Người trí thức không còn là mình và đánh mất sự hiện diện của mình trong xã hội sẽ trở nên vô nghĩa và thậm chí đáng bị lên án nếu sự có mặt của mình chỉ để chấp nhận những gì đã có sẵn và thụ động trước một trật tự đã được thiết lập. Người trí thức phải biết và dám thúc đẩy sự thay đổi tiến lên trong lãnh vực mình hoạt động, và xa hơn nữa tự trao cho mình sứ mạng và trách nhiệm với lời giải đáp cho các bế tắc xã hội. Sự tìm kiếm đó có thể thành công hay thất bại, nhưng cái chính là sự dấn thân. Hồi tôi còn nhỏ, mỗi khi nghe cha tôi kể chuyện ông từng đi nghe nhà báo Nguyễn An Ninh diễn thuyết hô hào lòng yêu nước, chống Tây, chống chính quyền tay sai - không hiểu sao thắng bé 10-12 tuổi ở tôi lúc đó rất hào hứng và ngưỡng mộ. Dù rằng ở tuổi đó tôi không thể nào hiểu nổi thế nào là thái độ dấn thân của một trí thức bất kể sự dấn thân đó sẽ dẫn tới nhà tù Côn Đảo và bỏ xác ngoài đó. … Ý thức rằng chính quyền của ông Thiệu là một cản trở cho hòa bình và thống nhất đất nước mặc dù Hiệp định Paris đã được ký hàng loạt hoạt động ủng hộ Hiệp định, tấn công nhằm lật đổ tổng thống Thiệu được các thành phần đối lập đồng loạt tiến hành. Lực lượng Hòa giải Dân tộc cùng một số nhân vật chống Thiệu tổ chức một chuyến đi miền Trung, đến Huế, Đà Nẵng... vận động quần chúng gây áp lực chính quyền thi hành Hiệp định Paris. Người tổ chức chuyến đi Huế là giáo sư Bùi Tường Huân, đang dạy tại Đại học Huế, còn người tổ chức cuộc thuyết trình cho anh em tại Đà Nẵng là dân biểu Phan Xuân Huy. Cuộc đi ra miền Trung đột ngột khiến chính quyền Thiệu không kịp trở tay. Nhưng Huế là đất của Phật giáo, cho dù chính quyền địa phương có nhận lệnh của Sài Gòn đàn áp đoàn người chúng tôi, họ cũng không dám làm thẳng tay. Bởi các buổi thuyết trình của Lực lượng HGDT đều tổ chức trong khuôn viên chùa. Tấn công vào khuôn viên chùa có nguy cơ bị quần chúng tố cáo đàn áp Phật giáo. Tại Huế, cuộc thuyết trình được tổ chức ở sân sau chùa Từ Đàm vào lúc trời sụp tối. Máy phóng thanh đặt ở sân chùa, hướng qua bên kia sông An Cựu, để người dân nào sợ sự theo dõi của cảnh sát chìm vẫn có thể nghe mà không cần vào chùa. Sân chùa tắt hết đèn, chỉ có một đèn chụp nhỏ đặt trên bàn dành cho người thuyết trình đọc tài liệu của mình. Cuộc thuyết trình diễn ra trong cảnh tối đen như thế! Theo trí nhớ của tôi, những người thực hiện phần thuyết trình gồm anh Hồ Ngọc Nhuận, linh mục Nguyễn Ngọc Lan và tôi. Sự hưởng ứng của dân Huế rất tích cực. Trước đó vào buổi sáng, anh Nhuận và chị Kiều Mộng Thu tổ chức báo nói tại chợ Đông Ba. Hình thức này quá mới lạ đối với cảnh sát địa phương, họ chỉ can thiệp khi ‘‘buổi phát thanh’‘ của anh Nhuận kết thúc. Họ cô lập các anh chị ngay chợ Đông Ba, lập xong biên bản vi phạm mới cho ô tô đi. Dĩ nhiên kể từ lúc đó chiếc ô tô chúng tôi sử dụng luôn bị cảnh sát bám theo. Đêm, chúng tôi theo giáo sư Bùi Tường Huân vào trường đại học nghỉ. Đến Đà Nẵng cũng thế, buổi thuyết trình được tổ chức trong sân chùa Tỉnh Hội và diễn tiến trong bóng