Tôi được cha sai đến Tây đô kiểm tra công việc, rồi về báo cáo với người. Cha tôi muốn đến mùa xuân năm tới mọi việc phải hoàn tất, để làm hội thề ở kinh đô mới.Xem xét xong mọi việc, tôi từ Tây đô cưỡi voi trở về Thăng Long. Di chuyển bằng voi cũng có cái hay. Thứ nhất, voi tuy to lớn cồng kềnh, nhưng đi nhanh chẳng kém gì ngựa. Thứ hai, cưỡi voi còn được ngắm cảnh, được biết đời sống dân tình. Thứ ba, ngồi trên bành voi thoải mái hơn ngồi trên lưng ngựa, ít mệt, gần tối voi đã về đến Thăng Long. Trên đường thiên lý, tôi chợt nảy ý nghĩ vào thăm thượng tướng Khát Chân. Dạo đó, vào dịp đầu xuân. Từ đường lớn nhìn vào thấy rừng mai của Thượng tướng xanh ngát một mầu lá mạ. Khu rừng mai trứ danh ấy được chia cắt với đường cái bởi một dải đầm hình cánh cung. Nó như một con hào rộng hoặc có thể nói, như một con sông. Hồ hoang tự nhiên, lau sậy mọc từng đám bên bờ, làm chỗ trú ngụ cho những con cuốc, le le hay đàn vịt trời. Thỉnh thoảng. những cánh cò trắng lại cất lên từ những vạt bèo, để duyên dáng lượn vòng soi bóng trên mặt hồ. Tướng quân cho dựng chiếc đình bên hồ để uống rượu, ngắm cảnh. Tôi đã nhiều lần ngồi chơi ở đó, đặt tên cho nó là Tị huyên đình (định tránh sự ồn ào). Khát Chân là quan võ nhưng thuộc loại người nhã. Đình nam gần mép nước. Khoảng nước cạnh đó, ông không trồng sen mà trồng hoa súng. Còn sen, ông cho trồng ở quãng hồ xa phía nam. Khát Chân bảo - Trồng gần, sen ngát quá, không thú. Trồng xa mới thú. Hương sen thoang thoảng ướp vào những cơn gió nam. Gió nhẹ thì hương mơn man như đùa, như dỡn. Có khi hương đượm vào những lùm lão mai rậm rì, rồi ngủ quên ở đó, để rồi một lúc nào đó sực tỉnh len lỏi vào toà thuỷ đình giữa buổi trưa hè. lúc ta đang nằm trên võng, đánh thức ta dậy, để ta được tận hưởng cái nôn nao sung sướng vì loài hương đồng nội, thứ hương rất quê nhưng không hề tục.Sen là loài hoa quý, đẹp cả sắc, đẹp cả hương, song ông đành phụ hoa sen, chỉ dám nhận hương, không dám nhận sắc. Về sác, ông dành phần ưu ái cho hoa súng. Hoa súng nở sát bên toà Tị Huyên đình. Trồng gần để dễ ngắm hoa. Ngắm cả lá nữa, vì lá súng bồng bềnh trên nước cũng rất đẹp. Những chiếc lá hình trái tim, cái to cái nhỏ, cái đậm cái nhạt mầu bồ quân, mầu xanh sậm nổi trôi theo sóng, đôi chỗ, những mầm sen vươn xa cũng lẫn vào lá súng lá nâu sen lẫn lá mầu cốm, thỉnh thoảng, một con cá quẫy làm nước bắn lên trên mặt lá, đôi khi chúng giống những viên ngọc tráng, lăn tròn, toả ra những ánh cầu vồng mà chỉ những kẻ tinh mắt, yêu hoa mới nhận thấy. Còn những bông hoa súng. Ông quá yêu cái dáng thẳng đứng cương nghị của chúng. Hoa súng đẹp theo một vẻ riêng. Cũng là thứ hoa từ bùn trồi lên, nhưng nó không quá cao và yểu điệu như hoa sen. Nó cũng mầu tím đỏ, nhưng không giống hoa sen e ấp nghiêng đầu, nó tách ra khỏi đám lá bồng bềnh, nhô thẳng lên trời sát gần mặt nước, xòe cánh ra đón mặt trời, để hớp lấy ánh sáng. hớp lấy Cuộc sống. Bảo rằng hoa súng không yểu điệu ư? Ông không tin vậy. Ông