Chương 23

Thời gian vô tình cuốn trôi mọi vết hằn trong quá khứ. Từ ngày ấy, Hoàng không về nữa. Căn nhà anh chuẩn bị cho cuộc tình hai đứa giờ buồn bã, chỉ còn một người đàn bà già thơ thẩn vào ra. Dũng lại khác, ngoài những giờ dạy ở nhạc viện, anh sống đời lãng du, tìm cảm hứng cho sáng tác. Đầu năm anh ở chùa Hương, trèo năm non bảy động. Hè đến, anh thả mình lênh đênh trên dòng Hương Giang, nghe điệu hò Huế - quê hương nơi chôn nhau cắt rún, rồi về nhà với mẹ. Có lúc anh ở tận miền hải đảo xa xôi. Anh như con thoi, rồi có những chuyến đi nước ngoài tham dự các cuộc hội thảo âm nhạc, anh thường ghé lại thăm Hoàng. Tuy vậy, nhưng ở đâu, nơi nào rồi anh cũng trở về với mẹ.
Mùa hè năm ấy, Dũng về thăm mẹ. Chưa kịp vui thì bà trở bệnh bất ngờ. Mọi cố gắng của các bác sĩ cũng vô ích trước căn bệnh người già. Ai rồi cũng đi qua cây cầu ấy, thế là bà đã ra đi vĩnh viễn. Anh nhớ đến lời Ngàn Phương nên đi đánh điện cho chị. Chị lập tức cùng hai con ra chịu tang, chị coi mẹ Dũng như mẹ mình. Đây là lần đầu tiên em trai Dũng biết đến người đàn bà đã từng làm Dũng khổ đau. Tuổi bốn mươi chị vẫn đẹp, gọn gàng, dịu dàng với đôi mắt buồn tênh.
Tang lễ mẹ Dũng được cử hàng trọng thể. Người mẹ suốt đời lam lũ vì con ở một vùng quê nghèo nàn, đến lúc xuôi tay nhắm mắt lại bị buộc ràng trong vinh quang sáng chói của con mình.
Băng tang trên ngực áo, Dũng về lại Đà Nẵng, Ngàn Phương đón anh:
- Dũng ơi! Đừng buồn nữa, dù gì thì người chết đã được yên mồ mả đẹp.
- Dũng đã cố, nhưng vẫn thấy buồn, thấy mất mát, có lẽ tại Dũng là đứa con bất hiếu.
- Dũng nên danh phận, với mẹ đó là trả hiếu.
Ngàn Phương cố làm Dũng quên buồn đau mất mẹ, Phương lảng sang chuyện khác.
- Hai đứa chờ cha nuôi về để đi biển - Phương nói với anh bằng giọng Huế - Chừ Dũng đi tắm đi, Phương nấu cơm Huế, Dũng ăn hỉ.
- Răng bữa ni Phương ngoan rứa?
- Vì có chuyện muốn nói.
Dũng định xách hành lý lên phòng dành cho anh, nghe nói, Dũng khựng lại:
- Chuyện chi mà quan trọng rứa hè?
- Đừng nôn, ăn tối xong mới nói.
Chiều từ nhà thuốc về, thấy cha nuôi ngồi đọc báo ở phòng khách, hai đứa con nhảy cỡn lên hết ầm ĩ:
- Cha ơi! Làm tuần cho bà rồi hả cha?
- Rồi - Anh vuốt tóc cô con gái.
Nghĩa chính chắn với tuổi mười tám của mình, ngồi xuống hỏi cha:
- Làm sao cha biết bà bệnh mà về kịp?
- Cha về rồi bà mới bệnh.
- Bác Hoàng có khỏe không cha?
- Bác vẫn vậy, nhưng mái đầu bạc trắng đi rồi.
Nghĩa nói như một người lớn thực thụ:
- Con thấy buồn cho bác và mẹ. Cha ơi! Chẳng lẽ người ta không quên được tình yêu sao cha?
- Có chớ, nhiều cách, nhưng có kẻ quên được hẳn, có kẻ chỉ quên trong một điều gì đó để rồi vẫn nhớ như...
Sương vọt miệng tiếp lời:
- Nè, đừng có mà dại nói điều đó trước mặt mẹ, coi chừng ăn đòn như chơi à!
- Cha ơi! Bác ấy hiểu mẹ nhiều, mà mẹ cũng yêu bác ấy lắm, hàng đêm con thấy mẹ khóc hoài.
Dũng ngồi nghe Ngàn Sương nói mà lòng thầm so sánh: "Năm nay nó đã hai mươi, hè này đã là sinh viên năm thứ ba ngành Dược, nó khác mẹ nó ngày xưa, còn thơ ngây trong trắng, cái buồn với nó như cơn gió thoảng đêm hè. Tuổi này, mẹ nó sống u buồn cô đơn như chiếc bóng lặng lẽ ". Thấy cha nuôi trầm ngâm nhìn mình, Sương lay tay cha:
- Cha ơi! Có nghe con nói không?
- Con nói gì? - Dũng giật mình hỏi lại.
- Mẹ con đâu?
- Mẹ qua bên ngoại mời ngoại và cậu về ăn cơm. Mẹ dặn con là bày bàn, chuẩn bị dọn thức ăn ra, dọn xong lên mời nội.
Cô gái ngoan ngoãn dạ rồi chạy xuống bếp.
o O o
Sau lời chia buồn cùng Dũng, chào chị sui, bà Thuận ngồi lên sau chiếc Honda. Tiến rồ máy. Ngàn Phương dặn em:
- Chở cho cẩn thận, đừng có lạng qua lạng lại, mẹ rơi à.
Tiến phân bua với Dũng:
- Anh thấy chị Hai chưa? Em đã hai tám tuổi rồi mà coi em như con nít không bằng.
Dũng cười:
- Chú lấy vợ đi cho mẹ và chị Hai an lòng. Giàu út hưởng, khó út chịu, anh tình nguyện giúp một tay.
Tiến cười:
- Nhất anh rồi! Nhưng để em kiếm đã chớ, đâu mà lấy?
Mọi người cùng cười. Tiến đưa bà Thuận về.
Dũng đích thân đưa bà Hiền đi nghỉ. Xuống lầu, anh thấy Ngàn Phương đang châm trà, anh hỏi:
- Tụi nói đâu?
- Vẫn phải ôn tập thường xuyên, đó là quy định.
Chị đặt ấm trà xuống bàn, anh lại ngồi lên chiếc ghế salon, chị đẩy đĩa bánh sang anh và rót nước, nói:
- Anh ăn thử bánh Phương làm có ngon không?
Anh cầm chiếc bánh lên và hỏi:
- Khi Sương ra trường, Phương để con trông coi nhà thuốc chớ.
- Nó phải tập ra đời, tập tự làm ăn, bên cạnh đó mình kèm cập thêm cho nói quen, không nên để con dựa vào những gì đã có sẳn. Huống chi nhà thuốc này là của anh và...
- Kìa Phương, lúc nào Phương cũng nghĩ vậy không được đâu. Đến bao giờ, cha nuôi cũng phải có trách nhiệm với con cái.
Anh hỏi tiếp:
- Còn thằng Nghĩa?
- Nó chưa kể anh nghe à? Nó thi Bách khoa Sài Gòn, ngành điện, đang chờ kết quả.
- Phương cần nói chuyện gì, nói Dũng nghe đi?
- Chuyện Ngàn Sương.
- Nó làm sao? - Anh hỏi có vẻ ngạc nhiên.
- Nó đã yêu.
Dũng cười, nụ cười vui vẻ:
- Phương quên con đã hai mươi rồi sao? Cứ để nó chọn lựa tự do trong chừng mực nào đó.
- Phương không quên, chính vì lẽ đó nên mới nói chuyện với Dũng đây.
- Có phần khó khăn.
- Phía mô? Nhà mình hay nhà họ, hay gã con trai nớ?
- Cả hai, thôi để Phương kể Dũng nghe. Hôm tết hai chị em đi thăm mộ ba nó về gần đến nhà, xe hư, Nghĩa cằn nhằn thế nào mà con Sương khóc ngay ngoài đường, trước nhà người thanh niên kia. Thấy vậy, hắn gọi vào sửa dùm. Sau đó hắn làm quen, xưng tên là Linh, năn nay hai mươi bốn tuổi chỉ học hết cấp hai, vì hoàn cảnh gia đình nghèo nên nghỉ học để học nghề sửa xe Honda. Bà mẹ hắn, Phương biết, chồng chết ở vậy nuôi con. Nay bà đã già yếu, lâu nay ở phương này Phương vẫn hay giúp đỡ bà luôn.
- Phương kể rõ ràng, vậy là chắc có lý do.
- Dĩ nhiên là có lý do, nhà thằng nhỏ đó phía sau đây thôi, cách nhà mình con đường ngắn. Thằng nhỏ yêu con Sương không giấu giếm, thường ghé qua đây chơi với Nghĩa. Phương không tỏ thái độ gì, nhưng đôi lúc buồn buồn sao ấy. Nhưng vấn đề là chỗ bà nội nó khi thấy thằng kia đến chơi có vẻ thân mật thì bà nói ngay trước mặt nó: "Nồi nào úp vung nấy, cóc mà đòi leo thang". Thằng nhỏ bỏ về ngay, con Sương nhà mình cáo bệnh nằm liệt mấy ngày.
- Sương không nói chi với Phương răng?
- Chính nó không nói mình mới khó mở lời. Phương rất tế nhị trong chuyện riêng tư của con, hình như nó cũng đã yêu cậu ấy.
- Rứa cũng chịu. Dũng biết giúp thế nào được. Nhưng điều căn bản là cậu ấy sống có tốt không? Nghèo giàu không thành vấn đề. Thế việc học hành của con có xao lãng không?
- Không. Nó vẫn học tốt. Nhưng nó ít hồn nhiên hơn khi nghe bà nội nó nghĩ như vậy.
- Thế ý của Phương thế nào?