đêm. Chỉ có một cây đèn chụp đặt trên bàn của ban chủ tọa và thuyết trình viên. Có lẽ không có một nơi nào trên thế giới, diễn thuyết chính trị lại được tổ chức trong bóng tối hoàn toàn như thế. Đây là sáng kiến độc đáo của Phật tử đấu tranh và các nhà chùa miền Trung. Sau các buổi nói chuyện ở Huế và Đà Nẵng, riêng tôi, sáng hôm sau được anh em địa phương đưa vào Quảng Ngãi tổ chức thêm một cuộc thuyết trình tại đây, cũng tại một ngôi chùa. Cuộc thuyết trình diễn ra lúc 14 giờ, kết thúc vào lúc 16 giờ. Khi mới đến tôi được cho biết sẽ ở lại đêm như chương trình dự kiến của ban tổ chức. Nhưng khi kết thúc cuộc thuyết trình tôi thấy không khí xung quanh chùa rất căng thẳng, cảnh sát chìm lượn qua lượn lại như đang chuẩn bị một âm mưu gì. Nếu tôi ở lại đêm, chắc chắn sẽ có chuyện không lành. Tôi hỏi người bạn từ Đà Nẵng vào cùng tôi: “Giờ này còn xe trở ra Đà Nẵng không?”. Người bạn trả lời: “Còn chuyến cuối cùng”. Tôi chỉ kịp chào thầy trụ trì chùa, rồi tức tốc ra đón xe về Đà Nẵng. Chiếc xe khách nghẹt người, không còn một chỗ trống nào. Tôi chỉ có một cách duy nhất: đeo bám toòng teng ở cửa sau, như một anh lơ xe. Sau này tôi được biết, đúng như tôi dự đoán, an ninh địa phương đã có kế hoạch tối đó tấn công vào chỗ tôi nếu tôi ở lại đêm tại Quảng Ngãi. … Sau khi tổng thống Thiệu và Hoàng Đức Nhã chịu tay trước Nixon và Kissinger đặt bút ký Hiệp định Paris thì các lực lượng chống Thiệu cũng nổi lên đồng loạt. Trước khi ký Hiệp định, Kissinger thuyết phục Thiệu bằng cách bảo rằng chắc chắn Nixon sẽ được tái cử và nếu cộng sản Bắc Việt vi phạm Hiệp định thì “chúng tôi sẽ mở một cuộc hành quân ra miền Bắc”. Thiệu hỏi lại “Tấn công ở đâu?”. Kissinger trả lời: “Từ trên không hoặc tấn công qua vĩ tuyến 17”. Thật sự đó chỉ là một lời hứa cuội. Hơn ai hết, Thiệu hiểu điều đó. Không ai có thể dự đoán rằng khi năm người xâm nhập vào tổng hành dinh của Ủy ban quốc gia đảng Dân chủ tại cao ốc Watergate ở Washington (bị bắt ngày 17-6-1972) sự kiện này lại dẫn tới sự từ chức của tổng thống Nixon ngày 9-8-1974. Sau vụ Watergate, Nixon như con hổ bị rứt hết móng. Ông ta lo cho thân mình không xong nói chi chuyện bao biện cho ông Thiệu và chính quyền Sài Gòn. Có dư luận cho rằng Watergate đã làm cho chính sách của Mỹ ở Việt Nam sau Hiệp định Paris suy sụp. Nhưng một lập luận khác về sự sụp đổ của chính quyền Thiệu, theo tôi, đã bóc trần vấn đề, do nhà báo Stanley Karnow đưa ra trong quyển Vietnam - A History: Người ta cho rằng vụ xì-can-đan Watergate hại uy tín của Nixon, làm cho ngành hành pháp yếu đi, nhân dân Mỹ càng ác cảm với vấn đề Việt Nam khiến cho chính phủ Mỹ không thể giữ lời hứa để ra tay cứu chính quyền Thiệu. Nhưng cái chính là Thiệu và chính quyền của ông ta vừa không có năng lực lại tham nhũng, không thể đối phó các cuộc tấn công, nhất là khi không còn người Mỹ. Ông Thiệu hoàn toàn mất tinh thần khi hay tin ngày 9-8-1974 Nixon từ chức và phó tổng thống Gerald Ford thay thế. Chỗ dựa quan trọng nhất của Thiệu không còn