Ngoại thương Bốn của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đón nữ y tá của mình gồm một bác sĩ trưởng, một sĩ quan trợ y, một y tá trưởng trại đã già và bốn y tá: ba nam một nữ tuổi khoảng hai ba, hai bốn, khá đẹp. Ngàn Phương vào phòng làm việc trình giấy tờ. Họ nhanh chóng làm quen nhau. Mười bốn con mắt cứ đau đáu nhìn cô khi bác sĩ trưởng khoa giới thiệu tên nhau. Ngàn Phương được phân công tác chung với Kim, cô ý tá xinh đẹp về việc chăm sóc thương binh, chích và phát thuốc. Kim đưa cô vào căn phòng nhỏ thay áo quần, rồi làm việc ngay. Kim người Huế, giọng nói nhẹ đưa đẩy uốn éo: - Ngàn Phương người Đà Nẵng hả? - Dạ. - Dạ chi, mình là bạn nhau, xưng tên cho thân mật, Phương mới ra trường à? - Vâng. - Về đây cực lắm, mắc chi mà Phương không về Tổng y viện cho sướng, lại gần nhà. Cực chẳng đã ở đây vì gia đình... Ngàn Phương chịu không nổi mô! - Rồi sẽ quan Kim ạ. Ngàn Phương sẽ cố gắng. - Nói rứa chớ có Ngàn Phương làm chung mình cũng đỡ buồn. - Bệnh viện mình có bao nhiêu y tá nữ hả Kim? - Khoảng năm mươi người, còn đực rựa thì đến ba trăm, kinh không? Ác một nỗi mấy bà già với mấy mụ có chồng đã chiếm đến ba mươi người. Độc thân như tụi mình chỉ còn hai mươi. - Họ sống ra sao? - Phần đông gia đình họ ở đây, còn lại tám đứa độc thân ở khu tập thể dành cho nữ ý tá ở bên An Cựu. Kim cũng ở đó. Ngàn Phương qua ở cho vui hỉ? - Mình ở chung với chị Châu bên cổng quân đoàn, đi làm cho gần, vì mình không có xe. - Thuê nhà tốn kém lắm Phương nơ! - Đợi vài tháng coi sao đã. Giờ Kim hướng dẫn mình làm quen với công việc nhé. Ngoại thương Bốn gồm bốn dãy nhà, mỗi dãy có bốn mươi giường bệnh, phòng bệnh nặng nằm sau văn phòng làm việc, chỉ có mười hai giường. Ngàn Phương làm quen với các thương binh. Phương đi theo sau Kim vào phòng bệnh nhân. Nhìn cô y tá mới toanh dễ thương, các thương binh rất trẻ huýt gió, loạn lên như trong rạp hát. Kim trợn mắt nạt to: - Nì, làm chi mà loạn lên rứa hỉ? Muốn xuất viện vô kỷ luật không? Tiếng ồn lặng ngay nhưng lại có tiếng la to ở cuối phòng: - Cô Kim ơi! Giới thiệu đi, con búp bê xinh đẹp ấy tên gì vậy? Kim lừ mắt, giọng chua như giấm: - Ở đây không có ai là búp bê, nghe rõ chưa? Chỉ có y tá coi sóc mấy người thôi, liệu thần hồn! Giở trò là biết với tui đó nghe! Giọng nói cuối phòng vẫn tiếp tục: - Gì dữ vậy cô Kim! Cho anh em hoa lá tí mà! Ái chà, cảnh sáng hẳn lên khi bóng nàng tiên áo trắng hiện ra đó... hì... hì. Cả phòng ồ lên cười. Kim lắc đầu nói với Ngàn Phương: - Kệ tụi hắn, lính tráng thằng mô cũng như quỉ! Mình cứ phớt lờ là xong hết. Ngàn Phương gật đầu. Đặt tập hồ sơ bệnh án xuống, Kim đi bỏ từng đầu giường để cho bác sĩ đến khám. Đem giao phần cập nhiệt những bệnh nhân cần theo dõi lại cho Ngàn