấy. Ngược lại, cho đến bây giờ, tôi vẫn coi đó là một thời điểm đáng nhớ trong cuộc đời mình. Chị Kim Hạnh, lúc đó là tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cũng biết chuyện này vì sau khi nhận thư của tôi, ông Kiệt có viết thư cho chị Hạnh để báo cho chị biết nguyện vọng của người cộng sự của chị. Chị Hạnh có nói lại cho tôi một phần nội dung lá thư của ông Kiệt và nói thêm việc tôi có vào Đảng hay không do các đoàn thể ở báo Tuổi Trẻ quyết định. Lúc đó có thể chị Kim Hạnh hiểu lầm chăng tôi có ý định vận động với ông Kiệt để được vào Đảng? Thật ra bức thư của tôi gửi cho ông Kiệt chỉ mang tính chất riêng tư, với một người có thể hiểu được tâm hồn mình, có thể lắng nghe và chia sẻ với mình. Chuyện có nguyện vọng trở thành đảng viên, với thời gian trôi qua và thực tế trong những năm công tác sau đó làm tôi quên đi, nhưng dẫu không thành tôi vẫn không bao giờ từ bỏ lý tưởng mà mình đã chọn. Tôi cảm phục ông Võ Văn Kiệt không vì sự đối xử của ông với riêng tôi, mà chính do thái độ và cách xử sự của ông đối với các trí thức và nhân vật chính trị khác trước đây ở Sài Gòn. Tôi sẽ không nhắc lại những chuyện đã được báo chí kể, chuyện về những trí thức mà ông Kiệt cố gắng giữ họ ở lại sau tháng 4-1975, có người được đích thân ông đi xuống tận tỉnh xa để lãnh về sau một chuyến vượt biên bị bắt, nhưng sau đó lại cho đi chính thức theo nguyện vọng của họ để ra nước ngoài có thể theo đuổi các cuộc nghiên cứu khoa học dễ dàng hơn v.v... Sau này ông nói với tôi, ngay khi đất nước vừa thống nhất Tổng bí thư Lê Duẩn luôn nhắc nhở “hãy cố gắng hàn gắn và hòa hợp”. Từ rất sớm ông Kiệt đã có những đánh giá rất công bằng đối với vai trò của ông Dương Văn Minh trong sự kết thúc chiến tranh Việt Nam. Ông nhấn mạnh: giữa Thành Ủy TP.HCM lúc đó và phần đông quần chúng ở thành phố không có sự khác nhau về đánh giá vai trò của ông Minh trong ngày 30-4-1975. Ông Kiệt cho tôi biết trước khi ông bà Minh rời Việt Nam sang Pháp, ông có nhờ bà Bùi Thị Mè (là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”), một trí thức cách mạng, từng có mặt trong chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam, tổ chức một buổi cơm thân mật tiễn ông bà Minh lên đường. Thời trẻ bà Mè và ông Minh từng quen biết nhau vì học chung một trường, ông Minh học trên bà Mè một lớp. Ông Kiệt cũng tiết lộ ông từng nhờ bà Mè chăm sóc mẹ của ông Minh một thời gian dài – lúc bà cụ sống ở Thủ Đức. Bà Mè tiếp tế cho bà cụ khi thì gạo ngon, khi thì nước mắm, đường, sữa... mà sau tháng 4-1975 mọi thứ đều khan hiếm. Trong bữa cơm thân mật tại nhà bà Mè trước ngày ông bà Minh lên đường, ông Minh có cho ông Kiệt biết tổng lãnh sự Pháp tại TP.HCM, theo chỉ thị từ Paris có bày tỏ ý muốn được lo cho chuyến đi của ông Minh về mọi phương diện, kể cả vé máy bay. Ông Minh đã trả lời tổng lãnh sự Pháp: “Mọi việc đã có chính phủ tôi lo rồi”. Ông Kiệt rất cảm kích câu trả lời này của ông Minh. Khi chào từ biệt ông Kiệt, ông Minh có hứa khi sống ở nước ngoài ông sẽ không có một lời tuyên bố nào bất lợi cho nước nhà. Về việc này ông Kiệt nói rõ thêm: về phía ông và Thành Ủy không đưa ra một yêu cầu nào đặc biệt với ông Minh. Về ý định xin ra sống ở nước ngoài, lúc đầu ông Minh có thăm dò ý kiến ông Kiệt qua bà Mè. Lúc này ông Kiệt đang là Bí thư Thành Ủy TP.HCM, ông Kiệt trả lời vấn đề đó tùy thuộc ở ông Minh; Thành Ủy và Trung ương không ngăn cản nếu ông bà Minh muốn ra nước ngoài sống với con cháu. Ông Kiệt có gợi ý một số phương án với ông Minh để ông chọn lựa như là đi thăm con cháu rồi trở về, hoặc sang sống với con cháu khi nào muốn về thăm quê thì cứ về. Theo ông Kiệt, bà Minh rất muốn ra đi vì nhớ con cháu, còn ông Minh thì có sự do dự do bà mẹ của ông nhất định không chịu đi. Bà cụ nói “Tao muốn được chết ở quê nhà”. Được biết khi ra đi, ông Minh được tự do mang theo hành lý với số cân không hạn chế và hoàn toàn không bị kiểm tra. Chính ông Kiệt đã chỉ thị như thế. Năm 1984, lúc còn là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Võ Văn Kiệt đi dự Quốc khánh CHDC Đức, sau đó viếng thăm chính thức Algerie. Trên đường về ông ghé qua Pháp. Tại Paris, ông muốn thăm ba người: ông Dương Văn Minh, ông Phạm Ngọc Thuần và giáo sư Phạm Hoàng Hộ, ông có nhờ sứ quán Việt Nam tại Pháp liên lạc với các vị này. Lúc đó ông Thuần đang ở một tỉnh miền Nam nước Pháp, không liên lạc kịp. Với ông Phạm Hoàng Hộ, ông Kiệt có mời cùng đi dạo bằng tàu trên sông Seine. Riêng cuộc gặp ông Minh có nhiều tình tiết đáng kể hơn. Đầu tiên là địa điểm gặp. Ông Minh không muốn đến sứ quán Việt Nam và cũng không muốn để ông Kiệt đến nhà (ông và bà Minh không có nhà riêng, sống chung với đứa con trai kế tên Tâm). Cuối cùng ông bà Minh đón ông Kiệt tại nhà một người bạn của ông bà là bác sĩ Danh. Theo sự dặn dò trước của ông Kiệt, đại sứ Việt Nam tại Pháp đi theo ông Kiệt vào chào ông bà Minh rồi trở ra xe để cho cuộc tiếp xúc giữa ông Kiệt và ông Minh được tự nhiên thân mật. Một trong những câu nói đầu tiên của ông Minh khi gặp ông Kiệt là: “Anh đã biết đó, tôi luôn giữ lời hứa khi rời khỏi Sài Gòn: Sang đây tôi không tiếp xúc với báo chí và cũng không có một lời tuyên bố nào bất lợi cho ở nhà”. Dù đã từng ở hai chiến tuyến khác nhau, nhưng giữa hai con người có nhân cách lớn đó vẫn có sự tương kính lẫn nhau và có một tình cảm đặc biệt dành cho nhau. Về chuyện ông Minh ở nước ngoài từ chối tiếp báo chí, có một nhân chứng đáng tin cậy khẳng định điều đó: nhà báo Pháp Jean Claude Pomonti (đã có một phỏng vấn đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho báo Le Monde nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ) có nói với tôi rằng lúc ông Minh còn ở Paris (những ngày cuối cùng ông sang Mỹ sống với cô con gái), Jean Claude có điện thoại cho ông Minh để xin gặp ông nhưng ông Minh khéo léo từ chối, mặc dù ở Sài Gòn nhà báo Pháp này từng vô Dinh Hoa Lan rất thường xuyên. Có một lần tôi được ông Kiệt mời đánh quần vợt với ông trong Dinh Thống Nhất. Tôi kể chuyện ông Minh từng có ý định vào đánh sân này nếu đổ xong Thiệu – cho ông Kiệt nghe. Ông Kiệt lặng im một lúc rồi nói: “Ông Minh là một con người tốt và có lòng với đất nước. Hôm ông ra đi ông có tặng tôi một cái hộp dài như cái va-li để đựng vợt, giày, quần áo, bóng... dùng để đi đánh quần vợt. Về phần tôi cũng có chuẩn bị trước, tôi tặng lại cho hai ông bà hai huy hiệu của TP.HCM để hai ông bà vẫn nhớ mình là công dân của thành phố này dù có đi xa”. Cũng trong buổi nói chuyện này bên sân quần vợt, tôi có kể cho ông Kiệt nghe một số suy nghĩ của thượng tọa Thích Trí Quang về ông Minh. Sau ngày 30-4-1975 được vài tháng, tôi đến thăm thượng tọa Trí Quang tại chùa Ấn Quang. Ông hỏi tôi tình hình ông Minh thế nào, tôi cho biết sức khỏe ông Minh vẫn bình thường và vẫn ở Dinh Hoa Lan. Khi ông Minh cùng vợ đi khỏi Sài Gòn rồi, tôi lại có dịp gặp thượng tọa Trí Quang. Lúc này ông nói: “Thật rất tiếc. Đáng lý ông Minh nên ở lại đất nước bởi chính ông là người từng kêu gọi dân chúng không nên bỏ quê hương ra đi. Nhiều người vì nghe ông ở lại. Thế mà bây giờ ông lại ra đi...”