- Phương thì không quan trọng đến nghèo giàu, chỉ mong tình yêu của chúng là thật, biết tôn trọng nhau, hy sinh cho nhau và cùng chịu khổ với nhau. Có điều nó chưa nói gì, nên không biết sự việc đến đâu, hơn nữa con mình đi học xa mỗi năm về nhà vài lần...
- Theo Dũng thì Sương đang đứng trước ngưỡng cửa tình yêu, và đang tự hỏi con tim, nhưng không quá bị lụy vì việc học vẫn tiến triển tốt đẹp. Hãy để nó tự tìm ra đáp số. Phương chỉ cần khéo léo một tí, nên hướng dẫn con hiểu thế nào là tình yêu đôi lứa một cách đúng đắn.
Ngàn Phương thở dài:
- Phương chắc khuyên con được một câu "Yêu hết mình, sống hết mình cho tình yêu". Nhưng như vậy sẽ trái với ý mẹ. Vả lại, biết con có hạnh phúc không, nếu sống với người chồng với nó quá nhiều cách biệt.
Dũng cười nhẹ:
- Tình yêu thật sự thì không bao giờ có biên giới ngăn cách hết Phương à.
Ngàn Phương nghe câu nói Dũng mà đau nhói trong tim, câu nói ấy như chỉ nói với nàng.
- Dũng nói đúng, nhưng có lẽ mình khuyên con nên học xong đại học đã.
Tự nhiên lòng Ngàn Phương thanh thản lại khi chuyện trò cùng Dũng, nàng đưa tách trà lên môi...
o O o
Nghĩa nhận dấu gọi tựu trường, chàng trai chuẩn bị cùng chị đi Sài Gòn, bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Chỉ còn hai hôm nữa, cũng là lúc Ngàn Phương nhận được dây nói chuyện đường dài Việt Nam-Paris. Chị hiểu ngay ai gọi. Cả đêm không ngủ, chị phờ phạc.
Đúng mười hai giờ trưa hôm sau, chị ra bưu điện, mười phút sau chị nghe giọng nói của anh:
- Em hả Phương?
Ngàn Phương "dạ" trên bờ môi run rẩy. Lòng quặn thắt nỗi đau, từng giọt nước mắt tràn ra không ngăn được.
- Em khóc đó à? Đừng vậy em, xa quá anh không thể lau nước mắt cho em. Em vẫn không mang khăn tay phải không?
Đúng vậy, lúc nào chị cũng quên đem khăn tay. Ngàn Phương cố nuốt nước mắt vào lòng mà tiếng nói vẫn nghẹn ngào:
- Anh gặp em có chuyện gì? Đừng nói là chuyện không may nhé! Em sẽ chết mất!
Hoàng cười nhẹ trong ống nghe:
- Anh không chuyện gì đâu, chỉ vì chuyện của Ngàn Sương thôi.
- Chuyện gì? - Nàng hỏi sửng sốt.
- Anh nhận thư khẩn của con vào sáng hôm qua. Anh phải đăng ký nói chuyện ngay với em đây. Phương! Em có biết chuyện con yêu cậu con trai nào đó tên Linh không?
- Trời ơi! Nó nói với anh à? Vậy mà em cứ chờ nó mãi.
- Có lẽ phản ứng của bà nội làm con lo sợ. Qua lời thư con viết, anh biết nó đã yêu tình yêu đầu tiên, nhưng chân thành sâu đậm. Còn tại sao con không nhận biết được là hai đứa ít gần nhau. Sự ngây thơ làm con mãi trốn chạy sự thật. Nếu em dò xét coi cậu ta sống tốt, thì đừng lý do gì làm vỡ hạnh phúc của con.
- Em hiểu Hoàng à! Anh yên tâm. Em sẽ không để con đau khổ như chúng ta ngày xưa.
- Anh có viết thư cho con, khuyên con lo học, sau khi ra trường anh sẽ lo liệu đám cưới cho nó.
Ngàn Phương run lên:
- Anh về lo cho con thật sao?
Im lặng khá lâu, Hoàng lên tiếng tiếp:
- Không. Anh không muốn em đau lòng khi thấy mặt anh. Anh sẽ gởi tiền về lo cho con, hãy cho phép anh làm điều đó nghe em. Còn bên ấy đã có Dũng.
Ngàn Phương cầm ống nghe với tâm trạng rã rời. Chị muốn nói, nhưng nghẹn ngào không nói được. Làm sao có thể nói gì khi mình thêm một lần nữa giết chết anh ấy?
- Ngàn Phương! Em có đồng ý không? Sao lặng thinh vậy?
Chị không nhịn được nói trong tiếng nức nở:
- Dạ, em bằng lòng. Ngàn Sương chắc vui lắm.
- Em lại khóc nữa rồi. Đừng khóc nữa, hãy kể cho anh nghe về cậu ấy.
- Em biết Linh là người tốt, nó rất yêu Sương, được nuôi sống và lớn lên trong gian khổ nên tính tình thận trọng, muốn tự lập cuộc đời, không muốn nhờ vả ai và rất tự tin.
- Vậy là đủ, em cố gắng nhé. Nếu không có gì cần nói, anh cúp máy nghe.
- Khoan đã anh! - Giọng chị hấp tấp run rẩy.
Đầu gục vào thành tường của căn buồng điện thoại, Ngàn Phương cầm ống nghe bằng cả hai tay như sợ nó rơi mất.
- Anh Hoàng! Hãy tha thứ cho em.
- Ngàn Phương! Em nào có lỗi. Anh không trách em. Mong thời gian sẽ giúp em lấy lại thanh thản torng tâm hồn...
- Hoàng ơi! Em...
- Anh thán phục em về sự can trường chống chọi lại số phận. Riêng anh thì không cần đến bất cứ sự thương cảm nào, dù anh chấp nhận thua cuộc, thua một người đã vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất. Anh vẫn sống và không gục ngã đâu em.
Anh đột ngột cắt máy, Ngàn Phương hoảng hốt gọi thất thanh:
- Hoàng! Nghe em nói, anh Hoàng...
Có tiếng nói rất nhẹ của cô gái nào đó:
- Thưa bà, ông ấy đã chấm dứt cuộc nói chuyện.
Chị bỏ máy xuống, thẫn thờ bước ra ngoài. Đã muộn rồi! Quá muộn rồi! Ta đã đánh mất anh ấy! Ôi! Giá được chết đi để mang nỗi niềm đau xuống tận mồ sâu. Càng mặc cảm tội lỗi với anh, niềm thương nhớ càng nhiều, theo thời gian tình yêu anh càng đậm hơn, dù đêm đêm không còn thấy Ngàn về, mà chỉ thấy hình bóng Hoàng.
- Mẹ! - Tiếng gọi thất thanh.
Ngàn Phương choàng tỉnh, chị ngơ ngác khi thấy mình đang đứng ở bờ sông, chỗ ngày nào Hoàng tìm thấy chị. Bên cạnh là Sương, cô đứng quýnh quáng dựng chiếc cúp. Nét mặt hãi hùng, cô gái ôm chầm lấy mẹ:
- Mẹ! Mẹ nè! Mẹ làm sao thế?
Cố gắng tập trung tư tưởng, chị trấn tĩnh lấy mình:
- Mẹ có sao đâu, con đi đâu vậy?
- Mặt mẹ nhìn dễ sợ như người chết rồi á! Sao lại không có gì. Con chở mẹ về nghe.
Đưa mẹ về nhà, cô thấy Linh đang nói chuyện gì với cha nuôi. Nghĩa một bên, như vui thích lắm.
Cô hét lớn:
- Nghĩa! Đưa mẹ vô nhà! Mau lên nè!
Mọi người chạy ra, thấy nét mặt của Ngàn Phương đều hoảng hốt. Dũng gọi rối rít:
- Phương! Phương! Làm sao vậy? Có chuyện gì phải không?
Dũng và Nghĩa dìu chị vào ghế ngồi. Linh chạy xuống dưới bếp pha một ly nước chanh mang lên mời tận tay Phương.
- Cô uống đi cho khỏe.
Vừa ép chị uống, Dũng vừa hỏi Ngàn Phương:
- Con chở mẹ đi đâu?
- Con đâu có chở mẹ đi. Con ra nhà thuốc, định xin mẹ ít tiền đi mua đồ dùng cá nhân cho Nghĩa đem đi. Cậu nói mẹ đi rồi, chẳng hiểu sao con chạy xe vòng vòng, cố ý tìm mẹ. Qua khỏi bưu điện một chút, con thấy mẹ như thế này đây, đang lững thững ra phía bờ sông, mẹ làm con hết hồn. Con gọi mẹ rối rít mà dựng hoài chiếc xe không được.
Dũng hỏi Ngàn Phương thật nhẹ:
- Em ra bưu điện à? Có phải Hoàng gọi điện cho em không?
Cả hai sửng sốt khi thấy Phương gật đầu. Riêng Sương càng hồi hộp. Chợt Ngàn Phương đưa tay ra hiệu Linh ghé lại gần. Chị nhìn thật lâu vào người thanh niên, Linh chịu đựng được cái nhìn như soi thấu tim gan và chờ đợi. Quả nhiên chị hỏi từng lời:
- Cháu đến đây chỉ vì thằng Nghĩa phải không? Hãy thành thật, vì cô nói chuyện duy nhất một lần này được hay mất là do cháu.
Sương tái mặt. Linh cũng vậy. Không gian rơi vào sự im lặng. Dũng nhìn Linh khuyến khích. Linh hoàn toàn bất ngờ trước diễn tiến của sự việc. Trong thâm tâm anh nghĩ mình phải đi từng bước một, và sẽ rất khó khăn để được cô gái anh yêu, khó hơn cả chuyện sống và chết. Anh quyết không lùi bước.
Tháng rộng năm dài sẽ giúp anh mọi chuyện. Vậy mà đùng một cái, anh mới đi bước đầu tiên người ta đã đặt anh vào bước cuối cùng. Thôi được ra sao thì ra, cơ hội bằng vàng chẳng nên bỏ lỡ:
- Thưa cô, cháu rất yêu Sương! Không phải mới đây mà đã bốn năm rồi! - Linh liếc Sương. Anh thấy mặt cô đỏ bừng nên mạnh dạn nói tiếp: - Nguyện vọng duy nhất của cháu là được Sương đáp lại tình yêu.