Phương. Cô gái bắt đầu công việc bằng thái độ ung dung, bình thản. Lấy nhiệt, đo huyết áp xong, cô trở về phòng làm việc. Sau lưng có tiếng nói lớn cố ý để cô nghe: - Chà, con bé làm phách ghê. Một tiếng nói thô lỗ vang tiếp theo: - Đ.M. mấy con lính cái mà bày đặt làm phách! Ba bảy hai mốt ngày rồi cũng nằm ngửa cho mấy thằng sĩ quan hưởng không? Ngàn Phương như bị nhát dao đâm mạnh trước câu nói quá phũ phàng. Cái tát đầu tiên của cuộc đời xáng thẳng vào cô. Vì sao? Vì sao? Những điều xấu xa bẩn thỉu ấy lại dành cho cô trong khi đây là lần đầu tiên cô gặp họ. Cô gái ráng giữ bình tĩnh nhưng vô dụng. Cô lảo đảo bước vào văn phòng. Gương mặt cô làm Kim và bác sĩ Vận - Giám đốc, giật mình. Kim hỏi ngay: - Ngàn Phương! Chuyện chi rứa? Răng tái xanh ri? Trúng gió hả? Cô gái không thể trả lời. Cô ngồi phịch xuống ghế. Bác sĩ Vận lại nắm tay cô bắt mạch rồi bỏ xuống, ông hỏi: - Chuyện gì làm cô xúc động? - "Không được nhờ vả, phải tự mình đứng trên đôi chân của mình, đây là bài học đầu tiên" - Cô nghĩ thầm, rồi gượng cười, chối biến: - Dạ không có gì, xin lỗi làm bác sĩ bận tâm. Kim nghi ngờ nhìn cô bạn mới, cô đoán hiểu: - Tụi bệnh nhân phá Phương phải không? Ngàn Phương giật mình. Kim rất tinh ý. Những câu nói tàn nhẫn, bỉ ổi lại trở về bên tai, cô cố kìm nén mà nước mắt vẫn ứa ra. Bác sĩ Vận và Kim hiểu ngay. Họ đã từng nghe từng gặp. Kim đùng đùng nổi giận, cô lay lay Ngàn Phương: - Thằng mô! Thằng mô làm chi Phương, chỉ mặt coi, bác sĩ tống đầu hắn ra viện đánh văn thư về đơn vị cảnh cáo. Ngàn Phương lắc đầu, đưa tay gạt nước mắt: - Bỏ qua đi! Mình không thể đòi hỏi kẻ khác tôn trọng mình, khi mình chưa có gì đáng để cho họ kính trọng. Hãy để Ngàn Phương làm công việc đó, thời gian sẽ giúp Phương. Bác sĩ Vận gật đầu. Ông nghĩ thầm: "Cô gái này coi trong sáng lắm, giọt nước mắt kia thật hiếm hoi ở nơi này. Mong cô ta mãi mãi được như bây giờ". - Cô Phương nè! Đừng buồn, thời gian và việc làm tốt của cô sẽ giúp cô đứng vững. Tạm thời cô đừng qua bên kia. Hãy ở đây chăm sóc thương binh nặng trong vài tuần đã. - Dạ. - Vui lên đi! Cô Kim! Đi qua khám phòng B trước. Cả hai cùng ra ngoài. Ngàn Phương bước vào phòng bệnh nặng. Tất cả thương binh đều nằm bất động. Hai hàng sérum chạy dọc theo bờ tường với những gương mặt không còn sức sống. Tất cả trần truồng, chỉ đắp một tấm "ra" trắng ngang người. Linh, trung úy trợ y đang đứng nhìn Hà, người nam y tá đang chuyền dịch vào tay bệnh nhân. Thấy cô, anh hỏi: - Cô chích tĩnh mạch khá không? - Dạ, hồi đi thực tập có chích nhiều. - Lại đây! Cô phụ anh Hà truyền dịch cho nhanh. - Dạ. - Cô cầm hộp bông tẩm alcohol, dây garô đến giường một bệnh nhân. Linh chăm chú theo dõi. Trong tích tắc cô đã làm xong. Linh buột miệng