Ngàn Phương ra Huế, trả phép và hết lời cám ơn bác sĩ chỉ huy phó. Ông an ủi ân cần và tỏ lời chia buồn. Cô gặp Châu, chị cho biết Dũng đã xuất viện, được nghỉ mười ngày phép về thăm nhà. Anh hứa sẽ về thăm cô trước lúc ra đơn vị. Nghe Ngàn Phương kể tình hình gia đình, chị than thở rồi nói: - Mình dọn nhà qua khu gia binh ở, chị đón bé Trị con chị ra ở chung. Ngày Châu và Ngàn Phương dọn nhà, Dũng lái xe hồng thập tự đến. Anh không nói gì, vào nhà dọn dẹp hết đồ đạc chất lên xe. Qua nhà mới, anh dọn xuống, rồi cùng hai người cả ngày lui cui dọn dẹp, làm bà trưởng khu nhà tập thể y tá nữ cứ mãi tấm tắc khen cậu tài xế bệnh viện thật tốt bụng, tận tâm. Phương và chị Châu cứ nao nao trong lòng thương mến. Đến buổi chiều thấy Ngàn Phương thay áo quần rồi cùng Dũng ra xe, mắt bà ta cứ long lên sòng sọc. Ngàn Phương không để ý đến, hỏi Dũng: - Đi đâu vậy Dũng? - Đi ăn. - Sao không rủ chị Châu đi với? - Chị Châu không chịu đi cùng, chị nói anh mua bánh khoái về cho chị với Kim. - Dũng ừ không? - Ừ chứ răng không? Đợi anh lái xe ra đường, cô mới chọc: - Lãnh lương chưa vậy? Ngàn Phương ăn nhiều lắm đó. Dũng cười rất hiền. - Dũng đưa Ngàn Phương đi ăn cơm lính nghèo, chịu không? Cô cảm động gật đầu. Xe qua cầu Tràng Tiền, cô chợt nhớ hỏi: - Sao Dũng biết dọn nhà mà đem xe đến? Chị Châu nói: - Dùng xe tải thương dọn nhà, không sợ bị phạt sao? - Dũng có xin phép mà. Ngàn Phương đừng giận nghe. Dũng nói dọn nhà cho người yêu. Ngàn Phương đỏ mặt: - Sao Dũng nói bậy vậy? Anh ngại ngùng rồi thú nhận: - Tại thằng Toàn, hắn về đơn vị cứ nói bậy, Dũng làm răng đính chính được? Cô gái thấy thương bạn quá, qua đôi mắt tràn ngập nỗi buồn. Gương mặt còn xanh xao của Dũng làm cô động lòng. - Dũng ơi! Hết phép chưa? - Còn mấy ngày. - Chích thuốc nhiều vô, nói mẹ cho ăn trở bữa nghe. - Ngàn Phương lo chi, vài bữa Dũng khỏe thôi. - Đừng đi hành quân nữa được không? - Quân lệnh làm răng không đi! Dũng đâu có muốn. Ngàn Phương! Dũng chia buồn với Phương và gia đình. - Chị Châu méc hả? Chị Châu thương Dũng lắm, gì cũng nói với Dũng nghe. Phương cảm ơn Dũng vì sự quan tâm. Anh cười buồn: - Mình là bạn nhau mà. Ngàn Phương quên răng? Chiếc xe dừng lại trước một quán ăn nhỏ. Ngàn Phương bước xuống, cô chợt cười. Dũng hỏi: - Chi mà Ngàn Phương vui rứa? - Phương hỏi Dũng đã, Dũng biết lái xe hồi mô rứa? - Cô nhại giọng Huế. Anh vừa đi vào quán vừa nói: - Đi tải thương, tự Dũng phải tập lái xe, lỡ tài xế tử thương phải thay ngay. Nếu không chết chắc, Ngàn Phương hỏi mần chi? - Vì thấy chỉ có mỗi mình Dũng đưa bạn gái đi ăn bằng xe hồng thập tự nên