- Nếu gia đình tôi cấm đoán? - Chị hỏi mặt lạnh như tiền.
Linh nhợt mặt, nhưng anh lại quả quyết:
- Gia đình sẽ không cấm đoán nếu biết Sương yêu cháu! - Anh lại nhìn Sương, lần này bằng ánh mắt quyết liệt: - Con biết cô không phải là người mẹ thiển cận cố chấp để tâm phân biệt sang hèn, chẳng kể đến tình yêu, hạnh phúc của con mình!
- Thật là một sự tự tin qúa lớn!
Chị quay sang hỏi Sương:
- Vậy Sương! Mẹ hỏi con, con trả lời thế nào về việc Linh vừa nói? Con phải nghĩ cho kỹ, nên nhớ mẹ không đề cập đến việc này lần nữa đâu nhé!
Cô gái run lên cả người, vì bao điều trong trái tim chưa nói, cũng vì cả gương mặt mẹ bây giờ, chẳng hiểu sao chân cô khuỵu xuống bên mẹ. Cô nói rưng rưng khóc:
- Mẹ ơi! Con không biết! Nhưng....nhưng... anh ấy cứ làm con... mãi nghĩ về... về...
Linh giãn hẳn nét mặt căng thẳng trên gương mặt. Ánh mắt anh lại lung linh như cười. Chẳng hiểu sự thú nhận đầy nét thơ ngây của người yêu làm anh cảm động hay vì gương mặt của mẹ người yêu làm anh xót xa!
Mà anh, gã con trai vô cùng ngạo nghễ với bốn chữ giàu sang danh vọng, chưa từng biết quy lụy, chiều lòn, lại quỳ hẳn theo Sương trước mặt người mẹ, anh nói thiết tha:
- Cô ơi! Cháu hứa là hứa danh dự của một thằng con trai: Cháu cần tình yêu! Những điều cháu học ngoài đời còn gấp bội. Bằng hiểu biết của cháu, cháu sẽ san bằng mọi hố sâu ngăn cách trong tâm hồn Ngàn sương!
- Cậu không sợ người ta cho là cậu đào mỏ à?
- Cháu chỉ sợ trong gia đình ta thôi, chớ thiên hạ thì không thành vấn đề. Cái đó thời gian sẽ trả lời và chứng minh cho lòng cháu.
- Con gái tôi sung sướng từ nhỏ, về làm vợ cậu, cực khổ sẽ làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng?
- Mẹ! - Cô gái kêu lên vẻ ấm ức, nhưng chị lừ mắt bảo im.
Linh quả quyết trả lời:
- Cháu tin là không! Có lúc Sương cũng đâu được sống trong nhung lụa, nhưng dù có đi nữa. Sưng chưa từng quay lưng trước khổ đau của người khác, cũng như cô vậy, thường lấy sự sung sướng của người khác làm niềm vui cho mình. Nếu Sương phân biệt sang hèn, chắc cô ấy đã không yêu cháu!
- Nó không biết làm dâu, không ý thức bổn phận không biết nội trợ, tôi sợ nó không là dâu thảo, vợ hiền được.
- Mẹ! - Một lần nữa cô con gái tỏ ý phản đối mẹ. Cô chưa kịp nói gì đã bị bàn tay Linh nắm chặt. Cô hết hồn, định rụt tay ra, nhưng làm sao được.
- Cô thử cháu đó thôi, chớ cháu biết là Sương biết tất cả việc nội trợ trong gia đình, mà cô chính là người bày vẽ, Sương đã nhiền lần khoe với cháu điều ấy. Nhưng nếu Sương là người như cô nói thì với cháu cũng không quan trọng, cùng với thời gian và tình yêu của cháu, Sương sẽ vượt qua tất cả. Sương! Em nói với mẹ đi Sương!
Sương lí nhí nói với mẹ những điều cô chưa dám nói về tình yêu của hai đứa:
- Dạ, thưa mẹ... con rất yêu Linh, mẹ ạ!
Bây giờ người mẹ mới thoáng một nụ cười mãn nguyện dịu dàng nói với cả hai:
- Hai đứa đã hứa với nhau, hãy nhớ điều đó đến cuối đời. Bác Hoàng có nói với mẹ là giúp hai con tìm được hạnh phúc. Sương! Thật ra con không cần phải như vậy. Mẹ đây! Mẹ bao giờ cũng là mẹ, là bạn của con, sao con không nói gì với mẹ, mẹ buồn con điều này! Con không tin ở mẹ sao? Thôi! Mọi việc đã qua rồi, chỉ nói cho con biết vậy thôi. Con cứ an lòng học xong, khi ra trường, cha, bác Hoàng, và mẹ sẽ giúp lời với nội lo tương lai cho hai đứa. Linh! con hãy đem lại niềm vui và hạnh phúc cho Sương...
Chị đứng lên như người mộng du đi về phía thang lầu. Ba người trẻ tuổi ngỡ ngàng trước việc quá nhanh. Nghĩa đưa mắt cầu cứu Dũng. Anh khoát tay tỏ ý trấn an rồi đi nhanh lên thang lầu cùng Ngàn Phương.
Nghĩa ngáy mắt rồi nói với Sương:
- Không phải vì việc của chị với anh Linh mà mẹ như vậy đâu! Chắc do cuộc nói chuyện với bác Hoàng trưa nay.
Dù trong lòng cả ba rất vui nhưng nhìn mẹ, chúng cũng buồn bã lo lắng.
- Bác Hoàng của em có phải người đàn ông cao lớn với tóc bạc trắng hay về đây mấy năm trước không?
- Anh biết bác sao?
- Việc gì liên quan đến em anh đều biết hết, biết cả bác Hoàng là người yêu của mẹ khi xưa!
- Anh cứ như là thánh?
- Anh không phải là thánh mà vì em!
- Thôi! Bỏ qua đi, cốt yếu là làm sao cho mẹ hết buồn.
- Em muốn vui trọn niềm vui hôm nay, hay hơn hết là anh về trước lúc bà nội em đi chùa về. Mẹ vì anh chị mà còn phải đấu tranh với nội. Đây là trận chiến đấu gay go cuối cùng trong cuộc đời làm dâu của mẹ!
Nghĩa nói pha chút hài hước với Linh.
Thấy em nói đúng, Sương giục Linh về. Linh đứng lên, còn lưu luyến nhìn Sương đang buồn mà không muốn rời, nhưng đành, anh nói:
- Anh về nhé! Nếu mẹ không có gì, tối nay anh mời Sương đi chơi, mình sắp chia tay rồi.
Nghĩa gật đầu thay chị, tiễn anh ra khỏi cửa.
oOo
Paris mùa đông năm ấy. Sau khi dự buổi họp hằng năm, Hoàng tìm gặp Dũng ngay bãi xe nhà hát lớn. Hoàng nói ngay khi thấy anh:
- Tôi nghe tên anh đọc ở đài, nên ghé qua đón.
Dũng nhìn chiếc xe của Hoàng, vui vẻ hỏi:
- Anh mới đổi xe à?
- Ừ cho nó rộng rài thoải mái hơn. Bây giờ cái gì cũng làm tôi có cảm giác chật chội tù túng.
Dũng chui vào xe. Hoàng sang số, chiếc xe lao đi nhanh như tên bắn dù đường Paris mưa trơn như đổ mỡ.
- Tôi cũng muốn mua xe đi, nhưng nghĩ lại không nên.
Hoàng nói khi vẫn chăm chú lái xe:
- Đợi các nghệ sĩ, nhạc sĩ chân chính của Việt Nam mua được xe riêng rồi anh mới mua cho có vẻ bình đẳng, chắc lúc đó anh chuẩn bị về chầu trời.
- Mình còn may mắn hơn bao kẻ khác, chính bạn bè mình đây chẳng biết nói sao! Giá mà tinh thần ăn được, huy chương, bằng khen ăn được, họ đã đỡ hơn nhiều.
- Nhưng anh nên nhớ đâu chỉ trong giới của anh, mà là hầu hết, trừ vài ngành có quan hệ giao thương với nước ngoài. Nhà nước bây giờ đã mở rộng bang giao, cho phép các nước đầu tư, xây dựng đã mở, nhưng chẳng biết có khá hơn không.
- Anh mà cũng biết bi quan sao? Hãy tin tưởng và hy vọng! Điều đó giúp cho chúng ta sống he6't mình cho ngày mai.
Dũng nghiêng người và thành cửa xe, nhìn Hòang bằng đôi mắt tư lự:
- Hoàng à! Không có gì làm cho anh chao đảo cả! Bao giờ anh cũng vẫn là Hoàng, thật tôi thán phục...
- Chúng ta biết nhau ngoài hai mươi năm rồi, sao hôm nay anh lại khen tôi kỳ cục vậy?
- Vì Ngàn Phương.
Chiếc xe dừng lại, Hoàng nhấn còi, cánh cổng từ từ mở, anh cho xe thẳng và nhà để xe. Mười phút sau họ cùng nhau trong phòng khách có lò sưởi. Như bao nhiêu lần gặp nhau, họ uống rượu nhìn mưa... Một lúc lâu Hoàng lên tiếng:
- Mấy nhỏ bên nhà đều có thư cho tôi. Mới rồi có cả thư của Linh. Chúng nó nói rất rõ về cô ấy.
Dũng xốc cổ áo như thấy lạnh, điếu thuốc cháy đỏ trên môi được anh gỡ ra bỏ và gạt tàn:
- Anh Hoàng! Năm năm rồi, tôi vẫn không dám hỏi anh chuyện ngày ấy. Nhưng bây giờ cô ấy khác xưa nhiều. Tôi khẳng định cô ấy vì anh mà như vậy.
Thấy bạn vẫn không trả lời, chỉ nhìn ra đường phố mưa trắng lối đi, Dũng nói tiếp:
- Hãy tha thứ cho cô ấy. Người phương tây có câu "Người ta thật sự bắt đầu cuộc đời mình ở tuổi bốn mươi". Cô ấy sắp qua tuổi bốn mươi rồi, biết được nhiều điều, trong đó anh là nỗi mất mát to lớn nhất đời cô ây. Anh Hoàng! Hãy tha thứ đi anh!
Hoàng cười nửa miệng, anh đưa tay vuốt mái tóc bạc:
- Hai mươi lăm năm cho một cuộc tình! Ngôn ngữ nào diễn tả nổi tâm trạng tôi cho anh hiểu. Nhưng anh cứ an tâm, sống hay chết tôi chỉ yêu có mình nàng.
Hoàng buông thêm một câu nói, đối với Dũng đó là một sự không lường tột độ:
- Dù tôi đã có một đứa con trai khá lớn.
- Hoàng! Anh giỡn à?
- Giỡn làm gì chuyện ấy, nhưng tôi không bao giờ hối tiếc.
- Giờ nó ở đâu?
- Học trường nội trú, để tránh sự phiền hà của người đàn bà đó.
- Sao lại phiền hà, và như thế nào? Anh kể tôi nghe nào?
- Muốn dùng nó để có được tôi và gia tài này, nhưng sự thô bỉ, trân tráo làm tiền của cô ta làm chính đứa con mình ghê tởm. Nó yêu cầu cắt đứt quan hệ vì trước luật pháp, cô ta không còn quyền hạn gì với nó.
- Tại sao?
- Lúc đầu tôi không tin, nhưng sau đó thì thật, tôi không nỡ để giọt máu mình bị bỏ rơi, tôi bắt cô ta làm tờ cam kết và chu cấp tiền cho cô sinh nở. Nhưng cô ta muốn là muốn tôi và cái gia tài, nên mỗi ngày một đòi hỏi ngang ngược. Nhiều lần làm khó dễ, tôi phải nhờ luật sư riêng của mình lo liệu, ra pháp luật mới yên. Sau đó cô ta thấy không ăn thua gì nên bán đứa con lại cho tôi để lấy tiền. Cú đó tôi mất một số tiền khá lớn.
- Nhưng anh đã có thằng bé.
- Đúng, tài tài của cải, cả ngai vàng cùng không thể đổi được.
- Thời gian đó chắc anh khổ lắm? Tôi chẳng hiểu là năm nào?
- Dĩ nhiên là có, nhưng tôi mướn vú nuôi, anh làm gì biết được.
- Vậy tại sao bà ta còn làm phiền hà thằng bé?
- Giờ thì hết rồi! Cách đây ba năm cô ta gặp tôi đưa nó đi xem Viện Bảo tàng, cô ta tìm đến tận trường học, sợ giám đốc với tôi là chỗ thân tình nên để ý thấy, nói với tôi. Tôi rất lo ngại nhưng may thay, chính cô ta đã tự mình giết chết tình cảm thiêng liêng trong tâm hồn đứa bé. Ngay chính đứa con sinh ra cũng không thừa nhận mẹ nó! Anh đã hình dung người đàn bà đó như thế nào chưa? Điều an ủi là con trai tôi rất cảm thông và yêu mến tôi.
- Những đứa bé mang hai dòng máu tư tưởng thường không đơn giản, nếu nó quý mến anh có nghĩa là nó hấp thụ nền giáo dục tốt.
- Đúng vậy! Cô Catherine Nhân, người đỡ đầu cho nó là một vị thánh nữ.
- Nó bao nhiêu tuổi?
- Mười lăm... Tôi gặp cô ta khi cùng anh qua pháp. Lúc ấy tôi còn quá xốc nổi, không được như bây giờ.
- Nhưng anh đã không mắc bẫy?
- Với một con điếm mạt hạng, không thể mắc bẫy, nhưng mất tiền! - Hoàng như mỉa mai.
- Anh thật kín đáo, mười lăm năm mà đến giờ, anh chọn thời điểm này để nói với tôi, anh không sợ tôi nói cho cô ấy biết sao?
Hoàng khẽ lắc đầu:
- Anh vẫn chưa hiểu cô ấy trọn vẹn! Nếu cô ấy biết, sẽ thanh thản hơn bao giờ.
- Tôi không hiểu!
- Một ngày nào đó anh sẽ hiểu! Tôi nói chuyện này với anh, vì chốc nữa thôi, nó sẽ về. Anh đừng bâng khuâng, trừ ánh mắt màu hồng hun và mái tóc xoăn quắn, còn nó giống tôi như tạc.
Dũng đột nhiên thấy buồn. Nỗi buồn mà với tuổi đời anh như vậy, vẫn chưa định nghĩa được:
- Hoàng nè! Có lẽ tôi phải đi! Thật tình tôi không muốn gạt nó. Tôi biết tôi vô lý, nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ nghĩ cô ấy sẽ đau khổ vô cùng.
Hoàng ngước mặt nhìn bạn:
- Tôi coi con cô ấy như con mình, thì cô ấy cũng như vậy! Anh sẽ ngạc nhiên nhiều khi biết nó. Nó nói tiếng Pháp như người Pháp, tiếng việt như người Việt, và hết lòng yêu thích anh với Ngàn Phương.
Dũng chưa kịp tỏ thái độ ngạc nhiên đã nghe chuông cửa reo vang. Hoàng khẽ mỉm cười pha thêm cốc rượu:
- Nó về đó, hôm nay gặp anh, với nó là phần thưởng quá to lớn.
oOo
Dũng nghĩ mãi về buổi gặp gỡ cha con Hoàng, nghĩ cả điều Hoàng nói khi tiễn anh ra sân bay:
- Nếu cô ấy cứ mãi như vậy, anh hãy làm như lời tôi nói, anh sẽ thấy, tôi không nói sai. Để anh gặp Việt, tôi đã có sự suy nghĩ rồi.
Dũng lưỡng lự, anh không muốn nói, nhưng đến tháng tư anh về thăm, thấy Ngàn Phương buồn bã, tiều tụy vô cùng. Chị cố gắng che giấu không cho Dũng biết nhưng làm sao giấu được. Lúc bấy giờ Sương, Nghĩa đều ở thành phố Hồ Chí Minh. Gần gũi với anh hơn cả mẹ chúng, chúng không thể ngờ mẹ chúng có lúc như thế này. Bà Hiền, bà Thuận dù già cả vẫn thấy sự thay đổi của Ngàn Phương. Cả hai đều bày tỏ cùng anh sự lo lắng của mình. Dũng quyết định phải nói chuyện với Ngàn Phương. Không còn cách nào khác, biết đâu Hoàng nói đúng.
Sáng chủ nhật, anh rủ chị đi chơi. Nể anh, chị bằng lòng. Dũng cố ý chở chị đến ghế đá ngoài sông Hàn, chỗ ngày nào rất quen thuộc với chị. Gọi nước dừa uống. Dũng vờ hỏi:
- Phương còn giận Hoàng sao?
Chị ngạc nhiên:
- Sao Phương giận anh ấy được?
- Vậy không phải vì đứa con của Hoàng mà Phương từ bỏ anh ấy sao?
Chị tròn cả hai mắt:
- Dũng nói gì? Đứa con anh ấy? Có phải Dũng nói vậy không?
- Không sai, có phải hồi ấy vì Hoàng thú nhận có đứa con với người đàn bà khác mà Phương cương quyết cắt đứt với anh ấy?
Ngàn Phương tưởng chừng mặt đất bỗng lỡ dưới chần mình. Chị lay lay Dũng:
- Anh Hoàng có con với người khác à?
Dũng vờ ngạc nhiên:
- Rứa Ngàn Phương không biết?
Chị lắp bắp hối thúc:
- Dũng kể đi, kể chuyện anh ấy cho Phương nghe, đừng giấu điều gì.
- Sợ Phương buồn!
- Không đâu! Tại sao lại phải buồn?
Vậy là Dũng kể cho chị nghe chuyện qua đường một đêm của Hoàng với cô gái điếm Paris ngày qua Pháp với anh. Chuyện cô ta tưởng Hoàng là nai tơ, biết Hoàng có địa vị, tiền bạc, cô ta dùng giọt máu rơi kia để làm tiền anh, anh phải nhờ luật sư lo liệu. Chuyện cô gái bán con cho anh và đứa bé lớn lên nhờ sự giáo dục của cha, nó hiểu biết về quê hương cha như thế nào, nó từ chối mẹ ra sao v...v...
Anh kể hết không sót chi tiết nào, chị yên lặng lắng nghe. Rồi anh nói với chị:
- Dũng tưởng vì rứa mà Phương giận Hoàng chớ! Thằng bé đáng yêu lắm Phương nợ! Nó giống cha kể cả tính tình.
Ngàn Phương vừa cười vừa khóc:
- Anh ấy không nói. Anh ấy giấu em làm gì? Nếu biết anh ấy còn niềm an ủi, em vui mừng biết bao. Dũng ơi! Phương muốn gọi cho anh ấy quá!
Dũng hoàn toàn bất ngờ. Hoàng nói đúng! Anh biết Ngàn Phương hơn cả chị biết mình. Với chị, đây là niềm vui để lãng quên nỗi buồn. Con người kỳ lạ này chỉ có Hoàng mới hiểu cặn kẽ. Hoàng đã nói với anh: "Cô ấy càng yêu tôi, càng khổ đau nhiều khi nghĩ đến tôi cô đơn nơi đất khách. Nếu biết tôi có niềm an ủi để vui sống, cô sẽ không còn khổ tâm, và trở lại bình thường. Tôi để thằng Việt gặp anh vì lẽ đó, cô ấy không ghen đâu, vì biết linh hồn và thể xác tôi chỉ dành cho cô ấy mà thôi".
Dũng không dám tin, nhưng giờ Ngàn Phương đã chứng mình điều Hoàng nói là đúng. Thật không thể nào hiểu nổi. Tại sao hai kẻ hiểu nhau đến vậy, yêu nhau đến vậy, lại không thể sống gần nhau?