bạn vong niên của tôi cứ cho rằng cái yểu điệu của hoa súng tiềm ẩn, lặn vào bên trong. thứ yểu điệu ta chỉ cảm thấy, chứ không nhìn thấy...Chiều hôm ấy, thượng tướng quân đang nằm trên võng, lặng lẽ nghe tiếng chim cuốc mùa xuân mới bắt đầu tha thiết kêu, thì gia nhân vào báo đức ông Nguyên Trừng đến chơi. Khát Chân mừng rỡ ra đón ở tận chiếc cầu đá vắt qua hồ ở quãng hẹp nhất. Thượng tướng nhìn thấy con bạch tượng xích dưới gốc cây gạo cổ thụ.Tôi kính cẩn vái chào:- Đệ vừa ở Tây đô trở về, vội vã vào thàm lão huynh.- Lão đệ vừa tới Thăng Long? Ha ha... Tối nay phải ở đây, chúng ta cùng uống rượu, ngắm mai. Tôi vừa được biếu cây mai quý... cứ lo rằng lão đệ không về kịp...- Sắp tàn xuân rồi, vẫn còn mai nở được sao? - Tôi hỏi thượng tướng nheo mắt, ý muốn giữ kín sự bí mật để lôi kéo tôi ở lại. Ông gọi cụ Lão Mai:- Cụ bảo đem ngô và mía ra cho voi của đức ông ăn. Chuẩn bị nồi nước thơm cho đức ông tắm sạch bụi đường trường. Sau đó, bảo gia nhân chuẩn bị rượu và thức nhắm ra Tị Huyên đình để ta và đức ông thưởng xuân.Tôi cười giòn, ý đã nhận lời:- Tôi thực gặp may. Hai tháng về trước, khi ra đi, tôi cứ tiếc không được dự tiệc Đại Mai của lão huynh.Hàng năm. cứ vào đầu tháng giêng thượng tướng vẫn mở tiệc Đại Mai đều đặn, lệ đó hình thành từ ngày đức Nghệ Hoàng đến thám trại Mai. Ông mở tiệc ý để kỷ niệm cái vinh dự lớn được thượng hoàng đến thăm uống rượu tại vườn mai, nhưng cũng còn ý ngầm muốn nhắc nhở lòng trung, nhắc nhở công đức nhà Trần. Các quan đều sốt sắng khi được mời. Mà làm sao ai có thể cấm được một bữa tiệc đầu xuân nhã đến như vậy. Mà làm sao ai có thể đoán được nội dung những câu chuyện được trao đổi trên những bàn tiệc trong một rừng mai rộng đến như thế, tản mác đến như thế. Ở đấy, người ta uống rượu ngon, ngâm thơ và nghe đàn nghe hát. Ở đấy, chỉ thấy tiếng cười và sự vui vẻ nhưng đằng sau nó, ai biết nổi có làn sóng ngầm nào đang chực nổi lên. Lẽ dĩ nhiên, cả hai phe đều đến dự. Người ta nghĩ nhờ chén rượu sẽ tìm thấy một điều gì đó. Nhưng rút cục vẫn chẳng ai thấy điều gì khác lạ cả, ngoài một điều mà mọi người đều cảm nhận: chủ nhân là người tinh tế, mềm nở, và rượu lão mai thật quả ngon, thật quả độc đảoTôi tiếc bữa tiệc Đại Mai là phải. Bởi vì khác với mọi người, tôi là vị khách đặc biệt, vị khách mà khi mọi người đã về hết, thì chủ nhân giữ khách lại, rồi hai người tiếp tục uống với nhau thâu đêm.- Lão đệ ạ - Thượng tướng nói - Huynh biết đệ bị lỡ hôm tiệc nên cứ để bụng tìm một cây mai nở muộn để đền cho chỗ thiệt thòi của lão đệ. May mắn có người biết huynh thích mai, nên đã tặng cho một cây mai quý, bao giờ cũng nở chậm nhất trong họ hàng nhà mai.