Phương hỏi cho biết. Cô không nhịn được cười khi ngồi vào bàn, Dũng cũng cười theo. o 0 o Cô trở về với công việc hàng ngày. Thời gian cứ trôi qua, cô âm thầm làm theo lời hứa với dì cậu của mình. Cô lo việc thuốc men và giúp đỡ thương binh theo khả năng của mình. Không ít người lính xưa nay coi đơn vị là nhà vì vô gia cư, nghề nghiệp, khi ra hội đồng y khoa phân loại hai, đã xin giải ngũ theo lời khuyên của cô. Không ít những thương binh nhập viện, có giấy đinh kèm theo: Nghi ngờ hủy hoại thân thể. Trong sự khôn khéo của mình, cô giúp họ thoát cảnh tù tội, trở về đời dân thường. Hôm nay cũng vậy, cầm hồ sơ thương binh chuyển tới, bác sĩ Vận cau mày ngó chằm chặp vào vết thương ở lòng bàn chân người lính bị thương. Anh lính run run nói: - Thưa bác sĩ, oan cho em. Em bị cướp mà mấy ông bên tiểu đoàn cứ nói là hủy hoại thân thể. Bác sĩ Vận nói với Ngàn Phương: - Cô Phương! Chuyển hồ sơ này qua trại bảy. Người thương binh mặt tái mét, Ngàn Phương ra dấu cho hai người thặng số đưa anh ta về phòng B. Khi còn hai thầy trò, cô hỏi ông: - Vết thương có khói súng hả bác sĩ? - Không có. Mấy ông tướng này biết cách rồi. Cô mân mê hồ sơ trong tay rồi hỏi lại ; - Thưa bác sĩ, nếu đúng là hủy hoại thân thể, sao lựa thương không đưa về trại bảy, lại chuyển cho ta? - Vừa lựa thương không dám khẳng định. Họ sợ ôm trách nhiệm một mình như chuyện hôm rồi. - Chuyện hôm rồi là chuyện gì hả bác sĩ? Bác sĩ Vận ngồi vào bàn. Ông kể sơ lược cho cô nghe: - Hôm cô nghỉ phép, ở "lựa thương" lãnh đủ. Có một thương binh về phép, hắn ghi ngay vào hồ sơ là hủy hoại thân thể, khi thấy vết thương cắt đứt ngón tay bấm còi. Không ngờ, gã đó con ông lớn hay quen biết với ai đó to lắm, chỉ bốn ngày sau, có công văn về đòi giải thích theo nghiệp vụ. Rồi thanh tra của Cục với an ninh quân đội về làm lớn chuyện. "Lựa thương" chịu khiển trách toàn thể. Anh Lễ, người ghi hồ sơ trên, bị chuyển ra bệnh xá tiểu khu Quảng Trị. Ông nói tiếp: - Vì vậy bây giờ rút kinh nghiệm, hắn chỉ dám cài hai chữ nghi ngờ, nhường quyền quyết định cho bác sĩ điều trị. Vả lại, đơn vị của người này cũng ghi nghi ngờ hủy hoại thân thể, chớ không định tội rõ ràng Ngàn Phương lựa lời để nói: - Vậy chưa chắc anh ta có tội thưa bác sĩ. Đơn vị chỉ nghi ngờ, lựa thương không quả quyết, lại chuyển cho ta, bác sĩ là cấp thẩm quyền cao nhất ở đây, quyết định sinh mạnh một con người chỉ bằng một dòng chữ. Vậy nếu không đủ yếu tố kết tội mình nên cho anh, mình nên cho anh ta con đường sống. Bác sĩ Vận nhìn cô chằm chặp: - Trái tim cô lớn lao quá đó, cô y tá bé nhỏ ạ. Hãy nói cho tôi nghe, tại