nữa. Trước khi từ chức, Nixon đã có một quyết định cuối cùng nhằm hỗ trợ ông Thiệu bằng cách ký một dự luật viện trợ quân sự cho miền Nam tối đa là một tỷ đô la trong vòng 11 tháng tới. Nhưng chỉ ít ngày sau khi Nixon rời Nhà Trắng, Hạ viện Mỹ biểu quyết một con số thấp hơn rất nhiều: 700 triệu đô la. Tuy tổng thống Ford gửi một thư riêng cho ông Thiệu xác nhận “sự yểm trợ của chúng tôi sẽ thích ứng”, nhưng một bản nghiên cứu của Lầu Năm Góc sau này tiết lộ chỉ có 215 của 700 triệu đô la đến tay chính phủ Thiệu, số còn lại dưới hình thức trang bị quân sự chờ xuống tàu hoặc vì lý do nào đó chẳng bao giờ đến tay chính quyền Sài Gòn. Nhà báo Stanley Karnow đã miêu tả tình hình miền Nam vào mùa hè 1974 như sau: do sự suy sụp của kinh tế, tinh thần quân đội cũng bị xói mòn. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện vào mùa thu 1974 bởi phái bộ Mỹ tại Sài Gòn phát hiện 90% người lính VNCH không nhận đủ tiền lương và các trợ cấp để nuôi gia đình. Tình hình lạm phát chỉ là một nguyên nhân. Tham nhũng vượt mọi giới hạn, các chỉ huy quân sự ăn xén tiền lương của lính và ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp. Sĩ quan hậu cần đòi phải có tiền đút lót mới cấp gạo và các thứ tiếp tế khác cho các đơn vị quân đội, thậm chí đòi được đút lót tiền mặt để cung cấp đạn dược, xăng dầu và các thứ cần thiết khác cho lính chiến đấu. Sĩ quan quân đội thường ép dân làng đóng góp tiền cho chúng và không từ chối “làm ăn” bí mật với cộng sản. Bản điều tra của phái bộ Mỹ cho rằng tình hình tệ hại này có thể ngưng lại “nếu quân đội Sài Gon được coi là một sức mạnh có thể đứng vững”. Đại sứ Martin bác bỏ sự báo động này bằng cách đưa ra một hình ảnh biện hộ tệ hại như sau: “Một chút tham nhũng như đổ dầu vào máy móc”. Vợ ông Thiệu và các bà vợ của bạn bè thân gia đình ông Thiệu, bất kể nguy cơ đang chực chờ vẫn làm giàu trong các hoạt động bất động sản và các loại kinh doanh bất hợp pháp khác, tạo thành gương xấu cho cả guồng máy chính quyền. Nhà báo Stanley Karnow kết luận thực trạng đó bằng một câu ngạn ngữ Việt Nam: “Nhà dột từ nóc”. Sau khi cái “nóc” che chắn cho chế độ Thiệu bị sập ngày 9-8-1974 (Nixon từ chức) và trước các áp lực chống đối càng lúc càng mạnh mẽ tại miền Nam, tổng thống Thiệu nêu một thách thức trước dư luận trong một buổi xuất hiện trên màn ảnh truyền hình: ông đặt vấn đề “những ai muốn tôi từ chức thì cứ lên tiếng”. Thật khó biết thâm ý của ông Thiệu là gì? Ông quá tự tin sự vững vàng trong cương vị của mình hay đây là một thăm dò để chuẩn bị sự rút lui? Theo tôi giả thuyết thứ hai có lý hơn bởi lúc này thế lực của ông Thiệu suy yếu rõ rệt. Giới đối lập đáp lại sự thách thức của ông Thiệu qua một số bài báo và các phát biểu từ diễn đàn quốc hội. Nhiều tiếng nói của nhiều giới vang lên đòi tổng thống Thiệu từ chức. Một số nhân sĩ, trí thức, đại biểu dân cử... cũng có một bản “kiến nghị” đòi hỏi tổng thống Thiệu từ chức. Cuộc họp báo công bố kiến nghị này được tổ chức tại nhà tôi. Tôi trình bày