Chương 10

Ông thở dài, ngập ngừng giây phút rồi rút từ trong người ra một quyển vở dày.
- Chuyện dài dòng lắm, không thể kể hết trong một vài câu. Muốn tận tường, cháu hãy xem đi.
Nói rồi, ông đặt quyển vở vào tay cô. Ông quay lưng lầm lũi bước trở về giường. Nhìn theo bóng ông đến khi khuất hẳn sau lớp mùng. Tâm Như mới lặng lẽ mở quyển sổ ra. Một nét chữ nghiêng nghiêng được viết vội trên giấy đập nhanh vào mắt. Nhật ký của mẹ Ân Tuấn đây mà...
"Ngày... tháng... năm...
Ân Tuấn thương yêu nhất đời mẹ!
Khi con đọc được những dòng chữ này thì có lẽ mẹ không còn sống trên đời này nữa. Nên con có thể xem đây là những lời trăng trối cuối cùng của mẹ dành để lại cho con.
Thật buồn cười khi mẹ phải viết lời trăng trối cho con khi vừa tròn ba mươi tuổi. Cái tuổi mỹ mãn, hạnh phúc nhất của một đời người. Nhưng biết làm sao đấy? Mẹ mắc bệnh trầm kha. Cái căn bệnh ung thư ác nghiệt kia sẽ cướp đi sinh mạng của mẹ bất kỳ phút giây nào.
Mẹ không muốn chết. Không muốn xa con một chút nào. Trời ơi! Con tôi... Ân Tuấn hãy còn qúa nhỏ. Nó chỉ mới là đứa bé lên năm ngây thơ, bé bỏng, chưa đủ sức đối đầu cùng cuộc sống. Sao trời lại bắt mẹ phải chết, phải xa bỏ đứa con yêu qúy nhất trần đời?
Ân Tuấn ơi! Bệnh của mẹ đã vào giai đoạn cuối. Mẹ không cầm cự được bao lâu nữa, mẹ phải làm sao? Cuối cùng, con biết không? Mẹ lại đến gặp người đàn ông đó. Dù hàng trăm, hàng vạn lần tự thề với lòng là không bao giờ mẹ nhìn mặt người đàn ông xấu xa, bạt bẽo kia.
Nhưng dù sao thì... Ông ta cũng là cha của con mà. Ông ta không yêu mẹ. Ông ta có thể bỏ mặc mẹ chết dần mòn trong bệnh tật, chứ ông ta không thể bỏ mặc con côi cút được.
Thế nhưng mẹ đã lầm như đã từng lầm trao thân, gửi phận cho ông ta sáu năm về trước. Chẳng chờ nghe mẹ nói đến tiếng thứ hai, cả hai vợ chồng ông đà lớn tiếng sai người làm đuổi mẹ ra khỏi cửa. Còn bảo mình không có đứa con lạc loài như con vậy.
Ân Tuấn! Cánh cửa sắt đóng sập ngay trước mặt lâu lắm rồi, mà mẹ vẫn còn đứng yên không nhúc nhích. Mẹ đã đứng đó khóc ròng rã bốn tiếng đồng hồ, mong lay động được lòng ông. Phút giây này... sắp chết rồi, mẹ cần gì chút tình yêu của ông ấy. Mẹ chỉ mong ông ta nghĩ lại, chịu nhận nuôi giùm mẹ đứa con này.
Màn đêm dần buông, rồi cơn mưa ập xuống. Sợ con nhiễm lạnh rồi lâm bệnh, mẹ đành dắt con thui thủi ra về, lòng thầm hỏi: Thế gian này sao lại có người độc ác, vô lương tâm thế? Mẹ đâu phải hạng gái hư hèn, xấu xa gì đáng bị Ông ta khinh bỉ đến như thế chứ? Mang chứng bệnh trầm kha, có phải mẹ muốn đâu, sao ông ta không nghĩ mà thương cho mẹ?
Mẹ vẫn còn nhớ rõ, dù đã sáu năm rồi. Ngày ấy, mẹ là cô công nhân dệt may, còn ông ta la thuyền trưởng. Thấy mẹ là dân quê ra tỉnh lại có chút hương sắc mặn mà, ông ta đã hết lòng theo đuổi, săn chiều. Hứa là sẽ yêu thương mẹ đến trọn đời, trọn kiếp.