sao cô yêu cầu điều đó? - Rất đơn giản, thưa bác sĩ. Bác sĩ hãy nghĩ rằng, anh ta có thể còn cha mẹ nghèo, còn em nhỏ, còn vợ con thơ dại. Hay bác sĩ nghĩ nếu mình có em hoặc cháu là anh ta chẳng hạn, trong trường hợp này sẽ ra sao? Bác sĩ hiểu tại sao em... Bác sĩ Vận mân mê cây bút trong tay. Đầy vẻ suy nghĩ, ông cầm hồ sơ Ngàn Phương đưa. Thoăn thoắt bàn tay ghi vào bệnh án: "Thương binh bị cướp cò, vết thương không có khói đen, không tìm thấy dấu vết của sự hủy hoại thân thể ". Kế tiếp đó là những dòng chữ ghi thuốc điều trị. Ông buông cây bút xuống bàn. Ngàn Phương đọc xong bệnh án, nhoẻn miệng cười: Bác sĩ Vận lắc đầu: - Cô coi chừng đó, làm ơn cho nhiều, rồi tụi nó cũng nem chai sérum vào đầu để trả ơn. - Thưa bác sĩ, không phải ai cũng vậy. Hôm về, tôi đã chẳng nghe Kim kể cái anh chàng thương binh đánh tôi không chịu lên máy bay về Sài Gòn khi chưa có lời xin lỗi tôi sao? - Chịu thua cô. À nè! - Ông vừa đứng lên, vừa nói: - Vết thương này phải ra hội đồng giám định y khoa. Nói cho anh ta mừng. Tôi đến phòng mổ, có chuyện gì mời bác sĩ Trình xử lý giùm. - Dạ. o 0 o Bác sĩ Trình với Ngàn Phương chưa một lần nói chuyện. Cô chỉ thấy anh trong phòng làm việc của anh, lúc trò chuyện, khi đánh cờ cùng bác sĩ Vận, hoặc ở hội đồng giám định y khoa. Anh là người đàn ông có hình dạnh nhỏ nhắn, chân tay lòng khòng, chân đi chữ bát, nhìn từ sau trông xấu xí. Nhưng gương mặt đẹp một cách kỳ lạ. Hàng lông mày rậm dài với đôi mắt sáng quắc như nhìn xuyên qua lòng người. Sống mũi cao. Bờ môi đỏ như son. Răng trắng đều. Anh có nụ cười độ lượng. Anh hoàn toàn sống khác với các bác khác như cô đã biết. Cứ như người lập dị. Tóc rẽ tre dài không buồn hớt. Râu mọc chẳng buồn cạo. Áo đứt khuy không màng kết. Đôi giày đi cứ để xám xịt, không có chút xira, dây giày chẳng bao giờ cột, mỡm giày cứ há ra như chó ngao ngáp. Bệnh viện các cô y tá hay tán gẫu, cứ truyền tụng bao nhiêu điều về anh. Nào là có khi không nhắc, anh chẳng nhớ tới ăn. Cứ miệt mài với bệnh nhân. Nào là đọc sách đến khi đứng dậy không biết khuya hay sáng. Có hôm đến y tá trưởng nghịch ngợm không cho ai gọi, bật đèn sáng, vậy là bác sĩ nhà ta mải mê đọc. Có lần anh y tá lên đầy ổ bánh mì đến bên, bác sĩ cầm lên vừa đọc vừa ăn chẳng buồn ngẩng lên xem thử nó từ đâu ra. Có lúc đọc xong đứng dậy là đã đến giờ làm việc. Nào là chuyện anh không hề biết trên đời này có phái nữ. Còn tính tình thì phải nói rằng, anh ta là người tiết kiệm nhất thế gian về lời nói. Ngoài sự bắt buộc trao đổi về bệnh lý, nhưng rất ngắn gọn, chính xác. Ôi! Biết bao nhiêu câu chuyện truyền miệng