Ông bõ già bưng chậu mai ra. Nguyên Trừng tôi mở to mắt ngạc nhiên. Cây mai đã đẹp, riêng cái chậu hoa lam đẹp cũng chẳng kém. Đầu tiên ngắm nghía thưởng thức cái chậu. Vốn là hoạ sĩ nên tôi để ý ngay đến nét vẽ. Mới trông cứ tưởng cái chậu tầm thường vì chỉ vẽ mấy bông hoa cúc và mấy chiếc lá cúc. Người nghệ nhân đã dùng cây bút lông, chắc đã vẽ một mạch liên tục ba bông hoa cúc, một bông đang đơm nụ, hai bông kia còn hàm tiếu; bông nụ thì no tròn đầy đặn, hai bông hàm tiếu thì lô xô, có cánh nhô lên, có cánh đã xòe ra như đang run rẩy trong gió đông. Người thợ gốm thường hay vẽ những bông cúc nở xòe cân đối. đều đặn. Còn ở đây không phải thợ gốm mà một danh hoạ nào đó đã mượn chiếc chậu để vẽ một bức hoạ về loài hoa cao quý. Trong tôi hiểu kiểu vẽ này rất khó. Người nghệ sĩ phải phóng bút trên xương chậu lúc còn chưa nung. Chỉ vẽ một lần không thể vẽ lại, vẽ hỏng là hỏng, vẽ đẹp là đẹp. Lúc vẽ, nét mờ mờ nhợt nhạt, nhưng sau khi nhúng men cho vào lò, nét mờ kia mới hiện lên. Có thể nói người nghệ sĩ như nhắm mắt lại mà vẽ, thế mà đã tạo ra được những nét lung linh thật thần diệu.Trừng tôi gật đầu:- Có lẽ chiếc chậu này chỉ có một cái độc nhất?- Đúng là độc nhất vô nhị. Người vẽ vốn một nhà thư hoạ. Sau khi tôi đánh Chế Bồng Nga trở về, lúc đó ngôi nhà này chưa xây cất, có một nho sinh mang chiếc chậu hoa đến. Anh ta nói: “Thưa tướng quân, để mừng tướng quân thắng trận làm cho muôn dân được nhờ, tôi định vẽ một bức hoạ, nhưng rồi lại nghĩ vẽ tranh trên gốm sứ sẽ bền lâu hơn, nên đã vẽ bức tranh hoa cúc trên chậu này... để tỏ lòng thành, kính trọng”. Tôi nói: “Chiếc chậu thật quý?” “Vâng, tôi không vẽ chiếc thứ hai giống thế này nữa. Trên đời này chỉ có một người như tướng quân, thì chiếc chậu cũng phải là độc nhất!. Tôi cảm động, mang tiền, lụa ra biếu nhưng anh ta không nhận.- Thật lạ lùng! Đệ thấy nét vẽ này quen quen, hình như đã gặp nó ở đâu rồi... nhất là những chiếc lá cúc, à cả những bông cúc hàm tiếu kia nữa.- Huynh đố đệ đấy?- Tùng... cúc... trúc... mai... phải, ông Chu Công Đán đứng dưới gốc tùng già, ông Khổng Minh đang đi trong rừng trúc, ông Tô Hiến Thành đang ngắm chậu hoa cúc Phải, đệ nhớ rồi, đúng là những bông hoa cúc ấy. Chỉ có khác là ở bức tranh có những bông cúc đã nở rồi. Đúng, rất giống nét trong bốn bức tranh tứ phụ mà đệ đã trông thấy ở nhà. Bốn bức tranh thượng hoàng Nghệ Tôn đã ban cho cha đệ.Trần Khát Chân giọng bỗng trở nên xúc động:- Phải! Chính người nho sinh vẽ chậu đã vẽ tranh tứ phụ. Dạo đó Nghệ Hoàng ốm, thượng hoàng muốn vẽ tranh tứ phụ để ban tặng thái sư. lão huynh đã tiến cử người nho sinh này. Huynh nhớ, anh ta yêu cầu dọn một căn nhà nhỏ tĩnh mịch, cấm không cho ai lai vãng. Lại sai đốt trầm liên miên, và anh ta vẽ suốt ngày đêm, vẽ như một người say. Chỉ ngơi tay lúc ăn. Có đêm vẽ dưới những ngọn bạch lạp. Có những bản vẽ đã đẹp, nhưng anh ta vẫn chưa ưng đem xé. Vẽ gần một tuần trăng mới xong. Vẽ xong, ngủ một giấc dài hai đêm một ngày. Ngủ xong, lại khàn gói xin đi. Giữ thế nào cũng không ở lại...- Tên anh ta là gì?- Phạm Kỳ Ngộ... Thường vẫn gọi Phạm Sinh.- Anh ta ở đâu?