Một năm sau ngày cưới, con chào đời. Hạnh phúc vừa chợt đến đã tắt ngay, khi viên bác sĩ trao tờ kết quả khám nghiệm cho ông ta. Lúc đó, mẹ nào biết tử cung mình đã bị ung thư. Chỉ ngạc nhiên nhiều vì thái độ lạnh lùng, hờ hững của ông ta.
Một năm sau nữa, khi con lên hai tuổi thì ông ta có nhân tình khác. Đó chính là bà chủ của mẹ lẫn ông ta. Bà ấy năm đó đã bốn mươi chín tuổi, góa chồng nhưng nhan sắc vẫn mặn mà. Không như mẹ, ngày cứ gầy rạc, tiều tụy đi vì khổ đau, sầu héo.
Gặp nhau không bao lâu, họ bắt đầu sống công khai tình cảm của mình, mặc cho mẹ nổi ghen đau đớn. Dù đã từ lâu, ông ta không còn xem mẹ là vợ nữa, nhưng trong lòng mẹ, ông ta luôn là một người chồng, người cha tốt của con. Nên cái tin ông ta đòi ly dị với mẹ, qủa là một cú sốc nặng nề. Khác nào tiếng sét làm suy sụp toàn bộ tinh thần của mẹ.
Cuối cùng, ông ta cũng ra đi, mặc cho mẹ hết lời năn nỉ, cầu xin. Vài ba tháng đầu ông ta còn gửi tiền chu cấp cho con. Sau dần, bặt vô âm tín. Cuộc sống sang giàu bên người vợ đẹp đã khiến ông ta quên mất rằng, trong đời mình hãy còn một giọt máu đang sống lay lắt trong đói ngheo, sầu khổ.
Một hôm, trong lúc dọn dẹp, mẹ tình cờ phát hiện được tờ xét nghiệm năm xưa. Biết mình mang bệnh trầm kha, mẹ sợ lắm, vội đi khám nghiệm. Bác sĩ bảo, bệnh của mẹ đã bước vào thời kỳ thứ hai nên cần mổ gấp, may ra giữ được tính mạng.
Làm phẫu thuật phải đâu đơn giản. Chi phí cho một cuộc phẫu thuật lúc đó rất cao. Mẹ lại không còn một cắc, một đồng trong túi. Số tiền lương ít ỏi chỉ đủ nuôi sống hai mẹ con tạm bợ qua ngày. Bà con, họ hành đều nghèo cả, ai giúp được cho mình? Bước đường cùng, mẹ tìm đến ông ta xin chút lòng thương hại.
Nhưng bên cạnh người vợ mới, ông ta đã nhìn mẹ con mình bằng đôi mắt dửng dưng, xa lạ. Còn bảo tiền không phải là vỏ hến để có thể bố thí lung tung. Ân Tuấn ơi! Mẹ không ngờ thế gian này lại có người bạc bẽo như ông ta vậy. Trở về với căn bệnh ngày một trầm trọng thêm hơn, mẹ đà hận lòng, đã thề rằng: Trọn khiếp này sẽ không tha thứ, sẽ căm ghét người ông bội bạc kia.
Ân Tuấn! Đọc đến đây, con đã có thể hiểu được phần nào tình cảnh khốn khổ của mẹ con mình lúc đó. Từng ngày mòn mỏi chờ tử thần giơ cao lưỡi hái, mẹ đã phải sống trong tâm trạng khủng khiếp, hãi hùng.
Mẹ không sợ chết, vì chết là hết là rũ sạch mọi ưu phiền trần thế. Mẹ chỉ không đành xa bỏ con thôi. Trời ơi! Ân Tuấn hãy còn thơ dại. mẹ chết rồi ai sẽ lo lắng, cưng chiều, nuôi nấng? Gửi con vào cô nhi viện khi con vẫn còn cha, mẹ thật chẳng nỡ lòng. Cuối cùng, mẹ đành đem con nương nhờ chú thím. Họ dù sao cũng là máu mủ ruột rà. Con họ có cơm chắc con cũng không đến nỗi nào.