nửa thật, nửa giả. Chỉ có một chuyện mà không ai cho là giả được là anh không hề ra nước ngoài, nhưng anh thông thạo bảy thứ tiếng: Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Đức, Ý. Anh đâu hai bằng Y khoa một lượt. Và anh đang theo học hàm thụ chương trình khoa học không gian qua các tài liệu từ nước ngoài gởi về. Anh rất kính yêu mẹ và làm thơ hay. Anh là một bác sĩ đầy đủ sức tài, nhưng chỉ buồn là con mang nặng chiếc áo lính trên mình. Với mọi cô gái trong bệnh viện, anh là gã bác sĩ dị tướng, lập dị, ngoài chuyên môn làm các cô kính phục, chẳng có gì ở anh mà các cô ấy không cười nhạo khi nhắc đến. Nhưng với Ngàn Phương, con người ấy làm cô kính mến, nể phục, tôn trọng vô cùng, dù cô chưa được hân hạnh cùng anh nói chuyện. Hôm nay gặp anh cũng chỉ chuyện tình cờ. Đi qua tiền trạm tiểu đoàn quân y dù, chuyển hồ sơ bệnh án xong, cô về ngay trại bảy thì gặp Vân đang đi như chạy, cô hỏi bạn: - Chuyện gì vậy? - Bệnh binh bị sốt rét ác tính. Sốt dữ dội, nhưng chuyền hoài không được. Cứ chích vào là bể tĩnh mạch. Tao định lên mổ nhỏ, mời họ xuống mổ tĩnh mạch, đặt thẳng kim chuyền. - Vân cứ đi, để Phương vào thử. Cô đi thẳng vào phòng bệnh nặng, thấy bác sĩ Trình đứng đứng bên giường bệnh binh, nét mặt bồn chồn. Hai nam y tá cứ tìm tĩnh mạch mãi không được, đành lắc đầu. Phương e dè lên tiếng: - Mấy chú cho Phương tìm thử. Một người thấy cô, cười nói: - Nghe Ngoại thương bốn nức tiếng cô Phương chích tràm phát không trật một, cô thử xem, chúng tôi chịu. Ngàn Phương nghiêng đầu, thay lời chào bác sĩ Trình, cô thong thả cầm kim coi kỹ, xong lấy "garô" ướm thử vào khuỷu thay trên, rồi siết chặt lại. Bàn tay cô sờ mãi tay bệnh nhân. Cô nhất quyết sát trùng vùng chích, rồi ướm kim xuống. Một tích tắc đắn đo, cô đưa kim vào. Nhìn dòng máu đỏ chạy ngược vào dây, mọi người cùng reo lên: - Trúng rồi! Hay lắm! Nhanh nhẹn làm nốt công việc còn lại, Ngàn Phương chào mọi người ra về. Thấy Vân vừa tới cùng chuyên viên mổ nhỏ, người ý tá lúc nãy nói ngay: - Trễ tàu, cô Phương làm rồi. Vân cười nhìn bạn. Đột nhiên bác sĩ Trình hỏi cô ; - Cô làm bên bác sĩ Vận à? - Dạ. - Chích giỏi, không thấy gì sao biết là đúng? Ngàn Phương nghĩ thầm: "Giọng Bắc nghe truyền cảm thật. Ai bảo ông ta câm như hến nhỉ". Cô trả lời: - Thưa bác sĩ, chính tôi cũng không rõ tại sao. Đó chỉ là cảm giác của bàn tay. Nó nói với tôi là đúng. Và quả thật từ ngày về đây, tôi chưa bị cảm giác đánh lừa bao giờ. Bác sĩ Trình gật gù, lẩm bẩm một mình: - Coi như là khả năng cá biệt. - Không dám nhận lời khen của bác sĩ. Cô chào anh một lần nữa rồi ra đi. Bác