- Tôi muốn tiến cử anh ta, nhưng anh cảm tạ, không muốn. Nghe đâu hiện nay Phạm Sinh làm nghề bán chữ ở khu tháp Báo Thiên.Chúng tôi mải mê chiếc chậu đến nỗi quên cả hoa.Thượng tướng cười khà khà:- Ngắm hoa mới là chính, ở đây hoa mai mới là chính.Lạc tới chiêm bao, mai một nhánhMuôn đem tặng bạn khó vô ngần.Huynh phục đệ đấy. Có bao nhiêu là thơ về hoa mai, thế mà đệ lại lẩy ra được hai câu tuyệt diệu ấy của đức Trần Nhân Tôn. Hà hà... phải nói chúng mình thành anh em với nhau cũng từ hai câu thơ ấy đấy... Lúc này, gia nhân đốt thêm nến, vì trời đã tối mịt, phải vừa đủ ánh sáng ngắm mai mới thú.Khi trước, ngón cái chậu đã lạ. bây giờ ngắm cây mai, cũng lạ lùng không kém. Đó là loại mai nhỏ, cành khẳng khiu mà người đời vẫn gọi “chi mai”. Cây mai cao chừng ba gang tay nhưng đã cổ thụ. ít nhất, nó cũng vài chục tuổi. Một người yêu hoa nào đó chắc đã tìm thấy nó từ một ngọn núi đá, ông liền bứng cả tảng đá nhỏ đem về; một cái hạt mai do một con chim trời nào đó đã tha tới, con chim đứng trên hòn đá mà rỉa, hạt mai chui vào hốc đá rồi nảy mầm. Hốc đá khô cằn, nhưng hạt mai cố sống nên rễ của nó đâm ra tua tủa, có cái bò trên mặt đá rồi chui xuống phía dưới; có cái đâm thẳng vào đá làm nứt đá. nó cố hút những chất bổ dưỡng nghèo kiệt trong đó; cũng có những chiếc rễ yếu hơn thui chột, teo đi, chỉ còn để lại một vết sùi ở gốc... Quan thượng tướng trồng hòn đá mang cây trên mạt đất mầu mỡ của cái chậu, và trồng thêm vài thứ rêu, thứ cỏ cằn để làm nền cho cây mai quý. Thân cây mai đã mốc thếch. Chiếc thân già được chín chiếc rễ nổi trên đá nâng đỡ trông giống một ông cụ trầm tư ngồi trên lưng chín con rồng. Nguyên Trừng tôi chợt bắt gặp những ánh mắt chờ đợi của thượng tướng quân. Tôi bỗng thoáng nhìn thấy những nếp nhăn trên mặt ông...Cũng có thể gọi là một lão tướng rồi. Bất chợt, một nỗi buồn dâng lên trong lòng. “ông ta dang chờ một tiếng khen của ta đối với cái cây kỳ lạ này đây” - Tôi nghĩ - “Cây mai cũng tuyệt thật, tinh vi thật. Một nghệ nhân nào đó đã mất bao năm tháng. tâm huyết, để đem nó từ đỉnh núi cao về; để nâng niu uốn tỉa, bắt cành này phải chúc xuống. cành nọ phải cong lên; để bắt ngọn này phải ngừng phát triển và kích thích ngọn kia phải đâm mầm; để đào khoét, nâng dần chín cái rễ kia lên khỏi đất, rồi ôm trùm lấy tảng đá, đem lại cho chúng hình hài của những con rồng hoang tưởng. Tướng quân còn khoe với tôi bằng một giọng run rẩy, hoang đường rằng cây mai kỳ dị này là một thật tuý mai. Tức là thứ mai người ta phải tưới tắm bằng nước rượu pha cực loãng, để hoa có phảng phất mùi rượu, để cái quả nhỏ xíu của nó ngậm vào miệng cũng thơm mùi rượu...”.Thật quả Trừng tôi không dám thở dài, chỉ biết ngậm ngùi trong dạ... Thấy thương cây mai già bị giam hãm trong chiếc chậu... Mặc dù nó ngồi trên lưng chín con rồng, nhưng chỉ là những con rồng đất... Mặc dù là cây mai quý, nhưng chỉ là thứ mai còi cọc... ừ! Thì nó đẹp đấy. Nhưng chỉ là thứ đẹp ảo, cái đẹp của sự già nua, thoi thóp, lất lưởng; cái đẹp của sự tàn lụi của một thời vàng son đã trôi qua, mà ai đó còn cố níu... Tôi tránh ánh mắt của người bạn già. Tôi tránh nói, tôi không nói... Chỉ còn biết nâng chén rượu