Dự định xong điều ấy, mẹ nhẹ cả người cảm thấy được yên lòng được phần nào trước khi xuôi tay về cõi vĩnh hằng. Ân Tuấn! Cho mẹ hôn con nhé. Một trăm, một ngày... triệu triệu cái để bù khi mẹ chết đi rồi, con không còn được ai hôn nữa. Hãy nhìn kỹ mẹ đi con. Mẹ con mình sắp không còn được ở bên nhau bao lâu nữa. Trời ơi! Con tôi ngây thơ qúa. Mất mẹ đến nơi rồi vẫn nhoẻn miệng cười. Hãy vòng tay ôm cổ mẹ bảo rằng, con yêu mẹ qúa.
Mai mốt lớn lên, đọc những dòng này, con đừng khóc nghe con. Bởi mẹ tuy chết đi, nhưng linh hồn vẫn khong tan. Mẹ sẽ quấn quýt mãi bên con, nhìn con lớn, phù hộ cho con bằng tất cả tình thương của mẹ. Mỗi lúc gặp chuyện buồn, không thể tâm sự cùng ai được, con hãy ghi ra giấy rồi đốt cho mẹ đọc. Mẹ nhất định sẽ sẻ chia, an ủi.
Ân Tuấn thương yêu! Mẹ không muốn ngưng bút, muốn rời xa con một chút nào, nhưng mắt đã hoa, tay chân rời rã. Mẹ chỉ có thể gắng hết sức mình để nói cùng con lần sau cuối. Ân Tuấn! Can đảm lên con nhé! Hãy dũng cảm đương đầu cùng nghịch cảnh. Mẹ muốn con trở thành bác sĩ. Một bác sĩ thiên tài đủ sức chữa lành mọi bệnh của nhân gian. Đừng để họ phải chết oan như mẹ khi tuổi đời còn qúa trẻ.
Ân Tuấn! Mẹ biết con làm được. Con sẽ không phụ lòng mẹ, phải không? Chỉ cần con cố gắng, mẹ nguyện sẽ gom hết sức giúp con toại nguyện. Nhất định con của mẹ sẽ là viện trưởng một bệnh viện hiện đại, tối tân nhất
... Mẹ tin như vậy...
Buông quyển nhật ký rơi xuống, Tâm Như mới hay mình đang khóc. Có lẽ cô đã khóc từ khi bắt đầu dòng nhật ký đầu tiên. Thế gian này sao lắm cảnh trái ngang, nát lòng như vậy? Còn nỗi khổ nào hơn nỗi khổ của người mẹ biết mình phải sắp xa lìa đứa con còn nhỏ dại?
Không nhìn thấy, song Tâm Như vẫn có thể hình dung được gương mặt gầy gò, xanh xao đầm đìa nước mắt của người đàn bà tên gọi Tường Minh.
Ân Tuấn không lẽ rất giống bà? Bỗng nhiên sao, Tâm Như tin như vậy.
Còn bác Mẫn? Phúc giây này, Tâm Như nghe lòng đầu mâu thuẫn. Cô không biết mình nên hay thương hay nên khinh bởi người đàn ông bạc tình, bạc nghĩa kia. Và hiện mình có nên đồng tình với thái độ dửng dưng, thù hằn của Ân Tuấn với ông? Thật ra, ông cũng đáng bị qủa báo như thế lắm.
Cô chỉ biết giờ phút này, trái tim mình ngập đầy bónh hình Ân Tuấn. Chút ác cảm vừa đến đã biến mất ngay, cô thấy mình lại tin yêu, kính trọng anh như trước. Không chỉ vì anh là một bác sĩ tài hoa mà còn là sự khâm phục, kính trọng vào nghị lực phi thường của anh nữa. Ân Tuấn! Tôi có thể cảm nhận được phần nào sự khó khăn, vất vả của anh trong một thời thơ ấu. Để được như ngày hôm nay, anh hẳn đã phải cố gắng nhiều.
Tôi sẽ không bỏ rơi anh, không để anh phải ân hận suốt đời vì phút sai lầm, nông nổi của mình. Tôi nhất định sẽ đua anh trở về với con người thật của mình. Tôi không tin trái tim anh bằng đá, khi anh có một người mẹ dịu dàng nhân hậu thế.
Cúi nhặt xấp tiền lên tay, Tâm Như quyết định sẽ đem giúp hết cho hai đứa trẻ song sinh ấy. Một khi biết rõ bác Mẫn là cha ruột Ân Tuấn, cô thấy mình không cần phải đắn đo, lựa chọn nữa.