khen: - Khá lắm, anh Hà từ nay có phụ tá tốt rồi. Hà cười, anh chàng có nước da đen bóng, nhưng hàm răng lại trắng sáng: - Chà! Có trợ thủ trẻ đẹp như ri, chắc bà xã tui đổ "ghè giấm chua" quá! Ngàn Phương đỏ mặt, nhưng cô vẫn im thinh đi quanh phòng làm nốt công việc. Những tiếng rên rỉ từ cửa miệng các thương binh vừa tỉnh lại sau hậu phẫu làm cô xót xa. Cô cố gắng nhẹ tay rồi cuốn mình vào công việc, quên cả thời gian. Hà hài lòng về cô trợ thủ mới của mình. Khi ca sữa của bệnh nhân cuối cùng được đút xong, thì ngày làm việc của Ngàn Phương cũng kết thúc. Một hôm đang lui cui làm việc, bỗng nghe tiếng gọi phía sau: - Ngàn Phương! Phương thấy Toàn bước ra. Cô quay lại, Toàn đang đứng trước mắt cô mừng rỡ. Ngàn Phương cũng reo lên: - Ô anh Toàn! Anh vào bệnh viện chuyển thương hả? Dũng khỏe không? - Tôi đi tìm Ngàn Phương đây. Dũng mới nhập viện, đang nằm trong này, còn mê. Phương lo lắng đi nhanh vào phòng hồi sức Nội hai, vừa đi cô vừa hỏi: - Dũng bị bệnh gì vậy? - Sốt rét. Vừa về đơn vị, Dũng với Toàn bị đưa tăng phải ngay qua trung đoàn 51 đóng ở đồn Bạch Mã. Dũng sốt từ đêm qua, định tìm Phương với chị Châu. - Chị Châu bữa nay về hậu phẫu, phải làm ca, hôm nay chị nghỉ bù. Đến ngay cửa phòng, Ngàn Phương gặp bác sĩ Lâm, trưởng khi Nội hai. Thấy cô, anh tươi cười chào, giọng hào hoa lịch sự: - Chào Ngàn Phương! Ngọn gió nào đưa cô đến thăm tôi. - Thưa bác sĩ, tôi chỉ đến thăm bệnh nhân của bác sĩ và là người bạn tốt của tôi vừa nhập viện vào đây. - Nếu là bạn của Ngàn Phương, tôi phải quan tâm gấp bội. Ai vậy cô Ngàn Phương? - Nguyễn Dũng, Tiểu đoàn một quân y, thưa bác sĩ. Lâm xoa tay vào nhau, anh nói giọng thân tình: - Tôi vừa khám cho anh ta xong, không nhẹ nhưng sẽ qua được thôi. Dân của Tiểu đoàn Quân y sao để nặng vậy? Toàn lễ phép trả lời: - Thưa đại úy bác sĩ, anh bạn tôi được tăng phái theo hành quân. Phương tiếp lời: - Giờ xin bác sĩ cho tôi được vào thăm. - Phải nói "Nội hai" nói chung, và tôi nói riêng, hân hạnh được cô Phương ghé thăm thì đúng hơn. Cô Phương về đây gần bốn tháng, tôi được nói chuyện hôm nay là lần đầu. - Xin bác sĩ chớ quá lời, tôi thật tình không muốn làm mất thời giờ quý báu của bác sĩ. Xin phép bác sĩ cho tôi được vào. - Mời cô. Ngàn Phương chào anh bác sĩ có tiếng hào hoa, rồi đi vào cô thấy Dũng ngay. Anh còn mê, hai tay chuyền sérum, mặt hốc hác, xanh vàng. Ngàn Phương ứa nước mắt. Người bạn tài hoa của cô đang đứng gần thần chết. Cô cúi sát gọi nho nhỏ: - Dũng ơi! Dũng! Ngàn Phương đến thăm Dũng đây! Anh vẫn im lìm. Cô chạy lên xin nước đá ở tủ lạnh của Nội hai, nhúng khăn lau liên tục lên mặt, lên thân hình nóng như lửa của anh, miệng liên tục gọi anh. Khá lâu, Dũng khẽ hé mắt, Ngàn Phương cả mừng: - Dũng nhận