- Dũng ơi! Sao làm thinh vậy? Đi gọi điện cho Hoàng, Phương muốn nói chuyện với anh ấy.
- Được thôi. Nhưng sợ giờ này Hoàng không có nhà. Anh ấy thường đưa Việt đi đây đó trong những ngày chủ nhật, vì Việt chỉ về nhà một ngày trong tuần. Nhưng ta thử gọi xem.
Cả hai đứng lên, chị đi như chạy về bưu điện. Và lát sau, trong đường dây quốc tế, chị đã gặp Hoàng, chị hỏi giọng run run:
- Alô. Phải anh Hoàng đó không?
Im lặng khá lâu, rồi tiếng anh thong thả:
- Anh đây. Có chuyện gì không hở Ngàn Phương?
- Dũng đang ở bên em, Hoàng ơi! Dũng nói có đúng sự thật không? Anh có cháu Việt được mười lăm tuổi phải không?
- Dũng kể, dĩ nhiên là đúng.
Chị ứa nước mắt:
- Ôi, em mừng quá! Anh có niềm hạnh phúc ấy mà bao năm lại giấu em.
Hoàng thoáng mỉa mai trong giọng nói:
- Em mừng lắm vì từ nay mặc cảm bản thân em đã giải tỏa rồi chớ gì?
- Không! Không đâu anh. Những điều sầu khổ em muốn ôm trọn riêng mình, em giờ không có quyền gì để nói với anh. Em vui mừng cho anh quá! Giá anh cho phép con nó được làm quen với em thì có hạnh phúc gì bằng.
- Từ lúc biết phân biệt, nó đã biết đến em rồi. Nhưng hiểu thì nó không hiểu. Nó thường hỏi tại sao nhưng anh không thể trả lời. Nếu em muốn, anh sẽ bảo nó làm quen với em. Còn giờ anh xin lỗi, dù hôm nay là chủ nhật, anh lại có cuộc hẹn bất thường. Tạm biệt em. Hãy tự chăm sóc bản thân nhé!
Từ buồng điện thoại bước ra, Ngàn Phương chưa ráo nước mắt, nhưng ánh mắt hiện rõ nét tinh anh, rạng rỡ Dũng hiểu rằng chị đã được tiếp sức...
oOo
Trước đám hỏi của Ngàn Sương một tuần, Ngàn Phương vào thành phố HCM thăm người thầy cũ là bác sĩ Trình sẵn dịp đi khám sức khỏe và gọi điện đi Paris gặp Hoàng. Tiếp điện thoại là Việt, chú nhóc nghe xưng tên, reo lên:
- Mẹ Phương đó hả? Việt đây! Con mừng quá.
Nghe lời reo mừng rỡ của Việt, Phương cảm động:
- Mẹ gọi cho ba hả? Mẹ chờ tí, con gọi ba đây. - Việt còn nhắc chị - Nói chuyện với ba xong, mẹ cho Việt nói chuyện với mẹ nghe.
- Mẹ rất vui lòng.
Cứ nghe giọng Hoàng hỏi là Phương không kìm được nước mắt:
- Có việc gì không em?
- Em báo tin là con sắp thành hôn, lúc xưa anh có nói để anh lo toàn vẹn, em không dám sai lời.
- Anh mừng cho con! Anh sẽ lo! Còn gì không nữa em? - Anh hỏi ra vẻ thản nhiên, nhưng trong lòng thì chờ đợi một việc khác.
Ngàn Phương run rẩy:
- Dạ, còn....
- Em nói đi!
Ngàn Phương ngập ngừng. Hoàng giục một lần nữa, chị quyết định:
- Hãy tha thứ cho em. Em mong anh về. Anh hãy về ngay với em.
Từng lời nói đứt quãng, giọng Ngàn Phương tắt nghẹn. Bên kia đầu dây, Hoàng gọi như hét:
- Ngàn Phương! Hãy lặp lại, lặp lại cho anh nghe đi, anh không lầm đó chứ?
- Không, em đang chờ anh.
Chị ôm ống nghe nức nở. Bên kia tiếng Việt reo vang:
- Mẹ Phương! Xin ba cho con về với nghe mẹ?
- Mẹ sẵn sàng, nhưng có ảnh hưởng việc học của con không?
- Không đâu mẹ!
Tiếng Hoàng vang lên:
- Nếu em muốn, anh sẽ đưa Việt về. Phương ơi! Đợi anh về nghe em.
Hoàng buông ống nghe, khuỵu chân ngồi lên chiếc ghế, anh rã rời vì chiếc bóng hạnh phúc lại trở về sau mười ba năm tưởng là vĩnh viễn không còn.
Ra sân bay đón cha con Hoàng là đại gia đình Ngàn Phương.
Ở tuổi bốn chín, Hoàng vẫn còn phong độ, chỉ mái tóc bạc và vầng trán hằn sâu những nếp nhăn, ta mới nghĩ đó là người đã có tuổi. Ánh mắt, đôi môi và nụ cười điểm thêm hàng ria mép làm tôn vẻ đẹp rất đàn ông của Hoàng. Những điểm đó làm cho anh trẻ. Anh ôm từng người trong gia đình trong đôi canh tay chắc nịch của mình. Từng tiếng nói, cười, và giọt nước mắt tao phùng cứ loạn xạ cả lên. Mọi người ngơ ngác như không tin là thật. Bên kia, Việt cao lớn hơn Sương cả cái đầu, cặp mắt nâu với mái tóc bồng giống Hoàng. Đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, cậu ngạt trong vòng tay ôm siết thân tình của những người xứ sở quê hương họ nội.
Dũng ra hiệu cho mọi người dạt ra để Ngàn Phương đứng trước mặt Hoàng. Bốn mắt nhìn nhau không nói gì. Ngôn ngữ đành bất lực. Anh dang rộng vòng tay ôm trọn chị vào lòng, chị ngã người vào anh mà không biết mình phải thế nào. Nụ hôn chờ đợi ngay giữa sân bay rực nắng mùa hè.
Đánh xong những bức điện gởi đi mời những người bạn thân về dự đám cưới Ngàn Phương, Hoàng nói với Phương lúc rời bưu điện:
- Mình về nhà chúng ta nghe em.
Chiếc xe dừng lại trước nhà Hoàng, bà giúp việc tươi cười mở cổng:
- Thưa cậu, mợ mới về.
Ngàn Phương dịu dàng nói với người giúp việc:
- Dì Mẫn nè! Từ nay trở đi dì đừng gọi chúng con một cách trịnh trọng và dạ thưa nữa nghe dì. Dì trung thành giúp anh ấy bao nhiêu năm, anh ấy cũng như con đều coi dì như người thân gia đình, dì gọi vậy nghe cách biệt lắm.
- Dạ, mợ....
- Đó, dì lại dạ nữa rồi.
- Xin lỗi, tôi đã quen, bỏ khó quá.
Hoàng cười, dắt tay Phương đi vào nhà:
- Em ngồi nghỉ chút, anh pha cam tươi em uống cho khỏe tí rồi ăn cơm nghe.
Anh cư xử nhẹ nhàng, nâng niu chị như sợ chị tan biến đi. Anh bưng ly cam đưa lên tận môi chị, ép uống:
- Phương! Có phải em lo cho con không mà người em có vẻ mệt lắm vậy?
Ngàn Phương thoáng giật mình, chị cười:
- Chắc vậy, em nghĩ một lát sẽ lại sức ngay mà. Anh đừng lo.
Hoàng đưa nàng vào phòng ngủ. Căn phòng bảy năm trước vẫn không thay đổi, vẫn sạch sẽ, không chút bụi vương, chứng tỏ có bàn tay chăm sóc tận tình. Nước mắt chị lại muốn rơi trước gối chăn kỷ niệm.
- Em nằm xuống đây đi.
- Anh đi đâu? Chị hoảng hốt hỏi.
- Anh không đi đâu hết. Anh ngồi đây để nhìn em.
Chị lườm anh bằng ánh mắt đầy tìn cảm.
Anh cúi xuống hôn nhẹ nhàng lên môi chị, cọ cọ hàng ria mép lên má chị anh thì thầm:
- Bây giờ thì không có gì chia cách chúng ta nữa phải không em? Em mãi mãi là của anh, cục cưng a..
- Em muốn nói với anh....
Anh cắt ngang lời chị bằng nụ hôn cuốn hút như thuở nào.
Lạ thay, chị không còn thấy mệt mỏi, choáng váng trong đầu nữa. Trên mặt chị đã trở lại màu hồng con gái.
Pháo nổ rộn ràng, xác pháo hồng ngập lối đi, hai họ mãn nguyện trong ngày vui đôi lứa.
Khi tiệc tàn, ngày vui kết thúc, Ngàn Sương đã được rước về nhà chồng. Cuộc họp mặt đại gia đình Ngàn Phương chỉ thiếu mặt cô dâu chú rể.
Tuổi già khiến bà Hiền chậm chạp nhưng đầu óc còn minh mẫn, bà nói với bà Thuận:
- Chị Thuận nè! Tôi coi con Phương như con gái. Giờ nó chân đơn gối lẻ, chị có vui lòng để tôi gả nó cho thằng Hoàng không? Coi như mình có thêm thằng rể.
- Chị tính sao tôi cũng bằng lòng. Nói vậy, nhưng trong lòng bà Thuận chỉ mong một ngày con bà tìm được hạnh phúc.
Bà Hiền vừa cười vừa nói:
- Chị ngó xem, hai đứa đã có rể rồi, mà còn trẻ trung như vợ chồng son vậy.
Cả nhà nhìn hai người, lòng rộn rả niềm vui, làm Phương thèn thẹn.
Tối đó có bữa tiệc nhẹ. Dũng đàn tặng vợ chồng Hoàng, Phương một bản nhạc anh mới sáng tác. Tiếng đàn lướt nhẹ như gió, véo von như chim, róc rách như suối. Tiếng đàn nói lên hạnh phúc của hai người suốt hai mươi bảy năm đau khổ. Mọi người yên lặng, mọi vật như ngưng lại. Khi tiếng đàn vừa dứt, Hoàng thả tay Ngàn Phương, đến siết tay Dũng, thầm cảm ơn bằng ánh mắt.