. Ông Kiệt im lặng không bình luận, có lẽ vì chính ông hiểu rõ lý do tại sao ông Minh rời quê hương: hai ông bà lớn tuổi sống một mình, con cháu đều ở nước ngoài. Theo tôi biết có hai lần ông Minh chuẩn bị trở về sống ở TP.HCM nhưng rồi không hiểu vì sao cả hai lần đều dời lại. Cuối cùng ông đã qua đời tại Mỹ. Cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ đã bày tỏ một tình cảm sâu sắc và kính trọng dành cho ông mặc dù về mặt chính kiến họ có nhiều khuynh hướng khác nhau. Cựu tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng có đến dự lễ tang. Đài phát thanh BBC (bộ phận tiếng Việt) có phỏng vấn tôi khi ông Minh mất. Trong buổi trao đổi kéo dài khoảng nửa tiếng đồng hồ, có phần nội dung hỏi đáp như sau: “Ông Dương Văn Minh có phải là người của Pháp?”– Có thể ông có tình cảm với người Pháp hơn người Mỹ. Nhưng theo tôi ông không phải là người của Pháp. “Ông Minh có phải là người của Mỹ?” – Cũng không. Người Mỹ không bao giờ tin ông. “Vậy ông Minh là người của cộng sản?” – Theo tôi cũng không phải. Tôi nghĩ ông Minh chỉ là người yêu nước. Không phải người yêu nước nào ngay từ đầu cũng tìm ra ngay con đường đi của mình. Nhưng khi có con tim chân thành với Tổ quốc, thường cuối cùng cũng có một lựa chọn đúng đắn. Tôi vẫn tiếc cho ông Dương Văn Minh, trước khi chết không có dịp trở về thăm quê hương. Dinh Hoa Lan vẫn được chính quyền TP.HCM để cho người trong gia đình ông Minh bảo quản. Mỗi lần có tin ông định về, biệt thự lại được sửa sang, chăm sóc lại. Trong quyển Hồ sơ mật Dinh Độc Lập của Nguyễn Tiến Hưng và Jerrold L. Schecter viết rằng ông Dương Văn Minh đã nhận tiền của Mỹ để ra ứng cử làm bình phong cho tổng thống Thiệu ở cuộc bầu cử năm 1971. Nguyễn Tiến Hưng kể rằng: “Ông Thiệu có bằng có là tướng Minh đã chuyển khoản tiền đó từ Paris qua một trương mục của mình tại Đông Kinh Ngân hàng ở Sài Gòn. Nhưng khi tướng Minh xét mình không thể địch nổi ông Thiệu, bèn ôm lấy tiền mà không tranh cử nữa...”. Nếu ông Minh đã lấy số tiền nào đó của tòa đại sứ Mỹ thì sau đó ông không bao giờ tiết lộ ý đồ Mỹ mua chuộc ông với chủ bút báo Washington Post Ben Bradlee ngay sau đó. Và nếu ông Thiệu nắm được bằng có thật sự ông Minh nhận tiền của Mỹ thì trong ba năm đối đầu trên chính trường Sài Gòn, ông Thiệu không thể không khai thác chuyện bê bối này của đối thủ số một. Theo tôi đây chỉ là chuyện bịa đặt nhằm làm giảm uy tín của ông Dương Văn Minh, thế thôi! 30 năm sau nhìn lại ngày 30-4-1975 mới thấy rõ hơn giá trị của ngày giải phóng. Nếu không có ngày đó - chấm dứt hoàn toàn sự can thiệp của người Mỹ, giành được độc lập và thống nhất cho xứ sở - thì chắc chắn đất nước hôm nay không an bình và phát triển, ổn định như đang có. Hiệp định Paris chỉ là một giải pháp tình thế để tạm thời ngưng tiếng súng chứ không chấm dứt được cuộc xung đột và mang lại hòa bình thật sự, dù cho các điều khoản của hiệp định được mang ra áp dụng. Một chính phủ liên hiệp nếu được thành lập ở miền Nam (theo hiệp định) cũng sẽ là sự tiếp nối của cuộc xung đột dưới một hình thái mới, đầy hỗn loạn và bất ổn, có thể lại đổ máu và chết chóc; “bàn tay lông lá” của người Mỹ vẫn có điều kiện xộc vào gây chia rẽ và hận thù giữa người Việt với người Việt; kinh tế của miền Nam vẫn lệ thuộc, tồn tại bằng viện trợ nhỏ giọt của các cường quốc đầy những ý đồ thôn tính; còn miền Bắc có lẽ vẫn sẽ khó khăn, vẫn ở trong tình trạng đối phó chiến tranh vì phải tiếp tục dồn sức chi viện cuộc đấu tranh ở miền Nam. Nhìn đất nước nối liền từ Nam chí Bắc hiện nay, đến bây giờ tôi vẫn tưởng nằm mơ. Tôi vẫn còn trong đầu mình hình ảnh chiếc cầu Long Biên đen sì sừng sững đó trong lần đầu tôi ra Hà Nội cuối năm 1975. Hình ảnh ấy đã được cất vào bảo tàng ký ức của người Việt Nam chúng ta, chỉ để nhớ lại khi cần hận thù chiến tranh, cần cảnh giác trước những đe dọa xâm lược. Hà Nội bây giờ như một thiếu nữ đẹp, duyên dáng và tràn đầy sức sống. Và Sài Gòn mạnh mẽ hơn nhiều và tự tin hơn nhiều trong cuộc hành trình mới, bởi sự tồn tại của thành phố này không còn nhờ vào sự “tiếp máu” từ người khác.