ra Ngàn Phương không? Anh gật đầu, có cử chỉ như muốn gưỡng dậy. Cô chận lại: - Dũng nằm yên, đang chuyền sérum có Quinin. Đừng lo lắng gì, Ngàn Phương sẽ chăm sóc? Anh cần báo tin cho bác gái không? Anh lắc đầu, môi mấp máy, cô ghé tai nghe: - Đừng, nhà đơn chiếc lắm. Gặp Phương, Dũng mừng... Cô gái tỏ vẻ nghiêm trang: - Nhưng Ngàn Phương không thích gặp Dũng kiểu này đâu. - Xin lỗi. Cô tặng anh nụ cười tươi thắm: - Lỗi gì? Ngàn Phương chỉ giỡn chút thôi. Dũng ơi! Đói không? Ngàn Phương pha sữa uống nhé? Sữa Toàn đem lên đó. Toàn siết nhẹ tay bạn rồi nói: - Yên chí nghe! Có Ngàn Phương đây, mi sẽ mau hết bệnh. Dũng mỉm cười. Nụ cười méo mó, nhợt nhạt. Toàn thấy Ngàn Phương lui cui chế sữa, anh nhìn đồng hồ nói với bạn: - Tao phải về, đừng buồn hỉ? Bữa mô rảnh, tao ghé. Dũng khẽ gật đầu, dường như anh không đủ sức trả lời. Toàn chào Ngàn Phương rồi đi ngay. Cô gái bưng sữa đến ngồi bên giường: - Ngàn Phương đổ sữa Dũng uống nhé? - Đưa Dũng uống được rồi. - Không được đâu, đừng bướng. Có ai cười Dũng đâu. Nào, há miệng ra. Dũng nghe ngọt ngào cả tâm hồn. Ôi bàn tay dịu dàng, bàn tay của Ngàn Phương, anh đâu dám mơ có ngày cô chăm từng muỗng sữa cho anh! o 0 o Được Ngàn Phương báo tin. Châu vào thăm Dũng ngay. Anh đã bớt sốt. Ngồi chuyện trò một lát, Châu cùng Phương ra về, chị nói với cô: - Chắc phải qua khu tập thể ở, Ngàn Phương ơi. - Em cũng định nói với chị. - Ở đây, tụi hắn cứ đến quấy rầy, tao bực lắm! Cô gái nói giọng buồn: - Tụi mình cũng khổ thật chị Châu há. Lúc nào cũng thủ thế đề phòng, em thật mệt mỏi với cả nhân viên và bệnh nhân của bệnh viện. - Mấy bữa ni tụi trong bệnh viện đồn tùm lum, mi đang chăm sóc cho người yêu ở Nội thương hai, mi có biết không? - Họ đồn gì thây kệ, vậy càng hay, em đã quá bực rồi. Ở giữa mấy trăm y tá nam và cả ngàn thương binh, mà chỉ có hai... mươi cô gái chưa chồng thì đúng là một cực hình. Em mong họ hiểu lầm càng tốt, để khỏi quấy rầy em nữa. Buổi trưa bệnh viện yên vắng. Ngàn Phương theo Châu về thẳng Hậu phẫu. Họ tiếp tục câu chuyện khi kiểm tra áp huyết thương binh. - Độ rày còn nhận thư bốn phương không mi? - Còn, quá trời chị ơi! Thương binh về đơn vị gởi vô cùng nhiều, nhưng em chỉ đọc thôi, làm răng trả lời. Mấy ông lính thật mệt, chị thừa hiểu "hoa lá cành" nghề của mấy ổng mà. - Còn anh chàng gởi quà cho mi hàng tuần ra răng? Ngàn Phương thở dài, cô rút ống nhiệt kế xem nhiệt độ ghi vào hồ sơ theo dõi giùm Châu rồi trả lời: - Có biết mặt mũi mô mà gởi trả, hắn là ai vậy kìa? - Nhất định là nhân viên bệnh viện. Thương binh ra viện, phải về đơn vị để ra chiến trường ngay, làm chi mà gởi quà đều đặn được? Cô gái một lần nữa thở dài làm Châu không nhịn được, chị cằn nhằn: - Tao nghe mi thở dài mà phát