với báo chí Việt ngữ, còn kỹ sư Châu Tâm Luân giới thiệu với báo chí Mỹ. Hình như có dân biểu Nguyễn Hữu Chung và luật sư Trần Ngọc Liễng cùng dự. Về bản kiến nghị này tôi còn nhớ một chuyện bên lề liên quan tới anh Huỳnh Bá Thành, tức họa sĩ Ớt. Anh Thành trong những ngày này thường lui tới nhà tôi và được tôi cho xem bản kiến nghị trước khi công bố với báo chí. Lúc đầu trong số những người ký tên dưới bản kiến nghị có sinh viên Nguyễn Hữu Thái đang trốn ở tầng ba nhà tôi. Anh Thành góp ý với tôi nên để tên của anh Thái ra ngoài. Anh Thái chẳng có lợi gì khi có tên trong bản kiến nghị, ngược lại việc này tạo ra cái có cho cảnh sát của Thiệu có lý do tấn công vào nhà tôi để tìm bắt anh Thái. Anh Huỳnh Bá Thành nói “Cần bảo vệ địa chỉ nhà ông an toàn. Đáng lý phải đời chỗ ẩn núp của Nguyễn Hữu Thái qua nơi khác”. Anh Huỳnh Bá Thành còn có một góp ý khác với tôi: “Ông nên cố gắng thu lượm chữ ký của nhiều người bình thường như công chức, nhà giáo hay quân nhân. Những người bình thường này mà dám đòi ông Thiệu từ chức thì mới gây một ảnh hưởng lớn trong dư luận. Còn những tên tuổi chống Thiệu quá quen thuộc như ông, Kiều Mộng Thu, ni sư Huỳnh Liên, Hồ Nhuận, Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Hữu Chung, Lý Chánh Trung, Vũ Văn Mẫu, linh mục Nguyễn Ngọc Lan v.v... thì được coi là đương nhiên, không còn gây tác động lớn trong dư luận”. Chính từ những ý kiến như thế này của anh Huỳnh Bá Thành, tôi có những căn cứ đầu tiên để nghi ngờ anh là người của MTDTGPMN. Gợi ý của anh không đứng trên cương vị của những người hoạt động chính trị bình thường ở Sài Gòn. Đúng là phản ứng của các giới chống đối chế độ như chúng tôi từng được nhiều người biết đến chỉ có một tác động hạn chế. Chính khi các quân nhân, những người từng chiến đấu bảo vệ chế độ và những công chức bình thướng dám đứng ra đòi hỏi tổng thống Thiệu từ chức thì mới gây sốc lớn và hậu quả là không đo lường được. Đầu tiên là trung sĩ thông dịch viên Đào Vũ Đạt. Một hôm đầu tháng 11-1974, một nghị viên Hội đồng Đô thành thuộc lớp trẻ đến gặp tôi tại nhà. Anh cho tôi biết anh có một người thân là trung sĩ quân đội, sẵn sàng lên tiếng yêu cầu tổng thống Thiệu từ chức. Anh nghĩ rằng tôi là người có thể giúp cho trung sĩ này đạt mục đích của mình. Đây là một sự kiện chưa bao giờ có trước đây. Tôi thấy trước sẽ là một đòn chính trị rất nặng đối với chế độ Thiệu. Nhưng lúc đầu tôi e ngại đây là một cái bẫy của phe chính quyền giăng ra để đẩy tôi vào thế kẹt. Tôi không quen thân anh nghị viên Hội đồng Đô thành. Anh lại là người Bắc mà lúc đó phần đông người làm chính trị gốc Bắc di cư đều chống cộng và thân chính quyền. Tuy nhiên trường hợp đưa đến quá đặc biệt, không thể bỏ qua mà không xem xét cụ thể thế nào. Tôi đề nghị đưa người trung sĩ có tên Đào Vũ Đạt đến để tôi gặp trực tiếp rồi mới quyết định được. Trung sĩ Đạt cao khoảng 1,75 m, chừng 27-28, đẹp trai và thông minh. Anh rất bình tĩnh, nói rõ ý đồ của mình: “Tôi muốn đấu tranh cho hòa bình đất nước. Tổng