sĩ Trình có vẻ lưỡng lự, anh gọi: - Cô Phương! Cô gái dừng chân, ngạc nhiên vô cùng: - Bác sĩ cần gì? - Nơi đây cần người như cô. Ngàn Phương khẽ cười. Ông bác sĩ trẻ này ít nói ở đâu chớ bây giờ hình như ông ta đang thích nói. - Thưa bác sĩ. Bệnh viện có biết bao nhiêu y tá giỏi. Ai cũng thâm niên nghiệp vụ hơn tôi, chắc bác sĩ chỉ giỡn cho vui. Bác sĩ Trình nhướng mắt, anh định nói gì nhưng lại bỏ đi không chào. Ngàn Phương khẽ lắc đầu: "Đúng là Nguyễn Trọng Trình". Vừa đi cô vừa nghĩ đến anh. "Đúng là một bác sĩ có lương tâm ". Giá mình có một người thầy như vậy để trao đổi nghiệp vụ, học hỏi bao điều hay ". Hôm sau cô lại gặp anh. Lần này ở ngay văn phòng trại của cô. Bác sĩ Vận và anh đang nói chuyện. Họ nói bằng tiếng Anh, nên cô hoàn toàn không hiểu gì. Bên ngoài, người tài xế lái xe cho bác sĩ chỉ huy trưởng bước vào. Anh ta cung kính cầm một tờ giấy có dấu đỏ hai tay đưa cho bác sĩ Trình. Anh đọc xong rồi thản nhiên nói: - Anh về nói với trung tá, nếu chuẩn tướng có bệnh, thì nói tài xế của ổng đưa vào phòng ngoại chẩn, gặp bác sĩ thường trực, tôi không thích giẫm lên chân người khác. Ngàn Phương nghĩ thầm: "Cũng biết nói dài đó chứ ". - Trình bác sĩ, bác sĩ chỉ huy trưởng cũng rất bực mình, nhưng bác sĩ thấy đó, ngài chuẩn gởi thư qua chỉ đích danh bác sĩ. - Anh nói với người của chuẩn tướng, tôi không có phòng mạch riêng. Anh tài xế gãi đầu: - Trình bác sĩ, hay là bác sĩ cho tôi mấy chữ. - Không viết gì cả, cứ về nói vậy. Tôi không qua tư dinh chuẩn tướng khám bệnh đâu. Anh tài xế chào rồi ra đi. Bác sĩ Vận cười nói với bác sĩ Trình: - Ông trả lời kiểu đó, lão Liễu tức ói máu chết. - Kệ lão, tính tôi không quen lòn cúi. Chiếc áo này đã trói buộc không cho tôi thực hiện hoài bão của đời mình, đôi lúc tôi muốn điên. Bác sĩ Vận khuyên bạn: - Trình này! Thời buổi ni sống như ông là cái gai đâm vào mắt "tụi nó" rồi. Ông thẳng quá, chỉ thiệt thân. Đừng vì cái nhỏ mà quên cái lớn. Chiều đó, Ngàn Phương về kể cho Châu và Kim nghe. Kim cười: - Bác sĩ Trình ngang như cua mi nơ. Mà răng tụi tai to mặt lớn ngán bác sĩ lắm. Còn chị Châu thì thực tế vô cùng: - Mấy thằng to đầu hắn thù, đổi ra tác chiến thì nguy. Từ ngày ấy, Ngàn Phương hay qua bên trại bảy, những hôm Vân trực, cô cũng ở lại trực chung, chia sẻ với bạn biết bao công việc. Trực trại bảy rất cực, vì trại điều trị tổng hợp, cả nội ngoại, ngoài da, truyền nhiễm, cả cai ma túy và bệnh tâm thần. Vì vậy Vân càng mến cô. Ngàn Phương đôi lúc tự hỏi không biết những đêm ông bác sĩ trưởng ở lại trại bệnh, có biết mình có thêm một nữ y tá không đánh số hay không?