mệt. Hay mi lấy chồng đi là mọi việc đều yên. Đang xếp hồ sơ vừa ghi chép tình trạng bệnh nhân, Ngàn Phương dừng tay rên rỉ: - Trời ơi! Lấy chồng mà chị làm như đi chợ, chồng đâu mà lấy ngang xương. - Mi ưa thì thiếu chi, bác sĩ có, sĩ quan có, trợ y có... - Thôi! Nghe chừng ấy đã phát ngán lên rồi. Vung tay lên ra hiệu cho Châu đừng kể nữa, Ngàn Phương đi thẳng đến bàn, cô đụng đầu Dụng, nam ý tá cùng phiên với Châu. Anh ta chào cô rồi hỏi Châu: - Châu ơi! Ban nãy đo huyết áp hết chưa? - Rồi, có chi không? - Coi chừng bệnh giường một, anh đi lấy thuốc. Đợi anh ta đi ra, Châu tiếp tục câu chuyện của mình: - Rứa mi thấy thằng Dũng ra răng? Hắn dễ thương đó chớ, lại chỉ có một mẹ và em trai. Ngàn Phương tỏ vẻ ngạc nhiên. - Hôm mình trên tàu, tao điều ra lý lịch cho mi. - Trời ạ! Em có gì với Dũng đâu? - Cô tỏ ý ngán ngẩm. Châu khuyên cô em gái: - Phương nì! Tao nói cho mi nghe, đừng thả mồi bắt bóng làm gì. Thời buổi ni tụi bác sĩ, sĩ quan, mười thằng đến chín thằng đã có vợ mà thấy gái đẹp cứ như mèo thấy mỡ, mình rơi vào chi khổ thân. Bao nhiêu cái gương trước mắt, mi đã thấy rồi. Muốn có hạnh phúc hãy cứ lấy người yêu mình, dù nghèo cũng được. Người em yêu nay đã chết, rồi cũng phải quên đi, không lẽ em ở vậy đến già? - Không yêu mà lấy họ chi, chỉ làm khổ cho họ mà thôi. - Mi không phải là mẫu người thích làm khổ kẻ khác. Mi tự biết mình mà. Nì! Ba thằng đàn ông khi yêu thường ngu ngốc. Mi đầy đủ bổn phận thì làm sao thằng chồng khổ được? Vả lại đến lúc có con là phải thương chồng. Thấy Châu cứ đề cập chuyện này hoài, Ngàn Phương bực mình, cô nói với chị: - Em không nghĩ chi đến chuyện đó, chị đừng nói hoài. - Tao nói rứa thôi, thấy thằng Dũng thiệt tội. Cô gái đứng lên, bụng thầm nghĩ "Bà chị này thật dư hơi để lo chuyện bao đồng". o 0 o Dũng ngồi ở ghế đá trước Nội thương hai. Ngàn Phương đến, nét mệt mỏi còn vương lên gương mặt, Dũng hỏi ngay: - Phương có vẻ mệt mỏi rứa? - Thương binh nặng chuyển về nhiều lắm. Có một người giẫm phải mìn gãy nát một chân, đôi mắt bị mù, anh ta cứ la hét mãi, giật hết dây chuyền dịch, cứ đòi chết. Ngàn Phương phải dỗ dành mãi mới chịu yên. Dũng tỏ vẻ xót xa trong lời nói: - Dũng biết nghề này cực lắm. Có lương tâm lại càng khổ. Ngàn Phương ốm nhiều. Cô gượng cười với bạn: - Tại Ngàn Phương chưa quen mấy. Cô bạn cùng làm với Ngàn Phương nói một vài năm nữa sẽ chai lì, không còn cảm xúc... - Một phần mô đó thôi, còn lương tâm là còn cảm xúc. Dũng đã bao năm rồi mà những khi thấy người chết, kẻ bị thương, lòng vẫn thấy buồn. Mong sao chiến tranh sớm chấm dứt, để Dũng được sống theo chí nguyện mình, được sum vầy cùng mẹ với em... Ngàn Phương bồi hồi trước lời tâm sự của người bạn trai. Ánh mắt buồn, gương mặt đẹp phảng