lên để mừng cho cây mai kỳ lạ... Tôi không thốt ra lời; tôi khen cây mai, hay thương cho cây mai, chỉ biết dùng những chén rượu vơi đầy... Chỉ có rượu là thật lúc này... Quả là ngon... Tôi uống tràn cung mây...Nhưng, những chén rượu run rẩy của tôi, ánh mắt lãng đãng của tôi làm sao dấu nổi cái nhìn tinh tế của vị lão tướng. Đã có nhiều lần như vậy, đã có nhiều lúc hai người chúng tôi đã lạc chân vào những lĩnh vực tế nhị mà hai chúng tôi khác nhau, mà hai chúng tôi cùng muốn lảng tránh, bởi vì chạm mạnh vào đấy tình bạn của chúng tôi sẽ vỡ tan tức khắc, những lúc ấy rượu là cứu tinh. Những lúc ấy, cả hai người đều lặng lẽ, phó mặc lòng mình trôi dần vào men rượu.Cây mai già chỉ còn dăm bẩy bông mai to như những chiếc cúc áo trắng muốt. Một luồng gió xuân chợt ùa vào gian thuý đình làm chúng run lẩy bẩy. Rồi một bông mai như cố gượng nhưng không chịu nổi, đành đánh rơi những chiếc cánh nhỏ của nó, để mặc cho gió bồng bềnh kéo đến trước mặt tôi, rơi xuống cạnh chân tôi Tôi nhặt cánh hoa lên đặt trên lòng bàn tay. Thượng tướng Trần Khát Chân cười:- Ta cứ chờ đệ mãi. Phải đặt chậu mai vào nơi kín gió mát mẻ... Chỉ sợ mai rụng hết trước khi đệ về. Lão huynh hàng ngày thăm hoa, cứ cầu xin thần hoa động tâm, cho phép hoa mai cố níu lấy cành. Thế mà thiêng thật! Hoa mai chờ được gặp mặt lão đệ xong mới chịu rụng...Tôi gặp được duyên may rồi - Tôi cười ha hả - Và bao nhiêu lúng túng của chúng tôi chợt tan biến hết. Ông bõ già mang thức nhắm tới. Bóng trăng lu thả ánh sáng nhòe nhoà xuống vườn mai bao bọc chung quanh toà Tị Huyên đình. Đầu những lùm mai tưới đẫm ánh trăng ngả sang mầu bạc, thứ ánh sáng làm cho con người như nghẹn lại, chẳng muốn dài lời.Nhưng rồi tôi cũng bất chợt nói:- Tây đô đang khẩn trương lắm.- Thế à...Chuyện về Tây đô là câu chuyện cửa miệng của dân Thăng Long lúc này. Bởi vì nó động chạm hầu như đến khắp mọi người. Mấy bữa trước, tôi gặp một đoàn thuyền chở những người thợ đá, thợ đúc đồng, thợ mộc vào kinh đô mới. Trong đám họ nhiều người là dân Thăng Long. Lại thấy cả thuyền của các nhà quan. Họ sai gia nhân vào xây dựng dinh thự riêng.Xây dựng Tây đô, tức là cha tôi đã đổ giọt nước cuối cùng vào chén nước đầy ắp. Hầu như chẳng ai hé răng nói câu gì. Nhưng tôi biết rằng cả hai phe trong triều đình đều đang chuẩn bị...Cha tôi hiểu, cả tôi cũng hiểu, rằng lúc này Thượng tướng đã dứt khoát. Ông đã đối đầu với cha tôi, nhưng không nói ra. Thực kỳ lạ, một điều cực kỳ nghiêm trọng thì hai phe đối lập chẳng ai thốt ra miệng, dù là quan thái sư cha tôi, hay thượng tướng Khát Chân. Điều ấy lại do hai người đàn bà thân phận nhỏ nhoi thốt ra, hai cô cung nữ Trần Ngọc Kỵ và Trần Ngọc Kiểm. Hai người đàn bà bị giết, nhưng lời nói của họ đã như một hồi chuông cảnh báo. Nhưng liệu lời nói đó có thể ngăn chặn được, hay chỉ thúc đẩy, làm cho âm mưu nổ ra nhanh hơn.Cha tôi thực kiên quyết. Người không nói với ai chuyện ấy và cũng không muốn ai nói chuyện ấy. Cha tôi hầu như đã biết hết những người không tán thành mình, nhưng không ra tay. Bởi vì ông tự tin. Ông muốn cho sự căng thẳng đi đến cùng cực, sẽ bẻ gẫy nốt những chống cự trong đầu óc con người, và lúc đó con người chỉ là những chiếc lá trên mặt sóng. Ông cho rằng: “Chỉ cốt ngươi không chống cự ta ra mặt... Còn cuối cùng... tất cả sẽ ngả theo ta...”