thống Thiệu với chính sách hiếu chiến là một cản trở để đi đến hòa bình…” Cuộc trao đổi ngắn đủ làm tôi tin ý đồ của anh Đạt. Lúc đầu anh Đạt và anh nghị viện Hội đồng Đô thành đề nghị tôi thảo bản kiến nghị gửi tổng thống Thiệu rồi anh Đạt sẽ ký. Nhưng tôi từ chối. Lý do: Nếu Đạt “phản phé” vì một lý do nào đó, đương sự không thể tố giác tôi là người chủ mưu, là người đã thảo bản kiến nghị. Hơn nữa để cho anh thảo kiến nghị cũng là một cách hiểu thêm phần nào động cơ thật sự hành động của anh. Bản kiến nghị do anh Đạt thảo được tôi điều chỉnh một vài chi tiết để làm rõ hơn mục tiêu đấu tranh của anh. Kịch bản anh xuất hiện trước báo chí nước ngoài tại trụ sở Hạ viện được tôi chuẩn bị riêng với anh, không có người thứ ba nào biết. Tài liệu phát cho báo chí bản kiến nghị là được quay roneo do tôi đích thân mang ra Hạ viện, phòng trường hợp anh Đạt trên đường di chuyển bị cảnh sát chặn lại lúc soát. Tôi chuẩn bị cho anh Đạt một một tấm carton (giấy cứng) gấp lại làm hai như một bìa tập đựng hồ sơ, bên trong có hàng chữ to: “Tôi - trung sĩ Đào Vũ Đạt bất tín nhiệm tổng thống Thiệu”, khi đứng trước giới báo chí anh sẽ lật ngược tấm carton để lộ ra hàng chữ này. Tôi đến Hạ viện trên ô tô riêng, còn anh Đạt đi taxi xuống xe ở đường Nguyễn Huệ rồi từ đó đi bộ lại trụ sở Hạ viện. Ngày hôm trước tôi đã cho một số đặc phái viên báo nước ngoài đáng tin cậy và truyền hình CBS hay tin sẽ có một sự kiện đặc biệt xảy ra tại Hạ viện. Tôi dặn họ từ 8 giờ sáng chờ sẵn bên salon-café Caravelle, từ đây họ có thể nhìn sang tiền đình Hạ Viện. Họ phải theo dõi để khi nào tôi đứng trên bậc thềm Hạ viện đưa tay lên ra hiệu thì họ kéo qua ngay. Đúng giờ hẹn anh Đạt xuất hiện ở góc đường Nguyễn Huệ như dự kiến, chậm rãi bước qua công viên có bức tượng khổng lồ hai lính Thủy quân lúc chiến chĩa súng vào Hạ viện. Cảnh sát rằn ri chỉ được bố trí sát hàng rào trước cổng Hạ viện. Cùng đứng với tôi chờ anh Đạt trên thềm Hạ viện có dân biểu Nguyễn Hữu Chung. Khi anh Đạt từ bên công viên bước xuống lề đường, băng qua đường Tự Do, tôi liền ra cổng Hạ viện đón anh như đón một người khách bình thường của mình. Cảnh sát rằn ri không gây trở ngại nào vì họ không làm sao đoán trước chuyện sẽ xảy ra. Bước lên hết các bậc thềm trước cửa chính của Hạ viện, tôi bảo anh Đạt dừng lại. Tôi đưa tay lên hướng về phía salon-café Caravelle ra hiệu cho báo chí nước ngoài. Tức khắc họ tràn sang. Anh Đạt đứng giữa, anh Chung Nguyễn đứng một bên và tôi đứng một bên. Tôi nói với báo chí: “Sau khi tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố trên đài truyền hình rằng những ai muốn ông từ chức cứ lên tiếng, thì hôm nay trung sĩ Đào Vũ Đạt, thông dịch viên quân đội, ra trước Hạ viện phát biểu nguyện vọng của mình. Tôi xin nhấn mạnh anh Đạt là người sức khỏe hoàn toàn bình thường; anh không hề bị ai ép buộc khi ra đây. Anh sẽ trình bày với báo chí và trực tiếp trả lời các câu hỏi”. Đúng lúc đó trung sĩ Đạt bật ngược tấm carton ra và đặt trước ngực anh: “Tôi trung