phất nét trầm lặng, u uất, ngổn ngang tâm sự... Anh đại diện cho giới thanh niên ưu tú của nước non, nhưng lại bị guồng máy của lũ người vong bản đưa vào cảnh này... Tiếng Dũng đưa Ngàn Phương ra khỏi dòng suy nghĩ: - Hết giờ làm việc, Ngàn Phương chưa thay đồ về? - Kim nhờ Ngàn Phương trực đêm nay. Người yêu nó mới về. Bác Vận cũng nói bệnh nhân còn vẻ căng thẳng. Phương cố gắng giúp anh ta bình tĩnh lại. Còn Dũng, chừng nào ra viện? Dũng cười cả môi lẫn mắt: - Bác sĩ Lâm nói chờ ý kiến của Ngàn Phương! Cô gái nghe đỏ mặt khi nhớ lại bao lời đồn đại về cô từ ngày Dũng nằm viện đến giờ. - Bác sĩ Lâm thật biết nói giỡn Cô thấy nét mặt Dũng hớn hở thì phụng phịu - Dũng kìa! Mặt cứ như là con nít được kẹo. - Chớ răng! Dũng nào ngờ Ngàn Phương uy tín như thế. Ngàn Phương vờ nghiêm nét mặt: - Thôi! Không giỡn nữa! Dũng thích ở lại bệnh viện để bồi bổ lại cơ thể, hay thích về thăm mẹ và em Dũng? - Cái chi Dũng cũng muốn hết, chừ tính răng Ngàn Phương hè? Cô gái lúng tung, bụng nghĩ thầm: "Ghê chưa, cứ nói Dũng hiền. Đúng là dân Huế... " Nhưng cô cũng vờ thản nhiên như không biết: - Tùy Dũng thôi! Nếu có quyền tuyệt đối, không những chí hai điều Dũng muốn, Ngàn Phương còn thực hiện luôn cả niềm ao ước thiêng liêng của Dũng, là không để Dũng bận áo lính nữa đâu. Dũng chợt buồn, nhưng anh vẫn nói rõ thêm với cô bạn: - Dũng chỉ ao ước bàn tay mình cầm đàn thay vì cầm súng. Khi không còn cách nào khác, Dũng cương quyết bận áo lính không mang quân hàm sĩ quan. Dũng chọn quân y cũng qua nhiều gian khổ, chỉ vì một ý nghĩ duy nhất là Dũng không muốn trực tiếp giết người. Dũng không thể dâng đôi bàn tay mình, thì Dũng cố dùng nó để cứu người thôi. Nếu mai này, nhờ một điều gì Dũng được rời xa áo lính, Ngàn Phương có vui không? - Dĩ nhiên là vui lắm. - Dũng cũng vậy, nếu mai này Ngàn Phương không còn ở nơi này, Dũng cũng vui lắm. Cô gái vô cùng bối rối: - Ngàn Phương thì khác, Phương học hành ít, ra ngoài đời, sống sẽ khó khăn. Cô bỗng dỗi hờn vô cớ: - Mà mặc kệ Phương, mắc gì đến Dũng đâu chớ! Anh buồn bã nhìn nàng và nói: - Dũng xin lỗi, chẳng là thấy trong thế giới nhỏ ni cứ như đầu lầy, cứ đặt chân vô là lún sâu dần. Phương sinh ra nào phải chịu điều sỉ nhục của người đời? Cô gái nhẹ giọng lại, khi thấy Dũng hờn: - Nhưng rồi một ngày nào đó họ sẽ hiểu mình hơn, cảm ơn đã nhìn Phương tốt đẹp như vậy. Cô gái muốn xin lỗi Dũng một cách khéo léo nên đứng lên nói vui vẻ: - Phương còn một giờ nữa mới vào ca trực. Dũng có thích đi dạo một lát không? - Đi với Ngàn Phương thì đi mô cũng đi. Cả hai đứng lên, áo trắng tha thướt của Ngàn Phương bên áo bệnh nhân màu xanh xám của Dũng - Bao ánh mắt nhìn theo hai người suốt buổi đi dạo. Ngàn Phương cứ thản nhiên, Dũng lại bồi hồi...