Sáng hôm sau, cả nhà rủ nhau đi biển. Việt reo lên, giọng chú bé oang oang. Biển với chú bé lai Pháp này thật là tuyệt diệu, chú cứ ríu rít với hết người này đến nguời khác, vì xứ sở Phương Đông này cái gì cũng làm chú ngạc nhiên. Chú muốn biết hết mọi tục lệ của đất nước mang dòng máu cha. Mọi người vui vẻ, riêng Linh, anh cứ áy náy mãi việc mẹ vợ hối anh cưới sớm, có hỏi nhưng mẹ không giải thích. Linh cảm nói với anh, hình như có cái gì đó không ổn đến với mẹ vợ, anh nhập cùng mọi người mà cứ bần thần không yên.
Trưa hôm đi biển về, Phương nói với Hoàng:
- Em chưa biết Đà Lạt thế nào, nơi đó thơ mộng lắm phải không anh? Ở đó khí hậu tốt cho em hiện nay lắm.
- Mới lo cưới hỏi cho con, em còn mệt, anh thấy em hình như bị bệnh, nghỉ ngơi ít ngày cho khỏe rồi anh sẽ đưa em đi khắp nơi, bất cứ nơi nào em muốn.
- Em muốn đi ngay ngày mai, em muốn sống cho riêng chúng mình.
Hoàng thấy vợ mệt, nhưng anh hiểu theo cách khác nên cười bệu cằm vợ:
- Hai bảy năm anh chờ đợi, chỉ một câu thôi. Sao em hối chậm vậy?
Ngàn Phương nôn nóng:
- Mai lên đường nghe anh? - Như nhớ ra chị hỏi tiếp - À, còn Việt?
- Em khỏi lo điều đó. Nó có chú Dũng và anh Nghĩa rồi, dẫn theo mình làm gì, nhóm ấy hợp hơn.
Chị cười thỏa mãn:
- Chúng nó thương nhau lắm, cảm ơn anh, anh dạy con tốt quá.
- Em thua gì mà khen anh!
Cả hai im lặng, vì hai bờ môi đã tìm đến với nhau.
oOo
Chiếc Renault T25 màu trắng qua khỏi Tam Kỳ, Quảng Ngãi, vượt từng cây số một, gần vào miền Nam, khí hậu dễ chịu tươi mát hơn.
Chị nghiêng người hôn vội lên má chồng. Hoàng không rời tay lái:
- Kiểu này anh chết mất, Phương. Anh không lái nổi đến Đà Lạt đâu.
Chị cười tinh quái:
- Sao vậy?
Hoàng tinh nghịch trả lời:
- Tay nào ôm em, tay nào lái xe, mắt nào nhìn em, mắt nào nhìn đường để đi?
- Anh hư lắm! - Chị mắng yêu chồng, nhưng lại tặng tiếp anh nụ hôn.
- Đó, tại em làm anh hư.
Quốc lộ đã vắng người, anh lái xe một tay, tay kia vuốt ve bàn tay chị:
- Anh muốn nghe em hát quá!
- Anh có nhớ đêm Noel năm ấy không?
- Bất cứ một chút gì của em, anh vẫn nhớ, chính những kỷ niệm đó giúp anh vượt qua được để sống và làm việc.
Chị nhẹ nhàng hôn lên bàn tay anh rồi làm nũng:
- Em buồn ngủ quá!
- Trời ơi! Đang nói chuyện thế này em lại nói buồn ngủ, hư thật! - Anh trách yêu chị.
- Mà ngủ trên chân anh kìa, đến thẳng Đà Lạt luôn nghe.
- Được thôi, nhưng không được chọc anh, anh lái xe xuống ruộng đó.
- Không chọc đâu. Em hát anh nghe rồi ngủ thiệt!
Chị như cô gái mới chớm yêu. Chị gối đầu lên đùi anh, áp má vào bụng anh, vòng tay ôm lưng anh, chị bắt đầu hát, giọng hát không khác xưa mấy, dù mấy chục năm rồi không một lần hát lại.
Bàn tay anh đặt lên bờ vai chị, anh xúc động, hai mươi bốn năm tiếng hát chị vẫn ngọt ngào.
- Thôi ngủ đi em, hát nhiều sẽ làm em mệt.
Chị rón rén mở hạt nút áo anh, bàn tay mơn man lên lưng lên bụng, lên vùng ngực rộng căng đầy của anh. Chị đưa chiếc lưỡi tinh nghịch chọc vào rốn.
Chiếc xe dừng lại bên đường, vòng tay chị quấn cổ anh mềm mại. Anh ôm lấy thân nguời yêu, cho những nụ hôn thật dài.
- Ngàn Phương! Anh không đi nổi nữa rồi. Phương ơi! Hôn có bị phạt không em? - Anh tinh nghịch nói nhỏ vào tai chị.
- Em không biết!
- Anh cũng không biết. - Anh cười, nụ cười tươi trẻ như chàng trai mới lớn.
Lần này chị ngủ thật, ngủ say trên chân anh như đứa trẻ, bờ môi không tắt nụ cười.
Ở một trạm kiểm soát, mọi loại xe đều dừng lại, và rồi từng chiếc được đi qua, anh cảnh sát gia thông còn trẻ măng ngạc nhiên khi thấy chủ nhân chiếc Renault T25 màu trắng bạc không rời xe xuất trình giấy tờ. Anh bực mình lại gần, cửa xe bật mở, người đàn ông có mái tóc bạc mênh mông chìa giấy tờ xe, nhưng vẫn ngồi y ở tay lái.
- Xin lỗi, anh thông cảm, tôi không thể rời xe, vợ tôi đang ngủ.
Người cảnh sát trẻ nhíu mày. Anh chưa gặp trường hợp này bao giờ, nhưng dáng vẻ người đàn ông này có cái gì khiến anh không thể tỏ ra khó tính. Trả lại giấy tờ xe, theo thói quen người cảnh sát thò đầu nhìn vào xe, đập vào mắt anh là người đàn bà có suối tóc nhiều như mây giăng, gương mặt như trẻ thơ đã được no sữa đang ngủ say trên chân chồng. Đột nhiên người cảnh sát hỏi anh một câu trìu mến:
- Chị ngủ say như vầy chắc chân anh mỏi nhừ?
Anh cười, mắt rào rạt tình thương:
- Mấy ai được lấy chân làm gối cho vợ ngủ hả anh?
Thay chủ nhân, người cảnh sát đóng nhẹ cánh cửa như sợ tiếng động làm người đàn bà thức dậy, anh ra hiệu cho xe đi, tay vẫy theo một cách thân ái.
Ở Đà Lạt có một ngày, Hoàng đã thuê được căn nhà nhỏ gần khách sạn, Đồi Cù, nhờ sự giới thiệu của những người hướng dẫn du lịch. Đó là một căn nhà nghỉ mát của một thương gia ở Sài Gòn. Thỉnh thoảng chủ nhân mới về và hiện cũng đang muốn bán. Căn nhà đang được người bà con coi sóc. Nhà có vườn hoa nhỏ, có sân để xe, tiện lợi vô cùng. Thưởng người giới thiệu ít tiền và sau khi đặt cọc trước một tháng tiền, Hoàng hớn hở về khách sạn báo tin vui cho vợ.
Ngàn Phương mừng rỡ, chị hối anh xuống trả phòng để đến nhà mới. Thấy vợ hài lòng trước căn nhà mới đủ tiện nghi, Hoàng vui mừng ôm vợ vào lòng, hỏi:
- Sao em?
Ngàn Phương không trả lời, ánh mắt nàng lướt qua từng vật một và dừng lại trước phòng ngủ xinh xinh, có ba cửa sổ ra ba hướng lấp bằng kính, màn cửa bằng voan xanh làm dịu mát, Ngàn Phương cạ vào má chồng, nói trong hơi thở:
- Anh ơi! Tuyệt quá. Anh bao giờ cũng đoán được trước là em thích gì.
- Em có muốn nó là của mình vĩnh viễn không?
- Sao anh hỏi vậy? Nhà họ cho thuê thôi mà.
- Chủ nhân muốn bán, giá phải chăng anh sẽ mua nếu em muốn.
- Quyền quyết định bây giờ hoàn toàn là ở anh, ở người chồng, người chủ trong gia đình, anh muốn gì, ở đâu em nguyền sẽ theo anh cùng trời cuối đất.
Câu trả lời đằm thắm của Phương là Hoàng thấy mình quá hạnh phúc, thấy mình như đã được Ngàn Phương từ hay bảy năm về trước. Anh ghì vợ sát vào mình hơn nữa, hôn vào đôi môi còn mọng của tuổi bốn mươi.
- Em ơi, mình ơi, ăn cái gì đi, anh đói bụng quá rồi.
- Chỉ hôm nay thôi, ngày mai ăn cơm nhà.
Chị giao hẹn và bắt anh ngoéo tay. Chính vì lẽ ấy, chị mới không thích ở khách sạn.
Niềm hạnh phúc cứ mãi trào dâng trong lòng Hoàng, mỗi phút giây gần chị, anh lại phát hiện ở chị một cái mới....
Không ai có thể đoán được tuổi đời của cặp vợ chồng ấy. Họ đi khắp nơi ở thành phố Đà Lạt, họ hưởng tuần trăng mật như bao cặp vợ chồng mới cưới khác. Ngày hai bữa họ ăn cơm nhà. Có lúc thấy chị mệt anh đề nghị ăn cơm tiệm nhưng chị không chịu.
- Em đang làm vợ kia mà.
Dĩ nhiên anh chịu nhất tiếng đó, để rồi bên bàn ăn, anh khen:
- Vợ anh nấu ăn ngon nhất đời.
Anh hôn chị, miệng còn dính thức ăn, chị lại mắng anh hư, nhưng làn môi chị lại khẽ rung lên.
Đến cuối tuần, chị nói chuyện điện thoại cùng các con.