.Lúc này, ánh sáng mờ mờ đã giúp che dấu khuôn mặt hai chúng tôi. Tình bạn muốn sự che dấu ấy. Chúng tôi cảm ơn ánh trăng vì nó đã xoá mờ nhân dạng. Chúng tôi muốn núp vào thiên nhiên hiền hậu; bởi vì một khi ló mặt ra cuộc đời thực, lập tức những bức tường thành giả tạo của con người sẽ vụt dựng lên ngay. bởi vì sấm sét của cơn giông tố đang tụ trên đầu chúng tôi...Tôi thở dài nhè nhẹ, cố dìm tiếng thở.Bên tai tôi, như còn nghe thấy tiếng hò chèo thuyền trên dòng sông Mã. Thuyền ngược nước. Từng đoàn người cởi trần kéo những con thuyền đá. Hàng ngàn thợ đá, từ vùng Hoa lư, từ vùng núi Kim Âu kéo về Tây đô. Chỉ làm một chiếc cầu đá con con cũng mất bao công sức, đằng này cha tôi bắt xây một toà thành đá khổng lồ... Có con thuyền lớn cũng chỉ chở được vài viên đá vuông vức, dài hơn sải tay, cao đến ngực. Phải đào kênh vào sát chân thành chở đá tới. Hàng nghìn, hàng vạn nông phu kìn kìn đắp những cái dốc thoai thoải để seo đá lên cao...Tôi chợt kể:- Tôi gặp toán thợ đục khác là người làng Nhồi. Họ đang đục hai con rồng đá chầu ở bậc thềm bước lên điện Đại Minh.- Quan thái sư cũng đặt tên Đại Minh giống như ở Thăng Long sao?- Vâng. Cha tôi bảo Tây đô cũng là đất Đại Việt. Mà Đại Việt thì phải đại minh. Cha tôi thích... như vậy...- à! Ra vậy... ờ... Tôi vừa mới cử đi một tốp thợ đá Chiêm Thành, vốn là người của Ba Lậu Kê. Hắn vào tận Hoá Châu tuyển ra. Họ đục đá khéo tay lắm.Tôi cũng đến chân núi Đún vào thăm tư dinh của lão huynh đang xây cất. Có gặp Bùi Bá Kỳ. Hắn nhắn tôi về nói với lão huynh rằng chừng hai tháng nữa sẽ hoàn thành. Cái vườn của lão huynh cũng đẹp lắm. Thấy hao hao như khu vườn này. Khu trồng mai trong đó cây cũng đã bắt đầu trổ lá non.- Tôi phải sai ông Lão Mai bõ già vào lập vườn. Ông lão rất giỏi trồng cây. Phải cải tạo lại khu vườn cũ vốn có sẵn từ trước, trồng dặm cam quýt vào đó, rồi lại phải trồng mới một vạt rừng mai... Thật công phu... Tôi định xây một ngôi lầu trên một gò đất, chung quanh bao bọc bởi vườn mai... Cái khác ở trong Tây dô với ngoài này là ngôi lầu đó. Ngôi lầu phải thật đẹp, thật mát...- Thì tôi gặp Bùi Bá Kỳ ở ngay chính ngôi lầu. Lão huynh có con mắt thật tinh đời. Trên quả đồi còn sót lại mươi cây tùng cổ thụ. Ngôi lầu son, sau lưng có hàng tùng nhấp nhô, đằng trước mặt, những cây mai đã mọc lá non... Đã gần xong ngôi lầu rồi. Chỉ còn đợi ngói lưu ly là hoàn thành.Khát Chân lúc này mới cười ha hả, ông sai người bõ già mang rượu ra tiếp, rồi nói:- Huynh định dành chuyện ngõi lầu làm cho đệ bất ngờ, dè đâu lão đệ đã thấy nó rồi. Thôi, bao giờ vào Tây đô, anh em mình sẽ uống rượu mai trên đó. Sẽ uống một đêm ròng... uống thật say..