sĩ Đào Vũ Đạt bất tín nhiệm tổng thống Nguyễn Văn Thiệu”. Sau khi trình bày gọn gàng bằng tiếng Việt, trung sĩ Đạt nói trực tiếp tiếng Mỹ với báo chí nước ngoài. Đến lúc này cảnh sát canh chừng khu vực Hạ nghị viện mới rõ chuyện gì xảy ra. Không đầy 10 phút sau, tiếng còi của các xe cảnh sát đến tiếp viện vang lên inh ỏi, nhưng họ chưa được lệnh xâm nhập vào bên trong. Chúng tôi đưa trung sĩ Đạt lên lầu một Hạ viện và và “tạm trú” trong văn phòng của chủ tịch Hạ viện. Chúng tôi không biết phải đối phó với áp lực cảnh sát bên ngoài như thế nào. Một đại tá quân cảnh vào gặp chủ tịch Hạ viện đòi giao nộp trung sĩ Đạt cho họ. Chúng tôi nhất định từ chối. Nhưng chẳng lẽ cứ giữ anh Đạt trong phòng chủ tịch? Lúc ấy có ai đó trong phe dân biểu thân tướng Nguyễn Cao Kỳ nêu lên ý kiến: hãy đưa trung sĩ Đạt vào trại Phi Long ở Tân Sơn Nhất thuộc lãnh địa của tay chân của ông Kỳ. Nghe có lý, vả lại cũng không còn giải pháp nào khác, chúng tôi đưa trung sĩ Đạt lên ô tô ở cổng sau Hạ viện và cho xe chạy ào ra đường Hai Bà Trưng trực chỉ Tân Sơn Nhất. Xe cảnh sát và quân đội hàng chục chiếc ào áo rượt theo, còi khẩn cấp rú lên inh tai. Đến đường Ngô Đình Khôi (bây giờ là Pasteur), các xe cảnh sát và quân đội vẫn theo sau bởi chưa biết chiếc xe trở trung sĩ Đạt định đưa anh đi đâu. Nhưng khi xe hướng đến cổng Phi Long Tân Sơn Nhất thì họ trở nên hết sức quyết liệt, cho xe ép thẳng thừng xe của Hạ viện vào sát lề, sẵn sàng gây tai nạn nếu xe chở trung sĩ Đạt không chịu dừng lại. Lúc đó xe trở anh Đạt đã đến sát cổng, chỉ thêm 50 m thì lọt vào bên trong. Thế là toan tính đưa trung sĩ Đạt vào…lánh nạn trong trại Phi Long coi như thất bại. Quân cảnh lôi trung sĩ Đạt ra khỏi xe và đẩy anh lên xe của họ rồi rú còi chạy mất hút trước sự bất lực của chúng tôi. Sáng hôm sau tôi chờ đợi đọc báo với dự đoán sẽ có sự tố cáo của chính quyền nhắm vào tôi và biết đâu có cả lời… “phản phé” của trung sĩ Đào Vũ Đạt cho rằng anh đã bị tôi xúi giục và lợi dụng... Nhưng không. Chỉ có những dòng tin vắn tắt với một cầu vu vơ “một quân nhân ra trước Hạ viện bày tỏ nguyện vọng…”. Một vài hôm sau tôi được anh Cung Văn đang là phóng viên của Việt Tấn Xã cho biết anh đã có dịp tiếp xúc trực tiếp trung sĩ Đạt tại nơi anh bị giam giữ. Là phóng viên của hãng thông tấn cả nước, anh Cung Văn có giấy phép đặc biệt gặp anh Đạt. Anh nói với tôi: “Anh yên tâm. Trung sĩ Đạt nói anh ấy nhất định không đính chính những gì anh viết và tuyên bố. Đặc biệt dù được gợi ý, gây áp lực anh vẫn không chịu khai ông là người tổ chức và xúi giục”. Sau này thỉnh thoảng nhớ lại sự kiện này, tôi vẫn thắc mắc động cơ nào đã thúc đẩy trung sĩ Đạt dũng cảm hành động như thế? Nhưng rồi tôi lại mỉm cười: thế còn mình thì sao? Động cơ nào thúc đẩy mình hợp tác với trung sĩ Đạt? Xét về hoàn cảnh khác nhau giữa Đạt và tôi, hành động của anh Đạt đáng ca ngợi gấp bội. Với anh Đạt tôi có một điều hối hận: sau 1975 khi anh Đạt đến tìm gặp tôi ở báo Tin Sáng và tỏ ý xin việc làm tại đây, tôi đã