Thấy chị buồn, anh hỏi:
- Được nói chuyện với con, đáng ra em vui mới phải, sao lại buồn?
Chị giật mình như sợ anh phát hiện ra điều gì, chị chối:
- Đâu có, em nào có buồn. Nếu trên gương măt em thể hiện điều gì, chắc là em nhớ con.
- Nếu nhớ con, mình sẽ về em nhé. Với chúng ta bây giờ, đâu không là thiên đường hạnh phúc.
Chị chợt rời khỏi tâm trạng thẫn thờ và ôm lấy anh:
- Không. Không! Em muốn sống cho riêng anh, cho mình anh.
- Nhưng em nhớ con buồn vậy, anh sao yên tâm. Hay là gọi chúng nó lên đây.
- Thôi! Em không buồn nữa, cứ để chúng nó vui chơi ở nhà.
- Nè! Lúc nãy nói chuyện với Linh, em có để ý gì không?
- Gì hả anh? - Chị che giấu niềm lo lắng.
- Nói chuyện với anh nó lạ lắm, nó cứ mãi dặn anh coi chừng em, chăm sóc chu đáo cho em, lại còn nói em là tất cả cuộc đời của chúng nó. Không biết có điều gì mà chúng nó và cả em nữa giấu anh.
Chị cương quyết lôi anh ra khỏi lo âu:
- Anh vẩn vơ, có gì nào? Anh đang ở bên em chớ bộ. Linh nó xa mình hàng ngàn cây số làm sao biết bằng anh đang ở đây, anh thấy đó, em đang vui. Thôi, anh đưa em đi thăm rừng ái ân nào!
Hoàng không hề hay biết. Ngàn Phương đếm từng ngày. Mỗi tờ lịch bóc đi, chị cẩn thận bỏ vào hộc tủ. Hàng tuần đều đặn chị được anh đưa ra bưu điện để gọi về cho gia đình.
Đầu tuần lễ thứ ba, Hoàng thấy Ngàn Phương sắc diện thay đổi. Chị cố giấu nhưng vẻ xanh xao mệt mỏi lộ ra trên nét mặt, anh lo lắng hỏi:
- Em đau à? Hay vì thức khuya mệt? Anh đưa đi khám bác sĩ.
Chị dụi mặt vào ngực anh:
- Tại thức khuya đó anh. Đừng lo gì, em ngủ bù sẽ khỏe.
- Từ nay đi ngủ sớm, và mình đừng đi chơi khuya.
Đưa chị vào giường, ép chi đi ngủ, sau khi cho uống viên thuốc an thần nhẹ, Hoàng lái xe xuống phố tìm mua thêm ít thuốc bổ cho Phương. Khi anh trở về, Ngàn Phương đi đâu mất, anh hoảng hốt lái xe đi tìm, suốt giờ không gặp chị Hoàng thở phào khi về lại thấy chị tươi cười ngồi đợi. Anh đâm bổ đến ôm chị:
- Em đi đâu? Làm anh lo quá!
- Em đi khám bệnh, bác sĩ không nói gì, cho thuốc uống thôi.
Anh cau mày:
- Hồi sáng anh nói đưa em đi, em nói tại thức khuya, không chịu.
Chị nói như xin lỗi:
- Nhưng em ngủ dậy thấy đau đầu quá, nên em đón xe đi ngay, may mà không có gì, mấy ông bác sĩ nói vậy, ông chích thuốc, giờ em thấy khỏe rồi.
Hoàng lại yên tâm khi thấy chị chẳng có vẻ gì đau đớn như trước cả.
Tuần lễ thứ tư kể từ hôm hai người đến Đà Lạt. Hôm nay Ngàn Phương gọi điện về nhà sớm một ngày. Sau đó chị gọi điện về Sài Gòn chuyện trò thăm hỏi bác sĩ Trình, xong trở ra cùng Hoàng.
- Anh đưa em đi chợ - Chị nói với anh.
- Còn thịt ở tủ lạnh, em à.
- Phải mua một ít quà để đem về.
Ra xe, chị lưỡng lự rồi nói với anh:
- Em nhớ con quá!
Anh nhìn chị trong gương chiếu hậu:
- Con lớn hết rồi, chúng vui theo cái vui của mình đó em.
- Em muốn về với con, anh chìu em nhé!
Anh gật đầu:
- Với anh, khi có em, đâu cũng vậy thôi. Mai về nhé! Cả gia đình và Dũng sẽ vui mừng lắm.
Ở chợ về, chị lao nhanh vào phòng tắm khi thành phố đã lên đèn.
Chị trang điểm kỹ sau khi tắm. Trong chiếc áo ngủ màu trắng, mái tóc buông dài, chị đẹp lạ lùng. Anh bồng chị đi vào phòng.
- Em có mệt không?
- Sao anh hỏi vậy?
- Em có ốm hơn, anh bồng thấy nhẹ.
- Không. Tại em kiêng ăn, sợ mập - Chị hôn vào lồng ngực của anh.
Anh đặt chị xuống giường rồi lăn theo:
- Không được kiêng ăn, ốm đi là suy đó.
- Mập rồi anh hết yêu.
- Anh đang yêu - Vừa nói, Hoàng vừa hôn lên bộ ngực căng đầy của Ngàn Phương, cạ cạ ria mép vào má nàng, anh thì thầm:
- Đêm nay mình yêu nhau em nhé! Và anh muốn có một đứa con.
Và đêm chăn gối đến với họ thật tuyệt vời. Tóc tai chị rã rượi. Thể xác chị rụng rời. Chị nằm bên anh nghe từng khoái cảm len vào tận xớ thịt. Tay anh làm gối cho chị gối đầu.
- Hoàng ơi! Anh về em lại được ngủ trên chân anh.
Sau ân ái anh vẫn nồng nàn, hôn chị thật nhẹ nhàng trìu mến.
- Anh chìu em tất cả cái gì em muốn.
- Anh hứa rồi đó nghe.
Nghe chị giao hẹn, anh phì cười:
- Bộ ngủ suốt đường về, không ăn uống, gì hết sao?
- Ngủ trên chân anh, em làm gì biết đói.
Anh tát khẽ vào má chị, chị giữ bàn tay lại, hôn lên từng ngón tay, chị nói:
- Anh mãi mãi yêu em phải không?
- Mãi mãi.
- Anh nhất định là người cha tốt nhé?
- Nhất định.
- Cưới vợ cho Nghĩa và Việt, chọn cô nào ngoan tí nghe.
- Sao em lẩn thẩn vậy? - Anh ngạc nhiên hỏi.
- Anh hứa đi.
- Anh hứa. Nhưng điều đó em lo gì, còn lâu mà.
Vừa nói, anh vừa nhổm đầu lên nhìn vào mắt chị vẻ khó hiểu.
Chị vội vàng ôm đầu anh ấp vào ngực mình. Vẻ nghi ngờ tan biến. Anh quên hết, chỉ còn lại nổi khát khao không cùng.
- Ngủ đi anh, em hát ru anh ngủ nghe.
Một tay xoa ngực anh, một tay chị lồng vào mái tóc bạc mơn man, chị hát nhỏ bên tai anh, tiếng hát ru nhè nhẹ đưa anh vào giấc ngủ êm đềm. Đợi anh ngủ say, chị ngồi dậy, đắp chăn bông phủ kín thân anh. Chị ra bàn đọc sách. Trong ánh sáng đèn bàn, chị viết thư, ngòi bút thoăn thoắt trên giấy. Ý đã cạn, chị đặt bút xuống, xếp thư bỏ lên bàn. Chị tắt đèn, trở vào nằm bên anh. Nhưng chị không ngủ. Đôi mắt sáng hơn bao giờ hết, qua đèn ngủ mờ ảo, chị ngồi lên nhìn anh đắm đuối. Từng phần trên cơ thể anh in sâu vào ký ức chị vĩnh viễn. Thân thể rắn chắc như đá tạc không hề bạc nhược theo năm tháng. Tất cả là của chị. Chị nhìn mãi, nhìn mãi... Không giờ....một giờ...hai giờ...ba giờ...Đồng hồ điểm rời rạc. Chị lăn mình vào thân anh, hôn cuồng nhiệt vào môi anh, cả thân thể anh ấm nồng da thịt...Hoàng tỉnh giấc đáp lại môi hôn của chị cũng không kém phần cuồng nhiệt. Tay anh đốt cháy da thịt chị. Tay chị dịu dàng đưa anh vào đam mê. Chưa lúc nào Hoàng thấy chị bộc lộ hết mình nổi khát khao anh như bây giờ. Anh làm sao hiểu được, chỉ biết sung sướng trao chị tình yêu và nguồn sinh lực của mình một cách hết lòng.
Thời gian yêu dài vô tận.
Và rồi chị nằm với nụ cười trên môi. Anh hôn lên đôi vú vẫn còn căn đầy rắn chắc. Chị trở mình bước xuống giường, anh ôm lại:
- Đừng đi, em.
Chị nũng nịu:
- Em ra ngoài chút, em vào liền, chờ em nhé!
Anh gật đầu buông tay. Nước không đủ ấm nhưng chị vẫn tắm. Xong chị thay áo ngủ màu hồng tay dài, chị trang điểm lại...
Ngàn Phương trở vào, ngả người xuống tay anh. Ôm nàng vào lòng, Hoàng thoáng nghĩ: Sao cứ mỗi lần cùng nàng ân ái, mình lại thấy nàng đẹp hơn, lạ hơn? Nàng gối đầu lên tay anh:
- Ngủ trên tay anh là điều em thích nhất.
- Tay anh sẽ làm gối cho em ngủ suốt đời.
- Mai về, em lại được ngủ trên chân anh.
Hoàng để ngón tay vào môi nàng nói:
- Không được chọc lưỡi vào rốn anh nghe, xe lao xuống ruộng đó.
Ngàn Phương cắn ngón tay anh và nói một cách ngoan ngoãn:
- Em hứa sẽ không chọc anh nữa đâu.
- Ngủ đi em, trời sắp sáng.
Anh choàng tay qua nàng, mơn man lên bờ vai có vết thẹo ngày nào. Anh nhắm mắt lại, tay vẫn ôm chị trong lòng. Chị mỉm cười, nhưng hai hàng nước mắt lăn dài. Đây mới thật sự là lần khóc sau cùng trong đời chị. Chậm rãi, tay chị luồn vào ống tay áo bên kia....rướn người lên, chị đặt môi mình lên má anh, miệng còn kịp thì thầm:
- Tình yêu của em.
Rồi chị gục người bất động, buông thõng một tay áp xuống giường để rơi một phong thư xuống nền gạch lạnh lẽo. Bên ngoài, trời hừng sáng.
Anh Hoàng ơi!
Anh yêu! Được ngủ giấc ngàn thu trong tay anh, với em là niềm hạnh phúc lớn nhất trong dời. Em biết, giờ anh đang đau khổ tột cùng, nhưng em cũng biết Hoàng của em lại đứng vững như hai mươi bảy năm qua từng đứng vững, dù bằng trái tim tan nát.
Hoàng yêu dấu của em! Đời người ai không khỏi chết? Em chọn cái chết này để tránh cái chết khác. Cái chết sẽ đem lại bao đau khổ cho những người thân yêu, tránh cả sự tốn kém vô ích và điều đáng nói là được chết trong tay anh, như lòng em từng ước mong.
Hoàng! Hôm tháng ba em về thành phố, nơi ấy cho em biết trước kết cuộc đời mình. Em bị bệnh bạch cầu, khám phá bất ngờ trong lần kiểm tra sức khỏe do bác sĩ Trình đặt yêu cầu với em, khiến ông choáng váng. Nhưng không thể nào giấu em được. Em về lại Đà Nẵng âm thầm sắp xếp mấy tháng cuối cùng của đời mình (vì em quyết định không kéo dài cuộc sống bệnh hoạn của mình quá ba tháng). Anh hiểu em rất nhiều phải không anh? Kéo dài làm chi kiếp sống đau khổ nhọc nhằn! Em không tự hào đâu để khoe với anh rằng, trong ba tháng thôi, em làm việc nhiều bằng cả đời em. Từ công việc làm ăn đến lo lắng cho mọi người. Về tương lai mai sai. Ba điều quan trọng nhất, em cũng cố gắng chu đáo. Đi thăm ba, nối lại thân tình với dì Ba, và lo chuyện duyên nợ của con. Cuối cùng là anh. Anh yêu! Em trăn trở bao đêm, khóc hết bao nhiêu nước mắt trước lúc gọi anh tha thiết van xin anh trở về. Và anh của em đã trở về. Hoàng ơi! Em nợ anh hai món nợ ân tình hai mươi bảy năm, nhưng em chỉ ở bên anh hai mươi bảy ngày. Đừng cho là ngắn ngủi nhé anh! Nếu anh biết từ ngày Ngàn không còn là nỗi ám ảnh của em, em từng đêm cầu nguyện, cho được sống bên anh một ngày trong đạo nghĩa vợ chồng rồi chết em cũng vui lòng. Nay đến hai mươi bảy ngày, em nào dám gì hơn.
Hoàng yêu dấu của em! Anh đã hứa, em rất yên tâm trao lại anh gánh nặng gia đình. Từ nay anh đã có đến ba đại gia đình, có đến ba người mẹ, bốn đứa con. Nếu lúc nào đó anh sống lại cho riêng mình, ở những giây phút trống trải, cô đơn hãy nhớ rằng Ngàn Phương lúc nào cũng ở bên anh, yêu anh vô cùng bằng cả trái tim, linh hồn, thể xác.
Hoàng ơi! Gánh nặng ấy anh nhận thì nay anh làm nốt cho em những điều sau: Một là, hồ sơ bệnh lý em nằm ở bác sĩ Trình, anh có thể xem và thay em tạ lỗi với ông. Hai là, sổ sách kế toán, tài chính của nhà thuốc đem giao cho Tiến, anh giúp con và cậu nó điều hành công việc. Ba là, số vốn ngày trước anh đưa em làm ăn, nay thâu hồi lại đủ bằng vàng, cả với tài sản em làm ra được, cả chúc thư và giấy ủy quyền, thư gởi cho con, cho mọi người thân yêu, em để trong hộc tủ ngầm dưới đầu giường, anh thay em nhận lấy để lo cho các con, cho mẹ. Ngoài ra ở tủ trang điểm, trong hộc bàn có một số vàng em dành dụm mười ba năm nay, từ ngày anh giao tiền cho em làm ăn, trong ấy ghi rõ mọi số tiền em thay anh xuất ra tặng các công cuộc từ thiện, cứu trợ, giúp đỡ mọi người gặp khó khăn. Đừng ngạc nhiên mười ba năm nay em tự cho mình là người quản lý tài sản của anh, em không xứng đáng nhận những gì anh trao, cho đến lúc sắp chết, em mới thay đổi ý nghĩ này.
Hoàng! Chúng ta không như bao kẻ yêu nhau khác trong đời. Giữa chúng ta không cần lời gì để nói, để giải thích và từ khi anh trở về, ta tuy hai mà một, nên em chắc anh không ngạc nhiên, không hờn trách khi hiểu vì sao em chọn cái chết này! Em nhớ lại khi xưa thường có tâm nguyện - nếu mai này cái chết làm lụy phiền cho bao người thân yêu, em sẽ tự kết liễu, để không còn sống đến hết năm. Vì sống như loài ốc mượn hồn, sống bằng máu của kẻ khác như loài quỷ dữ, là điều em không thể chấp nhận. Anh có hiểu chăng nỗi lòng em? Từ hôm anh nhìn thấy em mỏi mệt, em lén anh lên bệnh viện Đà Lạt xuất trình giấy tờ để được mua máu truyền. Ba giờ đồng hồ nằm nhìn dòng máu đỏ của người khác đi vào cơ thể mình, em nghĩ đến anh đang hớt hải tìm em khắp nơi, mà ruột gan rối bời. Em quyết định lần truyền máu này là lần sau cùng. Em sẽ chết trong tay anh vào ngày cuối cùng ta bên nhau, Hoàng ạ. Đừng vì em mà quá đau lòng anh nhé. Em chết khi đang hạnh phúc và thanh thản tâm hồn? Hạnh phúc vì có được tình yêu của anh. Thanh thản vì em đã làm tròn trách nhiệm làm người, làm tròn lời hứa ngày nào trước bàn thờ anh Phúc.
Hoàng ạ! Không còn điều gì nói cùng anh nữa. Hãy thay em gửi lời vĩnh biệt đến những người thân yêu.
Thôi! Em dừng bút đây. Còn vài giờ sau cuối, ta bên nhau, em muốn nhìn trộm anh trong giấc ngủ, để ghi sâu hình ảnh anh yêu dấu vào đôi mắt em, trái tim, mang hình bóng anh theo em về cõi khác. Và cuối cùng, em muốn được anh yêu lần cuối, muốn được ngủ trong tay, giấc ngủ ngàn thu.
Vĩnh biệt anh, Ngàn Phương.
TB: Anh hãy đưa em về nhà. Em đã đánh điện yêu cầu mọi người có mặt đầy đủ đón chúng ta về. Nếu dì Thêm không ra được, anh nhớ báo tin, dì thương em như con ruột. Còn nữa, anh hãy thay em gởi tặng Dũng nụ hôn đầu tiên, nụ hôn cuối cùng để cảm tạ một tấm tình cao thượng.
Đà Lạt, buổi sáng....
Ngàn Sương nhận điện yêu cầu mọi người trong đại gia đình họp mặt đông đủ vào buổi chiều đón Hoàng, Phương về. Trong khi đó, trên con đường đèo, chiếc Renault T25 màu trắng bạc, lao nhanh, lao nhanh. Cầm tay lái là một người đàn ông tóc bạc, môi mím chặt, mặt lạnh lẽo như đá tạc. Trên chân ông, có người thiếu phụ, tóc xõa như mây giăng, đang say ngủ.
Đà Nẵng....buổi chiều...
Tại ngôi nhà Ngàn Phương, trang hoàng rực rỡ, bàn tiệc phủ khăn trắng tinh, hoa tươi thơm ngát. Bên trong có người đàn bà già yếu hom hem, được hai người trang tuổi cầm tay thân mật chuyện trò. Bên ngoài, kẻ đứng, người ngồi, kẻ nói chuyện, người đánh cờ chờ đợi. Có chàng thanh niên còn rất trẻ, tóc nâu óng ánh, quăn bềnh bồng, ánh mắt màu đồng hun nhấp nhổm chạy ra rồi lại chạy vào.
Trong khi ấy, chiếc xe Renault T25 màu trắng bạc vẫn lao nhanh trên con đường với tốc độ chóng mặt. Người đàn ông tóc bạc tay vẫn cầm lái, môi mím chặt, mắt hướng thẳng về phía trước. Trên chân ông người thiếu phụ vẫn ngủ. Chiếc xe không dừng lại bất cứ nơi nào.
Đà Nẵng, buổi tối.....
Nhà Ngàn Phương sáng rực ánh đèn. Ai nấy bồn chồn chờ đợi.
Có người đàn ông tuổi ngoài bốn lăm đang ngồi bên chiếc dương cầm dạo nhạc. Có người thanh niên, choàng tay qua vai người vợ trẻ, cố che giấu linh cảm không lành lớn dần trong ý nghĩ.
Thời gian chầm chậm trôi. Khoảng cách giữa chiếc xe và ngồi nhà dần dần được thu lại gần.... và rồi....
Lúc ấy đã khuya, không ai nhớ.... Chiếc xe về đến nhà dừng lại ngoài thềm. Người đàn ông tóc bạc gục đầu vào tay lái, tay run rẩy vuốt lên mái tóc người thương. Thiếu phụ dường như vẫn ngủ say. Cánh cửa sau xe bật mở.
Cả một vòng người ào đến vây kín quanh. Thế rồi...ngạc nhiên, kinh hoàng và đầy tiếng khóc.....

HẾT.


Xem Tiếp: ----