không thuyết phục được ban lãnh đạo cho anh vào làm việc. Cái thế của tôi sau 1975 không giúp được anh, dù rằng với những gì anh đã làm trước 1975 rất đáng được đối xử một cách công bằng hơn. Có một chi tiết cần nhắc lại: anh Đạt là một thanh niên thuộc gia đình người Bắc di cư. Nghĩa là không phải tất cả người Bắc di cư đều ủng hộ chính quyền Sài Gòn như ta vẫn nghĩ lúc đó. Sau trung sĩ Đào Vũ Đạt, có hai quân nhân cũng ra trước Hạ viện đòi tổng thống Thiệu từ chức trong tháng 11-1974. Đó là binh nhì không quân Hồ Vương Tuấn và thiếu tá Nguyễn Văn Thình. Binh nhì Tuấn, cũng như trung sĩ Đạt, giữ vững lập trường của mình từ đầu đến cuối. Chỉ có trường hợp thiếu tá Thình là “phản phé”, sau đó có lời tố cáo ngược lại những dân biểu đã “lợi dụng” ông, đăng trên báo Tiền Tuyến của quân đội Sài Gòn ra ngày l-12-1974, nhắm vào tấn công dân biểu Hồ Ngọc Nhuận. “Hơn 30 tuổi đầu vẫn ngu xuẩn để cho bọn con buôn chính trị lợi dụng”, và một tựa nhỏ: “Thiếu tá Thình đã cực lực phản đối dân biểu Nhuận lợi dụng sự ngây thơ chân thật của ông vào âm mưu chính trị đen tối”. Về sự kiện này anh Nhuận có nói thêm rằng việc móc nối và tổ chức cho thiếu tá Thình do nhiều người, dân biểu có, nghị viên có, chứ không chỉ một mình anh: “Có khi anh em móc trước rồi bàn giao cho tôi sau, nhưng tôi không nhớ chính xác gồm có ai…” Những hình thức chống chế độ Thiệu rất đa dạng. Ngoài xuống đường, làm báo nói, tổ chức người ra trước quốc hội bất tín nhiệm tổng thống Thiệu, tôi và anh Nhuận còn hợp tác làm báo lậu, tức là báo in ra và phát hành chui không có giấy phép. Đó là tờ có tên ‘‘Tin Sáng - Tiếng Nói Dân Tộc”, kết hợp hai tờ báo đều bị chính quyền Thiệu đóng cửa. Tờ báo này do anh Nhuận đảm trách in và phát hành... lậu! Từ thái độ chính trị ban đầu là đối lập xây dựng, vẫn tự coi mình là một thành phần của chế độ đang cầm quyền tại miền Nam, thái độ chính trị của tôi sau cuộc “độc diễn” của ông Thiệu là dứt khoát bác bỏ chế độ Sài Gòn, mỗi ngày xích lại gần hơn MTDGPMN về lập trường hòa bình. Vào giữa năm 1974 trở về sau, không nói ra công khai nhưng nhiều anh em trong nhóm Dương Văn Minh luôn chờ đợi những tin tức quân sự hàng ngày thuận lợi của MTDTGPMN. Áp lực quân sự từ MTDTGPMN càng mạnh thì tại Sài Gòn chính quyền Thiệu càng suy yếu về chính trị, không đám mạnh tay đàn áp các thành phần chống đối. Tình thế đó tự nhiên đã hình thành một liên minh không chính thức và công khai giữa các lực lượng không cộng sản chống đối Thiệu với MTDTGPMN. Với sự ký kết Hiệp định Paris dần dần thành một thành phần của liên minh này tự định hình là thành phần thứ ba, rồi chọn con đường liên kết, hòa nhập hẳn với MTDTGPM. Lập trường chính trị của nhóm Dương Văn Minh cũng diễn tiến như thế. Về phần mình, từ năm 1973, tôi dứt khoát đi tìm một chân trời mới. Tôi đã quyết định tách khỏi bến bờ cũ mà tôi mất hết niềm tin cho tương lai của đất nước và cả cho cuộc sống của mình. Nhưng bến bờ mới vẫn còn xa và lạ, chỉ mới là một vừng sáng ửng lên ở cuối chân trời...